Suối Nguồn

Phần IV - Chương I

Những chiếc lá đua nhau rụng xuống, run rẩy trong ánh mặt trời. Chỉ có một vài chiếc xanh lẫn trong cả dòng lá rơi, một màu xanh tươi thuần khiết nổi bật lên và làm chói mắt bất cứ ai nhìn vào; đám lá còn lại chẳng có màu gì rõ ràng, chỉ như một luồng sáng, giống như ngọn lửa trên kim loại – một thứ vật chất phát sáng không có góc cạnh. Cả khu rừng tựa như một thảm ánh sáng cháy âm ỉ để luyện thành cái màu sắc ấy, với những bong bóng nhỏ màu xanh lá cây bay lơ lửng – chúng là tinh chất của mùa xuân. Những tán cây lồng vào nhau, nghiêng xuống phủ rợp cả con đường. Những tia nắng lọt qua kẽ lá tạo thành những chấm sáng nhảy múa trên mặt đất, giống như một sự vuốt ve, mơn trớn có chủ ý. Người thanh niên hy vọng rằng anh sẽ không phải chết.

Anh nghĩ, mình sẽ không chết nếu như trái đất này có thể trông như nó đang hiện hữu trước mắt mình. Mình sẽ chẳng chết nếu mình có thể nghe thấy những lời giao ước qua những âm thanh của lá, của thân cây, của những tảng đá, thay vì ngôn từ thông thường. Nhưng anh biết rằng mặt đất trông như thế này bởi vì anh không thấy bóng dáng của con người suốt mấy giờ qua. Chỉ có một mình anh đạp xe dọc con đường mòn bị bỏ hoang đi xuyên qua những ngọn đồi của vùng Pennsylvania, nơi mà anh chưa từng đặt chân tới, nơi mà anh có thể cảm nhận sự kỳ diệu mơn mởn của một thế giới nguyên sơ.

Anh còn rất trẻ. Anh chỉ vừa mới tốt nghiệp đại học – vào chính mùa xuân năm 1935 này – và anh muốn biết liệu cuộc đời này có đáng sống hay không. Anh không hề biết đây là câu hỏi trong tâm trí anh. Anh không hề nghĩ đến cái chết. Anh chỉ nghĩ rằng anh mong ước tìm thấy niềm vui, lý do và ý nghĩa của cuộc sống, và rằng anh chưa từng nhận được điều đó ở bất cứ đâu.

Anh đã không thích những gì mà người ta dạy anh ở trường. Anh đã được dạy nhiều thứ về trách nhiệm xã hội, về một cuộc sống cống hiến và hy sinh bản thân. Mọi người đều nói rằng những điều đó thật đẹp và thôi thúc. Chỉ có mình anh chẳng cảm thấy bị thôi thúc. Anh chẳng cảm thấy bất cứ điều gì.

Anh không thể gọi tên chính xác điều mà anh mong chờ trong cuộc sống. Anh cảm thấy nó hiện hữu ở đây, trong sự hiu quạnh hoang dã này. Nhưng anh không nhìn thiên nhiên với niềm thích thú của một con vật tìm ra một nơi cư trú thích hợp lâu dài cho mình. Anh đối diện với thiên nhiên, với niềm hoan hỉ của một con người khỏe mạnh, tìm thấy nơi đây một sự thách thức, những công cụ, phương tiện và vật chất. Và anh cảm thấy tức giận với việc anh chỉ tìm thấy sự thăng hoa ở nơi hoang dã này, và việc anh sẽ lại đánh mất cái cảm giác hy vọng tuyệt vời này khi quay trở lại với con người và công việc. Anh nghĩ điều này là không đúng, rằng những công trình của loài người phải là một bước cao hơn, phải là sự cải thiện thiên nhiên chứ không phải là làm giảm giá trị của thiên nhiên. Anh không muốn coi thường con người, anh muốn yêu thương và kính trọng họ. Nhưng anh thấy sợ hãi khi nghĩ đến hình bóng đầu tiên của nhà cửa, bể bơi, áp phích quảng cáo phim ảnh mà anh sẽ phải đối mặt suốt dọc đường đi.

Anh đã luôn muốn sáng tác nhạc; ngoài nhạc ra, anh không biết dùng cái gì để mô tả cái mà anh đang tìm kiếm trong cuộc sống. Anh tự nhủ, nếu mình muốn biết cái đó là cái gì, hãy nghe chương đầu tiên trong bản Côngxectô số một của Tchaikovsky hay phần cuối trong Bản giao hưởng số hai của Rachmaninoff. Con người đã không tìm được từ ngữ để diễn tả những điều mình tìm kiếm, cũng không biết mình phải làm gì, phải suy nghĩ như thế nào về nó, nhưng họ đã tìm thấy âm nhạc. Hãy cho tôi nhìn thấy điều đó qua một hành động cụ thể của con người trên trái đất này. Hãy cho tôi nhìn thấy điều đó trở thành hiện thực. Hãy để tôi nhận được câu trả lời cho cái giao ước trong thứ âm nhạc đó. Không phải là đầy tớ hay ông chủ, không phải những thánh đường hay những vật cúng tế mà là cái tận cùng, cái hoàn thiện, cái được thanh tẩy mọi nỗi đau. Đừng giúp đỡ hay phục vụ tôi, mà hãy để tôi tận mắt nhìn thấy điều đó một lần bởi vì tôi cần đến nó. Những người anh em, đừng cố gắng làm tôi hạnh phúc, mà hãy chỉ cho tôi hạnh phúc của anh – hãy cho thấy hạnh phúc đó là có thật – hãy cho tôi thấy thành quả của anh – và điều đó sẽ mang lại cho tôi sức mạnh để tìm kiếm hạnh phúc cho mình.

Anh nhìn thấy một khoảng trống màu xanh da trời ở cuối con đường, trên một đỉnh đồi. Một màu xanh tuyệt đẹp và tinh khiết, giống như một tấm phim bằng nước mỏng căng ra trên cái khung được tạo bởi các cành cây xanh. Anh nghĩ, sẽ rất buồn cười nếu ta đi đến đó và chẳng thấy gì hết ngoài màu xanh da trời ấy, không có gì hết ngoài bầu trời ở phía trước, ở phía trên và cả ở dưới chân. Anh nhắm mắt lại và đi tiếp, để lửng cái khả năng mà anh vừa nghĩ ra trong chốc lát, tự thưởng cho mình một giấc mơ, một niềm tin nhỏ nhoi rằng anh sẽ đi tới đỉnh đồi đó, mở mắt ra và nhìn thấy một màu xanh rực rỡ của bầu trời phía dưới.

