Giờ đây chú cháu họ Hạng đã bình định xong các địa phương tại vùng Giang Đông, chiếm lĩnh xong toàn bộ quận Hội Kê. Tám nghìn tinh binh đã tề tựu dưới ngọn cờ của họ. Đây là một đạo binh mạnh, có tinh thần chiến đấu cao. Đạo binh này là vốn liếng quý giá của họ, nên họ lấy làm tự hào. Nhưng, họ tuyệt đối không thể dựa vào đó để tự mãn. Họ còn phải phát triển về phía tây, phải phát triền khắp cả toàn quốc, cho đến khi đoạt lấy được tất cả những gì mà vương triều nhà Tần đang có. Như thế, chỉ với tám nghìn người ít ỏi của họ thì vẫn là chưa đủ, họ còn phải quy tụ tướng sĩ đông đảo hơn, phải góp gió thành bão, phải xây dựng cho được quân đội lớn mạnh không thua chi nước Sở trước kia. Cùng một lúc đó, họ còn phải chỉnh đốn quân đội, tập luyện võ nghệ, truyền dạy binh pháp cho các tướng sĩ và chờ đợi một thời cơ thích hợp, để mở một cuộc tấn công mạnh mẽ và vương triều nhà Tần.
Quận Hội Kê đã trở thành nơi luyện binh rất tốt. Tướng quân Hạng Lương và Biên tướng Hạng võ đi sâu vào trong quân đội, tự mình tổ chức việc thao luyện, tự mình làm gương mẫu, để cho sĩ khí ngày càng cao, nhiệt tình ngày càng sôi sục. Bộ binh chú trọng việc luyện trận pháp. Đó là những trận pháp mà trong cuộc chiến đấu bao giờ cũng cần đến, gồm có "Phương Trận" (trận vuông) dùng để đập tan quân địch, "Viên Trận" (trận tròn) dùng để bao vây thắt chặt quân địch, cũng như đề phòng ngự một cách hữu hiệu, "Chùy Hành Chi Trận" (mũi dùi thọc sâu) dùng để đột phá và chia cắt quân địch, "Nhạn Hành Chi Trận" (đội hình chữ bát như bầy nhạn bay) dùng trong trường hợp tác chiến bằng cung nỏ; "Câu Hành Chi Trận" (đội hình như cái móc) dùng trong trường hợp thay đổi đội hình trong lúc chiến đấu, v.v.... Đồng thời, còn huấn luyện cho quân đội biết tập trung, biết bao vây, biết vận dụng những cách lừa địch như giả vờ rút lui, như nguỵ trang, dụ địch, mai phục, đánh kỳ tập, để lúc nào cũng có thể thay đổi chiến thuật. Riêng kỵ binh thì cứ năm kỵ sĩ có một Trưởng, mười kỵ sĩ có một Sử, một trăm kỵ sĩ có một Suất, hai trăm kỵ sĩ thì có một Tướng. Họ cũng thao luyện cách dàn đội hình, cách tấn công, cách vu hồi, cách đánh hai bên hông, cách truy kích, cách khóa chặt quân địch để tấn công từ hai đầu, cách đánh kỳ tập, bôn tập... để có thể ứng dụng trong trận đánh dễ hoặc khó. Họ luyện tập bộ binh tay cầm vũ khí chuyển biến đội hình một cách có trật tư. Riêng kỵ binh thì toàn cưỡi trên lưng những con chiến mã khoẻ mạnh, vừa phi như bay vừa hò hét giữa những cánh đồng trống. Tại sân tập lúc nào bầu không khí cũng sôi nổi hào hùng. Tàm nghìn tinh binh thể hiện một cách đầy đủ khí thế oai hùng.
