Đứa trẻ đó lớn lên rất khoẻ mạnh: đầu tròn to, mặt đen và rộng, trán vồ, xương chân mày cao, miệng to, môi dày, có một tướng mạo khác thường. Khi đứa trẻ mở to đôi mắt, để lần đầu tiên nhìn thế giới xa lạ này, thì mọi người không khỏi ngạc nhiên vì phát hiện mắt nó có đến hai con ngươi, làm cho mọi người nhớ đến vua Thuấn đời xưa đôi mắt cũng có hai con ngươi như thế. Thuấn là hậu duệ của hoàng đế, họ Ngu, vì tròng mắt có hai con ngươi nên được đặt tên là Trùng Hoa. Mẹ Trùng Hoa là Ác Đăng nằm mộng thấy chiếc cầu vồng rơi xuống đất và hoá thành một người đàn ông giao phối với bà, nên bà đã hoài thai. Chiếc cầu vồng chính là hóa thân của Khu Tinh ở trên trời. Sau khi sinh Thuấn không bao lâu thì bà mẹ chết. Thuấn đối với người cha là Cổ Tẩu rất có hiếu. Năm 30 tuổi, do được các thủ lãnh của bộ lạc bốn phương là Tứ Nhạc cùng đề cử, nên vua Nghiêu ra lệnh cho Thuấn nối ngôi. Ngoài ra, vua Nghiêu còn đem hai người con gái là Nga Hoàng và Nữ Anh gả cho Thuấn. Sau khi Thuấn nối ngôi, đã đi thị sát khắp bốn phương, diệt trừ bốn kẻ thù là Cổn, Cộng Cân, Hoan Đâu và Tam Miêu, trở thành một nhà vua nổi tiếng.
Khi nhớ tới câu chuyện đó người trong nhà họ Hạng rất lấy làm đắc ý. Nhà họ Hạng là quý tộc của nước Sở, do có công mà được phong đất Hạng, nên lấy tên đất để làm họ. Gia phả của nhà họ Hạng có rất nhiều danh tướng, võ công trác tuyệt, tôn tộc lấy đó làm điều rạng rỡ của mình. Hôm nay, nhà họ Hạng lại có người kế thừa mới, lại giống như vua Thuấn thời xưa tròng mắt có hai con ngươi, cho nên tất cả mọi người đều cho đó là một điềm tốt đẹp. Biết đâu mai sau cậu bé này cũng giống như vua Thuấn, "làm việc gì cũng trở thành mẫu mực, nói lời nào cũng trở thành điển chương", tức một vị anh hùng làm rung chuyển cả trời đất, khiến quỷ thần đều phải kiêng sợ.
Nhưng, khi người trong nhà họ Hạg nghĩ tới những tai nạn mà vua Thuấn trước kia gặp phải, lại không khỏi lo sợ cho cậu bé mắt có hai con ngươi này. Mẹ vua Thuấn sau khi chết thì người cha lại cưới một người vợ mới. Người kế mẫu này tính tình độc ác, cho nên lúc còn bé vua Thuấn đã chịu sự bạc đãi đủ điều, về sau bà còn xúi giục người con ruột của bà ta là Tượng, cấu kết với người cha để hãm hại Thuấn. Chính vì vậy mà Tượng và Thuấn là hai anh me cùng cha khác mẹ đã bắt đầu tranh đấu kịch liệt với nhau. Tượng và người cha trước tiên lập mưu bảo Thuấn dùng đất trét lại những lỗ thủng của kho lẫm, có ý đồ đốt chết Thuấn. Về sau, hai người lại bảo Thuấn đào giếng, cũng có ý đồ lấp giếng cho Thuấn chết ngạt. Đó chính là "tình lẫm chi nạn". Mặc dù qua hai tai nạn trên Thuấn đã suýt chết bởi âm mưu ác độc của Tượng và người cha. Nhưng may mắn là có Nga Hoàng và Nữ Anh đã trợ lực, giúp Thuấn vượt qua hiểm nghèo. Trước khi Thuấn vào kho lẫm để vá lại lỗ thủng, hai cô gái này bảo Thuấn mặc một chiếc áo có thêu hình chim. Khi người cha nổi lửa đốt kho lẫm Thuấn liền bay ra ngoài như chim. Trước khi đào giếng, hai cô gái cũng bảo Thuấn mặc một chiếc áo có thêu hình rồng. Khi người cha lấp miệng giếng Thuấn chui qua đất để vượt lên trên. Những truyền thuyết thần kỳ đó đã làm cho nhà họ Hạng không khỏi lo lắng. Đứa bé mới sinh ra phải chăng cũng có một người "anh em" ác độc như vậy và cũng sẽ gặp "tình lẫm chi nạn" như Thuấn hay không? Người anh em cùng cha khác mẹ của Thuấn tuy rất ác độc, nhưng cuối cùng âm mưu của hắn cũng vẫn không thực hiện được, vậy đứa bé mỗi con mắt có hai con ngươi này về sau có được may mắn như thế không?
