Lúc này trời đã vào đêm. Tả Đăng Phong và Thập Tam lao về hướng bắc. Thành cổ thứ tư nằm ở hướng chính bắc. Tám cửa của kỳ môn độn giáp tuy không phải theo quy tắc hình tròn, nhưng vờn quanh trận pháp tam hoàn, chỉ là khoảng cách có xa có gần.
Mặc kệ trận pháp gì, nếu muốn hoạt động thì nhất định phải đạt được âm dương cân bằng. Nếu sự cân bằng này là một trăm.... thì nguyên lý Ngũ Hành trận pháp chính là năm mươi, năm mươi còn lại là căn cứ chu vi địa thế địa hình và mục đích muốn đạt tới của trận pháp để tăng giảm. Nhưng dù tăng giảm thế nào thì cuối cùng vẫn phải đủ một trăm, không đủ sẽ không vận hành được. Pháp môn kỳ môn độn giáp chính là như vậy. Hiện giờ Tả Đăng Phong đã biết được ba vị trí, muốn tìm vị trí thứ tư không khó, nhưng không xác định được vị trí chính xác, chỉ có thể đoán cách nơi này khoảng 160 dặm về hướng chính bắc.
Vừa đi Tả Đăng Phong vừa thở dài. Xung quanh trận pháp tam hoàn rõ ràng có tám toà cổ thành. Tại sao người ta lại chỉ tìm ra được ba tòa, năm tòa còn lại ở đâu?
Có hai khả năng. Một là chúng đã bị cát triệt để chôn vùi, hai là trên đường đi tới cổ thành hướng bắc có tiềm ẩn nguy hiểm, người thường không thể nào đặt chân đến được. Tả Đăng Phong hy vọng là khả năng thứ hai. Nguy hiểm đối với người thường chẳng là gì với hắn, nếu thành cổ bị cát vùi thì hắn sẽ rất khó tìm ra chúng với bao nhiêu cồn cát ở đây.
Lướt trong sa mạc rất khổ sở, vì cát quá nhuyễn, muốn đạp chân mượn lực phải dùng rất nhiều sức, mà mỗi lần lướt lại chẳng đi được xa. Cũng có chỗ cát khá là rắn chắc, nhưng hắn không biết, vẫn cứ dùng lực như cũ, rất lãng phí. Cuối cùng Tả Đăng Phong nghĩ ra một cách. Hai chân đồng thời rơi xuống đất, tiếp cận với diện tích tối đa, di chuyển bằng cách nhảy, nhưng đi chẳng được bao xa thì gặp phải cát lún, vừa rơi xuống là lún đến đến tận eo. Hắn phải phóng linh khí để rút mình ra.
Đi được hơn năm mươi dặm thì mặt đất trở nên cứng dần, phía trước dần xuất hiện bóng dáng cây cối, loại cây này gọi là cây lạc đà, là loại cây thường thấy trên các ghềnh bãi. Trong sa mạc xuất hiện loại cây này cho thấy gần nó có nước.
Đi được bảy mươi dặm, mặt cát đã biến thành mặt đất, cây cối trở nên nhiều hơn. Tả Đăng Phong nhìn ra xa, thấy có cả cây to và bụi cây, cho thấy phía trước chẳng những có nguồn nước, mà còn là một ốc đảo khá lớn.
Có nguồn nước thì có động vật tụ tập. Ốc đảo này diện tích rất lớn. Lẽ ra một ốc đảo lớn như vậy, Diệp Phi Hồng hẳn là phải biết, nhưng cô và Thù Hổ đều chưa bao giờ nhắc tới ốc đảo này, cho thấy họ không biết đến nó. Ốc đảo này cách cổ thành thứ ba không xa, không thể không bị ai phát hiện, khả năng duy nhất chính là những người phát hiện ra nó không thể truyền tin ra ngoài.
Thường, các đội thám hiểm hay đoàn buôn khi thấy ốc đảo sẽ đều đến đó nghỉ chân bổ sung nước uống. Chỉ có vào rồi không thể ra được mới làm họ không thể truyền tin tức ra ngoài mà thôi.
