Xét bề ngoài thì Hạng Võ là một người đàn ông to khoẻ, lỗ mãng, ngang tàng, gieo cho người chung quanh một cảm giác hung tợn đáng sợ. Nhưng kỳ thật đó chỉ là một mặt trong toàn bộ tánh tình của Hạng Võ, mặt khác ông cũng là người rất giàu tình cảm: có khi ông ta nói năng dịu dàng, nhân từ dễ gần. Hai mặt đó của Hạng Võ gần như rất khó hiểu được, nhưng nó lại là một tính tình có thật trong một số người, mà Hạng Võ là người dễ thấy nhất. Với bản chất phức tạp và thống nhất đó, đã khiến cho Hạng Võ rất căm thù bọn hung ác, luôn dũng cảm không xem chết ra gì, thậm chí giết người không nháy mắt, nhưng có lúc lại tỏ ra hiền hòa và biết trọng chữ tín. Cho nên ông ta vẫn là người có tình cảm đậm đà đối với quê hương. Những dòng sông những ngọn núi, những tiếng hát điệu hò của quê hương, bao giờ cũng in sâu trong tình cảm của ông ta. Cho nên, ông ta từng nói với người chú rằng một khi trở thành giàu có thì sẽ trở về quê hương, vì ông ta không thể rời bỏ quê hương được. Hạng Lương nghe thế cho rằng ông ta không có chí lớn, vì khi một con người đã nghĩ tới sự nghiệp lớn thì phải lấy thiên hạ làm nhà. Hạng Võ trái lại không nghĩ như vậy, cho nên chỉ cười rồi bỏ qua.
Trong những ngày đóng quân tại Hạ Phi, Hạng Võ lại nhắc tới tình cảm nhớ quê hương của mình, và nghĩ rằng lần tiến về phía tây để đánh Tần này không biết bao nhiêu tháng năm mới có thể quay lại phía đông, cho nên ông ta muốn nhân dịp này đi Hạ Tương để thăm lại vùng đất đã từng nuôi lớn mình, cũng như thăm lại nơi ở cũ mà hiện nay chỉ còn là một phế tích. Hạng Lương sau khi biết được ý định của Hạng Võ lấy làm tức giận, muốn mắng đứa cháu một trận nên thân. Vì hiện giờ sự nghiệp mới bắt đầu, đang chuẩn bị tiến về phía tây, thì tại sao lại để cho thứ tình cảm quyến luyến quê hương đó làm chậm bước tiến của mình? Nhưng, Hạng Lương cuối cùng đã dằn được cơn giận, không lên tiếng trách mắng Hạng Võ, vì Hạng Lương biết rõ tánh nết của đứa cháu, sau khi suy nghĩ lại, bèn tìm cách để khích tinh thần chống Tần của Hạng Võ:
- Nhà ngươi có nhớ mối thâm thù của nhà họ Hạng và của nước Sở hay không? Hạng Lương nhìn thẳng vào mặt cháu đặt câu hỏi.
- Tất nhiên là cháu nhớ, cả đời cũng không thể nào quên! Hạng Võ đáp lại một cách hùng hồn.
- Tại sao chú cháu mình phải khởi binh?
- Để chống Tần phục thù chứ còn gì nữa!
- Nếu thế thì chúng ta phải hành động ra sao?
- Phải nhanh chóng đi về phía tây, đánh thẳng vào Hàm Dương!
Hạng Lương liền nói:
- Nói như vậy là đúng rồi, thế nhưng lại có người muốn ngăn chặn bước tiến của quân ta tiến về phía tây, muốn phá hoại sự nghiệp chống Tần vĩ đại của chúng ta!
Hạng Võ liền trừng mắt, hỏi:
- Ai lại dám to gan như thế? Để cháu đi chém đầu nó!
Hạng Lương mỉm cười, sắc mặt tỏ ra nghiêm túc hơn, nói:
- Ta vừa mới nhận được báo cáo, có một người tên gọi Tần Gia đang tập hợp một số binh mã, đóng quân tại phía đông Bành Thành, muốn ngăn bước tiến của chúng ta đi về phía tây.
Sắc mặt của Hạng Võ đỏ bừng lên, nói:
- Chỉ với cái tên Tần Gia nhỏ bé đó thì có đáng kể gì, phải chăng hắn muốn dùng cánh tay của con ngựa trời để chặn đứng bánh xe? Chúng ta nhất quyết tiến về phía tây, cháu tin hắn không có đủ sức mạnh để ngăn cản chúng ta!
