Giá trị nguyên tắc
“Tôi được lợi gì – TĐLG?” trong tình yêu
“Ai cũng có giá trị thị trường cả, em yêu ạ!”
Trong một cuộc tranh cãi nảy lửa, anh chàng – người yêu cũ của tôi – cáu bẳn nói với tôi rằng: “Ai cũng có giá trị thị trường cả, em yêu ạ!”.
Tôi thấy kinh sợ. Thật là thô bỉ! Sao anh ta dám xem tôi như một món hàng vậy? (Đặc biệt là người mà anh ta đã từng nói lời yêu). Thật là một suy nghĩ kinh tởm.
Với tôi, tình yêu rất đẹp. Tình yêu thuần khiết lắm. Đó là ngọn nguồn cảm giác dễ chịu nhất của con người, không điều gì có thể thay thế được.
Với tôi, yêu là chia sẻ, tin tưởng, là gạt bỏ hoàn toàn cái tôi. Những câu thơ của nhà thơ Robert Burns1 đã tác động mạnh mẽ tới trái tim tôi từ khi tôi còn nhỏ: “Tình yêu/ Ôi bài thơ trữ tình/ Vừa đẹp như thiên thần/ Vừa mong manh như cánh chim/ Vừa diệu kỳ vừa khao khát dại điên”.
Vì thế, khi nghe anh ta so sánh người anh ta yêu thương với dạ dày lợn hay hạt đậu tương trên thị trường hàng hóa, tôi thấy thật quá sức chịu đựng. Tôi bừng bừng lao ra khỏi phòng.
1 Robert Burns (1759 – 1796): Nhà thơ Scotland, được mệnh danh là đại thi hào dân tộc.
Vậy là kết thúc một mối quan hệ.
Bây giờ, nhiều năm sau đó (già dặn hơn và chín chắn hơn, như một số người vẫn nói), tôi tự hỏi: “Anh ta có đúng không?” Hiển nhiên là tôi không hỏi về thái độ của anh ta rồi. Nhưng còn điều anh ta nói thì sao?
Chẳng ai ngạc nhiên khi nghe câu: “Ai cũng muốn đạt được thỏa thuận tốt nhất có thể trong cuộc đời”. Cũng chẳng có ai sốc khi biết về quy luật cung cầu trong kinh doanh. Người ta thậm chí còn chẳng nao núng khi các bậc thầy kinh doanh rao giảng rằng trong mọi thương vụ của con người, câu hỏi được quan tâm nhất là Tôi được lợi gì (TĐLG)?
Vậy tại sao chúng ta lại đứng khựng lại khi các nhà nghiên cứu nói cho chúng ta biết những quy luật tự nhiên giống như vậy được áp dụng cho tình yêu?
Gần đây, cộng đồng khoa học – không bằng lòng với những học thuyết về tình yêu của Sigmund Freud (thăng hoa tình dục) hay Theodore Reik (lấp đầy chỗ trống của bản thân) – đã đặt ra mục tiêu tìm hiểu tình yêu đích thực.
Tiến hành nhiều cuộc khảo sát và thực hiện nhiều thí nghiệm, họ đã bóc tách được tầng sâu hơn trong tâm lý con người. Họ có khám phá ra sự thật đáng sợ nào không? Họ có phải đối mặt với “con quái thú” nào không? Một số người nói: “Có”. Số khác lại bật cười và nói: “Tất nhiên là không”.
Dù bạn coi những phát hiện của họ là Người tuyết hay Thiên sứ thì nó cũng chỉ đơn giản như thế này: Các nghiên cứu quả thực đã hỗ trợ cho lập luận mọi thứ và mọi người đều có một giá trị có thể định lượng được trong thị trường mở. Và ai cũng muốn có được thỏa thuận tốt nhất có thể… trong cả tình yêu lẫn cuộc sống.
Các nhà nghiên cứu đã đặt tên cho những phát hiện của họ là học thuyết tình yêu “Giá trị” (hay “Trao đổi”). Nó được xem như “Nguyên tắc đổi ngựa” ngày xưa.
Tại sao có được tình yêu lại giống như đổi ngựa?
Học thuyết tình yêu giá trị dựa trên những nguyên tắc trao đổi hợp lý trong kinh doanh và giá trị thị trường mở. Mọi thứ đều có giá trị. Mọi thứ đều có giá.
Giống như sản phẩm, giá trị của một người có thể mang tính chủ quan. Nhưng nhìn chung, cả thế giới đều nhất trí cái gì là hàng tốt và cái gì là hàng xấu.
Trong giới buôn ngựa, có những con ngựa “quán quân vô địch”, có những con ngựa “thải” (dành cho nhà máy keo). Tại một cuộc đấu giá ngựa, người mua thường tìm kiếm những đặc tính mà họ vẫn miêu tả là “chạy nhanh”, “tốt tính”, “không có tật xấu” và thậm chí là cả “đẹp mã” nữa. (Con người có khác gì không nhỉ?)
Tất cả những đặc điểm này của ngựa đều có ảnh hưởng tới giá. Và nếu bạn đang trao đổi một con ngựa được chứng nhận lấy một con ngựa không có giấy chứng nhận nòi (ngựa), thì tốt nhất là con ngựa đó phải có một vài đặc điểm “vượt trội” để cuộc trao đổi trở nên công bằng.
