Tào Tặc

Chương 213: Đặng Chi

Trên thực tế, mùa thu là mùa thu hoạch, không trách được vì sao Đặng Tắc lại nói hết ra.

Lương thảo dự trữ được cả trăm vạn hộc không chỉ khiến Đặng Tắc quên hết tất cả, mà thậm chí còn rất nhiều người, bao gồm cả Bộc Dương Khải đều rất phấn khởi.

Chỉ có một người lúc đó đã từng ngăn cản Đặng Tắc chèn ép lương giới.

Lý do rất đơn giản: Lương giới huyện Hải Tây mỗi năm tăng bảy mươi tiễn, nhìn thì tưởng rất cao, nhưng so với các địa phương khác đã là rất thấp rồi! Như Hứa Đô cùng vào mua thu hoạch, lương giới hiện tại cũng là cả trăm lẻ mười tiễn. Hạ Bì lớn như thế, lương giới cũng cao tới ba trăm tiễn.

Lương giới bảy mươi tiễn vừa đủ để ổn định Hải Tây.

Nếu như còn tiếp tục hạ thấp lương giới nữa, tất sẽ khiến người khác dòm ngó đến huyện Hải Tây.

Chỉ tiếc rằng, kiến nghị như thế lúc đó lại bị rất nhiều người bỏ qua. Cũng chính vì thế, chủ bộ Đái Kiền thậm chí còn tranh cãi kịch liệt với người kia. Đặng Tắc lúc đó tuy không nói gì nhưng từ thái độ của y, có thể thấy rõ ràng là nghiêng về phía Đái Kiền, cuối cùng vẫn quyết định giảm mức lương giới.

Biết đâu người kia có thể giải mối ưu tư của lão gia thì sao?

-Lão gia, thật ra ngài cũng không cần phải quá lo âu.

-A?

-Phan Văn Khuê có cái dũng cả vạn người không sánh bằng, Chu huyện úy cũng là người đã từng trải qua cả trăm trận chiến. Huyện Hải Tây ta cũng không phải là nơi mặc cho người khi dễ. Lão gia ở Hải Tây có uy vọng rất cao, chỉ cần ngài vung tay hô một tiếng, người nào lại không theo ngài đây?

Còn sáu nghìn binh mã của Lã Bố sao ngài không nhờ người chỉ giáo cho?

-Ai?

Hồ Ban không khỏi nở nụ cười:

-Huynh đệ cùng tộc của lão giả không thể nào lại bị coi như những kẻ nhàn rỗi, vô sự được. Còn nhớ rõ khi còn ở Hải Tây, công tử từng rất nhiều lần hỏi thăm tình hình của hắn, hiển nhiên là người rất coi trọng hắn. Lúc trước, hắn từng gián tiếp ngăn cản chuyện chèn ép lương giới, đủ để thấy hắn đã đoán trước tình hình. Sao ngài không nhờ hắn chỉ điểm cho, biết đâu lại có biện pháp xử lý.

Ánh mắt Đặng Tắc sáng rực:

-Ngươi muốn nói đến Bá Miêu ư?

Chỉ trong thoáng chốc, y phấn chấn lên nhiều.

-Không sai, chúng ta cứ đến nhà Bá Miêu nhờ hắn chỉ điểm là được.

-Nhưng trời đã tối rồi…

-Không quan hệ, ta nghĩ Bá Miêu hiện tại chắc chắn vẫn chưa nghỉ ngơi đâu.

Đặng Tắc nhanh chân bước xuống tòa tháp, rất nhanh có tùy tùng dẫn ngựa đến. Hồ Ban đỡ Đặng Tắc xoay người lên ngựa, rồi cũng ngồi lên lưng ngựa.

Đoàn người lặng lẽ vội vã đi dọc theo con phố trong bóng đêm đen như mực.

