Parker đi theo một con đường dọc bờ sông mà không ngần ngừ giây phút nào, và tôi chợt nghĩ ra rằng ông biết chính xác nơi chúng tôi đang đến. Khi chúng tôi dừng lại để dùng cà phê và bánh mỳ bắp, tôi hỏi: “Đây là lối Francis đã đi qua phải không?”
Ông gật đầu. Ông là người rất hà tiện lời nói.
“Thế là... ông đã thấy dấu vết trên đường đến Sông Dove?”
“Vâng. Hai người đi theo đường này, trong khoảng thời gian gần nhau.”
“Hai người hở? Ý ông nói là nó đi cùng với người khác?”
“Một người đi theo người khác.”
“Làm sao ông biết được?”
“Một loại dấu vết luôn ở phía sau dấu vết kia.”
Ông ngưng lại chừng một phút. Tôi không nói gì.
“Họ đốt những đống lửa cách xa nhau. Nếu đi cùng nhau thì họ chỉ đốt một đống lửa.”
Tôi cảm thấy mình có phần ngu dốt, vì đã không để ý đến điều này. Parker toát ra vẻ tự mãn tinh tế. Hoặc có lẽ tôi đang tưởng tượng. Chúng tôi đang đứng phía trên đống lửa nhỏ xíu, và chiếc cốc làm cho đôi bàn tay lạnh cóng của tôi ấm lại - một cảm giác vừa dễ chịu vừa đau đớn. Tôi giơ chiếc cốc lên để hơi nước nóng phả lên mặt, biết rằng sau đó tôi sẽ đau thêm, nhưng vì không quen đi giữa mùa đông nên tôi không bỏ qua cảm giác dễ chịu phù du này.
Một trong hai con chó cất tiếng sủa. Một luồng gió thổi qua những cành cây nặng trĩu tuyết khiến cho một tấm màn những bông tuyết rơi xuống nền đất. Tôi không thấy làm thế nào ông có thể lần mò theo các dấu vết dưới lớp tuyết. Như thể đọc được ý nghĩ của tôi, ông nói: “Bốn người để lại dấu mòn rộng.”
“Bốn người?”
“Các nhân viên Công ty, những người đã đi theo con trai của bà. Không khó đi theo dấu vết của họ.”
Tôi đang tưởng tượng, hay tôi thấy bóng ma của một nụ cười?
Ông nuốt ực để uống cạn cốc rồi bước ra xa ít mét để đi tiểu. Dường ông có khả năng mà tôi đã nhận thấy nơi những người quen sống ngoài trời: uống nước thật nóng mà không bị bỏng. Miệng ông hẳn phải như da thuộc. Tôi quay mặt đi và ngắm hai con chó, lúc này đang ngồi xuống sát nhau để giữ hơi ấm. Điều kỳ lạ là con chó nhỏ nhất, lông màu cát, tên Lucie nhưng ông phát âm “Lucee”, theo cách của người Pháp. Vì thế tôi đặc biệt có cảm tình với con chó này - nó xem dường thân thiện và tin tưởng, như loài chó là phải thế, khác với con chó đực Sisco trông giống chó sói, với đôi mắt xanh trông bất ổn và tiếng gầm gừ nghe đe dọa. Tôi chợt nhận ra là có sự tương đồng giữa hai con chó và hai người trong chuyến đi này. Tôi không rõ Parker có cùng ý nghĩ này không, mặc dù dĩ nhiên là tôi không nói tên mình cho ông biết, và ông cũng không hỏi.
Trong không khí lạnh giá, cà phê nguội nhanh chóng đến mức có tôi có thể uống ngon lành trong nửa phút, và phải nuốt nhanh. Chỉ một chốc lát sau thì cà phê lạnh hẳn.
Đến tối, Parker dựng lều và đốt một đống lửa cho tôi ngồi kế bên, làm cho hai bàn tay và mặt tôi nóng rát nhưng lưng thì lạnh cóng. Trong khi ấy, ông dùng rìu đốn một số cành cây thông. (Tôi đoán sau này Angus than vãn về sự mất mát của mình, quả là tệ; đáng lẽ anh ấy phải nghĩ đền điều này trước khi bỏ bê đứa con trai.) Parker tước cho sạch các cành lớn để làm cái khung cho nơi trú ẩn kế một thân cây to để chắn gió hoặc, nếu có một cây đổ, phía sau chùm rễ đã bị bật khỏi mặt đất. Ông đặt những cành non còn lá trên mặt đất, sắp xếp trông như những tia nắng mặt trời, lá ở trung tâm. Lần đầu trông thấy như thế, tôi nghĩ nó giống như một địa điểm để tế thần, và tôi phải dập tắt ý nghĩ này trước khi tản mạn xa thêm. Rồi ông phủ lên tấm vải bạt mà tôi lấy từ tầng hầm ở nhà. Tấm bạt được neo vào đất bằng những nhánh cây và với tuyết được xúc lên bằng cái bay, cho đến khi các bức tường được đắp lên cao và giữ hơi ấm bên trong. Phía trong, ông dùng một cành cây để chống lên một phần tấm bạt hầu tạo một bức tường ngăn đôi. Đấy là cử chỉ duy nhất của ông về khuôn phép, và tôi lấy làm mừng.