Bàn chân chạm xuống đất, phá vỡ chuyển động của anh; anh dừng xe và mở mắt. Anh sững người.

Trong một thung lũng trải rộng phía xa dưới chân anh, dưới những tia nắng của buổi bình minh, anh nhìn thấy một thị trấn. Nhưng đó không phải là thị trấn. Những thị trấn nhìn không giống như vậy. Anh phải để lửng cái điều phỏng đoán ấy thêm một lúc nữa, không phải để tìm kiếm câu hỏi và sự giải đáp, mà chỉ để ngắm nhìn.

Trên các rìa đá của quả đồi trước mặt mọc lên những ngôi nhà, nối đuôi nhau xuống tận chân đồi. Anh nhận thấy rằng người ta đã không chạm đến những rìa đá, không có công trình nhân tạo nào làm thay đổi vẻ đẹp hoang sơ bất quy tắc của những bậc đá thoải. Một thứ quyền lực siêu nhiên nào đó đã rất biết cách xây dựng những ngôi nhà trên những rìa đá, làm cho chúng trở nên một phần không thể thiếu được, một phần tất yếu phải có ở nơi đây. Không một ai có thể tưởng tượng được những ngọn đồi này vẫn có thể đẹp mà thiếu đi những căn nhà ấy; cứ như rằng hàng thế kỷ nay, với hàng chuỗi các hoạt động địa chất với sự đấu tranh của các sức mạnh vô hình để hình thành nên những rìa đá này, tất cả đã chờ đợi một hình hài cuối cùng, tất cả chỉ là con đường để đi đến đích. Và cái đích đó là những khu nhà này, đó là một phần của những ngọn đồi, được tạo hình bởi những ngọn đồi, nhưng lại mang ý nghĩa cho chúng và vì thế, kiểm soát chúng.

Những ngôi nhà làm bằng đá thô – giống như một thứ đá nhô ra từ sườn đồi xanh thẫm – cùng với những tấm kính khổng lồ, như thể mời gọi ánh sáng mặt trời hội tụ nơi đây để hoàn thiện cho cả công trình. Ánh sáng mặt trời trở thành một phần của những ngôi nhà. Có rất nhiều ngôi nhà, nhỏ bé và kết nối với nhau, chẳng có cái nào giống cái nào. Chúng trông giống như các biến thể của cùng một chủ đề, giống như một bản nhạc giao hưởng được chơi trong một sự tưởng tượng bất tận, và người ta vẫn còn nghe tiếng cười vang của cái sức mạnh đã tạo nên những căn nhà này, dường như sức mạnh ấy vẫn đang cuồn cuộn chảy tràn, không có gì ngăn cản được. Cái sức mạnh ấy tự thách thức mình được sử dụng nữa, vì nó vẫn chưa đạt đến đích cuối cùng của nó.

Anh nghĩ tới âm nhạc, tới sự hứa hẹn mà âm nhạc đã khơi gợi trong anh, tới cái mong muốn được thấy nó trở thành hiện thực. Nó ở ngay đấy – trước mắt anh, anh không nhìn thấy nó – anh nghe thấy trong những hợp âm – anh nghĩ rằng có một thứ ngôn ngữ chung cho tư duy, thị giác và thính giác – phải chăng đó là toán học? – hay quy tắc của suy luận? – âm nhạc là toán học – và kiến trúc là âm nhạc trong những phiến đá. Anh không biết rằng mình đang hoa mắt, bởi cái hiện hữu bên dưới kia không thể có thực.

Anh nhìn thấy cây cối, những bãi cỏ, những đường đi dạo uốn lượn trên các sườn đồi, những bậc thang ăn vào trong đá; anh nhìn thấy những đài phun nước, bể bơi, sân quần vợt, nhưng không có dấu hiệu nào của sự sống. Không có người sống ở chỗ này.

Điều đó không làm anh bị bất ngờ, dù anh đã bị bất ngờ bởi cảnh tượng nơi đây. Theo một cách nào đó, điều này dường như hợp lý, bởi những ngôi nhà này không phải là một phần của cái thực tại mà người ta vẫn biết đến. Trong một thoáng chốc, anh đã không muốn biết nó là cái gì.

Anh ngắm nhìn xung quanh một lúc khá lâu và nhận ra rằng không phải có mình anh ở đây.

Cách xa anh vài bước có một người đàn ông ngồi trên một tảng đá mòn đang nhìn xuống dưới thung lũng. Người đàn ông này dường như bị cuốn hút bởi khung cảnh và không nghe thấy bước chân anh lại gần. Anh ta cao gầy với mái tóc màu vàng cam.

Anh đi thẳng tới chỗ người đàn ông, người đó quay lại nhìn anh. Mắt người đó màu xám và điềm tĩnh. Người thanh niên trẻ chợt nhận thấy rằng họ đang cùng có chung cảm xúc và anh có thể nói chuyện theo cách mà anh không thể nói với bất cứ một người lạ mặt nào ở bất cứ đâu.

“Nó không có thực phải không?” người thanh niên chỉ tay xuống dưới và hỏi.

“Ồ, có chứ, nó có thực, ngay lúc này,” người đàn ông trả lời.

“Đây không phải là một phim trường hay là một phép phù thủy nào đó chứ?”

“Không đâu. Đây là một khu nghỉ mát mùa hè. Nó vừa mới được hoàn thành. Vài tuần nữa nó sẽ được mở cửa.”

“Ai đã xây nó?”

“Tôi xây.”

“Tên ông là gì?”

“Howard Roark.”

“Cảm ơn ông,” người thanh niên nói. Howard Roark biết rằng đôi mắt nhìn anh không chớp kia hiểu được mọi điều mà hai từ đó muốn nói. Anh nghiêng đầu đáp lại.

Người thanh niên dắt xe theo con đường hẹp và dốc dẫn xuống phía thung lũng và những ngôi nhà. Roark nhìn theo cậu ta. Anh chưa bao giờ thấy người thanh niên đó trước đây và có lẽ cũng sẽ chẳng bao giờ gặp lại. Anh không hề biết rằng anh vừa mới trao cho ai đó một sự can đảm để đối mặt với cuộc đời.

