- Công Tôn tiên sinh nói rất phải, vừa rồi còn một cái bóng hồng dùng làm ám khí đả thương khá nhiều giác luyện, Bạch đại ca hiện đã đuổi theo y rồi.
Công Tôn Vô Kỵ khẽ gật đầu nói tiếp:
- Những người tới tối hôm nay không để cho chúng đào tẩu thoát một tên nào cả. Hà Dị mau đi báo cho Hầu huynh biết lên đằng trước tiếp ứng, thể nào cũng bắt cho được tên đó, nếu tên ấy cứng rắn, thì cứ việc giết chết đi cũng không sao.
Hà Dị vâng lời đi luôn.
Lúc ấy Công Tôn Vô Kỵ mới quay lại nhìn Thanh Lam và lạnh lùng hỏi:
- Họ Giang kia, tối hôm nay các ngươi tất cả mấy người tới đây?
Thanh Lam lớn tiếng cười đáp:
- Ngụy Quận nho nhỏ này, tiểu sinh có coi vào đâu đâu, muốn tới là tới, muốn đi là đi, cần gì phải nhiều người kia chứ.
Hoa Di Lạc liền quát mắng:
- Tiểu tử ngươi dám ở trước mặt Công Tôn tiên sinh hỗn láo như thế, có là ngươi muốn chết chắc.
Y vừa nói tới chữ chết, thì đã đột nhiên tới gần giơ tay ra chộp lấy cổ tay của Thanh Lam.
Thế võ ấy của ông trông rất tầm thường, nhưng nhanh khôn tả và bắt rất trúng, vừa rồi Thanh Lam đã bị Trường Thắng bắt trúng hai tay, khiến chàng đau nhức chịu không nổi, thanh trường kiếm còn bị rớt xuống bên dưới nữa. Nên lúc này chàng thấy Hoa Di Lạc nhảy tới định chộp mình, chàng vội lui về phía sau một bước và giơ chưởng lên nhắm cổ tay của Hoa Di Lạc chặt luôn.
- Hừ hừ, tiểu tử này cũng có đôi ba tiếng võ đuổi gà đấy.
Hoa Di Lạc nói như vậy, nhưng y không thâu tay lại mà đổi chộp thành gạt, tay của hai người va đụng nhau, kêu đến “bộp” một tiếng.
Thanh Lam cảm thấy tay mình như chặt phải một miếng băng vậy, cả cánh tay cũng tê tái, chàng kinh hãi vô cùng, và nghĩ thầm:
- Không ngờ tên sói đầu này lại lợi hại như thế, thảo nào lẩm nhẩm bảo võ công của y còn cao siêu hơn ta nhiều.
Nghĩ đoạn, chàng vội lui ngay về phía sau Hoa Di Lạc kêu “hừ” một tiếng, tiến lên một bước.
Lúc ấy, hai người cách nhau rất gần, y lại giơ tay ra định bắt tay Thanh Lam lần nữa.
Thanh Lam muốn lui bước cũng không kịp và đã thấy một luồng kình phong lấn át tới trước ngực rồi, trong lúc nguy cấp chàng vội lép ngực xê người sang bên, nhưng cũng hơi chậm một chút. Ngón tay của Hoa Di Lạc đã rạch tới ngang hông. Dù chàng đã luyện năm năm nội công rồi, mà chàng vẫn cảm thấy chỗ xương hông đó đau nhức, mặc dầu chưa hề bị thương chút nào.
Chàng vừa kinh hãi vừa lo âu.
Hoa Di Lạc tấn công hụt thế đó vừa ngã người về phía trước.
Chàng thừa thế phi thân lên đá luôn bảy,tám cái một lúc, nhanh khôn tả.
- Đó là thân pháp Truy Hồn bát kiếm của tnn dạy cho chàng nghiên cứu diễn biến thành Thất tuyệt liên hoàn, hai chân chàng đá nhanh như cái bánh xe.
Tuy thế đá của chàng hãy còn non nớt, nhưng Hoa Di Lạc đã bị cuống cả chân tay lui về phía sau năm sáu bước rồi, nhưng dù sao hòa thượng ấy cũng là người nổi tiếng lâu năm, tránh xong mấy thế đó y lại tiến lên ngay múa song chưởng nhằm mặt Thanh Lam tấn công tiếp:
Lần này y sử dụng Phân Tâm cốt thủ pháp, chuyên nhằm những khớp xương và yếu huyệt của Thanh Lam tấn công tới.
