So đúng địa chỉ cầm trên tay, tôi quan sát, thấy có cây nính cổ thụ gốc cỡ hai người ôm không xuể, đứng bên vệ đường gần cổng ra vào khu vườn nhỏ trước toà nhà ba gian, cất theo kiểu cổ, lợp ngói âm dương. Tàn cây nính sum suê, lá rụng đầy con đường giữa vườn hoa dẫn vào một căn nhà nhỏ xây kiểu hiện đại nằm bên phải toà nhà cổ vách ván, là một căn nhà gạch, khoảng năm sáu mươi thước vuông.
Tôi biết chắc đây là căn nhà của học giả Nguyễn Hiến Lê mới xây thêm, để ông nghỉ ngơi mỗi khi về đây với bà Nguyễn Thị Liệp, tôi lách cổng đi vào. Đến giữa vườn hoa, nhìn vào nhà thấy học giả Nguyễn Hiến Lê mặc bộ quần áo vải bà ba trắng, đang nằm đọc sách trên võng mắc lên giá gỗ đặt trước hiên.
Khi tôi vào gần, chủ nhân nghe tiếng chó sủa, gỡ đôi kính viễn thị, buông sách nhìn ra, thấy khách, ngồi dậy dợm đứng lên thì tôi đã đến bên thềm. Nhận ra tôi, ông Lê mừng rỡ bước lại xiết tay lắc lắc mấy cái, tay kia vỗ vỗ nhẹ vào vai tôi rồi xởi lởi hỏi:
- Anh đi đâu mà ghé thăm tôi đây?
- Dạ, chỉ xuống thăm anh chớ đâu có đi đâu.
Ông Lê mỉm cười với đôi mắt hóm hỉnh, chỉ chiếc ghế bên cạnh mời tôi ngồi:
- Anh ngồi tạm đây đã, ở chơi ăn cơm trưa với chúng tôi nhé!
Lúc đó, bà Lê (bà Nguyễn Thị Liệp) cũng bưng khay nước trà ra chào và mời khách. Có lẽ bà đứng bên toà nhà cổ, đã nhìn thấy tôi lúc ngập ngừng bước trong sân cỏ. Ông Lê tiếp lấy khai nước đặt lên cái đôn sứ thấp, vừa rót nước vừa nói với vợ:
- Trưa nay có anh Lê Phương Chi ăn cơm với chúng mình, bà nhé!
°
Sau khi ăn cơm trưa và nghỉ ngơi vài mươi phút, rồi theo lời yêu cầu của tôi cũng như ông đã hứa từ trước trên Sài Gòn, học giả Nguyễn Hiến Lê đã mạn đàm với tôi về tâm sự của mình sau đây.
Tôi hỏi: Xin ông cho nghe khái quát về sinh hoạt văn học nghệ thuật của đời mình?
Học giả Nguyễn Hiến Lê cười bằng ánh mắt:
- Vấn đề này tôi đã trả lời anh Nguyễn Ngu Í[1] rồi, nay nhắc lại để anh ghi, có thể thiếu vài chi tiết nhé!
Sau ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945, tôi từ giả đời công chức, không về nhiệm sở trên Sài Gòn, mà ở lại Long Xuyên xin dạy trường trung học Thoại Ngọc Hầu. Tôi dạy các môn Pháp văn, Việt văn, Đức dục, Hán văn…
- Vì ông thất nghiệp nên ông xin chính phủ cho đi dạy để có thu nhập phải không?
- Chưa đến nỗi như anh nghĩ đâu. Bấy giờ nhà tôi[2] không làm ở tiệm may đường Sabourain[3] (Sài Gòn) nữa, mà đi dạy trường mẫu giáo Aurore ở đường Bàn Cờ. Sau này là đường Phan Đình Phùng, rồi nay là đường Nguyễn Đình Chiểu. Cháu Nhật Đức đã vào học trường Jean Jacques Rousseau, nay là trường Lê Quí Đôn. Mẹ nó vừa dạy mẫu giáo vừa kèm con học. Còn tôi, năm 1949 nhân có người bạn là kỹ sư đồng sự với tôi ở Sở Thuỷ lợi, khi ấy ông ta là khu trưởng công chánh miền Tây Nam Bộ. Ông mời tôi xuống Long Xuyên chơi, và anh bạn kỹ sư ấy khẩn thiết mời tôi trở lại ngành công chánh, tôi từ khước.[4] Vừa lúc ấy tôi gặp ông Nguyễn Ngọc Thơ, người quen cũ, đang làm tỉnh trưởng Long Xuyên. Ông cho biết tỉnh có mở trường trung học Thoại Ngọc Hầu, hai lần khẩn khoản mời tôi dạy thay một ông giáo đang dạy, phải trở về Bộ trên Sài Gòn. Vì thấy công việc dạy học cũng là đào tạo cho thế hệ tương lai của đất nước nên tôi mới nhận lời…
- Đang dạy học ngon lành như vậy, thời ấy nhiều người mơ ước không được, vì sao ông thôi dạy và trở về Sài Gòn? Có phải vì sự mâu thuẩn gì với ban giám hiệu rồi thầy giáo Nguyễn Hiến Lê được thôi giữ chức?