*

* *

Roark chưa bao giờ hiểu được lý do tại sao người ta lại chọn anh cho việc xây dựng khu nghỉ mát tại Thung Lũng Monadnock.

Sự việc xảy ra cách đây một năm rưỡi, tức là vào mùa thu năm 1933. Anh biết thông tin về dự án này và đi tới gặp ông Caleb Bradley, người đứng đầu của cái công ty vốn đã bỏ tiền mua thung lũng này và đang tiến hành nhiều hoạt động quảng bá lớn. Anh tới gặp Bradley như một nghĩa vụ. Anh không có một chút hy vọng nào. Anh đi để chỉ để cộng thêm một lời từ chối nữa vào danh sách dài các lời từ chối mà anh đã nhận được. Anh đã không xây dựng một công trình nào kể từ sau Đền Stoddard.

Khi anh bước vào văn phòng của Bradley, anh hiểu rằng anh sẽ phải quên đi Thung lũng Monadnock bởi vì người đàn ông này sẽ chẳng bao giờ trao nó cho anh. Caleb Bradley là một người thấp đậm, có khuôn mặt điển trai nằm giữa hai bờ vai tròn trịa. Khuôn mặt của ông ta vừa khôn ngoan lại vừa trẻ trung và không có dấu hiệu tuổi tác. Ông ta có thể năm mươi hoặc hai mươi tuổi. Ông có đôi mắt xanh lơ vô hồn, vừa ranh mãnh vừa tẻ nhạt.

Nhưng Roark cũng khó có thể quên được Thung lũng Monadnock. Do vậy mà anh đã nói về nó, quên bẵng đi rằng điều đó không có ý nghĩa gì ở đây. Ông Bradley lắng nghe với vẻ thực sự quan tâm, nhưng rõ ràng là không phải quan tâm tới những điều Roark đang nói. Roark gần như có thể cảm thấy một người thứ ba nữa đang có mặt trong phòng này. Ông Bradley hầu như chẳng nói gì, ngoài việc hứa sẽ xem xét và sẽ liên lạc với anh. Nhưng rồi sau đó, ông ta nói một điều thật lạ lùng. Ông ta hỏi bằng một giọng điệu mà có tìm cả ngày cũng không thấy dính dáng gì đến mục đích của câu hỏi, chẳng ra đồng tình mà cũng chẳng ra chê bai:

“Anh Howard Roark, anh là kiến trúc sư đã xây ngôi Đền Stoddard đấy à?”

“Vâng,” Roark nói.

“Buồn cười thật, tại sao tôi không nghĩ đến anh trước nhỉ.” Ông Bradley nói.

Roark về nhà và tự nhủ, nếu cái ông Bradley ấy mà nghĩ đến anh thì mới thật buồn cười.

Ba ngày sau, Bradley gọi điện thoại và mời anh đến văn phòng của ông ta. Roark đến và gặp bốn người đàn ông khác trong Ban Giám đốc Công ty Thung lũng Monadnock. Những người đàn ông này ăn bận rất chải chuốt, khuôn mặt họ cũng kín bưng như ông Bradley.

“Anh Roark, xin hãy trình bày lại với những quý ông đây những gì anh đã nói với tôi.” Bradley nói một cách vui vẻ.

Roark giải trình về kế hoạch của anh. Nếu họ muốn xây dựng một khu nghỉ mát mùa hè dành cho những người có thu nhập khiêm tốn như họ tuyên bố, thì họ nên nhận ra rằng điều tồi tệ nhất của sự nghèo khó là việc thiếu sự riêng tư. Chỉ có những người rất giàu hoặc rất nghèo của thành phố này mới có thể hưởng thụ kỳ nghỉ hè của riêng mình, bởi vì những người rất giàu thì có cả dinh thự riêng, còn những người rất nghèo không ngại cảm giác và mùi người nồng nặc ở các bãi biển hay sàn nhảy công cộng. Còn những người có thị hiếu hưởng thụ tốt nhưng thu nhập lại khiêm tốn, nếu họ không thể nghỉ ngơi hay thấy vui thích trong những đám đông thì sẽ chẳng có nơi nào để đi cả. Tại sao người đời lại cứ nghĩ rằng sự nghèo khổ làm cho con người ta quay lại với bản năng bầy đàn như súc vật? Tại sao không cung cấp cho những người này một nơi nghỉ ngơi cho một tuần hay một tháng với mức giá thấp, nơi mà họ có thể có những gì mình muốn và cần? Anh đã nhìn thấy Thung lũng Monadnock. Đây có thể là nơi phù hợp. Đừng động đến những sườn đồi, đứng phá hủy và đừng cào thấp chúng. Đừng xây một khách sạn cao tầng khổng lồ, mà xây những căn nhà nhỏ kế tiếp nhau, ngôi nhà này ẩn mình sau ngôi nhà kia, mỗi ngôi nhà là một chốn riêng tư, nơi mọi người có thể gặp gỡ nhau hoặc không tùy ý họ. Đừng xây một cái bể bơi to như cái chợ cá mà xây nhiều bể bơi riêng biệt, nhiều bao nhiêu tùy khả năng đầu tư của công ty. Anh sẽ nói cho họ biết cách xây chúng với giá rẻ. Đừng xây những sân chơi quần vợt to như những bãi đất đấu giá gia súc dành cho những người thích phô trương mà là nhiều sân quần vợt riêng biệt. Đây sẽ không phải là nơi người ta tìm đến để gặp gỡ những bạn bè thân thiết và phó mặc mọi chuyện cho người giúp việc trong vòng hai tuần lễ, mà đây là một nơi nghỉ ngơi dành cho những người cảm thấy thích thú và thoải mái khi được ở một mình, và họ tìm kiếm một nơi họ có được sự tự do để nghỉ ngơi và hưởng thụ theo cách đó.

Các quý ông kia im lặng lắng nghe. Anh thấy họ thỉnh thoảng liếc nhìn nhau, cái nhìn mà anh cảm thấy chắc chắn rằng người ta thường trao nhau khi không thể phá lên cười người thuyết trình. Nhưng xem ra lại không phải như vậy, bởi hai ngày sau đó, anh đã ký hợp đồng xây dựng khu nghỉ mát mùa hè ở Thung lũng Monadnock.