Tần Gia mà Hạng Lương nói đến là thủ lĩnh của một nhóm nghĩa quân, người huyện Lăng. Sau khi Trần Thắng vừa mới xưng vương thì ông ta đã kết hợp với Đổng Thiết người Trất thành, Chu Kê Thạch người Phù Ly, Trịnh Bố người Thủ Lự, Đinh Tật người Bành Thành đã thừa thế khởi binh. Sau khi tập hợp được một nhóm nghĩa quân, họ đã bao vây viên Quận thú tên gọi là Khánh trong Đàm Thành. Trần Thắng hay tin, bèn phái một Giám quân là Võ Bình Quân Bạn làm Tướng quân, chịu trách nhiệm đến chỉ huy nhóm nghĩa quân nói trên tại Đàm Thành. Bản ý của Trần Thắng là muốn lôi kéo họ về với mình, để cho lực lượng của ông càng lớn mạnh hơn. Ông ta tin rằng nay mình đã xưng vương, huyện Trần đã là Đại Bản Doanh của nghĩa quân chống Tần, vậy họ chắc chắn sẽ bằng lòng gia nhập vào nghĩa quân ở huyện Trần. Nhưng ý tưởng đó của Trần Thắng đã hoàn toàn sai lầm, đánh giá quá cao sức hiệu triệu của mình. Trong khi đó thì Tần Gian không cần biết đến mệnh lệnh của Trần Thắng. Ông ta không bằng lòng để cho đội ngũ của mình đứng dưới lá cờ của người khác, chịu sự tiết chế của người khác. Ông ta muốn tự lập và muốn chiếm một địa bàn để xưng vương. Thế là ông ta bác bỏ thẳng thừng việc Võ Bình Quân Bạn đến, và nói với quân khởi nghĩa của ông ta:
- Võ Bình Quân Bạn tuổi hãy còn nhỏ, từng trải chưa bao nhiêu mà cũng không hiểu gì về quân sự, vậy chúng ta không nên nghe theo hắn!
Tần Gia còn có những lời lẽ khiêu khích đối với người sứ giả quân sự này:
- Trần vương phái Võ Bình Quân Bạn đến Đàm Thành, là có ý giả vờ liên lạc với chúng ta, trong khi thực chất là muốn thôn tính chúng ta. Anh em chúng ta dám liều chết để khỏi binh chống Tần, thì hà tất phải đi tán mạng cho người khác/ Chúng ta phải tự mình mưu đồ chiếm cả thiên hạ, để tạo một lối thoát cho chính mình!
Những lời nói của Tần Gia đã có tác dụng trong đội ngũ nghĩa quân của hắn. Tất cả binh sĩ của hắn đều là những người nông dân nghèo khó, cũng như một số tội phạm đã bỏ trốn khỏi ngục tù của nhà Tần, cho nên họ có tinh thần chống Tần rất cao. Nhưng bởi đời sống của họ luôn luôn ở dưới đáy của xã hội, nên không biết nhiều về những vấn đề phức tạp trong đời. Họ cũng không thấy được tham vọng của Tần Gia, nên cũng không phân biệt được tính chất thật gải của sự việc. Họ tin theo lời nói của Tần Gia, cho rằng nếu để Võ Bình Quân Bạn tiết chế thì sẽ bị hủy diệt. Thết là họ có lòng bất mãn đối với người Giám quân được Trần vương phái tới có ý đồ chỉ huy họ. Một số những phần từ quá khích thậm chí còn muốn đuổi Võ Bình Quân Bạn đi. Tần Gia trông thấy tinh thần của binh sĩ dưới tay mình như thế, liền giả mạo một mệnh lệnh của Trần vương, bảo Võ Bình Quân Bạn có ý muốn làm phản, vậy cần phải xử trảm không thể tha thứ. Tần Gia phái người cầm tờ mệnh lệnh giả đó đi bắt Võ Bình Quân Bạn, đem đi chém ngay mà không để ông ta có thì giờ giải thích, sau đó Tần Gia tự phong mình là Đại Tư Mã.
