- A-lô! A-lô! Thưa quốc dân đồng bào. Bộ chỉ huy Pháp đã lộ dã tâm bội ước của họ. Chúng âm mưu vi phạm Hiệp định sơ bộ mồng sáu tháng ba và Tạm ước mười bốn tháng chín mà Chính phủ Pháp đã long trọng kí với Chính phủ ta, công nhận nước ta là một nước tự do. Sau khi đánh chiếm Hải Phòng, từ đầu tháng này, chúng đã khiêu khích chúng ta ở ngay thủ đô Hà Nội. Từ những vụ tụi lính mũ đỏ được tung ra đi quấy rối các phố, cướp giật từng gói thuốc lá, từng quả chuối, từng chiếc bánh mì, thậm chí cướp cả hộp xi đánh giày của trẻ con, đấm đá những người tàn tật, hành khất, bắt cóc đàn bà, con gái, xông vào các hiệu ở bờ sông, Hàng Bông, Hàng Nón, cướp của tống tiền, từ những vụ lẻ tẻ ấy, chúng tiến lên những hành động trắng trợn như ở Gia Lâm xông vào làng cướp hai mươi chín con bò, ở nhà thông tin Tràng Tiền, chúng hạ quốc kì của ta, đâm nát ảnh Hồ Chủ tịch. Và sáng hôm nay, ngang ngược hơn nữa, chúng đã huy động cả máy bay, xe cơ giới gây ra vụ tàn sát ở ngõ Yên Ninh, Hàng Bún. Thưa quốc dân đồng bào…
Chiếc xe ô tô Rơ-nôn, sơn nguỵ trang màu đất và lá cây loang lổ, gợi lại cái hình ảnh của thời kì Nhật đóng, từ từ đi khắp các phố Hà Nội loan báo cái tin hung dữ. Mũi xe cắm một lá cờ đỏ sao vàng đuôi nheo viền đen. Hai thành xe, có hai biển vải trắng đen. Một bảng đề: Trả thù cho 23 đồng bào bị giết ở ngõ Yên Ninh! Một bên đề: Thanh niên sống chết với Thủ đô! Qua chiếc máy phóng thanh đặt bên cửa kính trước mặt, tiếng nói phụ nữ đưa ra, chua chua, đều đều. Xe chật lèn những thanh niên nam nữ, phần lớn là học sinh, kẻ mặc áo ka-ki, người mặc áo màu xanh đỏ. Người dân khu phố ngồi ở trong nhà nghe, hoặc mở cửa chạy ra đón cái xe, mặt người nào cũng rầu rầu sắt lại. Tin Yên Ninh đã truyền đi khắp thành phố như một luồng gió thổi qua. Hà Nội lầm lì, căm giận và lo sợ. Xe đi qua phố Cầu Gỗ xơ xác, tán loạn. Máy bay vẫn ầm ì trên đầu. Tiếng người phụ nữ cất lên:
- Quân Pháp đã bắt anh em tự vệ Yên Ninh phải phá ụ đi. Anh em không chịu, nhưng vẫn theo lệnh của Chính phủ, hết sức tránh khiêu khích. Khi chúng nổ súng rồi, anh em bắt buộc phải bắn lại… Hiện nay, ngõ Yên Ninh chìm trong đau thương, tang tóc. Nhưng có phải vì khủng bố mà anh em tự vệ mất tinh thần không? Không. Trật tự trong phố lại được trở lại, các ụ lại được dựng lên, tự vệ lại gác. Thanh niên Hà Nội là như thế đó. Đô đốc Đác-giăng-li-ơ nói rằng: Một luồng gió kinh hoàng chưa hết thổi trên nhân dân Việt Nam. Không. Không có một luồng gió kinh hoàng nào thổi lên nhân dân Việt Nam, như nó đã thổi trên nhân dân Pháp khi chúng đón quân Hít-le vào, khi chúng quăng súng ôm đầu chạy trong trước quân Nhật hồi mồng chín tháng ba năm ngoài.
