Ngày trước, tháng ba có hội lệ. Thịt con bò, chia phần bốn giáp. Vài ba năm lại có rước chạ, cắt lượt chạ trên chạ dưới. Nhưng các chạ đều nghèo, không làng nào sắm nổi cỗ kiệu, đám rước chỉ khiêng cái long đình gỗ mộc.
Không phải xưa nay đám thứ đều giống nhau. Cứ như tuổi tôi, từ thủa còn để chỏm tới ngày nay đã thấy bể dâu lắm nỗi. Cái năm kháng chiến, ngôi đình bị phá san phẳng theo lệnh tiêu thổ kháng chiến. Chỉ còn ba cây muỗm cổ thụ và một bờ rào duối đằng hậu cung. Đến khi Tây lại đóng đồn, sợ du kích về ẩn nấp, đã chặt nốt bờ rào duối, thế là cái đình cái sân nhẵn nhụi. Chỉ không biết cái long đình biến đi đâu. Có người đã lội xuống ao làng mò, hay là người ta đã giấu xuống đấy. Người không thấy.
Hoà bình lập lại, ngôi đình không dựng lại được nữa. Nhưng rồi làng cũng đóng góp xây lên được ba gian lợp ngói. Không có ông từ, nhưng tuần rằm mùng một, cũng có các cụ ra thắp hương. Đến cái năm cải cách ruộng đất, cái đình con con được cất lại ấy cũng bị bỏ hoang, Mấy người hay ra thắp hương cũng bị quy là mê tín dị đoan. May chỉ là “mấy ông lão lạc hậu” mới kém hiểu biết, mới chậm tiến thế, nên được châm chước chứ nếu còn tuổi trung niên chắc đã bị đem ra đấu ở xóm rồi.
Nhưng bây giờ đã khác, tôi nghe người trong làng ra kể ngôi đình đã được xây lại. Chỉ có cây muỗm cổ thụ thì không thể sống lại được nữa không biết ai có sáng kiến đem về trồng hai cây xà cừ cho chóng có bóng mát.
Làng vào đám năm nay tôi về được trông thấy đình mới. Cũng vẫn trong khuôn khổ ngôi đình ngày trước, nhưng quét vôi vàng và vôi màu đỏ loè loẹt sặc sỡ. Không còn bức tường rêu đằng hậu cung và con nghê sành đắp nổi trên cột trụ ngoài sân đình ngày trước của một bà con gái làng lấy chồng xa, vợ chồng về làng nộp treo, người rể làng có máu mặt đã cung tiến con nghê. Người ta thường nghĩ theo kỷ niệm, chẳng vui chẳng buồn, thế mà cũng nhớ.
Trong đình lúc ấy rộn rã người đi lại, trống đánh từng hồi. sắp tế thần. Cả loạt hơn chục ông, áo thụng xanh lam, mũ phốc, quần lụa mơ gà hoa chanh, đi hia đế trắng xốp mũi hia bọc nhung đỏ. Thoạt trông lạ mắt, nhưng rồi nhìn dần nhận ra, toàn mặt quen. Nhiềt ông trong làng, cũng có nhưng ông người thiên hạ, lấy vợ làng này hay tậu đất ở đây trạc trên sáu mươi, bảy mươi, cán bộ về hưu. Chà chà, xống áo tế lễ đẹp quá, sang quá. Ngày trước, năm ấy ông ngoại tôi đến tuổi đến phiên được làm chủ tế. Cả cỗ tế hơn hai mươi người chỉ có một ông tôi được mặc áo thụng xanh. Mọi người khác đều áo the, khăn lượt chít như thường ngày có việc đi đâu. Cái áo thụng lam ông tôi mặc cũng là của làng, của công, ai đến lượt làm chủ tế thì được mượn.
Ông chủ tế ra tiếp tôi. Ông ấy trước công tác ở bộ Nông nghiệp về hưu. Mấy người nữa xúm xít ra. Tôi lâu ngày mới về làng, chứ đều là quen biết trước kia, có khi còn có họ và tất cả đều là cán bộ là bộ đội về hưu - có anh ở tỉnh có anh trên ngành ở trung ương. Nói đùa có thể hội ý chi bộ hay tổ đảng ở đám tế được.
Hầu hết các ông này vẫn còn thua tuổi tôi. Như tuổi tôi mà còn ở thời ngày trước, hội hè thế này, bấy giờ đương là trai tráng trong làng. Những cuộc tể lễ như hôm nay mới chỉ được các cụ cắt ra những chân cầm cờ, che tán - gươm vàng, bát bửu thì chưa phải mặt, chưa đến lượt được vác. Ngoài ra thì khiêng long đình, kéo xe trống... Còn các anh hôm nay áo thụng đi hia ra bắt tay chào rồi ngồi chơi với tôi đây lúc ấy cũng chỉ khoảng lên mười, đầu để hoa roi, mũi thò lò, cứ ngó nháo nhác đi xem rước và ngồi chầu hẫu xem tế mà thôi.
Tôi hỏi một người ngồi cạnh:
- Các cậu cũng biết tế à? Giỏi nhỉ.
Mấy người cùng cười.
- Mỗi thời một khác. Mời bác ngồi chơi xem, em vào việc thánh.
Trống đánh nhịp, chủ tế ra đứng giữa chiếu hoa, các ông bồi tế bước lên, kẻ đứng ngồi quỳ chắp tay theo thứ tự. Các ông bồi tế lặng yên, kính cẩn. Ở ngoài, hai lên đứng lấp sau cột, xa hai mép chiếu, các ông bồi tế khác lần lượt xướng tế: Hương... Bái... Tiến tước... Quán tẩy sở... Tiết tửu...
Theo lời xướng, các ông bồi tế trong chiếu lóp ngóp quì xuống đứng lên, có lúc cúi đầu, có lúc hai tay bưng hai chén rượu như ông chủ tế, trịnh trọng bước lên.
Các ông đứng ngoài không mặc áo thụng đi hia mà áo sơ mi quần phăng, dép lê như tôi. Mặt mũi còn non lắm, chỉ được cái tiếng hô to. Và vì không mặc quần áo tế, các ông đứng nép vào cột. Ở ngoài của không trông thấy.
Phần nào, tôi đã đoán ra. Tôi hỏi một người ngồi xem bên cạnh:
- Đám thợ tế là các cậu thuê ở đâu?
Người ấy nói:
- Phải vào gọi tận Mễ Trì, xa lắm. Hẹn trước cả tháng đấy mà cơm rượu, lại phần phò, lại tiền nong tốn kém ghê. Dạo này vùng mình hội hè tế lễ nhiều mà.
Đến trưa, vào ngồi ăn việc làng, tôi nói với chủ tế - cái lão trước làm ở bộ Nông nghiệp:
- Làm gì mà khổ thế. Mà bát nháo cả. Làng mình xưa kia chẳng có tế thì đã sao.
Ông chủ tế mặt rượu đỏ lựng:
- Làng nó có làng mình cũng phải có chứ. Ông mà về làng, ông cũng đóng vai chủ tế thuê tế như tôi.
Tôi cười:
- Một chữ nho bẻ đôi không biết, tớ cũng chẳng biết tên cụ thành hoàng làng ta.
Ông chủ tế xua tay:
- Chẳngcần, chẳng cần!