Sự nhầm lẫn

BA ĐÀO

Ngôi nhà tôi cần tìm nằm sâu trong một ngõ nhỏ, hai bên đường mướt xanh những tán lá, mùi hương thoang thoảng của hoa và quả chín như ướp vào mũi, cho tôi một cảm giác thật dễ chịu, một cảm giác nhẹ nhàng thư thái. Một khoảng không gian bình yên, tĩnh lặng, tách biệt khỏi khu đô thị ồn ào náo nhiệt tiếng xe cộ gần như suốt ngày đêm chỉ độ mươi cây số là cùng. Phải chăng vì thế mà Trọng Đình chọn làm chốn lui về? Một cái tin bất ngờ gây nhiều tranh cãi trong giới anh em” bán chữ “ chúng tôi. Một cặp từ vừa có tính khôi hài vừa có tính tự trào mà vui miệng chúng tôi tự gán cho cái nghiệp của mình. Có người cho là châm biếm, mỉa mai, cũng được, có sao đâu khi một vấn đề có thể nhìn từ nhiều góc độ, cũng như chuyện của anh Trọng Đình vậy. Những thông tin từ nhiều phía không làm tôi bận tâm là mấy, vì thừa hiểu tính hành lang của nó, điều chủ yếu là nguyên do của những thông tin. Trọng Đình là bậc đàn anh của lớp trẻ chúng tôi, nều muốn tôn xưng hơn nữa thì phải gọi anh là “Thầy”, nhưng anh không thích danh xưng này, nghe vừa xa cách vừa kiêu mạn. Vốn theo đuổi cái nghiệp gian nan này từ nhỏ, anh đã phải trải qua không biết bao là trở ngại. Ai cũng biết, nghệ sĩ là người chỉ muốn sống cho cái đẹp,chỉ muốn góp hết sức mình cho những giá trị tinh thần của cuộc sống, và chính vì thế gần như đối lập hoàn toàn với kinh tế, mặc dầu vẫn luôn phải phụ thuộc vào nó Cái nghiệp văn chương lại là thứ đeo đẳng bám riết như  nợ nần, người cầm bút cứ muốn trải hết lòng mình ra giấy, bởi cuộc sống chung quanh luôn có những điều trăn trở. Đó là tâm tư của những người cầm bút chân chính. Trọng Đình là một người như thế. Văn và báo chiếm cả hai tay, cuộc sống gia đình không mấy khi dư dả, nhưng nếu ai bảo đổi cây bút để lấy một thứ có giá trị vật chất thì không bao giờ. Anh thường nói “ Văn chương là chiếc cầu nối tình người. Chúng ta đem rao bán cái nhân tình, thì  chúng ta phải biết biểu thị cái nhân tình của chính chúng ta trước đã. Đừng có viết một đàng, xử sự một nẻo. Tất cả sẽ chỉ là sự vô nghĩa, sáo rỗng khi bản thân chúng ta không là một thực nghiệm. Viết -  Trước hết là Sống đã “. Đại loại là những lời rất tâm rất tình của anh mỗi khi có dịp trò chuyện với chúng tôi. Một vài tay trong số chúng tôi có được chút tên tuổi ngày nay là cũng nhờ công dìu dắt của anh. Và quả thật, anh không hề có sự mưu cầu hay tư lợi những cái được cho mình. Dù lớn hay nhỏ, anh đều muốn có sự minh bạch, thẳng thắn,  vì thế mà người ưa anh cũng nhiều, người ghét anh cũng lắm. Chẳng sao cả, ở đời chuyện yêu ghét là thường tình, chỉ cần mình không thẹn với lương tâm là đủ. Vậy đó, thế mà không hiểu sao, sau một chuyến công tác dài ngày ở Hà Nội về, tôi nghe nói anh tuyên bố gác bút. Rõ là một điều khó tin, nếu không phải là thật, thì ai? và vì lý do gì mà tung ra cái tin ấy? Còn nếu là thật, thì phải có chuyện gì ghê gớm nghiêm trọng lắm xảy ra, anh mới có một động thái gay gắt như vây. Bởi nếu phải từ bỏ một niềm đam mê đã thấm lậm vào tận máu thịt, thì chẳng khác nào người ta phải từ bỏ cuộc sống của mình.  Muốn rõ đầu đuôi, chỉ có một cách tìm gặp anh, xem anh có dốc bầu tâm sự. Tôi lại càng nghĩ ngợi hơn nữa khi hỏi toà soạn nơi anh làm việc, thì nghe nói anh vắng mặt cả nửa tháng nay rồi. Đến chỗ nhà anh thuê ở thì họ bảo anh đã dọn đi . Chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra cả. Tìm hỏi lung tung, cuối cùng tôi nghe được, hình như gia đình anh chuyển về khu này. Hình như cũng được, ít ra cũng có một mấu chốt. Hỏi thăm mấy người tôi mới đến trước ngôi nhà nho nhỏ này. Gọi là nho nhỏ vì nó lọt thỏm giữa mấy cái nhà xây cao ráo đẹp đẽ bên cạnh. Một ngôi nhà ván, lợp tôn, loại nhà phổ biến của những người có thu nhập thấp. Không biết có phải…

