Tào Tặc

Chương 699: Định phong ba

Tháng bảy năm Kiến An thứ mười bốn, Quan Trung đã xảy ra một chuyện lớn.

Cường hào Quan Trung là Vi thị Kinh Triệu tập kết ba ngàn bộ khúc phát động công chiếm Thượng Lâm, sau ngày Vi thị khởi binh một ngày, Dương Phạm Hoằng Nông cũng đã khởi binh tụ tập hơn bốn ngàn bộ khúc chiếm lĩnh huyện Hoằng Nông. Trong giây lát, Dương Phạm đã hưởng ứng theo Vi Tòng, xuất binh từ huyện Hồ chiếm lĩnh Hoa Âm.

Vi thị Kinh Triệu, Dương thị Hoằng Nông!

Đây đều là những cường hào có lịch sử lâu đời tại Quan Trung, lực ảnh hưởng cực kỳ hùng mạnh.

Đặc biệt Dương thị Hoằng Nông cũng là gia tộc tứ thế tam công. Hai thế hệ Thái Úy Dương Chấn, Thái Úy Dương Bưu có môn sinh vô số. Loạn Đổng Trác, Dương Bưu có công hộ giá, tuy nhiên sau khi Tào Tháo dời đô về huyện Hứa, Dương Bưu mất quyền lực, cuối cùng Dương Bưu không thể không rời khỏi Hứa Đô, chán nản về quê.

Vi thị có thù oán sâu nặng với Tào Bằng.

Năm đó Tào Bằng giết cha con Vi Khang Vi Đoan, khiến thực lực của Vi thị tổn hại lớn, đặc biệt cắt đứt đường buôn bán giữa Vi thị và người Khương Hoàng Trung, khiến Vi thị tổn thất gấp năm phần lợi nhuận. Tiếp sau đó, Tào Bằng mở thương lộ Tây Vực, tuy rằng Vi thị cũng có một chân trong đó nhưng lợi ích giành được cũng không bằng các thế gia khác.

Không cần nói gì khác, trước khi Tào Bằng mở thương lộ Tây Vực, Đậu thị tại Bình Lăng căn bản không sánh bằng Vi thị.

Nhưng bởi vì có sự ủng hộ của Tào Bằng, cường hào Đậu thị với hai trăm năm lịch sử lâu đời lại tiếp tục phấn chấn phục hồi. Mấy năm nay, lợi nhuận Đậu thị tăng vọt, hơn nữa còn không ngừng lớn mạnh. Năm Kiến An thứ chín, Đậu Lan từ Hà Tây trở về được Tào Hồng trưng dụng bổ nhiệm làm Kinh Triệu Thừa, từ đó về sau lại càng thêm lớn mạnh. Con trai của Đậu Lan là Đậu Hổ nay đảm nhiệm Giáo Úy tại quận Võ Uy, tiền đồ rộng lớn. Từ lúc nhất mạch của Đậu Lan quật khởi, Đậu thị dần dần chuyển biến sách lược, bắt đầu lấy việc bồi dưỡng nhất mạch của Đậu Lan trở thành gia tộc Đậu thị chủ thể tại Bình Lăng.

So sánh ra, Vi thị liên tiếp chịu sự chèn ép.

Sau khi Vi Đoan, Vi Khang chết, Vi thị không người cầm lái, mà Tào Cấp lại quản lý Lương Châu trăm phương nghìn kế chèn ép Vi thị. Mặc kệ nói như thế nào, giao tình giữa Tào Cấp và Vương Mãnh vượt xa so với Tào Bằng và Vương Mãnh.

Bạn già mấy chục năm chết bởi Vi thị.

Con trai của mình bởi vì Vi thị mà gặp họa…

Tào Cấp không phải là người rộng lượng, dưới tình huống này, nếu không chèn ép Vi thị mới là kỳ lạ. Cứ như vậy, việc kinh doanh của Vi thị ở Lương Châu gần như bị chặn đứt, mà việc kinh doanh tại thương lộ Tây Vực cũng thường xuyên lọt vào tầm kiểm soát gây khó dễ của Lương Châu. Tào Cấp không thể lộ liễu trả thù Vi thị, nhưng lại có thể thông qua quyền lực trong tay, không ngừng làm suy yếu lực lượng Vi thị, bởi vậy, thực lực Vi thị bị co rút lại nghiêm trọng.

Từ lúc tộc trưởng Vi thị là Vi Tòng mới nhậm chức cũng từng cầu viện các cường hào khác tại Quan Trung.