Trong đám đông, một thanh niên mặt dài, nhảy lên kêu:
- Bravo! Bravo! (1)
Đấy là Nhật Tân. Anh mặc chiếc áo ra-gờ-lăng màu xám, phình ra ở hai bên hông, dưới gấy thò cái đầu vỏ thanh kiếm Nhật, mũ nhung đen che một bên mắt. Con Lu lu đứng bên anh. Tiếng người phụ nữ lại nói:
- Đồng bào yêu quý. Tình hình trở nên nghiêm trọng. Nhưng chúng ta hãy bình tĩnh đợi lệnh Chính phủ. Ai không có việc gì, nhất là cụ già, trẻ em, thì nên thu xếp tản cư, không nên dùng dằng nữa. Hỡi anh chị em thanh niên. Tổ quốc đang chờ đợi chúng ta. Đối với những khủng bố của quân Pháp, chúng ta chỉ có một con đường: Sống chết với thành phố Hà Nội. Chỉ có sống cho ra sống hay chết trong danh dự. Không thể khác được. Dù ở trong tình thế nào, dù trong tay tôi chỉ có một thỏi sắt nhỏ, tôi vẫn phải xứng đáng là thanh niên Hà Nội, thủ đô của ba miền Việt Nam, thủ đô của một nước cộng hoà trẻ nhất thế giới. Sống chết với thủ đô, đấy là khẩu hiệu của chúng ta. Chúng ta phải như anh chính trị viên Đạo ở Nhà hát thành phố Hải Phòng, khi quân Pháp ập vào bắt anh giơ tay hàng, anh không giơ tay, và thét vào mặt bọn giặc: “Chúng ta là kẻ chiến thắng, không phải chiến bại”. Không hoang mang, không dao động, anh chị em hãy tích cực chuẩn bị. Thắng lợi nhất định về tay chúng ta.
Chiếc xe lại từ từ đi về phía Hàng Gai. Nhật Tân quay mặt vào hiệu cà phê ở ngã đường Cầu Gỗ rẽ vào Gia Ngư, Hàng Bạc, trước cửa chất năm sáu bao cát. Anh hất hàm hỏi một người:
- Thế nào, nghe rõ chưa Tân?
Người thanh niên là Tân nói:
- Nghe chứ.
Tân trạc ngoài hai mươi, trễ tràng trong trong bộ quần áo xanh trả, sơ-mi không đeo cờ-ra-vát. Nhật Tân là bạn thân của Tân. Để vĩnh viễn ghi mối tình bằng hữu nảy nở từ thuở bé, anh đã ghép tên bạn vào tên mình thành cái tên Nhật Tân mà bạn bè cũng như gia đình đều quen gọi. Nhật Tân lại hỏi:
- Mày nghĩ thế nào?
Tân mở hộp thuốc là Cờ-ra-ven A, lấy ra một điếu hút, cười nói với Nhật Tân:
- Để xem có thật không. Hay lại tuyên truyền…
Nhật Tân bước vào cửa, kéo cái mũ phớt xuống tận bên mắt phải theo thói quan nhà nghề của anh. Nhật Tân làm nhiệm vụ trinh sát. Các hiệu ăn, các hàng giải khát, cả những tiệm hút đều biết mặt anh, tên anh, biết cả công việc anh đang làm vì cái áo ra-gờ-lăng, con chó Lu lu của anh không giấu được ai cả. Nhưng anh vẫn tưởng tung tích của anh bí mật lắm, và lúc nào anh cũng làm ra vẻ li kì, bí hiểm của một nhà trinh thám đại tài. Công tác trinh sát rất hợp với cái tính lang thang của anh. Bạ chỗ nào anh cùng sà vào. Nhật Tân chỉ vào mặt bạn:
- Mày ăn nói như thế à? Nếu mày không muốn làm thì im đi cho người khác làm việc.
- Ít ra mày cũng phải trọng cái tự do của tao chứ.