Chính vì lẽ đó, mà người nhà họ Hạng vừa vui mừng lại vừa lo sợ cho đứa bé mới chào đời. Họ đặt tên cho đứa bé là Tịch, tự là Vũ, mọi người thường quen gọi là Hạng Võ (cũng gọi là Hạng Vũ).
Cậu bé Hạng Võ chẳng những khoẻ mạnh mà còn háo động. Thân thể tròn trịa của cậu bé có một sức khoẻ dư thừa, chừng như mọi sự tiếp xúc với thế giới này đều làm cho cậu ta vui vẻ háo hức. Cậu ta biết nói và biết đi rất sớm, cho nên lúc nào cũng chạy nhảy tung tăng khắp đó đây, sức mạnh so với những đứa bé cùng trang tuổi đều hơn hẳn, có thể rinh được nhiều thứ đồ vật nặng nề. Tánh tình của cậu bé cũng rất lạ, có khi tỏ ra hiền lành dễ mến, nhưng cũng có khi nóng nảy muốn làm chi thì làm. Cứ việc gì cậu ta muốn làm mà bị ngăn cản thì sẽ khóc la phản đối, thậm chí lắm lúc cậu ta có thể ném mạnh những món đồ chơi mình ưa thích xuống đất bể nát. Bà nhũ mẫu trông nom cậu bé thường phiền hà là Hạng Võ không chịu nghe lời dạy bỏa, chẳng khác nào một con ngựa chứng. Cha mẹ còn trẻ tuổi của cậu thấy vậy lấm làm lo, sợ cậu sẽ gây ra tai vạ bất cứ lúc nào. Ông nội của Hạng Võ là Hạng Yến, một danh tướng của nước Sở thì lại tỏ ra hết sức yêu mến đứa cháu của mình. Ông nhìn cậu bé Hạng Võ với ánh mắt tán thưởng, khi thấy cậu bé chơi đùa tự do hoặc khóc la ồn ào. Thậm chí ông thường mỉm cười gật gù trước những trò chơi quái ác của cậu bé. Ông thường nói với người chung quanh một cách đắc ý. Cháu của ông có khí chất trời sinh hào phóng, dũng cảm, sau này lớn lên nhất định sẽ trở thành một mãnh tướng!