Nhưng mọi người hợp tác rất tốt với Tào thị, lại đạt được lợi ích lớn, cái gọi là liên minh cường hào Quan Trung đã sớm trở thành lời nói suông, bề ngoài, những cường hào này tỏ vẻ bằng lòng trợ giúp Vi thị, nhưng quay lưng lại liên hợp với Tào Cấp, cùng nhau chèn ép Vi thị. Dù sao Vi thị sống yên lâu đời ở Quan Trung, nắm giữ lượng của cải rất lớn, mà nay rõ ràng Vi thị đã sa sút, nếu không thể nhân cơ hội mò vét lợi ích mới là ngu ngốc

Về phần Tào Cấp?

Bản lĩnh không giỏi nhưng lại rất may mắn!

Đây là đánh giá của thế tộc Quan Trung đối với Tào Cấp.

Người này có một đứa con siêu dũng mãnh đủ để cho lực lượng Tào thị trong vòng trăm năm sẽ không suy yếu.

Một khi đã như vậy sao không qua lại tốt đẹp? Gút mắc giữa Vi thị và Tào thị quá sâu, liền mượn luôn tay Tào thị xử lý Vi thị. Cái gì mà liên minh, cái gì mà hữu nghị? Trước lợi ích đều trở nên vô cùng nhỏ bé.

Đối mặt với tình huống này, sao Vi thị có thể khoanh tay chịu chết?

Tào Bằng đảm nhiệm Tư Đãi Giáo Úy, chẳng khác nào Tào Bằng đã đưa thanh đao kề vào cổ Vi thị?

Đừng thấy Tào Bằng hiện tại không tỏ thái độ gì, đó là bởi vì hắn không rảnh để quan tâm tới, nếu đợi cho Tào Bằng bình định được loạn Hà Hoàng rồi trở về Quan Trung, chắc chắn Vi thị sẽ là người đầu tiên chết dưới đao Tào Bằng. Dù sao không làm việc xấu thì không sợ quỷ đến nhà. Mấy năm nay Vi thị bí mật liên hệ với Mã Siêu tại Võ Đô, Trương Lỗ tại Hán Trung, thông qua con đường nhà mình đem một lượng lớn vật tư quân giới tặng Mã Siêu, Trương Lỗ.

Nếu bị điều tra ra, Tào Bằng quyết không buông tha bọn họ!

Đến lúc đó, những đồng minh cứt chó này chắc chắn sẽ không ra tay tương trợ mà còn nhất định vui tươi hớn hở tiếp nhận lực lượng của Vi thị.

Về phần Dương thị Hoằng Nông, lại bởi vì Dương Tu chết khiến Dương thị phẫn nộ.

Bản thân Dương thị thuộc quần thể đế đảng kiên định, thời điểm loạn Mậu Tử cũng có liên lụy đến. Căn cơ của Dương thị Hoằng Nông tại Quan Trung gần như bị nhổ tận gốc.

Mà Dương Tu đến chết đã kích động điểm mấu chốt cuối cùng của Dương gia. Khi Dương Bưu biết được con trai yêu chết đã hộc máu mà chết. Đối với việc chèn ép của Tào thị với Dương gia càng khiến Dương gia không còn đường lui nào khác, đành tiếp tục kiên trì.

Từ điểm này mà nói, tình huống hai nhà Dương, Tòng giống nhau.

Đối mặt với cục diện bị Tào Ngụy chèn ép thì chỉ có thể phản kháng.

Chỉ có điều trước đó Tào Bằng trấn thủ Tây Bắc mới khiến hai nhà không dám hành động thiếu suy nghĩ. Mà nay Tào Bằng bị trọng bệnh nằm trên giường không dậy nổi, Tào Hưu lại đang triệu tập nhân mã chuẩn bị dụng binh với Hà Hoàng. Binh mã Quan Trung gần như đều bị điều động trở về thành một tuyến tại Dương Tu Khẩu và Dương Thành. Đồng thời, từ lúc chiến sự Tịnh Châu mở ra, tinh nhuệ quân Tào đều đã xuất phát, binh lực Hà Đông trống rỗng, căn bản khó có thể tạo thành sự uy hiếp lớn đối với Quan Trung.

Sau khi hai nhà thảo luận đã quyết định khởi binh, phối hợp hành động với Mã Siêu công phá Quan Trung.