- Tự do, tự do. Ôi tự do, biết bao nhiêu tội ác người ta gây nên vì mày. Tao rất trọng cái tự do của mày, nhưng tao không cho phép mày nói nhảm. Cả Hà Nội đang sôi lên, căm thù thằng Pháp, đau thương vì vụ thảm sát Yên Ninh mà anh bào là tuyên truyền à? Mon Dieu! Mon Dieu! (2)
Đôi mắt nhỏ của Nhật Tân hoe hoe đỏ. Anh dang hai cánh tay như người xem hướng, nhìn tất cả những người đang uống cà phê bước vào nói:
- Tuyên truyền hay là sự thật? Đứng về Pháp thì đấy là tuyên truyền, đứng về phía ta thì đấy là sự thật. Có khác gì những kẻ nói rằng vì ta phòng thủ, nên thằng Pháp nó khiêu khích. Sao không nói ngược lại vì nó khiêu khích, nên ta mới phải chuẩn bị? Sự thật đã rõ ràng như thế rồi, còn gì nữa. Máy bay của chúng nó vẫn ầm ầm trên đầu chúng ta đây này. Đã nghe rõ chưa? Đấy là sự thật hay tuyên truyền?
Anh đặt tay lên sườn, khuỳnh ra, nhìn ông chủ, hất hàm:
- Ông chủ, tôi hỏi ông, đấy là sự thật hay là tuyên truyền?
Chủ quán vừa nhìn khách vừa nhìn Nhật Tân:
- Vâng.
- Vâng là thế nào?
- Anh có nghe thấy không? Chúng tôi đang đục tường trong bếp. Và tôi, tôi sắp ra đắp ụ với anh em đây.
Đầu ngõ thông sang Gia Ngư, tự vệ đang đào rãnh xẻ ngang đường, hắt đất lên thành một cái ụ khá cao. Người ta đang hì hục đóng chắn ngang đường, chồng lên nhau đã cao ngang đầu. Một chiếc xe bò chở gỗ đến, giữa những tiếng reo hò của nam nữ. Ngoài phố Cầu Gỗ, xe tay chạy ùn ùn. Một bà ngồi trên xe, ngoái cổ lại, chào đám tự vệ đang tới tấp đào hầm, và nói:
- Các anh ở lại nhé. Giữ Hà Nội cho chúng tôi đấy.
Nhật Tân quay ra, đứng trước cửa, hoa tay rối rít và nói:
- Hoan hô đồng bào tản cư. Đồng bào cứ yên trí. Thanh niên chúng tôi cương quyết bảo vệ thủ đô. Sống chết với thủ đô.
- Cậu Nhật Tân đấy à? Cậu ở lại nhé. Chúng tôi phải về thế này cũng buồn lắm.
Đám tự vệ giơ tay chào. Một anh chỉ một thiếu nữ trên xe và nói:
- Thôi, con Bảo đi rồi!
Những người tản cư cũng vẫy tay. Họ ngoái cổ lại đằng sau quyến luyến. Một đám người đi bộ, kẻ gồng người gánh, kẻ bồng con, người bế cái. Một tiếng chửi: “Mả mẹ cái thằng Pháp. Tết nhất đến nơi rồi!” Mấy nữ sinh, áo màu tha thướt, đi len lỏi trong đám đông hỗn độn: họ đứng nép vào hè, lổng chổng những bao cát. Trên cái bãi rộng đầu phố Hàng Đào, từng tốp người đứng nói chuyện. Họ ngơ ngác trông trước trông sau. Xa nữa, Hồ Gươm vắng ngắt, lẻ tẻ vài bóng người vội vã. Đã quá trưa. Phố xá và đám đông ủ rũ dưới một bầu trời tro xám. Trông ra Bờ Hồ và dựa vào phố Cầu Gỗ, cái nhà đồ sộ, ba tầng của hiệu sách Nam Ký, đang xây dựng dở, với những tường gạch đỏ kệch, với những đà dáo tua tủa, chổng chơ, im lặng, càng làm cho khu phố thêm ngổn ngang, loét lở. Tiếng máy bay vẫn rì rì, mỗi lúc một rõ, rung chuyển bầu trời. Người ta rạp xuống. Một chiếc thám thính đen bay sạt trên các mái nhà, rú lên như ở trên cao lao xuống, rồi lại ngỏng đầu bay về phía Hồ Gươm, đuôi phụt ra một làn khói dài. Nhật Tân thét mọi người: “Không sợ, không sợ. Hãy tỏ cho chúng nó biết rằng chúng ta không sợ”. Chủ quán mặt tái không còn hột máu, hỏi: “Nó định làm gì?” Nhật Tân quay vào, và tự hào là người hiểu biết, anh nói: “Potez, thám thính. Trộ ai chứ không trộ được nguời Hà Nội. Nát ai?” Ở Hàng Đào, bỗng rẹt rẹt mấy tiếng súng. Người ta chạy nháo nhào. Một chiếc cam nhông chở lính mũ đỏ phóng ra, bụi bốc mù trên cái bãi rộng. Nhật Tân quay vào hỏi Tân:
- Tuyên truyền hay sự thật?