Con ngựa của Hạng Võ cưỡi là một con chiến mã lông đen tuyền, to lớn khoẻ mạnh, tên gọi "Ô Truy". Con Ô Truy này có một lai lịch rất ngộ nghĩnh. Tương truyền lúc Hạng Võ tị nạn tại vùng quê ở Ngô Trung, có một năm nọ trong núi sâu rừng rậm bỗng xuất hiện một con quái thú, nhân lúc đêm khuya thanh vắng nó thường cắn phá hoa màu của dân quê, làm cho ai nấy đều rất lo sợ. Hạng Võ là người gan dạ, quyết tâm tìm hiểu về con quái vật đó. Nhân lúc đêm khuya ông đi một mình vào rừng núi, rồi ẩn núp sau lưng những gốc cây to để chờ quái thú xuất hiện. Giữa đêm khuya thanh vắng, bỗng ông nghe tiếng ngựa hí, rồi từ trong rừng chạy như bay ra một "quái thú" lông đen. Hạng Võ định thần nhìn kỹ mới biết đó là một con ngựa rừng. Ông vừa mới nhún chân định nhảy tới chụp nó, thì con ngựa đã nhanh nhẹn quay đầu phóng đi mất sau một tiếng hí dài. Qua đêm thứ hai, Hạng Võ lại vào rừng chờ đợi, nhưng con ngựa không xuất hiện. Ông vẫn nhẫn nại chờ đợi tiếp, đến tối ngày thứ bảy thì con ngựa rừng lại tới. Hạng Võ không làm cho nó sợ, chỉ quan sát nó đến ăn hoa màu ở bãi đất nào. Khi trở về, ông dùng rơm bện thành một hình nhân đến cắm tại đó. Đêm đến con ngựa xuất hiện, nhìn thấy hình nộm bằng rơm, nó sợ hãi bỏ chạy. Bảy ngày sau, con ngựa lại đến lần thứ hai, nó đứng nhìn hình nộm, rồi bước dần dần tới dùng mũi ngửi, và nó bình tĩnh ăn hoa màu trồng tại đây. Sau khi trời sáng, Hạng Võ đem hình nộm bằng rơm bỏ đi và ngay đêm sau, chính ông đến đứng tại vị trí của hình nộm đêm trước, giữ yên lặng và không cử động. Khi con ngựa rừng đến, ông chờ cơ hội thuận lợi, bất thần nhảy tới chụp lấy bờm của nó, rồi đu người nhảy lên lưng nó để cưỡi. Con ngựa vung lên hết sức giận dữ, vừa hí vang vừa bỏ chạy bán mạng, với ý đồ quật ngã Hạng Võ. Nhưng Hạng Võ vẫn ôm chặt cổ con ngựa, dù nó giãy giụa rất dữ. Ông biết nó đã chạy qua bao nhiêu đồi núi, vượt qua bao nhiêu hố sâu, sẽ dần dần kiệt sức, và bị sức mạnh phi thường của Hạng Võ khuất phục. Kể từ đó, những rẫy hoa màu ở thôn trang không còn bị con ngựa tới giẫm đạp và cắn phá nữa, trong khi Hạng Võ cũng được một con ngựa cưỡi mà ông rất yêu thích.
Câu chuyện trên mang một màu sắc truyền kỳ rất đậm đà, được truyền rộng trong tám nghìn quân tử đệ của ông. Hiện nay Hạng Võ thường ngày vẫn ngồi trên lưng con ngựa Ô Truy của mình, trông rất lẫm liệt oai phong. Đôi mắt sáng của ông luôn luôn nhìn về phía các tướng sĩ đang thao diễn trên sân tập, mơ tưởng tới một ngày tiến quân không còn bao xa.
Tháng 12 năm thứ hai đời Tần Nhị Thế, tức năm 208 Tr.CN, Hạng Võ đang cùng người chú bàn luận về chuyện quân sự thì bỗng binh sĩ đến báo:
- Thưa có sứ giả của Trương Sở đến xin yết kiến.
Sứ giả tự giới thiệu mình là Thiệu Bình, người Quảng Lăng, được Trương Sở Vương Trần Thắng phái đến để thăm các tướng sĩ tại Giang Đông.
Nghe báo là người của Trần vương phái tới, chú cháu họ Hạng hết sức vui mừng. Họ đang mong muốn đặt được mối quan hệ với quân của Trương Sở, và càng mong muốn được biết rõ tình hình của các cánh quân đang tiến đánh quân Tần ra sao. Sau khi để Thiệu Bình nghỉ ngơi chốc lát, chú cháu họ Hạng liền nôn nóng đặt ra nhiều câu hỏi.