Tháng giếng năm 208 Tr. CN, Tần Gia biết tin quân đội của Trần Thắng đã bị thất bại, liền nghĩ cách để cho nhóm nghĩa quân của mình được sinh tồn, bèn lập Cảnh Câu làm Sở vương. Cảnh Câu là hậu duệ của họ Cảnh, một trong ba dòng họ của nước Sở là họ Thiệu, họ Khuất, và họ Cảnh. Tần Gia lập Cảnh Câu làm vương là có mục đích dựa vào danh môn đại tộc để thực hiện tham vọng của mình. Sau khi tôn vương lại Lưu Thành xong, ông ta bèn dẫn quân tới Phương Dữ, chuẩn bị đánh quân Tần tại vùng phụ cận Định Đào. Nhưng ông ta còn sợ mình không đủ lực lượng nên đã phái bộ tướng là Công Tôn Khánh đi liên hệ với Tề vương Điền Đam, muốn liên hiệp với ông này để cùng đánh Tần. Điền Đam là người trong gia tộc họ Điền của vua Tề thời Chiến Quốc. Khi Trần Thắng mới vừa khởi binh và tự lập mình làm Sở vương, đã từng phái Châu Thị đánh chiếm đất Nguỵ. Lúc bấy giờ Điền Đam giả vờ muốn giết gia nô, bèn ra lệnh cho người gia nhân trói người gia nô đó lại rồi xin gặp Huyện lệnh của Địch Thành, và nhân cơ hội đó giết chết Huyện lệnh, rồi chiêu tập con em của hào lại trong đại phương đến, nói:
- Chư hầu các nơi đã triệu tập chống Tần, Tề trước kia là một nước chư hầu, còn Điền Đam ta là người trong dòng họ Điền, vậy cần phải xưng vương.
Thế là ông ta tự lập làm Tề vương, phái binh tấn công Châu Thị. Châu Thị liền rút lui, và Điền Đam nhân cơ hội đó tiến về phía đông để bình định vùng đất cũ của nước Tề.
Đối với ý đồ liên hợp của Tần Gia, Điền Đam tỏ ra rất lãnh đạm. ông ta bèn nói với Công Tôn Khánh:
- Nghe nói Trần Thắng đã chiến bại, nay sống chết ra sao chưa rõ, vậy tại sao nước Sở trong khi chưa thỉnh thị ta mà lại dám tự xưng vương?
Giọng nói của ông ta rất phách lối, nghiễm nhiên xem mình là vị chúa chung trong thiên hạ. Công Tôn Khánh cũng không chịu thua nói:
- Tề chưa từng thỉnh thị với Sở mà tự lập làm vương, vậy Sở cớ sao phải xin thỉnh thị của Tề mới làm vương được? Hơn nữa, Sở đã trước tiên khởi binh chống Tần, vậy phải là người đứng ra để điều khiển thiên hạ.
Điền Đam nghe qua hết sức tức giận, liền giết chết Công Tôn Khánh. Như vậy là kế hoạch liên hợp với Tề chống Tần của Tần Gia không thể thực hiện.
Đối với tình hình của Hạng Lương và Hạng Võ, Tần Gia cũng biết rõ. Ông ta biết chú cháu họ Hạng là hậu duệ của danh môn, là những người thuộc dòng dõi đại tướng, nay trong tay lại có một lực lượng mạnh mẽ, cho nên từ lòng ganh tỵ đó ông ta nghĩ rằng chú cháu họ Hạng sau khi khởi binh tại Ngô Trung, đến nay chỉ có mấy tháng mà đã mở rộng lực lượng lên tới sáu bảy vạn người, như vậy là ý chí của họ không phải nhỏ. Nếu binh mã của họ kéo tới đây thì rõ ràng họ sẽ thôn tính nhóm nghĩa quân của mình, cho nên ông ta liền rút đội ngũ trở về Phương Dữ, và đóng tại phía đông Bành Thành, tạo thành một chướng ngại khó khăn cho Hạng quân trên đường tiến về phía tây.
Hạng Lương đã kể lại tình hình về Tần Gia và những việc làm của hắn cho Hạng Võ nghe với một tâm trạng nôn nóng. Điều làm cho ông ta nôn nóng là binh lực của Tần Gia tuy không phải mạnh nhưng đội ngũ của mình mới vừa tổ chức, chưa có kinh nghiệm đánh những trận giặc lớn, vậy phải chăng có thể thắng được Tần Gia, đó là việc không chắc chắn. Nếu giao tranh bất lợi sẽ làm chậm đi bước tiến về phía tây. Ngoài ra, binh lực do Hạng Võ chỉ huy chính là chủ lực của họ. Nay Hạng Võ lại có thái đội khinh địch, nhất là lại đang tưởng nhớ tới quê hương, tất nhiên sẽ có ảnh hưởng đến nhiệt tình tiến về phía tây của các binh sĩ. Hạng Lương bèn đem nỗi băn khoăn của mình nói cho Hạng Võ nghe, đồng thời, khuyên cháu mình đừng quá xem thường lực lượng của Tần Gia, và càng không nên phân tán tinh thần khiến ảnh hưởng xấu đến nhiệt tình tiến về phía tây của các binh sĩ. Hạng Võ đã được thuyết phục, cảm thấy rất hối hận trước những lỗi lầm của mình, đồng thời, chủ động yêu cầu cho mình dẫn quân xuất chinh, quét sạch nhóm nghĩa quân của Tần Gia đang trở thành hòn đá vướng chân họ. Hạng Lương tỏ ra rất hài lòng, bèn dặn dò Hạng Võ là trong trận đánh nhau với Tần Gia, triệt để cần phải đánh bại hắn, nếu không thì cũng không thể mở những trận đánh nhau với quân Tần. Ông cũng dặn Hạng Võ, trong khi tác chiến cũng đừng sát hại quá nhiều binh sĩ của Tần Gia, mà nên dụ hàng họ là chính, để dùng số binh sĩ này bổ sung thêm cho lực lượng của mình.
