Hồng môn nằm trên một đoạn đường đồi ở gần núi Ly Sơn. Đoạn đường đồi đó gọi là Hồng Pha. Phần chính giữa bị đứt quãng, tạo thành địa hình giống như cái cửa, nên mới gọi là Hồng môn, cũng gọi là Hồng môn Pha. Nơi đây không có nhà cửa gì hết, mà chỉ có những đồi đất, cho nên địa điểm này nếu tiến thì có thể vào Quan Trung, mà thoái thì có thể chiếm lấy những địa hình hiểm yếu để phòng ngự, vị trí hết sức quan trọng, vì vậy Hạng Võ đã cho đại quân của mình hạ trại tại đây. Từng lều trướng một được dựng lên rất ngay hàng thẳng lối, bốn chục vạn đại quân luôn ở tư thế có trận tự, khiến cho Hồng môn nguyên là một nơi không có nhà cửa, đã trở thành một chốn khác hẳn. Các binh sĩ đóng tại đây để chờ mệnh lệnh, nhưng bao lâu mới có mệnh lệnh và nhiệm vụ tác chiến, họ hoàn toàn không hiểu rõ, nhưng họ cũng không muốn đi tìm hiểu làm gì. Sau một thời gian dài trải qua những cuộc xung phong chém giết, họ xem chuyện chiến tranh là điều rất bình thường. Dưới mắt họ, trong thiên hạ không còn kình địch nào mà họ không thể chiến thắng. Cho nên, sau khi hạ trại xong họ cảm thấy rất dễ chịu. Họ muốn lợi dụng thời gian này để nghỉ ngơi, vui chơi giải trí. Còn có người dám đề xuất việc leo lên núi Ly Sơn để hưởng ngoạn cảnh đẹp của núi sông.
Yêu cầu đó của các binh sĩ tất nhiên là không được chấp thuận. Nhưng, một số binh sĩ thường ngày có liên hệ tốt với Bồ tướng quân thì lại có thể thực hiện được nguyện vọng của mình. Trước tiên, họ nó rõ ý đó cho Bồ tướng quân nghe, rồi sau đó thúc giục Bồ tướng quân xin phép với Hạng Võ. Bồ tướng quân là người ở quận Đông Hải, từ trước tới nay chưa bao giờ vào Quan Trung, cũng muốn đi xem cảnh núi non, cho nên sau khi đóng quân dưới chân núi Ly Sơn, hơn nữa thời gian này lại được rảnh rỗi, cho nên ông ta cũng đồng ý leo núi với các binh sĩ của mình. Nhưng, khi đến trước mặt Hạng Võ, thì ông ta còn lấy lý do chính đáng hơn: dẫn mấy tùy tùng thân tín leo lên Ly Sơn để quan sát địa hình, biết rõ địa thế. Hạng Võ nghe qua vui vẻ đồng ý, thế là mấy người họ cùng nhau vui vẻ bắt đầu leo núi.
Ly Sơn tương truyền ở thời Thương - Châu là địa phận của nước Ly Nhung. Ngọn núi này phía đông nằm sát Hồng môn, phía tây tiếp cận Chung Nam Sơn, phía bắc có sông Vị Thủy chảy dài như một dải lụa, phía nam thì đứng đối lập với Tần Lĩnh, phong cảnh rất xinh đẹp. Ly Sơn không giống như Tần Lĩnh, núi cao, và vách đá dựng đứng, cũng không giống như núi Chung Nam chạy dài rất xa, mà nó giống như một miếng tàu hũ được cắt đôi, giữa hai con sông Vị Thủy và Bá Thủy, có một hình dáng rất đặc biệt. Nay tuy là mùa đông, hoa đã tàn, lá đã rụng, nhưng những cây tùng cây bách vẫn còn xanh um; đá núi tuy mắt đi lớp phủ màu lục của cây cỏ, nhưng hình dáng quái dị của nó lại có cái đẹp riêng của cảnh trí thiên nhiên. Bồ tướng quân và những người tùy tùng đứng trên đỉnh núi đưa mắt nhìn quanh, cảm thấy tâm hồn thật là sảng khoái, bao nhiêu nhọc nhằn trong những cuộc chinh chiến đã qua dường như đều bay sạch.