Anh yêu cầu ông Bradley ký tắt vào tất cả những bản vẽ xuất xưởng từ phòng thiết kế của anh. Anh vẫn nhớ vụ Đền Stoddard. Ông Bradley viết tắt tên ông, ký nhận và đồng ý. Ông ta đồng ý mọi thứ và phê chuẩn mọi thứ. Ông ta có vẻ như sẵn lòng để Roark làm theo cách riêng của anh. Nhưng sự dễ dãi nhiệt tình này có một vẻ gì đó kỳ quặc – như thể ông ta đang chiều một đứa trẻ con.

Anh chỉ biết được rất ít về ông Bradley. Người ta nói rằng ông ta kiếm được nhiều tiền từ kinh doanh bất động sản trong thời kỳ khủng bố kinh tế ở Florida. Công ty hiện giờ của ông ta dường như nắm giữ một lượng vốn vô hạn, và rất nhiều người giàu có được nhắc đến như cổ đông của công ty. Roark chưa bao giờ gặp họ. Bốn người đàn ông trong Ban Giám đốc cũng không xuất hiện thêm một lần nào nữa, trừ những chuyến thăm ngắn ngủi tới công trường, nơi mà họ tỏ ra chẳng một chút quan tâm nào. Ông Bradley chịu trách nhiệm mọi thứ, nhưng ngoài việc giám sát chặt chẽ ngân quỹ, ông ta dường như chẳng thích điều gì hơn việc giao cho Roark được toàn quyền.

Trong suốt mười tám tháng sau đó, Roark không có thời gian nào để nghĩ ngợi về ông Bradley. Roark đang xây dựng công trình vĩ đại nhất của mình.

Suốt trong năm vừa rồi, anh sống ngay tại công truờng, trong một cái lán lụp xụp được dựng trên một sườn đồi trơ trụi, với một hàng rào gỗ quây quanh, ở trong là một cái giường, một lò sưởi và một cái bàn rộng. Những thợ vẽ cũ của anh quay lại làm cho anh, một vài người đã bỏ những công việc còn tốt hơn trong thành phố để đến sống trong lều lán, để làm việc trong một văn phòng kiến trúc sư như một doanh trại quân đội được dựng lên từ những tấm ván trần trụi. Có quá nhiều thứ cần phải xây nên không ai trong số họ muốn phí công thiết kế chỗ trú thân cho chính mình. Cho tới mãi sau này, họ không hề nhận ra họ đã sống thiếu thốn tiện nghi, và rồi chính họ không thể tin được điều đó, bởi thời gian ở Thung lũng Monadnock lưu lại trong tâm trí họ như một khoảng thời gian kỳ lạ, dường như trái đất ngừng quay và họ đã sống suốt mười hai tháng mùa xuân. Họ đã không biết đến tuyết, không biết tới những khối khí lạnh trên mặt đất. Gió thổi qua các khe hở trên những tấm ván, những tấm chăn mỏng phủ trên võng, những ngón tay cứng đờ duỗi ra trên các lò than vào những buổi sáng trước khi họ cầm bút vẽ trong tay. Họ chỉ nhớ duy nhất cái cảm giác giống như cảm giác khi thấy mùa xuân đến. Đó là cảm giác khi những nhánh cỏ đầu tiên, những chồi non đầu tiên nhú trên các cành cây, màu xanh đầu tiên trên bầu trời. Tiếng trả lời ấy ngân vang, không phải với cỏ cây, không phải với bầu trời mà với cảm giác lớn lao về sự khởi đầu, về sự sinh sôi hoan hỉ, về niềm tin chiến thắng mà không gì có thể ngăn cản nổi. Họ cảm nhận được ý nghĩa của tuổi trẻ, của sự vận động, của mục đích và sự hoàn thành, không phải từ hoa lá mà từ những giàn giáo bằng gỗ, những máy xúc chạy bằng hơi nước, những khối đá và những thảm cỏ mọc ra từ mặt đất.

Họ là một đoàn quân và đó là một cuộc thập tự chinh. Nhưng không có ai trong số họ nghĩ tới điều này bằng những từ ngữ đó, ngoại trừ Steven Mallory. Steven Mallory là người đã làm những đài phun nước và những công trình điêu khắc của Thung lũng Monadnock. Nhưng anh đến sống ở công trường một thời gian dài trước khi công việc cần tới anh. Chiến trường là một khái niệm tội lỗi, Steven Mallory nghĩ. Không có vinh quang nào trong chiến tranh và không có cái gì cao đẹp trong những cuộc thập tự chinh của con người. Nhưng đây là một chiến trường, đây là một đoàn quân và một cuộc chiến tranh – thế mà nó lại là một kinh nghiệm lớn lao nhất trong đời của tất cả những người tham gia vào nó. Tại sao ư? Đâu là nguồn cơn của sự khác biệt và quy luật để lý giải nó?

Anh đã không nói ra điều đó với bất kỳ ai. Nhưng khi nhìn gương mặt của Mike khi anh đến đây cùng với đám thợ điện, anh đã nhận ra Mike cũng có chung một suy nghĩ với mình. Mike không nói gì, nhưng anh ta nháy mắt với Mallory với sự thấu hiểu hân hoan. “Tôi đã bảo cậu đừng lo lắng mà,” Mike nói với anh không hề rào đón, “ở phiên tòa ấy. Anh ấy không thể thua cuộc, mỏ đá hay không mỏ đá, tòa án hay không tòa án cũng thế. Bọn họ đều không thể đánh bại anh ấy, Steve ạ, đơn giản là họ không thể, cả cái thế giới khốn kiếp này cũng không thể.”

Nhưng mà họ đã thật sự quên bẵng mất thế giới này, Mallory nghĩ. Đây là trái đất mới, trái đất của riêng họ. Những ngọn đồi vươn lên bầu trời xung quanh họ giống như một bức tường bảo vệ. Và họ còn có một sự bảo vệ khác, đó là người kiến trúc sư đang đi lại giữa họ, xuyên qua tuyết hay những thảm cỏ dưới sườn đồi, người bước lên những tảng đá mòn và những đống ván xếp chồng chất, đi về phía những bàn vẽ, những giàn giáo, lên trên những đỉnh trên cùng của những bức tường đang ngày một vươn cao – người đã biến tất cả những điều này trở thành sự thật – những suy nghĩ trong đầu anh ấy – và không phải là nội dung hay kết quả của những suy nghĩ ấy, không phải tầm nhìn đã tạo nên Thung lũng Monadnock, cũng không phải cái ý chí mà đã làm cho công việc này trở thành hiện thực, mà là phương pháp tư duy của anh, nguyên tắc vận động của nó, cái phương pháp và nguyên tắc chẳng giống bất kỳ ai thuộc về cái thế giới ở phía ngoài những ngọn đồi. Cái đó đã đứng sừng sững bảo vệ cả cái thung lũng này và cả những chiến binh trong đó.

