Tào Tặc

Chương 572: Bạn cũ ở Nam Dương

Đặng Chi không phải là đùn đẩy.

Điều này trong lòng Tào Bằng hiểu rất rõ.

Thực ra, trong số những người trở về Nam Dương và muốn thi thố tài năng, thì nhất định Đặng Chi là một trong số đó. Y là người Nam Dương, y khao khát làm nên một sự nghiệp ở Nam Dương, để những người năm xưa từng khinh thường y phải nhìn cho rõ. Nhưng càng như thế, Đặng Chi lại càng phải thận trọng bình tĩnh.

Nếu tính ra, trải qua gần mười năm rèn luyện, đã khiến cho Đặng Chi trưởng thành vượt trội.

Y không còn là tên tiểu tử cao ngạo của khi xưa nữa, suy xét sự việc cũng toàn diện hơn.

Quang Võ trung hưng, Đông Hán khai quốc.

Quận Nam Dương tổng cộng có mười gia tộc cường hào…

Thế nhưng hiện nay, mười gia tộc cường hào năm nào, về cơ bản đều đã sa sút cả. Tuy nhiên, trải qua nhiều năm đã hình thành nên lực lượng xã đảng, khiến cho mười gia tộc cường hào vẫn nắm giữ được vị trí lãnh tụ trong số các gia tộc cường hào. Thôn Đặng ở Cức Dương, cũng là như thế. Năm xưa, Bang thôn có Đặng Tế từng làm đến chức Trung lang tướng dưới trướng Lưu Biểu, được bà con trong thôn hết sức ủng hộ. Nhưng đến cuối năm Kiến An thứ hai, lần thứ hai Tào Tháo chinh phạt Uyển thành, quân của Đặng Tế ở Hồ Dương bị Ngụy Diên đánh tan, khiến cho Đặng thôn của Cức Dương không thể chọn ra một người tài nào nữa. Cũng không phải là do không có người nào xuất chúng, ví dụ như Đặng Tắc, bây giờ chẳng phải đang rất oai phong đó. Chỉ có điều, hồi xưa kể từ sau khi Đặng Tắc rời bỏ quê nhà, thoát ly đến Nam Dương, không còn chút liên hệ gì với Đặng thôn nữa.

Điều này cũng khiến cho Đặng thôn ở Cức Dương cảm thấy rất khó chịu.

Việc để Đặng Chi về Đặng thôn thuyết phục các tộc lão cũng không có vấn đề gì quá lớn.

Nhưng có thể thuyết phục và khiến cho Đặng thôn thật tâm quy phục hay không, thì lại cần phải có một nhân vật có khả năng ổn định lòng quân cho bọn họ.

Nghĩ đi tính lại, quả đúng Đặng Ngải là người thích hợp nhất.

Nhưng Tào Bằng lại không muốn!

Cức Dương cách Niết Dương một dòng sông, lân cận với Tân Dã, cận kề Triều Dương.

Nơi đó có thể xảy ra chiến tranh bất cứ lúc nào, để Đặng Ngải đi đến đó, quả thật là Tào Bằng không yên tâm lắm.

Nhưng vấn đề là, hắn lại chẳng tìm ra một ứng viên nào khác thích hợp hơn…

Nếu Đặng Phạm có ở đây thì cũng là một nhân vật phù hợp, hơn nữa Tào Bằng cũng không cần phải lo lắng cho sự an nguy của Đặng Phạm. Đặng Ngải tuổi còn quá nhỏ! Một Đặng Ngải mới có mười tuổi, đã phải đi gánh vác một nhiệm vụ nguy hiểm như thế này, nếu chẳng may có sai sót gì, thì Tào Bằng làm sao mà ăn nói với chị gái mình?

Thấy Tào Bằng không nói không rằng, Đặng Chi cũng không nói gì thêm.

Y biết rằng, cuối cùng rồi Tào Bằng cũng sẽ đưa ra được lựa chọn đúng đắn nhất.

Mùng năm tháng giêng, Tào Bằng mới chính thực lộ diện, triệu kiến các quan viên lớn nhỏ của Nam Dương.

Hiện nay, cục thế Nam Dương hết sức tồi tệ. Không chỉ có Uyển thành thất thủ, Lưu Bị dần dần mở rộng thế lực, lại cộng thêm mối phiền toái về quan lại nữa.