Vừa đến khu chợ Bắc, đoàn người quẹo vào một con ngõ, dừng chân trước một căn nhà. Hồ Ban xuống ngựa trước, đỡ Đặng Tắc xuống ngựa. Sau đó, hai người nhanh chân bước tới cửa, đập đập cửa, bồng bồng bồng. Được ba tiếng, từ bên trong cánh cửa đã vang lên tiếng bước chân.

-Đặng Tiên ư?

Cửa vừa mở ra, một lão giả bốn mươi tuổi từ trong viện đi ra, trong tay cầm một chiếc đèn lồng.

Đặng Tắc hơi sững người lại.

Bởi vì quần áo của lão giả này rất chỉnh tề, không nhìn ra được dấu vết của sự vội vã ra khỏi giường chút nào.

Y vừa định mở miệng, chỉ thấy lão giả này khom người, nhẹ giọng nói:

-Đại công tử, công tử nhà ta ở thư phòng, đợi ngài đã lâu.

-Đã trễ thế này, Bá Miêu vẫn còn chưa đi nghỉ sao?

-Công tử nói đại công tử nhất định sẽ đến, chính vì thế kiên quyết ở thư phòng đợi ngài.

Đặng Tắc nghe thấy thế, không khỏi giật mình, vội vã bước lên bậc thang, bước vào trong nhà. nguồn TruyenFull.vn

Hồ Ban và lão giả tên Đặng Tiên đi vào gian phòng nghỉ tạm. Thấy trên giường đã thu dọn đầy đủ hành lý, Hồ Ban chợt giật mình.

-Lão Đặng, các ngươi đây là…

-Công tử nói nếu như hôm nay đại công tử không đến, hừng đông ngài sẽ xin từ biệt.

Hồ Ban giật mình:

-Lão Đặng, các người định đi đâu?

-Khởi bẩm lão gia, thật ra trước khi đến Hải Tây, công tử nhà ta có nghe nói thái thú Ba Tây là Bàng Hy có lòng đãi sĩ, nên định đến đó tìm nơi nương tựa. Chỉ là đại công tử đã gửi thư, mời công tử đến Hải Tây cùng hưởng phú quý, công tử mới đổi ý, dẫn ta đến đây. Mọi chuyện sau đó, ngài cũng biết rồi! Đại công tử ở Hải Tây rất thuận lợi, công tử cảm giác đại công tử hơi liều lĩnh, chính vì thế nên không thoải mái lắm.

Nếu như hôm nay đại công tử không tới, công tử nhà ta sẽ không ở lại, trợ giúp đại công tử nữa.

May quá, chút nữa là hỏng đại sự rồi!

Hồ Ban không khỏi thầm kêu may, may mà hắn nghĩ tới người này, bằng không thì…

Nhưng nghe Đặng Tiên nói thì vị Đặng công tử này chẳng lẽ đã có cách phá địch rồi sao? Tảng đá lớn vốn đè nặng trong lòng hắn nhất thời được buông bỏ.

Nếu như vậy, Hải Tây không phải lo nữa!

Cùng lúc đó, Đặng Tắc cũng đã bước vào thư phòng.

Trong thư phòng có đốt hai cây nến lớn, ánh lửa khẽ nhảy múa.

Ở giữa thư phòng có bày một tấm địa đồ. Trước tấm địa đồ là một thanh niên mặc cẩm bào màu đỏ thẫm đang chắp tay đứng đó.

Hắn đưa lưng về phía cửa phòng, mái tóc dài rối bời buông xuống bờ vai.

Nghe thấy tiếng bước chân, người thanh niên xoay người lại. Chỉ thấy người này da trắng, mặt hoa da phấn, mày kiếm lãng tử, rất có khí chất.

Thấy Đặng Tắc đến, người thanh niên thở phào.


-Đại huynh, cuối cùng huynh cũng tới rồi.

Đặng Tắc nhìn người thanh niên, một lúc lâu sau mới tiến lên vái chào:

-Ta rất hối hận vì đã không nghe lời khuyên can của Bá Miêu, vì thế mới khiến Hải Tây mang họa ngày hôm nay. Ta biết lúc trước ta có phần liều lĩnh, nhưng mong rằng Bá Miêu ngươi nhớ tới tình cảm lúc xưa, trợ giúp ta một tay, bảo vệ sự bình an cho Hải Tây…

Người thanh niên vội bước lên trước:

-Đại huynh, huynh cần gì phải làm thế?