Và trong tình yêu, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng bạn càng đem nhiều phẩm chất vào bàn thương lượng, thì bạn càng đạt được tình yêu dễ dàng. Bạn càng thể hiện nhiều giá trị bản thân, bạn càng dễ có cơ hội tán đổ mọi đối tượng. Các nhà học thuyết giá trị cho chúng ta biết:
Càng công bằng, vô tư trong một mối quan hệ tình cảm, thì mối quan hệ tình cảm đó càng dễ tiến triển thành một cuộc hôn nhân.
Loại tiền nào có thể “mua” được một người bạn đời tốt?
Những người khởi xướng Nguyên tắc Giá trị đã liệt kê ra 6 nhân tố là tài sản trên “thị trường mở” khi những người yêu nhau đi “mua” chồng hoặc vợ.
1) Ngoại hình
2) Tài sản hoặc tiền của
3) Địa vị hoặc uy tín
4) Tri thức
5) Kỹ năng giao tiếp
6) Bản chất
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trong những mối quan hệ hạnh phúc nhất, những người yêu nhau thường hơn hoặc kém nhau trong mỗi một nhân tố nêu trên. Hoặc nếu không, các phẩm chất của họ cũng tương xứng với nhau trên mọi lĩnh vực. Nhưng thường thường, những người yêu nhau, quấn lấy nhau tương đối “đồng đều” trong cùng một nhân tố.
Chúng ta hãy cùng lấy nhân tố thứ nhất – ngoại hình – làm dẫn chứng. Các nghiên cứu ở khắp mọi nơi trên thế giới (Mỹ, Canada, Đức, Nhật Bản) đều chỉ ra rằng đàn ông và phụ nữ thường tiến tới hôn nhân với những người cũng cuốn hút, hấp dẫn như chính bản thân họ.
Một nhóm các nhà tâm lý học đã quan sát các cặp đôi trẻ tại các sự kiện xã hội và đã đánh giá ngoại hình của họ theo thang điểm từ 1-10 – thang điểm được dùng để đánh giá huyền thoại Bo Derek1. Họ đã phát hiện ra rằng 60% các cặp đôi chỉ chênh nhau 1 điểm về ngoại hình, và 85% chênh nhau nhiều nhất 2 điểm.
1 Bo Derek (1956 – ): Nữ diễn viên người Mỹ, nổi tiếng với vai diễn trong phim 10 sản xuất năm 1979.
Tôi đã quyết định tự kiểm tra những phát hiện của họ.
Trong vài tuần, dù đi đâu – xem phim, mua sắm, dự tiệc, đi ăn ở nhà hàng – tôi đều quan sát các cặp vợ chồng, các cặp trai, gái yêu nhau. Trên thang điểm từ 1 đến 10, tôi đã đánh giá ngoại hình của họ. Và không bao giờ ngoại hình của họ chênh nhau quá 2 điểm! Không tin bạn cứ thử đi!
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu một cặp đôi không bằng điểm nhau ở cùng một đặc điểm, thì “tài sản” của họ thường chênh lệch nhau. Đơn cử, khi xuống phố, bạn có thường thấy cảnh một người phụ nữ xinh đẹp lộng lẫy khoác tay một ông già xấu xí hay không? Suy nghĩ đầu tiên của bạn khi nhìn thấy cảnh tượng đó là gì? Thôi nào, thừa nhận đi, chắc hẳn bạn sẽ lẩm bẩm: “Ông ta phải giàu lắm đây!” Hoặc nhìn thấy một anh chàng vô cùng đẹp trai tay trong tay với một người phụ nữ rất, rất bình thường, chắc chắn bạn sẽ nghĩ: “Cô ta hẳn phải rất tốt tính”.
Đó chính là cách vận hành của Nguyên tắc Đổi ngựa hay Công bằng. Đó là điều không thể chối cãi được. Ngoại hình đẹp, nhiều tiền, địa vị xã hội tốt là yếu tố quyết định trong việc tìm kiếm tình yêu.
Vào những năm 1930, một số nhà giáo dục Oakland California đã quan sát các học sinh nữ khối lớp 5 và lớp 6 nô đùa trên sân chơi. Họ đã xếp loại các cô bé dựa theo ngoại hình của chúng.
Khoảng 20 năm sau, một nhà xã hội học đã sử dụng các kết quả của nghiên cứu cũ và tìm lại những cô gái này, xác định xem họ đã lập gia đình với người như thế nào. Nhà nghiên cứu này đã phát hiện ra là cô nào xinh hơn, cô đó kiếm được người chồng “tốt hơn”. Những cô xinh đẹp hơn, hấp dẫn hơn thường lấy được người chồng giàu có hơn, quyền lực hơn. Còn những cô kém xinh, kém hấp dẫn hơn không “làm tốt được như vậy”.
Điều này có đồng nghĩa với việc diện mạo của chúng ta là vận may của chúng ta hay không?
Với những thay đổi nho nhỏ, chúng ta sẽ phải sống cả đời với một anh chàng. Nhưng, thật may mắn, đó không phải là loại “tiền tệ” duy nhất chúng ta có thể dùng để “mua” được tình yêu. Tính cách dễ chịu, kỹ năng giao tiếp xã hội lịch sự, nhã nhặn và tri thức mà người bạn đời có thể được hưởng cũng thêm điểm, tăng giá trị cho bạn.