Hạng Võ nhất nhất đều ghi nhớ. Sáng sớm hôm đó, ông dẫn một vạn tinh binh kéo về nơi đóng binh của Tần Gia ở Bành Thành.
Cuộc chiến đấu đã diễn ra buổi chiểu cùng ngày. Hạng Võ đi đầu các binh sĩ, trong khi các binh sĩ đã chiến đấu hết sức gan dạ với một uy thế không gì ngăn chặn nổi. Nghĩa quân của Tần Gia từ trước tới nay chưa bao giờ gặp phải một kẻ kình địch như vậy, đặc biệt là có nhiều binh sĩ từng nghe tiếng tăm của Hạng Võ là người võ dũng vô song, nên trước khi giao tranh thì họ đã sỡ hãi rồi. Hơn nữa, cũng do sự chỉ huy bất lợi, nên nhóm nghĩa quân của Tần Gia đã nhanh chóng bị Hạng Võ đánh bại, buộc phải rút chạy về hướng Hồ Lăng. Hạng Võ liền truy kích không buông tha, và đã bắt được Tần Gia, còn các nghĩa quân dưới tay của ông ta thì đua nhau xin đầu hàng Hạng Võ.
Khi Hạng Võ áp giải Tần Gia đến trước mặt Hạng Lương thì Hạng Lương hết sức vui mừng, nhưng ông vẫn không khen ngợi người cháu của mình một cách quá đáng. Ông biết tánh của Hạng Võ, được khen sẽ đâm ra kiêu ngạo, khen ngợi quá đáng sẽ làm cho Hạng Võ tự đánh giá mình quá cao, sẽ có ảnh hưởng tới những cuộc chiến đấu quan trọng gấp mười lần sau này. Chỉ với một trận thắng nhỏ thì không đáng tự hào chi cả. Cho nên ông ta liền bảo Hạng Võ lo sắp xếp số hàng quân cho ổn định, không được kỳ thị và ngược đãi. Nếu ai muốn trở về quê hương thì cho tiền lộ phí để họ đi về. Hạng Võ gật đầu rồi đi ra ngoài lo liệu mọi việc. Chính sách đối xử khoan hồng của Hạng Lương với hàng binh của Tần Gia, làm cho họ hết sức cảm động, ai ai cũng ngỏ ý bằng lòng tiếp tục đi chiến đấu chống Tần. Hạng Lương sau khi đồng ý nhận họ vào đội của mình, thì lực lượng cũng được mở rộng thêm rất nhiều.
Riêng đối với Tần Gia thì Hạng Lương không thể tha thứ. Ông kể rõ tất cả tội trạng của Tần Gia rồi nói:
- Trần vương là người khởi nghĩa trước tiên, khi tác chiến bất lợi thế tại sao nhà ngươi không đi cứu viện mà lại phản bội Trần vương để lập Cảnh Câu. Đó là đại nghịch vô đạo, là phản bội chữ tín và không biết trọng lẽ phải!
Trần Gia liền nguỵ biện:
- Tôi lập Sở vương là do Trần vương đã chết, vậy tại sao bảo tôi là phản nghịch.
Hạng Lương kinh ngạc hỏi:
- Cái gì? Trần vương đã chết rồi sao?
Trần Gia đáp:
- Tại sao tướng quân vẫn chưa biết tin đó? Trần vương đã bị Trang Giả giết chết lâu rồi, bộ hạ của ông ấy đều ly tán hết.
- Trang Giả là ai vậy?
- Là người đánh xe cho Trần vương.