Ông chuẩn bị chỗ trú ẩn như thế trong thời gian vừa đủ cho tôi đun nước và chuẩn bị món cháo yến mạch cùng ruốc thịt, thêm ít quả dâu nhăn nhúm. Tôi quên mang theo muối nên hương vị chán ngắt, nhưng thật là tuyệt được ăn một món nóng sốt và cảm thấy nó đi nóng bỏng xuống cổ họng. Rồi trà đường, để cho khẩu vị ngọt ngào trở lại, trong khi tôi tưởng tượng đến cuộc trò chuyện rôm rả nếu người nào khác làm hướng đạo cho tôi - hoặc là người sẽ bắt giữ tôi? Rồi, vì mệt lả (ít nhất là trường hợp của tôi), hai chúng tôi chui vào lều và các con chó tìm đường lẻn vào theo, rồi Parker dùng một hòn đá để bít lối vào.
Đêm đầu tiên, tôi bò vào căn lều như là đường hầm nhỏ tối đen mà tim đập thình thịch, co mình dưới tấm chăn, quá sợ nên không dám cử động, và chờ đợi một số phận tệ hại hơn cái chết. Tôi nín thở, nghe ngóng trong khi Parker trở mình và thở chỉ cách tôi vài phân. Con chó Lucie uốn éo thân mình - hoặc là bị đẩy - dưới tấm rèm để co rút bên tôi, và tôi thấy dễ chịu với một cơ thể ấm áp nhỏ nhắn nằm kế bên mình. Rồi dường như Parker ngưng cử động, nhưng tôi kinh hoàng nhận biết một phần của người ông ép sát vào tấm rèm vải bạt - và vì thế sát vào lưng tôi. Không có chỗ cho tôi xê dịch ra xa - mặt tôi gần như sát với tấm vải bạt phủ tuyết. Tôi chờ đợi cho chuyện kinh hoàng nào đấy diễn ra - dù sao chăng nữa thì tôi vẫn không ngủ được - và rồi dần dần, tôi cảm nhận một ít hơi ấm tỏa ra từ ông. Mắt tôi mở trừng trừng mà không thấy gì, tai tôi căng ra để cố nghe ngóng âm thanh nhỏ nhất, nhưng không có chuyện gì xảy ra. Đến một lúc nào đấy, tôi thiếp đi. Cuối cùng, dù đỏ mặt khi nhớ lại, tôi nhìn nhận cách dàn xếp này thật tuyệt: vẫn có không gian riêng tư nhưng mỗi người trong chúng tôi chia sẻ cho nhau hơi ấm.
Sáng hôm sau, tôi thức dậy thấy ánh sáng mờ nhạt đang chiếu qua tấm vải bạt. Chiếc kén của tôi ngột ngạt, lại nồng nặc mùi chó. Chiếc lều lạnh giá, nhưng khi bò ra ngoài tôi kinh ngạc thấy bên trong ấm hơn nhiều so với ngoài trời. Tôi tin chắc Parker đang nhìn tôi khi tôi co dãn chân tay một cách khiếm nhã, mái tóc tôi xổ ra và lõa xõa khắp mặt mũi, nhưng may mà ông ấy không cười mà cũng không chăm chú nhìn thái quá. Ông trịnh trọng trao cho tôi cốc trà, rồi tôi đứng dậy và cố vuốt tóc cho ngay thẳng, thầm ước gì mình đã mang theo một chiếc gương nhỏ. Quả là điều lạ lùng khi tính phù hoa vẫn bám đuổi trong những tình huống thiếu phù hợp nhất. Nhưng rồi, tôi tự nhủ, tính phù hoa là một trong những tố chất phân biệt chúng ta với loài thú, vì thế có lẽ chúng ta nên hãnh diện về điều này.
Tối hôm ấy - tối thứ ba - tôi quyết định có nỗ lực hơn với người đồng hành câm nín. Khi dùng món thịt hầm, tôi bắt đầu lên tiếng. Tôi có cảm tưởng mình phải chuẩn bị nguyên cớ, có thể nói như thế, và trong vài tiếng đồng hồ đã suy tính phải nói những gì.