Thông qua cuốn sách này, bạn sẽ tìm thấy những thủ thuật để tán dương những phẩm chất khiến Con mồi/Đối tượng của bạn yêu bạn. Đối với những đặc điểm bạn không thể thay đổi được (như ngoại hình, tiền của và uy tín của bạn), tôi sẽ cung cấp cho bạn những thủ thuật để tăng mối cảm nhận, suy nghĩ của đối phương về những đặc điểm đó của bạn.
Tuy nhiên, trước khi khám phá những phương pháp để “thao túng” suy nghĩ của người kia, chúng ta hãy cùng kiểm tra xem bạn muốn người bạn đời của bạn xinh đẹp/ đẹp trai, giàu có hay quyền năng như thế nào nếu mục tiêu của bạn là tìm kiếm hạnh phúc trong tình yêu.
Có một sự thật đáng ngạc nhiên – nhưng lại được tất cả các nghiên cứu xác nhận, đó là: Cơ hội tìm thấy và duy trì được tình yêu đích thực của bạn sẽ cao hơn nhiều nếu bạn không lấy một người cực-kỳ lộng lẫy, vô cùng giàu có, hay một cô công chúa hoặc một vị hoàng tử.
Tại sao? Vì lợi ích cân bằng đem lại hạnh phúc cho những người liên quan. Đặc biệt là về lâu về dài. Người ta thường hạnh phúc hơn khi môn đăng hộ đối. Vì vậy, chúng ta hãy cùng bóc tách vài lớp của Nguyên tắc Công bằng và kiểm tra xem chúng ta muốn vận dụng nó (nguyên tắc này) như thế nào.
Và khi đó, nếu bạn vẫn muốn, tôi sẽ chỉ cho bạn cách thực hiện nguyên tắc.
Tôi có thể sử dụng nguyên tắc công bằng để tìm tình yêu như thế nào?
Bạn có đoán được không? Bạn thực sự không muốn cưới một chàng hoàng tử đẹp trai hoặc một cô công chúa xinh đẹp đâu!
Thực tế, tất cả các cô gái thế hệ tôi tối nào cũng trùm chăn mơ về chàng hoàng tử đẹp trai một ngày nào đó sẽ cưỡi bạch mã xuất hiện. Tất nhiên, chàng hoàng tử đó sẽ yêu chúng tôi say đắm, che chở chúng tôi, và cùng chúng tôi sống hạnh phúc mãi mãi.
Không nhất thiết cứ phải là chàng hoàng tử đẹp trai. Đó có thể là một chàng hoàng tử giàu có, một chàng hoàng tử vô cùng tốt bụng, tử tế, hoặc một chàng hoàng tử mạnh mẽ và nhạy cảm. Thậm chí, chúng tôi còn mơ về một nhà thơ, một nghệ sĩ hoặc một diễn viên nổi tiếng.
Khi lớn hơn, giấc mơ của chúng tôi vẫn không thay đổi. Chỉ là chúng tôi đã mở rộng khái niệm “hoàng tử”. Vị hoàng tử đó có thể là một bác sĩ đáng kính, một CEO tài năng, một tài phiệt ở thung lũng Silicon hay một thống đốc bang. Nhưng dù có làm gì, người đó vẫn là hoàng tử.
Hỡi các cô gái, có lẽ bây giờ các cô vẫn tin “một ngày nào đó, chàng hoàng tử của mình sẽ xuất hiện”. Các cô có đoán được không? Chàng hoàng tử có thể xuất hiện. Nhưng khi thấy các kết quả nghiên cứu về tình yêu, các cô sẽ nhận ra là các cô không muốn anh ta xuất hiện! Nếu hạnh phúc là điều bạn tìm kiếm, bạn – các quý cô – sẽ không muốn lấy một chàng hoàng tử đẹp trai. Còn cánh mày râu sẽ không muốn lấy một cô công chúa xinh đẹp.
Đùa sao? Không hẳn vậy. Trừ khi bạn sinh ra trong hoàng tộc – trừ khi bạn cũng xinh đẹp, cũng giàu có, cũng tài năng như vậy – nếu không cuộc sống với vị hoàng tử hoặc cô công chúa sẽ không công bằng. Và như vậy bạn có thể gặp bất hạnh.
“Không đúng”, bạn có thể phản đối: “Nếu tôi lấy được một người đẹp hơn, giàu có hơn và hoàn hảo hơn tôi, thì chỉ có thể nói là “tốt hơn” thôi. Nếu tôi lấy được một người “tốt hơn” tôi thì tôi sẽ rất sung sướng.”
Các nghiên cứu đã chỉ ra đúng như vậy, nhưng cảm giác đó sẽ không kéo dài. Học thuyết công bằng đã chứng minh rằng bạn sẽ nhanh chóng thấy bất hạnh. Người bạn đời của bạn càng “trên cơ” bạn bao nhiêu, thì cả hai bạn sẽ nhanh chóng cảm thấy khốn khổ bấy nhiêu. Nguyên tắc này đã chỉ ra là khi có sự mất cân bằng trong một mối quan hệ, cả hai bên sẽ cảm nhận được và cố gắng khôi phục trạng thái cân bằng. Hay nói cách khác là cố gắng “san bằng điểm số”.