Tuy Thanh Lam không biết thủ pháp đó, nhưng thấy thế công của đối phương vừa lợi hại vừa quái dị như vậy mà chưởng phong của địch cứ nhằm các nơi yếu huyệt của mình tấn công tấn công tới tấp.
Chàng liền nghiến răng mím môi giở toàn xa chống đỡ, chỉ trong nháy mắt đôi bên đã đấu được mấy chục hiệp, dù thiên tư của chàng có hơn người như thế nào đi chăng nữa, chàng mới học có năm năm võ công thì địch sao nổi Hoa Di Lạc đã luyện hàng chục năm rồi, nên chàng càng đấu chàng thấy áp lực của đối phương mạnh thêm, nên chàng cứ phải lui về phía sau lia lịa, trong lúc lùi bước đó khuỷu tay chàng ngẫu nhiên đụng một vật, đó là bao kiếm, vì vừa rồi kiếm chàng đã bị lọt xuống mái nhà nên chỉ còn đeo cái bao kiếm, chàng cả mừng bụng bảo dạ rằng:
- “Thầy đồ Thư đã nói, dù một cành liễu khi sử dụng lên vẫn có thể sắc bén như một thanh kiếm vậy, hiện giờ ta không có khí giới, sao không lấy bao kiém làm khí giới có hơn không”
Nghĩ đoạn chàng nhanh tay cởi bao kiếm cầm trong tay và quát lớn mốt tiếng, giở thế Ngũ Đỉnh Khai Sơn, ra nhằm mắt Hoa Di Lạc đâm luôn.
Hoa Di Lạc đang tiến lên, không ngờ Thanh Lam lại không lui mà trái lại còn phản công giở thế võ kỳ lạ ra đối phó, tay lại có thêm một khí giới dài hơn một thước.
Hai người cách nhau rất gần và y lại đang tiến bước trong đêm tối, y đang biết khí giờ của đối phương là gì, chỉ thấy đen thui thủi, nhằm mặt mình đi tới thôi, dù y võ công cao siêu đến đâu cũng phải hoảng sợ, vội nhảy lùi ra phía sau hơn trượng để tránh né.
Thanh Lam thấy mình tấn một thế đã đắc thắng, liền giở Truy Hồn bát kiếm ra tấn công tới tấp.
Hoa Di Lạc quay về phía sau hơn trượng, tới khi nhìn kỹ mới biết khí giới của đối phương chỉ là cái bao kiếm thôi y liền cười nhạt một tiếng lại xông lên tấn công tiếp.
Nhưng lúc này Thanh Lam đã có bao kiếm trong tay rồi không còn sợ hãi như trước nữa. Truy Hồn bát kiếm của chàng quả thật lợi hại tuy tay chàng chỉ cầm một bao kiếm thôi, nhưng Hoa Di Lạc vẫn không dám đến gần, ngay cả Công Tôn Vô Kỵ với Quí Tử Thanh đứng cạnh đó xem cũng phải biến sắc mặt. Trong lúc nguy cấp Thanh Lam bỗng nghĩ ra được cách dùng bao kiếm thay kiếm nên gỡ lại thế bại, trấn át được thế công lợi hại của Hoa Di Lạc, nhưng dù sao cũng chỉ đánh ngang tay với nhau thôi, chứ chàng không sao thắng nổi đối phương.
Lúc ấy, Thanh Lam đã sử dụng đến thế cuối cùng Truy Hồn bát kiếm, chàng nhận thấy một mình Hoa Di Lạc mà còn chưa thắng nổi, huống hồ lại còn hai tay cao thủ đứng cạnh đó coi chừng. Chàng liền nghĩ thầm:
- “Có lẽ tối hôm nay muốn đào tẩu ra khỏi Điền phủ này còn khó hơn là lên trời, bây giờ ta chỉ còn Càn Khôn Nhất Kiếm là có thể chống nổi kẻ địch thôi, lúc này ta không sử dụng thì còn đợi chờ đến bao giờ nữa?”
Nghĩ đoạn chàng liền giở hết bình sinh ra tấn công luôn thế cuối cùng của Truy Hồn bát kiếm tiếp theo đó kiếm của chàng rung động, liền hóa ra vô số cái vòng nhỏ và mau như một cái lưới đen nhằm Hoa Di Lạc úp chụp tới.
Hoa Di Lạc bỗng thấy đối phương giở kiếm pháp thần diệu ra như vậy, không biết đây mà tránh né nữa, y đành nhảy ra ngoài xa.