Lăng mộ này có quy mô rất lớn. Dù cho không thể tới gần mà chỉ đứng xa nhìn cũng thỏa mãn rồi. Nhưng Bồ tướng quân không đồng ý, bèn dẫn họ trở về nơi đóng quân tại Hồng môn.
Trên đường trở về, Bồ tướng quân bất ngờ gặp được một tên quân lại trong quân đội của Lưu Bang. Bồ tướng quân cảnh giác hỏi anh ta định đi đâu, có việc gì cần kíp, thì người quân lại đó bảo là có việc quan trọng muốn gặp mặt Hạng Võ. Bồ tướng quân nhìn kỹ từ đầu đến chân người này một lúc, rồi mới dẫn anh ta đi về doanh trướng của Hạng Võ.
Hạng Võ, lúc bấy giờ đang cùng bàn luận về tình hình đánh chiếm Hồng Cốc Quan và thời thế trước mắt với Mạt tướng Phạm Tăng, vừa trông thấy Bồ tướng quân bước vào, liền mỉm cười hỏi ông đi chơi Ly Sơn có vui không. Bồ tướng quân không trả lời mà giới thiệu viên quân lại với Hạng Võ, rồi quay lưng bước ra.
Viên quân lại này là mặt sứ của Tả tư mã Tào Vô Thương trong quân đội Lưu Bang phái tới. Tào Vô Thương sống với Lưu Bang phải kể là rất đắc ý, nhưng ông ta bất mãn Lưu Bang thường tùy tiện mắng chửi bộ hạ của mình kể cả ông ta, đối xử giống như là nô lệ, nhất là đối với bản chất tham tài háo sắc và thỉnh thoảng bộc lộ cử chỉ vô lại của người phố chợ thật chướng mắt. Trong khi đó thì đối với sự thiện chiến dũng cảm và thái độ đối nhân xử thế của Hạng Võ cảm thấy rất ngưỡng mộ. Sau khi Hạng Võ tiêu diệt quân Tần cho Chương Hàm chỉ huy ông ta lại càng phục sát đất. Nay Hạng Võ đóng quân tại Hồng môn, ông ta dự cảm trong tương lại sẽ xảy ra một trận chiến đấu không sao tránh khỏi với Lưu Bang, cho nên, ông quyết định làm thân với Hạng Võ. Viên quân lại này chính là thân tín của Tào Vô Thương, ông ta tuân theo lệnh của Tào Vô Thương đến đây để báo cáo những điều bí mật.
Hạng Võ và Phạm Tăng đã tiếp đãi viên quân lại rất nhiệt tình, đồng thời, ra lệnh cho người chung quanh lui ra hết. Viên quân lại bèn hạ thấp giọng nói với hai người:
- Tả tư mã đối với Thượng tướng quân hết sức kính phục và ngưỡng mộ, cho rằng Quan Trung Vương phải là chức vụ của Thượng tướng quân. Nhưng nay Bá Công đã dựa vào những điều thuận lợi do Thượng tướng quân tạo ra, để nhanh chóng tiến vào Quan Trung, vậy mà ông ta không biết cảm ơn công đức của Thượng tướng quân, để trống chiếc ghế đó chờ Thượng tướng quân tới, trái lại, còn tích cực trù hoạch lên làm Quan Trung Vương. Nghe đâu ông ta dự định sẽ cử Tần vương Tử Anh là Thừa tướng, để chiếm riêng cho mình tất cả tài sản và mỹ nữ ở trong cung Tần. Vậy mong Thượng tướng quân sớm cơ biện pháp, bằng không thì hối không kịp.