Tả Đăng Phong nghiêng tai lắng nghe. Hắn nghe được trong ốc đảo có tiếng tru của sói. Tiếng kêu rất trầm thấp. Không phải tiếng tru. Khi gọi đồngb ọn hoặc động dục chúng mới tru, còn khi đang công kích sẽ không kêu gào gì cả, tiếng kêu này hẳn là tiếng thị uy của bầy sói trước khi phát động công kích.
Cẩn thận là thói quen của Tả Đăng Phong, nhưng thực lực mạnh mẽ làm hắn cực kỳ tự tin. Tả Đăng Phong và Thập Tam tiếp tục tiến tới, hắn chẳng buồn bận tâm, dù ngươi là thứ gì, ngươi cũng không phải là đối thủ của ta.
Sông là nguồn gốc của sự sống, trong sa mạc sông được lợi dụng đến cực hạn. Gần nhất là các cây cao to, xa hơn là bụi cây và cỏ dại. Ốc đảo này diện tích không nhỏ, còn lớn hơn trấn nhỏ biên thùy một ít, dài hai mươi mấy dặm,hai đầu hẹp lại. Hình dạng ốc đảo là do nguồn nước ở trung ương quyết định, nên nhìn hình dáng ốc đảo là biết nguồn nước bên trong là đông tây dài nam bắc hẹp.
Tả Đăng Phong đi bộ vào trong ốc đảo. Đi bộ làm tăng mức nguy hiểm, nhưng lại giúp quan sát được kỹ sự vật ở trên đường. Đi được một quãng, Tả Đăng Phong đã nhìn thấy dưới bụi cỏ có hài cốt lạc đà, dãy hài cốt lạc đà dài liên miên, xuất hiện cả dây thừng điều khiển chúng, cho thấy đây là một đội lạc đà.
Thịt trên hài cốt đã bị bầy sói ăn mất, nhưng theo mức độ bạch hóa của hài cốt, thì chúng chết chưa được mấy năm.
Đi thêm chút nữa, trên mặt đất xuất hiện rất nhiều đồ vật, cực kỳ đa dạng. Đa số là đồ sứ và vải vóc, có cả kim ngân ngọc khí và dược liệu, lá trà. Túi đựng chúng đã mục cả, nên chúng vung vãi lung tung ra ngoài.
Tuy đã là cuối mùa thu nhưng trong ốc đảo vẫn có chuột bọ côn trùng rắn rết. Nơi này rất tránh gió, nhiệt độ lại hơi cao, nên thời gian ngủ đông của động vật bị dời lại.
Trong bụi cỏ có rất nhiều xương trắng, có của người, cũng có của động vật. Có cái đã mục nát, cũng có cái còn hoàn chỉnh. Trong đống hài cốt cũng có đao kiếm binh khí, có cả súng trường mới xuất hiện mấy năm gần đây. Tả Đăng Phong túm lên một khẩu súng, kéo chốt, thấy bên trong vẫn còn đạn.
Ngay lúc ấy, hướng đông bắc của ốc đảo vang lên tiếng sói tru. Khi sói bị thương sẽ kêu lên, tiếng kêu giống tiếng chó khi bị người ta đạp cho một cước, cho thấy có một con sói đã bị thương.
"Thú vị. Đi. Đi xem một chút." Tả Đăng Phong vẫy tay với Thập Tam, đạp không lướt đi, sói bị thương chứng tỏ nơi này còn có loại vật lợi hại hơn sói.
Trong ốc đảo có một hồ nước. Hồ này nhỏ hơn hồ nước trong trận pháp tam hoàn, xung quanh là những cây dương thô to. Bên hồ nước có một bầy sói. Số lượng không nhiều, chỉ có mười mấy con, nhưng những con sói này to hơn sói thường nhiều, không nhỏ hơn con báo bao nhiêu, lông trên người màu đỏ sậm, hai răng nanh thò ra cả ba tấc, sắc đến mức nếu cắn trúng, có thể xé toạc yết hầu lạc đà.