Rồi họ nhìn ông Bradley đến thăm công trường; ông mỉm cười dịu dàng rồi lại bỏ đi. Lúc ấy, Mallory cảm thấy tức giận một cách vô lý, và lo lắng.

Một buổi tối, họ cùng nhau quây quần bên đống lửa được đốt bởi những cành cây khô, ở ngay sườn đồi phía trên nơi dựng lán trại. Khi ấy, Mallory nói:

“Howard, lại là Đền Stoddard nữa.”

“Phải” Roard nói. “Tôi cũng nghĩ như thế. Tôi chỉ không biết rõ theo kiểu nào và mục đích của họ là gì.”

Anh lật người, nằm úp bụng xuống và nhìn xuống những thảm cỏ nằm rải rác trong bóng tối ở phía dưới. Chúng phản chiếu ánh sáng từ đâu đó, trông giống như những thảm ánh sáng bằng lân tinh, tự phát sáng trên mặt đất.

Anh nói: “Nhưng mà điều đó cũng chẳng sao, phải không Steve? Cho dù họ làm gì với nó và dù ai có đến sống ở đây đi chăng nữa. Chỉ cần biết rằng chúng ta đã làm ra nó. Anh có bỏ lỡ cơ hội này không, nếu sau này họ bắt anh phải trả giá?”

“Không,” Mallory nói.

*

* *

Roark đã từng muốn thuê một trong số những căn nhà này cho riêng anh và sẽ dành một mùa hè ở đây, mùa hè đầu tiên mà Thung lũng Monadnock được sinh ra. Nhưng trước khi khu nghỉ mát mở cửa, anh nhận được một bức điện tín từ New York.

“Tôi đã nói với cậu là tôi sẽ làm được, đúng không nào? Tôi phải mất năm năm để rũ bỏ được hết đám bạn bè anh em. Nhưng Aquitania bây giờ là của tôi – và của cậu. Đến mà hoàn thành nó đi. Kent Lansing.”

Vậy là anh quay về New York – để nhìn thấy những đống gạch vụn và bụi xi măng được dọn sạch khỏi Bản giao hưởng dang dở, nhìn thấy những chiếc cần cẩu đang chuyển những chiếc rầm bên trên Công viên Trung tâm, nhìn thấy những khoảng trống của các khung cửa sổ đã được lấp đầy, những sân thượng rộng rãi trãi rộng bên trên những nóc nhà của thành phố, để thấy khách sạn Aquitania hoàn thành và mỗi buổi tối lại bừng sáng cả một góc chân trời phía công viên.

Anh đã rất bận rộn trong suốt hai năm vừa qua. Thung lũng Monadnock không phải là công trình duy nhất của anh. Anh đã nhận được các cú điện thoại yêu cầu từ các bang khác nhau, từ những vùng mà anh không hề chờ đợi trên khắp đất nước: nhà riêng, tòa nhà văn phòng nhỏ, cửa hàng cỡ vừa. Anh đã xây dựng chúng – trong lúc tranh thủ ngủ vài tiếng trên tàu hỏa hay trên máy bay từ Thung lũng Monadnock tới những thị trấn nhỏ xa xôi. Lý do của mọi công việc anh nhận được đều giống nhau: “Tôi đã ở New York và tôi thích Ngôi nhà Enright.” “Tôi đã nhìn thấy tòa nhà Cord.” “Tôi đã nhìn thấy một bức ảnh của ngôi đền mà họ phá đi.” Đó là một mạch nước ngầm tỏa đi khắp nơi, bất chợt biến thành các dòng suối trào lên mặt đất một cách ngẫu nhiên, tại những nơi không dự đoán trước được. Đó chỉ là những công trình nhỏ và không nhiều tiền – nhưng chúng đã làm anh luôn có việc để làm.

Mùa hè năm đó, Thung lũng Monadnock hoàn thành; anh không có thời gian lo lắng về số phận tương lai của nó. Nhưng Steven Mallory thì lo lắng về điều đó. “Tại sao họ không quảng cáo cho khu nghỉ này hả Howard? Sao tự nhiên lại yên lặng như vậy nhỉ? Anh có nhận thấy thế không? Trước khi khởi công, người ta đã nói rất nhiều về cái dự án vĩ đại này của họ, và cũng có rất nhiều bài viết nhỏ trên báo chí. Nhưng khi chúng ta bắt tay vào thì người ta càng ngày càng nhắc đến nó ít hơn. Còn bây giờ thì sao? Ông Bradley và công ty trở nên như câm điếc. Đúng vào lúc mà người ta nghĩ là họ phải tổ chức một buổi chiêu đãi báo chí? Tại sao?

“Tôi không biết,” Roark đáp… “Tôi là một kiến trúc sư, chứ không phải là một nhà kinh doanh bất động sản. Tại sao cậu phải lo lắng? Chúng ta đã làm việc của mình, hãy để họ làm việc theo cách của họ.”

“Cách của họ thật là đáng ngờ. Anh đã nhìn thấy mẫu quảng cáo hiếm hoi của họ chưa? Họ nói tất cả những gì anh đã nói với họ, về sự nghỉ ngơi, sự yên bình và tính riêng tư – nhưng cái cách mà họ nói thì…! Anh có biết những quảng cáo đó sẽ có tác động thế nào không? Nghe y như là ‘Hãy đến Thung lũng Monadnock để buồn đến chết.’ Nghe đúng như là họ đang cố gắng để mọi người tránh xa khu nghỉ này.”

“Tôi không đọc quảng cáo, Steve.”