Học giả Nguyễn Hiến Lê lại cười thật lớn trước câu đùa nghịch của tôi, ông cũng nói đùa, bắt chước giọng miền
- Sức mấy mà tôi bị người ta cho thôi giữ chức!
Cười đùa với nhau một hồi, xem ông có vẻ rất thích thú. Sau đó ông Lê trầm ngâm một chặp rồi nói:
- Thú thật, tính tôi rất nóng, hễ giận trò nào là tôi la lớn, nên phần đông học sinh sợ chớ không mến tôi. Tôi lại bực mình vì đa số phụ huynh học sinh thời ấy không muốn học giỏi để thi đậu, mà chỉ cần con được mau học lên đến năm thứ Tư ban Cao đẳng tiểu học Pháp mà chương trình Hoàng Xuân Hãn gọi là lớp đệ Tứ niên, sau ông Diệm gọi là đệ Tứ, để gia đình họ hãnh diện với hàng xóm. Mà số học sinh ấy hầu hết viết không đúng văn phạm một câu Pháp ngữ.
Niên khoá nào tôi cũng đề nghị với ông hiệu trưởng nên cho mấy em học sinh học kém phải redoubler (lưu ban). Nhưng bị áp lực của mấy vị phụ huynh có “máu mặt”, thành ra ông không nghe theo tôi. Và cũng do đó, tôi cảm nhận ở Long Xuyên có nhiều người không ưa tôi, tuy rằng họ coi trọng tư cách đứng đắn của tôi. Sở dĩ tôi được biết như vậy vì sau này có nhiều người học trò cũ của tôi thời ấy, khi đi kháng chiến về, hoặc những công chức ở tỉnh, gặp tôi ngoài đường đều lễ phép chào hỏi và gọi thầy, xưng con với tôi. Trong số ấy có một vài người nhắc lại lời khuyên của tôi: “Về vật chất nên sống dưới mức trung bình, về tinh thần nên sống trên mức trung bình”. Và cũng có một vài người nói rằng, cũng nhờ làm theo lời tôi khuyên khi giảng bài trong lớp: “Bất cứ việc gì ở đời, cứ làm hết sức mình rồi mặc cho hoá công định đoạt, đừng có tham vọng cướp quyền tạo hoá”, cho nên anh ta vượt qua được nhiều khó khăn…
Tôi dạy trường Thoại Ngọc Hầu có ba năm, mà đến hôm nay, đã hơn ba mươi năm, khi tôi ngồi nói chuyện với anh đây. Thỉnh thoảng tôi đi dạo quanh quanh thị xã Long Xuyên, vẫn gặp lại năm bảy người học trò cũ còn xem trọng tôi như cha chú.
Như đã nói khi nãy, là tính tôi quá nóng, lại thích cho học trò học thật giỏi, mà gặp những “con ông cháu cha” như vậy tôi đâm chán. Lại nữa, tôi mê đọc sách và thấy mình còn dốt quá, phải viết sách để buộc mình phải tự học. Đó là lý do tôi từ giả công việc dạy học để trở về Sài Gòn viết sách và lập nhà xuất bản, như trước tôi đã nói với anh Nguyễn Ngu Í, là vào năm 1952, tôi sẽ trở về sống lại ở Sài Gòn. Năm 1953 tôi thành lập nhà xuất bản lấy tên tôi là nhà xuất bản Nguyễn Hiến Lê để ấn hành những tác phẩm của mình. Cũng từ đó đến nay tôi chỉ sống với cây bút. Rồi tác phẩm của tôi ngày càng nhiều, tự xuất bản không xuể, tôi phải đưa cho các nhà xuất bản: Lá Bối, Cảo Thơm, Tao Đàn, Khai Trí để họ xuất bản[1]. Cần nói thêm là nhà xuất bản Khai Trí chỉ khiêm tốn để vào bìa sách là “Nhà sách Khai Trí phát hành” mặc dù sách ấy do họ bỏ tiền in và xuất bản.