Tại sao tôi lại không muốn kết hôn với một người “hơn” mình?
Có thể dễ dàng hiểu được tại sao trong một mối quan hệ không cân bằng, người “trên cơ” sẽ cảm thấy không hài lòng. Sau khi tình giảm nồng, anh ta hoặc cô ta sẽ nhìn lại và xác định họ xứng đáng với một đối tượng tốt hơn nhiều.
Thế còn người “kém cơ” thì sao? Anh ta hoặc cô ta có cảm thấy may mắn khi “tóm” được một người bạn đời tuyệt vời như vậy không?
Theo lý thì có. Nhưng trên thực tế, họ lại vướng vào cảm giác lo lắng, bất an, luôn sợ rằng họ không đủ tiêu chuẩn. Điều này hoàn toàn đúng, không chỉ trong hôn nhân. Các nhà nghiên cứu đã phỏng vấn 500 cặp đôi đang hẹn hò tại trường Đại học Wisconsin để xác định xem nửa kia của họ mang “tài sản” nhiều hơn, ít hơn hay bằng vào trong quan hệ của họ. Họ đã phát hiện ra là “tài sản” mà một nửa của họ đặt vào mối quan hệ càng công bằng bao nhiêu, họ càng thấy hạnh phúc hơn bấy nhiêu. Nếu một trong hai người giàu có hơn, hoặc hấp dẫn hơn, thì sẽ có sự mất cân bằng. Và sự bất mãn sẽ nhanh chóng xuất hiện.
Sau đó, nhiều việc không hay sẽ âm thầm xảy ra, và “con quái vật” mất cân bằng sẽ bắt đầu gặm nhấm tình yêu của họ. Trong cuộc hôn nhân không cân bằng, các bên sẽ bắt đầu lợi dụng mối quan hệ để “cân bằng điểm số”. Người “trên cơ” có thể bắt đầu đưa ra những yêu cầu tinh vi, tế nhị, chẳng hạn như tự cho mình quyền giao tiếp, đối thoại bất cứ khi nào anh ta/cô ta thích. Hoặc lặng thinh bất cứ khi nào tâm trạng không tốt.
Người vợ “trên cơ” có thể lười thể hiện yêu thương, trìu mến với chồng, hoặc cấm vận quan hệ tình dục. Nếu cô ta đang cho đi nhiều hơn chồng, tiềm thức của cô ta sẽ tính toán: “Tại sao mình phải nỗ lực để anh ta được thoải mái?” Người chồng “hơn cơ” thậm chí còn có thể cảm thấy hợp lý khi bắt đầu những mối quan hệ ngoài luồng. Anh ta có thể tự trấn an mình là: “Mình xứng đáng được nhiều hơn”.
Người “lép vế” trong một mối quan hệ thường phải cam chịu một cuộc sống bấp bênh, bất an về tình yêu. Hoặc phải “nhẫn nhịn”, “nuốt cục tức vào trong” bất cứ khi nào người bạn đời quyết định lợi dụng mối quan hệ đó.
Niềm hạnh phúc vì “vớ” được một người bạn đời tuyệt vời như vậy nhanh chóng trở thành nỗi ám ảnh thực tế hàng ngày luôn phải gồng mình nên để phù hợp, xứng đáng với người kia. Thật chẳng thú vị gì khi không còn là mình, và cả đời cứ luôn phải cố gắng hơn nữa.
Nếu bạn chỉ là một cô gái bình thường, bạn kết hôn với một chàng hoàng tử đẹp trai giàu có, anh ta có thể hành hạ bạn về tinh thần (hoặc thể xác). Hoặc bạn có thể phát rồ vì phải nỗ lực cải thiện bản thân. Nếu bạn không đủ tiêu chuẩn, bạn sẽ bị đè bẹp. Bạn có thể sẽ tìm đến rượu, thuốc phiện hoặc có thể rơi vào trầm cảm.
Công nương Diana và Thái tử Charles1 chắc chắn đã làm tốt phần việc của mình để phá bỏ quan niệm sai lầm về niềm vui khi kết hôn với một hoàng tử. Ở Hollywood, nơi mà giá trị thị trường thay đổi hàng ngày như chỉ số NASDAQ, chuyện ly hôn cũng phổ biến như chuyện kết hôn.
1 Diana đã trở nên nổi tiếng khi bà kết hôn với Hoàng thân Charles. Cuộc sống của bà đã trở thành đề tài chú ý của công chúng do địa vị hoàng gia của bà. Sau nhiều năm dư luận bàn tán về các vấn đề trong cuộc hôn nhân của họ, Hoàng thân Charles và Diana đã ly hôn.
Giả sử bạn là một nàng công chúa Mỹ kiều diễm, giàu có, bạn đem lòng yêu người thợ sửa ống nước đẹp trai, tinh tế đã đến sửa đường ống cho chiếc du thuyền của cha bạn. Vì bạn tin vào tình yêu đích thực, nên bạn đã kết hôn với anh ta.