Hắn mỉm cười:

-Nếu Lã Bố đích thân đến, lại có Trương Liêu dẫn binh, ta không thể không khuyên đại huynh rời khỏi Hải Tây, chạy đến quận Đông Hải. Nhưng người đến lại là Tống Hiến, thì dù có sáu nghìn binh mã, trong mắt ta cũng chẳng qua chỉ là con gà, con chó mà thôi. Đại huynh hà tất phải lo lắng?

Ánh mắt Đặng Tắc sáng rực:

-Bá Miêu đã có kế sách rồi sao?

Người thanh niên này tên là Đặng Chi, tự là Bá Miêu.

Hắn chính là người lúc đầu Đặng Tắc đã từng nhắc đến huynh đệ cùng tộc với Tào Bầng. Năm Kiến An thứ hai, Đặng Tắc đến Hải Tây nhậm chức, liền mời y đến trợ giúp.

Chỉ có điều, Đặng Chi vẫn rất do dự. Mãi cho đến tận tháng năm năm nay, đến khi Tào Tháo chinh phạt Nhương thành, hắn mới chịu đi.

Vì sao Đặng Chi do dự?

Rất đơn giản, bởi hắn không biết Đặng Tắc có thể làm nên trò trống gì.

Những năm cuối thời Đông Hán không phải là thời điểm người ta có thể dựa vào mối quan hệ đồng hương đơn thuần mà mời được người đến hỗ trợ. Muốn mời người dĩ nhiên phải lo lắng chuyện tài năng, đức hạnh của người được mời, nhưng người được mời cũng cần tính toán đến khả năng thành công của người mời. Đặng Chi và Đặng Tắc cũng cho là có quan hệ mấy đời với nhau, cũng không xa lạ gì nhau. Đặng Chi không nắm chắc liệu Đặng Tắc có thể đứng vững được không. Trong mắt hắn, nếu như người đứng còn chẳng vững, e rằng rất khó có thể thành được sự nghiệp. Chính vì thế, khi Đặng Tắc mời, Đặng Chi cũng không vội vã đồng ý ngay.

Chuyện Đặng Tắc đứng vững ở Hải Tây cũng có thể coi như một cuộc sát hạch.

Khi Đặng Chi nhận được phong thư thứ hai của Đặng Tắc, hắn đã quyết định, từ bỏ chuyện đến Ba Tây tìm Bàng Hy nương tựa, mà đến Hải Tây.

Nhưng khi Đặng Chi đến Hải Tây, ngoài thân phận của hắn ra, hắn khá ngại ngần.

Dù sao, ngay từ đâu hắn đã không tham dự, giờ thoáng đã trở thành nhân vật đứng thứ hai ở Hải Tây quả là chuyện không hợp lý chút nào.

Hơn nữa, khi Đặng Chi tới Hải Tây cũng nghe nói người nắm giữ vị trí thứ hai thực sự của huyện Hải Tây không phải là Bộc Dương Khải của huyện Hải Tây hiện tại, cũng không phải là huyện úy Chu Thương. Người có sức mạnh uy hiếp Hải Tây nhất đã đến huyện Quảng Lăng trước đó, hộ tống Tuân Diễn đi sứ Giang Đông, tên là Tào Bằng. Xét về điểm này, vị thế của Tào Bằng ở Hải Tây ngay đến Đặng Tắc cũng không bằng. Bách tính bình dân có lẽ không hiểu rõ lắm những bí ẩn sâu xa trong đó, nhưng Bộc Dương Khải, Đái Kiền, thậm chí ngay cả chín đại chủ sự đều hiểu rõ sự phồn vinh của Hải Tây ngày hôm nay đều là nhờ Tào Bằng mà có.

Đặng Chi không khỏi sinh lòng hiếu kỳ mãnh liệt đối với Tào Bằng.

