Sừng Sơn Dương Dưới Đuôi Hồ Ly

Chương 38

Translator: La Hán
Beta: Anh Đào
Trần Nhược Nguyên đứng ngoài cửa, chỉnh lại chiếc áo thun màu vàng của mình. Kích cỡ hơi to, rộng thùng thình, tay áo dài đến khuỷu tay của bà ấy. Bà ấy chỉ vào hình vẽ trên áo, nói: “Con có nhớ không? Đây là đồ gia đình của hai mẹ con mình.”


Hình vẽ là một con chim cánh cụt béo ụch ịch.
“Nhớ ạ.” Đó là chuyện vào năm anh học lớp sáu.
Trần Nhược Nguyên chìm vào trong hồi ức, nói: “Năm đó con đã mặc chiếc áo này, thật đáng yêu.”


“Mẹ.” Trần Nhung cười với vẻ áy náy, “Con đã cao lên rồi, không mặc vừa cái áo này nữa.”
Trần Nhược Nguyên đưa tay so chiều cao của hai người, anh đã cao hơn bà ấy một cái đầu, bà ấy phải ngẩng đầu nhìn anh, “Đúng vậy, đã thành người lớn rồi.”


“Mẹ ăn cơm tối chưa? Có cần con nấu chút gì cho mẹ không?”
“Không cần nấu đâu.” Trần Nhược Nguyên nói, “À đúng rồi, lần trước đến đây có phải mẹ đã xách cái túi màu xanh lá cây không?”
“Vâng, mẹ nói màu xanh đó không hợp với mẹ lắm.”


“Đúng là xấu thật, e rằng phim ma mới dùng cái màu xanh u ám như vậy. Gu thẩm mỹ của chú con đấy.” Trần Nhược Nguyên duỗi ngón út ra, có vẻ rất chê ghét, “Kém quá, nhưng tốt xấu gì cũng là đồ ông ấy tặng, lại còn đắt. Hai ngày nữa mẹ phải đi dự tiệc với ông ấy, đành mang cái túi kia vậy. Xấu thì xấu nhưng cứ coi như dỗ ông ấy vui vẻ.”


“Con để trong tủ quần áo của mẹ ấy.”
Trần Nhược Nguyên lấy chiếc túi xanh lá, đổ hết đồ đạc trong chiếc túi mình khoác hôm nay ra, chuyển sang túi xanh. Đồ đạc không nhiều, hầu hết là đồ trang điểm. Đến khi bà ấy lấy ra một tờ giấy, ném qua bên cạnh với vẻ ghét bỏ.
Trần Nhung nhìn một cái.


Đó là một tấm thư mời, đến từ Lý Dục Tinh.


Lý Dục Tinh là kiến trúc sư nổi tiếng hiện giờ. Ông ấy bước vào ngành kiến trúc cũng là sự tình cờ. Ông ấy thi đại học không được như ý, lúc đó cha của ông ấy đang là thành viên hội đồng quản trị đại học Gia Bắc, ông ấy bèn đăng ký chuyên ngành mỹ thuật. Trong thời gian đó, trường mới mở ngành kiến trúc học, ông ấy lập tức chuyển khoa. Khi ông ấy hơn ba mươi tuổi, tiếng tăm đã vang xa.


Luồng ý kiến trái chiều về quan điểm kiến trúc học thuộc môn học nghệ thuật hay môn khoa học công nghệ đã có từ lâu, hơn nữa Lý Dục Tinh lại là người “đá chéo sân”. Có một khoảng thời gian, ý kiến tranh luận về ông ấy vô cùng lớn, nhưng ông ấy hành xử khiêm tốn, kín đáo không khoa trương. Sau khi dư luận đã yên ắng lại, ông ấy đã ra khỏi viện thiết kế, tự mở một phòng làm việc kiến trúc sư.


Đây là thư mời đến buổi triển lãm kiến trúc mà ông ấy sắp tổ chức.
Trần Nhung nhìn về phía tivi.
Nhưng Trần Nhược Nguyên lại nhìn chằm chằm con trai, nói: “Mẹ không đi đâu.”
“Vâng.” Anh không đưa ra ý kiến của mình. Thư mời là dành cho bà ấy, không phải dành cho anh.


Trần Nhược Nguyên vứt thư mời vào trong thùng rác. Nhưng vẫn chưa hả giận, bà ấy lại lấy ra, xé nhỏ thành giấy vụn rồi lại vứt vào trong thùng rác.
--
Trần Nhung tắm xong đi ra ngoài.


