Peter Keating nhìn ngắm các đường phố ở New York. Anh thấy mọi người ăn mặc vô cùng đẹp đẽ.
Anh dừng lại một chút trước tòa nhà trên Đại lộ Năm, nơi văn phòng của hãng Francon & Heyer và ngày làm việc đầu tiên đang chờ đợi anh. Anh nhìn những con người đang vội vã đi lướt qua mình. Bảnh bao – anh nghĩ – bảnh bao khủng khiếp. Anh ngán ngẩm liếc nhìn bộ quần áo của mình. Anh có rất nhiều thứ phải học ở New York.
Khi không thể trì hoãn thêm được nữa, Keating tiến đến cửa ra vào. Đó là một mái vòm kiểu Doric[18] thu nhỏ, từng xăng-ti-mét của nó được tính toán theo những tỷ lệ chính xác tuyệt đối mà các nhà thiết kế Hy Lạp cổ đại đã đặt ra[19]; giữa những cột đá cẩm thạch hoàn hảo là cái cửa quay lấp lánh những tấm niken, phản chiếu những dòng xe ô-tô vùn vụt ngang qua. Keating đi xuyên qua cái cửa quay, rồi qua hành lang cẩm thạch bóng loáng, đến một cái thang máy mạ vàng và sơn mài đỏ để lên tầng ba mươi. Anh tiến tới một cái cửa gỗ gụ. Anh nhìn thấy tấm biển đồng thau mảnh mai với những con chữ tinh xảo:
FRANCON & HEYER, KIẾN TRÚC SƯ.
Phòng lễ tân của Văn phòng kiến trúc Francon & Heyer trông như một phòng khiêu vũ tân thời và ấm cúng trong một biệt thự kiểu thực dân. Những bức tường trắng bạc được nối với nhau bởi những tấm trụ bổ tường phẳng; các trụ này có xẻ rãnh và uốn thành những hình xoắn ốc; chúng đỡ những trán tường nhỏ được tách thành hai phần, một phần có hình những nửa chiếc bình Hy Lạp ôm sát vào tường. Những hình khắc các ngôi đền Hy Lạp tô điểm thêm cho cả căn phòng – mặc dù những hình khắc này quá nhỏ để người ta có thể nhìn rõ chúng, nhưng chúng vẫn làm nổi bật những cái cột, những trán tường và những phiến đá ốp.
Mặc dù điều này thật phi lý nhưng kể từ lúc bước chân qua cửa, Keating có cảm giác anh đang đứng trên một băng chuyền. Cái băng chuyền ấy đưa anh đến chỗ người tiếp tân đang ngồi bên tổng đài điện thoại, phía sau hàng lan can trắng của một cái bệ vòng cung kiểu Floren. Tiếp đó, nó chuyển anh đến ngưỡng cửa của một phòng vẽ thiết kế lớn. Anh nhìn thấy những cái bàn dài và bằng phẳng, một rừng cần treo xoắn hạ từ trên trần nhà xuống, đầu này của những cái cần treo là những bóng đèn có ánh sáng xanh lá cây; những tập bản vẽ thiết kế khổng lồ, tầng tầng lớp lớp các ngăn kéo màu vàng, giấy tờ, hộp thiếc, gạch mẫu, hồ dán và những quyển lịch của các công ty xây dựng mà hầu hết đều có hình phụ nữ khỏa thân. Người kiến trúc sư trưởng sẵng giọng với Keating trong lúc gần như không thèm nhìn anh. Ông ta có vẻ vừa buồn chán lại vừa hưng phấn. Ông ta vẩy ngón tay cái về hướng phòng thay đồ, hất cằm về phía cửa một tủ để đồ và đứng gõ nhịp bằng gót và ngón chân; trong khi đó, Keating mặc một cái áo đồng phục bờ-lu màu ngọc trai xám lên cơ thể cứng đơ và lúng túng của mình. Francon đã khăng khăng chọn loại đồng phục đó. Cái băng chuyền dừng lại ở một chiếc bàn nằm trong góc phòng thiết kế. Tại đó Keating thấy mình đứng cạnh một bộ các bản vẽ mặt bằng cần được vẽ chi tiết. Cái lưng còm nhom của người vẽ thiết kế chính quay về phía Keating; anh ta rõ ràng là đã quên mất sự tồn tại của Keating.
Keating lập tức chúi mũi vào công việc; ánh mắt anh tập trung còn cổ họng thì cứng lại. Anh không nhìn cái gì khác ngoại trừ ánh sáng màu ngọc trai mờ của tấm giấy vẽ trước mặt mình. Những đường kẻ đều đặn mà anh vẽ làm chính anh ngạc nhiên, vì anh cảm thấy chắc chắn rằng bàn tay mình đang nghuệch ngoạc những nét zích-zắc qua lại trên tờ giấy. Anh cứ đi theo các đường kẻ mà không biết chúng dẫn đến đâu và tại sao. Anh chỉ biết rằng bản phác thảo này là một công trình vĩ đại của ai đó mà anh không bao giờ có thể chất vấn hoặc vươn lên ngang tầm. Keating băn khoăn không biết tại sao anh từng dám nghĩ rằng mình là một kiến trúc sư triển vọng.
Rất lâu sau đó, anh để ý thấy những nếp nhàu trên tấm áo đồng phục xám đang dính chặt vào hai bả vai của người ngồi bàn bên cạnh. Keating nhìn quanh mình, lúc đầu còn thận trọng, rồi sau đó là với cảm giác tò mò, liền đó là sự thích thú, và cuối cùng là sự khinh thường. Khi đạt đến trạng thái cuối cùng này, Peter Keating trở lại chính mình. Anh cảm thấy yêu mến đồng loại. Anh chú ý đến đôi má vàng vọt, cái mũi ngộ nghĩnh, một cái mụn cơm trên chiếc cằm lẹm và cái bụng dán chặt vào cạnh bàn. Anh yêu thích những hình ảnh này. Những gì mà những người thế kia có thể làm, anh cũng có thể làm được và sẽ làm tốt hơn. Anh mỉm cười. Peter Keating cần đồng loại.
Khi nhìn lại bản vẽ, anh thấy những lỗi thiết kế đang hiện rõ mồn một trên mặt bàn. Đây là thiết kế mặt bằng của một biệt thự và anh nhận thấy những hành lang xoắn xuýt đã cắt nát không gian thành các khoảng không vô nghĩa; tất cả dãy phòng dài, hình chữ nhật chắc chắn sẽ phải chịu cảnh thiếu ánh sáng. Lạy Chúa – Keating nghĩ – người ta chắc chắn sẽ đánh trượt mình với những lỗi thế này, ngay kỳ học đầu. Sau những giây phút này, anh tiếp tục công việc của mình một cách trôi chảy, dễ dàng, chuyên nghiệp – và vui vẻ.