Sau khi tới Hải Tây được bốn tháng, Đặng Chi luôn âm thầm quan sát mọi chuyện ở Hải Tây.

Từ nghiệp đoàn chợ Bắc, đến việc xây dựng đồn điền, Đặng Chi càng xem càng thấy kinh hãi…

Sau đó, Tào Bằng trở về Quảng Lăng, nhậm chức huyện úy Hải Lăng.

Đặng Chi nhạy bén cảm nhận được chuyện Tào Bằng ở Hải Lăng thu nạp tinh binh Hải Lăng với khí thế như sấm sét dường như hoàn toàn không đơn giản như vẻ bề ngoài. Nói như vậy là bởi người chấp chưởng một huyện hẳn là sẽ chuyên tâm phát triển, tăng nhân khẩu, khai khẩn đất hoang, nhưng kể từ khi Tào Bằng nhậm chức, nếu không có những chuyện thi thố, thì cũng chỉ chuyên tâm luyện binh, gia tăng binh lực. Về chuyện đối nội, hắn cũng không chú tâm nhiều lắm, chỉ điều phối tài nguyên từ chín đại chủ sự huyện Hải Tây đến bổ sung cho Hải Lăng mà thôi.

Chuyện này vốn không hợp với tác phong của Tào Bằng.

-Nói vậy, kể từ khi Hữu Học nhậm chức ở Hải Lăng đã cảm nhận được được sẽ có lúc phải đánh với Lã Bố một trận sao?

Đặng Chi kéo Đặng Tắc ngồi xuống, rót cho y một chén nước nóng.

Đặng Tắc ngẩn ra, gật đầu:

-Lúc đó, A Phúc từng gửi thư, bảo ta bí mật luyện binh. Chỉ là bởi lúc đó, ta bận chuyện thu hoạch vụ thu, nên mới bỏ qua chuyện này. Giờ nghĩ lại thì khi đó có lẽ A Phúc đã cảm thấy… Ông trời ơi, sao ta lại có thể bỏ qua chuyện này được?

Đặng Tắc vỗ vỗ trán, lộ vẻ hối hận.

Đặng Chi nói:

-Khi Hữu Học còn ở Hải Tây cũng không phải là người hiếu chiến, mà chỉ chăm chút vấn đề chợ Bắc, đo đạc đất đai, kiểm tra nhân khẩu. Chính vì thế, hắn mới có chút coi trọng đến chuyện quản lý chính vụ. Thế nhưng kể từ khi hắn đến huyện Hải Lăng, từng hành động, cử chỉ lại hết sức hiếu chiến. Ta trước vẫn còn nghi hoặc không hiểu nguyên nhân gì lại khiến Hữu Học thay đổi như thế. Hiện xem ra đó chính là hành động phòng ngừa cẩn mật của hắn. Chính vì thế, đại huynh không phải lo lắng, mặc dù ta không có biện pháp gì, nhưng Hữu Học tuyệt đối sẽ không ngồi yên để Hải Tây chịu khổ đâu.

Không biết vì sao, dù Đặng Chi không nói đến nửa câu về phương pháp đẩy lui kẻ địch, nhưng Đặng Tắc chợt thấy lòng bình tĩnh hơn nhiều.

Đúng vậy, Hải Lăng còn có A Phúc!

-Bá Miêu, vậy đệ có chủ ý gì không?

Đặng Chi nhìn lướt qua tấm địa đồ ở chính giữa thư phòng, nhẹ giọng nói:

-Tống Hiến chỉ là kẻ lỗ mãng, không đáng lo.

Ta chỉ hỏi đại huynh đã từng nghĩ đến chuyện đánh Tống Hiến xong, con hổ ở Hạ Giao liệu có phản ứng gì không? Gã liệu có ngồi yên xem Tống Hiến bại trận hay không?

Đặng Tắc nghe thấy thế, hít vội một hơi.

Về điểm này, y thật sự chưa nghĩ đến.