Trần Nhược Nguyên đang ngồi xem chương trình truyền hình, cười ha hả. Bà ấy chỉ vào điện thoại của Trần Nhung, “Điện thoại của con rung mãi thôi, quan hệ của con và bạn học không tệ đấy nhỉ.”
“Vâng.”
Rung nhiều lần như vậy, nhất định là Nghê Yến Quy.
Cô đang kể chuyện của câu lạc bộ.


Trong nhóm chat của câu lạc bộ, các bạn học đang buôn chuyện sôi nổi.


Nhà Ôn Văn trồng vườn cây ăn quả, anh ấy nhắc đến vườn cây ăn quả nhà mình đã đến mùa thu hoạch, thế là một đám người mồm năm miệng mười, chủ đề nói chuyện đột nhiên rẽ sang chuyện đến nhà Ôn Văn tụ tập ăn uống.


Nghe học viên cũ nói, đây là một trong những “Bài huấn luyện đặc biệt” hằng năm, năm ngoái và năm kia cũng thế, còn năm nay vẫn chưa tổ chức.
Có người nói: “Chọn ngày không bằng gặp ngày, ngày mai luôn nhé?”


Ôn Văn nhiệt tình hiếu khách, chủ yếu là vì không biết từ chối. Cánh học viên vào hùa cùng nhau, anh ấy bèn nhận lời.
Trước khi quyết định, Nghê Yến Quy nhắn hỏi Trần Nhung có muốn đi không.
Trần Nhung nói: “Hai ngày nay anh đều ở cùng mẹ, không đi đâu.”


“Vậy em cũng không đi.” Cô gửi một icon “hôn môi”, “Nhung Nhung, em đi ngủ đây.”
Trần Nhung copy icon kia, nhắn lại cho cô: “Ngủ ngon.”
Trần Nhung không đọc tin nhắn trong nhóm chat nữa, cùng Trần Nhược Nguyên xem hết chương trình truyền hình.


Trần Nhược Nguyên cười đến nỗi chảy cả nước mắt, quay sang hỏi con trai: “Chương trình buồn cười như vậy mà con không cười cái nào sao?”
“Con có cười mà.” Trần Nhung nhếch khóe miệng.


Trần Nhược Nguyên nghiêng đầu nhìn anh, “Con ấy, cảm xúc quá đỗi bình lặng. Không biết nổi giận, suốt ngày tỏ ra hiền lành, ở trường có bị bắt nạt không?”
“Không đâu ạ. Mẹ, bạn học rất thân thiện.”


“Thế thì mẹ yên tâm rồi.” Trần Nhược Nguyên nói, “À phải rồi, ngày mai chúng ta đi dạo phố, mua một bộ đồ gia định phù hợp với lứa tuổi hiện tại của mẹ con mình, được không?”
“Vâng.” Trần Nhung đứng lên, “Mẹ, muộn quá rồi, mẹ nghỉ sớm đi nhé.”


“Ừ.” Trần Nhược Nguyên nhéo mặt mình, “Thức đêm trông sẽ tiều tụy.”
Điện thoại trên bàn đổ chuông, bà ấy nhìn qua, “Là chú con gọi tới.”
Bà ấy bắt máy, chẳng bao lâu sau mặt chợt biến sắc, “Dính mưa, bị sốt? Sao lại bất cẩn như thế? Được, em biết rồi.”


Bà ấy cúp máy, cuống quýt nói: “Nam Nam bị sốt rồi, quấy khóc đòi gặp mẹ. Mẹ phải nhanh chóng quay về đó.”
“Vâng.” Trần Nhung định đi lấy ô. Vừa chạm vào cán ô thì Trần Nhược Nguyên đứng bên ngoài nói: “Lấy ô làm gì? Trời đã tạnh mưa rồi.”


“Vâng.” Anh lại để chiếc ô về chỗ cũ, “Mẹ, con đưa mẹ xuống dưới bắt xe.”
Hai người vội vàng xuống dưới lầu.
Bây giờ đã muộn, nơi này lại là đường nhánh, một lúc lâu vẫn không có xe taxi đi qua.
Trần Nhung đặt xe trên mạng, chiếc xe đang ở cách đó ba cây số.