Hạng Yến ít khi có mặt ở nhà. Với địa vị là một tướng giỏi của triều đình, ông có trọng trách bảo vệ nhà vua, bảo vệ xã tắc. Nước Tần, một quốc gia được mọi người gọi là "đất nước lang sói" là một đối thủ nguy hiểm của nước Sở. Vương triều nhà Tần sau khi được Thương Ương tiến hành cải cách, đã bắt đầu mở rộng bờ cõi sang phía đông, khiến cho sáu nước ở phía đông luôn bị uy hiếp. Các nước Nguỵ, Sở, Tề đã lần lượt bị quân Tần đánh bại. Ba mươi năm trước trong trận đánh tại Trường Bình, bốn chục vạn quân Triệu bị quân Tần bắt sống, và đã bị tướng Tần là Bạch Khởi chôn sống tất cả. Sau trận đánh đó, nước Tần lại lần lượt tiêu diệt Tây Châu, Đông Châu, mở rộng con đường tiến về phía đông. Quốc vương đương kiêm của nước Tần là Doanh Chính có nhiều tham vọng. Sau khi lên ngôi, ông đã sử dụng Lý Tư, Úy Liêu... làm người sách hoạch cho nước Tần, tích cực chuẩn bị "diệt chư hầu, hoàn thành đế nghiệp, thống nhất thiên hạ." Doanh Chính còn sử dụng rất nhiều vàng để mua chuột các quyền thần của sáu nước để phá hoại chính sách "hợp tung" của những nước này. Ngay trong năm Hạng Võ chào đời, quân Tần đã khởi binh phạt Triệu, một cánh quân đánh chiếm đất Nghiệp và một cánh quân khác đánh chiếm Thái Nguyên, Lang Mạnh, Phiên Ngô. Tướng Triệu là Lý Mục mặc dù có thể đánh bại được quân Tần, nhưng cũng tổn thất mấy vạn tướng sĩ và chỉ còn giữ được đô thành Hàm Đan. Hai năm sau, Hàm Đan của nước Triệu bị đánh chiếm, vua Triệu trở thành tù binh của nước Tần. Năm Hạng Võ được ba tuổi, nước Tần tiêu diệt nước Hàn. Đứng trước sự uy hiếp ngày càng nặng nề của nước Tần, vua Sở bắt buộc phải tăng cường đề phòng. Chính vì vậy mà Hạng Yến trong thời đó lúc nào cũng ngồi trên lưng ngựa, ít có khi được rảnh rỗi để về nhà đoàn tụ với gia đình. Dù vậy, ông lúc nào cũng nhớ đến đứa cháu trai bé nhỏ của mình, và hy vọng nó sẽ được nuôi dạy tốt, sau khi trưởng thành sẽ trở thành một vị tướng soái để báo đền ơn vua ơn nước, và tiếp tục viết những trang lịch sử vẻ vang cho gia tộc nhà họ Hạng.
Suốt thời thơ ấu, Hạng Võ đã sống vui vẻ vô tư, vô lự dưới sự nuông chiều thương yêu của ông bà nội. Với điều kiện ưu việt của gia đình, cậu bé Hạng Võ càng lớn càng khoẻ mạnh. Nhưng, khi cậu ta mới bắt đầu hiểu biêt thì đã gặp phải một điều bất hạnh khôn cùng: cha mẹ cậu nối tiếp nhau qua đời. Cậu bé Hạng Võ sớm mồ côi, và tâm hồn non dại của cậu đã bị phủ lên một bóng đen đau buồn.
Người chú của Hạng Võ là Hạng Lương nhận việc nuôi dạy cậu. Hạng Lương là một con người có ý thức quốc gia rất mạnh mẽ. Theo ông thì người nước Sở là người cao quý, đất đai của nước Sở rộng lớn, sản vật dồi dào. Nếu so sánh với nước Tần là một nước mọi rợ (Nhung Địch) thì mọi mặt đều hơn hẳn. Hạng Lương đã dùng một giọng nói tự hào kể thao thao cho đứa cháu của mình là Hạng Võ nghe về lịch sử của nước Sở. Ông nói: tổ tiên của người Sở có nguồn gốc từ bậc đế vương Chuyên Húc thời cổ, do có công trợ giúp Thiếu Cao nene được phong đất Cao Dương, cho nên từ đó lấy họ Cao Dương. Họ Cao Dương là cháu của Hoàng Đế, trong khi đó Cao Tân là trọng tôn trọng lẽ của họ Cao Dương, là người có nhiệm vụ chủ quản về Lửa của Đế Cốc. Ông này mang đến ánh sáng cho cả thiên hạ, có công rất lớn, được Đế Cốc ban cho họ Chúc Dung. Chúc Dung thị là thần hỏa, cho nên tất cả người nước Sở đều là con cháu của thần Hỏa.
Hạng Lương còn nói cho Hạng Võ biết người nước Sở lập quốc rất lâu, từng là nước đồng minh của triều đại nhà Thương. Trong đời Thương - Châu vị tổ của người Sở là Dục Hùng từng phụ tá cho Châu Văn Vương. Đến đời Châu Thành Vương, hậu duệ của Dục Hùng là Hùng Dịch đã dẫn dắt người nước Sở đến định cư tại khu bình nguyên nằm dưới chân núi Kinh Sơn. Tất cả người Sở đều dũng cảm hăng hái tiến lên phía trước, với áo quần lam lũ họ đã khai phá rừng rú để biến đất hoang thành một khu vực phì nhiêu của mình và đã xây dựng đô thành tại Đơn Dương, chính thức thành lập quốc gia. Từ đó trở về sau, thế lực của người nước Sở đã liên tục bành trướng về phía bắc, và đã dời đô đến Kỷ Sính, lần lượt tiêu diệt bốn chục nước chư hầu, để thành lập một đại quốc cường thịnh ở phương nam.
