- Chẳng hay mẹ vào chầu có nghe việc chi mà mặt mày buồn bực như vậy?
Triệu Hoàng Cô nghe con hỏi, sụt sùi nói:
- Chắc con chưa hay sự cố. Cha con làm nguyên soái bị yêu đạo bắt đã sợ chết mà hàng Đường, lại đem binh về đánh chúa, có phải làm xấu cả họ Cao không? Mẹ không rầu sao được.
Cao Quân Bảo nghe nói thất sắc, bèn hỏi:
- Mẹ ơi. Chẳng hay ai về thuật chuyện này.
Triệu Hoàng Cô nói:
- Trịnh Ấn về thuật lại, mà trong chiếu cũng nói xa gần, không phải đồn đãi đâu mà bán tính bán nghi.
Cao Quân Bảo ngẫm nghĩ một lúc, rồi nói:
- Cha con trung nghĩa trên đời, mẹ cũng từng biết, lẽ nào sợ chết mà đầu Nam Đường? Có lẽ cha con gặp biến mà phải tùng quyền, xin mẹ đừng phiền. Nay có chiếu viện binh, con xin đến Thọ Châu cứu giá, một là đền nợ nước, hai là biết rõ tin cha.
Triệu hoàng Cô nói:
- Các tướng đều bị địch bắt, con còn nhỏ chưa từng việc chiến chinh, có đi cũng vô ích. Cực chẳng đã mẹ phải đi vì có chiếu triệu của vua. Như con có nhớ thì gởi thơ thăm mẹ cũng được, hãy cố gắng tập luyện nghiệp võ nghề văn, chẳng nên ham chơi mà quên lời dặn.
Cao Quân Bảo nhiều lần năn nỉ mà Triệu Hoàng Cô vẫn nhất mực không cho, túng thế phải vào thư phòng thuật lại cho em là Cao Quân Bội nghe.
Cao Quân Bội nói:
- Vương bá Mẫu đã chẳng cho anh theo, còn tin chiến trận mập mờ làm sao an lòng được. Lúc này là lúc nên lập công, anh thừa dịp lén trốn đi, còn phần em ở nán chờ cơ hội. Em tính như vậy ý anh nghĩ sao?
Cao Quân Bảo nói:
- Lời nói rất hợp ý ta. Vậy em đừng tiết lộ với ai.
Hôm sau, Cao Quân Bảo nai nịt hẳn hòi, giả đò đi săn bắn.
Triệu Hoàng Cô thấy vắng mặt hỏi bọn gia nhân, nhưng không ai biết cả.
Triệu Hoàng Cô nghĩ thầm:
- Không xong rồi? Nó đã nghênh ngang, không nghe lời dạy, thế nào cũng bị giặc bắt mà thôi.
Lý phu nhân khuyên giải:
- Cháu gần hai mươi tuổi, võ nghệ tinh thông, nhưng đơn thân độc mã chẳng khác nào xông vào cá chậu chim lồng. Nay nó đến Thọ Châu thế nào cũng đi qua ải Đồng Quan chắc là mượn binh đi cứu giá. Xin chị sai người theo ngã đó mà bắt về.
Triệu Hoàng Cô nói:
- Nó ra đi ba bốn bữa rày, dù cho người theo cũng không kịp.
Lý phu nhân nói:
- Dẫu theo không kịp cũng hỏi thăm cho biết tin tức.
Triệu Hoàng Cô nói:
- Sẽ sai người đi theo.
Lý phu nhân hỏi Cao Quân Bội:
- Mày có bày tính gì với anh mày không?
Cao Quân Bội nói:
- Anh tôi nay đã trốn rồi, tôi ở nhà một mình buồn bực, xin cho theo dò la tin tức.
Triệu Hoàng Cô nói:
- Con nhà tướng ít chịu ngồi không, nếu chẳng cho nó đi, chắc nó cũng trốn, thà đem theo thì khỏi lo.