“Ông Parker, phải nói rằng tôi rất cảm kích vì ông đã dẫn tôi đi theo, và tôi đánh giá cao nỗ lực của ông khi giúp tôi được thoải mái.”
Trong ánh lửa hồng, khuôn mặt ông là chiếc mặt nạ của những bóng tối không gì xâm nhập được, cho dù bóng tối thật sự có hiệu quả xóa đi những vết bầm trên đôi má ông và làm dịu đi nét cứng cỏi của ông.
“Tôi biết tình huống này là khá... bất thường, nhưng tôi mong rằng chúng ta vẫn là bạn đồng hành tốt với nhau.”
Tôi nghĩ “bạn đồng hành” là ngôn từ nghe hay; thân thiết nhưng không hàm ý tình cảm cá nhân quá đáng.
Ông nhìn qua tôi, trong khi nhai một mẩu sụn dai. Tôi nghĩ ông sẽ tiếp tục câm nín, như thể tôi không hiện diện hoặc tôi là sinh vật không quan trọng gì lắm, như con bọ hung, nhưng rồi ông nuốt thức ăn và nói: “Bà có bao giờ nghe anh ấy chơi vĩ cầm chưa?”
Phải mất một lúc tôi mới vỡ lẽ ông đang nói về Laurent Jammet.
Và rồi tôi mường tượng mình đang đứng bên ngoài ngôi nhà gỗ bên bờ sông gần nhà, nghe giai điệu ngọt ngào lạ lùng và thấy Francis chạy ra khỏi khung cửa, khuôn mặt nó biến đổi vì đang cười lớn - và tôi bất động vì hoang mang.
Trong đời mình tôi không khóc nhiều. Cuộc đời nào cũng có lúc khó khăn - đối với một người đến tuổi như tôi bây giờ - đã vượt đại dương và mất cha mẹ cùng đứa con - nhưng tôi nghĩ đúng là cuộc đời mình gặp khó khăn hơn nhiều người khác. Nhưng dù thế, tôi luôn nghĩ rằng không ích gì mà khóc, cứ như là bạn nghĩ một người nào đấy có thể trông thấy và thương hại bạn, và họ nghĩ có thể làm gì đấy cho bạn - trong khi ngay từ đầu tôi thấy rằng chẳng ai giúp gì mình được cả. Trong mấy ngày này tôi không khóc cho Francis, bởi vì tôi quá bận bịu nói dối và che giấu và trù định một kế hoạch để giúp nó, và có lẽ nếu khóc thì tôi sẽ phung phí phần năng lượng nhỏ nhoi của mình. Vì thế mà tôi không biết bây giờ cái gì đã thay đổi, khiến cho những dòng lệ chảy xuống đôi má tôi, vạch ra những đường ấm nồng trên làn da. Tôi nhắm mắt lại, quay mặt đi vì xấu hổ, mong rằng có lẽ Parker sẽ không để ý. Đấy không phải như là Parker có thể giúp, ngoài việc hướng dẫn tôi đi trong rừng như ông đang làm. Tôi xấu hổ bởi vì có vẻ như tôi đang kêu gọi lòng từ tâm của ông; phó thác thân mình cho lòng khoan dung của ông, khi mà tôi biết ông chẳng khoan dung gì cả.
Nhưng khi khóc, tôi nhận ra niềm khoái cảm thú vị; những giọt nước mắt trên làn da mặt tôi như là những ngón tay nồng ấm đang vỗ về tôi.
Khi tôi mở mắt ra, Parker đã pha trà xong, ông không hỏi tôi giải thích.
“Xin ông thứ lỗi. Con trai tôi yêu thích âm nhạc của anh ấy.”
Ông trao cho tôi chiếc cúp thiếc. Tôi uống một ngụm và ngạc nhiên, ông đã cho thêm đường, loại thuốc đa năng cho mọi chứng bệnh, ước gì chúng ta có thể làm ngọt dịu mọi nỗi ưu phiền dễ dàng đến thế.
“Khi chúng tôi làm việc họp đoàn với nhau, anh ấy thường chơi nhạc cho chúng tôi nghe. Các ông chủ cho phép anh ấy mang theo cây đàn vĩ cầm trong các chuyến tải hàng. Họ biết dù phải mang nặng thêm nhưng vẫn đáng giá.”
“Ông làm việc với anh ấy hở? Với Công ty phải không?”
Tôi nhớ lại tấm ảnh của Jammet chụp với một nhóm nhân viên tải hàng và cố soát xét trong ký ức xem Parker có phải là một trong những người này không, nhưng không nhớ ra.