Tân vừa trả tiền chủ quán xong, tay ôm đầu con Lu lu bước ra. Anh nói:
- Thôi, không cãi nhau nữa nhé. Chịu ông rồi!
Tân vỗ vai Nhật Tân:
- Tao về đây.
- Mày nên nghĩ đi. Không thể nhởn nhơ được nữa đâu. Tao không thể coi mày là bạn nữa.
- Cũng được thôi. Quyền tự do của mọi người. Nhưng tao tin rằng không thể có đánh nhau. Thăng Long phi chiến địa. Sấm Trạng không có nói sai. Hà Nội mà đánh nhau thì tao chỉ buồn mà chết thôi. Thôi, khi khác.
Tân hích vào sườn Nhật tân, gọi cái xe hàng bước lên, quay lại:
- Đến chơi tao?
- Đi đi cho rảnh mắt.
- Tao còn một khẩu súng dành cho mày đấy.
Nhật Tân mỉm cười:
- Tao muốn mày bắn chứ không phải nhờ người khác bắn cho mày.
Anh lách qua cái ụ, vừa đi vừa lẩm bẩm chửi Tây. Anh nghiến răng: “Phải chơi chúng nó một mẻ. Không thể nhịn được nữa. Nhịn là nhục”. Mấy ngày hôm nay, anh chỉ mong giết được một thằng Pháp, chết cũng hả. Sau khi không làm được một “cú” liều ở Hàng Khay, Nhật Tân càng hậm hực. Trở về nhà bị Quốc Vinh phê bình, Nhật Tân chịu lỗi nhưng vẫn nói: “Ức đến hộc máu ra được”. Anh lại đi bát phố. Những tin về vụ Yên Ninh vừa đến tai anh thì cái ý muốn giết Tây lại trở lại thôi thúc anh. Trong công việc này anh muốn Tân cùng đi, vì Tân bắn giỏi. Hai anh em sẽ làm mưa làm gió một phen cho bọn Pháp biết tay. Nhật Tân vẫn tha thiết với cái lí tưởng đôi bạn thân cùng chiến đấu bên nhau. Nhưng thực tế thì lại trái với lòng mong mỏi của ấy. Từ khi quân Pháp khiêu khích ở Hà Nội, đã mấy lần Nhật Tân đến giục Tân vào tự vệ, nhưng Tân đều từ chối. Nhật Tân nói với Tân: “Tao không có mày như mất một cánh tay”. Anh buồn hơn nữa là thấy mỗi khi nói đến tên Tân thì rất nhiều người, kể cả những người bạn cũ, đều cười chế giễu. Ai cũng cho Tân chỉ là một anh công tử nhà giàu, ăn chơi trác táng. Vì thế, Nhật Tân lại càng muốn gột cái tiếng xấu ấy đi cho bạn. Hôm nay tình cờ lại gặp Tân, anh sung sướng nói một lần nữa với Tân. Nhưng Tân vẫn phớt. Nhật Tân bực mình, nghĩ: “Thôi kệ, để cho người ta khinh mày như con chó”. Nhưng anh lại tiếc: “Thế nào thì cũng phải bảo nó một lần nữa”.