Lý phu nhân vâng lời, Cao Quân Bội vô cùng mừng rỡ. Hôm sau, Triệu Hoàng Cô và Lý phu nhân tựu đến võ trường thì gặp La thị, Dư thị, Nhị vị phu nhân, cùng nhau mừng rỡ đồng vào ra mắt Đào Tam Xuân là nguyên soái lãnh binh cứu giá. Triệu Hoàng Cô đi tiên phong, Lý phu nhân làm tham quân, La phu nhân đi tả chi, Dư phu nhân đi hửu giựt.
Triều đình văn võ bá quan đưa tiễn. Đào Tam Xuân truyền nổi ba tiếng pháo, kéo mười vạn binh lên đường. Các nữ tướng đều kéo đi rầm rộ, qua khỏi sông Hoàng Hà, đến Ngôi Dương, khi lên bộ, lúc xuống thuyền rất cực nhọc.
Lúc này Cao Quân Bảo tuy đã trốn đi, nhưng không dám noi theo đường lớn, sợ mẹ sai người theo bắt, nên cứ tuôn bụi băng rừng, miễn đi cho khỏi. Đường sá gập ghềnh, một thân trơ trọi, đói thì ăn, khát thì uống, ngựa không ngừng vó, mệt mỏi vô cùng.
Ngày kia, Quân Bảo đến một xóm làng, gặp cơn mưa, xin vào trú ngụ. Khi đến cửa gặp một ông già, hỏi:
- Chú bé này đi đâu đó?
Cao Quân Bảo nói:
- Tôi lỡ đường rủi bị mắc mưa, xin vào trú ngụ một đêm.
Ông già ấy là Lưu An trả lời rằng:
- Xin quí khách ngủ nhờ chỗ khác, vì xóm này hôm kia bị ăn cướp, nên chúng tôi cấm người lạ mặt.
Nói xong, ông già ấy đóng cửa đi mất.
Cao Quân Bảo nghĩ thầm:
- Nếu chẳng vô đây thì không chỗ trú.
Cao Quân Bảo cứ năn nỉ mãi, bọn gia nhân giả cách không nghe, làm cho Cao Quân Bảo tức hét lớn:
- Đồ chó má? Ta là khách lỡ đường, xin cho vào nghỉ đỡ, nếu không bằng lòng cũng bước ra nói dứt một lời, lẽ đâu lại không biết phải, giả điếc làm lơ. Để ta phá cửa xem thử thế nào.
Bọn gia đinh nghe nói cười với nhau:
- Người đó bộ điên khùng, hình như một kẻ đi săn chớ không phải bọn lâu la, tướng cướp, phá cửa sao nổi.
Cao Quân Bảo nổi giận, hét một tiếng, xô hai cánh cửa gãy đôi. Bọn gia đinh thất kinh, than:
- Tướng học trò mà giò ăn cướp! Nếu gặp tay chánh đảng chắc chết hết cả xóm.
Tức thì chúng vào báo với tiểu thơ. Cao Quân Bảo thấy chúng rùng rùng chạy hết, biết sẽ có chủ nhà ra làm dữ, nên tạm ngồi ghế ngoài, coi chủ nhà ra sao. Cao Quân Bảo vẫn biết mình phá cửa là tội lỗi, song nghĩ mình là con cháu nhà vua, năn nỉ người ta cũng kỳ.
Giữa lúc đó có tiếng nói:
- Ông ra đó.
Cao Quân Bảo thấy một ông già phất phơ tóc bạc, mặc áo rộng đen, mắt sáng tỏ sao, nhắm tuổi chưa cao, cầm quạt lông quá lớn.
Ông chủ xông ra trước, nhìn thấy Cao Quân Bảo là chàng trai lịch sự, tướng mạo khỏe mạnh, tuổi chừng hai mươi, trong tay có cầm thương, ngựa buộc trước cửa, khôi giáp đoan trang, làm cho ông chủ biết đây là con nhà tướng, hèn đổi giận làm vui.