Trong số mấy huyện thành trực tiếp nằm trong sự khống chế của Tào Bằng, ngoại trừ sáu huyện Vũ Âm, Hồ Dương, Diệp huyện, Đổ Dương, Duy Dương và Lỗ Dương ra, tất cả những huyện còn lại đều không có quan đứng đầu. Có mấy huyện thành về cơ bản là đang dựa vào mấy viên thư lại cố gắng chống đỡ, tình hình hết sức tồi tệ. Đặc biệt là Cức Dương, hiện nay gần như là đang trong tình trạng vô chính phủ. Viên Cức Dương Lệnh tiền nhiệm thì bị Lưu Bị giết chết, các quan viên lớn nhỏ trong huyện thành thì sớm đã bỏ chạy tứ tán. Về sau Giả Hủ thu hồi được Cức Dương, nhưng lại chẳng tìm ra người nào thích hợp để sắp xếp… Không còn cách nào khác, ông ta đành tạm thời giao cho Phó Dung giữ chức huyện úy, miễn cưỡng ổn định cục diện. Nhưng có vẻ Phó Dung thích hợp với những việc nội chính trong quân đội hơn, có thể thấy rõ là không phù hợp lắm với vai trò này. Sau khi y tiếp quản Cức Dương, xung đột với quân Lưu Bị mấy lần, đều không phân hơn thua. Nhưng tình hình ở Cức Dương thì vẫn hỗn loạn như cũ.

Ai có thể tiếp quản Cức Dương?

Đây cũng chính là vấn đề mà Tào Bằng luôn suy nghĩ.

Trong lòng hắn, có một ứng viên thích hợp.


Nhưng khi triệu kiến các quan lại, thì lại không nhìn thấy người đó…

-Lý Nghiêm vì sao không đến?

Sau khi Tào Bằng đối chiếu danh sách, đếm qua một lượt, không khỏi nhíu mày, trầm giọng hỏi.

Lã Thường có chút ngượng ngịu, nói:

-Chính Phương sức khỏe không tốt, đến nay vẫn chưa đỡ, cho nên không thể nhận lệnh triệu kiến, xin Thái thú bao dung.

Lại là sức khỏe không tốt!

Bốn ngày trước sức khỏe hắn không tốt, thậm chí còn không đi đón Tào Bằng.

Đến bây giờ, lần đầu tiên Tào Bằng triệu kiến các quan lại sau khi nhậm chức, sức khỏe của Lý Nghiêm lại không tốt.

Nếu như nói, lần trước Tào Bằng còn không để ý lắm đến chuyện này, thì bây giờ hắn đã có thể khẳng định: không phải là sức khỏe của Lý Nghiêm không tốt, mà là tâm trạng của y không tốt. Có lẽ y không phục việc mình đến đảm nhiệm chức Thái thú Nam Dương, hoặc là trong lòng có gì bất mãn cũng nên.

Nghĩ đến đây, Tào Bằng đặt quyển hồ sơ trên tay xuống, tròng mắt chớp động, thoáng lộ vẻ suy nghĩ.

- Nếu Lý Chính Phương này sức khoẻ đã không tốt như thế, thì cứ để y ở nhà tĩnh dưỡng cho tốt, đừng để y phải vất vả vì việc công nữa. Thế này đi, những công việc trong tay Lý Nghiêm, tạm thời sẽ do Tử Chương tiếp quản. Đợi khi nào y khoẻ rồi, sẽ sắp xếp việc khác cho y làm.

- Nhưng…

Lã Thường ngẩn người, thoáng lộ vẻ ưu tư.

- Tử Hằng không cần phải nói nữa. Chẳng lẽ quận Nam Dương ta thiếu Lý Chính Phương hắn thì sẽ không vận hành nổi sao? Y hiện nay là chủ bộ, các loại công văn đều đợi y đến xử lý, mỗi ngày cứ thế tồn đọng lại, sẽ gây nên tổn thất rất lớn. Chẳng lẽ ta phải đợi sức khoẻ của y bình phục rồi, mới có thể bắt tay vào sắp xếp sự vụ sao. Tử Chương là người học rộng, từng theo học ở trường Thái học, thuộc làu kinh điển, rất giỏi về xử lý công văn giấy tờ. Về sau, sẽ để y đảm nhiệm thay chức Chủ bộ. Về phần Lý Chính Phương, cứ đợi khi nào sức khoẻ của y bình phục, mới uỷ thác trọng trách khác cũng không muộn. Việc này cứ quyết định như vậy đi! Tối nay ta sẽ mở tiệc trong phủ, khoản đãi khách khứa từ khắp nơi đến, đến lúc đó phiền Tử Hằng để ý tình hình trong thành.