Trước giờ ăn trưa, Keating đã làm quen với cả phòng; anh chưa có một người bạn cụ thể nào nhưng những nắm đất vô hình đã được vung ra, sẵn sàng cho tình bạn nảy nở trên đó. Anh đã mỉm cười với những đồng nghiệp xung quanh mình và nháy mắt đồng lõa với họ mà chẳng vì cái gì cụ thể. Anh đã tận dụng mỗi lần đi lấy nước ở bình lạnh để mơn trớn những người mà anh ta đi ngang qua với ánh mắt dịu dàng và vui vẻ. Đôi mắt sáng của anh dường như lần lượt nhấc từng người ra khỏi phòng, ra khỏi vũ trụ, như thể người đó là mẫu vật quan trọng nhất của nhân loại, và như thể người đó là người bạn thân thiết nhất của Keating. Một anh chàng thông minh và một đồng nghiệp tốt – có vẻ như đấy là những gì mà người ta nghĩ về Keating.
Keating chú ý đến một anh chàng cao, tóc vàng ở bàn bên cạnh; anh ta đang vẽ mặt đứng cho một tòa nhà văn phòng. Keating nghiêng người dựa vào vai của anh ta với sự tôn trọng thân mật và nhìn các vòng hoa nguyệt quế đắp nổi trên các trụ tường xẻ rãnh, cao tới ba tầng.
“Với một ông già thì vẽ thế cũng khá đấy chứ!” Keating nói với vẻ ngưỡng mộ.
“Ai cơ?” người kia hỏi.
“À, Francon,” Keating trả lời.
“Francon quái gì,” anh ta nói một cách bình thản. “Ông ta thậm chí không thiết kế đến một cái cũi chó từ tám năm này.” Anh ta vẩy ngón tay cái qua vai, hướng vào cái cửa kính đằng sau họ.
“Ông ta làm hết!”
“Cái gì?” Keating hỏi khi quay đầu ra sau.
“Ông ta!” cậu thanh niên nói. “Stengel. Ông ta làm tất cả những thứ này.”
Qua tấm kính, Keating nhìn thấy một đôi vai xương xẩu nhô lên phía trên mép bàn; một cái đầu nhỏ, hình tam giác, đang cúi xuống một cách chăm chú. Anh nhìn thấy hai đốm sáng trống trong những mắt kính hình tròn.
Vào cuối buổi chiều, một sự hiện diện dường như đánh thức tất cả các cửa phòng đóng kín và Keating biết qua những lời thì thầm quanh mình rằng Guy Francon đã đến văn phòng và đã vào phòng làm việc của ông ở tầng trên. Nửa tiếng sau, cánh cửa kính mở ra và Stengel bước ra. Một mớ bìa các tông lớn đong đưa giữa các ngón tay của ông ta.
“Này, cậu kia.” ông ta nói, đôi mắt kính dừng lại ở khuôn mặt của Keating. “Cậu đang vẽ cái này hả?” Ông ta lăn tấm bìa về phía trước. “Mang nó lên cho sếp duyệt đi. Cố mà lắng nghe những gì ông ta nói và cố mà tỏ ra thông minh. Đằng nào thì cả hai điều này đều chẳng quan trọng.”
Ông ta thấp và đôi tay dường như thõng xuống tận mắt cá chân; hai cánh tay đung đưa như những sợi dây trong ống tay áo dài; đôi bàn tay lớn và hiệu quả. Mắt Keating đanh lại, tối sầm lại; trong một phần mười giây, nó tụ lại thành một tia nhìn sắc lẻm vào hai mắt kính trắng. Sau đó Keating mỉm cười và nói một cách nhẹ nhàng: “Vâng, thưa ngài.”
Anh cầm tấm bìa bằng mười đầu ngón tay, đi lên cầu thang bọc vải màu đỏ thẫm để tới văn phòng của Guy Francon. Tấm bìa vẽ phác bằng màu nước một biệt thự bằng đá granit xám với ba lớp cửa sổ mái, năm ban công, bốn đoạn tường hõm, mười hai trụ nhà, một cột cờ và hai con sư tử ở lối vào. Ở góc tấm bìa, được viết tay rõ nét là dòng chữ: “Biệt thự của ông bà James S. Whattles. Francon & Heyer, Kiến trúc sư.” Keating khẽ huýt sáo: James S. Whattles là nhà triệu phú chuyên sản xuất kem cạo râu.
Văn phòng của Guy Francon được đánh xi. Không phải, Keating nghĩ, không phải được đánh xi mà là được đánh véc-ni; cũng không phải, không phải là được đánh véc-ni mà được phủ bằng dung dịch nung chảy từ các tấm gương. Anh nhìn thấy chính bóng của mình được tách rời ra như một đàn bướm, chúng bay theo anh ngang qua phòng, lướt trên các tủ gỗ Chippendale[20], qua những chiếc ghế kiểu thời vua James đệ nhất của Anh[21] rồi qua bệ lò sưởi kiểu vua Louis XV. Anh kịp để ý đến cả một bức tượng La Mã cổ đại thật ở góc phòng, các bức ảnh màu nâu đỏ vẽ đền Parthenon, nhà thờ lớn Rheims[22], cung điện Versailles và tòa nhà Ngân hàng quốc gia Frink với ngọn đuốc vĩnh cửu.
Anh thấy bóng đôi chân mình tiến thẳng lại phía mình từ cạnh của cái bàn lớn bằng gỗ gụ bóng loáng. Guy Francon ngồi phía sau bàn. Khuôn mặt ông vàng vọt còn đôi má thì hõm xuống. Trong một khoảnh khắc, ông nhìn Keating như thể ông chưa từng gặp anh, rồi ông nhớ ra và nở một nụ cười rộng rãi.
“Nào, nào, nào, Kittredge, chàng trai của tôi, đây rồi, vậy là mọi thứ đã an bài và chúng ta đã là một nhà! Rất vui được gặp anh. Ngồi xuống, cậu bé, ngồi xuống; anh có cái gì đây ? Nào, không phải vội, không phải vội. Ngồi xuống đi. Anh thấy ở đây thế nào?”
“Thưa ngài, tôi e là tôi quá vui mừng,” Keating nói với vẻ bất lực chân thành và hơi trẻ con. “Tôi nghĩ là tôi có thể tỏ ra chuyên nghiệp trong công việc đầu tiên của mình, nhưng bắt đầu ở một nơi như thế này thì... tôi đoán là tôi hơi sốc một chút... Tôi sẽ vượt qua được điều này, thưa ngài,” anh hứa hẹn.
“Tất nhiên rồi,” Guy Francon nói. “Chắc là hơi choáng ngợp đối với một chàng trai, hơi một chút thôi. Nhưng đừng lo. Tôi đảm bảo là anh sẽ làm tốt.”