Đám sói này to bự, nhưng không làm Tả Đăng Phong bất ngờ, điều làm hắn bất ngờ là đối thủ của bầy sói lại là một người.
Bầy sói vây quanh một gốc dương lớn. Trên một cành dương cách mặt đất hai trượng có một thiếu niên đang ngồi. Thiếu niên chỉ chừng mười bốn mười lăm tuổi, vóc dáng không cao, trên đầu búi tóc, cầm trong tay một cây cung, sau lưng là bao tên, bên hông để một thanh trường đao.
Thiếu niên mặc một bộ đồ bằng vải thô, bộ đồ khá rộng, cho thấy không phải là đồ của cậu. Thiếu niên đang giương cung bắn đám sói dưới gốc cây, tư thế kéo cung rất chuẩn xác, nhưng thiếu sức mạnh, nên mũi tên bắn ra tốc độ không đủ nhanh, đám sói dưới đám cây đều tránh kịp.
Cây dương thiếu niên ngồi và những cây xung quanh đều có vải thô cột nối lại với nhau, vải này hẳn là vải do các đội buôn để lại,thiếu niên cột nối các cây lại với nhau để dễ di chuyển hoạt động chung quanh. Trên cành một cây dương có dựng một cái lều. Cái lều không lớn, dựng cũng rất thô. nhìn cứ tưởng ổ chim, trên cây còn có ít rắn, ếch và cá, chắc là thiếu niên để làm đồ ăn dự trữ mùa đông.
Thiếu niên không biết Tả Đăng Phong và Thập Tam ở cách đó không xa quan sát hắn, vẫn tiếp tục giương cung bắn bầy sói ở dưới. Thỉnh thoảng cậu cũng bắn trúng, nhưng không làm mấy con sói to đó thương tổn bao nhiêu, chỉ đau nhức một tí mà thôi.
Đám sói tức giận thỉnh thoảng lại nhảy lên muốn bắt thiếu niên. Đám sói này to, nhảy được cao cả một trượng, tức hơn gấp ba lần sói thường, nhưng chạc cây thiếu niên ngồi cách mặt đất tới hai trượng, nên chúng không nhảy tới được.
Tả Đăng Phong lăng không đứng xem, Thập Tam ngồi trên một ngọn cây nhìn đám sói, nó nóng lòng muốn thử nhưng không dám xuống, lần trước bị Tả Đăng Phong khiển trách đến giờ, nó không dám tự quyết hành động nữa.
Tả Đăng Phong nhìn thấy rõ thiếu niên này rất điềm đạm, và rất gầy yếu. Cũng phải, vì thức ăn ở đây không đủ dinh dưỡng.
Tả Đăng Phong rất nghi hoặc. Một là thiếu niên này tuy sống một mình nhưng không hề lôi thôi, mặt mũi áo quần rất sạch sẽ, chứng tỏ là người rất có giáo dục.
Hai là thân phận của thiếu niên này. Xem ra thiếu niên này đã ở đây đợi một quãng thời gian rất dài. Nhưng bình thường các thương đội không đem theo con cái vào trong sa mạc, vì kiếm sống trong rất gian nan, người trưởng thành còn sợ hãi, làm sao có khả năng mang con cái vào theo được.
Thứ ba, khẩu súng hắn tìm thấy vẫn còn đạn. Súng tương tự trong ốc đảo cũng còn mấy khẩu. Tại sao thiếu niên này không cầm lấy súng bắn đám sói mà lại dùng cung tên?
Điểm cuối cùng, điểm quan trọng nhất: cái búi tóc của thiếu niên. Hai bên búi tóc rất đều nhau, cách huyệt Bách hội hai ngón tay, cực kỳ hợp quy tắc. Loại kiểu búi tóc này khác với búi tóc của đạo sĩ, búi tóc của đạo sĩ ở ngay giữa huyệt Bách hội, để dễ đội đạo quan.
Từ khi Minh triều diệt vong, đàn ông để tóc dài, không còn búi nữa, tại sao thiếu niên này lại có được kiểu tóc đã tuyệt tích từ 300 năm trước...