Con chim gáy, con gáy béo nùng nục, chim mùa tháng mười bay vào, là là giữa vòm tre. Ngon mắt quá. Tôi cũng sành bẫy chim gáy. Lại hay nghĩ đùa một mình: sao chỉ có con gáy đực mắc bẫy, con mồi cũng đực rựa, con đàn bà mượn tay ta hại ta. Còn tao lừa cả hai, thằng vào tròng thì bây giờ già rồi tao mới nhớ ra tội tao.
Tôi vót nan, đẽo cột đem gác bếp làm chiếc lồng quả vả. Cái lưới dây đay căng trước nan lồng trên cành duối - Ở trong Nam, cái cầu máy chém này là lưng tàu lá dừa.
Con mồi trong lồng cất giọng, tiếng gọi con cái. Một thằng nhào tới, đậu xuống cái cầu định mệnh, thò ngay mỏ vào đâm tình địch. Lưới bủa xuống, thằng ấy ngã ngửa, giãy lùng nhùng trong lưới. Tôi bóp cái thăn. Cánh đồng đương gặt, lắm thóc rơi rụng, đùi vế con gáy nào cũng nần nẫn. Tôi vặt lông, nướng chim ở vườn tre bên gốc những cây chàng ràng. Con nào ra mẽ, đầu tém, cổ cườm, vẻ tài tử gáy hay, tôi bỏ vào lồng đợi phiên đem lên chợ bán.
Tôi đã sang tuổi thôi chơi nhặt hạt chành ràng vờ làm tiền. Tôi biết bẫy chim có tiền thật. Lại hay nghĩ ngợi lăng băng về anh chàng, chị chàng chim gáy. Tôi cũng như chim và tôi cũng có con mái. Khoảng vườn hoang này cũng là cái cội của tôi, trong Nam gọi nơi thanh vắng chim gáy hú hí nhau gọi là cội. Cái Răm thường ngày vào quét lá tre về đun bếp. Bố nó nói đặt tên Dăm là có ý ước ao lúc nào trong thắt lưng cũng rủng rỉnh dăm ba đồng xèng sai nó đi mua cút rượu, nhưng những quân chết tiệt cứ réo cái Răm, cái Răm. Bọn rỗi miệng lại tán: “Cái rau răm hạ hoả. Nhà chùa thì phải hái răm ăn đêm, chứ ở đời có miếng dồi chó lại kiêng thì có mà dại hơn con chó. Nhưng cái con Răm này thì ăn lại ngon, thế mới chết!”.
Cái Răm có hai con mắt lá răm, đuôi mắt dài ươn ướt, nhìn ai cứ như sắp tứa nước ra. Tôi chẳng tha, nó vương bẫy cò ke tôi rồi. Nhưng tôi lại mất của về nó. Răm thích chén thịt chim gáy nướng. Tôi sĩ diện, có hôm không bẫy được, tôi đã đem ra cả con gáy ở nhà định đợi bán chợ. Răm nhanh tay vặt lông chim, mổ moi. Tôi trổ tài nướng chim cả con trên đống than que củi nó vừa kiếm được một bó. Ngày ấy, tôi chưa biết mùi rượu. Mà chỉ nhá thịt chim gáy cũng say. Tôi nhìn cái Răm ăn như đứa chết đói, con mắt lá răm long lanh đầm đìa lên thế kia thì tôi phải say rồi.
Tốn mồi thế mà nào có ăn thua. Cuối năm, Răm lấy chồng. Một thằng ở làng trên chài được nó. Chẳng biết người mối lái hay gặp nhau ở phiên chợ, ở hội hè, ở bờ bụi nào. Thằng ấy làm vat man tầu điện. Làng tôi lam lũ thế này thì thằng vat man lái tàu, thằng sơ vơ bán vé tàu được tiếng đi làm việc Tây ngoài kẻ chợ, có lĩnh lương tháng, có ngày chủ nhật nghỉ, tôi sao địch nổi.
Nghề canh cửi làng tôi long đong quá. Tơ Tầu bên Hồng Kông không bán sang nữa, mà tơ tằm thì chết đã lâu. Xưa rày, lụa Hà Đông lái vẫn buôn vào Sài Gòn, bây giờ đường xe lửa bị nhà binh Pháp rồi Nhật sung công. Người làng bỏ đi cao su đất đỏ, sang tận xưởng dệt ở Kampôt bên Cao Miên. Nhiều người chẳng bao giờ về.