Trên trán Trần Nhược Nguyên rịn mồ hôi lạnh, nói không ngừng: “Sức khỏe của Nam Nam yếu ớt, một khi đã sốt thì sẽ ốm mất mấy ngày. Hôm nay không kịp đưa đến bệnh viện, mẹ lại phải chịu tội rồi.”


Trần Nhung trấn an bà ấy: “Mẹ, không sao đâu, có chú ở đó rồi, chú ấy sẽ chăm sóc được mà.”
Trần Nhược Nguyên lắc đầu, “Ông ấy không biết làm, việc chăm nom con cái toàn dựa vào mẹ. Bảo mẫu trong nhà cũng sơ ý.”
Trần Nhung gọi điện thoại cho tài xế.


Tài xế nói anh ta đang bị kẹt ở chỗ đèn đỏ cách đó hơn hai cây,


“Mẹ, con ra ngoài vẫy xe.” Từ đường nhánh đi ra ngoài một kilomet là trục đường chính. Trần Nhung chạy ra bên ngoài, mưa đã tạnh, mặt đường lõng bõng nước. Anh giẫm từng bước xuống đất, nước bẩn bắn lên tận tay anh. Khi chạy anh, nước còn bắn lên gò má của anh. Giữa chừng anh còn bất ngờ giẫm phải một ổ gà nông, anh nhớ ra đây chính là cái ổ gà mà đèn xe chiếu qua lúc trước.


Ra đến đường cái, anh vẫy được một chiếc xe, chỉ về phía nhà của mình và nói: “Bác tài ơi, ở ngày phía trước thôi ạ.”
Tài xế quay đầu hô lên: “ ́y, cháu không lên xe sao?”


“Cháu không lên, giày cháu bẩn lắm, làm bẩn xe của chú mất.” Trần Nhung lấy điện thoại gọi điện cho Trần Nhược Nguyên, nói cho bà ấy biển số của chiếc xe này, “Mẹ, sau khi đến nơi an toàn, nhớ nói cho con một tiếng nhé.”
“Mẹ đi đây, xe đến rồi.” Cuộc gọi kết thúc.


Trần Nhung quay về nhà, đến dưới cột đèn đường, nhìn lại giày mình một lần nữa, toàn là nước bẩn, cổ chiếc tất trắng đã đen sì.
Lại phải tắm một lần nữa.
--


Về nhà, đóng cửa. Trần Nhung cầm gọng kính, gỡ kính khỏi mắt. Anh dùng lực hơi mạnh nên gọng kính kim loại sượt qua huyệt thái dương.
Anh đứng ở huyền quan cởi giày, cởi tất, sau đó ném cả giày lẫn tất vào trong phòng vệ sinh, để chân trần đi lấy quần áo thay, sau đó đi dội nước lạnh.


Tắm xong ra ngoài, anh chỉ lau nửa người, giọt nước đọng trên da tiếp xúc với không khí bên ngoài, lúc đó anh còn cảm thấy mát mẻ hơn lúc tắm.
Ngăn kéo trong phòng vẫn luôn có thuốc lá.
Anh lấy một điếu thuốc, tựa vào lan can ban công, ấn bật lửa. Chiếc bật lửa hiện ra một chấm lửa bập bùng.


Anh cắn đầu lọc, nhìn tia lửa bén vào sợi thuốc lá. Vào khoảnh khắc đó, thuốc lá lóe sáng thành hình vòng tròn màu vàng, dần dần, khói thuốc nhàn nhạt lượn lờ trước mắt.
Trời không trăng, cũng chẳng có sao, chỉ là một tấm màn đen khổng lồ. Anh thổi một ngụm khói trong miệng về phía bầu trời tối tăm.


Gần mười hai giờ rồi.
Anh hỏi Nghê Yến Quy: “Đã ngủ chưa?”
Có lẽ cô đã ngủ rồi, vì nhật ký trò chuyện vẫn dừng lại ở tin nhắn “Ngủ ngon”.
Hai phút sau, anh hút thuốc một cách gấp gáp, trước mắt khói thuốc lượn lờ.


Nghê Yến Quy trả lời tin nhắn của anh: “Vốn định đi ngủ rồi nhưng em đang đọc sách.”
“Sách gì?” Trần Nhung ngậm điếu thuốc, biết thừa sách cô đọc không phải thể loại đứng đắn.
“Sách ngoài giờ học.” Cô chỉ nói như vậy.