“Tôi sẽ cố hết sức mình, thưa ngài.”
“Tất nhiên là vậy. Xem họ gửi cho tôi cái gì nào?” Francon với tay đến ngăn kéo bàn, nhưng rồi ngón tay ông ta lại dừng lại một cách ẻo lả trên trán. “Thật bực mình với cái bệnh đau đầu này... Không, không, không có gì nghiêm trọng – “ông mỉm cười trước sự quan tâm tức thì của Keating - chỉ là một chút váng vất thôi. Làm việc quá vất vả ấy mà.”
“Liệu tôi có thể lấy cho ngài cái gì không, thưa ngài?”
“Không, không, cảm ơn anh. Không phải lấy cho tôi; giá mà anh có thể lấy đi cho tôi thì tốt.” Ông ta nháy mắt. “Sâm banh. Anh biết đấy; loại sâm banh tối hôm qua của họ không đáng một xu. Tôi chả bao giờ thích sâm banh. Để tôi nói cho anh biết nhé, Kittredge, hiểu biết về rượu rất quan trọng; chẳng hạn khi anh mời một khách hàng ăn tối và anh muốn đảm bảo rằng anh gọi món một cách hợp lý. Tôi sẽ nói cho anh một bí mật nghề nghiệp. Chẳng hạn như món chim cút. Hầu hết mọi người sẽ gọi rượu vang đỏ Burgundy với món này. Anh sẽ làm gì nào? Anh gọi Clos Vougeot 1904. Thấy không? Chỉ thêm có một chi tiết đó thôi. Vừa đúng mốt, lại vừa sáng tạo. Ta phải luôn sáng tạo... Tiện thể, ai cử anh lên đây vậy?”
“Ông Stengel, thưa ngài.”
“Ồ, Stengel.” Cái ngữ điệu mà Francon dùng để gọi Stengel lóe lên trong đầu Keating như một tia chớp: tia chớp ấy mách bảo anh rằng anh phải lưu thông tin này – chúng sẽ có ích về sau. “Ông ta quá vĩ đại để tự mình mang bản vẽ xuống hả? Anh nhớ đấy, ông ta là nhà thiết kế giỏi, nhà thiết kế giỏi nhất ở thành phố New York, nhưng gần đây ông ta bắt đầu trở nên hơi tự phụ rồi đấy. Ông ta nghĩ ông ta là người duy nhất làm việc ở đây, chỉ vì ông ta bôi bôi trát trát quanh bàn vẽ suốt cả ngày. Rồi anh sẽ thấy, chàng trai, khi nào anh kinh doanh lâu hơn, anh sẽ nghiệm ra rằng công việc thực thụ của một văn phòng được thực hiện bên ngoài những bức tường của nó. Ví dụ như tối hôm qua. Bữa tiệc của Hiệp hội Bất động sản Clarion. Hai trăm khách – bữa tối và sâm banh – phải, sâm banh!” Ông chun mũi đầy cảnh vẻ như tự giễu cợt mình. “Chỉ cần vài lời phát biểu không chính thức sau bữa ăn, anh biết đấy, không cần rùm beng, không phải là kiểu quảng cáo bán hàng thô bạo – chỉ là một vài quan điểm khéo chọn về trách nhiệm của người môi giới bất động sản đối với xã hội, về tầm quan trọng của việc lựa chọn các kiến trúc sư có năng lực, được kính trọng và thành đạt. Anh biết đấy chỉ cần một vài câu khẩu hiệu nho nhỏ, dễ nghe, mà người ta có thể nhớ lâu.”
“Vâng, thưa ngài, kiểu như câu ‘Hãy chọn người xây nhà như lựa chọn cô dâu để chung sống trong ngôi nhà đó’.”
“Không tồi. Không tồi chút nào, Kittredge. Tôi có thể ghi lại câu này được không?”
“Tên tôi là Keating, thưa ngài,” Keating nói chắc chắn. “Ngài cứ tùy nghi sử dụng. Tôi rất vui vì ngài thích nó.”
“Keating, tất nhiên rồi! Đúng thế, tất nhiên rồi, Keating,” Francon nói với một nụ cười cầu hòa. “Tội nghiệp tôi, gặp nhiều người quá đấy mà. Anh nói như thế nào nhỉ? Hãy chọn người xây nhà... câu này rất hay.”
Ông để Keating nhắc lại và ghi chép câu nói đó vào một tập giấy bằng một cái bút chì lấy từ hộp để bút trước mặt mình – những cái bút chì mới nhiều màu, được vót nhọn đến mức chuyên nghiệp, sẵn sàng để sử dụng nhưng không hề được sử dụng.
Sau đó ông đẩy tập giấy sang bên, thở hắt ra, rồi vuốt những sóng tóc mượt mà của mình và nói một cách mệt mỏi:
“Được rồi, đằng nào tôi cũng phải xem cái này.”
Keating đưa tấm bìa một cách kính cẩn. Francon ngả người ra phía sau. Ông để tấm bìa cách xa ông cả một cánh tay và nhìn nó. Ông nhắm mắt trái, rồi mắt phải, rồi di chuyển tấm bìa xa thêm một chút nữa. Keating bỗng có cái hy vọng bất thần rằng Francon sẽ lộn ngược bản vẽ. Nhưng Francon chỉ cầm nó và Keating chợt nhận ra rằng ông đã thôi không nhìn bản vẽ từ lâu rồi. Francon đang nghiên cứu nó chính vì lợi ích của anh, lợi ích của Keating. Khi nhận ra điều này, lập tức Keating cảm thấy người anh nhẹ bỗng, nhẹ bỗng như không khí và anh thấy con đường tương lai của mình trở nên rõ ràng và rộng mở.
“Hừm... được,” Francon vừa nói vừa xoa cằm bằng hai đầu ngón tay mềm mại. “Hừm... được...”
Ông ta quay về phía Keating.
“Không tồi,” Francon nói. “Không tồi chút nào... phải... có lẽ là... nó đã có thể đặc biệt hơn, anh biết đấy, nhưng... được, bản vẽ được làm rất tốt... Anh nghĩ sao hả Keating?”
Keating nghĩ đến bốn cửa sổ đối diện với bốn cột đá granit khổng lồ. Nhưng anh nhìn các ngón tay của Francon đang mân mê cái cà-vạt đeo cổ màu hoa cà sẫm và quyết định không đề cập đến điều này. Thay vào đó, anh nói:
“Nếu tôi có thể đưa ra một gợi ý, thì thưa ngài, theo tôi dường như là các hình ô van ở giữa tầng bốn và tầng năm có phần quá khiêm tốn đối với một tòa nhà bề thế như vậy. Có lẽ một dãy họa tiết đắp nổi sẽ phù hợp hơn nhiều.”