Còn Cao Quân Bảo thấy ông già thái độ hoà nhã, thì hổ mình tính nết ngang tàng, nên làm ra vẻ cung kính.
Ông chủ nhà điềm đạm hỏi:
- Lúc nãy bọn gia đinh nó không hiểu nên đã vô lễ với quí khách. Chỉ vì hôm kia có bọn ăn cướp vào xóm nên tôi mới cấm người lạ mặt ngủ nhờ, e chúng làm nội công ngoại kích. Nay gặp khách quí mà tôi không biết để tiếp nghênh, thật có lỗi.
Cao Quân Bảo nghe chủ nhà nói có lễ nghi, thì cám cảnh vô cùng, ăn năn vì mình là con nhà tướng mà hung hăng vô lễ, nên vội bước xuống ghế, bái ba bái, nói:
- Tôi còn nhỏ tuổi, tánh hay thô lỗ, lỡ làm hư cánh cửa, có tội rất nhiều, bởi trời mưa ướt quần áo, túng phải vô nhà mà núp, vậy tôi xin đền tiền mà chuộc lỗi mình. Tôi tạm ngoài hiên, đợi rạng ngày sẽ dời gót, song tôi chưa rõ lão trượng tên họ là chi.
Ông chủ nhà nói:
- Cánh cửa đáng giá là bao nhiêu mà nói việc bồi thường. Tôi họ Lưu tên Nãi, buồn đời nên ở ẩn nơi đây. Chẳng hay công tử quý danh là chi, xin cho tôi rõ.
Cao Quân Bảo không muốn nói thật, nên né tránh:
- Tôi họ Cao tên Bội, làm chức chỉ huy, vâng lệnh thiên tử đi Thúc Lương, tình cờ ghé lại đây, may gặp ông thương tưởng.
Lưu Nãi nghe nói, mừng rỡ, hỏi:
- Như vậy ngài là một vị tướng quân, để ngồi ngoài hiên sao phải, xin mời vào nhà khách dùng dưa muối với tôi.
Nói rồi dắt tay Cao Quân Bảo vào nhà trước. Cao Quân Bảo dựng cây giáo vào dựa cửa. Lưu Nãi truyền gia đinh dắt ngựa vào chuồng, dặn dò cho ăn tử tế. Một già một trẻ dùng rượu cúc trà thung nói chuyện rất vui tai, hiệp ý.
Bọn gia đinh dọn tiệc, chén ngọc que vàng bưng ra, trân châu hải vị ê hề, thật là một bữa tiệc thịnh soạn.
Tánh Quân Bảo còn con nít rượu vào sao khỏi lời ra, khi bọn gia đinh đã tản đi hết, với nói Lưu Nãi rằng:
- Tôi thấy ông tử tế, nên nói thiệt cho ông biết. Tên tôi là Cao Quân Bảo, con trai Đông Bình Vương, cha tôi đánh bắc dẹp nam, dựng nên cơ nghiệp nhà Tống.
Rượu càng hứng càng nói nhiều, chẳng ngờ Lưu Nãi là em họ Lưu Sùng ở nước Bắc Hớn. Lưu Nãi làm chức trấn quốc tướng quân, khi trước cần quân đánh tống, bị Cao Hoài Đức đánh thua một trận, còn vua Bắc Hớn ham mê tửu sắc, không ai can gián được nên Lưu Nãi bỏ về ẩn trú nơi đây.
Khi nghe Cao Quân Bảo khoe tài Cao Hoài Đức anh hùng, thì nghĩ đến vua anh, động lòng rơi lệ.
Cao Quân Bảo đang trò chuyện vui vẻ, bỗng thấy Lưu Nãi lau nước mắt, thì thất kinh đứng dậy hỏi:
Tôi thuật lại chuyện người trên của tôi, cớ gì mà ông lại khóc?
Lưu Nãi nói:
- Không can gì hết, chỉ vì tôi có việc sầu tư.