Tôi cũng bơ vơ đi. Thoạt đầu vào Sài Gòn. Có người mách trên Bến Cát mới mở Sở Củi đang cần nhiều người vào rừng hạ cây, đốt lò, tải than ra sông xuôi Sài Gòn. Tôi lên Bến Cát, xin được một chân chấm công. Ngày ngày cắp rổ vào rừng, ra các lò than, xuống bến điểm công cho cu li làm cả ngày, nửa ngày, làm đêm.
Xảy ra một chuyện không may chẳng bận gì đến công việc. Ông Tây chủ Sở Củi, lão già bao nhiêu tuổi không đoán được. Đầu tóc, râu xồm tua tủa trổ kín mặt, nhô ra cái mũi nhọn hoắt, đỏ tím. Lúc nào lão cũng kè kè bình toong rượu. Đến khuya, lão xuống nhà dưới chỗ tôi nằm. Lão dựng tôi dậy, kéo tụt quần tôi. Tôi khiếp quá, đẩy lão, biến ra rừng. Sáng hôm sau đã thấy lão ngồi bàn giấy, cái bình toong để trước mặt. Lão đưa quyển sổ chấm công, lão không nhìn tôi, như không phải con dê đêm qua.
Tôi vẫn công việc như thường ngày nhưng đêm đến lại bị lão mò xuống. Tôi lại chạy vào rừng. Hôm sau, lại như mọi ngày bình thường, khi lão cắm cúi sổ sách, khi lão cầm gậy hò hét, đuổi đánh cu li. Và vẫn thản nhiên đưa tôi quyển sổ chấm công. Mấy đêm tôi phải ngồi gốc cây, không dám chợp mắt. Sương rơi xuống lá khô tí tách như hạt mưa, như tiếng con thú, con rắn đương ngoằng tới. Có thể, con sói, con beo rình tha tôi đi.
Tôi ra ngủ nhờ nhà thằng Gạc Rang dưới bến. Gạc Rang hàng ngày chạy thư trên huyện về xã. Ở làng tôi người trạm tráng thường được gọi tôn lên là bác Đội trạm. Đây gọi là gì, nhưng chắc Gạc Rang không phải tên người, không phải tên việc phát thư. Có lẽ trước kia nó gác rừng trên Dầu Tiếng, còn lại cái tên “Gạc Rang” hay là tên gốc Miên thế. Gạc Rang cao lớn, mắt lồi đen như củ gắm. Gạc Rang ở một mình. Một gian nhà che ván như lều chợ. Gạc Rang đeo cái túi dết bao bố, khi cởi trần đi chân không.
Tôi ngủ đêm yên tĩnh ở nhà Gạc Rang, hôm sau vào bàn giấy, lão râu xồm chủ sở lại đưa cho quyển sổ chấm công cu li. Cuối tuần lĩnh lương, ngày ngày uể oải triền miên thế.
Một buổi, tôi vào cửa, lão đứng dậy. Lão hếch râu thở phì phì rồi giơ cái gậy song lên, hét một câu tiếng ta thật sõi:
- Mày vô, tao đập bể sọ, nghe không?
Trong bàn giấy, một người ló ra. Dáng hẳn lão đã mộ thằng này thay tôi. Mặt nó bủng beo, không biết cái mặt bệnh ngã nước hay thằng này bị lão Tây hành cho đến xanh rớt như thế.
Gạc Rang bảo: Thầy ở xứ xa đến, không biết thôi. Vùng này đã khiếp vía thằng Tây dụ khị.
Gạc Rang thật tốt bụng. Có tôi, Gạc Rang hay thổi cơm ở nhà. Tôi chỉ còn vài đồng bạc trong túi nhưng Gạc Rang cũng không bao giờ hỏi tiền. Mấy hòn đá bắc làm ông đầu rau, cái “tay cầm” đất nung... Gạc Rang xách về một ôm bánh mỳ, có hôm ăn trừ bữa cả túi quả bơ, vú sữa.