“Ừm.” Lại là mấy quyển tổng tài bá đạo, tổng tài bỏ vợ gì gì đó.
“Ngày mai có đi hái trái cây không?”
“Không phải anh không đi sao?”
“Giờ anh muốn đi.”
“Anh đi thì em đi.”
Trần Nhung búng tàn thuốc vào bồn hoa, “Ngủ sớm đi, mai gặp.”


Hút nốt hơi cuối cùng, Trần Nhung lướt lại nhật ký trò chuyện với Nghê Yến Quy, nhìn thấy tấm hình cô gửi tối nay.
Cô không trang điểm, đôi mắt không còn vẻ ngây thơ vô tội nữa mà xếch lên trên một cách tự nhiên, ngang nhiên hớp hồn anh.


Bài kiểm tra lòng kiên nhẫn khó nhất chính là có một cô bạn gái như yêu tinh.
--
Nhà của Ôn Văn nằm ở ngoại ô, anh ấy là người dưới quê. Anh ấy chỉ tay giới thiệu: “Vườn trái cây này là của nhà tôi, dạo này đang vào mùa hái quả.”


Triệu Cẩm Thư dang rộng hai tay về phía vườn cây, “Ôi, chủ nhiệm Ôn, anh là địa chủ sao? Cả vùng núi non này là của nhà anh hết ư?”
“Không phải.” Ôn Văn nói xong, đột nhiên chỉ tay về một phía, nói: “Khu đồi bên đó mới là nhà tôi.”


Triệu Cẩm Thư đổi hướng vươn tay về phía Ôn Văn, “Chủ nhiệm Ôn, em có thể ôm đùi anh một tí không?”
Ôn Văn: “Đừng nói nhảm nữa.”
Trần Nhung xuất phát từ nhà mình nên không đi cùng xe bus của câu lạc bộ. Anh ngồi xe bus công cộng, xe dừng lại trước đường vào thôn.


Ôn Văn lái một chiếc xe chở hàng ra đón anh.
Trần Nhung cảm thấy áy náy, “Chủ nhiệm Ôn, ngại quá, em đến muộn, còn phiền anh ra đón nữa.”


“Không có gì.” Ôn Văn đánh tay lái một cách nhuần nhuyễn, lái xe trên con đường đầy sình lầy, “Bình thường lúc tôi đi giao hàng, không biết đã đi qua con đường này bao nhiêu lần.”
Trần Nhung thuận miệng hỏi một câu: “Chủ nhiệm Ôn, vườn cây nhà anh có cửa hàng online không?”


Ôn Văn đáp: “Chỉ bán trên vòng bạn bè thôi. Bọn tôi chỉ bán cho người trong thôn, sản lượng không cao, chỉ làm ăn với khách quen, bán sỉ qua bên kia núi.”
Chẳng bao lâu họ đã đến vườn cây.
Trần Nhung còn chưa xuống xe, đã nhìn thấy Nghê Yến Quy ở phía trước.


Cô mặc áo thun kẻ sọc xanh lá, phối cùng quần thể thao màu ngà, đang hớn hở chạy về phía xe chở hàng.
Ôn Văn nhìn khuôn mặt tươi roi rói của cô, mới bừng tỉnh, “Huấn luyện Mao nói hai đứa là người yêu, tôi còn nửa tin nửa ngờ, hóa ra lại là thật.”


“Vâng, bọn em là một cặp.” Trần Nhung nói xong, xuống xe.
Nghê Yến Quy đã đến trước mặt, kéo tay bạn trai mình, “Em nếm thử trái cây trong vườn chủ nhiệm Ôn rồi, ngọt ơi là ngọt, em định mua một thùng, anh bê giúp em nhé?”
“Được.” Trần Nhung cười.


“Trần Nhung tập luyện lâu như vậy, đúng là có hiệu quả. Bây giờ chạy ba cây số cũng không thở dốc nữa rồi nhỉ?” Mao Thành Hồng đi đến từ chỗ gốc cây.
Trần Nhung cười đáp: “Vâng, cảm ơn huấn luyện viên.”


“Tiếp tục cố gắng.” Mao Thành Hồng nói, “ ́y, Tiểu Nghê, em hoàn toàn không tham gia huấn luyện của câu lạc bộ sao?”
Nghê Yến Quy lắc đầu, “Huấn luyện thì em không đi nữa. Nhưng hoạt động như ngày hôm nay, em nghĩ em có thể tham gia.”