Cao Quân Bảo biết mình nói lỡ lời, không biết làm sao, hèn bước xuống ghế chấp tay chịu tội.
Lưu Nãi đỡ dậy, nói:
- Ấy là việc cũ, cũng chẳng can chi. Trước đây hai mươi năm hai nước tranh đua, ai thờ chúa nấy, vì số trời đã định. Vả lại, vua Bắc Hớn đam mê tửu sắc, không nghe lời can gián, nên tôi trả chức mà ẩn mình cho khỏi tai họa. Tôi muốn gởi một lời cho thái tử, nếu thái tử không chấp thì tôi mới dám nói.
Cao Quân Bảo hỏi:
- Ông là người trên trước, từng trải việc đời, nay đem lòng thương mến mà dạy bảo, thì tôi hết sức cám ơn, xin lắng tai nghe dạy.
Lưu Nãi nói:
- Kẻ trượng phu coi mòi mà lui trước, người quân tử sợ họa phải dè chừng. Xin thế tử từ nay nếu bèo nước gặp nhau, xin đừng tỏ thiệt cùng kẻ mới quen, e họ trở mặt hại mình phải lụy.
Cao Quân Bảo vâng dạ, nói:
- Ông đã ban lời vàng ngọc, tôi xin tạc dạ ghi xương, vâng lời dạy bảo trọn đời, không phải cám ơn một lúc.
Hai người ngồi ăn uống cho đến lúc trống đổ canh ba, Lưu Nãi bảo người tâm phúc là Lưu An trải chiếu hoa cho thế tử am giấc điệp, Lưu Nãi say quá, vừa vào phòng đã nằm ngủ mê man.
Còn Cao Quân Bảo bước vào phòng khách, ngồi với ngọn đèn chong, vì có việc sầu riêng nên không ngủ được chỉ mong đến Thọ Châu để cứu giá.
Bấy giờ Lưu Kim Đính tiểu thơ là con Lưu Nãi mồ côi mẹ từ thuở bé, mộ đạo thần tiên. Lúc mười ba tuổi đã luyện binh thơ nổi tài kiếm cung, được Lưu Nãi dắt lên núi Lê Sơn cho học phép tiên với Thánh Mẫu, kết làm chị em với bốn nàng con gái xinh đẹp là Tiêu Dẫn Phụng, Út Sanh Hương, Ngại Ngân Bình, Hoa Giải Nữ. Trời sanh năm ả này phòng sau thâu cơ nghiệp nhà Đường, dựng giang sơn nhà Tống. Bà Lê Sơn Thánh Mẫu thương Lưu Kim Đính hơn bốn nàng kia, nên truyền phép cho năm vì sao để sau giúp Tống, mà Lưu Kim Đính được Lê Sơn Thánh Mẫu truyền dạy nhiều hơn cả, nào là giá võ đằng vân, nào là di sơn đảo hải, nào là hô phong hoán võ, sái đậu thành binh, với các phép thần thông rất nhuần nhã. Bà đã nói cho Lưu Kim Đính biết trước rằng:
- Ngày sau con có số kết duyên cùng tướng Tống, dòng dõi nhà vua.
Bấy giờ Lê Sơn Thánh Mẫu tiếp được chiếu trời truyền Thánh Mẫu phải cho năm vì sao xuống núi giúp Tống.
Bởi vậy bà cho năm nàng đâu về đó. Lưu Kiến Đính về nhà được ít tháng, thì Cao Quân Bảo đến nơi phá cửa.
Lúc Cao Quân Bảo làm dữ, thì con đòi có vào báo với tiểu thư nhưng Kim Đính ngờ là tướng cướp nên nai nịt ra, kế nghe gia đinh nói không phải là tướng cướp, nên tiểu thơ hỏi lại:
- Vậy người đó là ai mà hung dữ như vậy?
Bọn gia đinh thưa:
- Người đó là một quan chức bên Tống, ông nhà đã rước vào phòng khách đãi đằng.