Lúc này, hiển nhiên bạn là người nắm quyền kiểm soát trong mối quan hệ đó, kiểu như (bạn là người quyết định) đi nghỉ ở đâu hoặc mua xe gì. Ban đầu, cả hai bạn đều cho rằng như thế là hợp lý, vì suy cho cùng, đều là dùng tiền của bố (bạn) để trả cho các khoản đó.
Nhưng anh chàng thợ sửa ống nước tinh tế, nhạy cảm kia lại có niềm kiêu hãnh. Theo thời gian, cái tôi của anh ta không thể chấp nhận được chuyện đó. Và ngay cả khi anh ta cho rằng anh ta may mắn khi cưới được bạn, thì chuyện cũng sẽ kết thúc bằng một cuộc ly dị còn cay đắng hơn.
Thực sự thì bạn không hề làm gì sai. Anh ta cũng vậy. Anh ta là một người tốt. Bạn chơi công bằng. Chính trạng thái mất cân bằng đã kiểm soát hai bạn. Anh ta sẽ hạnh phúc hơn với một cô phục vụ ở quán cà phê.
Chuyện gì xảy ra nếu tình trạng mất cân bằng xuất hiện sau khi chúng ta đã kết hôn?
Đôi khi, các cặp đôi bắt đầu với trạng thái cân bằng, sự mất cân bằng chỉ xuất hiện sau khi họ kết hôn. Nếu một trong hai người, ngay cả khi bản thân họ chẳng có lỗi gì, đánh mất một vài điểm, thì vấn đề có thể xuất hiện.
Tôi có một người bạn tên là Laura, một phóng viên truyền hình. Cô ấy rất phấn khích khi tìm thấy anh chàng trong mơ của mình. Đó là một chàng trai tử tế và thông minh, lại là ông chủ của một công ty lớn. Họ kết hôn, và Laura vui vẻ bỏ công việc ở New York của cô ấy để chuyển đến California sống cùng chồng.
Khoảng một năm sau, Laura đến New York thăm tôi. Tối nào Bob cũng gọi điện. Cô bạn tôi luôn thể hiện tình yêu và sự tôn trọng chồng qua điện thoại.
Hai năm sau, với một loạt những vụ làm ăn không tốt, Bob đã mất gần như tất cả tiền của.
Laura vẫn đến thăm tôi (khi họ vẫn có khả năng chi trả cho việc đó). Bob vẫn gọi điện. Nhưng đáng buồn là tôi đã nghe thấy trong giọng nói của Laura có điều gì đó khác. Lúc này, cô ấy có vẻ thô lỗ, trịch thượng khi nói chuyện với chồng. Laura bắt đầu than phiền hối tiếc “công việc tuyệt vời” cô ấy đã bỏ khi kết hôn với Bob. Và cô ấy đang tìm kiếm các cơ hội truyền hình ở New York. Cô ấy nói chẳng có vấn đề gì nếu quay trở lại New York. Tôi không dám chắc là năm tới Bob và Laura có còn ở bên nhau nữa không.
Tôi còn có một cô bạn nữa, tên là Sally. Người này tôi gặp khi còn học đại học. Ai cũng thích Sally vì cô ấy đúng là điển hình cho mẫu người chúng ta vẫn gọi là “kiều nữ tóc vàng”. Sally không thông minh tới mức xuất sắc, nhưng cô ấy lại có vẻ đẹp chết người.
Sally kết hôn với một anh chàng cân đối và hoàn hảo, Jim. Sally rất hạnh phúc với cuộc hôn nhân của cô ấy – cho tới gần đây, khi cô ấy tăng cân vùn vụt.
Sally than phiền: “Mình không thể hiểu được, bây giờ Jim đối xử với mình rất khác. Anh ấy không dành thời gian bên mình như trước. Anh ấy thường rất tâm trạng. Anh
ấy không còn làm việc nhà nữa. Cũng ít nói chuyện với mình hơn. Chuyện vợ chồng cũng thưa thớt dần, có vẻ như anh ấy không còn quan tâm tới cảm giác của mình nữa”.
Điều này chẳng khiến những người ủng hộ Nguyên tắc Công bằng thấy ngạc nhiên. Họ có thể nói rằng Jim đang “khôi phục trạng thái cân bằng” một cách vô thức. Các nhà nghiên cứu phân tích sự thay đổi trong mối quan hệ như sau: “Khi Sally và Jim kết hôn, Sally mang vẻ đẹp hình thể vào mối quan hệ của họ, còn Jim mang vào đó bản chất tốt. Đây là những tài sản hữu hình. Vì vậy, nếu vẻ đẹp của cô ấy phai nhạt dần, thì “tài sản” anh ta mang vào cuộc hôn nhân đó cũng vậy”.
Hiển nhiên là Jim không hề đá Sally. Anh ta vẫn yêu vợ. Chỉ là tiềm thức của anh ta đang cân bằng điểm số bằng cách hạ thấp một vài thói quen dễ chịu của anh ta.
Sự mất cân bằng cũng có thể xuất hiện khi một trong hai người “phạm sai lầm”. Nếu một người bị phát hiện có quan hệ ngoài luồng, thì người còn lại có thể rơi vào trạng thái im lặng, đóng băng, và duy trì trạng thái đó cho tới khi người bạn đời phạm sai lầm phải thực hiện những hành động yêu thương đủ bù đắp cho sai lầm đó. Mà việc đó thì có thể phải mất cả năm.