Quan Trung vừa bị phá thì Trung Nguyên đại loạn. Mà hai nhà Dương, Vi nhiều năm kinh doanh, có liên hệ cực kỳ chặt chẽ với Tiên Ti, chỉ cần Trung Nguyên hỗn loạn thì hai nhà có thể liên hợp với ba hướng lực lượng Lưu Chương tại Tây Xuyên, Tôn Quyền tại Giang Đông cùng với Kha Bỉ Năng Tiên Ti cùng khởi binh giành lợi lịch, giữ gìn quyền lực nhà mình.

Thời Đông Hán chưa có khái niệm quốc gia.

Rất nhiều đại thần trong triều đều có liên hệ chặt chẽ với người Hồ, Hung Nô, Tiên Ti.

Cũng từ lúc có Hán tới nay, tuy rằng vô số lần chinh phạt Mạc Bắc, thậm chí còn giành được vô số thành quả chiến tranh huy hoàng nhưng người Hồ trước sau vẫn là một nguyên nhân uy hiếp Trung Nguyên. Vua không thấy mỗi lần có chiến loạn thì rất nhiều cường hào Trung Nguyên đều tìm nơi nương tựa người Hồ, bao gồm đám người Lưu Ngu, Lưu Yên cùng với Viên thị những năm cuối Đông Hán ít hoặc nhiều đều có cấu kết với người Hồ. Duy nhiên có Công Tôn Toản không cấu kết với người nhưng cuối cùng lại chết trong tay Viên Thiệu.

Đây có là một sự đau lòng nhất của Trung Nguyên.

Từ xưa đến nay, Hán gian chưa bao giờ thiếu.

Triều Hán đã thế, triều Đường cũng vậy mà triều Tống, triều Minh cũng như thế…

Hai nhà Dương Tòng liên kết khởi binh đã tạo thành sự uy hiếp rất lớn đối với Quan Trung.

Sau khi Tào Hồng biết được tin tức vội vàng quay binh về cứu viện.

Ngày mùng tám tháng bảy, Mã Siêu tập kết hai vạn nhân mã đột nhiên phát động tấn công mãnh liệt, mà quân Tào tại Quan Trung hoảng sợ, bất ngờ không kịp đề phòng đã nhanh chóng bị Mã Siêu đánh tan. Sau khi Mã Siêu công phá được Hồi Thành, chiếm lĩnh Phiên Tu Khẩu. Tào Hồng vội vàng dẫn bộ xuất kích muốn đoạt lại Phiên Tu Khẩu nhưng lại gặp phải phục kích của Mã Siêu, quân Tào đại bại.

Mã Siêu dụng binh rất nhanh.

Sau khi phá được Phiên Tu Khẩu, hắn lệnh cho Mã Hưu đóng ở Phiên Tu Khẩu rồi sau đó lấy Mã Đại làm tiên phong, đích thân mình làm đốc soái binh mã truy kích Tào Hồng. Tào Hồng liên tục chiến bại dẫn theo tàn binh bại tướng chạy về Trần Thương.

Trong lúc nhất thời Quan Trung thần hồn nát thần tính, lòng người hoảng sợ.

Mà sau khi hai nhà Dương Vi hội hợp tập kết ba vạn người bao vây tấn công Trường An.

Lương Châu Mục Giả Hủ đóng giữ tại Trường An bình tĩnh ứng chiến.

Ngày mười lăm tháng bảy, Mã Siêu liên tiếp chiến thắng tiến thẳng tới Trần Thương, khi đến Ngô Nhạc Sơn thì gặp phải quân Tào phục kích, đại tướng quân Tào là Trương Cáp, Từ Hoảng đã sớm phụng mệnh ẩn núp tại Ngô Nhạc Sơn, ngay khi đại quân của Mã Siêu đi qua, Tào Hồng đã tập kết một vạn quân Tào ở Trần Thương quyết một trận tử chiến với Mã Siêu.

Ngay lúc song phương ác chiến, đột nhiên Trương Cáp, Từ Hoảng từ Ngô Nhạc Sơn giết ra, tấn công mãnh liệt hậu quân của Mã Siêu.

Đại quân của Mã Siêu lập tức rối loạn, dưới sự giáp kích trước sau của quân Tào, cuối cùng thất bại thảm hại bỏ chạy. Quân sư Trung Lang Tướng Hồ Tuân ở trong loạn quân bị Trương Cáp chém giết. Mã Đại ở dưới chân núi Ngô Nhạc vì yểm hộ Mã Siêu dốc sức chiến đấu mà chết. Mã Siêu xông ra khỏi bao vây trùng trùng không dám dừng lại vội vàng chạy về Phiên Tu Khẩu.