Những lời nói của viên quân lại làm cho Hạng Võ hết sức phẩn nộ. Ông ta suy nghĩ: Lưu Bang đúng là không biết tự lượng sức, dám xem thường mình, vậy ta nhất định phải cho hắn biết tay! Ông bèn ra lệnh ban thưởng cho viên quan lại một số đồ vật, rồi nhờ chuyển đạt lời cảm ơn của ông đến Tào Vô Thương. Sau đó phái người đưa viên quân lại ra khỏi doanh trại của Sở. Chờ cho viên quân lại đi khỏi, Phạm Tăng nói:
- Theo tôi được biết, Bái Công khi tới Quan Trung thì tỏ ra tham tài háo sắc, giờ đây ông ta cũng như viên quân lại nói, biết khắc chế dục vọng của mình, kéo quân rời khởi cung Tần, lui về đóng tại Bá Thượng. Vậy, một người có thể khắc chế dục vọng bé nhỏ tất nhiên là người có mưu đồ đại sự. Tôi xem chí hướng của Bái Công không phải nhỏ đâu!
Hạng Võ nói:
- Phạm tướng quân nói rất đúng. Bái Công muốn xưng Quan Trung Vương. Sở dĩ ông ta ngăn chặn không cho tôi vào Quan Trung cũng chính là vì ý nghĩ đó. Nhưng chỉ dựa vào một ít binh lực của ông ta mà dám làm như vậy, há chẳng phải quái lạ đó sao?
Phạm Tăng mỉm cười, lắc đầu nói:
- Con người của Bái Công không thể xem thường. Tôi nghe nói nhạc phụ của Bái Công là Lữ Công biết xem tướng người rất giỏi. Sở dĩ ông ta đem người con gái xinh đẹp của mình gã cho ông ấy, trong khi ông ấy đang làm Đình trưởng, có địa vị rất thấp kém, là do ông ta thấy tướng của Bái Công cao quí. Tôi còn nghe được một câu chuyện như sau: lúc Bái Công làm Đình trưởng, có một hôm Lữ phu nhân dẫn hai đứa con đi ra đồng làm ruộng, gặp một cụ già đi ngang qua xin nước uống. Lữ phu nhân thấy cụ già đói, nên đem lại cho cụ một số thức ăn. Cụ già liền xem tướng cho Lữ phu nhân, nói: phu nhân là người có quý tướng. Cụ già lại xem tướng cho hai đứa trẻ nói: phu nhân sở dĩ có thể trở thành đại phú quý là do người con trai này. Cụ già còn bảo người con gái cũng có quý tướng. Lúc bấy giờ Bái Công cũng vừa đi tới, Lữ phu nhân bèn đem chuyện cụ già xem tướng nói cho chồng nghe. Bái Công đuổi theo cụ già, hỏi tình hình tường tận, cụ già đáp: vừa rồi tôi đã xem tướng cho phu nhân và hai người con, thấy tướng mạo của họ rất giống ngài. Tướng của ngài đúng là quý tướng không ai sánh bằng. Bái Công nghe thế bèn quỳ xuống đất lạy cụ già, nói: nếu đúng như lời nói của cụ, thì suốt đời tôi không bao giờ dám quên ân đức ngày hôm nay. Câu chuyện đó được lưu truyền rất rộng tại đất Bái, có lẽ là đúng sự thật, toio cũng bí mật sai người đi thăm dò, thấy Bái Công hiện rõ sắc long hổ, đó chính là cái sắc của người thiên tử! Do vậy, Thượng tướng quân phải nhanh chóng đánh bại Bái Công, không thể chậm trễ!
Hạng Võ bình thời đối với việc xem tướng cũng rất tin tưởng, nay nghe lời nói của Phạm Tăng, nghĩ rằng nếu không nhanh chóng đánh bại Lưu Bang, thì hậu hoạn sẽ vô cùng to lớn. Ông tức khắc cùng bàn bạc với Phạm Tăng về kế hoạch tấn công, nói: "Sáng sớm ngày mai cho binh sĩ ăn uống no nê để đánh quân của Bái Công."