Còn đang nghiêng ngó, tôi chợt giật mình vì một tiếng sủa oăng oắc, chú khuyển bé mình mà lớn họng, dường như chú muốn tỏ rõ cái oai phong của chủ nhà, bốn chân choãi ra lấy thế, cái mõm cứ chõ thẳng vào mặt khách chả biết lịch sự là gì. Tôi bật cười, con vật cũng biết ra trò khẩu khí nữa là. Thoáng thấy bóng người đi ra, tôi reo thầm trong cổ họng “ Đúng rồi.” Còn lẫn vào đâu được cái dáng ôm ốm, ngăm ngăm cao vừa phải. Anh chợt cười rộng miệng khi nhận ra tôi:

_ A, Phố hả? Về bao giờ thế?

_ Em về mấy ngày rồi, hỏi thăm mãi mới tìm được anh ở đây.

_ Ừ anh mới chuyển về đây, còn nhiều anh em chưa biết. Vào đi, sao chuyến đi gặt hái được nhiều chứ?

_ Dạ cũng gọi là có cái để bày mâm dọn chén.

_ Chà, ghê nhỉ. Chú đi cũng cả tháng đấy nhỉ?

_ Vâng, hơn mấy ngày anh ạ.

Tôi theo chân anh vào nhà, gian nhà không bao lớn, một phòng khách, một phòng ngủ và bếp, nhưng trông gọn ghẽ, giản dị. Anh chỉ bộ bàn ghế mây:

_ Ngồi đấy đi, đợi anh một tí. Lương ơi, đi mua cho bố cút rượu đi con.

_ Thôi anh ạ, em có đem về cho anh chai Lệ Mật đây.

_ Thứ đó để uống lúc khác, bây giờ uống rượu nút lá chuối khô thú hơn.

Nghĩa là cuộc rượu chiều nay ít nhất cũng kéo dài đến tối, không sao, đó lại là điều tôi đang muốn. Anh đi xuống bếp, tôi ngồi lại ngắm quanh. Trên hai vách tường đối diện nhau là hai bức tranh cũng có sắc độ tương phản nhưng trông lại rất hòa hợp. Một là cảnh một dãy núi cao với những lô xô bóng cây to rậm rạp, điểm thêm những dáng chim đang sải cánh, một là giữa đại dương mênh mông, một con tàu với cột khói to phăm phăm rẽ sóng, lác đác trong khối màu xanh ngăn ngắt là lấm chấm những hình đầu cá, đuôi cá. Cả hai bức tranh đều biểu thị một sự mạnh mẽ, hùng vĩ và khoáng đạt. Thiên nhiên luôn đem đến cho con người những cảm giác có ích. Hẳn bất kỳ ai đứng trước khung cảnh này cũng đều dậy lên trong mình một xúc cảm mạnh mẽ vững chãi. Những đồ vât khác trong gian phòng  đều được kê xếp gọn ghẽ hợp lý, chừa ra một khoảng không gian đủ để tạo được một cảm giác hít thở nhẹ nhõm. Anh đi lên với cái khay trên tay, hai cái ly nhỏ, hai đôi đũa, một cái đĩa và một chén con . Thằng bé Lương cũng vừa về tới, tôi đứng lên đón những thứ mà hai bố con đang mang đến. Anh đổ ra đĩa gói gỏi mít, và túi nước chấm ra cái chén con. Vừa làm anh vừa nói:

_ Cao lương mỹ vị ngon đến thế nào thì mình không biết, chứ tớ là tớ mê những món ăn dân dã này nhất. Vừa hợp khẩu vị, vừa hợp cả túi mình.