Lại nói, ngay lúc Mã Siêu đang liên tiếp giành chiến thắng thì Thái Thú Hán Dương Thạch Thao được lệnh của Từ Thứ đột ngột xuất kích đánh lén Lũng Quan, rồi sau đó chiếm đoạt lại Phiên Tu Khẩu. Mã Hưu đã liều chiến chống cự, Từ Thứ và Thạch Thao tập kết và thống lĩnh ba vạn quân tốt mặc dù thương vong thê thảm và nghiêm trọng nhưng cuối cùng cũng đoạt lại được Phiên Tu Khẩu.

Mã Hưu quyết chiến một ngày đêm ở Phiên Tu Khẩu, bên trong không có lương thảo, lại không có viện binh nên đã phóng hỏa đốt Hồi Thành, sau đó tự sát. Mã Siêu khi nghe được tin tức quá sợ hãi, Phiên Tu Khẩu bị chiếm lĩnh là chặt đứt đường về của hắn. Mà lúc này hai người Tào Hồng, Từ Hoảng hợp binh một chỗ truy kích từ Ngô Nhạc Sơn đến. Mã Siêu vừa chiến vừa lui, cuối cùng đành phải lui giữ về Dương Thành, tử thủ đợi viện binh.

Viện binh của Mã Siêu ở đâu?

Đó là binh mã hai nhã Dương Tòng.

Chỉ có điều, hắn thật không ngờ trận trò này quá khôi hài từ đầu đến giờ đều do một tay Giả Hủ bày ra.


Hai người Trương Cáp, Từ Hoảng bí mật từ Hứa Đô điều đến, rồi sau đó để lại Phiên Tu Khẩu khiến cho Mã Siêu tiến binh vào Quan Trung.

Nói trắng ra, đó chính là dụ địch xâm nhập, đóng cửa đánh chó!

Trước đó, Giả Hủ đã được Tào Bằng mật báo nghiêm mật giám thị hai nhà Dương Phạm, Vi Tòng. Mà trước đó, hắn cũng đã sớm có đề phòng hoài nghi đối với Vi thị Kinh Triệu và Dương thị Hoằng Nông. Đáng tiếc, bất hạnh không có chứng cớ, không thể nào xuống tay. Nếu cưỡng ép trấn áp sẽ ảnh hưởng đế cường hào Quan Trung. Dù sao Vi thị cũng vậy, Dương thị cũng thế…chúng ta đấu là chuyện nhà chúng ta, ngươi muốn nhổ tận gốc hai nhà khó tránh khỏi gây ra cảm giác môi hở răng lạnh, cho nên nghĩ đi nghĩ lại, chỉ còn cách để hai nhà tự chủ động ra tay.

Vì thế Giả Hủ và Tào Hồng thảo luận làm ra xu thế binh lực trống rỗng.

Quả nhiên Vi Tòng, Dương Phạm mắc mưu, vì thế hưng binh đi đánh gây rối loạn.

Ngay lúc Mã Siêu tử thủ tại Dương Thành đau khổ chờ viện binh đến thì Hứa Nghi bí mật đóng quân tại Hà Lạc đột nhiên phát động công kích đột phá Hàm Cốc Quan, phá được Hoằng Nông, bắt toàn bộ cả nhà Dương, bao gồm cả nô bộ không kể nam nữ tổng cộng hơn tám trăm người. Theo sát sau, Hứa Nghi tiến quân thần tốc mai phục đoạt lại Hồ Dương, Hoa Âm.

Mà Đậu thị Bình Lăng sau khi nhận được mệnh lệnh phản công của Giả Hủ đã tụ tập mấy nghìn người xuất binh cứu viện.

Mã Siêu thất bại thảm hại tại Ngô Nhạc Sơn, khiến cho hai người Vi Tòng, Phạm Dương bất ngờ không kịp đề phòng.

Đợi khi hai người đó kịp phản ứng thì Trương Cáp đã dẫn bộ đến Bá Kiều.

Cùng lúc đó, Hứa Nghi dẫn bộ đến Mộ Lĩnh Sơn bao vây quân làm phản lại. Bộ khúc hai nhà Vi Tòng đều là đám ô hợp được triệu tập tạm thời đến, khi bị quân Tào bao vậy thì lập tức trở nên tan tác.

Vi Tòng còn muốn ngoan cố chống lại, đồng thời kêu gọi cường hào Quan Trung ủng hộ.

Ngày hai mươi tháng bảy, Vệ thị, Bùi thị tại Hà Đông tụ tập năm nghìn bộ khúc tiến vào chiếm giữ Quan Trung, tuyên bốn bình loạn.