Nhưng chỉ trong vòng một tháng sau khi hoàn thành, tất cả các ngôi nhà ở Thung lũng Monadnock đã được thuê. Những người đến nghỉ ở đây thuộc nhiều thành phần khác nhau: những ông bà thượng lưu có đủ tiền cho các khu nghỉ dưỡng xa xỉ hơn, các nhà văn trẻ và các nghệ sĩ không tên tuổi, các kỹ sư, các nhà báo và cả những người công nhân. Một cách bất ngờ và tự nhiên, người ta bàn tán về Thung lũng Monadnock. Nhu cầu về loại khu nghỉ dưỡng như vậy là có thật, chỉ có điều không một ai đã thử đáp ứng nhu cầu đó. Khu nghỉ này đã trở thành tin tức thời sự, nhưng đó là những tin truyền miệng, báo chí chưa phát hiện ra nó. Ông Bradley không có tờ báo riêng. Ông Bradley và công ty của ông ta đã biến mất khỏi dư luận. Một tờ tạp chí đã tự nguyện đăng bốn trang ảnh của Thung lũng Monadnock và cử một nhân viên tới phỏng vấn Howard Roark. Cho đến cuối mùa hè thì những ngôi nhà đã được đặt thuê trước cho cả năm sau đó. Vào một buổi sáng sớm của tháng Mười, cửa phòng tiếp tân của Roard bị mở tung ra và Steven Mallory vội vã chạy thẳng vào văn phòng của Roark. Cô thư ký cố gắng chặn anh ta lại vì Roark đang làm việc và không có phép bất kỳ ai làm phiền. Nhưng Mallory đẩy cô sang một bên, chạy ào vào văn phòng và đóng sập cửa lại. Cô thấy anh cầm một tờ báo trên tay.

Roark đang ngồi ở bàn vẽ. Anh ngẩng đầu lên nhìn Mallory và buông rơi bút chì. Anh biết gương mặt Mallory hẳn đã trông như thế này khi anh ta bắn Ellsworth Toohey.

“Thế nào, Howard? Anh có muốn biết tại sao anh nhận được công trình Thung lũng Monadnock không?”

Mallory ném tờ báo xuống bàn. Roark nhìn thấy đầu đề của một câu chuyện ở trang thứ ba: “Caleb Bradley đã bị bắt.”

“Tất cả đấy,” Mallory nói. “Nhưng mà đừng đọc. Nó sẽ làm anh buồn nôn.”

“Được rồi, Steve, có chuyện gì vậy?”

“Họ đã bán hai trăm phần trăm của nó.”

“Ai bán? Bán cái gì?”

“Bradley và hội của lão ấy. Hai trăm phần trăm của Thung lũng Monadnock.” Mallory cố gắng nói với một sự chính xác hằn học và khó nhọc. “Ngay từ đầu họ đã nghĩ rằng khu nghỉ này chẳng có giá trị gì cả. Họ gần như không có mảnh đất này – họ nghĩ nó không phải là nơi để xây nhà nghỉ mát – xa đường sá, không xe buýt, không rạp hát xung quanh – họ nghĩ chưa đến lúc và công chúng sẽ không ủng hộ. Họ đã quảng cáo ầm ĩ và bán cổ phần cho rất nhiều bọn giàu có – đó là một vụ lừa lớn. Họ bán hai trăm phần trăm của khu nghỉ này. Họ đã thu được gấp đôi số tiền bỏ ra để xây dựng nó. Họ đã tin chắc là dự án sẽ thất bại. Họ muốn nó sẽ thất bại. Họ nghĩ rằng sẽ chẳng có lợi nhuận nào để mà chia. Họ đã có một kế hoạch tuyệt vời, sẵn sàng để thoát khỏi vụ này khi khu nghỉ bị phá sản. Họ đã chuẩn bị sẵn sàng cho mọi thứ – trừ việc nhận ra rằng dự án này trở nên thành công như bây giờ. Và họ không thể tiếp tục được nữa vì bây giờ họ phải trả cho cổ đông gấp đôi số tiền họ thu được từ khu nghỉ mỗi năm. Chỗ này kiếm được rất nhiều tiền. họ nghĩ rằng họ đã sắp xếp để nó chắc chắn sẽ thất bại. Howard, anh không hiểu à? Họ đã chọn anh bởi vì anh là kiến trúc sư tồi nhất họ có thể tìm ra!”

Roark ngả đầu ra sau và cười.

“Chúa ơi, Howard! Chẳng có gì buồn cười cả!”

“Ngồi xuống, Steve. Đừng có run người lên như thế. Trông cậu cứ như là vừa mới nhìn thấy cả một cánh đồng xác người ấy.”

“Tôi đã nhìn thấy cánh đồng ấy. Tôi còn nhìn thấy cái khủng khiếp hơn. Tôi đã biết được gốc rễ của vấn đề. Tôi đã biết cái gì đẻ ra cái cánh đồng xác ấy. Cái gì làm cho bọn khốn kiếp ấy kinh sợ nhỉ? Chiến tranh, bọn giết người, hỏa hoạn, hay động đất? Quỷ tha ma bắt chúng đi! Cái câu chuyện này mới là điều đáng sợ. Đó mới là thứ mà con người phải khiếp sợ, phải đấu tranh, phải gào thét, và coi nó là điều đáng hổ thẹn nhất mà họ từng làm. Howard, tôi đã nghĩ đến những cách người ta giải thích cái xấu và những phương thuốc mà người ta chế ra hàng thế kỷ nay để chữa nó. Chẳng có phương thuốc nào thành công cả. Chẳng có cách nào giải thích hay cứu chữa được cái xấu. Nhưng nguồn gốc của cái xấu – con quỷ mặt xanh ấy – thì ở ngay kia. Howard, nó ở ngay trong câu chuyện này. Trong đó và trong tâm hồn của những kẻ khốn kiếp sẽ đọc câu chuyện này và nói: ‘Ôi dào, thiên tài luôn phải vật lộn, điều đó tốt cho họ’ và rồi bọn chúng đi tìm những thằng ngốc để học cách làm việc. Đấy chính là hành động của con quỷ mặt xanh kia. Howard, hãy nghĩ về Monadnock. Hãy thử nhắm mắt lại và nhìn nó. Và hãy nghĩ đến việc chính những kẻ đầu tư cho công trình đó trong lúc tin rằng nó là công trình tệ nhất mà họ có thể xây dựng! Howard, có cái gì đó không ổn, rất không ổn trong thế giới này nếu như anh được giao xây dựng công trình vĩ đại nhất của đời mình như một trò đùa bẩn thỉu!”