Hạng Lương nghe tin đó như sét đánh ngang tai. Ông không tin là thực, nhưng ngay lúc đó cũng không tiện phái người đi tìm hiểu. Vì ông sợ binh sĩ của mình hay tin thì sẽ mất tinh thần. Hạng Lương vì quá phẫn nộ trước sự phản nghịch đối với Trần vương nên đã ra lệnh chém Trần Gia. Đồng thời, phái Hạng Võ đuổi theo Cảnh Câu đang bỏ trốn. Hạng Võ đã đuổi kịp Cảnh câu tại vùng đất cũ của nước Ngụy và đã giết chết ông ta. Đến đây, chú cháu họ Hạng đã dẹp được tất cả những chướng ngại trên đường đi về phía tây và đã trở thành thống soái của các cánh quân.
Sau khi nghĩa quân của chú cháu họ Hạng vượt qua sông Hoài đánh bại và sáp nhập nghĩa quân của Tần Gia, thì có một người cũng tìm tới xin gia nhập. Mặc dù người đó tạm thời không ai biết tiếng tăm, nhưng về sau lại trở thành một nhân vật rất quan trọng, thậm chí việc đi hay ở của ông ta cũng ảnh hưởng lớn đến tình hình trong thời bấy giờ và đã khiến cho Hạng Võ bị thất bại ở giai đoạn cuối cùng.
Người đó tên gọi Hàn Tín, quê ở Hoài Âm, nhà nghèo lại hiền lành, cam chịu, nên không được chọn ra giữ chức tiểu quan ở địa phương lại không có tiền buôn bán làm nghề sinh nhai, đành phải đến ăn nhờ ở đậu với những người quen. Ông từng nương nhờ tại gia đình của Đình Trưởng Nam Xương thuộc huyện Hương Hạ của quận Hoài Âm suốt mấy tháng trời. Bà vợ của Đình Trưởng rất chán ghét ông, nên thường cố ý tìm cách làm cho ông ta bị lỡ bữa cơm, khiến Hàn Tín phải bị nhịn đói. Hàn Tín nghèo khó lại không nơi nương tựa, nên buộc phải đến sông Hoài ở phía bắc của thành này làm nghề câu cá để mưu sinh. Có một bà cụ thường giặt sợi ở dưới mé sông, trông thấy ông ta tội nghiệp thường tìm thức ăn mang đến biếu. Hàn Tín nhớ mãi cái ơn đó, và thề sẽ có ngày báo đáp.
Sống tại quê hương, Hàn Tín thường bị những người chung quanh xem khinh. Có một số thanh niên bất lương làm việc trong lò sát sinh, thường kiếm chuyện để hiếp đáp Hàn Tín. Họ nói với ông ta:
- Anh là người có thân hình cao to, lại thường mang gươm, mang dao ở bên hông, nhưng kỳ thật thì anh nhát gan như chuột. Nếu anh không sợ chết thì hãy dùng thanh gươm của anh đâm tôi đi, còn anh sợ chết thì hãy mau mau lòn qua trôn crua chúng tôi!
Đứng trước sự làm nhục như thế, Hàn Tín rất giận dữ, nhưng ông lại có tính nhẫn nại phi thường, nên đã cắn chặt hai vành môi không nói lên một tiếng nào, rồi đè nén cơn giận, cúi đầu chui qua trôn của tên lưu manh đó. Tức thì một chuỗi cười rùng rợn vang lên đinh tai, kèm theo những lời mỉa mai khinh bạc.
Cái nhục lòn trôn của Hàn Tín đã được truyền tụng từ cổ chí kim. Nhiều người thường xem đó là một việc đáng suy nghĩ trong cá tính đặc biệt của Hàn Tín. Chính vì vậy mà nhiều người đã xem Hàn Tín là một bậc "Trượng Phu" điển hình và có thể chịu đựng cảnh lên voi xuống chó để chờ đợi thời cơ. Nhưng, đến năm 208 Tr. CN, người "Đại Trượng Phu" này một lần nữa lại phải cắn răng chịu nhục. Ông ta tự ỷ mình là người có tài năng, nhưng chẳng khác nào ngọc còn nằm trong đá chưa ai phát hiện, cho nên những ngày sống trong đội ngũ của chú cháu họ Hạng, ông vẫn là một người tầm thường, không ai chú ý. Riêng chú cháu họ Hạng cũng không nhớ tới ông ta. Thế nhưng, người thanh niên có tài năng này vẫn cố chịu đưng, không hề nói lên một tiếng thán oán nào. Ông ta vẫn yên tâm làm tròn trách nhiệm của mình, vì ông ta tin rằng, đã là bảo vật thì một ngày nào đó sẽ được người ta phát hiện, để chứng thực giá trị của mình trước cuộc đời.
Ông ta tiếp tục chờ đợi...