“Đã lâu lắm rồi.”
“Trông ông không có vẻ như một... nhân viên của Công ty.” Tôi vội mỉm cười, vì e lời mình gây xúc phạm.
“Ông nội tôi là người Anh. Tên ông cũng là William Parker[34]. Quê ông ở Hereford.”
Bây giờ Parker đang hút dọc tẩu. Đấy là dọc tẩu của chồng tôi, vì dọc tẩu của ông đã bị tịch thu.
“Hereford? Ở Anh hở?”
“Bà biết vùng này à?”
“Không. Tôi nghĩ ở đấy có một ngôi giáo đường rất đẹp.”
Ông gật đầu, như thể sự hiện diện của ngôi giáo đường tự nó là điều hiển nhiên.
“Ông có biết về ông ấy nhiều không?”
“Không nhiều. Cũng như phần lớn những người khác, ông nội tôi không ở yên một chỗ. Ông cưới bà nội tôi là người Cree, nhưng ông trở về Anh. Họ có một người con, đó là cha tôi. Cả đời ông làm việc cho Công ty.”
“Còn mẹ ông thì sao?”
Một tia xúc động tỏa ra trên khuôn mặt ông: “Hừ... ông ấy cưới một phụ nữ người Mohawk từ một cơ sở truyền giáo người Pháp.”
“À…” Tôi chỉ nói ngắn gọn, như thể đấy là đã giải thích điều gì. Mà đúng thế, người Iroquois nổi tiếng về tầm vóc cao lớn và thể lực. Và cũng có lẽ (cho dù lẽ tự nhiên là tôi không nói thế), họ có ngoại hình tốt. “Ông là người Iroquois. Vì thế mà ông cao lớn đến thế.”
“Mohawk, không phải Iroquois.” Ông đính chính lời tôi một cách nhẹ nhàng mà không tỏ vẻ bực bội.
“Tôi nghĩ họ là như nhau.”
“Bà có biết ‘Iroquois’ có nghĩa là gì không?
Tôi lắc đầu.
“Có nghĩa ‘rắn chuông’. Đó là cái tên mà những kẻ thù của họ gọi họ.”
“Tôi xin lỗi. Tôi đã không biết.”
Đôi môi ông cong lại trong dáng điệu mà tôi bắt đầu nhận ra đấy là nụ cười. Giọng ông nghe ấm cúng, vui vui: “Mẹ tôi được cho là phải trở thành tín đồ Công giáo tốt để được nhà dòng giáo dục, nhưng bà luôn là người Mohawk.”
Tôi mỉm cười qua ánh lửa bập bùng. Luôn vẫn là điều dễ chịu khi biết rằng một nghi phạm yêu mến mẹ mình.
Cốc trà của tôi gần cạn; dĩ nhiên là đã lạnh băng. Tôi muốn hỏi về cái chết của Jammet nhưng e sợ sẽ làm đảo lộn mối giao tiếp tế nhị giữa hai người. Thay vào đấy, tôi ra dấu hỏi: “Mặt ông bây giờ như thế nào?”
Ông đưa hai ngón tay sờ da mặt: “Không còn đau nhiều nữa.”
“Tốt. Không còn sưng nữa.” Tôi nghĩ đến Mackinley. Xem dường ông này không chịu bỏ qua dễ dàng. “Tôi đoán có người vẫn cố muốn theo dấu chúng ta.”
“Dù cho họ làm vậy, với lớp tuyết này, họ sẽ mất dấu. Và họ sẽ đi chậm lại.”
“Nhưng ông sẽ có thể tìm ra dấu chứ?”
Tôi đã quan ngại thêm vì việc này. Vì tuyết đã rơi - trông dường mỏng manh, dễ chịu, khô ráo - tôi tin chắc rằng Francis đã trú thân ở một ngôi làng nào đấy. Tôi tin vào việc này vì tôi phải có niềm tin.
“Vâng.”
Tôi tự nhắc nhở mình rằng ông là người chuyên đặt bẫy thú rừng và đã quá quen với việc theo dấu những con vật nhỏ qua lớp tuyết. Nhưng sự tự tin này bắt nguồn từ việc khác nữa. Tôi lại có cảm tưởng rằng ông đã biết dấu chân sẽ dẫn đến đâu.
Trong một khoảnh khắc chúng tôi ngồi im lặng, trong khi tôi ghen tị với nhịp độ và nghi thức hút dọc tẩu, làm cho người đàn ông trông bận rộn và chìm trong suy tư cho dù ông không làm và nghĩ gì cả. Và tuy thế, tôi cảm thấy an bình hơn mấy lúc gần đây. Chúng tôi đang trên đường đến đích. Tôi đang làm việc gì đấy để giúp Francis.