Ngày hai mươi mốt, Hoàng Phủ Kiên Thọ lệnh cho con cả là Hoàng Phủ Kỳ dẫn bộ xuất kích tiến vào chiếm giữ Quan Trung.

Phản ứng của các nhà cường hào đều như một là phân rõ giới tuyến với hai nhà.

Ngày hai mươi ba, quân phản loạn xuất hiện dấu hiệu tan tác đầu tiên.

Giả Hủ lệnh cho Trường An mở rộng các cửa phát động tổng tiến công, Trương Cáp, Hứa Nghi cùng với liên quân cường hào Quan Trung cùng nhau hành động, Vi Tòng thất bại bỏ chạy, Dương Phạm bị bắt sống tại chỗ. Giả Hủ phát ra ngàn lượng vàng treo giải thưởng giết Vi Tòng.

Ngày hai mươi bốn, cả nhà Dương Phạm tổng cộng tám trăm bảy mươi bốn người bị chém thị chúng tại chợ Trường An.

Ngày hai mươi lăm, Vi Tòng bị tôi tớ giết chết, thủ cấp được đưa tới Trường An.

Một trận chiến rầm rộ như thế nhìn có vẻ rất lớn mạnh nhưng thời gian giằng có chỉ có mười tám ngày thì hoàn toàn chấm dứt. Từ đó về sau Vi thị Kinh Triệu, Dương thị Hoằng Nông trong danh sách cường hào Quan Trung đã bị hủy diệt, tiêu vong trong dòng chảy của lịch sử.

Giả Hủ chỉnh đốn lại binh mã báo lại về Nghiệp Thành.

Mà Tào Hồng, Từ Hoảng thì bao vây Dương Thành, lúc này Mã Siêu đã trở thành cá nằm trong chậu.

Về phần khi nào phát động tổng tiến công?

Không vội!

Cứ giày vò Mã Siêu rồi tính sau.

***

Cuối tháng tư năm Kiến An thứ mười bốn, Thái Thú Lũng Tây lệnh Đô Úy Nam bộ Hách Chiêu dẫn bộ phản công.

Bạch Mã Khương và Sâm Lang Khương không dám tiếp tục giằng co thảm hại chạy quay về Hoàng Trung. Còn Hách Chiêu thừa cơ dẫn bộ đánh vào quận Võ Đô, đoạt lấy bốn huyện Võ Đô, Hạ Biện, Khương Đạo và Thượng Lộc. Môn hộ Hán Trung bởi vậy mà bị mở ra.

Lúc này Trương Lỗ cũng sứt đầu mẻ trán.

Binh mã Tây Xuyên thường xuyên điều động lui tới Bạch Thủy Quan hình như có dấu hiệu xuất binh.

Đối với Lưu Chương, Trương Lỗ chỉ nghiến răng căm hận, nhưng lại không làm gì được. Nghe nói binh mã Tây Xuyên có hành động khác thường, Trương Lỗ không dám lơ là, lập tức sai Công Tào Diêm Phố dẫn bộ đóng ở Miện Dương, phòng ngừa Lưu Chương đánh lén.

Diêm Phố là người Ba Tây tại Ích Châu, có mưu lược.

Y đề nghị:

- Nay chủ công đừng lo lắng Tây Xuyên, ngược lại nên đề phòng Tào Tháo.

- Sao lại nói vậy?

- Nay Tây Xuyên hỗn loạn, Lưu Chương ốc còn không mang nổi mình ốc, thậm chí không tiếc mời Lưu Bị đến hỗ trợ, đóng ở Nam Ttrung. Ta nghe người ta nói, hiện nay giá cả ở Thành đô tăng cao, có chút hỗn loạn. Lưu Chương đang toàn lực phụ trách việc này, nào có tinh lực xuất binh đánh Hán Trung? Ngược lại là tộc cháu Tào Tháo kia mới nhậm chức Tư Đãi Giáo Úy Tào Bằng gian ngoan nhiều mưu, dụng binh như thần. Loạn Tây Bắc không ảnh hưởng gì được hắn, Mã Siêu sớm muộn gì cũng bị hắn ta đánh bại.

Đến lúc đó, sao hắn chịu ngồi yên ở Võ Đô không làm gì chủ công?

Một khi Võ Đô cáo phá, chắc chắn hắn sẽ đánh chiếm Hán Trung. Tào Tháo có dã tâm lớn, đã sớm dòm ngó Tây Xuyên, mà Hán Trung lại là yếu địa đi qua Tây Xuyên, chắc chắn Tào Bằng hiểu quá rõ điểm này, sẽ không bỏ qua Hán Trung...

