Tây Sơn Bi Hùng Truyện

Chương 14

Nói về thủy quân Trịnh do Hoàng Đình Bảo thống lĩnh vào đóng ở cửa biển Nhật Lệ. Quân bộ do Hoàng Ngũ Phúc thống lĩnh, thấy thủy quân mình vào cửa Nhật Lệ và quân Nguyễn lui về lũy Trường Dục cố thủ, Ngũ Phúc liền cho quân vượt sông Linh Giang lập doanh trại ở Nam châu Bố Chánh.

Hoàng Ngũ Phúc dẫn các tướng ra các doanh trại chỉ vào lũy Trường Dục mà nói:

- Thành Trường Dục lũy cao hào sâu, quân Nguyễn lại đặt súng đại bác cung tên rất nhiều trên mặt thành. Theo các ngươi ta phải đánh thế nào mới hạ được thành?

Hoàng Đình Thể nói:

- Thưa thượng tướng, theo tôi ta nên tập trung súng đại bác bắn cho thành tan vỡ, rồi cho quân tràn vào thì chắc rằng sẽ chiếm được lũy Trường Dục.

Tiền Đình Hầu Hoàng Đình Thể vừa dứt lời, bỗng nghe tiếng nói lớn:

- Nếu đánh thế không thể nào thắng được!

Mọi người nhìn lại thấy một người vừa mới nói tuổi trạc ba mươi, dáng dấp ung dung, mặt mày đĩnh ngộ. Hoàng Ngũ Phúc hỏi:

- Ngươi là ai?

Huy Đình Hầu Hoàng Đình Bảo bước ra nói:

- Thưa tướng công người này ở Châu Lộc Nghệ An, tên Nguyễn Hữu Chỉnh văn võ song toàn, năm mười sáu tuổi đã thi đỗ hương cống, lúc trước vẫn thường theo tôi đi đánh giặc bể, rất giỏi thủy chiến, hiện đang ở dưới trướng của tôi.

Hoàng Ngũ Phúc hỏi Chỉnh:

- Vì sao ngươi lại nói rằng đánh như thế thì không thắng được?

Chỉnh thi lễ rồi đáp:

- Luỹ Trường Dục này là do Đào Duy Từ xây dưới thời chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên chống nhau với quân ta đến nay đã hơn một trăm năm. Thành này kiên cố vô cùng, vả lại súng đại bác của địch đặt trên mặt thành, đại bác của ta chưa bắn đến thành thì đã bị súng địch bắn ta rồi vậy.

Ngũ Phúc trầm tư nói:

- Thành Trường Dục này kiên cố thế ư? - Đội nhiên Phúc hỏi Chỉnh - Đào Duy Từ là người thế nào?

Chỉnh đáp:

- Đào Duy Từ lúc còn nhỏ chăn trâu thường ví mình như Gia Cát Lượng. Đến lúc chúa Sãi rước về phong làm Nội Tán tước Khê Lộc Hầu. Chúa Sãi có làm bài thơ tặng Đào Duy Từ rằng:

Vó ngựa sườn non tuyết lạnh lùng

Cầu hiền lặn lội biết bao công

Đem câu tá Hán ra dò ý

Lấy nghĩa tôn Lưu để ướm lòng

Bờ cõi đón chia ba thế đất

Biên thùy ngăn cách một dòng sông

Nếu như không có lời Nguyên Trực

Thì biết đâu mà đón Ngọa Long

Xem thế đủ biết Chúa Sãi cũng ví Đào Duy Từ như Gia Cát Lượng đời Hán vậy.

Nguyễn Hữu Chỉnh nói thao thao. Ngũ Phúc nghe xong cười rằng:

- Việc hơn một trăm năm trước mà ngươi vẫn thuộc làu làu, thật là thông kim bác cổ. Còn việc ngày nay theo ngươi thì phải đánh lũy Trường Dục như thế nào?

Chỉnh đáp:

- Quan trấn thủ thành Trường Dục tên Nguyễn Duy cũng là người quê ở Nghệ An vốn cùng tôi là huynh đệ đồng môn. Nay tôi xin vào thành đem ba tấc lưỡi thuyết Nguyễn Duy về hàng thì quân ta đã vào được cửa ngõ Thuận Hoá mà không tốn công sức vậy.

Hoàng Ngũ Phúc mừng rỡ khen:

- Ngươi quả nhiên là đa mưu túc trí. Nếu đại sự mà thành thì ngươi là kẻ có công đầu trong cuộc Nam chinh đó!