Tình cảm trên nét mặt của Triệu Bình rất phức tạp, vừa phấn khởi lại vừa buồn lo, vừa vui mừng lại vừa thương cảm. Thậm chí, anh ta không thể trả lời ngay mà im lặng, đắn đo một lúc lâu, chừng như suy nghĩ để sắp đặt lời nói của mình cho thích hợp. Nhưng, chú cháu của họ Hạng không chú ý tới điều đó, mà họ chỉ đưa ánh mắt mong đợi nhìn thẳng vào Thiệu Bình, lẳng lặng chờ nghe.
Thiệu Bình bắt đầu nói: Các cánh quân đều tiến triển rất nhanh chóng. Cánh quân của Võ Thần từ Bạch Mã Tân sau khi vượt qua sông Hoàng Hà đã đến được vùng đất cũ của nước Triệu. Tức thì các địa phương đua nhau đứng lên hưởng ứng, đội ingux của ông đã nhanh chóng tăng lên đến mấy vạn người, liên tiếp đánh chiếm được mười thành ấp, lại tiếp nhận đến ba mươi thành khác xin đầu hàng. Quân chủ lực tây chính của phó vương Ngô Quảng đánh trận nào thắng trận đó. Mãi cho tới khi tấn công quận Tam Xuyên ông đã kịch chiến với Quận thú Lý Do tại Huỳnh Dương, giằng co nhiều ngày. Cánh quân của Châu Văn phát triển nhanh nhất. Khi họ vào Quan Trung thì đội ngũ đã có một nghìn chiến xa, mấy chục vạn bộ binh. Vào tháng 9 họ đã đánh tới Hí Hạ gần Hàm Dương, làm chấn động cả triều đình nhà Tần.
Khi Thiệu Bình nói tên tên Châu Văn, thì Hạng Lương cảm thấy rất quen thuộc, bèn hỏi:
- Có phải Châu Văn là người từng phục vụ trong quân Sở trước kia không?
Thiệu Bình đáp:
- Đúng thế. Khi tôn ông Hạng Yến tướng quân còn sống, thì Châu Văn là bộ hạ của tướng quân Hạng Yến. Ông ta giữ chức "Thị Nhật Quan" (quan coi ngày) chuyên chọn ngày lành tháng tốt. Người này có sự hiểu biết về quân sự, cho nên Trần Vương sau khi biết được ông ta, thì mời ông ta vào quân đội và ủy thác nhiệm vụ trọng đại cho ông ta trong cuộc tây chinh.
Hạng Lương nói:
- Như thế là đúng rồi, cha ta từng có lần nói đến con người này.
Hạng Lương lại hỏi tình hình của bản thân Thiệu Bình, ông này thở dài, nói:
- Mạc tướng bất tài, lại thêm thời vận không tốt, nên chưa thể đánh chiếm được Quảng Lăng, nói ra thật xấu hổ.
Kế đó, Thiệu Bình lại nói tiếp về tình trạng của các cánh quân. Giọng của ông tỏ ra hết sức bùi ngùi, cho biết Trần Thắng đã tổ chức nhiều cánh quân để tung ra tấn công quân Tần, vốn có ý định mở rộng thanh thế để làm cho vương triều nhà Tần phải khiếp sợ. Nhưng các cánh quân đều thiếu tinh thần hợp tác chống Tần, lại nôn nóng muốn chiếm đất để xưng vương, làm cho lực lượng của nghĩa quân bị phân tán, giúp cho quân Tần có cơ hội đánh bại từng cánh quân một. Ông cho biết Võ Thần sau khi chiếm được Hàm Đan là đất cũ của nước Triệu, thì tự lập làm Triệu vương, dùng Trần Dư làm đại tướng quân, dùng Trương Nhĩ làm thừa tướng, từ chối không chịu chấp hành mệnh lệnh của Trần Thắng bảo ông ta tiến về phía tây để phối hợp đánh quân Tần. Trong khi đó thì ông ta lại phái Hàn Quảng xua quân lên phía bắc để đánh chiếm đất cũ của nước Yên. Hàn Quảng sau khi đánh chiếm được đất Kế thì tự lập làm Yên vương. Châu Thị tiến về hướng đông bắc khi tới đất Địch, người Địch là Điền Đam liền thừa cơ hội giết chết Địch lệch, rồi lập làm Tề vương, và đánh đuổi quân của Châu Thị. Quân của Châu Thị buộc phải rút lui về chiếm đấy Nguỵ, đưa người quý tộc của nước Ngụy cũ là Ninh Lăng Quân lên làm Ngụy vương, còn Châu Thị thì làm thừa tướng. Họ đua nhau chiếm giữ địa bàn để xưng vương, làm yếu lực lượng của nghĩa quana, làm trở ngại cho sự phát triển của nghĩa quana. Đặc biệt là Châu Văn tấn công vào Hàm Dương đang gặp tình trạng bất lợi, thì các cánh quân khác đều tự lo cho mình, ngồi yên lấy mắt nhìn không ngó ngàng chi tới, khiến quân của Châu Văn bị rơi vào một tình huống cực kỳ nguy hiểm.