Tôi đang làm việc gì đấy để chứng tỏ tôi thương mến nó biết dường nào, và điều này là quan trọng, bởi vì tôi e nó đã quên.
༺༒༻
Có lúc nào đó, Francis nhận ra rằng mình đang bị giam giữ. Không ai nói cho anh biết việc này, nhưng có cái gì đó trong ánh mắt của Per khi nhìn anh và nhìn Moody, khiến cho anh đoán thế. Moody tin anh là người giết Laurent. Anh cảm thấy cáu vì việc này, hơn là sợ hãi hoặc nổi giận. Có lẽ nếu ở vào hoàn cảnh của Moody thì anh cũng nghĩ thế.
Moody đẩy gọng kính lên sống mũi lần thứ một trăm, nói: “Tôi không hiểu tại sao anh không nói cho ai biết anh đã thấy gì. Đáng lẽ anh có thể kể cho cha anh nghe. Ông ấy là người được trọng vọng trong làng.”
Francis cắn môi trong câu trả lời hiển nhiên. Đấy xem dường là ý tưởng đúng lý, cho dù do Moody nói ra. Anh tự hỏi Moody đã gặp cha mình chưa.
“Tôi nghĩ người đàn ông kia có thể đi quá xa. Tôi đã suy nghĩ không cặn kẽ.”
Đấy là câu nói làm nhẹ đi vấn đề. Donald nghiêng đầu về một bên, trông như thể anh đang cố tìm hiểu ý niệm về việc suy nghĩ không cặn kẽ. Anh trông như thể không hiểu.
Lần này, im lặng ngồi kế bên Moody là một người hai dòng máu, được giới thiệu với Francis là Jacob. Francis chưa nghe anh này lên tiếng, nhưng đoán anh có mặt ở đây như là nhân chứng của Công ty Vịnh Hudson. Anh đã nghe - từ Jammet, cũng như những người khác - rằng ở Đất Rupert, Công ty sẽ cử nhân viên đi thực thi công lý sơ đẳng. Nếu một vụ án mạng xảy ra, nhân viên Công ty sẽ âm thầm truy lùy rồi hạ sát hung thủ. Anh tự hỏi Jacob có phải là tay sát thủ được Công ty chỉ định hay không. Được chỉ định để thi hành án đối với anh. Anh này chỉ ngồi cúi mặt xuống, nhưng đôi mắt chăm chú theo dõi Francis. Có lẽ họ nghĩ anh sẽ phạm sai sót mà bị lộ diện.
Moody quay người thì thầm, rồi Jacob đứng dậy đi ra khỏi phòng. Moody kéo chiếc ghế đến gần Francis hơn và nở nụ cười với anh, giống như một đứa trẻ cố làm bạn trong ngày đầu tiên đến trường.
“Tôi muốn cho anh xem một món.”
Rồi anh kéo lên vạt áo mình, cho Francis xem vết sẹo - một khoảnh da mềm, bóng, màu đỏ so với làn da trắng chung quanh: “Thấy không? Lưỡi dao đâm vào bảy phân. Và người đâm tôi đang... ngồi đằng kia.”
Anh nhìn thẳng vào mắt Francis. Dù cố trấn tĩnh, Francis vẫn mở to đôi mắt vì kinh ngạc.
“Tuy vậy, tôi nghĩ không ai ở xứ sở này quan tâm đến tôi như anh ấy.”
Francis bất giác nở nửa nụ cười.
Donald cười, có ý khuyến khích Francis: “Anh sẽ cười khi tôi nói cho anh biết tại sao. Chúng tôi đang chơi bóng bầu dục, và tôi tóm lấy anh ấy. Ôm chặt hai chân - đó là cách tranh bóng cổ điển hợp lệ. Và anh ấy phản ứng theo bản năng. Trước đó anh ấy chưa từng chơi bóng bầu dục. Thậm chí tôi không biết anh ấy mang dao theo người.”
Donald cười to, và Francis cảm thấy một tia ấm áp lan tỏa trong anh. Trong một khoảnh khắc, xem dường hai người là đôi bạn.
Donald nhét vạt áo lại vào trong lưng quần.
“Điều tôi muốn nói là, cho dù ai đó là bạn mình, vẫn có thể cãi cọ, và trong cơn giận người ta có thể ra tay. Chẳng có ý nghĩa gì cả. Chỉ một khoảnh khắc sau đó - mà anh ta có thể chịu chết nếu không ra tay. Có phải chuyện cũng diễn ra giống như vậy không? Anh cãi cọ - có lẽ anh ấy say rượu... anh cũng say rượu... anh ấy khiến cho anh nổi giận, rồi anh ra tay mà không kịp suy nghĩ...”