-Ta có một kế có thể không cần tốn nhiều công sức mà có thể khiến sáu nghìn võ tốt của Tống Hiến hoàn toàn biến mất.

Nhưng vấn đề là Tống Hiến đi rồi, Lã Bố sẽ tiếp tục tấn công. Đến lúc đó, Hải Tây sẽ không tránh khỏi chiến loạn, mà tâm huyết một năm qua của thúc tôn huynh cũng sẽ đổ sông đổ bể. Ta tin rằng không chỉ là huynh mà cả Hữu Học cũng không muốn thấy chuyện ấy xảy ra.

-Ý của đệ là…

-Tống Hiến nhất định phải đánh. Hải Tây nhất định phải thủ.

-Đánh thế nào? Thủ thế nào?

Đặng Tắc u mê không hiểu gì.

Y là người đại diện cho luật pháp. Tuy nói một năm này, y đã nhúng tay thêm vào rất nhiều các phương diện khác, nhưng riêng về vấn đề quân sự vẫn không phải là sở trường của y.

Thế cho nên Đặng Chi nói xong, Đặng Tắc vẫn chưa có phản ứng gì.


Đặng Chi uống một ngụm nước, kéo Đặng Tắc tới trước bức địa đồ:

-Đánh, rất dễ; thủ rất khó. Chính vì thế, ý ta là…

Hắn vừa nói chuyện vừa vẽ một vòng tròn trên tấm địa đồ, rồi vỗ mạnh.

-Chúng ta sẽ thủ ở chỗ này.

Đặng Tắc nhìn thấy rõ địa danh trên tấm địa đồ, nhất thời ngạc nhiên.

Y trầm ngâm chốc lát, chợt ngẩng đầu, nhìn Đặng Chi, nói:

-Ý của đệ là chúng ta sẽ chủ động tấn công, đánh chiếm huyện Khúc Dương ư?

-Đúng vậy.

-Thế nhưng…

-Trận chiến vừa bắt đầu, nhiều nhất mười ngày, ắt sẽ có chuyện xấu xảy ra.

Đặng Tắc ngơ ngác nhìn tấm địa đồ, một lúc lâu sau cắn răng, ra sức gật đầu:

-Ta hiểu rồi. Bá Miêu, chúng ta lập tức quay về huyện nha bàn bạc chuyện này đi.

Đặng Chi mỉm cười:

-Vậy mời đại huynh đi trước.

Hắn chờ đợi ngày này đã tròn nửa năm.

Mất đi tiên cơ muốn vượt qua cũng chẳng phải chuyện dễ dàng gì.

Đặng Chi hiểu rõ rằng chỉ có đánh tan Tống Hiến, giúp Hải Tây vượt qua nguy cơ này, hắn mới có thể đứng vững ở vị trí thủ hạ của Đặng Tắc.

Ngay từ ban đầu, Đặng Chi đã chú ý đến điểm sơ hở lớn nhất của huyện Hải Tây: không có mưu sĩ.

Ngay cả Bộc Dương Khải hay Đái Kiền cũng là người có khả năng nhưng không phải là người có thể hiến kế được. Trong hoàn cảnh này, vừa vặn đúng sở trường của Đặng Chi.

Đặng Chi trong lịch sử là người thành đạt muộn, mãi về sau mới làm tướng quân xa kỵ, vừa đúng là mưu sĩ.

Mục tiêu của Đặng Chi là bổ sung vào điểm thiếu sót cuối cùng của huyện Hải Tây.

-Công tử!

Thấy Đặng Chi và Đặng Tắc đi ra, Đặng Tiên liền bước lên trước chào đón.

Đặng Chi nói:

-Đặng Tiên, ta theo đại huynh đến phủ nha trước, ngươi ở nhà trông nhà cho cẩn thận.

-Dạ!