Tào Bằng một lời nói chắc như đinh đóng cột, khiến Lã Thường lập tức ngậm miệng.

Y cũng chẳng có mối quan hệ thân thiết gì lắm với Lý Nghiêm, chỉ có điều hơi cảm thấy đáng tiếc mà thôi.

Bụng dạ của Lý Nghiêm, Lã Thường đại khái cũng có thể đoán ra được ít nhiều, chắc hẳn là cái tật xấu kiêu căng tự xem mình thanh cao của hắn lại phát tác đây mà. Chắc là hắn không phục Tào Bằng, mặc dù danh tiếng Tào Bằng nổi như cồn, nhưng dù sao tuổi tác cũng còn quá nhỏ. Còn bản thân Lý Nghiêm lại là người cực kỳ kiêu ngạo, nên sẽ cảm thấy không thoải mái, nên ông ta mới muốn dùng thủ đoạn này, để hạ uy thế của Tào Bằng. Không ngờ rằng, Tào Bằng lại trực tiếp cho người thay thế vị trí Chủ bộ của Lý Nghiêm. Nếu người này biết điều một chút, nói không chừng tiền đồ tốt đẹp sẽ rộng mở trước mắt y…

Đáng tiếc, đáng tiếcc!

Lã Thường chẳng dại gì mà đắc tội, thậm chí chọc giận Tào Bằng vì Lý Nghiêm.

Dù sao, sau này y còn phải làm việc dưới trướng Tào Bằng nữa.

Một tên Chủ bộ nhỏ nhoi lại dám làm khó dễ để khiêu khích Thái thú? Nếu đổi lại là người khác, như người tính tình cứng rắn cỡ Hạ Hầu Hãn, là nói không chừng đã lấy mạng của y rồi. Cho nên, Lã Thường cũng chỉ khuyên giải vài câu, rồi không nói đến đề tài Lý Nghiêm nữa.

Nếu xét thực lòng mà nói, thì Tào Bằng chẳng ưa gì Lý Nghiêm.

Những ấn tượng từ kiếp trước của hắn về Lý Nghiêm rất xấu. Đặc biệt là trong vụ Gia Cát Lượng đem quân đánh Kỳ Sơn, đúng vào lúc mắt đã thấy Tư Mã Ý cạn hết lương thảo, thắng lợi trong tầm tay. Lý Nghiêm lại vì bản thân đốc lương không xong, sợ hãi phải gánh trách nhiệm, nên đến chỗ hậu chủ Lưu Thiện dâng lời gièm pha, vu cáo Gia Lát Lượng, khiến mưu kế đem quân đánh Kỳ Sơn của Gia Cát Lượng thất bại trong gang tấc. Từ điểm này mà đánh giá, thì Tào Bằng đã coi nhân phẩm và đạo đức của Lý Nghiêm không ra gì.

Mà nay, Lý Nghiêm lại làm cao với hắn?


Tào Bằng đời nào lại chịu cúi đầu với y…

Cái gọi là “ba lần viếng lều cỏ” là để trưng cầu người hiền tài, nhưng cũng còn phải xem đó là ai…

Nếu như là nhân vật cỡ Bàng Thống hay Gia Cát Lượng thì Tào Bằng cũng chẳng ngại “ba lần viếng lều cỏ”. Nhưng đối với kiểu người kiêu căng tự cho là thanh cao như Lý Nghiêm thì càng khách sáo, y lại sẽ càng được đà lấn tới. Cho nên, nếu Lý Nghiêm nói là “sức khoẻ không tốt”, thì Tào Bằng cũng chẳng ngại gì mà không để cho y nghỉ ngơi cho thoả thích.

Dù sao, số người trong tay hắn, tạm thời vẫn đủ dùng.

Đêm hôm đó, Tào Bằng mở tiệc trong phủ nha, chiêu đãi các quan khách đến chúc mừng.

Mã Huyền cũng đến dự tiệc, vốn định mượn tiệc rượu để gây chuyện thị phi xích mích, nhưng nhìn thấy những quan khách ngồi ngay ngắn trên bàn tiệc, hắn cũng tự hiểu ra mà ngậm miệng. Bởi vì, trên bàn tiệc có sứ giả mà Lưu Biểu phái tới, chính là Bàng Sơn Dân của Lộc Môn Sơn. Nhà họ Bàng không chỉ có mối quan hệ với nhà họ Thái, mà còn có lien hệ với cả Gia Cát Lượng nữa. Có Bàng Sơn Dân ở đó, khiến Mã Huyền không tiện gây chuyện thị phi.

