Cũng có thể dễ phong cho tôi cái chức mất vui ấy. Bởi vì chỉ trong việc viết bản thảo đã qua mấy thời kỳ bạn bè tôi viết bằng đánh máy, đánh chữ và bằng những gì gì nữa, còn tôi cả đời vẫn cày, vẫn cặm cụi bới từng chữ trên giấy. Bảo sao không tụt hậu đáng chế giễu được.
Nhưng người ta đồn nghịch thế thôi. Tôi vẫn xem vô tuyến đều đều. Có điều tôi xem theo ý thích của tôi. Ai chả thế, có gì lạ đâu. Tôi nghe lịch thời tiết trong ngày. Tôi xem mục phong cảnh đất nước, các phóng sự về đời sống các con vật trên rừng dưới nước, trong nhà. Tôi không xem thời sự - vì đã đọc báo. Tôi không tập thể dục theo đài được vì các động tác nhanh quá sức với tôi. Tôi không xem tiết mục văn nghệ vì tôi thích đọc sách để tưởng tượng ra hình ảnh hơn là trông thấy hình ảnh. Tôi không thích người đóng phim như người diễn kịch. Thế đã là xem nhiều rồi và tôi chắc cũng nhiều người xem vô tuyến như tôi.
Vậy là mình cũng không đến nỗi quá ngẩn ngơ. Nhưng mà tôi đương có nỗi buồn và sự lạc hậu còn hơn cả cái tật ít xem vô tuyến. Ấy là mỗi hôm mở trang báo hàng ngày, có những chữ nước ngoài không đọc được, có những câu, những bài chẳng hiểu mô tê thế nào. Báo hàng ngày là thời sự, thời sự mà không biết, chao ôi là thụt lùi. Những máy vi tính, công nghệ thông tin, công nghệ phần mềm, tin học, internet cà phê, truy cập mạng, các thứ gen... và bao nhiêu chữ lạ tai nữa. Tôi chịu. Tôi chưa mó đến cái điện thoại di động bao giờ. Trong khi ấy thì người đi đường, người ngồi họp, người trên tàu xe chốc chốc lại áp máy vào tai nói nói nghe nghe, sao người ta ngày nay lắm chuyện gấp gáp thế. (Nhưng tôi để ý cũng có khi chẳng gấp gáp gì cả. Tôi ngồi đợi máy bay ở ga Tân Sơn Nhất, một ông ngồi cạnh, chốc chốc lại nói vào máy: Máy bay sắp bay, em ơi? Hôn một nghìn cái nhé!. Ôi thế thì nói máy di động cũng chẳng ra chó gì, tầm phào quá.
Trên mọi ngả đường quanh ta và ở mỗi chúng ta, quang cảnh và con người cứ cũ cũ mới mới rối rít tang bồng như thế. Nửa đêm ở Sài Gòn, nghe ngoài cửa sổ nhà trọ tiếng gõ thanh tre. Đấy là người bán mỳ gõ rao hàng.
Cái này ban đêm ta đã nghe từ hơn nửa thế kỷ trước ở thành phố này. Bấy giờ gọi là gõ sực tắc, sực tắc, sực tắc, tiếng Tầu là ăn được, ăn được. Đấy là tiếng báo hiệu xe hoành thánh (vằn thắn), xe hủ tíu, xe bò viên đã tới đầu phố, ai mua thì ra mà mua.
Bây giờ tôi chẳng còn thói quen ăn khuya.
Nhưng mà không ngủ được, tôi cũng xuống đường. Đã quá nửa đêm. Những nhà mái ngói một tầng, những bức tường loang lổ ngày trước không còn nữa mà chỉ thấy liền liền những bức tường cao thẳng đuỗn, những cánh cửa xếp hạ xuống và cái phố dài như mím môi lại. Thế mà ngoài vỉa hè vẫn còn rải rác người nằm người ngồi suốt đêm hệt như ngày xưa những người ngủ nóp trên vỉa hè. Thỉnh thoảng, có cái xe máy ghé rồi lại đi ngay. Không biết thì thào cái gì hay đã dúi cho nhau cái tép trắng.
Trước tam quan chùa Xá Lợi, mấy người nằm trùm mảnh vải vỏ chăn kín đầu, chẳng biết chui ở trong là đàn ông hay là đàn ông với đàn bà. Tiếng mỳ gõ gần gần rồi qua trước mặt tôi. Không phải như ngày trước thằng bé con đi thoăn thoắt như chuột chạy mà một thanh niên cao dong dỏng, điển trai, mặc bộ quần áo ngủ sọc xanh sọc tím, hai tay cầm thanh tre gõ đều đều. Hồi này quần áo rẻ, không ai mặc vá mặc rách nữa.
Rồi anh chàng ấy ngồi xuống một hàng hiên trải mảnh chiếu. Đấy là cái chiếu tẩm quất. Thì ra anh chàng tẩm quất này vắng khách, đi gõ rao gọi.
Mỗi vùng đều có thói quen riêng, những thói quen lâu đời. Ở Hà Nội hay ở Sài Gòn bây giờ vẫn có, vẫn thế. Ngoài Hà Nội, ngày đêm nghe tiếng rao, giọng cất lên như hát. Xôi, bánh giò, cơm nắm đây. Tào phớ đây... Bánh rán nóng đây... Bánh cuốn bánh nếp, khoai nóng đây... Bánh khúc đây... Lại có người rao như hò đò: chữa khoá đây... Ai giấy báo, quạt điện, công tơ, xe đạp hỏng... Cái gì cũng rao. Ai mua cóc. Ai mua rắn không. Có dạo một người đi xe đạp bán thuốc bả chuột không rao, lại mở băng cho cả phố nghe bài nhạc vàng thảm thiết. Thì lại không ai ra mua bả chuột cả. Ít lâu sau thấy biến anh chàng. Ở đây người ta nghiện tiếng rao. Ở phía Nam lại chẳng nghe tiếng rao hàng trong phố. Cái tiếng mì gõ kiêm gọi khách tẩm quất cũng vẫn chỉ là tiếng gõ. Ở Vũng Tàu, cái xe bán kem chốc lại nổi lên một tiếng nhạc như một hồi khèn Mèo.
Thành phố đương hiện đại, vẫn nghe tiếng rao, tiếng gõ, ngày nào.
Sáng sớm, ngồi uống cà phê vỉa hè với bạn Đoàn Minh Tuấn bên đường Thiện Chiếu. (Trời, mới như năm nào ngồi uống trà với sư Thiện Chiếu ở chợ trung tâm bên Bắc Kinh, nay đã thấy ông ngồi trong tấm bảng tên phố bên đường). Cả lúc quên lúc nhớ xa xưa này mà vẫn cứ mới mới cũ cũ ngổn ngang trước mặt. Hè bên kia, có đứa rực của nào đang xây nhà. Hàng rào bao quanh cắm chấn song sắt tua tủa cao đến hơn chục thước, cái nhà bọc trong lồng sắt. Có thể nó còn thả điện chống trộm cũng nên. Rõ thật thằng kẻ cướp lại sợ thằng ăn trộm.
Sáng rồi mà mấy người đắp mền ngủ đằng tam quan chùa Xá Lợi vẫn chưa dậy, tiếng xe qua lại ầm ầm rèn rẹt bên tai. Cũng những cái xưa cái nay khác nhau mà lại sóng đôi với nhau.