Thanh Lam cũng thừa cơ nhảy ra ngoài xa bốn năm trượng.
Nhưng Quí Tử Thanh đã múa thiết bút ngăn cản.
Chàng đoán trước là thể nào cũng có người ngăn cản mình nên vừa thấy Quí Tử Thanh xông tới chàng liền giở luôn cknk ra tấn công tiếp.
Quí Tử Thanh bỗng thấy vô số cái khoanh tròn đen và đụng vào bút sắt của mình kêu đến “Coong” một tiếng bao kiếm tuy gãy, nhưng dư sức vẫn còn khiến y bị đẩy lùi về phía sau bốn, năm bước.
Thanh Lam thấy vậy vừa kinh hãi vừa mừng thì đột nhiên nghe thấy phía sau có tiếng cười nhạt và có một sức nặng hàng nghĩn cân nhằm sau mình lấn át tới rồi chàng thấy hai mắt tối đen ngã sấp về phía trước.
Hoa Di Lạc thấy vậy cả cười đang định giơ tay ra chộp người Thanh Lam lên.
Thì bỗng có một cái bóng người nhanh như điện chớp lướt qua mang theo luôn Thanh Lam thoáng cái đã mất dạng.
Công Tôn Vô Kỵ lợi hại như thế mà cũng đành đứng trố mắt lên nhìn người ta cướp mất kẻ địch của mình đi, muốn ra tay ngăn cản cũng không còn kịp nữa.
Hoa Di Lạc kinh hãi vô cùng đưa mắt nhìn Công Tôn Vô Kỵ một cái và hỏi:
- Công Tôn tiên sinh người đó có phải là Bát Túy kiếm khách không?
Công Tôn Vô Kỵ sầm nét mặt lại, lắc đầu xua tay ra hiệu một cái, rồi nhảy xuống dưới nhà.
Tối hôm ấy, Thanh Lam không trở về khách sạn nhưng trong phòng của chàng đèn lửa thắp sáng. Lúc ấy đã là canh ba rồi canh tư, lại đến canh năm, một thiếu niên mặt đen ngồi ở trong phòng chàng đợi chờ. Thiếu niên đó chính là Lan Nhi, ngồi chờ mãi vẫn không thấy Thanh Lam trở về, chàng lo âu vô cùng.
Chờ cho đến trời sáng tỏ, thấy Thanh Lam không trở về, chàng ta mới lẳng lặng rời bỏ căn phòng ấy.
Tối hôm đó, ở trong Điền phủ, tất nhiên đã bị nhiều người tới quấy rối đến độ trời long đất lở, khiến ai cũng phải khiếp đảm.
Nhưng ở Tiết phủ tại Lộ Châu cũng đã có chuyện xảy ra. Thì ra Thanh Lam bỗng đi không về, Hồng Tuyến cô nương cũng lại mất tích nốt. Ai nấy đều biết Biểu công tử rất yêu Hồng Tuyến cô nương, lần này hai người đi như vậy có lẽ rủ nhau cao bay xa chạy cũng nên? Tất nhiên việc đó không thể dấu diếm được Tiết Tung. Ông ta là người rất chính trực, trị gia rất nghiêm. Thời bấy giờ, ngay cả dân chúng thường cũng còn chú trọng lễ phép huống hồ là Tiết độ sứ phủ.
Chuyện hai người rủ nhau bôn tẩu như vậy là chuyện rất xấu xa, có ảnh hưởng đến môn phong. Tiết Tung đã lo âu về việc công, nay lại có việc công làm phiền lòng ông ta như vậy, nên tối hôm đó ông ta ngủ mãi không yên.
Sáng sớm ngày hôm sau, trời đã mọc lên cao ông ta mới thức tỉnh, đã thấy trên giường có một cái hộp vàng, dưới có để một tờ giấy, ông ta nghĩ thầm:
- “Chả lẽ quân tình không dám gọi ta dậy, nên mới để ở trước giường chăng?”