“Chính thế. Tôi vừa định nói vậy. Một dãy họa tiết đắp nổi... Nhưng... nhưng nhìn này, nó sẽ thu nhỏ các cửa sổ lại, phải không?”
“Vâng,” Keating nói với vẻ khiêm tốn mà anh ta thường sử dụng khi thảo luận với các bạn tại lớp học, “nhưng các cửa sổ không quan trọng bằng sự bề thế của mặt tiền tòa nhà.”
“Đúng vậy. Sự bề thế. Trên tất thảy, chúng ta phải đem lại cho khách hàng sự bề thế. Hoàn toàn đúng, phải là một dãy họa tiết đắp nổi... Nhưng... nhìn này, tôi đã duyệt các bản vẽ sơ bộ rồi và Stengel đã vẽ bản phác này rất tốt.”
“Ông Stengel sẽ vui lòng thay đổi nó nếu ngài bảo ông ta làm như vậy.”
Francon nhìn vào mắt Keating một lúc. Sau đó, mi mắt của Francon hạ xuống và ông nhặt một sợi xơ vải khỏi ống tay áo của mình.
“Tất nhiên, tất nhiên...” ông yếu ớt phản đối “Nhưng... anh có nghĩ là một dãy họa tiết đắp nổi là thật sự quan trọng không?”
“Tôi nghĩ là,” Keating chậm rãi nói, “sửa đổi những gì ngài thấy cần sửa quan trọng hơn việc phê duyệt bất cứ bản vẽ nào, chỉ vì ông Stengel là người vẽ.”
Vì Francon không nói gì cả, mà chỉ nhìn thẳng vào anh, vì ánh mắt của Francon rất chăm chú còn đôi bàn tay thì thả lỏng, nên Keating biết rằng mình đã hết sức mạo hiểm – và đã thắng; anh thấy sợ hãi vì đã mạo hiểm, nhưng anh chỉ sợ hãi sau khi anh biết mình đã thắng.
Họ lặng lẽ nhìn nhau qua bàn làm việc và cả hai đều biết họ có thể hiểu nhau.
“Chúng ta sẽ làm dãy họa tiết đắp nổi.” Francon nói một cách bình tĩnh và nghiêm trang. “Cứ để cái này ở đây. Bảo Stengel rằng tôi muốn gặp ông ta.”
Keating quay người đi ra. Francon ngăn anh lại. Giọng của Francon vui vẻ và ấm áp:
“Này, Keating, tiện thể, tôi có một gợi ý được không? Chỉ giữa hai chúng ta thôi nhé, và tôi không hề có ý xúc phạm, nhưng một cái cà-vạt màu gụ sẽ hợp hơn với áo đồng phục xám của anh, anh có nghĩ vậy không?”
“Vâng, thưa ngài,” Keating nói một cách thoải mái. “Cảm ơn ngài. Ngài sẽ thấy nó vào ngày mai.”
Anh bước ra ngoài và nhẹ nhàng đóng cửa lại.
Trên đường quay trở về, xuyên qua phòng tiếp tân, Keating nhìn thấy một người đàn ông hào hoa có mái tóc muối tiêu đang hộ tống một quý bà đến cửa ra vào. Người đàn ông không đội mũ và rõ ràng là người của văn phòng; còn người phụ nữ kia mặc một áo choàng không tay bằng lông chồn; bà ta rõ ràng là một khách hàng.
Người đàn ông không hề cúi gập mình xuống đất, ông ta không hề trải thảm, mà ông ta cũng không hề phe phẩy cái quạt nào trên đầu người phụ nữ; ông ta chỉ mở cửa cho bà ta. Vậy mà với Keating, dường như người đàn ông kia đã làm tất cả những động tác ấy.
*
* *
Tòa nhà Ngân hàng Quốc gia Frink nổi lên trên khu hạ Manhattan. Cái bóng dài của nó cũng di chuyển khi mặt trời chuyển dịch trên bầu trời, giống như một chiếc kim đồng hồ khổng lồ đi ngang qua những khu chung cư bụi bặm, từ nhà Aquarium[23] đến cầu Manhattan. Khi mặt trời lặn, ngọn đuốc của Lăng Hadrian lóe lên và tạo thành những đốm sáng màu đỏ rực rỡ trên mặt kính của cửa sổ trong vòng bán kính vài dặm quanh nó và trên các tầng chóp của các tòa nhà đủ cao để phản chiếu nó. Tòa nhà Ngân hàng Quốc gia Frink thể hiện toàn bộ lịch sử của nghệ thuật La Mã cổ đại với những kiểu mẫu được lựa chọn cẩn thận. Trong một thời gian dài, nó được coi là tòa nhà đẹp nhất thành phố vì không có bất kỳ kiến trúc nào khác có thể khoe khoang rằng nó chứa nhiều phong cách kiến trúc hơn Frink. Nó có quá nhiều cột, trán tường, trụ ngạch, tháp ba chân, tượng đấu sĩ, bình và trang trí xoắn ốc; vì thế tòa nhà trông như thể không phải được xây dựng bằng đá cẩm thạch trắng mà được bóp ra từ một tuýp bột nhão. Tuy nhiên, nó đúng là được làm từ đá cẩm thạch trắng. Không ai biết điều này ngoại trừ người đã trả tiền để làm ra nó. Bây giờ nó có màu vằn vện, bẩn thỉu và sần sùi, không phải màu nâu cũng chẳng phải màu xanh lá cây mà là sự kết hợp tồi tệ nhất của hai màu này, màu của sự hư hoại dần dần, màu của khói, của khí thải và axit đang ăn mòn lớp đá tinh tế vốn chỉ phù hợp với không khí trong lành và đồng quê thoáng đãng. Dẫu vậy, tòa nhà Ngân hàng Quốc gia Frink vẫn là một thành công vĩ đại. Nó là một thành công vĩ đại đến nỗi nó là kiến trúc cuối cùng mà Guy Francon từng thiết kế; danh tiếng của nó khiến ông không bao giờ còn phải mó tay vào thiết kế nữa.