Mao Thanh Hồng tỏ vẻ tiếc nuối, nói: “Bao nhiêu người bỏ ra chín chín phần trăm sự cố gắng, chỉ thiếu một phần trăm năng khiếu thôi.”
Nghê Yến Quy coi như gió thoảng bên tai, kéo Trần Nhung đi, “Đi nào, chúng ta đi chọn táo thôi.”


Đi được đoạn xa, cô kiếng mũi chân, nói: “Không ngờ lại gặp nhau sớm hơn dự tính, anh có nhớ em không?”
“Có.” Trần Nhung hạ thấp giọng, “Nhớ nguyên một đêm.”
Cô cười rất hư hỏng, cười nhạo anh: “Lại mất ngủ.”
“Về sau đừng gửi ảnh lung tung nữa.”


“Em gửi ảnh đứng đắn, có phải anh có suy nghĩ không đứng đắn nên mới mất ngủ không.” Cô khẽ chọc vào cánh tay anh.
Trần Nhung tỏ ra hết sức vô tội, “Anh đi theo kế hoạch của em mà.”
“Đi nhanh thật đấy.”
Hái quả xong, mọi người hô hào ra sau núi dạo chơi.


Triệu Cẩm Thư hô hào: “Đi, đi đến ngọn núi nhà chủ nhiệm Ôn nào!”


Ôn Văn dẫn mọi người qua đó, nói: “Hôm qua trời mưa, may mà sáng nay đường đã khô rồi. Có điều bùn đất vẫn khã nhão, mọi người cẩn thận.” Đường núi là con đường mà Ôn Văn thường đi, men theo chỗ cỏ trọc là biết được hướng đi ngay.


Không thể không nói, phong cảnh nơi đây trong lành tự nhiên. Nghê Yến Quy đứng ở sườn núi thoai thoải, nhưng thị giác không tồi, nhìn thế nào cũng giống như vách núi nguy hiểm cheo veo giữa không trung. Phóng tầm mắt là có thể nhìn thấy toàn bộ khung cảnh, mênh mông xanh thẳm. Nghê Yến Quy cảm thấy, ngọn núi này còn có không khí hơn khu rừng hoang vu khi đi huấn luyện quân sự.


Cô và Trần Nhung vẫn chưa chụp ảnh chung với nhau bao giờ, cô hò lên: “Huấn luyện viên Mao, giúp chúng em chụp một tấm nhé.”
“Em nghĩ hôm nay đến đây du lịch sao?” Tuy nói như vậy nhưng Mao Thành Hồng vẫn nhận lấy điện thoại của cô.
“Trần Nhung.” Nghê Yến Quy vẫy tay với bạn trai của mình, “Mau qua đây chụp ảnh.”


“Được.” Trần Nhung bị Triệu Cẩm Thư kéo đi nghiên cứu cây gỗ quý hiếm gì đó. Vừa được Nghê Yến Quy gọi tên, anh lập tức có thể thoát thân.


Cô dang rộng hai tay, càng lúc càng rộng, giống như đang vẽ một vòng tròn. Cuối cùng, cô bật nhảy một cái. Cú nhảy đầu tiên, cô cảm thấy đất dưới chân khá mềm.


Nhảy tiếp cú thứ hai, cô đã biết không ổn rồi. Đôi chân của cô còn chưa kịp chạm đất vững vàng thì cả người đã sa vào trong bùn lầy. Cô lập tức định bám vào cành cây ở bên cạnh, nhưng cành cây quá cao, cô không với tới. Dưới chân không có điểm chống đỡ, càng ngày cô càng lún sâu vào trong bùn, cho đến khi hụt chân một cái. Khi cơ thể ngã ngửa ra đằng sau, cô nhìn thấy Trần Nhung chạy như bay đến đỡ mình.


Một tay anh định ôm cô, tay khác định bám vào cành cây, nhưng đã chậm mất một bước.
Cô mất thăng bằng, ngã lăn xuống sườn núi. Bả vai đập thẳng vào mô đất nhưng may mà chất đất mềm, không đau lắm.


Trần Nhung trượt xuống bên cạnh cô, ôm chầm lấy cô, hai tay ôm lấy đầu cô, cùng cô lăn xuống dọc theo sườn núi.
Sườn núi không cao, chỉ chốc lát đã lăn xuống chân dốc.
Cô nằm nhoài trên lồng ngực của anh, sợ hãi ngẩng đầu lên hỏi: “Nhung Nhung, anh có sao không?”
“Nghê Nghê, em có sao không?”