Phố Gia Ngư, cái phố nhỏ không có cá tính, bà con nghèo của những phố Hàng Đào, Hàng Bạc, tự vệ đang lúi húi đào những hố tác chiến bên hè. Cuối cái ngõ thông ra Hàng Đào, nhầy nhụa, khai nồng suốt năm tháng, mấy thanh niên, thuộc lớp người lao động, gắt gỏng giục bọn nhà thổ ra đào hố. Đằng sau cửa nửa khép nửa mở, một ả ló ra ngoài cái mặt nhăn nhở, tóc chưa vấn xoã kín một bên má, nói một cách sốt sắng và sỗ sàng: “Chờ em thay cái quần đen đã, các anh nhá”. Trên đường phố, nhựa đã mòn, ngổn ngang những mô đất đen, úp sùm sụp, mới thoạt trông như những đầu lâu to nhỏ quăng đấy. Một cái biển giấy trắng cắm bên một cái nồi, đề một hàng chữ viết tay bằng mực đỏ, còn ướt, mực rỏ xuống như máu chảy: “Mồ chôn thực dân Pháp”. Được dịp chủ vắng nhà, một thằng nhỏ và một con sen, mỗi người xách một cái nồi đất vỡ, đuổi nhau đú đởn, rú lên những tiếng người sằng sặc. Để tỏ ra mình là người dân chủ, trong một xã hội mà mọi người đều bình đẳng, Nhật Tân niềm nở với họ: “Các anh các chị cũng chuẩn bị đấy à? Ai bảo đem nồi đất ra thế kia?” Thằng nhỏ nói: “Thưa cậu, các anh ấy bảo đấy ạ. Đâu trên Hàng Bún Tây nó đi rồi, thì các anh úp nồi như thế này, một lúc nó trở lại, xe tăng không dám xông xáo nữa”. Nhật Tân gật đầu huýt một tiếng sáo nhẹ. Con Lu lu đang cúi xuống hít hít một cái nồi đất. Anh ra hiệu cho nó đi. Mấy thím khách búi tóc cài trâm, ngồi trong khung của nhìn ra ngoài, mắt sợ hãi, vẻ mặt ngây thộn. Thấy các tường nhà Hoa kiều nào cũng dán những miếng giấy đỏ dài, viết chữ nho và vẽ lá cờ Thanh thiên bạch nhật, lại thấy các thím có vẻ an nhàn, Nhật Tân khó chịu. Anh nói to: “Này, có đọc báo không? Ở Hải Phòng, Tây nó giết cả nguời Tàu đấy”. Một thím nói: “Ừ, nó giết cả đấy, nó ác lắm kia mà”. Nhật Tân đắc chí, tiến về phía nhà mình. Xưởng gỗ trước mặt, còn đầy những súc gỗ chưa xẻ. Sờn, anh thợ xẻ, đang khoá trái cửa lại để đi ra đầu phố đắp ụ. Bên cạnh, trước miếu nhỏ, treo trên thân một cây si cổ thụ thâm thấp, sần sùi, vặn vẹo, rủ xuống những rễ non chi chít, mấy bà cụ, tay cầm những nén hương cháy, đang thì thầm khấn vái. Gió thổi hun hút, là là mặt đường, vờn trên những nồi đất im rờn rợn. Nhật Tân nghĩ thầm: “Người ta đang chuẩn bị đánh giặc thì các cụ đi lễ. Thần Phật nào đánh được thằng Tây, các cụ ơi!” Anh hét thất thanh: “Tây nó vào đấy, bà con ơi!” Các cụ chạy tán loạn, và anh vén mành chui tọt vào trong nhà.
Trong nhà, bà Ký, mẹ Nhật Tân đang ngồi khóc. Chị gái và năm đứa em gái Nhật Tân đứng xúm xít chung quanh. Va-li và các bọc để đầy trên giường. Thấy Nhật Tân về, bà Ký thở dài. Phượng, người chị gái nói:
- Em về vừa kịp, mợ không chịu đi này.
Nhật Tân quắc mắt. Là con trai lớn của một gia đình đông con gái, anh có một uy quyền đặc biệt trong nhà. Nhật Tân hỏi, giọng gia trưởng:
- Sao chưa đi?
Anh nhặt quả cam giấy bóc dở vứt trên giường, vừa ăn vừa nhằn hột, và nhả bã xuống đất. Phượng nói:
- Anh Quốc Vinh giục mợ mãi, mợ vẫn cứ dùng dằng. Nhỡ chuyến tàu tối thì làm thế nào?
Chị nói tên Quốc Vinh với vẻ ngượng nghịu âu yếm của một người vợ chưa cưới. Hai người đã đính hôn. Bà Ký định Tết ra khi Quốc Vinh đoạn tang mẹ, thì gả Phượng cho anh. Nhật Tân nói:
- Đánh nhau đến nơi rồi đấy. Mợ đi đi. Thằng Tuệ nó đâu?