Cách Ngân hàng Quốc gia Frink ba dãy phố về phía đông là tòa nhà Dana. Nó thấp hơn một số tầng và chẳng có bất kỳ tiếng tăm nào. Những đường thẳng của nó cứng cỏi, giản đơn; chúng phô bày và nhấn mạnh sự hài hòa của kết cấu thép bên trong, như một cơ thể phô bày sự hoàn hảo của những đốt xương của mình. Nó không có các họa tiết trang trí nào. Nó không thể hiện cái gì ngoại trừ sự chính xác của những góc nhọn, ngoài sự mẫu mực của các mặt phẳng; ngoài những đường sọc dài của các cửa sổ – trông giống như những dòng nước đá chạy dọc từ mái nhà xuống hè phố. Người dân New York hiếm khi nhìn ngắm tòa nhà Dana. Đôi khi, một du khách thôn quê hiếm hoi bất chợt nhìn thấy tòa nhà dưới ánh sáng trăng; anh ta dừng lại và băn khoăn không biết cảnh tượng này đến từ giấc mơ nào. Nhưng những vị khách như vậy vô cùng hiếm hoi. Những người sống trong nhà Dana nói rằng họ sẽ không đánh đổi nó lấy bất cứ một tòa nhà nào trên mặt đất; họ đánh giá cao ánh sáng, không khí, vẻ đẹp lô-gíc trong việc bố trí hành lang và văn phòng của Dana. Nhưng số người thuê tòa nhà Dana không nhiều; không một người nổi tiếng nào muốn công việc kinh doanh của họ bị đặt ở tòa nhà trông “như một nhà kho.”
Tòa nhà DanaBuilding do Henry Cameron thiết kế.
Vào những năm 1880, các kiến trúc sư New York tranh nhau ngôi vị thứ hai trong ngành kiến trúc. Không ai dám mơ tưởng vị trí thứ nhất. Vị trí thứ nhất do Henry Cameron giữ. Thật khó mà với tới Henry Cameron vào thời đó. Ông có danh sách khách hàng chờ thiết kế trước hai năm; ông tự tay vẽ mọi bản vẽ thiết kế mà văn phòng mình nhận làm. Ông chọn lựa những gì ông muốn xây. Khi ông xây, khách hàng phải ngậm miệng. Ông đòi hỏi ở mọi người một thứ mà ông không bao giờ trao cho bất kỳ ai: sự tuân phục. Ông trải qua những năm tháng nổi danh như một quả tên lửa bay đến một mục tiêu mà không ai có thể đoán được. Người ta bảo ông điên. Nhưng họ chấp nhận những gì ông làm cho họ dù họ có hiểu nó hay không. Họ chấp nhận vì nó là tòa nhà được xây “bởi Henry Cameron.”
Ban đầu, những tòa nhà của Henry Cameron chỉ hơi khác biệt một chút – chúng không đủ để làm người ta sợ hãi. Thỉnh thoảng ông làm những thử nghiệm gây sửng sốt, nhưng mọi người đều đã chờ đợi trước điều này và chẳng ai lại tranh cãi với Henry Cameron. Nhưng rồi một cái gì đó cứ lớn lên trong ông cùng với mỗi tòa nhà mới; nó trăn trở, định hình và dâng lên dần thành một sự bùng nổ. Sự bùng nổ ấy đến cùng với sự ra đời của các tòa nhà chọc trời. Khi các tòa nhà bắt đầu mọc lên không phải theo kiểu những tòa nhà chia tầng bằng vữa nặng nề mà như những mũi tên thép bắn thẳng lên trời cao, bất chấp trọng lượng hoặc giới hạn, thì Henry Cameron là một trong số những người đầu tiên hiểu được sự thần kỳ này, đồng thời tạo hình cho nó. Ông là một trong những người đầu tiên và hiếm hoi chấp nhận thực tế là một tòa nhà cao thì trông phải cao. Trong khi các kiến trúc sư nguyền rủa và băn khoăn không biết làm thế nào để cho một tòa nhà hai mươi tầng trông như một biệt thự gạch cổ điển, trong khi họ sử dụng mọi thứ định dạng hàng ngang sẵn có nhằm đánh lừa cảm giác về chiều cao của tòa nhà, để thu ngắn tòa nhà xuống theo kiểu truyền thống, để che giấu sự xấu hổ của lớp cốt thép, để làm cho nó nhỏ nhắn, an toàn và cổ kính – thì Henry Cameron thiết kế các tòa nhà chọc trời với các đường thẳng đứng, khoe khoang lớp sắt thép và độ cao của chúng. Trong khi các kiến trúc sư vẽ các trụ ngạch và trán tường cổ điển, thì Henry Cameron quyết định rằng các tòa nhà chọc trời không được sao chép kiến trúc Hy Lạp. Henry Cameron quyết định rằng không một tòa nhà nào được sao chép từ tòa nhà nào.
Lúc đó ông 39 tuổi, thấp, chắc nịch, lôi thôi; ông làm việc như một con trâu[24], quên ăn quên ngủ, uống rất ít nhưng rồi uống như hũ chìm; ông gọi khách hàng của mình bằng những cái tên không thể viết ra được; ông cười lớn vào tính đố kỵ của người khác và cố tình kích thích nó; ông xử sự như một nhà quý tộc thời phong kiến đồng thời lại như một người bốc vác ở bờ biển; ông sống trong sự căng thẳng của đam mê – một thứ căng thẳng như một mũi kim chích vào mọi người ở bất cứ căn phòng nào ông bước vào – một thứ lửa mà cả ông lẫn họ đều không thể chịu đựng lâu. Đó là năm 1892.
Nhà triển lãm Columbia tại Chicago mở cửa vào năm 1893.
Công trình kiến trúc La Mã 2000 tuổi này tọa lạc bên bờ hồ Michigan – một thứ kiến trúc La Mã được cải tiến bằng cách chắp vá thêm phong cách Pháp, Tây Ban Nha, Athens và mọi phong cách ra đời sau đó. Nó là “Thành phố mơ ước” của cột, khải hoàn môn, hồ nước, vòi phun nước pha lê và bỏng ngô. Các kiến trúc sư của nó cạnh tranh xem ai có thể ăn cắp tài tình nhất từ các các kiến trúc cổ xưa, cũng như ai là người đồng thời ăn cắp được nhiều phong cách kiến trúc nhất. Khu triển lãm phơi bày trước mắt người ta tất cả những tội ác kiến thiết mà nhân loại từng phạm phải. Một công trình trắng toát như một thứ bệnh dịch và cũng hoành tráng như một thứ bệnh dịch[25].
Người ta đến, chiêm ngưỡng, sững sờ và mang những hạt giống ý tưởng mà họ nhìn thấy từ công trình này đến các thành phố của Hoa Kỳ. Những hạt giống đã nảy mầm thành cỏ dại; chúng phát triển thành những trạm bưu điện ốp ván với những mái vòm kiểu Doric, những biệt thự bằng gạch với trán tường sắt, những chuồng chim được làm bởi mười hai đền parthenon lần lượt xếp chồng lên mái của nhau. Cỏ dại cứ thế lớn lên và ăn lấn mọi thứ khác.
Henry Cameron đã từ chối làm việc cho Triển lãm Columbia và gọi nó bằng những cái tên không thể in lên mặt báo nhưng có thể truyền miệng cho nhau, mặc dù chỉ trong những đám đông nhất định. Sự thật là chúng đã được truyền miệng lại. Người ta cũng truyền nhau rằng ông đã ném một lọ mực vào mặt một chủ nhà băng nổi tiếng khi người này yêu cầu ông thiết kế một ga tàu hỏa phỏng theo đền thờ Diana[26] ở Ephesus. Ông chủ nhà băng đó không bao giờ quay trở lại. Có những người khác cũng không bao giờ quay trở lại.