Tôi nằm khàn cả ngày xem kiến bò, đếm đi đếm lại, tai nghe tiếng chim bay, chim hót. Dưới sông tiếng người í ới qua đò bến Củi. Đứng trông thấy chỏm núi Bà Đen, từ đây lên Tây Ninh rậm rạp, toàn đồn điền cao su. Rừng cao su dày lá, bí hơi, cỏ cũng không mọc được quanh gốc, chim chóc lạc vào thì chết ngạt trong vòm âm u. Thành thử, các dải ven sông Sài Gòn, những rặng tre, cây dừa, cây capốc và mặt nước thảnh thơi, bao nhiêu thứ chim ra tụ hội nhảy nhót tưng bừng. Tiếng chim gáy, chim gù, giọng chuông, giọng thổ ngân rền tối ngày. Tôi bỗng động lòng, bảo Gạc Rang:
- Chim gáy nướng, ăn ngon lắm.
Gạc Rang hỏi: Khoái gác cu à?
- Ngoài quê tôi bẫy chim gáy được cái ăn lại bán được tiền.
Gạc Rang cười hềnh hệch: ở đây mà mần nghề gác cu đất.
Gạc Rang xin ở đâu về mọi đồ nghề bẫy chim. Một chiếc lồng gãy nan, cái nụp gác bếp đã lên nước hồ bóng. Thoáng trông con cu mồi tôi đã ưng. Vừa đặt lồng, chim đã gật gù: cuc cu... cuc cu... Trong tôi như còn hơi hướng bóng vía cu đực, thằng mồi gáy khích nhau chắc? Thế là, cũng chẳng khác quê tôi, dẫu cho lạ nước lạ cái, xa xôi đường đất, tôi đã quen ngay, tôi gánh chiếc lồng bẫy cu ra rừng tìm cội, nơi có chim đôi tụ tập. Cửa lụp mở sẵn, tôi gác lên đầu tầu dừa, mỗi sống lá thành hai cái cầu tự nhiên.
Cu mồi cất tiếng. Lập tức, nghe cánh chim liệng tới. Con cu đực đi đánh nhau đậu xuống kèo, xù lông cổ, dang hai cánh, cà mỏ, xông vào cửa lụp. Khốn nạn, chưa được mỏ nào đã nằm chỏng gọng trong lưới.
Mỗi hôm, tôi quảy về cả chục con cu đất mập ú. Gạc Rang cũng khéo nướng. Gạc Rang giã lá sả với muối ớt hiểm, lại có nước mắm một tĩn ướp thơm rồi cặp cả con lên cái vỉ thép. Củi than hồng rực, mơ cu xèo xèo vàng nhẫy chảy xuống, than càng đượm. Gạc Rang còn ngắt về cả một đống ớt hiểm. Mỗi miếng thịt nhai kèm quả ớt, cay xé lưỡi, ăn ngon lành. Chúng tôi chén cu đất nướng đều đều, nhiều hôm khỏi thổi cơm.
Có lẽ số phận đã bày ra thế, khi tôi có thịt chim gáy ăn thì lại có đàn bà mò đến ám ảnh, gỡ gạc. Cái con Răm ở quê lại hiện ra. ỞBến Củi này, nó là con Bảnh. Bảnh chở đò dưới Bến, cách lều Gạc Rang mấy bước chân. Mọi khi, đôi lúc rỗi, Bảnh ghé vào. Hồi này có thịt cu đất hôm nào Gạc Rang cũng gọi Banh lên.
Bên kia Bến Củi vẫn rừng thưa, nửa ngày đường xe thổ mộ mới ra tới Trảng Bàng, chợ huyện Bến Cát lại ở bên này, có hôm cả buổi chỉ một chuyến đò sang. Cái Bảnh vào xin than trong lò của Sở Củi lên ngồi chầu quanh chiếc vỉ nướng chim.
Gạc Rang nói ghẹo Bảnh: Rồi cho con nhỏ này theo thầy Huế ra Bắc đi gác cu.
Cái Bảnh cười, má phúng phính. May mà bẫy được nhiều, lúc nào cũng có cả chục con gáy trói cẳng treo trên mái. Bảnh ăn tợn hơn cả hai chúng tôi. Thịt nướng vã đẫm nước mắm, nó nhá cả xương cứ răng rắc như con beo xé thịt nai, thịt hươu. Từ hôm có Bảnh ở Bến lên ăn cu nướng, tôi lại thấy say say, thịt chim mà say như rượu. Tôi mơ màng nhìn đôi má bầu bĩnh đỏ dần lên của Bảnh. Nó đã no nê, nó vươn tay nhấc cái bê chèo. Trong ống tay áo cộc, nách nó mây mẩy, trăng trắng, tròn tròn. Có khách đâu mà Bảnh xuống Bến. Đồ chừng no rồi ả cũng say, ả xuống nằm ngủ dưới đò.