Khi nói tới sự phát triển về kinh tế và văn hóa của nước Sở, Hạng Lương đã lần lượt kể ra những đặc điểm kinh tế và văn hóa của nước Sở như đếm đồ gia bảo: việc chế tác binh khí của nước Sở hơn hẳn các nước khác ở vùng Trung Nguyên, kiếm thép rất bén và nổi tiếng khắp thiên hạ. Hàng dệt bằng tơ tằm rất tinh vi sang trọng, đồ sơn mài chắc chắn và rất đẹp. Người nước Sở còn biết cách nấu muối, làm đồ gốm, làm đồ bằng tre bằng gỗ, làm da thuộc, làm đồ bằng ngọc, và ủ rượu kháp rượu, v.v... tất cả đều có kỹ thuật cao siêu. Chính Hạng Lương có một quả ấn bằng pha lê lóng lánh. Ông ta nói với người cháu là loại pha lê này còn quý giá hơn cả ngọc, chỉ có người nước Sở mới chế tác được.
Khi nhắc đến đô thành cũ của nước Sở là Sính đô, Hạng Lương nói: đây là một đại đô hội lớn nhất trong thiên hạ, trên đường phố người đi chen chúc, lúc nào cũng chật chội, buổi sáng mặc chiếc áo mới vào đi ra phố, đến chiều về thì chiếc áo đã cũ do cọ sát với người đi đường. Chính vì vậy, Sính đô còn được gọi là "đo thành chen lấn rách áo". Sính đô chẳng những là một đo thị phồn hoa, mà còn là một thành phố lúc nào cũng vang tiếng âm nhạc, tại đây có thể nghe được những ca khúc, nhứng lời diễn xướng đủ loại, thường xuất hiện khung cảnh một người lãnh xướng thì có đến hàng vạn người phụ hoạ một cách náo nhiệt. Đô thành hiện nay là Thọ Xuân, có điều kiện địa lý thuận lợi, và phồn hoa không kém gì Sính đô.
Hạng Lương kể chuyện một cách sống động, tình cảm tràn trề, làm cho cậu bé Hạng Võ không khỏi lấy làm phấn khởi, một cảm tưởng người nước Sở là người ưu việt tự nhiên xuất hiện trong lòng cậu bé, và cậu ta cảm thấy rất vinh hạnh mình là con cháu của Hoả thần.
Đàn ông, trai tráng của nước Sở hầu hết đều rất ngưỡng mộ những bậc anh hùng, ai ai cũng có tinh thần thượng võ, cho nên cậu bé Hạng Võ cũng không ngoại lệ. Sau khi nghe chuyện kể của người chú, cậu cũng biết được trong lịch sử trước kia, Sở Trang Vương là vị bá chủ một thời, thì đôi mắt bé thơ đen nhánh của Hạng Võ liền sáng lóng lánh lên, cậu nhảy tưng lên hoan hô vì quá tự hào.