Bốn chục vạn quân Sở tức thì chẳng khác nào một mũi tên đã lắp lên dây, ở trong tình trạng hết sức căng thẳng. Chiến mã được cho ăn uống đầy đủ, binh sĩ chuẩn bị vũ khí sẵn sàng, các tướng lãnh chủ chốt ngay trong đêm liền triệu tập hội nghị để soạn thảo phương lược tác chiến. Chuyến đi chơi Ly Sơn của Bồ tướng quân giờ đây lại có việc dùng. Căn cứ theo sự quan sát địa hình của ông, đã nêu ra nhiều phương án có tính tấn công thuyết phục. Theo ông thì ta đông địch ít, vậy có thể tập trung binh lực bất thần mở cuộc tấn công để cắt đứt quân địch ra nhiều bộ phận, khiến chúng không thể tiếp ứng cho nhau, còn các tướng lĩnh thì không thể tương cứu. Như vậy là binh lực của chúng bị phân tán, không làm thế nào tập hợp lại được. Qua đó chúng ta sẽ lần lượt tiêu diệt từng nhóm. Con đường tiến công nên tránh những nơi có địa thế hiểm yếu, mà cứ thọc sâu vào doanh trại của địch, khiến chúng trở tay không kịp. Ông còn tự xung phong dẫn cánh quân đầu tiên để đánh địch. Anh Bố đã lập được chiến công trong trận đánh Cự Lộc, lần này cũng muốn trổ tài. Hạng Võ căn cứ ý kiến của các tướng, thống nhất đánh giá cái lợi cái hại, để cuối cùng quyết định một phương án tác chiến chung.
Màn trời đêm đã buông, doanh trại của quân Sở tại Hồng môn đều thắp đèn sáng trưng, từ xa nhìn lại giống như một biển đèn, binh sĩ không hề hoài nghi sự chiến thắng lần này, chỉ lo ngại không lập được chiến công riêng cho mình. Họ suy nghĩ một cách ngây thơ, hiện nay quân Tần đã bị đánh tan, trước mắt quân của Bái Công trở thành đối thủ duy nhất vậy trận đánh này không biết chừng là trận đánh sau cùng, nếu không lập được chiến công thì sẽ không có được tước vị và đất đai, để trở về quê hương sống một cuộc đời thái bình yên ổn. Do vậy, tâm trạng của họ không phải là sợ hãi trước khi lâm chiến, mà là phấn khởi háo hức muốn trổ tài trong trận đánh sắp tới. Thế nhưng, giữa lúc quân Sở chuẩn bị mở cuộc đại tấn công, thì có một người cưỡi ngựa giữa đêm khuya rời khỏi doanh trại của quân Sở có vẻ rất vội vã, và nhắm hướng Bá Thượng chạy rất nhanh.
Người cưỡi trên lưng ngựa là một người đàn ông to lớn khoảng độ hơn năm mươi tuổi. Người này mặc thường phục chứ không phải nhung trang của một tướng quân, nhưng bên cạnh sườn lại đeo một thanh trường kiếm. Ông ta tỏ ra rất nôn nóng và có một thái độ hoảng sợ không thể giấu được. Cứ thỉnh thoảng ông ta quay đầu ngó lại như lo ngại có người truy đuổi, ông ta đưa cao ngọn roi, hai chân kẹp mạnh vào bụng ngựa, hối thúc con ngựa màu đen đang cưỡi chạy cho nhanh. Vàm ngựa được kéo rất thẳng để phòng con ngựa hí, đồng thời, cũng để điều khiển tốc độ của nó. Con ngựa như hiểu được ý của chủ nhân, nên chạy rất nhanh trong sự im lặng.
Người cưỡi con ngựa này tên gọi Hạng Bá, tức chú ruột Hạng Võ, giữ chức Tả Doãn trong quân đội. Ông ta là một nhân vật tương đối quan trọng trong quân Sở, thế mà giờ này lại đóng một vai trò không quang vinh tí nào. Ông vừa tham dự cuộc hộp bàn về phương án tác chiến xong. Trong phiên họp này ông cũng giống như các tướng lãnh khác tỏ ra rất tích cực nhưng nội tâm thì lại có ý định riêng. Ông lo lắng đến sự an nguy cho một người, cho nên ông hối hả phi ngựa giữa đêm khuya để hoàn thành công việc riêng của mình.
Hạng Bá sau khi tới Bá Thượng thì được quân canh gác trực tiếp đưa tới chỗ ở của Trương Lương. Trương Lương thấy Hạng Bá đến quá đột ngột, vội vàng mời ông ngồi xuống, rồi ra lệnh cho những người chung quanh lui đi, hỏi:
- Tại sao tướng quân đến giữa đêm khuya như thế này?