Gạc Rang nheo mắt: Tối nay cho thầy Huế xuống Bến ngủ với con Bảnh, nghe không!
Nhưng lẽ nào tôi lại ở đây vùi đời đi bẫy chim gáy. Tôi đã gặp những người phu cao su xưa quê ngoài Hà đông, Thái Bình đi cu li mộ vào rồi trốn đồn điền. Không có thẻ thân, không dám ra đường cái, đã vào làng ở đợ rồi lấy vợ, có vợ con rồi ở luôn trong làng rừng đã mấy chục năm. Nông nỗi tôi rồi cũng thế a? Tôi đi gác cu bị beo vồ, bị bệnh, chết bỏ thây ở xó rừng này?
Hôm tôi đi, Bảnh bỏ buổi đò, lội bộ theo ra tận Trảng Bàng. Tôi nói:
- Anh về Sài Gòn kiếm được việc làm, anh sẽ lên rước em xuống.
Câu hứa vu vơ thế thôi. Những chạy vạy nhốn nháo nơi đô hội thật bộn bề, mà cũng chẳng moi đâu ra việc làm, đến chỗ ở cũng không còn nơi ghé lưng. Thành phố đang kinh hoàng, mỗi hôm lại có máy bay Mỹ đến ném bom. Các phố quanh chợ Bến Thành, ga xe lửa Mỹ đã bị trúng bom, người chết, nhà đổ từng dãy. Chẳng lẽ cứ loanh quanh nơi khủng khiếp thế này? Lần hồi, tôi trở về được quê, nhưng làng tôi cũng đang trong tình cảnh tao loạn, tan tác. Cái vườn tre bị bom chỉ còn lại một gò đất lở lói, những xác người chết đói đem chôn ở đấy. Ai còn sống thì tha phương. Nhiều người bí mật vào Việt Minh đi cướp kho thóc, ra chợ mittinh kêu gọi khởi nghĩa. Tôi vào thành phố theo anh em lập Hội Cứu quốc.
Đôi khi tôi viết thư cho Bảnh. Viết thế, nhưng tôi chẳng bao giờ nghĩ còn trở lại cái Bến Cát, Bến Củi phương trời ấy. Có hôm, nhận được thư, xem dấu bưu điện Bến Cát, đoán thư của Bảnh nhờ ai viết. Chỉ có mấy câu hát cũ, ngậm ngùi:
Rồng chầu ngoài Huế
Ngựa tế Đồng Nai
Nước sông trong chảy lộn sông ngoài
Thương người xa xứ lạc loài đến đây.
Một hôm khác, tôi nhận cái thư, mở phong bì thấy tờ giấy nguệch ngoạc chữ viết liền không dấu. Mấy dòng thật kinh hãi: “Thằng thầy Huế Tây, mày mà viết thơ thọc đ. con Bảnh là vợ tao thì thằng Gạc Rang này ra giết mày không phải hăm mà thiệt đó”.
Hơn ba mươi năm sau, tôi trở lại Sài Gòn. Không còn một quang cảnh, một tâm trạng thế nào giống thời ấy nữa, cả tôi và cả thành phố.
Một hôm tôi đi đám cưới với Đoàn Minh Tuấn tại nhà một người bà con anh trong Chợ Lớn. Ăn cỗ, ngồi cạnh một ông bộ đội đứng tuổi đã ngót bốn mười năm đi đánh Pháp, đánh Mỹ, đi nhiệm vụ quốc tế. Chân tóc người lính Nguyên Phong đã lưa thưa bạc trắng. Ông không chơi chim, nhưng kể rạch ròi các chuyện nuôi chim, nghe đến mê. Ở thành phố bây giờ nhộn lên cái thú chơi chim. Người ta ngày càng ép mình trong những vỉ tường cao, tường thấp lại thích nhốt theo con khướu, con chích chòe để nghe chúng nó hót giả như trong bao la.
Tôi hỏi:
- Ông có thấy người ta nuôi chim gáy không?
- Chim cu à? Nhiều chớ.
Ông kể có một ông già treo lồng cu khắp nhà. Tới khuya cu vẫn gáy từng chặp - “Chả đèn điện sáng mà”. Không cần đồng hồ, chỉ nghe cu gáy mà biết giờ giấc.