Chính vào lúc Henry Cameron đạt đến cái đích của những năm tháng tranh đấu lâu dài, chính vào lúc ông định hình được cái chân lý mà ông kiếm tìm, thì thanh rào chắn cuối cùng đã đóng sập trước mặt ông. Nước Mỹ non trẻ đã dõi theo trận chiến của ông, đã băn khoăn, đã bắt đầu chấp nhận sự vĩ đại mới mẻ trong những công trình của ông. Nhưng rồi chính đất nước ấy cũng đã quăng mình trở lại 2000 năm, quăng mình trở lại với chủ nghĩa Cổ điển và vì thế mà không dành chỗ nào cho ông và không dùng ông nữa.Người ta không còn cần phải thiết kế các tòa nhà nữa, người ta chỉ cần sao chụp lẫn nhau; kiến trúc sư với thư viện tốt nhất trở thành kiến trúc sư giỏi nhất. Những kẻ bắt chước lại sao chép những tác phẩm bắt chước. Hậu thuẫn cho sự sao chép ấy – đã có Văn hóa, đã có hai mươi thế kỷ phơi bày trong các tàn tích kiến trúc; đã có nhà triển lãm Columbia vĩ đại; đã có những bưu thiếp châu Âu mà album gia đình nào cũng giữ.
Henry Cameron chẳng có gì để chống lại điều này; chẳng có gì ngoài một niềm tin mà ông giữ bởi vì nó là niềm tin của chính ông. Ông không có ai để trích dẫn và không có điều gì thực sự quan trọng để nói. Ông chỉ nói rằng hình dạng của một tòa nhà phải tuân theo chức năng của nó; rằng cấu trúc của một tòa nhà là chìa khóa cho vẻ đẹp của nó; rằng các phương pháp xây dựng mới đòi hỏi những mô hình kiến trúc mới; rằng ông chỉ muốn xây theo ý mình và chỉ theo ý mình mà thôi. Nhưng người ta không thể lắng nghe ông khi mà họ đang thảo luận về Vitruvius, Michelangelo và Ngài Christopher Wren.
Con người căm thù sự đam mê, bất kỳ sự đam mê vĩ đại nào. Henry Cameron đã mắc sai lầm: ông say mê công việc của mình. Đó là lý do tại sao ông đấu tranh. Đó là lý do tại sao ông thất bại.
Người ta nói rằng ông chẳng bao giờ biết rằng mình đã thua. Nếu ông biết, ông đã không để họ thấy. Khi các khách hàng trở nên hiếm hoi hơn, cách cư xử của ông đối với họ càng trở nên độc đoán hơn. Khi tên tuổi của ông càng kém uy tín đi, thì cái giọng mà ông dùng để gọi tên mình càng kiêu ngạo hơn. Ông từng có một người quản lý rất sắc sảo, một người đàn ông bé nhỏ sắt đá, nhẹ nhàng và kín đáo, người mà, vào thời kỳ huy hoàng của ông, lặng lẽ đối diện với những cơn bão giận dữ của Cameron và đem khách hàng đến cho ông; Cameron xúc phạm khách hàng, nhưng người đàn ông nhỏ bé đã làm cho họ chấp nhận điều này và quay trở lại. Người đàn ông nhỏ bé đó đã chết.
Cameron chưa từng biết cách đối mặt với con người. Họ không quan trọng đối với ông, như chính cuộc đời ông cũng chẳng quan trọng, như chẳng có gì quan trọng ngoại trừ các tòa nhà. Ông chưa từng học cách giải thích mà chỉ biết ra lệnh. Ông chưa bao giờ được yêu quý. Ông chỉ được mọi người sợ. Giờ thì chẳng còn ai sợ ông nữa.
Người ta để cho ông sống. Sống để ghê tởm những con đường của cái thành phố mà ông từng mơ ước xây dựng lại nó. Sống để ngồi bên cái bàn làm việc trong văn phòng trống rỗng của mình, bất động, không việc làm và chờ đợi. Sống để đọc trong một tờ báo đáng kính nào đó, một bài viết đầy ẩn ý có nhắc đến “thời hậu Henry Cameron.” Sống để bắt đầu uống rượu, lặng lẽ, liên tục, kinh khủng, đôi khi suốt đêm ngày; và để nghe chính những kẻ đã đẩy ông đến hoàn cảnh này nói – khi có ai đó nêu tên ông cho một cuộc đấu thầu xây dựng – rằng: “Cameron ư? Lẽ ra tôi không nên nói. Ông ta uống như hũ chìm. Đó là lý do tại sao ông ta không bao giờ tìm được bất kỳ công việc nào.” Ông sống để chuyển từ những văn phòng chiếm tới ba tầng lầu của một tòa nhà nổi tiếng tới một tầng lầu trên một đường phố rẻ tiền hơn, rồi đến một căn nhà xa trung tâm thành phố, rồi đến ba phòng nhìn ra một ống thông gió cạnh đường hầm Battery. Ông chọn những căn phòng này vì khi dán mặt vào cửa sổ văn phòng ông có thể nhìn thấy, phía trên một bức tường gạch, đỉnh của tòa nhà Dana.
Howard Roark nhìn tòa nhà Dana qua cửa sổ; anh dừng lại ở mỗi chiếu nghỉ cầu thang khi anh leo sáu tầng gác để lên văn phòng của Henry Cameron. Thang máy không hoạt động. Các bậc thang được sơn một màu xanh lá cây bẩn thỉu cũ kỹ; nước sơn vỡ ra dưới đế giày thành những vụn nhỏ tơi tả. Roark nhanh nhẹn đi lên cầu thang như thể anh có một cuộc hẹn; một tập bản vẽ kẹp dưới cánh tay anh, ánh mắt anh vẫn nhìn về tòa nhà Dana. Một lần, anh đâm sầm vào một người đàn ông đang đi xuống cầu thang; điều này thường xảy ra với anh trong hai ngày vừa qua; anh đã đi bộ dọc theo các đường phố của New York, đầu ngoái ra sau và chẳng chú ý đến cái gì khác ngoại trừ các tòa nhà.
Trong bóng tối phòng tiếp khách của văn phòng Cameron có một cái bàn với một cái điện thoại và một chiếc máy chữ. Một người đàn ông tóc hoa râm ngồi bên bàn. Ông ta gầy giơ xương; ông ta mặc áo sơ mi và một chiếc quần có hai dây treo lỏng lẻo trên vai. Ông ta đang chăm chú đánh máy các thông số kỹ thuật bằng hai ngón tay và với tốc độ không thể tin nổi. Cái bóng đèn lờ mờ tạo thành một luồng ánh sáng vàng vọt trên lưng ông ta, nơi mà cái áo sơ mi ẩm ướt dính chặt vào hai bả vai.