Ông ta nghĩ như vậy, vội cầm lấy cái hộp với tờ giấy liền nhận ra ngay đó là bút tích của Hồng Tuyến cô nương, nữ thư ký riêng của mình. Ông ta cầm xem, thấy trên tờ giấy ấy viết rằng:
“Thiếp đẻ vào thời loạn ly, mẹ lại đau ốm luôn, được minh công thương hại đem về nuôi dưỡng, nhưng mẹ thiếp đau quá nặng hao tổn biết bao nhiêu thuốc thang mà cũng không chữa được. Thiệp lại được minh công cho phụ trách việc nội ký, ăn mặc sung sướng, được chiều chuộng hơn người. Nhưng nay quốc gia hữu sự, giặc giã khắp nơi, mà Nguỵ ấp lại dồn binh không chịu dẹp giặc. Không những thế, chúng còn làm trái hẳn ý trời, cứ giết bừa bãi. Thiếp là một người đàn bà, nhưng vẫn không dám quên việc quét sạch bọn quốc tặc ấy. Đêm đêm trằn trọc, nghĩ cách làm thế nào giải được sự lo âu cho chủ nhân, sau thiếp mới quyết định đêm khuya tới Nguỵ quân, vượt qua mấy từng cửa vào tận phòng của y thấy y đang nằm ở trong mùng, trước gối có để một thanh kiếm Thất tinh, cạnh thanh kiếm có một cái hộp vàng trong đó chứa đựng rất nhiều chứng cớ tạo phản của y. Thiếp liền dùng mưu lập kế, lấy được cái hộp vàng này đem về để đền ơn minh công.
Trong một đêm trời, thiếp đi lại bảy trăm dặm, vào trong đất địch qua năm, sáu thành trì. Bây giờ minh công đã nắm được tài liệu bí mật của loạn thần rồi, minh công lại gởi trả ngay thì thể nào y cũng hãi sợ mà không dám mưu phản như trước nữa. Từ nay trở đi hai nơi thành trì mới được tạm yên, tính mạng của muôn người mới được an toàn. Nay công việc đã xong và cũng gọi là đền ơn được đại đức rồi, thiếp phải đi làm việc riêng của mình, vì hành trình quá cấp bách, không thể từ biệt được, xin minh công xét cho.
Dưới ký tên “Hồng Tuyến kính chào”
Tiết Tung một hơi đọc hết lá thư ấy, kinh ngạc vô cùng và bụng bảo dạ rằng:
“Hồng Tuyến quả thật là một kỳ nữ. Trong một đêm trời không những đi lại mấy trăm dặm đường mà còn vào tận Điền phủ lấy được cái hộp vàng này. Cứ theo lời trong thơ thi những tài liệu ở trong cái hộp đó là những bằng cớ tạo phản của Điền Thừa Tự”
Nghĩ đoạn, ông toát mồ hôi lạnh ra, vội mở cái hộp ra xem. Quả nhiên bên trong có đủ kế hoạch hành động quân sự và những công văn cấu kết với Phiên trấn. Ông ta xem xong, đậy nắp hộp lại, hai mắt nhìn thẳng, ngẩn người ra suy nghĩ tiếp:
“Hồng Tuyến cô nương đã bỏ đi rồi, không biết những thứ này nàng đã cho ta là phúc hay là hoạ? Không biết nàng làm như vậy có dẹp nổi cái dã tâm của Thừa Tự hay là lại làm cho y chóng gây binh đao thêm?”
Nghĩ tới đó, ông ta liền gọi Tiết Vinh mau mời Thầy đồ Thư lên mật thất có việc cần, rồi ông ta vội rửa mặt, mặc quần áo, cầm cái hộp vàng đi vào mật thất.
Thấy Triển Nguyên Nhân đã tới, ông ta mời Thầy đồ Thư ngồi xuống và lấy lá thư của Hồng Tuyến với cái hộp vàng đưa cho Thầy đồ Thư xem.
Nguyên Nhân đọc xong lá thư, kinh ngạc vô cùng và hổ thẹn thầm, bụng bảo dạ rằng:
“Ta là cao thủ số một, số hai trong phái Không Động mà cũng không nhận xét được nàng là người có tài ba cao siêu như thế? Nếu vậy sáu tên giặc vào nội trạch đêm nọ chắc là nàng đã ra tay kềm chế chăng? Bằng không bọn gia tướng rõ ràng nói có thấy một cái bóng bỏ lướt qua. Tối hôm ấy nàng ta đứng ở trước mặt, sao ta không ngờ là nàng?”
Ông ta đang ngẫm nghĩ thì Tiết Tung liền hỏi:
- Lão phu tử hãy đọc những văn kiện ở trong cái hộp, rồi chúng ta sẽ bàn tán với nhau sau.
Nguyên Nhân vâng lời, giở cái hộp vàng ra xem những tài liệu ở trong đó một lượt, rồi đáp:
- Đây là vị Đốc soái yêu dân như con, nên trời giúp người cũng giúp nốt nên mới có hiệp nữ Hồng cô nương lập công to như vậy. Việc này cũng đủ làm cho kẻ địch bị khiếp đảm rồi.