Phượng nói:
- Em phải bảo nó. Nó không chịu về thì mợ cũng không về đâu.
- Nó đâu?
- Nó cứ luồn hết lỗ tường này sang lỗ tường khác, ăn cũng chả ăn, gọi về thì bảo là ở lại với anh Nhật Tân.
Bà Ký khóc. Bà vốn người nhu nhược, không bảo được con. Xưa kia bà rất sợ chồng và bây giờ bà rất sợ con. Ấy là người mẹ phó mặc cho bản thân của chúng và chỉ biết tin vào cái phúc đức của nhà mình thôi. Chúng tốt hay hư, là hoàn toàn do cái may rủi của cuộc đời. Con làm gì bà không dám ngăn cản. Con muốn gì bà chỉ biết cung đốn. Mới đây, nhà còn tám sào ruộng, bà cũng bán đi để mua một khẩu súng cho Nhật Tân. Bà bảo các em Nhật Tân:
- Đưa cam cho anh Nhật Tân.
Nhật Tân xem đồng hồ, đứng dậy:
- Để tôi đi tìm nó, thằng ranh con!
Một lúc, anh dẫn Tuệ về. Tuệ là một chú bé trạc mười ba, mười bốn tuổi. Đầu tóc, áo len, giày của Tuệ bạc trắng vì vôi. Nhật Tân kéo em trước mặt mẹ, nói:
- Tảo bảo thằng Tuệ. Mày phải về với mợ, hiểu chưa? Nhà có hai con trai thì chia ra. Tao ở, mày đi. Nếu tao chết thì mày còn sống. Im, không được nói. Nghe tao đây. Bao giờ lớn thì tao cho đi đánh giặc, bây giờ còn bé chưa biết gì, thì phải về với mợ cho mợ vui lòng. Thôi, đi thay quần áo, ra tàu.
Nhật Tân giục mọi người:
- Thu xếp đi. Mau lên, mau lên!
Bà Ký lại khóc. Anh nhảy cờ-la-két trước mặt mẹ và nói:
- Mợ ơi! Cứ coi như con đã chết hồi đi Nam tiến chứ gì. Mau lên, mợ.
Bà Ký gạt nước mắt:
- Mày cứ nói gở, tao ghê cả người.
- Sinh dữ, tử lành, mợ ạ.
Thấy Tuệ khóc thút thít, anh chạy lại phát mạnh vào đít em:
- Can đảm lên, can đảm nữa lên! Mày không chạy rống Bái công như mấy thằng tự vệ phố này là được rồi. Mày không phải là thằng hèn kia mà. Vui lên. Cười lên một tí nào, cậu cả.
Anh xách va-li ra cửa gọi xe ầm cả phố. Bà Ký nói:
- Trông nhà cho mợ, con nhớ.
- Vâng.
- Viết thư cho mợ.
- Vâng.
- Gạo nước sẵn cả rồi đấy. Cả tôm khô, mực, muối vừng…
- Vâng. Con biết rồi.
- Cô Hiền cô ấy lại ra đấy.
- Thế ạ.
- Liệu mà bảo nhau.
- Thôi được, mợ về. Chào cả nhà. Mau lên, không người ta vít hết các đường bây giờ. Tuệ ơi! Còn khóc không? Nhìn tao một cái nào. Úi kìa. Hãy còn nước mắt, không gentleman (3) nhớ. Chùi đi.
Mọi người ngoái cổ nhìn lại thì Nhật Tân đã quay đi. Con Lu lu ở trong nhà chạy vụt ra, nhảy quanh chủ mình, đớp đớp cái bàn tay của Nhật Tân giơ lên. Anh cúi xuống ôm cái cổ nó và nói:
- Bây giờ còn cậu cháu mình. Sống chết với Thủ đô, Lu lu nhé. Lu lu, Lu lu, Lu lu không phải là chó nữa. Bây giờ có một thứ chó mới, ấy là quân Pháp cắn càn.