Người đàn ông chậm rãi ngẩng đầu lên khi Roark bước vào. Ông ta nhìn Roark, chẳng nói chẳng rằng và chờ đợi; đôi mắt già nua của ông ta mệt mỏi, vô cảm, vô tâm.
“Tôi muốn gặp ông Cameron,” Roark nói.
“Thế hả?” người đàn ông nói không ra ý phản bác, xúc phạm hay bất kỳ ý nghĩa gì. “Về chuyện gì?”
“Về việc làm.”
“Việc gì?”
“Vẽ thiết kế.”
Người đàn ông ngồi ngây ra nhìn anh. Đây là một yêu cầu mà đã lâu rồi ông ta không còn nghe thấy nữa. Cuối cùng ông ta đứng dậy, chẳng nói một lời. Ông ta lê bước đến cái cửa ở sau lưng và bước vào.
Ông ta để cánh cửa khép hờ. Roark nghe ông ta nói với giọng lè nhè: “Thưa ông Cameron, ngoài kia có một anh chàng nói rằng anh ta muốn tìm việc làm ở đây.”
Sau đó là một giọng trả lời – một giọng mạnh mẽ và rõ ràng, không thể hiện dấu ấn tuổi tác: “Cái gì cơ, một thằng ngu! Tống cổ nó đi... Khoan đã! Cứ cho nó vào!”
Người đàn ông quay lại, để cửa mở và lẳng lặng hất đầu về phía cửa.
Roark bước vào. Cánh cửa đóng lại sau lưng anh.
Henry Cameron ngồi tại bàn làm việc ở cuối căn phòng dài và trống rỗng. Ông ngồi chúi về phía trước, khuỷu tay đặt trên bàn, hai bàn tay đan lại trước mặt. Tóc và râu ông có màu đen nhánh xen lẫn những sợi thô, trắng. Các bắp thịt ở cổ ông ngắn và dày; chúng nổi lên như những sợi dây thừng. Ông mặc một cái áo sơ mi trắng, tay áo gấp lên đến tận khuỷu; cánh tay trần màu nâu cứng cỏi, nặng nề. Các thớ thịt trên khuôn mặt bành bạnh của ông đanh lại, như thể sức ép làm cho chúng già đi. Hai con mắt đen, trẻ trung và sống động.
Roark đứng ở ngưỡng cửa và họ nhìn nhau qua căn phòng dài.
Ánh sáng từ lỗ thông gió mang một màu xám đục. Trong khi đó lớp bụi phủ đầy trên bàn thiết kế và trên một vài tập hồ sơ màu xanh lá cây thì trông như những tinh thể pha lê mờ được lắng xuống bởi ánh sáng. Nhưng trên tường, giữa các cửa sổ, Roark nhìn thấy một bức tranh. Nó là bức tranh duy nhất trong phòng. Đó là bản vẽ một tòa nhà chọc trời chưa từng được xây dựng.
Ánh mắt của Roark di chuyển trước và chúng di chuyển về phía bức vẽ. Anh đi ngang qua văn phòng, dừng lại trước bản vẽ và đứng nhìn nó. Ánh mắt của Cameron dõi theo anh, một cái lườm nặng nề, như một cái kim dài và mảnh được giữ chặt một đầu, còn đầu kia vẽ nên một vòng tròn chậm rãi, rồi châm và ghim thật chặt vào cơ thể Roark. Cameron nhìn mái tóc màu vàng cam và cái bàn tay đang buông cạnh sườn của anh ta – lòng bàn tay mở ra, hướng về bản vẽ, các ngón tay hơi cong lại; chúng bị bỏ quên khi người chủ của nó định làm động tác đón bắt hoặc giữ chặt một cái gì đó.
“Thế nào?” cuối cùng Cameron cất tiếng. “Cậu đến gặp tôi hay là đến để xem tranh?”
Roark quay về phía ông.
“Cả hai,” Roark nói.
Anh bước về phía cái bàn. Mọi người luôn bị mất cảm giác về sự tồn tại của mình trước mặt Roark; nhưng Cameron đột ngột cảm thấy rõ ràng về sự tồn tại của mình, như ông đang thấy trong đôi mắt đang nhìn vào ông.
“Cậu muốn gì?” Cameron cáu kỉnh.
“Tôi muốn làm việc cho ông,” Roark nhẹ nhàng đáp lại. Cái giọng ấy đã nói: “Tôi muốn làm việc cho ông.” Nhưng âm điệu của cái giọng ấy lại nói: “Tôi sẽ làm việc cho ông.”
“Cậu sẽ?” Cameron nói mà không nhận ra rằng ông đã trả lời cái câu hỏi không được tuyên bố kia. “Có chuyện gì vậy? Không ai nổi tiếng hơn hay giỏi hơn tôi nhận cậu à?”
“Tôi không nộp hồ sơ cho ai khác.”
“Tại sao không? Có phải cậu nghĩ đây là chỗ dễ dàng nhất để bắt đầu? Cậu nghĩ rằng bất kỳ ai cũng có thể đi vào đây mà không gặp trở ngại hả? Cậu có biết tôi là ai không?”
“Có. Đó là lý do tại sao tôi đến đây.”
“Ai giới thiệu cậu đến đây?”
“Chẳng ai cả.”
“Cậu chọn tôi vì cái chó chết gì?”
“Tôi nghĩ là ông biết điều đó.”
“Cái chó gì làm cậu tin rằng tôi cần cậu? Có phải cậu cho rằng tôi quá túng quẫn đến mức tôi phải mở cửa chào đón bất kỳ thằng vô lại nào đến làm việc cho tôi? Có phải cậu tự nói với mình rằng ‘Ôi lão già Cameron, lão là đồ hết thời,... đồ nát rượu...’ nào, cậu đã nói thế... ‘một kẻ thất bại nát rượu chẳng thể nào kén chọn được!’ Có đúng vậy không?... Nào, nói đi đi! Nói đi, đồ chết tiệt! Cậu đang nhìn cái gì đấy? Có đúng vậy không? Nói đi! Cứ chối đi xem nào!”
“Không cần thiết.”
“Trước đây cậu đã làm ở đâu?”
“Tôi mới chỉ bắt đầu.”
“Cậu đã làm được gì?”
“Tôi học ba năm ở Stanton.”
“Ra thế? Quý ngài đây lười đến nỗi không buồn học xong cơ à?”
“Tôi bị đuổi học.”