Nói rồi cùng vào doanh trại truyền quân bày tiệc rượu khao Nguyễn Hữu Chỉnh đợi ngày mai vào thành Trường Dục.

Ngày hôm sau tướng Nguyễn giữ thành Trường Dục là Nguyễn Duy nghe quân vào báo:

- Có một người từ quân Trịnh sang xưng tên là Nguyễn Hữu Chỉnh xin ra mắt tướng quân.

Nguyễn Duy liền cho võ sĩ cầm gươm trần đứng giăng hàng hai bên rồi cho mời Hữu Chỉnh vào. Chỉnh vào đến trông thấy hàng võ sĩ mặt đằng đằng sát khí liền cười lớn:

- Cách nhau đã mười năm giờ mới hội ngộ, sư huynh lại dằn mặt nhau đến thế. Xin hỏi nếu sư huynh bệnh nặng, tôi mang thuốc đến sư huynh lại đối đãi tệ bạc đến thế ư?

Nguyễn Duy liền đuổi võ sĩ ra ngoài, mời Chỉnh ngồi rồi nói:

- Tôi cùng sư đệ vốn rất hiểu lòng nhau. Nhưng tôi vẫn mạnh khoẻ như xưa, sao Nguyễn đệ lại nói tôi bệnh nặng là ý làm sao?

Nguyễn Hữu Chỉnh lại cười nói:

- Hiện quân ở thành Trường Dục này của sư huynh chỉ có năm ngàn, còn quân Trịnh tôi hùng binh bốn vạn. Vả lại quân ở kinh thành Phú Xuân đã đưa cả vào Quảng Nam chống giặc Tây Sơn. Sư huynh ở cái lũy cỏn con này không binh cứu viện, ấy chẳng phải là chứng bệnh nan y đó sao?

Nguyễn Duy cũng cười lớn nói:

- Đành rằng là như vậy nhưng lũy này của Khê Lộc Hầu Đào Duy Từ đắp, đạn bắn không vỡ. Năm xưa Trương Phúc Phấn chỉ có mấy ngàn quân đánh nhau với đại binh của Trịnh Tráng vẫn giữ vững thành trì. Nay ta cứ canh phòng nghiêm ngặt không ra đánh thì quân Trịnh làm gì được ta?

Nguyễn Hữu Chỉnh nghe Duy nói xong càng cười to hơn nữa, cười đến chảy nước mắt. Nguyễn Duy ngạc nhiên hỏi:

- Tại sao huynh lại cười mãi thế?

Chỉnh nghiêm nét mặt nói:

- Sư huynh nên xét lại. Thế cuộc mỗi ngày một khác nhau. Năm xưa quân Nguyễn trên dưới đồng lòng, từ quân đến tướng muôn người như một. Vả lại mấy ngàn quân của Trương Phúc Phấn liều mình chống giữ lũy Trường Dục vì tin rằng sớm chiều tất có viện binh. Quả nhiên viện binh của chúa Nguyễn kéo ra liền đánh lui quân Trịnh khỏi sông Linh Giang. Còn nay, trong triều thì Phúc Loan lộng quyền làm lắm điều xằng bậy khiến lòng người ly tán. Vậy nên ở đất Quy Nhơn giặc Tây Sơn mới nổi dậy đánh phá, chúa Nguyễn phải sai tướng đem toàn quân ở kinh thành cứu viện Quảng Nam. Thành Trường Dục tuy rằng kiên cố, nhưng ba quân đả chán, chúa nản lòng thì làm gì đem hết sức mà đánh giặc. Xem lại việc lúc thủy quân của chúa Trịnh tôi vào cửa bể Nhật Lệ thì thủy quân của sư huynh liền vào chạy vào thành cố thủ, ấy là minh chứng rõ ràng. Cái lẽ được thua ở thành Trường Dục này xem ra đã rõ. Vả lại cơ đồ của nhà Nguyễn đã đến hồi mạt vận, trong thì mục nát, ngoài thì hai đầu thọ địch, dẫu rằng Tôn Ngô sống lại cũng phải bó tay. Sư huynh là người thông minh hơn người lại chẳng thấy điều đó hay sao?

Nguyễn Duy buồn bã đáp:

- Chẳng phải là tôi không biết việc ấy. Những muốn theo về chúa Trịnh, nhưng còn phân vân người ta đối đãi với bại tướng ra sao...

Duy nói đến đây bỏ lửng. Hữu Chỉnh tươi cười bảo:

- Việc này sư huynh chớ lo, tôi xin tiến cử sư huynh lên thượng tướng công Hoàng Ngũ Phúc, thì danh lợi nào kém gì làm quan cho chúa Nguyễn.