Hạng Bá cố trấn tĩnh tinh thần, đáp:
- Trước kia tôi do phạm tội giết người nên phải trốn đến Hạ Phi, được người tương cứu mới thoát chết. Việc đó tôi luôn luôn ghi nhớ trong lòng, nên ngày hôm nay đến đây để báo đáp đại ân của ngài!
Trương Lương là một người thông minh, thấy lời nói của Hạng Bá có ẩn ý gì, liền vội vàng hỏi rõ nguyên nhân. Lúc ban đàu Hạng Bá không chịu nói rõ, chỉ bảo là tình hình rất nguy cấp. Khuyên Trương Lương rời khỏi Bá Thượng. Nhưng, Trương Lương nào chịu đi theo ông ta, trong khi không biết ất giáp gì cả, nên lại hỏi tiếp. Hạng Bá không có cách nào khác, đành phải đem chuyện Hạng Võ vì bất mãn Lưu Bang ngăn chặn không cho ông ta vào Quan Trung và muốn tự lập làm Vương, nên sắp sửa cử đại binh tấn công nói hết cho Trương Lương nghe. Ông ta nôn nóng hối Trương Lương:
- Hạng Võ cháu của tôi là người gan dạ không ai bằng, trong trận chiến ngày mai Bái Công nhất định sẽ bị đánh bại. Vậy tướng quân nên mau mau rời khỏi nơi này, kẻo lại mất mạng vô ích.
Hạng Bá vì muốn báo đáp ơn trước đối với Trương Lương nên đã tiết lộ quân cơ, nào ngờ, Trương Lương cũng là một người biết trọng nghĩa khí. Ông ta suy nghĩ: kể từ ngày mình đi theo Bái Công cho tới nay, lúc nào cũng được Bái Công trọng dụng, tình cảm giữa hai người rất mật thiết. Bái Công tuy ăn nói thô lỗ, thường mắng chửi bộ hạ, nhưng đối với người có tài năng chân chính thì bao giờ cũng cư xử rất thành thực, đồng thời, cũng luôn luôn lắng nghe những lời khuyên can trung thực. Nếu giờ đây mình bỏ đi, bị mang tiếng một người bất nhân bất nghĩa hay sao? Hơn nữa, con người của Bái Công luôn có mưu lược sâu xa, có phong độ của một đại tướng, trong khi Hạng Võ tuy dũng cảm phi thường, nhưng khó sánh kịp với Bái Công. Cho nên ông cảm thấy không thể vội vàng bỏ theo Hạng Bá đến đầu hàng Hạng Võ, nhưng lại không tiện từ chối ý tốt của Hạng Bá, bèn cố ý tỏ ra rất cảm kích, nói với Hạng Bá:
- Tả Doãn không quên tình cũ, lấy nghĩa làm trọng, tại hạ hết sức cảm động, nhưng tại hạ không thể theo Tả Doãn rời đi ngay, vì tại hạ phụng mệnh Hàn Vương đưa Bái Công tiến vào quan ải, nay Bái Công gặp chuyện nguy cấp, nếu tôi bỏ trốn một mình, thì sẽ là người bất nghĩa, vậy tôi phải đem chuyện này nói lại cho Bái Công biết.
Hạng Bá tỏ ra do dự. Nếu Trương Lương đem mọi việc nói với Lưu Bang thì Lưu Bang sẽ có sự chuẩn bị, khiến trận chiến vào ngày mai sẽ gặp phải những điều khó khăn không đoán trước hay sao? Như vậy chẳng hóa ra mình là gian tế, phá hoại sự nghiệp của cháu mình hay sao? Nhưng, việc đã thế này rồi ông ta cũng đành phải chịu. Trương Lương bảo Hạng Bá ngồi chờ trong giây lát, còn ông ta thì tới ngay doanh trướng của Lưu Bang.
Tự cổ trong sự giao tranh, bao giờ trong ta cũng có địch, trong địch cũng có ta. Ngày nay Tào Vô Thương và Hạng Bá là hai tên gian tế đã diễn lại vai trò đó. Sự hoạt động của họ khiến cho tình hình trở nên phức tạp hơn.