Các nghiên cứu đã viện dẫn các ví dụ kịch tính khi một người được thừa hưởng một khoản tài sản thừa kế kếch xù, bị mất việc hoặc thậm chí bị biến dạng nghiêm trọng trong một vụ tai nạn. Họ đã nói điều đó phá hủy “trạng thái cân bằng” trong quan hệ như thế nào.
Đối tượng trong nghiên cứu đó không phải là những người ích kỷ, vô tâm. Họ thường không nỡ rời bỏ người bạn đời của mình. Chỉ là tiềm thức của họ tìm cách cân bằng lại tỉ số bằng rất nhiều cách nhỏ nhặt như: giảm bớt các biểu hiện yêu thương, làm xấu ngoại hình (của họ), hoặc trở nên miễn cưỡng khi phải hi sinh bản thân họ vì lợi ích của người bạn đời. Người “trên cơ” người còn lại có thể từ chối làm việc nhà; nắm quyền quyết định đi thăm cha mẹ ai vào ngày nghỉ, hoặc đề xuất nghỉ riêng. Những hành động phản ứng nhỏ sẽ dẫn tới bất hạnh lớn trong những mối quan hệ đã trở nên
mất cân bằng.
Hỡi các chàng trai, cô gái đi săn, nếu sau khi nghe tất cả những cảnh báo về việc bạn không muốn kết hôn với người “hơn” mình, bạn vẫn nghĩ: “Có thể tìm một người chỉ hơn bản kê tài sản đó một chút cũng được”, thì hãy đi theo tôi.
Bạn thực sự không thể thay đổi nhan sắc, tài khoản ngân hàng hoặc lai lịch của bạn để phù hợp với “con mồi” bạn muốn săn. Nhưng bạn có thể thay đổi được quan điểm, suy nghĩ của họ về “tài sản” của bạn. Chúng ta hãy bắt đầu với yếu tố khó nhằn nhất, yếu tố đầu tiên trong danh sách “tài sản” liệt kê ở trên: ngoại hình.
Ngoại hình quan trọng như thế nào?
Ngoại hình quan trọng như thế nào? Để tôi nói thế này cho đơn giản. Sau khi tiến hành nghiên cứu ban đầu cho chương này, chỉ còn lại một lựa chọn khó khăn giữa phẫu thuật thẩm mỹ hoặc tự tử. Trước tiên, hãy nói thẳng vào tin xấu đối với chúng ta
– cả nam và nữ, những người không đạt điểm 10 trong thang điểm ngoại hình – đó là: ngoại hình quan trọng!
Có nhớ hồi học cấp ba, khi bạn hỏi về cô nàng/anh chàng lần đầu gặp mặt, bạn của bạn đã nói: “Ồ, trông cô ấy rất được”, hoặc: “Đó là một anh chàng thực sự đẹp trai”. Hi vọng tiêu tan, đúng không?
Đúng như vậy, vẻ ngoài rất quan trọng trong cuộc gặp mặt đầu tiên. Đặc biệt là với đàn ông. Và chúng ta có thể thao túng được suy nghĩ, cảm nhận (về ngoại hình) đó. Chúa phân biệt chúng ta bằng vẻ ngoài, chúng ta có thể bù đắp bằng những thủ thuật thông minh. Các thủ thuật này (ngôn ngữ cơ thể, hình ảnh cá nhân, kỹ năng giao tiếp của bạn) có tác động lớn tới ấn tượng đầu tiên của con mồi đối với bạn hơn là việc trang điểm. Chúng ta coi thế nào là “ưa nhìn”?
Tất nhiên, điều đó khác nhau giữa các nền văn hóa. Ở đất nước chúng ta, gầy là “ưa nhìn” (điều này không đúng với những người phụ nữ Sirono ở Bolivia, những người luôn nhồi nhét để cơ thể béo tròn, đẫy đà, vừa vòng tay ôm của người đàn ông).
Đàn ông Mỹ thích hôn nhẹ lên đôi môi cong cong hình chiếc cung của thần tình yêu.
(Không như môi phụ nữ Ubangis, bè bè như chiếc bánh kếp hình đĩa).
Những tiêu chuẩn khác nhau về cái đẹp phổ biến ở khắp nơi trên thế giới, nhưng có một điều không hề thay đổi. Tạo hóa đóng vai trò cho chúng ta biết ai nóng bỏng, hấp dẫn và ai không. Ngay cả trong nước Mỹ hiện đại ngày nay, phụ nữ cũng vẫn thích người đàn ông với những đường nét rắn rỏi, khỏe mạnh, tốt bụng, chu đáo. Đàn ông thích phụ nữ có vẻ lôi cuốn, hấp dẫn, và có thể sinh được những đứa con khỏe mạnh.
Chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem các nghiên cứu cho chúng ta biết chính xác điều gì đang thịnh hành.
Kiểu ngoại hình nào phụ nữ thích?
Một nhóm các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra điều phụ nữ thích nhất trên gương mặt người đàn ông, đó là:
Phụ nữ bị hấp dẫn bởi những người đàn ông biết chăm sóc người khác, chín chắn, gần gũi, chan hòa, có địa vị xã hội.