Nguyễn Duy cả mừng nắm tay Chỉnh nói:

- Ơn của sư đệ chẳng bao giờ dám quên. Phiền sư đệ về thưa cùng Hoàng tướng công ngày mai tôi xin mở cửa ra hàng.

Hôm sau, tháng mười hai năm Giáp Ngọ (1774) niên hiệu Cảnh Hưng thứ ba lăm, Hoàng Ngũ Phúc lấy được thành Trường Dục không tốn một mũi tên hòn đạn. Phúc khen thưởng Hữu Chỉnh rất hậu và vẫn để Nguyễn Duy ở lại giữ thành, còn mình đem đại binh tiến lên đóng ở làng Hố Xá (Quảng Trị ngày nay).

Ngày ấy Hoàng Ngũ Phúc họp các tướng nói:

- Chúa Nguyễn vừa mới đưa thư cho ta hẹn trong mười hai ngày sẽ nộp Phúc Loan, và yêu cầu quân ta sau khi bắt được Phúc Loan thì hãy lui quân trả đất cho họ Nguyễn. Các ngươi thấy thế nào?

Hoàng Đình Bảo khoát tay nói:

- Mục đích của ta là chiếm đất nhà Nguyễn, diệt trừ Phúc Loan chỉ là cái cớ. Nay vô lẽ bắt được Phúc Loan lại lui quân trả đất, thì thật là tốn công vô ích!

Hoàng Đình Thể và Hoàng Phùng Cơ cùng nói:

- Lời Huy Đình Hầu nói rất phải. Nếu bắt được Phúc Loan rồi ta cứ tiến binh thì đã làm sao?

Ngũ Phúc lắc đầu bảo:

- Các ngươi nói sai rồi. Đại trượng phu phải lấy chữ tín làm đầu, huống chi ta vâng lệnh Chúa thượng truyền hịch khắp nơi là chỉ diệt trừ Phúc Loan chứ không xâm phạm đất đai của nhà Nguyễn. Nay nuốt lời tiến quân e rằng chúa ta mang tiếng thất tín với thiên hạ. Ngộ nhỡ chúa bắt tội thì ta biết ăn nói ra sao? Chi bằng ta án binh bất động rồi giải Phúc Loan về kinh đồng thời xin lệnh chúa thế nào!

Nguyễn Hữu Chỉnh đứng dậy thưa:

- Việc quân thành bại cốt ở thời cơ, nay thành Phú Xuân trống rỗng, ta mang đại binh vào đánh một trận ắt thu phục được kinh thành nhà Nguyễn. Nếu chờ họ giao nộp Phúc Loan rồi về kinh, lại chờ chiếu lệnh vào, mất ít thì cũng hơn một tháng. Lỡ họ lùi được quân Tây Sơn rồi điều binh ra ngoài cứu viện thì thật khó khăn cho ta. Theo ý tôi sau khi bắt được Phúc Loan, tướng công hãy truyền hịch và thư cho chúa Nguyễn rằng: Tuy bắt được Phúc Loan nhưng miền Trong hãy còn giặc Tây Sơn, ta xin đem quân vào Phú Xuân hợp sức dẹp giặc. Nếu chúa Nguyễn không bằng lòng thì ta đã có cớ để tiến binh. Tôi chắc rằng Chúa thượng hay được chẳng những không bắt tội mà còn trọng thưởng cho tướng công nữa.

Ngũ Phúc mừng rỡ khen:

- Hữu Chỉnh quả là cao kiến! Miễn làm sao có cớ để tiến quân, trên không mắc tội với chúa, dưới không ngượng miệng với dân. Dù ai đàm tiếu mặc lòng.

Nói xong truyền quân bày yến tiệc, lệnh cho tướng sĩ án binh bất động, chờ ngày quân Nguyễn giao nộp Phúc Loan.

*

* *

Khi ấy ở thành Phú Xuân, chúa Nguyễn Định Vương sai quân bắt Phúc Loan bỏ vào tù xa mang ra nộp cho Hoàng Ngũ Phúc. Lúc ra khỏi hoàng cung dân chúng trong kinh thành đổ xô đến xem, người đông nghìn nghịt. Có kẻ mắng:

- Chính do mày mà dân tình thống khổ, đất nước ngửa nghiêng. Nay mày dù chết đi cũng chưa đền hết tội.