“Đến khi nào thì cậu mới thôi nghĩ về việc đó? Về thế giới và tôi? Khi nào cậu sẽ học cách quên nó đi? Khi nào Dominique sẽ…”

Anh ngừng lại. Trong suốt mấy năm nay, họ đã không nhắc đến cái tên ấy trước mặt nhau. Anh nhìn thấy mắt Mallory – chăm chú và sốc. Mallory nhận ra rằng những lời nói của anh đã làm tổn thương Roark, đến mức Roark bật ra sự thú nhận này. Nhưng Roark quay về phía anh và nói một cách điềm tĩnh:

“Dominique từng nghĩ giống như cậu.”

Mallory chưa bao giờ nói về những điều mà anh đoán ra về quá khứ của Roark. Sự im lặng của họ luôn ngụ ý rằng Mallory hiểu, rằng Roark biết điều đó và rằng đây ko phải là chuyện để bàn luận. Nhưng lúc này, Mallory hỏi:

“Anh vẫn đang chờ cô ấy quay lại phải không? Bà Gail Wynand – quỷ tha ma bắt cô ta!”

Roark nói mà không hề cao giọng:

“Im đi, Steve.”

Mallory thì thào: “Tôi xin lỗi.”

Roark đi về phía bàn của mình và nói – giọng anh trở lại bình thường:

“Về nhà đi Steve, và quên Bradley đi. Bọn họ chắc đang kiện tụng lẫn nhau nhưng chúng ta sẽ không bị lôi vào chuyện đó và chúng sẽ không thể phá hủy Monadnock. Quên nó đi và đi đi, tôi còn phải làm việc.”

Anh dùng khuỷu tay gạt tờ báo ra khỏi bàn và cúi người xuống các tấm giấy vẽ.

*

* *

Việc khám phá ra các biện pháp huy động vốn đằng sau dự án Thung lũng Monadnock đã gây nên một vụ xì-căng-đan. Người ta đã mở một phiên tòa xét xử, một vài quý ông đã bị phạt tù và Monadnock được chuyển cho các cổ đông quản lý. Roark không liên quan đến vụ việc. Anh rất bận rộn và quên mất việc theo dõi diễn biến của phiên tòa trên các báo. Ông Bradley nhận lỗi với các cộng sự của mình rằng ông ta thực lòng không hề nghĩ rằng một khu nghỉ được xây dựng với một kế hoạch điên khùng, cách biệt với cộng đồng như vậy lại có thể trở nên thành công. “Tôi đã làm tất cả những gì tôi có thể. Tôi đã chọn kẻ ngớ ngẩn nhất tôi có thể tìm thấy.”

Sau đó Austen Heller viết một bài báo về Howard Roark và Thung lũng Monadnock. Ông nói về tất cả các công trình mà Roark đã thiết kế và ông nói lại bằng lời những ý tưởng của Roark trong từng công trình. Chỉ có điều, những lời của Austen Heller không còn hiền hòa như thường lệ - chúng là những tiếng kêu lớn đầy sự ngưỡng mộ và giận dữ. “Và chúng ta đang bị nguyền rủa nếu như sự vĩ đại phải đến với chúng ta qua sự lừa dối!”

Bài báo này đã khơi mào cho một cuộc tranh luận gay gắt trong giới nghệ thuật.

“Howard” – Mallory nói với anh vào một ngày sau đó vài tháng – “Anh nổi tiếng rồi đấy.”

“Phải” Roark nói, “Tôi đoán thế.”

“Ba phần tư trong số những người đó chẳng biết chút gì về cuộc tranh luận này, nhưng họ nghe số một phần tư kia tranh cãi về anh, và bây giờ họ cảm thấy rằng họ cần phải phát âm tên anh với một sự kính trọng. Trong số một phần tư đang tranh luận, bốn phần mười là những kẻ ghét anh, ba phần mười là những kẻ thấy rằng họ phải thể hiện quan điểm tại bất kỳ cuộc tranh luận nào, hai phần mười là những kẻ luôn giữ cho mình được an toàn và đưa tin tức về bất kỳ ‘phát hiện’ nào, và một phần mười là những người hiểu biết. Nhưng tất cả bọn họ đều bất ngờ nhận ra rằng có một gã Howard Roark và rằng anh ta là một kiến trúc sư. Bản tin của Hiệp hội Kiến trúc sư báo rằng anh vĩ đại nhưng phóng túng còn bảo tàng Tương Lai đã treo các bức ảnh của Monadnock, của nhà Enright, nhà Cord và Aquitania – treo trong các khung kính đẹp hẳn hoi – ngay cạnh phòng trưng bày về Gordon L. Prescott. Kể cả thế – tôi vẫn vui mừng.”

Vào một buổi tối, Kent Lansing nói: “Heller đã làm một việc tuyệt vời. Howard, cậu có nhớ những gì mà tôi đã có lần nói với cậu về thứ tâm lý học pretzel không? Đừng xem thường những người trung gian. Họ rất cần thiết. Một ai đó phải nói cho họ biết điều này. Phải cần đến hai người để làm nên một sự nghiệp vĩ đại: một người đàn ông vĩ đại và một người đàn ông – người này còn hiếm hơn – đủ vĩ đại để nhận biết sự vĩ đại của người kia và nói về nó.”

Ellsworth Toohey viết: “Điều lố bịch trong tất cả những ồn ào lố bịch này là ở chỗ ngài Caleb Bradley là nạn nhân của sự bất công nghiêm trọng. Các vấn đề đạo đức của ông ta bị đưa ra mổ xẻ phê bình trong khi khả năng thẩm mỹ của ông ấy lại bị tảng lờ. Những đánh giá về tài năng kiến trúc của ông ấy hợp lý hơn so với ông Austen Heller, một kẻ phản động lỗi thời bỗng nhiên trở thành nhà phê bình nghệ thuật. Ông Caleb Bradley đã bị xử giảo chỉ vì những người thuê nhà của ông ta có thị hiếu rất tồi. Theo ý kiến của người viết bài này, án tù của ông ta cần phải được giảm nhẹ để ghi nhận khả năng đánh giá nghệ thuật đúng đắn của ông. Thung lũng Monadnock là một sự gian lận – nhưng không chỉ là gian lận tài chính.”

Giới thượng lưu – nguồn cung cấp đều đặn nhất các hợp đồng kiến trúc – không phản ứng nhiều về danh tiếng của Roark. Những người trước kia đã nói: “Roark ư? Tôi chưa bao giờ nghe tới anh ta” thì nay nói rằng: “Roark ư? Anh ta quá rùm beng.”