Nhật Tân đẩy cửa một cái nhà kiểu cổ phố Hàng Bè. Anh chạy qua một cái sân nhỏ có một cái núi non bộ lớn, và rất nhiều những chậu cảnh chung quanh. Anh rón rén tiến vào nhà trong, và thấy chói loà một màu đỏ. Một phụ nữ kêu úi giời làm anh dừng lại. Đứng trên sập, Hiền đang soi vào một cái gương lớn. Hiền là một cô gái mới lớn lên, mặt bàu bàu hơi to với khổ người tầm thước. Chị mặc chiếc áo nhung đỏ, quần xa tanh là, chân đi hài con bướm vàng rung rinh. Đầu Hiền vấn một chiếc khăn nhung lam, cổ đeo kiềng vàng trơn. Chung quanh Hiền, treo lủng lẳng chiếc áo nhung lam, chiếc măng-tô màu tím sẫm và các áo len màu hoa dâu, màu vàng, màu đỏ. Dưới chân Hiền là những hộp phấn, hộp kem, ống sáp môi, các loại nước hoa và các thứ khăn mỏng dính như cánh chuồn. Trông thấy Nhật Tân, Hiền quăng cái quạt hồng xương trắng xuống giường, mỉm cười và rơm rớm nước mắt. Nhật Tân ngồi xuống cái ghế đẩu kê sát tường và nói:
- Anh hiểu rồi.
Lòng anh se lại. Ngay bên cạnh cái sập là một cái lỗ tường vừa mới đục. Anh thấy ái ngại cho Hiền. Họ đã bàn nhau, ngày cưới của họ sắp tới. Hiền sẽ mặc như Hiền đang mặc, và ngày lại mặt Hiền sẽ mặc chiếc áo nhung lam kia. Chỉ còn một tuần lễ nữa thì họ cưới thôi. Anh mỉm cười:
- Hiền nghĩ thế nào mà lại thắng bộ cưới vào thế? Buồn hay vui?
Hiền nói:
- Buồn lắm.
- Em có nghĩ rằng em sẽ không bao giờ được mặc bồ quần áo tân hôn kia không?
Hiền lắc đầu, kéo cái màn để thay quần áo. Nhật Tân nói:
- Sao Hiền đã tản cư lại trở về?
- Em nhớ Hà Nội quá. Em đưa thầy ra bến sông, thế rồi em quăng xe đạp đấy, em trở về. Em cấm anh bảo em tản cư đấy.
- Vụ Yên Ninh, Hàng Bún như thế mà Hiền không sợ à?
Hiền không nói, lúi húi thay quần áo cưới. Nhật Tân còn muốn ngắm người vợ tương lai của minh lộng lẫy trong bộ quần áo cưới, nhưng anh không dám ngỏ ý ấy ra. Anh ngồi cúi đầu suy nghĩ, tay vuôt cái lưng đen nhánh của con Lu lu đứng bên ghế, cái mõm kề lên đùi anh. Hiền là con một nhà buôn cau lớn, có họ xa với anh về đằng mẹ. Khi anh học năm thứ ba thành chung thì Hiền mới học năm thứ nhất. Từ sau đảo chính, Hiền ở nhà không đi học nữa, gần đây rục rịch đi học thì tình hình rắc rối lại thôi. Họ tuy yêu nhau nhưng chưa bao giờ sàm sỡ. Họ chỉ gửi cho nhau những cuốn sổ tay trong ấy ép những hoa những lá, những con bướm đẹp mà trong khi đi chơi những làng quanh Hà Nội hay về quê họ nhặt được và đem về làm kỉ niệm những ngày vui.
Nhật Tân nói:
- Nếu chiến tranh không xảy ra thì chúng mình cưới. Nếu xảy ra thì chúng mình đợi sau chiến tranh. Lo gì.
- Em ướm thế này thôi.
Hiền kéo màn về chỗ cũ. Chị đã búi tóc và mặc chiếc áo len dài ngày thường. Chưa bao giờ họ được gần nhau chỉ có hai đứa như thế này, trong gian nhà vắng lặng. Nhật Tân hỏi:
- Hiền ở lại làm gì?
- Em cấm anh bảo em tản cư kia mà. Em đã học tiêm, em sẽ đi làm cứu thương. Hoặc là em vào tuyên truyền. Khối việc. Anh ở đây, em cũng ở đây. Sống cùng sống, chết cùng chết.
- Tùy Hiền thôi. Nhưng anh vẫn giữ ý kiến là Hiền nên về.