Sách của tôi sáng tác phần nhiều là loại Học làm người, còn loại sách về Nghệ thuật sống, là tôi dịch của các danh tác Âu Mỹ và Trung Quốc. Tôi còn dịch thuật, biên soạn các loại sách tự học, sách dạy viết văn, sách biên khảo, các loại sách văn học, ngữ pháp, gương danh nhân kim cổ, giáo dục, triết học, khoa học, v.v… với số ít tiểu thuyết và truyện ngắn…
- Khi chọn một đề tài để viết, ông dựa trên tiêu chuẩn nào. Vì độc giả? Vì ông thích đề tài ấy? Hay là gì thấy đề tài ấy sẽ tiêu thụ nhanh?
- Trước hết, tôi viết sách là để tự học thêm. Nghĩa là khi muốn học một vấn đề nào thì tôi chọn đề tài để viết về bộ môn ấy. Có thể nói bản tính của con người ai cũng lười, học cái gì vừa hiểu qua loa cũng đã mãn nguyện, không chịu tìm cho kỹ, đào cho sâu. Nhưng khi viết sách, là ta bắt buộc phải cân nhắc từng ý, từng câu, từng chữ, rồi suy nghĩ để bình luận. Sau đó sắp đặt những sự kiện đã sưu tầm để phô diễn mạch lạc rõ ràng. Nếu chỗ nào ta đọc lại mà thấy còn mập mờ thì phải đọc thêm sách báo để tra cứu, tham khảo, do đó sự hiểu biết của ta ngày càng rộng và cao thêm.
Càng tham khảo, ta càng gặp trong các sách báo những ý tưởng mâu thuẫn nhau, ta phải nhận xét đâu là đúng, đâu là sai để đào sâu thêm. Nhờ vậy, ta phát huy được điều mới lạ và thấu triệt được vấn đề, để cống hiến cho độc giả. Sở dĩ tôi dài dòng là để trả lời anh rằng tôi chọn đề tài viết sách là một phương pháp để tôi tự học. Mục đích của tôi là viết vì độc giả, và rồi cũng để mình học hỏi, tìm hiểu chứ không phải để cầu danh, vì cầu danh thì danh sẽ trốn, mình không cầu thì tự nó đến.
Tôi cũng không nhằm chọn những đề tài khi xuất bản sách ấy sẽ tiêu thụ nhanh, bằng chứng là cuốn Cổ văn Trung Quốc, và cuốn Đại cương văn học sử Trung Quốc tôi dịch và biên soạn rất công phu, rất thích thú. Thế mà khi xuất bản, sách bán rất chậm, mà hình như cho đến nay sách ấy cũng vẫn còn. Còn tác phẩm mà tôi thích là cuốn Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười chỉ dày độ vài trăm trang, in hai lần đều bán hết, đến năn 1971 tôi nhường bản quyền cuốn ấy cho nhà xuất bản Trí Đăng. Nói như vậy tôi không chọn đề tài theo mình thích, mà hầu hết là vì nhu cầu tự học, và vì xét thấy đó là nhu cầu của độc giả.
Chú thích:
[1] Xem Sống và Viết với Nguyễn Hiến Lê của Nguyễn Ngu Í. (Các chú thích đánh số thứ tự 1, 2, 3… là của Goldfish)
[2] Tức bà Trịnh Thị Tuệ.
[3] Sau này là đường Tạ Thu Thâu.
[4] Hình như có sự lầm lẫn ở đoạn này. Năm 1949, cụ Nguyễn Hiến Lê đang tạm trú và dạy tư tại nhà bà Nguyễn Thị Liệp ở Long Xuyên; làm sao có chuyện ông kỹ sư đồng sự mời cụ “xuống Long Xuyên chơi”?
[1] Trước 30-4-1975, ngoài Nxb Nguyễn Hiến Lê ra, có đến 20 nhà xuất bản khác đã xuất bản hoặc tái bản sách của Nguyễn Hiến Lê.