Tiết Tung hớn hở cười:
- Chẳng hay thầy có cao kiến gì?
- Những văn kiện ở trong hộp này chính là tài liệu phản nghịch của Nguỵ Bắc. Nay nhất đán y bị mất hết chỗ tài liệu này, thì dù y táo gan đến đâu cũng không dám tạo phản nữa. Theo ý Nguyên Nhân tôi, thì Đốc soái cứ theo lời của Hồng cô nương mà hành sự, sai người đem trả hộp vàng này cho y để cho y biết mà tự cảm thích.
Tiết Tung vỗ tay cười, đáp:
- Ý kiến của thầy cũng như ý kiến của lão phu.
Nói xong, Đốc soái cầm bút lên viết: “Tối hôm qua có khách ở Nguyên Trung tới bảo họ đã lượm được cái hộp vàng này bên tư dinh của nguyên soái. Tại hạ không dám giữ, nên đã cẩn thận niêm phong và cho người đem đến hoàn lại”
Rồi ông ta gập tờ giấy đó, niêm phong lại và cả cái hộp vàng cũng cho niêm phong lại hẳn hoi, rồi phái một chuyên sứ sai đem trả cho Điền Thừa Tự ngay.
Ngày hôm sau, Điền Thừa Tự cũng phái một chuyên sứ đem theo ba vạn cây lụa, ba trăm con ngựa với châu báu khác gởi đến tạ tội Tiết Tung và còn viết một lá thư gởi cho Tiết Tung. Lá thư đó nói rằng:
- “Thủ cấp của mỗ nằm ở trong tay của bạn, mỗ cũng biết cải quá, không dám làm liên luỵ đến ai nữa, nên đặc biệt sai sứ giả đến, muốn cùng kết thân với huynh. Còn những bộ đội Ngoại Trạch Nam của mỗ là dùng để phòng giặc chớ không phải để mưu phản đâu? Nhưng từ nay trở đi, mỗ sẽ giải giáp chúng và cho chúng về quê canh tác”
Triều đình cũng phong thanh Lưỡng Hà không được yên ổn. Nên có hạ chỉ gả con gái lớn của Tiết Dung cho con trai của Thừa Tự và con trai của Tiết dung thì lấy con gái của Lệnh Hồ Chương Hoạt Đài Tiết độ sứ làm vợ, khiến ba trấn vương kết thân với nhau, nhưng vì tình thế gay go nên việc đó không người nào tuân theo thánh chỉ mà thi hành cả, bây giờ nhân dịp này Điền Thừa Tự mới sai người đến xin cưới.
Tiết Tung thấy đối phương đã chịu giải tán quân đội Ngoại Trạch Nam và tỏ rõ thái độ như vậy, mừng rỡ vô cùng, liền nhận lời ngay.
Việc làm ấy của Hồng Tuyến cô nương đã kiến dân cư của thành an toàn, nhưng lại khiến trên giang hồ diễn ra một tấn tuồng thảm khốc khác.
Thì ra đêm hôm đó Điền Thừa Tự không những bị người ta lấy mất cái hộp tài liệu đựng văn thơ mà còn một thanh bảo kiếm, tất cả các thị vệ luân phiên đều bị người ta điểm trúng huyệt ngủ. Không những thế ngày hôm sau lại còn phát hiện một ca nữ có tiếng ở trong phủ bỗng nhiên mất tích. Về Điền Thừa Tự thì tất nhiên bị một đòn đau đớn như vậy vừa tức giận khôn tả, còn Công Tôn Vô Kỵ được Điền vương phủ coi như thượng khách và lại là cao thủ của phái Tần Lãnh bị vụ đó như là bị người ta đánh té lầu cao rớt xuống đất vậy. Những người giang hồ coi danh dự còn trọng hơn tính mạng, bị sỉ nhục như thế khi nào chịu nổi và lại ngày thứ ba Lộ Châu Tiết độ sứ lại còn sai người đem trả cái hộp vàng, dưới sự hoảng sợ Điền Thừa Tự đã giải tán hết bộ đội Ngoại Trạch Nam do Công Tôn Vô Kỵ mướn tới, một mặt lại còn phái đặc sứ đem châu báu và viết thư tạ tội với Tiết Tung, như vậy thì bọn Công Tôn Vô Kỵ các người còn mặt mũi nào ở lại nữa? Nên chúng đổ vào đầu Bát Túy kiếm khách và nói chung chúng thù hằn phái Không Động.