Francis đang nhìn lên trần nhà, nói: “Nếu quan tâm đến công lý, tại sao anh không dò theo các dấu chân kia, dấu chân của kẻ giết người? Anh hẳn đã trông thấy các dấu chân này. Tôi có thể dò theo. Ngay cả nếu anh không tin việc này, hẳn anh đã thấy các dấu chân.”
Có cái gì đó rạo rực trong anh, và ngôn từ tiếp tục tuôn chảy, càng sôi nổi hơn.
“Anh đã có thể dò theo các dấu chân để đảm bảo anh đi tới nơi nào đó được an toàn.” Donald nghiêng người tới trước, như thể cảm thấy cuối cùng sẽ nhận được thông tin nào đó.
“Nếu muốn chạy trốn, tôi đã không chạy đến đây! Tôi sẽ đi Toronto, hoặc lên một chiếc tàu...” Francis đảo mắt nhìn lên những đường nứt nẻ trên trần nhà. Những dấu hiệu khó hiểu, “Ở đây tôi tiêu tiền vào việc gì? Quả là điên rồ mà nghĩ tôi giết anh ấy, anh không thấy điều đó sao? Ngay cả nghĩ tới chuyện đó cũng là điên rồ...”
“Có lẽ vì vậy mà anh đến đây, bởi vì đó không phải là chuyện hiển nhiên... Anh trốn lánh ở đây rồi khi tình hình lắng xuống anh sẽ đi đến nơi anh muốn - tôi có thể nói đó quả là tinh khôn.”
Francis chăm chăm nhìn Donald - nói chuyện với cái tên ngu dốt này làm gì, khi hắn đã kết luận chuyện gì đã diễn ra? Nếu như thế, thì mặc. Bây giờ cổ họng anh thắt nghẹn, anh buồn nôn. Anh muốn la hét. Nếu họ đã biết sự thật, liệu họ sẽ tin anh không? Nếu anh kể cho họ biết thực sự là như thế nào?
Thay vào đó, anh mở miệng mắng: “Mẹ kiếp anh, mẹ kiếp anh! Mẹ kiếp tất cả bọn anh!” Rồi anh quay mặt vào bức tường.
Giây phút Francis quay mặt đi, Donald chợt nghĩ ra một chuyện. Cuối cùng, anh nhớ ra chuyện gì đã vương vấn trong đầu óc anh mấy ngày nay - chuyện về Francis gợi cho anh nhớ lại một anh chàng ở trường mà anh quen nhưng, cũng giống như những người khác, đều xa lánh. Vậy thì có lẽ động lực là thế. Không lấy làm ngạc nhiên lắm.
༺༒༻
Một chuyện khác thường nào đó xảy ra. Khi trời tiếp tục yên ắng và lặng gió hoàn toàn, và chúng tôi tiếp tục đi về hướng bắc, băng qua vùng rừng cây, tôi nhận ra rằng mình đang hứng thú. Tôi cảm thấy sốc và có lỗi, vì đáng lẽ tôi phải lo lắng về Francis, nhưng tôi không thể chối cãi: khi nào không nghĩ về nó đang nằm đau đớn và lạnh cóng, thì tôi thấy mình hạnh phúc mà trong một thời gian dài tôi không hề được hạnh phúc như thế.
Tôi chưa hề nghĩ mình có thể đi xa trong vùng hoang dã mà không sợ hãi. Dù chưa từng thổ lộ với ai, điều mà tôi luôn sợ về rừng hoang là tính đơn điệu. Cây cối rất ít đa dạng, nhất là trong mùa này, khi màn tuyết làm cho tất cả mang một lớp áo trắng xóa, biến thành những hình thù ảm đạm, và rừng cây thành nhạt nhòa, tranh sáng tranh tối. Trong mấy năm đầu khi mới đến Sông Dove, tôi thường có ác mộng: tôi đang ở giữa khu rừng, nhìn quanh quất tìm lại lối xuất phát tôi đã đi đến đấy, nhưng tôi thấy mọi hướng đều giống y như nhau. Tôi bấn loạn, mất phương hướng. Tôi biết rằng mình đã lạc đường, và sẽ chẳng bao giờ thoát ra được.