Hai người lên tiếng gần như cùng một lúc.
“Trần Nhung, Tiểu Nghê.” Vẻ mặt Mao Thành Hồng nghiêm trọng, có vẻ đang định trượt xuống dưới thì bị Ôn Văn kéo lại.


“Không thể xuống dưới, chỗ này từng xảy ra tai nạn.” Ôn Văn hò xuống phía dưới: “Hai em đi theo con đường đó, mau đi đi.” Anh ấy chỉ tay về phía Tây.
Nghê Yến Quy lập tức ngồi dậy.
Động tác của Trần Nhung cực kỳ nhanh, anh bế cô lên, chạy nhanh về phía Tây.


Sau đó, chỗ đất mềm trên sườn núi ầm ầm sụp xuống, từ trên cao rơi ào ạt xuống dưới. Ôn Văn phải bảo họ đi khỏi đó nhanh, nếu không thứ bị vùi dưới đất đá chính là hai người họ.


Thấy hai người đã đến khu vực an toàn, Ôn Văn lại nói: “Đi ra phía bên ngoài, men theo con đường đó đi lên đây.”
Đường núi gập ghềnh khúc khuỷu, là một quãng đường dốc rất dài.
Nghê Yến Quy nói: “Bỏ em xuống trước đã.”


Trần Nhung bỏ cô xuống, quan sát cô từ đầu đến chân một lượt kỹ càng rồi nói: “Có bị thương ở đâu không?”
“Đập vào lưng rồi.” Cô tỏ ra vô cùng đáng thương.
Anh nhìn tay mình, “Lúc anh ôm em, có phải đã đụng vào chỗ bị thương của em không?”


“Tình thế cấp bách, em hiểu, hơn nữa thật sự không đau.”
Trần Nhung xoay người, ngồi xổm xuống, “Anh cõng em lên núi.”
“Em có bị thương ở chân đâu, em có thể tự đi lên được.”
“Anh là bạn trai em.”
“Đường lên núi dài lắm đấy.”
“Dài hơn nữa anh cũng sẽ đi được.”


Nghê Yến Quy ngả người vào lưng anh, choàng hai tay qua cổ anh, “Nhung Nhung, em có nặng lắm không?”
“Nhẹ như chim yến vậy.”
“Em phát hiện ra bài huấn luyện của huấn luyện viên Mao rất có hiệu quả, vừa rồi anh nhanh quá, có câu miêu tả là nhanh như chớp ấy.”


“Kể ra vẫn phải cảm ơn em. Bất luận là chạy bộ buổi sáng hay là huấn luyện, em vẫn luôn cổ vũ anh.”
Cô cười, đáp: “Là bản thân anh có nghị lực.”
Đường lên núi rất dài, nhưng Trần Nhung đi rất vững vàng.
Nghê Yến Quy liếc trộm anh một cái, đột nhiên thổi hơi vào sau gáy anh.


Bước chân anh khựng lại.
Cô lại nghe thấy tiếng thở dài gần như không thể nghe thấy của anh.
Tiếng của cánh bạn học càng lúc càng xa. Trên đường không một bóng người, trong rừng vang lên tiếng chim hót líu lo, cùng với làn gió thổi tán cây xào xạc.


Ánh mắt của Nghê Yến Quy không nỡ rời khỏi người Trần Nhung, cô ngắm cổ gáy anh, ngắm tai của anh, ngắm xương quai hàm sắc nét của anh.


Trong tích tắc mọi thứ lướt qua như điện xẹt, trong đầu cô chợt hiện lên một cảnh tượng, Dường như trước đây, cũng có một chàng trai cõng cô lúc cô đang bị thương như thế này.


Có thể đây là giấc mơ. Ba cô từng bảo cô rằng xem phim nhiều nên mới tưởng tượng ra màn anh hùng cứu mỹ nhân vào lúc nguy cấp.


Nhưng giấc mơ này quá đỗi chân thực. Sau đó, mẹ cô đã “vạch trần” cô: “Lúc đó con đã hôn mê rồi, chẳng biết cái gì cả, lấy đâu ra cậu trai nào? Dĩ nhiên là ở trong giấc mơ của con rồi.”
Hóa ra cô đã từng hôn mê.
Hôn mê tốt thật.
Hôn mê là sẽ không biết đau nữa.