- Không, em không thể nào xa anh được. Anh đừng bắt em xa anh. Em đi gặp các chị ấy đây.
- Ừ, cùng đi. Tất cả những cái này xếp lại, gửi về quê. Đánh nhau đã.
Nhật Tân giúp Hiền gấp quần áo cho vào hòm cưới, và treo hai cái áo nhung vào tủ. Họ bước ra. Anh chỉ cái lồng nhốt một con gà mái và hai con chim bồ câu, đặt dưới cái núi non bộ, hỏi:
- Đẻ không đem đi à?
- Chắc là vội, quên đi.
- Cất đi thôi, không có đứa nó lấy mất.
Anh xách lồng ra nhà ngoài, mở cánh cửa của cái bàn giấy, cho cả gà và chim vào. Hiền đem gạo lại. Họ rúc rích cười như đôi vợ chồng trẻ đầy những ngạc nhiên trước cuộc sống mới. Nhật Tân nói:
- Đủ lỗ thông hơi rồi. Nuôi thế này nó chóng béo lắm. Âu Mỹ họ toàn nuôi gà trong bóng tối. Hồi anh đi Nam tiến, đã nhiều lúc phải ăn rau tàu bay. Ở Hà Nội, chắc không bao giờ đến nỗi thế. Nhưng cứ phải đề phòng. Những thứ này bây giờ cần hơn đồ cưới của chúng ta. Hiền có thấy không? Thà hi sinh hết cả còn hơn nô lệ, Hiền ạ.
- Không có gì quý bằng tự do, anh nhỉ. Em không thể nào quên được những ngày Quốc khánh vừa qua, bày tiệc ra đường ăn uống. Em không thể nào quên được những ngày biểu tình hồi cách mạng, đoàn nữ sinh chúng em có hàng nghìn, đều để tóc thề, mặc toàn trắng, xinh lắm, đi đến đâu người ta hoan hô đến đấy.
- Đúng rồi. Đồng bào miền Nam khao khát ngày này lắm, mà họ gọi là đất tự do. Anh kể cho Hiền nghe, cái hồi vỡ mặt trận ở Ninh Hoà, quân Pháp sắp kéo đến. Đồng bào không ai ở lại. Từng đoàn người lũ lượt tản cư, theo nhau băng rừng, lội suối, đi tìm miền tự do. Có một bà cụ tám mươi tuổi cũng chống gậy đi. Mọi người bảo cụ: “Cụ đã già nua tuổi tác, nó dù có tàn ác đến đâu cũng không giết cụ làm gì. Cụ đừng đi cho vất vả. Đường đi nhọc nhằn, cụ sẽ chết dọc đường mất”. Bà cụ nói: “Cảm ơn các ông các bà có lòng thương. Nhưng tôi không ham sống làm gì nữa. Chỉ muốn đến những nơi nào không có Pháp, những nơi nào có ngọn cờ đỏ sao vàng”. Thế rồi bà cụ cứ đi. Sau mấy ngày bà cụ đi trong rừng, cụ đã kiệt sức quá. Cụ đã nằm chết bên cạnh đường mòn, lối lên Đèo Cả. Cụ đã chết trên con đường đi tới tự do đấy, Hiền ạ. Nhưng nét môi đã rụng hết răng như bằng lòng mình đã thở cái hơi cuối cùng ở trên một miền đất trong sạch, không có dấu chân Pháp. Anh đắp một nấm mồ chôn cụ, cài một mảnh giấy chẳng biết bây giờ có còn không, đề mấy dòng: “Mồ một bà cụ đi tìm tự do, Đèo Cả ngày 8-2-1946”. Đấy là những người sống chết với tự do. Chúng ta còn hơn họ, chúng ta đã được hưởng tự do rồi.
- Anh Nhật Tân, anh nói nữa đi.
Hiền bâng khuâng, tay khẽ vịn lên vai Nhật Tân. Hiền rất thích nghe anh kể lại những ngày Nam tiến. Cái áo ra-gơ-lăng xám của anh loà xoà, bao kiếm rê đi rê lại trên sàn gạch của cái gian nhà lạnh, ánh sáng nham nhở như buổi chiều…
Chú thích:
(1) Hoan hô
(2) Trời ơi
(3) Tiếng Anh nghĩa là lịch sự hào hiệp