“Tuyệt vời!” Cameron đấm tay xuống bàn và cười phá ra “Hoành tráng quá nhỉ! Cậu không đủ tốt đối với cái đám chấy rận ở Stanton, nhưng mà cậu sẽ làm việc cho Henry Cameron cơ đấy! Ngài đây nghĩ rằng chỗ này là chỗ chứa đồ phế thải! Tại sao họ lại tống cổ ngài ra thế? Vì rượu? Vì gái? Hay vì cái gì?”
“Vì những cái này,” Roark nói và chìa các bản vẽ của mình ra.
Cameron nhìn bản vẽ đầu tiên, rồi bản tiếp theo rồi tất cả mọi bản vẽ, cho đến tận bức dưới cùng trong tập giấy. Roark nghe tiếng giấy sột soạt khi Cameron lật hết tờ này đến tờ khác. Rồi Cameron ngẩng đầu lên.
“Ngồi xuống.”
Roark vâng lời. Cameron nhìn anh chăm chú, những ngón tay mập mạp của ông gõ nhịp trên tập bản vẽ.
“Cậu nghĩ là chúng đẹp lắm hả?” Cameron hỏi. “Hừm, chúng thật kinh tởm. Không thể diễn tả nổi. Đó là tội ác. Nhìn này,” ông ném một bản vẽ vào mặt Roark, “Nhìn đi. Ý tưởng của cậu là gì vậy? Cái quái gì đã làm cậu quyết định nhét cái bản vẽ đó vào đây? Có phải chỉ vì cậu muốn có cái gì đèm đẹp, nên cậu phải gom góp tất cả những thứ cậu có? Cậu nghĩ cậu là ai cơ chứ? Vì Chúa, cậu nghĩ cậu là Guy Francon à?... Nhìn tòa nhà này đi, đồ ngu! Cậu có ý tưởng như thế này mà cậu lại không biết phải làm gì với nó cả! Cậu nghĩ ra một thứ tuyệt vời và cậu phải phá tan nó! Cậu có biết cậu còn phải học nhiều lắm không?”
“Có. Đó là lý do tại sao tôi đến đây.”
“Và nhìn cái kia xem! Tôi ước là tôi đã vẽ được như thế vào tuổi của cậu! Nhưng tại sao cậu lại phải phá hỏng nó? Cậu có biết tôi sẽ làm gì với nó không? Nhìn này, mặc xác các cầu thang gác và cả lò sưởi nữa chứ! Khi cậu đặt móng...”
Ông hăng say nói một lúc lâu. Ông chửi thề. Ông không thấy bất kỳ bản vẽ nào làm ông thỏa mãn. Nhưng Roark nhận thấy ông nói như thể các tòa nhà này đang trong quá trình xây dựng.
Ông đột ngột ngừng lại, đẩy các bản vẽ sang bên cạnh và đặt nắm tay lên trên. Ông hỏi:
“Cậu quyết định trở thành kiến trúc sư từ bao giờ?”
“Khi tôi 10 tuổi.”
“Người ta không biết mình muốn gì ở tuổi đấy, giả sử như có lúc nào đó trong đời mà họ biết. Cậu nói dối.”
“Tôi nói dối?”
“Đừng nhìn tôi chằm chằm như thế! Cậu không nhìn cái gì khác được à? Tại sao cậu quyết định trở thành kiến trúc sư?”
“Tôi không biết. Nhưng đó là vì tôi chưa từng tin vào Chúa.”
“Nào, đừng nói vớ vẩn nữa!”
“Vì tôi yêu quý mặt đất này. Đấy là tất cả những gì tôi yêu quý. Tôi không thích hình dạng của những thứ trên trái đất này. Tôi muốn thay đổi chúng.”
“Cho ai?”
“Cho bản thân tôi.”
“Cậu bao nhiêu tuổi rồi?”
“22.”
“Cậu nghe được những thứ này từ bao giờ?”
“Tôi không nghe”
“Người ta không nói như vậy khi 22 tuổi. Cậu không bình thường.”
“Có lẽ vậy.”
“Tôi không có ý khen!”
“Tôi cũng thế.”
“Có gia đình không?”
“Không.”
“Làm việc để trả tiền học?”
“Vâng.”
“Việc gì?”
“Xây dựng.”
“Cậu còn lại bao nhiêu tiền?”
“70 đô la và 30 cent.”
“Cậu đến New York khi nào?”
“Hôm qua.”
Cameron nhìn tập hồ sơ bìa trắng dưới nắm tay mình.
“Quỷ tha ma bắt cậu đi,” Cameron nhẹ nhàng nói.
“Quỷ tha ma bắt cậu đi!” Cameron chợt gầm lên và chồm người về phía trước. “Tôi không yêu cầu cậu đến đây! Tôi không cần người vẽ thiết kế! Chẳng có gì ở đây để thiết kế cả! Tôi không có đủ việc làm để cứu bản thân tôi và nhân viên của tôi khỏi trại tế bần[27]! Tôi không muốn có bất cứ thằng ngốc có tài nào bị chết đói ở chỗ này! Tôi không muốn chịu trách nhiệm. Tôi không yêu cầu trách nhiệm. Tôi không bao giờ nghĩ là phải gặp lại nó. Tôi đã chán ngấy trách nhiệm rồi. Tôi chán ngấy nó từ cách đây lâu rồi. Tôi hoàn toàn hài lòng với bọn ngốc thò lò mũi xanh mà tôi đang có ở đây; bọn chúng chưa từng có cái gì và sẽ chẳng có cái gì và chúng trở thành cái quái gì thì cũng thế cả. Tôi chỉ muốn có thế thôi. Tại sao cậu lại phải đến đây? Cậu đang chuẩn bị phá hỏng chính bản thân cậu; cậu biết thế, đúng không? Và tôi sẽ giúp cậu làm việc này. Tôi không muốn nhìn thấy cậu. Tôi không thích cậu. Tôi không thích cái mặt của cậu. Cậu là một kẻ sùng bái bản thân mình; cậu không thể bị tổn thương. Cậu thật láo toét. Cậu quá tự tin. Cách đây hai mươi năm, tôi sẽ sung sướng được đấm vào mặt cậu. Cậu sẽ đến đây làm việc vào ngày mai, đúng chín giờ sáng.”
“Vâng,” Roark trả lời và đứng lên.
“15 đô la một tuần. Đấy là tất cả những gì tôi có thể trả cậu.”
“Vâng.”
“Cậu đúng là đồ ngốc. Đáng lẽ cậu nên đi làm cho người khác. Tôi sẽ giết cậu nếu cậu làm việc cho ai khác. Tên cậu là gì?”
“Howard Roark.”
“Nếu cậu đến muộn, tôi sẽ đuổi cậu.”
“Vâng.”
Roark vươn tay lấy các bản vẽ.
“Để chúng ở đây!” Cameron gầm lên. “Giờ thì cút ngay!”