Nghe qua tình hình trên, tính tình vốn nóng nảy của Hạng Võ không thể giữ bình tĩnh được, liền quay sang nói với người chú, cần phải vượt sông tiến về phía tây để chi viện cho cánh quân của Châu Văn đánh chiếm Hàm Dương. Hạng Lương chưa vội trả lời đồng ý hay không, mà liếc nhìn sang Thiệu Bình. Trên khoé miệng của Thiệu Bình hiện lên một nụ cười gượng không dễ nhận thấy, và sau đó ông ta nói:
- Mạt tướng đến đây chính vì chuyện đó. Trần vương có ý định mời tướng quân ra giữ chức Thượng Trụ Quốc, đồng thời, có truyền chỉ dụ rằng: nay Giang Đông đã được bình định, vậy xin mời tướng quân tiến về phía tây để đánh quân Tần!
Hạng Lương nghe mình được cử giữ chức Thượng Trụ Quốc, cảm thấy rất vinh dự, liền quỳ xuống để tạ ân, đồng thời, ngỏ ý tiếp nhận chỉ dụ của Trần vương, ngay trong ngày hôm đó cử binh tiến về phía tây.
Do bởi Thiệu Bình là người của Trần Thắng phái tới, nên hai chú cháu họ Hạng đối với lời nói của Thiệu Bình hoàn toàn không có chút gì nghi ngờ. Hơn nữa, họ biết Thiệu Bình nguyên là người nhận mệnh lệnh của Trần Thắng tới đây, cho nên họ không ngờ Trương Sở vương Trần Thắng mặc dù uy danh hiển hách vẫn còn, nhưng bản thân ông đã ôm hận nghìn thu dưới chín suối, trong khi nghĩa quân có tiếng lớn mạnh của Trần Thắng cũng cơ bản đã bị quân Tần đàn áp tan rã. Ngọn lửa chống Tần bùng cháy tại làng Đại Trạch đang tàn lụi sắp tắt.
Sự việc đó diễn ra như sau: khi Châu Văn xua đại quân đánh tới Hí Hạ, áp sát Hàm Dương, thì Trần Nhị Thế hốt hoảng đến luống cuống cả tay chân, vội vàng triệu tập các đại thần để bàn bạc đối sách. Thiếu phủ Chương Hàm kiến nghị nên phóng thích tất cả tội đồ ở Ly Sơn, và tức khắc tổ chức họ thành lực lương phản kích. Tần Nhị Thế chấp thuận ý kiến này, ra lệnh đại xá trong toàn thiên hạ, và cấp phát vũ khí cho các tội đồ ở Ly Sơn, đồng thời tổ chức họ thành quân đội để phái đến Hí Hạ phản kích quân của Châu Văn. Châu Văn do thiếu chuẩn bị nên đã bị đánh bại buộc phải lui ra khỏi Quan Trung và tạm đóng quân tại Tào Dương. Chương Hàm xua quân truy kích. Trong vòng tháng 11, Châu Văn lại lui về Mãnh Tri, và một lần nữa lại bị Chương Hàm đánh bại, Châu Văn phải tự tử. Lúc bấy giờ quân phòng ngự Hung Nô ở phía bắc do tướng Tần Vương Ly chỉ huy, phụng mệnh kéo trở xuống miền nam, gia nhập vào quân của Chương Hàm, khiến cho cánh quân này càng thêm mạnh.