_ Anh không thấy khối món dân dã giờ trở thành đặc sản cao cấp ở những nhà hàng đó sao. Dân dã nhưng nó mang đậm phong vị người mình, thực ra miếng ngon đâu ở chỗ đắt tiền , chỉ là khi ta ăn ta cảm thấy nó ngon, vì nó hợp với khẩu vị mình, chứ có đắt mấy mà mình không cảm thấy ngon thì cũng bằng vô nhghĩa.

_ Ừ, chú nói phải. Nhưng có một điều thật vô lý là, đôi khi dù người ta không cảm thấy ngon, nhưng cũng bỏ hàng đống tiền ra mà mua nó, rồi cuối cùng đổ tháo cả đi.

_ Đó đâu phải là người ta mua cho mình một món ăn, họ đang mua một ý đồ, một mục đích khác đó chứ. Và khi đổ đi thì họ cũng chẳng biết tiếc đâu, bởi vì thứ nhất là họ không phải mua nó bằng chính đồng tiền mồ hôi nuớc mắt, thứ hai là khi họ đã đạt được điều họ muốn qua lối dẫn của nó thì coi như nó đã hoàn thành nhiệm vụ rồi, tiếc làm chi cho hao ca lo.

Anh cười hà hà:

_ Dạo này chú mày cũng miệng lưỡi ghê nhỉ.

_ Người ta chỉ đi có một ngày đàng, đã có thể học được cả sàng khôn, huống là em đi ngược đi xuôi quanh năm suốt tháng lại không nhét được tí gì vào cái hộp sọ này thì chết dấp đi cho rồi.

_ Nào nâng ly cạn cho một buổi chiều lý thú, nào…

Chạm nhẹ hai cái ly, tôi nhấp một ngụm, ngậm ngậm một chút ở đầu lưỡi để nghe vị cay nồng, thấm đậm lan dần xuống cổ, làm thêm ngụm nữa, hết một ly, tôi nghe nóng ra hết cả người, cảm giác bao mạch máu mình đang giãn nở và tuần hoàn. Tôi khà một tiếng khoan khoái:

_ Đúng là “ Cố sanh vi đắc “ ( Thực chất vẫn tốt hơn )

_ Anh đã nói mà, ba cái rượu đóng chai vớ vẩn sao qua được thứ này. Nhà này ho nấu rượu mấy đời rồi, thuần gạo, không pha phách gì cả. Lúc đầu nghe giới thiệu, anh chưa tin, sau uống thử, quả đúng thế nên nghiện luôn.

_ Những nơi sản xuất nhỏ lẻ mà giữ được uy tín lâu dài vậy là rất hiếm, nói không phải vơ cả chứ nhiều người chỉ đầu voi đuôi chuột, làm gì cũng chỉ được lúc đầu, có tiếng rồi lại ham lãi lớn đâm làm ẩu.

_ Hạng người ấy là hạng nông nổi, ăn xổi ở thì, bất kỳ một hoạt động nào trong xã hội, nếu muốn tồn tại lâu dài đều phải cần có uy tín. Làm mất uy tín cũng có nghĩa là tự hại chính mình. Lại uổng cả bao công sức gây dựng.

_ Đáng buồn là ở chỗ thường có rất nhiều người chỉ nghĩ đến cái lợi nhất thời, có thôi thì cũng đã vơ đẫy một mớ rồi.

_ Chính những ý nghĩ hạn hẹp ấy mà nhiều khi ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả một cộng đồng. Hiện nay đất nước đang đẩy mạnh tiến trình hội nhập, chỉ cần một thành phần nào đó không biết giữ chữ tín là có thể làm chậm bước tiến của cả dân tộc.

_ Mình nói thế, một số người cứ cho là mình đao to búa lớn, thổi phồng vấn đề, chứ họ đâu có nghĩ mọi sự đều bắt nguồn từ những nhỏ nhặt nhất. À mà thôi, bây giờ không nói chuyện thiên hạ nữa, nói chuyện mình đi anh.

Tôi đột ngột chuyển đề tài khi chợt nhớ ra mục đích chính của mình. Anh gắp một gắp gỏi vào bát tôi rồi cười khà:

_ Thì cứ từ từ đã, có người rồi khắc có ta, từ chuyện thiên hạ đến chuyện nhà có xa xôi gì.