Những người đàn ông có sự kết hợp tối ưu của đặc tính ngây thơ trẻ con với đôi mắt to tròn, đặc tính trưởng thành của người đàn ông với bộ ngực vạm vỡ, cằm rộng, đặc tính truyền cảm với nụ cười tươi và trang phục chỉn chu được xem là hấp dẫn hơn những người đàn ông khác.
Kiểu cơ thể nào phụ nữ thích? Phụ nữ thường thích người đàn ông có khổ người trung bình, phần trên (từ eo lên) vạm vỡ hơn phần dưới. Các nghiên cứu cho chúng ta thấy, họ thích kiểu người “hình chữ V” hơn kiểu người “hình quả lê”.
Tuy nhiên, “khẩu vị” phụ thuộc vào kiểu phụ nữ đánh giá vóc dáng người đàn ông. Phụ nữ ở tầng lớp kinh tế – xã hội thấp hơn, như những người phụ nữ quét dọn lương thấp, thích những người “đàn ông cơ bắp” hơn. Ngược lại, những người phụ nữ có nghề nghiệp đàng hoàng, được trả lương cao, như bác sĩ tâm lý hoặc bác sĩ tâm thần,
lại thấy kiểu người lực lưỡng, vạm vỡ không vừa mắt. Họ thường thích kiểu người thư sinh, thanh mảnh và tinh tế.
Thế còn chiều cao thì sao? Mọi người cho rằng càng cao càng tốt vì văn hóa của chúng ta coi trọng chiều cao. Quả thực, mỗi đời tổng thống được bầu chọn ở Mỹ kể từ thế kỷ 20 đều là người cao hơn trong số hai ứng viên. Và tờ Thời báo phố Wall đã đưa tin là những sinh viên tốt nghiệp đại học cao hơn (khoảng 1m85 hoặc hơn) có mức lương khởi điểm cao hơn 12,4% so với những sinh viên cao chưa tới 1m80.
Nhưng trong vấn đề quan hệ, rõ ràng cao hơn không phải là tốt hơn. Phụ nữ – thấp, trung bình hay cao – đều đánh giá đàn ông như nhau về mọi đặc tính, chỉ trừ chiều cao. Chiều cao trung bình thắng.
Thưa các chàng trai, khi nói về kích cỡ (vâng, kích cỡ của cái đó), nguồn duy nhất tôi có thể dẫn chứng là bài báo có tên là “To có thực sự tốt hơn?” mới được đăng trên một tạp chí phụ nữ gần đây. Bài báo nói kiểu lập lờ nước đôi (phòng trường hợp các ông chồng cầm tờ báo lên và thấy bị xúc phạm). Tuy nhiên, bức ảnh đi kèm bài báo lại đặt ra một câu hỏi mở. Đó là ảnh hai người phụ nữ hấp dẫn, nằm lăn trên sàn, khi một trong những người bạn của họ giơ ngón út thẳng lên.
Kiểu ngoại hình nào đàn ông thích?
Khi trả lời câu hỏi của những nhà nghiên cứu về ngoại hình của phụ nữ, đàn ông thường tỏ ra lúng túng. (Câu trả lời phổ biến là “Ừ, thì… đại để là – mm mm – ừ thì, ưa nhìn”). Tuy nhiên, một nhóm các nhà khoa học kiên tâm đã nỗ lực tìm hiểu và tập trung vào điều mà một người đàn ông bình thường xem là hấp dẫn.
Đúng, điều đó chính là gầy. Đặc biệt là đối với phụ nữ. Trong một phân tích về những mẩu quảng cáo kết bạn của những anh chàng độc thân, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra là trong số 28 đặc điểm mà đàn ông khao khát, mong muốn ở phụ nữ thì “gầy” đứng đầu danh sách.
Lại một lần nữa, điều này khác, tùy thuộc vào tầng lớp và tính cách của người đàn
ông. Những người đàn ông ở tầng lớp thấp hơn và hướng ngoại hơn thường chọn mẫu người phụ nữ ngực to, hông lớn. Những người tầng lớp cao hơn và hướng nội thường có xu hướng chọn những người phụ nữ khung hình nhỏ hơn.
Sau đó, họ cho một nhóm những người đàn ông ở các tầng lớp khác nhau xem ảnh ngực trần của những cô nàng ngực bự trong những tư thế khêu gợi, và một số bức hình của những người phụ nữ hấp dẫn ăn mặc kín đáo hơn. Khi hỏi họ muốn “vui vẻ” cùng ai thì câu trả lời đúng như dự đoán của các nhà nghiên cứu. Nhưng khi hỏi họ muốn chọn ai làm vợ, thì người đàn ông tầng lớp “trên” và “dưới” đều chọn người phụ nữ ăn mặc kín đáo hơn. Và nhiều người đàn ông ở tầng lớp thượng lưu còn thích “vui vẻ” với người phụ nữ ăn mặc kín đáo hơn.
Đáng tiếc là các nghiên cứu không chỉ ra những đặc điểm cụ thể của khuôn mặt mà đàn ông thích. Có lẽ cũng như mọi khía cạnh khác trong cuộc sống của họ, đàn ông thường không mấy quan tâm tới tiểu tiết.