Nhưng cũng chính vì sự góp mặt của Bàng Sơn Dân, mà y cũng nhìn ra đựơc tâm tư của Lưu Biểu.

Có lẽ Lưu Biểu không hề muốn gây hấn với nhà họ Tào, cho nên mới cho Bàng Sơn Dân đến, cũng chính là muốn bày tỏ thiện ý với Tào Bằng. Khắp cả Kinh Châu đều biết, Bàng thị năm xưa có ơn tri ngộ với Tào Bằng, tuy hiện nay Bàng Đức Công đã quy ẩn, nhưng mối ân tình giữa Tào Bằng và Bàng thị thì vẫn còn đó. Khi Mã Huyền vừa nhìn thấy Bàng Sơn Dân thì đã cảm thấy tình thế không hay lắm… Lưu Biểu, chẳng lẽ lại muốn hòa hoãn với Tào thị?

Y lập tức chẳng còn lòng dạ nào mà ở lại Vũ Âm nữa, thế là vội vàng dự tiệc, đoạn cáo từ rời đi.

Mã Huyền phải nhanh chóng trở về Uyển thành, nói cho Lưu Bị biết việc Bàng Sơn Dân có đến, giúp Lưu Bị sớm có sự chuẩn bị…

Đối với Mã Huyền, Tào Bằng cũng không giữ lại.

Hắn chỉ biết Mã Huyền này là lão đại trong Mã Thị Ngũ Thường, là đại ca của Bạch mi Mã Lương.

Tuy rằng trên sử sách có ghi rằng, Mã Huyền là người rất tài hoa.

Nhưng theo như trí nhớ của Tào Bằng thì thậm chí tên của Mã Huyền còn không được nhắc tới trong “Tam quốc diễn nghĩa”. Loại người này cũng không tiện lôi kéo, hơn nữa nếu đối đãi tốt với y, ngược lại sẽ khiến bọn chúng càng kiêu ngạo thêm nữa, nói không chừng còn tự rước lấy nhục. Những việc như thế, Tào Bằng chẳng thiết.

Chỉ có chút đáng tiếc là Triệu Vân cũng đi cũng Mã Huyền luôn.

Hắn ta thậm chí còn không từ biệt Tào Bằng, đến mặt cũng chẳng buồn gặp một cái đã đi…

Tào Bằng hiểu hiện giờ hắn không thể lôi kéo được Triệu Vân, nhưng vô duyên vô cớ để Triệu Vân đi như vậy, nói thực là trong lòng hắn có chút không đành.

Đêm đó, Tào Bằng cùng các quan khách đến thăm hỏi chúc mừng cùng chung vui với nhau trong phủ.

Bàng Sơn Dân nói với Tào Bằng, hiện nay Bàng Đức Công đang ở núi Lộc Môn, nếu có thời gian thì mời Tào Bằng đến chơi.

Tào Bằng vui vẻ nhận lời.

Ngày hôm sau, Tào Bằng tiễn Bàng Sơn Dân về.

Khi hắn vừa về tới ngoài cổng huyện giải, thì thấy Đỗ Kỳ vội vội vàng vàng chạy đến đón:

-Công tử, lúc nãy có một người tự xưng là bạn cũ của công tử, đang ngồi đợi trong sảnh.

Bạn cũ?

Tào Bằng nghe nói không khỏi ngẩn người.

Hắn có bạn cũ ở Nam Dương sao?

Hình như ngoại trừ Bàng Đức Công ra, Tào Bằng không có bạn bè hay thân thích gì ở Nam Dương cả.

Trong lòng cảm thấy có chút nghi hoặc, Tào Bằng vội đi vào đại sảnh. Vừa mới đặt chân đến bậc thềm, hắn đã nhìn thấy trong nhà có hai người một chủ một tớ.

Một người tuổi ngoài ba mươi, nhìn có vẻ già nua, hai bên thái dương đã có tóc bạc.

Người còn lại là một ông cụ, xem tuổi tác thì cũng chừng cổ lai hy rồi (chừng bảy mươi)…

Tào Bằng thấy hai người này, trên mặt đột nhiên hiện lên nụ cười rạng rỡ.

Hắn bước nhanh vào trong sảnh, lớn tiếng cười nói:

-Khoái huynh, lão quản gia, hai người đến Vũ Âm khi nào vậy? Bằng không đón tiếp được từ xa, xin hãy lượng thứ!