Nhưng có những người bị ấn tượng bởi một điều đơn giản là Roark đã xây dựng một nơi hái ra tiền cho những người chủ sở hữu vốn không hề muốn nó sinh ra tiền. Điều này thuyết phục hơn cả những tranh cãi về nghệ thuật đầy trừu tượng. Và còn có một phần mười những người hiểu biết kia nữa. Năm kế tiếp công trình Thung lũng Monadnock, Roark xây dựng hai ngôi nhà riêng ở Connecticut, một rạp chiếu phim ở Chicago, và một khách sạn ở Philadelphia.

Vào mùa xuân năm 1936, một thành phố ở phía tây lên xong kế hoạch xây dựng một hội chợ thế giới sẽ được tổ chức vào năm sau. Đó là một cuộc triển lãm quốc tế đã được đặt tên Hành trình của Những thế kỷ. Một ủy ban gồm những người nổi tiếng được giao trách nhiệm thực hiện dự án này và phải tiến hành lựa chọn một hội đồng các kiến trúc sư giỏi nhất đất nước để thiết kế hội chợ. Ủy ban này muốn thể hiện sự cách tân vượt bậc. Howard Roark là một trong số tám kiến trúc sư được chọn.

Sau khi nhận được giấy mời, Roark trình diện trước ủy ban và giải thích rằng anh sẽ rất vui mừng nếu được thiết kế hội chợ này – và phải một mình.

“Chắc anh đang nói đùa, anh Roark” – ngài chủ tịch nói. “hơn nữa, với công trình có tầm vóc lớn thế này, chúng tôi muốn những gì tốt nhất có thể có. Ý tôi là hai người bao giờ cũng tốt hơn một, anh biết đấy, và với tám người… đấy, anh có thể tự đánh giá – toàn những tài năng hàng đầu của đất nước, những tên tuổi lớn nhất – anh biết đấy, tham khảo lẫn nhau, hợp tác với nhau, hoàn thiện lẫn nhau – anh cũng biết cái gì làm nên những thành quả vĩ đại đấy.”

“Tôi biết điều đó.”

“Thế thì anh nhận ra là…”

“Nếu các ngài muốn tôi thực hiện, các ngài sẽ phải để tôi làm tất cả, chỉ một mình tôi. Tôi không làm việc với các hội đồng.”

“Anh muốn từ chối cơ hội thế này sao, một kỳ tích trong lịch sử, một cơ hội vang danh toàn thế giới – về cơ bản có thể nói là một cơ hội để trở thành bất tử…”

Trong giới kiến trúc, có rất nhiều nhận xét giận dữ về việc Roark từ chối công trình. Người ta nói: “Tên vô lại cao ngạo!” Sự phẫn nộ này gay gắt và sống sượng quá mức có thể đem bàn trong các cuộc chuyện phiếm của giới kiến trúc; mỗi người tự coi nó như một sự lăng mạ với cá nhân; mỗi người đều tự cho rằng mình đủ khả năng để sửa chữa, khuyên bảo và hoàn thiện công việc của bất kỳ người nào.

“Việc này là một minh họa hoàn hảo cho bản chất bài xích xã hội trong cái chủ nghĩa duy ngã độc tôn[123]của ông Howard Roard; nó minh họa cho sự tự phụ của cái chủ nghĩa cá nhân phóng túng mà ông ta luôn là hiện thân.” Ellsworth Toohey viết.

Trong số tám người được chọn để thiết kế Hành trình của Những thế kỷ có Peter Keating, Gordon L. Prescott, Ralston Holcombe. “Tôi sẽ không làm việc với Howard Roark,” Peter Keating nói khi nhìn thấy danh sách hội đồng, “các ngài sẽ phải chọn, hoặc anh ta hoặc tôi.” Anh được thông báo rằng ông Roark đã từ chối đề nghị làm việc. Keating được giao quyền lãnh đạo hội đồng kiến trúc. Những câu chuyện đăng tải về tiến độ của công trình hội chợ này đề cập tới họ bằng cụm từ “Peter Keating và các cộng sự.”

Trong vài năm gần đây, Keating bắt đầu hình thành một thái độ hung hăng và bướng bỉnh. Anh ta quát lên khi ra lệnh và mất kiên nhẫn trước những khó khăn nhỏ nhất. Khi mất kiên nhẫn, anh gào thét với những người xung quanh. Anh có cả một kho những từ ngữ chua ngoa, quỷ quyệt, và hiểm độc để chửi rủa người khác; mặt mũi anh ta luôn sưng xỉa.

Mùa thu năm 1936, Roark chuyển văn phòng tới tầng trên cùng của tòa nhà Cord. Anh đã từng nghĩ khi anh thiết kế tòa nhà này rằng một ngày nào đó văn phòng của anh sẽ ở đó. Khi nhìn thấy dòng chữ “Howard Roark, Kiến trúc sư” khắc trên cánh cửa mới, anh dừng lại trong giây lát, rồi anh bước vào văn phòng. Phòng của riêng anh nằm ở cuối một dãy phòng dài và có ba mặt bao quanh bằng kính, cao bên trên thành phố. Anh dừng lại ở giữa phòng. Từ những khung cửa sổ rộng, anh có thể nhìn thấy nhà bách hóa Fargo, nhà Enright, khách sạn Aquitania. Anh bước tới những cửa sổ hướng về phía nam và đứng đó một lúc lâu. Ở chõm cuối của bán đảo Manhattan, tít tận phía xa, anh có thể nhìn thấy tòa nhà Dana mà Henry Cameron đã xây dựng.

Vào một chiều tháng Mười một, anh quay về văn phòng sau khi đi thăm công trình xây dựng nhà ở Long Island. Roark đi vào phòng lễ tân, rũ chiếc áo mưa ướt sũng, và anh nhìn thấy một sự kinh động bị kiềm chế trên nét mặt cô thư ký. Cô ta đang sốt ruột chờ anh về.

“Ông Roark, đây có lẽ là một hợp đồng rất lớn,” cô nói. “Tôi đã xếp lịch hẹn cho ông vào lúc ba giờ chiều mai. Tại văn phòng của ông ta.”

“Văn phòng của ai?”

“Ông ta gọi điện cách đây nửa giờ. Ngài Gail Wynand.”