Bỗng tôi lên cơn nhớ con chim gáy, chim cu với từng mảng đời đã qua.
Ông già nuôi một nhà cu ở một hẻm vùng chợ Đũi. Thời trẻ có nghề lái xe tải. Bây giờ thỉnh thoảng vẫn có nơi gọi đi chữa máy. Ông già nuôi rõ nhiều lồng chim. Nhiều hơn cả trong tưởng tượng tôi lúc nghe ông bộ đội kể. Đứng chỗ nào đầu cũng đụng lồng chim. Trong bếp, trong nhà cầu, gầm ván, cả trong cánh cửa. Chim cu còn thính tai hơn con ngỗng, có tiếng giày bên ngoài đi tới, tiếng gõ cửa, con chim treo trong lỗ cửa mắt bò đã cúc cu đánh tiếng. Chốc lại nhộn nhịp cuc cu... cuc cu... như cả tá đồng hồ cùng nổi chuông, tiếng trầm, tiếng dẳng, tiếng thanh. Toàn những cu đực, mấy chục thằng sa bẫy phải về tù ở đây, tiếng gáy dường như u uất, mà hay.
- Sao ông nuôi lắm chim thế này?
- Đến mùa thì về quê đi gác cu, đổi con ốm, con bệnh. Có khi cả tháng nghe khắp rừng ruộng mới gặp được cái cội, những con dữ dằn khó kiếm thì khi nào cũng tốt tiếng. Người ta bảo phải miệt vườn Vĩnh Long mới nhiều chim cu, không đâu, quê tôi, trên rừng cũng cả bầy cu bay rợp trời.
- Quê ông ở đâu?
- Trên gần Bến Cát, gần thôi. Mùa tới, bác về Bến Cát đi gác cu với tôi.
Lúc ấy tôi chẳng nghe ông tài già nói gì cả. Kỷ niệm trong sương mù, cái đò ngang Bến Củi tưởng như mới hôm qua...
- Coi bộ bác cũng giỏi nghề gác cu? Ngoài Bắc đi gác cu nhiều lắm a? Bác cầm mấy con về làm cu mồi.
Tôi xin ông già một con cườm cổ dày long lanh, hai chân đỏ tươi. Tôi xách cái lồng bước đi mà con chim vẫn cuc cu... cuc cu... như ở bụi tre.
Ừ, có khi mùa này tôi theo ông tài về Bến Cát bẫy chim. Rồi qua Bến Củi xem mọi người bây giờ ra sao. Nhưng thằng Gạc Rang đã doạ giết tôi. Có thể lắm, thằng chết dịch ấy. Mà không thì nó bỏ thuốc sâu vào nước mời tôi uống. Tôi ngẩn ngơ nghĩ mọi chuyện như mới đây. Cái yêu và cái ghen chẳng khi nào biết mình già. Gạc Rang mà trời còn để cho chứng sống thì cũng ngấp nghé tuổi ngoài tám, chín mươi. Có thể Bảnh bỏ đi từ lâu rồi. Con cu mái không bao giờ thấy con cu đực vì mình mà bị sa lưới, những người đàn bà thờ ơ và khôn ngoan.
Ừ, một chuyến đi. Tôi cùng ông tài già lên Bến Cát. Đoàn Minh Tuấn sẽ cùng đi với tôi. Tuấn tháo vát, lại khoẻ. Văn võ được cả. Cứ phòng xa. Tôi lại lú lẫn, lại quên tôi rồi. Ấy nghề đời cứ buồn mà ưa quên thế.
Con gáy Bến Cát tôi đem về dạn dĩ, dài giọng và trong hơn những chú chim đực ở cánh đồng ngoài này. Một lần, tôi đi đâu vắng, đến hôm về, nhà tôi bảo: “Con chim gáy của ông chầu trời rồi”. Nhìn chiếc lồng trống trơ đầu nhà. Cóng thóc vẫn vàng óng. Cóng nước đầy nhưng đục vẩn. Tôi quên dặn ở nhà hằng ngày thay nước cho chim. Chim gáy uống nước đục thì chết ngay. Đã lâu, tôi nhãng cách thức nuôi chim gáy rồi.
Tôi cũng không trở lại nhà ông tài già chợ Đũi lần nào.