- Lời Tử Nông có lý!

Trương Lỗ vẫn là người biết lắng nghe. Nhưng việc Tây Xuyên điều động binh mã là có thật, khiến hắn thật sự không thể bỏ qua.

- Như vậy đi, ta phái Trọng Kỳ đóng ở Dương Bình Quan, kể từ đó, không phải lo Hán Trung nữa.

- Chủ công, nếu chỉ dựa vào tử thủ, tuyệt đối khó có thể ngăn cản được quân Tào. Nay binh lực Võ Đô trống rỗng, là lúc chủ công đoạt lây. Chỉ cần chiếm được Võ Đô thì tây có thể liên kết với Khương Đê tại Hoàng Trung, tiến có thể tấn công Lũng Tây Hán Dương, lui có thể thủ vững. Dựa vào địa lý của Hán Trung mà có thể ngăn được quân Tào. Phố nguyện lĩnh binh đoạt Võ Đô cho chủ công.

Đây vốn là một kế sách rất tốt.

Nếu Trương Lỗ nghe theo, việc Tào Bằng muốn lẻn vào Hán Trung thì rất khó khăn.

Nhưng nay Trương Lỗ có thể nghe vào được sao?

Sau khi suy nghĩ thật lâu, hắn vẫn quyết định phái Diêm Phố trấn thủ Miện Dương.

Tuy rằng Diêm Phố không đồng ý nhưng lại không thể thay đổi chủ ý của Trương Lỗ. Trên đường rời khỏi Nam Trịnh, Diêm Phố ngửa mặt lên trời thở dài:

- Hán Trung không lâu nữa sẽ bị diệt rồi.

Ngày Hán Trung bị diệt không còn xa nữa.

Chỉ có điều những lời này y cũng không thể nói với bất cứ kẻ nào, nếu không sẽ rước lấy họa sát thân.

Diêm Phố rời khỏi Nam Trịnh đóng ở Miện Dương không lâu thì Trương Lỗ nhận được tin Mã Siêu thất bại và diệt vong!

Không đợi hắn kịp phản ứng, Hách Chiêu dẫn bộ tiến vào chiếm giữ Võ Đô, thế như chẻ tre chiếm được Biện Hạ.

Tận đến lúc này Trương Lỗ mới luống cuống!

Hắn vội vàng mệnh cho đệ đệ của mình là Trương Vệ Trương Trọng Kỳ dẫn ba vạn đại quân đóng ở Dương Bình Quan chống đỡ sự công kích của quân Tào.

Nhưng hắn lại không biết ngay lúc hắn phái ra hai đội binh mã thì một đội quân Tào đã lặng lẽ tiến vào trong Tử Ngọ Cốc hướng thẳng tới Hán Trung.

***


- Chung Tồn Quách Tựu dùng chiêu án binh bất động?

Hà Hoàng máu chảy thành sông!

Tào Bằng lấy thế gió cuốn mây tan như bầy sói xuất động giết người Đê sợ mất mật.

Hơn hai mươi ngày tiến vào Hà Hoàng, quân Tào xuất kích xung quanh, bỗng nhiên phân tán tiến công tập kích bộ lạc nhỏ này, rồi bỗng nhiên lại tập trung binh lực, tiêu diệt bộ lạc lớn. Thời gian ngắn ngủi hơn hai mươi ngày, Tào Tháo xuất kích hơn ba mươi lần tiêu diệt người Đê, hơn ba mươi bộ lạc lớn nhỏ, chém giết hơn ba vạn người Đê làm cho cả Hà Hoang rơi vào khủng hoảng.

Ngay từ đầu Đậu Mậu vẫn chưa để tâm.

Nhưng đợi khi y phát hiện ra thì bầu không khí khủng hoảng đã thổi quét toàn bộ Hà Hoàng.

Không chỉ có những bộ lạc lớn nhỏ hoảng sợ, thậm chí người Đê sống xung quanh Vương trướng tại Tứ Chi Hà Thủ cũng lo lắng đề phòng.

Tào Bằng!

Cái tên này trở thành cơn ác mộng của người thảo nguyên Hà Hoàng.

Cái tên Tào Bằng gần như còn được dùng để dọa trẻ nhỏ vào buổi tối.

- Đừng khóc, khóc nữa là Tào Diêm Vương tới đấy.

Rất nhiều người dùng phương thức như vậy để dọa trẻ nhỏ.

Đứa trẻ đang khóc lóc nghe thấy ba chữ Tào Diêm vương, lập tức ngừng khóc.