Đặng Tiên vốn là lão nô bộc đã theo hai đời cha con Đặng Chi, cũng coi như đã nhìn Đặng Chi lớn lên từ nhỏ. Chỉ một câu nói này, lão đã hiểu được ý tứ ẩn chứa trong đó. Đặng Chi đã quyết ý ở lại Hải Tây! Với Đặng Tiên mà nói, lão dĩ nhiên mong Đặng Chi ở lại. Bất kể nói như thế nào, Đặng Tắc và Đặng Chi cũng có mối quan hệ cùng dòng tộc, là huynh đệ. Chiến tranh thân huynh đệ, ra trận phụ tử binh cũng là chuyện thường tình của đời người.

Lão gia nhân nhìn Đặng Chi một chút, rồi lại nhìn Đặng Tắc.

Sau đó, lão mỉm cười với Hồ Ban, cũng đủ giúp Hồ Ban trút được gánh nặng.

Bóng đêm mịt mờ, trời rất lạnh.

Sau nửa đêm, cơn mưa thu nhè nhẹ rơi xuống, cái lạnh lại tăng thêm chút ít.

Đặng Chi hít sâu một hơi, thúc mã đi theo sau Đặng Tắc. Nhưng trong lòng hắn chợt nảy ra một ý nghĩ cổ quái…

Xem ra Hữu Học đã sắp xếp mọi chuyện trước khi đi, vậy làm sao hắn lại không hiểu rõ điểm thiếu hụt của Hải Tây?

Bộc Dương Khải, Đái Kiền chủ yếu phụ trách về đối nội và công việc đồn điền; Chu Thương rất ít khi ở trong thành, luôn cùng với Phan Chương phụ trách việc điều tra buôn muối. Hai người tuy có tên huyện úy nhưng lại không đảm nhiệm công việc của huyện úy. Mặt quân sự của huyện Hải Tây vốn do Đặng Tắc nắm trong tay, nhưng Đặng Tắc lại không có tài năng về quân sự. Nói cách khác, khi Tào Bằng rời khỏi Hải Tây đã cố ý để lại một ghế trống cho vị trí mưu sĩ, chẳng lẽ hắn đang đợi mình sao?

Nghĩ tới đây, niềm vui sướng của Đặng Chi lúc trước thoáng đã bị dập tắt.

Chung quy lại, hắn chỉ còn một cảm giác khiếp sợ và hoảng hốt.

Nếu đúng như vậy, Tào Bằng cũng là một người biết người biết ta…

Ngày hai mươi tám tháng tám năm Kiến An thứ ba, Lã Bố hạ lệnh chinh phạt Hải Tây.

Tống Hiến ngồi trên lưng ngựa, nhìn đại quân rầm rập đang di chuyển về phía quan đạo, gương mặt tươi cười đắc ý. Trong mắt gã, lần chinh phạt Hải Tây này quả thực dễ như trở bàn tay. Đến lúc đoạt được cả trăm vạn hộc lương thảo của Hải Tây rồi, Lã Bố nhất định sẽ càng thêm coi trọng gã hơn.

Còn có…

Tên tiểu tặc Tào Bằng kia năm ngoái khi ở trên phố chợ ở Hạ Bì đã chém chết con chiến mã của Tống Hiến nữa.

Chuyện này khiến suốt một năm vừa qua Tống Hiến gần như không thể ngẩng đầu lên nổi. Ngay cả bằng hữu tốt nhất của gã là Ngụy Diên và Hầu Thành khi gặp gã cũng phải trêu đùa vài câu. Hôm nay, tên tiểu tặc ấy tuy rằng không có ở Hải Tây nhưng huyện lệnh Hải Tây là anh rể của Tào Bằng. Đến lúc đó, lấy được đầu của Đặng Tắc cũng đủ khiến gã nguôi ngoai rồi. Nghĩ đến đây, Tống Hiến chợt hồi hộp, cảm thấy không thể chờ đợi thêm được nữa, bèn hạ lệnh cho binh mã nhanh chóng tiến lên.

Đường xuất binh từ Hạ Tương tới Khúc Dương có thể coi như một con đường bằng phẳng.

Tống Hiến lệnh cho điệt nhi là Tống Quảng, cũng là quân tiên phong đến Hu Thai dẫn một nghìn binh mã mở đường.