_ Nghe bọn họ nói đông tây lung tung cả, em sốt ruột chẳng biết thực hư ra sao. Anh cho em biết đi, chuyện xảy ra thế nào.

Anh cười kiểu không tròn vành môi:

_ Mình thấp cơ kém cánh, không đủ tài đối chọi với thiên hạ thì lo tìm đường tìm nẻo mà cuốn xéo đi chứ sao.

_ Này cái giọng mát mẻ, thẽ thọt như dao giấu lưỡi ở đâu ra đấy, đem đổi kiểu “ xung hổ xổ toẹt “ lấy nó à?

_ Ngẫm mới thấy mình dại, vô cùng dại khi cứ mang phơi hết ruột ra. đã chẳng lấy lòng được ông to bà lớn nào lại dễ bị ăn đòn, cứ thơn thớt mà ăn người lại hóa hay.

_ Anh tưởng muốn mà được à, cha mẹ sinh ra cái thân ta, ông trời ghép cho ta cái tính cách, có hay có dở thì cũng chết rứa rồi, thay mô được. Mà thế mới là mình chứ.

_ Nhưng người ta khôn nên biết liệu thế mà đi với ma với bụt. Mình thì chẳng biết quẹo cua thế nào, cứ thẳng thừng thừng mà bước, có khi đâm sầm vào đá rồi mới biết đau.

_ Ở đời biết thế nào là khôn là dại hở anh? Nhiều khi cứ tưởng mình khôn lắm, đến chừng cái trí khôn nó đột nhiên thức giấc mới biết mình đã từng ngu ngốc đến thế nào. Mà anh coi em là ma hay bụt, sao lại nói cái giọng ấy?

_ Cái loại như chú mày mới là đáng sợ đấy “ Rành rành thì ra bụt, thậm thụt lại ra ma “

Tôi bật cười, biết anh đang mượn tôi để ám chỉ ai đấy:

_ Ừ thôi, bụt bụt ma ma gì cũng được, anh kể tiếp đi.

Trọng Đình sửa lại thế ngồi, nét mặt anh nghiêm hẳn lại:

_ Anh hỏi chú, nếu để được tồn tại mà phải bẻ cong ngòi nút, chú có làm được không?

_ Không, dứt khoát là không? Thà bỏ bút, chứ không bẻ bút.

Tôi nói ngay, anh gật gù rồi tiếp:

_ Vừa rồi anh có làm cái phóng sự, phóng sự này đã ngốn rất nhiều thời gian truy tìm tư liệu của anh, mà mức độ thì không thể xem nhẹ. Nó lại đụng chạm đến một số tai mặt. Thế nhưng nó được lệnh đình in, với lý do lấp lửng “ Có đôi chỗ cần xem lại “. Lúc đầu anh chưa nghĩ là nó có vấn đề, sau nhận được gợi ý là nên sửa sang lại một chút, mà những điểm phải sửa lại là những chi tiết then chốt của sự vụ. Anh nhất quyết không chịu. Ngay sau đó, nhận được vài cú phôn hăm dọa. đồng thời hứa hẹn một con số đáng kể. Đương nhiên những chiêu thức đó không có tác dụng với anh. Cuối cùng, cũng có kẻ ra mặt lăm le một cái mũ trên đầu.Còn lạ gì tiếng Việt mình phong phú và giàu có, một chữ hai ba nghĩa, hoặc hai ba chữ một nghĩa, khi đã cố tình thì đánh lệch ý chính của nó đi chẳng khó khăn gì. Tất nhiên là anh phải phản ứng, chúng nhân đó ghép anh vào thế, hòng gây sức ép để ỉm chuyện kia đi. Cậy thế cậy quyền, đập bàn vỗ ghế, Đáng nói nhất là trong đó có những tên tuổi xưa nay vẫn tự cho mình là dân trí thức. Thế mà chẳng phân biệt được đúng sai thế nào.

_ Anh à, trí thức cũng năm bảy đường trí thức, có thứ trí thức vay, văn hóa mượn, bằng cấp mua, đâu cứ phải dán cái mác trí thức vào là đã thành người hiểu biết đâu. Anh có lạ gì cái loại ấy.