Đã từng có thời văn hóa của chúng ta bị ám ảnh bởi tính đối xứng, sự môn đăng hộ đối. Giờ không còn nữa rồi.
Và theo thời gian, đàn ông muốn phụ nữ da sáng hơn màu da của họ. Phụ nữ thì ngược lại. Những người đàn ông ngăm ngăm đen thường đứng đầu bảng trong chọn lựa của họ.
Tuy nhiên, khi chúng ta thay đổi, thì tiêu chuẩn cũ về vẻ đẹp (gương mặt thiên thần, đôi mắt tròn đen, mái tóc dài mượt) cũng nhanh chóng thay đổi. Một số người đẹp hàng đầu hiện nay rất khác so với vẻ đẹp khuôn mẫu đó. Bây giờ, quan trọng là ngoại hình.
Điều khái quát duy nhất chúng ta có thể rút ra về ngoại hình là cả hai phái đều thích người có nước da sáng, cơ thể thon gọn, mái tóc bóng mượt, hàm răng trắng đều và cặp mắt sáng (nói cách khác là “khỏe mạnh”).
Làm thế nào tôi có thể khiến con mồi nghĩ tôi trông xinh hơn?
Đẹp không phải là đặc tính khách quan. Đẹp cũng tùy mắt nhìn.
Đẹp là một quan điểm, một cách đánh giá. Gạt kiểu tóc, quần áo và trang điểm sang một bên (để những điều này cho những cuốn sách khác), đây là cách bạn có thể thao túng suy nghĩ của con mồi bạn đang săn đuổi về ngoại hình của bạn.
Khi tôi đang nghiên cứu về ngoại hình, một người bạn đã gửi cho tôi một cuộn băng ghi hình chương trình “20-20” được thực hiện cách đây khá lâu về sự hấp dẫn, cuốn hút sinh lý. Trong một cảnh quay, có một cô gái tóc vàng vô cùng xinh đẹp (diễn viên do đài ABC thuê) đứng ở bên đường quốc lộ, cạnh chiếc xe chết máy của cô ta.
Trong phân cảnh tiếp theo, một diễn viên khác cũng đứng bên đường quốc lộ. Vẫn là bộ quần áo đó. Vẫn là chiếc xe chết máy đó. Nhưng người phụ nữ này kém hấp dẫn hơn, hoặc ít nhất cũng là theo đánh giá của nhà sản xuất.
Có xe nào tiến tới hỏi cô có cần giúp đỡ không? Có người đàn ông nào mạo hiểm băng qua bốn làn đường để giúp đỡ cô ấy không? Các xe cứ phóng vèo vèo qua. Cũng có một hai xe đi chậm lại, nhưng khi anh chàng tài xế nhìn thoáng qua cô, họ đều tăng tốc bỏ đi. Có một chiếc xe dừng lại, nhưng là để người lái xe chỉ cho cô ấy nơi có thể mua được xăng.
Sau đó, người dẫn chương trình đã phỏng vấn cả hai diễn viên, hai cô ngồi cạnh nhau. Tôi nhấn nút tạm dừng để nhìn kỹ hơn hai người phụ nữ này. Tôi nhìn kỹ cô này, rồi cô kia, rồi lại quay về nhìn cô lúc đầu. Tôi nghĩ: “Ngoại hình họ chẳng khác nhau là mấy!” Nhưng vì cũng là phụ nữ, nên tôi nghĩ có thể tôi không đánh giá được.
Tôi quyết định hỏi ý kiến một người đàn ông. Tôi đã cho một anh bạn xem khung hình đứng yên của hai cô. Anh bạn tôi cũng đồng ý: “Chẳng khác nhau là mấy”.
Thế là sao nhỉ? Chúng ta hãy cùng xem lại cuộn băng. Sau đó, tôi đã bật lại toàn bộ cảnh quay cho bạn tôi xem. “Ồ, chắc chắn rồi”, anh bạn tôi thốt lên. Lúc này anh ta đã có thể thấy. “Đúng, đúng là cô diễn viên đầu xinh hơn hẳn”.
Phải đến lần xem thứ ba tôi mới khám phá ra được bí mật. Cô diễn viên thứ nhất mỉm cười nhìn các xe đi qua. Cô ấy nghiêng đầu, đẩy vai về phía sau, ưỡn ngực về phía trước. Trông cô ấy vui vẻ, đáng yêu, tự tin – do đó, cô ấy đẹp.
Cô thứ hai chỉ dựa người vào xe, vẻ mặt thì chán nản. Cô ấy không dùng mắt giao tiếp với các xe đi qua. Cô ấy trông đáng thương, hai tay lại khoanh trước ngực (vậy là giấu mất hai thứ tài sản rất giá trị của cô ấy). Trông cô ấy buồn bã, cáu kỉnh, tự ti – do đó, cô ấy xấu. Phụ nữ đẹp hành động khác với các chị em bình thường.
Điều này đưa chúng ta đến một thủ thuật thay đổi quan điểm, suy nghĩ của con mồi bạn đi săn về ngoại hình của bạn: Hãy xây dựng cho mình loại ngôn ngữ cơ thể “đẹp” và tự tin. Bạn thực sự sẽ đẹp hơn nếu bạn di chuyển với sự duyên dáng và nhiệt tình. Đẹp là bước đi đẹp.