Sau đó, Lưu An nói:
- Người ấy là con Đông Bình Vương, tên là Cao Quân Bảo.
Lưu Kim Đính nghe nói nhớ lại lời thầy, lén ra sau bức bình phong xem thử người thế nào mà hung dữ như vậy? Chẳng ngờ vừa nhìn qua thấy chàng mặt sáng như ngọc, môi đỏ như son, miệng nói rất có duyên, lời lời kinh sử, thật thông thái nghề văn, am tường nghiệp võ.
Lưu tiểu thơ thấy mặt, biết rõ duyên trời bèn van vái cho cha mẹ xét định phải chỗ trao thân. Song nghĩ lại, người ta là lá ngọc cành vàng, việc lứa đôi ở tại mẹ cha, không mai mối khó gầy duyên loan phụng.
Lúc này Cao Quân Bảo ngại nói lỡ lời, sợ e mắc họa nên không dám ngủ, Lưu An vào thấy Cao Quân Bảo còn ngồi, nên hỏi:
- Sao thế tử không nghỉ ngơi mai đi cho khỏe?
Cao Quân Bảo nói:
- Tôi vì lạ nhà không ngủ được, trong lòng lại có việc riêng nên giấc ngủ không yên.
Quân Bảo lại ngồi nói chuyện với Lưu An để chờ trời sáng.
Khi hỏi đến việc nhà ông chủ đặng có mấy người con thì Lưu An đáp:
- Ông chủ tôi góa vợ, mải lo việc nước việc binh, chỉ sánh hạ một vị tiểu thơ, nay mới mười lăm tuổi mà võ nghệ rất cao cường.
Cao Quân Bảo nói:
- Chẳng hay nghề võ tiểu thơ để dùng vào việc gì?
Lưu An đáp:
- Tôi nói thật tình, tiểu thơ tôi không phải tầm thường đâu! Chẳng những thông thạo về văn võ mà nhan sắc thì cá lặn chim sa. Nếu ra giúp nước thì ít ai bì kịp, trên đời có một, e không kẻ nào sánh kịp.
Cao quân Bảo chúm chím cười và nói:
- Từ xưa đến nay thì con gái cầm kỳ thi họa, nếu biết võ nghệ cũng chỉ sơ sài, còn luận về cầm đao ra trận, khiển tướng điều binh, phò vua dẹp giặc thì có mấy ai được nổi tiếng. Vả lại tiểu thơ dù tài giỏi đến đâu, không gần thầy giỏi bạn hay, hiu quạnh một mình thì làm sao nổi tiếng được. Tôi đây chẳng phải là một tướng nhác, sợ sệt những lời nói ngoa, xin đừng quá khoe khoang.
Cao Quân Bảo đã không tin, lại kiêu ngạo nữa, nên mới nói như vậy
Lời bàn.
Tình yêu là lẽ sống con người là bản chất thiên nhiên, dù trong tham vọng tranh đoạt chém giết lẫn nhau, tình yêu vẫn luôn luôn chớm nở trong lòng người.
Quan niệm Đông Phương, mọi việc đều do trời định, từ cuộc chiến tranh trên việc hôn nhân lứa đôi. Con người sống do quy luật thiên nhiên và hứng chịu những hậu quả của hành động con người. Lưu Kim Đính, một gái sắc nước hương trời, tài năng lỗi lạc, nhưng lại mong ước được kết hôn với trai hào kiệt, thì đó cũng là lẽ tự nhiên, nhưng ở đây tác giả lại quy cho lương duyên trời định. Lẽ trời là quy luật của mọi sinh vật, nhưng lẽ trời cũng phải cấu tạo trên bản năng của con người, không thể định đoạt một cách nhất thiết.
Trong quang cảnh chém giết, tranh đoạt uy quyền, thế lực vẫn nảy sinh tình yêu, đó là lẽ sống, là quy luật bảo tồn lẽ sống vậy.