Hạng Lương tiếp tục mô tả một cách sống động: vị Sở Trang Vương đó lúc mới lên ngôi vẫn không hề cho thấy có dấu hiệu nào của một nhà vua sắp sửa xưng hùng. Ông ta suốt ngày uống rượu nghe nhạc và dan díu với những cung nữ, chừng như không hề xem đại sự của quốc gia vào đâu. Ông ta sở dĩ làm như thế là để che mắt một người đang nắm thực quyền trong tay, và có dụng tâm bất chính, tức đại quý tộc Nhược Ngao thị, nhằm tìm hiểu triều thần ai trung ai gian. Về sau, khi cơ hội đã chín muồi, ông liền phát động một cuộc tấn công để tiêu diệt Nhược Ngao thị, rồi nắm đại quyền của quốc gia vào cả trong tay. Từ đó trở đi, ông ta nhờ có Lệnh doãn Tôn Thúc Ngao phụ tá, tiến hành cải cách nội chính, huấn luyện quân đội, phát triển sản xuất, làm cho nước Sở trở thành một quốc gia giàu mạnh. Với ý đồ thay thế cho vương triều nhà Châu để cai trị thiên hạ, Sở Trang Vương đã liên hệ với một đại thần của nhà Châu là Vương Tôn Mãn để tìm hiểu chiếc đỉnh đồng tượng trưng cho quyền lực của nhà Châu có kích thước bao lớn, nặng nhẹ bao nhiêu và mạnh dạn phủ định quyền lực thao túng của các quốc gia của vị thiên tử tối cao của nhà Châu. Khi ông được biết xưng bá ở vùng Trung Nguyên thì trước tiên phải đọ sức vớc nước Tần, phải đè bẹp uy thế của nước này. Cho nên ông liền tiến hành tập trung binh mã tìm kiếm cơ hội để mở một trận đại chiến có quy mô lớn với nước Tần tại vùng đất Tất, đồng thời, giành được thắng lợi huy hoàng. Mấy năm sau, ông lại chinh phục nước Tống, hàng phục được rất nhiều tiểu quốc khác, làm cho ngoài nước Tần, Tề, Lỗ, còn các nước ở vùng Trung Nguyên đều tôn ông lên làm bá chủ. Sau Tề Hoàn Công, Tấn Văn Công, ông trở thành một vị bá chủ mới, làm cho người nước Sở được nở mày nở mặt đối với các nước chư hầu...
Hạng Lương kể hết mọi sự kiện đáng kiêu hãnh của nước Sở cho Hạng Võ nghe, nhưng không bao giờ nói rõ tình trạng hiện thực của nước Sở ngày nay. Trên thực tế thì những trang sử hùng cường của nước Sở đều đã trở thành quá khứ. Kể từ sau khi Sở Hoài Vương bị thất bại trong kế hoạch "hợp tung chống Tần" đã dần dần đi vào con đường suy sụp. Sở Hoài Vương là một nhà vua hồ đồ, ông ta cả tin lời hứa của vua Tần là sẽ tặng cho nước Sở vùng đất Thương Ư rộng sáu trăm dặm, cho nên đã dại dột cắt đứt mối liên hệ liên minh với nước Tề, khiến cho nước Tề phải ngã về phía nước Tần, cùng chung đối hó với nước Sở. Sau khi Sở Hoài Vương biết mình bị gạt liền phát động binh mã đánh Tần, nhưng quân Tần đã chuẩn bị trước, nên quân Sở liên tiếp bị thất bại. Thế là vùng đất tại Hán Trung của nước Sở bị quân Tần đoạt mất, trong khi Sở Hoài Vương cũng bị quân Tần bắt sống mang về nước. Sau khi Sở Hoài Vương bị bắt được ba năm thì ông ta đã tìm cách chạy trốn khỏi nước Tần, ông ta không dám trực tiếp trở về nước Sở, cho nên đã trốn sang nước Triệu, với hy vọng sẽ từ nước Triệu tìm đường chạy trốn tiếp. Nhưng, lúc bấy giờ nước Triệu không dám dính líu tới cuộc tranh chấp giữa nước Tần và nước Sở, cho nên Triệu Huệ Văn Vương đã từ chối không cho Sở Hoài Vương nhập cảnh. Sở Hoài Vương không còn cách nào khác hơn là phải chạy sang nước Ngụy, nhưng giữa đường thì bị quân Tần bắt giữ, áp giải về Hàm Dương và bị giam vào ngục. Sở Hoài Vương vừa thẹn vừa tức giận nên đã sinh bệnh, không bao lâu thì chết ở đất khách quê người.
Hạng Lương không muốn cho đứa cháu của mình biết được việc Sở Hoài Vương đã mang đến nỗi nhục cho nước Sở, không muốn cho Hạng Võ biết nước Sở hiện giờ đang lâm vào tình thế suy nhược, mà chỉ mong muốn Hạng Võ luôn luôn nhớ mãi: nó là người nước Sở, là con chấu của Hoả thần, vậy cần phải xứng đáng với tổ tiên, làm rạng rỡ đất nước mình trong thiên hạ, để tiếng tăm được truyền mãi tận đời sau!