Riêng cánh quân của Ngô Quàng đang bao vây tấn công Huỳnh Dương nhưng không chiếm được, nội bộ xuất hiện mâu thuẫn, bộ tướng của Ngô Quảng là Điền Tạng giả mệnh lệnh của Trần Thắng giết chết Ngô Quảng, nhưng bản thân ông ta cũng bị quân địch bao vây đánh bại và chết trong lúc đang chiến đấu. Cánh quân của Tống Lưu sau khi chiếm được Nam Dương, cũng do cô lập nên bị đánh bại. Tống Lưu đầu hàng quân Tần, bị Tần Nhị Thế cho xe xé xác để thị chúng tại Hàm Dương. Sau khi tướng Tần là Chương Hàm liên tiếp giành được thắng lợi, thì Tần Nhị Thế lại phái Tư Mã Hân, Đổng Ế, chi viện thêm cho Chương Hàm để tiếp tục tấn công vào Trần quận là trung tâm của nghĩa quana. Trần Thắng vội vàng sai Trương Hạ kéo quân ra phía tây của Trần quận để chống lại quân Tần, đồng thời chính bản thân Trần Thắng cũng ra khỏi thành để đốc chiến, nhưng do chỉ huy bất lợi nên đã bị thất bại. Trương Hạ bị hết trong chiến đấu. Trần Thắng rút lui về hướng đông nam và bị tên xa phu Trang Giả giết chết tại Thành Phụ. Sau đso Trang Giả đầu hàng quân Tần. Đến đây thì nghĩa quân của Trần Thắng sau sáu tháng tồn tại đã bị trấn áp.
Sau đó, Lữ Thần là một tùy tùng thân tín của Trần Thắng, mặc dù tổ chức được đội Thương Đầu Quân từ thành phần nô lệ để triển khai phản công quân Tần, và đã chiếm lại được Trần quận, giết chết được tên phản bội Trang Giả để báo thù cho Trần Thắng. Nhưng do thế lực quá yếu lại cô độc, nên Lữ Thần lại buộc phải lui ra khỏi Trần quận để chấn chỉnh đội ngũ, với ý đồ sẽ tiếp tục đánh nhau với quân Tần.
Đối với tất cả sự thật trên, Thiệu Bình đã giấu kín không hề hở môi, ông sợ nói thật sẽ ảnh hưởng đến sĩ khí của chú cháu họ Hạng vừa mới khởi binh. Thiệu Bình cố làm ra vẻ người chiến thắng, ăn nói chững chạc, kể rõ đầu đuôi việc các cánh quân đang tiến binh ồ ạt, cũng như kể lại cách đối nhân xử thế tốt đẹp của Trần Thắng. Trong câu chuyện, Thiệu Bình luôn nhấn mạnh nhiều lần quan điểm như sau:
- Trương Sở là niềm hy vọng của ý chí diệt Tần phục Sở, còn Trần vương là lãnh tụ của nghĩa quân trong thiên hạ. Nhân gian thường nói "chim không có con cầm đầu thì không bay, người thiếu lãnh tụ cầm đầu thì không hành động." Vậy nghĩa quân trong thiên hạ cần phải bảo vệ địa vị của Trần vương, cần phải nghe theo mệnh lệnh điều khiển của Trần vương, đồng tâm hợp lực để hoàn thành sự nghiệp chống Tần.
Hạng Lương và Hạng Võ đều tỏ ra tán đồng quan niệm đó. Đối vói họ thì nghĩa quân của Trần Thắng có cùng mục tiêu giống họ là tiêu diệt vương triều nhà Tần để phục hồi nước Sở. Như vậy, giữa họ và quân của Trương Sở là những người đi cùng một con đường. Khi Trần vương khởi binh từng lấy danh nghĩa của Hạng Yến để hiệu triệu, trong khi tiến quân lại dùng bộ hạ của Hạng Yến là Châu Văn, hôm nay lại phái người đặc biệt để phong chức cho mình, vậy tại sao không đem quyền lực để hỗ trợ? Họ đã tiếp đãi đầy nhiệt tình đối với sứ giả của Trương Sở đồng thời, truyền đạt chỉ dụ của Trần vương cho tám nghìn binh mã của mình, rồi sau đó mới cho người ngựa ăn uống no nê, cho binh sĩ chuẩn bị khí giới để vượt sông tiến về phía tây đánh quân Tần.