Kẻ khác lại nhạo:

- Ngày nào thì lên xe xuống ngựa, uy quyền tột đỉnh, muốn chém giết ai mặc lòng. Nay bị người khác giết lại ấy cũng là quả báo mà thôi!

Trương Phúc Loan nghĩ thầm:

- Năm xưa ta có thề với Tiên vương rằng: Nếu mà gian dối thì sẽ bị trăm quan bắt nộp cho địch quân xử tội bêu đầu. Nay lời thề xưa đã ứng. Thật là có quả báo không sai!

Hoàng Ngũ Phúc đã được Trương Phúc Loan rồi, sai quân giải về Thăng Long cho Trịnh Sâm xét xử. Trịnh Sâm truyền đem ra chém.

Giao nộp Phúc Loan xong chúa tôi nhà Nguyễn chờ tin quân Trịnh lui binh. Bỗng một hôm nhận được thư Hoàng Ngũ Phúc, chúa Nguyễn Định vương đọc xong quăng thư xuống đất nghiến răng trợn mắt quát:

- Thằng Hoàng Ngũ Phúc thật là quân bội tín. Ta giao nộp Quốc phó cho chúng những tưởng chúng sẽ lui quân, ngờ đâu nay chúng viết thư bảo: Trong Quảng Nam hãy còn giặc Tây Sơn, chúng sẽ đem quân vào Phú Xuân hợp sức cùng quân ta dẹp giặc. Thật là phường điêu ngoa dối trá. Nếu biết vậy cần gì phải hy sinh Quốc phó.

Thấy chúa nóng giận, Nguyễn Đăng Trường can:

- Xin Chúa thượng bớt giận, ta giao nộp quan Quốc phó ấy là kế hoãn binh chờ Tôn Thất Tiệp và Nguyễn Văn Chính điều binh ở Quảng Nam ra cứu viện, thì không phải là Quốc phó hy sinh vô ích. Nay có lẽ Tiệp và Chính cũng sắp về đến.

Trường vừa dứt lời có quân vào báo:

- Kính Chúa thượng, tướng quân Tôn Thất Tiệp và Nguyễn Văn Chính dẫn quân về đang đợi lệnh ở cổng Nam kinh thành.

Chúa Định Vương liền bảo:

- Hãy mau truyền hai tướng vào ngay!

Tiệp và Chính vào đến, chúa vội vàng nói:

- Hai tướng về thật là đúng lúc. Nay Nguyễn Duy đã mở cổng thành Trường Dục đầu hàng quân Trịnh. Quân địch chỉ cách kinh thành chừng vài trăm dặm, hai tướng hãy kíp đem quân ra Bắc đánh giặc.

Tôn Thất Tiệp thất kinh nói:

- Thôi chết! Lâu nay ta chống nhau với quân Trịnh cốt nhờ vào thành Trường Dục, nay thành đã mất e rằng khó giữ được kinh thành.

Nguyễn Đăng Trường trấn an hai tướng:

- Nhị vị tướng quân chớ nên lo sợ. Tuy thành Trường Dục đã mất, nhưng giặc chưa đến sông Bái Đáp Giang, xin Tôn tướng quân mau dẫn bộ binh và Nguyễn tướng quân mau đem thủy binh cùng đến sông Bái Đáp Giang (Bến Hải ngày nay) gắng sức chống giặc. Chờ lão tướng Tống Phước Hiệp dẹp xong giặc Tây Sơn rồi hợp quân đánh Trịnh ắt là khôi phục được cơ đồ.

Tiệp và Chính cùng khóc lạy chúa, Chính nói:

- Người xưa có nói: Nuôi quân ba năm dụng một giờ. Nhà chúng tôi đã mấy đời công hầu thọ ơn sâu của chúa. Giặc đến, phận làm tướng phải liều mình vì xã tắc, dù không thắng được giặc chúng tôi xin chết giữa sa trường để đền nợ quân vương.

Chúa cũng cầm tay hai tướng khóc:

- Nước loạn mới biết trung thần, nay xã tắc ngửa nghiêng, ta chỉ còn trông cậy vào hai tướng mà thôi. Hai khanh nên gắng sức, mau báo tiệp khải hoàn cho an lòng quả nhân.

Tiệp và Chính lại khóc lạy, trước lúc ra đi còn bịn rịn không rời. Tôn Thất Tiệp dẫn bộ binh một vạn đến đóng đồn bố trận ở bờ Nam sông Bái Đáp Giang, còn Nguyễn Văn Chính dẫn thủy binh một vạn đến đóng thủy trại ở ngoài cửa bể Bái Đáp Giang.