Truyền thuyết kể rằng, Tào Diêm Vương không ăn cơm, mà là ăn thịt mười người sống.

Truyền thuyết kể rằng, mỗi ngày Tào Diêm Vương uống máu hơn trăm người.

Truyền thuyết kể rằng, Tào Diêm Vương thích dùng tim người ngâm rượu, một bữa tiệc ít nhất phải dùng một ngàn quả tim người.

Những truyền thuyết như thế càng ngày càng nhiều.

Ngay cả Tào Bằng cũng không biết truyền thuyết về mình như thế từ đâu mà có.

Tuy nhiên, hắn lại dùng hành động thật sự nói cho người Đê ở Hà Hoàng biết: Ta nói muốn tắm máu Hà Hoàng, cũng không phải là lời đe dọa suông.

Rất nhiều người Đê bắt đầu hối hận, sớm biết như vậy, cho dù là không giết được Đậu Mậu thì cũng bày tỏ thái độ gì đó. Nhưng hiện tại quân Tào đã giết nhập vào rồi. Tào Diêm Vương kia căn bản không cho người ta có cơ hội hối hận mà trực tiếp diệt tộc. Ba mươi bảy bộ lạc, trên ba vạn người, gần như là một phần sau người Đê ở Hà Hoàng rồi! Vấn đề là, cũng không ai biết Tào Bằng sẽ giết tới khi nào. Theo tình huống trước mắt mà thấy, rõ ràng quân Tào đã giết đến đỏ cả mắt rồi, giết đến điên rồi!

Đậu Mậu vội vàng lệnh cho người Đê trên thảo nguyên Hà Hoàng lập tức co rút lại, tập trung thủ vững tại Tứ Chi Hà Thủ.

Y cũng nhận được tin có hai đội binh mã giết nhập vào Hà Hoàng.

Một đội là do Tào Bằng thống soái, số lượng tuy không nhiều lắm nhưng người nào cũng khát máu, giết chóc cực kỳ điên cuồng.

Đội nhân mã này đến không có hình bóng, đi không có hình bóng, không mang theo bất luận đồ quân nhu gì, hoàn toàn chỉ dựa vào giết chóc để đoạt lấy, để bổ sung lương thảo đồ quân nhu.

Muốn cử đại quân vây khốn?

Người ta căn bản không cùng ứng chiến.

Ngươi chỉ cần dám phân tán mở ra, cho dù là bộ lạc mấy ngàn người, bọn họ cũng dám công kích, hơn nữa mỗi lần chiến là mỗi lần thắng.

Uy danh của hơn ba mươi cuộc chiến cũng không phải là dễ dàng tiêu trừ.

Ba mươi bảy bộ lạc, tính mạng hơn ba ngàn người…thế cho nên rất nhiều người khi nghe đến cái tên Tào Bằng đều cảm nhận được mùi máu tanh nồng đậm. Quân Hán từ lúc nào trở nên hung tàn như thế?

Còn một đội quân Tào khác nghe nói là do tộc huynh của Tào Bằng mới nhậm chức Đô Úy Tây Bộ Tào Hưu làm thống soái.

Binh mã ước chừng ba vạn, đã xuất phát tiến vào thảo nguyên Hà Hoàng, mà nay đang nhanh chóng tới gần Tứ Chi Hà Thủ.

Hai đội nhân mã, so sánh ra Đậu Mậu có ý quyết chiến với Tào Hưu hơn.

Ít nhất sau khi Tào Hưu tiến vào Hà Hoàng, thái độ ôn hòa hơn, không có giết chóc quy mô lớn.

So sánh với Tào Bằng, Tào Hưu này quả thực nhân từ giống thánh nhân.

Ngay cả Đậu Mậu cũng cảm thấy sợ hãi, còn những người khác ở Hà Hoàng thì sao?

Đậu Mậu vừa tập kết binh mã, vừa tìm hiểu hướng đi của quân Tào.

Chung Tồn đã đến gần phía tây Khuynh Sơn, cũng là một đội, thủ lĩnh người Đê Chung Tồn tên là Quách Tựu, chịu sự quản lý của Đậu Mậu. Từ lúc Tào Bằng đại khai sát giới, Đậu Mậu đã phát lệnh sai Quách Tựu xuất binh cứu viện.

Nhưng đến tận lúc này, viện binh của Chung Tồn chậm chạp chưa thấy.

- Đại vương, Quách Tựu không chịu xuất binh, chỉ sợ hiện tại thân hắn đã khó bảo toàn.

- Tại sao vậy?