_ Đúng chẳng lạ gì, nhưng nó lại có cơ hội trèo lên đầu lên cổ mình mới ức chứ. Anh cũng chẳng chiu thua đâu, khi cái phóng sự ấy chình ình trên mặt một tờ báo khác, thì cũng là lúc anh nhận quyết định thôi việc. Thừa biết đó là việc sẽ đến, anh cũng chẳng tiếc nuối gì một nơi không thuộc về mình. Muốn thì chẳng thiếu gì cách. Chứ vì miếng sống mà phải khom lưng cho bọn làm đủ cách để có được “ ghế trên ngồi tót…” rồi ra “ sỗ sàng “ với mình thì không được.

Đến đây thì tôi đã hiểu  tính chất của câu chuyện là gì. Buồn cho cái lề thói người đời, sao họ lắm thủ đoạn để mưu cầu lợi lộc, để che giấu bưng bít những xấu xa bỉ ổi của mình thế nhỉ?

_ Đó là một vấn nạn không chỉ ở một góc một khóm nào anh ạ, anh thấy không,cứ vụ nào đưa ra tòa là toàn bao nhiêu tỷ lòi ra. Mà đã không tư cách, không thực lực, thì lại giỏi lẹo lươn bao biện. Không biết đến bao giờ mới hết được cái bọn làm  nghèo đất nước ấy.

_ Giá như trên sân cỏ ấy nhỉ, có một ông trọng tài công minh, hai thẻ vàng là thành thẻ đỏ để mà tiêu trừ những loại sâu mọt ấy đi. Miệng thì thơn thớt “ Vị nghệ thật, vị nhân sinh “ nhưng tuồng một lũ vị kỷ cả.

_ Thì nghệ thuật của chúng là ở chỗ đó đó. Khờ khạo như anh em mình sao biết cách thụi vào lưng nhau mà mặt cứ tươi như hoa được. Nhưng mà anh yên tâm đi, luật đời cũng công bằng lắm, có sự trừng phạt cả đấy. Đừng tưởng cứ nuốt trôi họng là tha hồ vênh vang, không đâu, ăn một nhả mười, thậm chí là trăm là ngàn nữa kia. Mà đã đến lúc nhả thì tận cùng vận hạn, có hối cũng chẳng kịp nữa. Mình cứ chịu khó sống khờ sống ngốc đi anh ạ, để con cháu mình còn được yên thân mà hưởng phước, chứ cứ khôn ngoan cho lắm vào rồi đời sau phải gánh bao nghiệp oan trái, tội cho chúng nó.

Đợi cho men rượu tan trong cổ họng, tôi mới tiếp:

_ Nói đến vấn nạn của xã hội thì không bao giờ dứt được, kiểu này nó đẻ ra kiểu khác, kiểu sau bao giờ cũng tinh vi hơn kiểu trước, mình không làm được gì nhiều thì cũng phải cố góp chút công sức mà phanh phui mà ngăn chận, chứ đừng lùi bước anh ạ.

_ Ai bảo chú là anh lùi bước?

_ Em nghe họ bảo anh tuyên bố gác bút!

_ Chú tin à?

_ Không tin thì em mới tìm gặp anh cho được đấy chứ.

_ Anh mà bỏ bút thì chú mày cũng đi tu.

Tôi cười nhẹ nhõm:

_ Có thế chứ. Nhưng mà anh tưởng đi tu là yên thân à, không đâu, đó cũng là một tiểu xã hội, cũng không thiếu những thói tật thường tình đâu, cơ bản vẫn là do khí chất của con người thôi anh ạ.

_ Chuyện trâu lành trâu ngã ấy mà, kể gì. Hơi đâu mà nệ cái dư luận. Có một sự trùng lặp là, cũng trong thời điểm đó thì anh lo mua cái nhà này, bao năm rồi chung chạ trong gia đình, chật hẹp tù túng, chắt bóp, tom góp cũng tàm tạm một chút này, không bì được với ai, nhưng là cái chốn của riêng mình là tốt rồi.

_ Em thấy khung cảnh ở đây cũng dễ chịu. Chúc mừng anh.

_ Nào, mừng thì phải cạn chứ.

Tiếng thủy tinh va vào nhau nghe vui tai, anh tợp xong một ngụm thì đổi giọng nghê nga “ Nghiêng vai vì nghiệp ba đào. Ba đào mấy cũng…chứ  ư  bôn đào…thì  à  không…a…”

Cả hai chúng tôi cùng cười vang. Vừa lúc ấy vợ anh về, chị vui vẻ góp:

_ Hai anh em có gì mà cười vui thế?