Có lẽ tình huống của tôi đã cùng cực nên không thể hoặc không ích gì mà sợ. Tôi cũng không sợ người dẫn đường lầm lì của mình. Vì lẽ ông chưa giết tôi dù có nhiều cơ hội, tôi bắt đầu tin tưởng nơi ông. Có lúc tôi tự hỏi nếu mình từ chối đi với ông, thì chuyện gì sẽ xảy ra - liệu ông có bức bách tôi phải đi không? Rồi tôi hết băn khoăn. Đi bộ trong tám tiếng đồng hồ qua lớp tuyết tinh nguyên là cách thức hay để trấn tĩnh nỗi bứt rứt trong tâm trí.
Khẩu súng trường của Angus được cột chặt vào chiếc xe trượt tuyết và không được nạp đạn, nên nếu bị tấn công bất ngờ thì chúng tôi chẳng được bảo vệ gì cả. Tôi hỏi Parker như thế là khôn ngoan hay không, nhưng ông chỉ cười to. Ông nói trong vùng này không có gấu.
Ông nhìn tôi với vẻ thương hại: “Chó sói không tấn công người. Chúng có thể hiếu kỳ, nhưng chúng không tấn công bà.”
Tôi kể cho ông nghe về các cô con gái tội nghiệp bị chó sói ăn thịt. Ông lắng nghe mà không ngắt lời, rồi nói: “Tôi đã nghe qua những chuyện này. Không có dấu hiệu gì cho thấy các cô gái bị chó sói ăn thịt.”
“Nhưng không có chứng cứ cho thấy họ bị bắt cóc, và người ta không tìm thấy gì cả.”
“Chó sói không ăn hết cả xác chết. Nếu chó sói tấn công, chúng sẽ để lại dấu vết - những mảnh xương - và chừa lại nội tạng.”
Tôi không biết phải nói gì về chuyện này. Tôi không rõ ông đã nhìn thấy hay sao mà biết được mấy chi tiết rùng rợn ấy.
Ông tiếp: “Nhưng tôi chưa từng biết chó sói tấn công mà không bị khiêu khích. Chúng tôi chưa từng bị tấn công, và chó sói thường rình mò chúng tôi.”
“Ông Parker, có phải ông đang thử làm cho tôi sợ phải không?” Tôi nói với nụ cười vu vơ, dù ông đi phía trước và không thấy vẻ mặt của tôi.
“Không có lý do để sợ. Các con chó sẽ phản ứng nếu có chó sói chung quanh, đặc biệt là vào ban đêm. Và chúng ta vẫn còn bình an.”
Ông vừa nói vừa nhìn ngoái lại như là để bất chợt quan sát thời tiết, nhưng tôi hay liếc nhìn phía sau mình để xem có con vật gì đi theo hay không, và tôi càng muốn đi gần chiếc xe trượt tuyết hơn.
Khi ánh nắng nhạt dần, tôi cảm nhận những bóng tối di chuyển đến gần chung quanh mình. Tôi ước gì đã không nêu ra chuyện kia. Tôi ngồi gần đống lửa, cơn mệt mỏi thể chất vẫn không trấn áp trạng thái thần kinh của tôi bị tác động từ mỗi cành lá xào xạc và cơn gió tuyết. Tôi hốt tuyết gần đống lửa và làm món súp với sự lơ đãng. Khi Parker đã khuất bóng để chặt cành cây, tôi dõi mắt nhìn theo, và khi các con chó kích động lên tiếng sủa, tôi gần như nhảy dựng lên.
Sau đó, khi đang nằm co mình như thỏi xúc xích trong căn lều, có cái gì đấy khiến cho tôi tỉnh dậy. Tôi có thể nhận ra khoảng không màu xám bao phủ quanh lều, vì thế hoặc là trời gần sáng hoặc là có ánh trăng.
Thế rồi, tiếng nói của Parker cất lên sát bên tôi khiến cho tôi giật nẩy mình: “Bà Ross, bà đang thức phải không?”
“Vâng.” Cuối cùng tôi thì thầm, quả tim như thể chặn trên cổ họng, tôi tưởng tượng đến mọi chuyện kinh hoàng bên ngoài các tấm vải bạt.
“Nếu muốn, bà quay đầu qua khe hở mà nhìn ra ngoài. Đừng hoảng hốt. Không có gì đáng sợ. Có thể bà muốn biết.”
Vì lẽ sau buổi tối đầu tiên tôi đã ngủ với đầu hướng về khe hở nên tôi dễ dàng quay đầu qua nhìn. Tôi thấy Parker đã tạo một lỗ hổng trên tấm vải ở ngăn bên tôi, nên tôi nhìn ra.