- Vừa mới nhận được tin tức, Thái Thú Võ Uy Tô Tắc đã bí mật từ Đại Doãn Cốc xuất binh đến khúc sông Tứ Chi Hà Thủ.

Người này liên thủ với Thiêu Đương Lão Khương đang tới gần tây Khuynh Sơn.

Quách Tựu đã cùng với bọn họ đánh hai trận cũng liên tiếp thất bại. Mà nay Quách Tựu đang tập kết binh mã tử thủ ở tây Khuynh Sơn, gã còn phái người khẩn cầu viện binh với Đại vương, thậm chí nghe nói còn xin cầu viện với Sâm Lang Khương.

- Kha Nhất đáng chết!

Đậu Mậu giận không thể hết, vung tay rít gào trong Vương trướng.

Kha Nhất, chính là Thiêu Đương Lão Khương Khương Vương, mà nay con trai Kha Nhất là Kha Ngô đã được phong chức làm Giáo úy cầm binh. Nghe nói, Tào Cấp rất coi trọng Kha Ngô, tuy rằng sắp rời chức nhưng lại phó thác Kha Ngô cho Tào Bằng. Tuy nhiên lần này Tào Bằng lại không dẫn Kha Ngô tiến vào Hà Hoàng, mà phái hắn ta đóng giữ tại Lũng Tây, hiệp trợ Từ Thứ. Nói cách khác, trận chiến này của Tào Bằng chỉ cần thắng lợi, chắc chắn Kha Ngô được trọng dụng.

Xu thế Tào gia tại Lương Châu đã không thể thay đổi.

Kha Nhất không ngốc, nếu không đã không qua lại nhiều năm với Mã Đằng.

Đó là một con cáo già, ai mạnh ai yếu, nhìn là thấy rõ.

Dưới tình huống này, lão không giúp Tào Bằng thì có thể giúp ai?

Kỳ thật trong những bộ lạc đại nhân đang ngồi trong vương trướng này chỉ sợ có rất nhiều người trong lòng cũng muốn tìm nơi nương tựa Tào Bằng.

Chỉ có điều, cho tới bây giờ Tào Bằng không muốn tiếp xúc với bọn họ.

- Vậy người phái đi cầu hòa với Tào Hưu đã quay về chưa?

- Đã quay về rồi!

- Tào Hưu nói như thế nào?

Vẻ mặt một bộ lạc đại nhân chua xót:

- Tào Đô úy nói, trận chiến Hà Hoàng là hắn nghe lệnh Tào Diêm Vương.

Tuy là tộc huynh của Tào Diêm vương nhưng quan chức của hắn không cao như Tào Diêm Vương, chuyện này hắn không làm chủ được.

Người nói vô ý, người nghe có tâm.

Rất nhiều bộ lạc đại nhân nghe đến đó giật mình, lập tức phát hiện hàm nghĩa trong lời nói của Tào Hưu.

Là Tào Hưu bằng lòng đàm phán hoà bình!

Chẳng qua, Tào Bằng không chịu đồng.

Chỉ cần Tào Bằng có thể bớt giận, hết thảy đều có thể…Nhưng vì sao Tào Bằng lại không chịu bớt giận? Giết nhiều người như vậy mà vẫn không định dừng tay? Nói trắng ra, chính là nguyên nhân trước đó là thái độ quá khinh thường Tào Bằng.

Bố đây đã phát ra huyết lệnh, các ngươi còn tỏ vẻ khinh nhờn, vậy thì mặt mũi bố để ở đâu?

Nói cách khác, chỉ cần giết Đậu Mậu...

Vài cái bộ lạc đại nhân nhìn nhau, không hẹn mà cùng lén lút đánh giá Đậu Mậu.

Lúc này Đậu Mậu đang giận giữ nên không cảm nhận được hàm nghĩa trong lời nói này.

- Nếu Hán man đã muốn đuổi cùng giết tuyệt, vậy thì bố đây liều mạng với chúng!

“Không phải đuổi tận giết tuyệt, mà là muốn cái đầu của ngươi.”

Trong mắt nhiều Bộ lạc đại nhân hiện lên tia sát khí, nhưng rồi lại khôi phục thần sắc bình thường. Nơi này là địa bàn của Đậu Mậu, tốt nhất vẫn nên cẩn thận một chút. Việc này, dù gì cũng nên thương nghị để có chủ ý thích đáng.

Đúng lúc này, bên ngoài vương trướng đột nhiên có người hô:

- Đại vương, có sứ giả Hán man đến…Là sứ giả của Tào Diêm vương.

Trong phút chốc, bên trong vương trướng lặng ngắt như tờ!