Bản thân gã tự dẫn theo năm nghìn đại quân tiến vào ngay sau đó. Sau hai ngày xuất phát đến được Khúc Dương, gã cho quân nghỉ ngơi và hồi phục sức lực ở đó một ngày, rồi tiếp tục xuất phát tiến về Hải Tây.

Từ Khúc Dương tới Hải Tây mất chừng một ngày đường.

Ngày mùng một tháng chín, trời càng lúc càng lạnh…

Sau một đêm mưa nhỏ, đường trở nên lầy lội. Tốc độ tiến lên của đại quân chậm đi nhiều, tới chính ngọ mới đi được thêm ba mươi dặm.

Tống Hiến thấy tình hình như thế không khỏi đau đầu.

-Truyền cho tướng lĩnh và đại quân của ta phải tăng tốc lên.

-Tướng quân, đường như thế này sao có thể đi nhanh được? Hơn nữa, Hải Tây có cả trăm vạn hộc lương thảo, trong một ngày đêm bọn họ cũng không thể giấu sạch đi được. Chẳng bằng chúng ta từ từ tiến lên, Hải Tây cũng chẳng chạy thoát được.

Người tùy tùng ra sức can ngăn, muốn Tống Hiến giảm tốc độ hành quân lại.

Thế nhưng Tống Hiến nghe được lại nổi giận:

-Ngươi không biết câu "Binh quý thần tốc" sao?

Ta tới sớm một ngày, Hải Tây bớt đi một ngày chuẩn bị. Quân Hầu giao binh mã cho ta không phải để ta hao binh tổn tướng ở một nơi nhỏ bé, chật hẹp như Hải Tây này.

Về mặt lý thuyết thì Tống Hiến nói không hề sai.

Binh quý thần tốc. Bọn họ đến sớm một ngày, Hải Tây càng có ít thời gian để kháng cự.

-Thế nhưng…

-Không cần phải nói nhiều. Nói cho các huynh đệ, công phá được Hải Tây, bọn họ được mặc sức bắt người, cướp của ba ngày. Huyện Hải Tây dù sao vẫn được cho là nơi rất giàu có và đông đúc.

Hạ Bì cách huyện Hải Tây không xa, đều nằm ở Hoài Bắc.

Những thay đổi của Hải Tây trong một năm vừa qua, người Hạ Bì sao có thể không biết được?

Chưa kể đến trăm vạn hộc lương thảo, chỉ nói đến con đường buôn muối kia đã đủ thu hút vô số thương nhân ùa về rồi. Sự giàu có và phồn vinh của Hải Tây chưa chắc đã thua Hạ Bì hiện tại. Được lời hứa hẹn của Tống Hiến cho bắt người, cướp của ba ngày, sáu nghìn đại quân tức thì như đám gà chọi sôi máu huyết, cả đường hò reo đòi đánh hải Tây. Khi bầu trời tối sầm xuống, đại quân đã rời xa Khúc Dương, cách Du Thủy cùng lắm ba mươi dặm mà thôi…

Qua Du Thủy là đến đất Hải Tây!

Du Thủy cùng với Cù Sơn ở Đông Hải chạy dọc theo hướng nam bắc, vắt qua ba huyện Cù Huyền, Y Lô, Hải Tây tiến thẳng đến Hoài Thủy.

Hải Tây nằm ở đúng vị trí hạ du của Du Thủy, vì vậy nơi này tạo thành tấm chắn tự nhiên cho phía tây huyện Hải Tây. Nhưng Du Thủy không rộng lắm, nước sông cũng không chảy xiết. Phù sa bồi đắp, khiến lòng sông hơi cao, nhưng sông lại không sâu. Đi bộ qua sông cùng lắm nước cũng chỉ ngập đến cổ. Nơi nông nhất cũng chỉ đến ngang người. Trước đây, còn có vài ba cây cầu gỗ bắc qua sông nhưng khi Tống Hiến đến, cầu đã bị phá hủy.