Chưa phải là bình minh, nhưng có ánh sáng lạnh mát, xám nhạt, có lẽ từ vầng trăng mà tôi không nhìn thấy, phản chiếu từ lớp tuyết soi rọi quang cảnh, dù cây cối trông vẫn còn tối và lờ mờ. Trước mặt tôi là đốm đen của đống lửa đã tắt, và xa hơn, hai con chó đang đứng, thân hình trông căng thẳng, hướng về cái gì đó giữa đám cây cối. Một trong hai con chó kêu ư ử; có lẽ tiếng kêu này làm cho tôi tỉnh giấc.
Thoạt đầu tôi không nhìn thấy gì thêm, rồi sau một hoặc hai phút tôi thấy những chuyển động trong bóng tối. Tôi giật mình nhận ra có một hình thù trông giống như chó, màu xám giữa nền tuyết xám nhạt hơn. Con thứ thứ ba đang nhìn hai con chó, đôi mắt và mõm hơi đậm hơn bộ lông. Các con vật đang nhìn nhau chăm chú, không tỏ ra hung hăng, nhưng cũng không muốn quay đầu hướng khác. Một tiếng ư ử lại nổi lên, có lẽ từ con sói. Nó trông nhỏ, nhỏ hơn con Sisco. Có vẻ như nó chỉ có một mình. Tôi thấy nó tiến đến gần vài bước, rồi lại lùi ra xa, giống như một đứa trẻ nhút nhát muốn tham gia một trò chơi nhưng e không được tiếp nhận.
Trong khoảng mười phút tôi quan sát sự truyền thông giữa chó nhà và chó sói, và trong khi đó tôi quên cả sợ hãi. Tôi nhận ra ở kế bên tôi Parker cũng đang quan sát. Dù tôi không quay đầu qua ông, ông ở thật gần đến nỗi tôi nhận ra mùi hương của ông. Chỉ dần dần tôi mới nhận ra; bình thường không khí giá lạnh đến nỗi khứu giác tôi bị tắt hẳn. Nhưng trong khi tôi quan sát các con thú, có cái gì đấy tỏa mùi hương của sự sống - không phải mùi của chó hoặc thậm chí của mồ hôi, nhưng cái gì đấy giống như cây lá, như mùi nồng nồng ẩm ướt trong nhà kính. Tôi cảm thấy buốt như chạm phải gai, và đấy là hoài niệm: hoài niệm về nhà kính ở bệnh viện tâm thần nơi chúng tôi thường trồng cà chua, và về mùi hương giống như bác sĩ Watson khi tôi ép mặt mình vào lớp vải áo hoặc làn da của ông. Trước đây tôi chưa từng biết người đàn ông nào có mùi hương như thế, ngoại trừ mùi thuốc lá và nước hoa của cha tôi, hoặc mùi khó chịu do cơ thể hoạt động và trang phục chưa giặt, như của phần lớn người giúp việc.
Mùi hương duy nhất giống Watson và nhà kính giữa khu rừng giá lạnh này chính là Parker.
Đến đây, tôi không đặng đừng mà quay đầu một chút qua ông và hít vào một hơi, để lấy lại thêm một ít hoài niệm ấy, có phần thu hút chứ không phải khó chịu. Tôi cố hành động một cách lén lút nhưng cảm thấy ông nhận biết được, và tôi ngước mắt lên để xem có đúng không, và thấy ông đang nhìn tôi từ khoảng cách chỉ dăm bảy phân. Tôi giật mình, và rồi mỉm cười, để che giấu nỗi ngượng nghịu. Tôi lại nhìn các con vật, nhưng con sói đã biến mất như một bóng ma màu xám, và bây giờ tôi không biết nó đã đi xa hoặc chỉ vừa mới rời đi vài phút trước.
Tôi nói một cách hiểu biết: “Đấy là chó sói.”
“Bà đã không thấy sợ.”
Tôi lại nhìn để xem ông có ý đùa bỡn hay không, nhưng ông đang thu người về phía phân nửa căn lều của mình.
“Cảm ơn ông,” tôi nói, và rồi bực bội với chính mình. Đấy không phải như ông đã dàn xếp cho con sói đến tìm tôi, thế nên nói ra như thế là việc ngốc nghếch. Tôi lại nhìn hai con chó. Con Sisco vẫn còn nhìn chăm chăm qua khu rừng cây dõi theo kẻ xâm nhập, nhưng con Lucie đang nhìn tôi với hàm mở rộng và lưỡi thè ra, như thể đang cười cợt với tôi.
[34] Một số người phương Tây đặt tên con trai giống như tên cha hoặc tên ông nội, cho đó là cách vinh danh người đi trước, trong khi đối với người Việt là điều cấm kỵ. Để phân biệt, tên người con có tên giống cha thì thêm chữ “Jr.” (con) theo sau, nếu cháu nội cũng trùng tên thì thêm chữ “3rd” (thứ ba) theo sau.