MỘT VỤ ÂM MƯU
XUÂN TÓC ÐỎ DÒ XÉT SỞ LIÊM PHÓNG
LỜI HỨA CỦA ÐỐC TỜ
Xuân Tóc Ðỏ ở sân quần bước ra. Chỉ còn một tuần lễ nữa là nhà Vua ngự giá Bắc Tuần, cho nên nó phải tập riết với bà Văn Minh, vì bà này cũng chỉ chờ có dịp là tranh cái cúp phụ nữ. Lúc ấy đã sẩm tối, gần 7 giờ, Xuân không nhận lời mời đi ăn cơm của ông bầu - phải, ông bầu - Văn Minh. Nó Chối từ, vì đương có một điều phải nghĩ ngợi...
Thật là rầy rà! Mới trưa hôm nay, bà Phó Ðoan đã mếu máo một cách rất có thi vị mà kêu xin nó mau mau cứu chữa cho cái danh dự quả phụ trinh tiết của bà ta. Cuộc tình duyên vụng trộm ấy - nếu ta có thể nói thế - không hiểu vì đâu đã vỡ lở tung toé. thiên hạ đã đồn đại cho nhau biết, bàn tán huyên thiên. Bà này đã nói nhảm thiết: “Anh ơi, anh có biết là anh đã làm hại cả một đời danh tiết của em rồi đó không?” Vốn là người cũng có lương tâm, nó nhận thấy rằng quả nó đã làm hại người đàn bà đức hạnh ấy thật. Nó hối hận lắm, mà chưa nghĩ được cách cứu chữa làm sao? Rõ thật tai vách mạch rừng!
Nó đưong hai tay đút túi quần, cái vợt cắp ở nách lững thững đi như một nhà triết học, thì bỗng trông thấy ông thầy số. Ông này đi co ro, cái ô đeo trên vai, dod6i giầy cũ cầm ở tay, với cái dáng điệu của một người phong trần. Ông này chỉ chào nó chứ không dám hỏi. Ðộng tâm nghĩ đến cái công danh của mình, sở dĩ có cũng là một phần nhờ ở ông thầy, Xuân Tóc Ðỏ bèn nghĩ đến cách mời ông thầy gìa một bữa chén long trọng, gọi là đáp ơn. Vì rằng sau khi kiếm được mấy đồng bạc ở nhà bà Phó Ðoan thì thôi, ông thầy số cũng vẫn khổ sở như củ.
- Thế ra dạo này cũng không được phát tài?
- Dạ, bẩm, suông quá!
- Nhân tiện gặp cụ, tôi mời cụ đi chén, rồi ta sẽ nói nhiều chuyện.
Ông thầy số lập tức hoan nghênh, Xuân liền gọi xe, và nửa giờ sau, cả hai đã ngồi torng một quầy, ở khách sạn Triều Châu, phố Hàng Buồm.
Buổi tối hôm ấy, hiệu cao lâu đông khách ăn lắm, vì Hà Thành đương nổi một cơn sốt trong cái sự sửa soạn tưng bừng để đón nhà Vua. Chính phủ định mở đại hội năm ngày trong đó có nhiều trò vui mới lạ. Người ta đồn nhau rằng không những đức Vua nước nhà ra thăm xứ Bắc mà cả ông Vua nước láng giềng cũng ghé qua chơi, cũng vào dịp ấy. Vua láng giền không phải là Vua xứ Cao Miên hay Vua xứ Lào. Nhưng mà là Vua Xiêm. Nguyên do bị nước Ðức và nước Nhật xui khôn xui dạy chi đó, chính phủ Xiêm đã tuyên bố khôi phục lại những đất đai cũng bằng cách xuất bản một bức địa đồ trong đó bờ cõi nước Xiêm cũ tràn lấn sang dãy núi Hoành Sơn. Muốn cứu vớt hoà bình Viễn Ðông, chính phủ Ðông Pháp bèn dùng những cách khôn khéo về mặt ngoại giao. Nhờ ở báo giới ba Kỳ hàng ngày kêu gào rằng dân Xiêm hãy còn dã mang, dân Việt Nam là con rồng cháu tiên đã mấy nghìn năm văn hiến thì không sợ gì dân Xiêm, nếu đánh thì ta đánh liền, chính phủ Bảo Hộ cũng được phấn khởi, và mời Vua Xiêm qua du lịch Ðông Pháp, nhất là nước Việt Nam, trước là để giữ cái tình giao hảo của hai nước, sau là để vua Xiêm biết rõ cái văn minh của con rồng cháu tiên, mà đừng có... làm bộ. Do thế, cái tấp nập của Hà Thành trong sự tổ chức, sửa soạn, cắt đặt những việc để cùng đón một lúc những hai nhà Vua. Cho nên hiệu cao lâu Triều Châu bữa nay đầy những thầu khoán, mật thám, nhà buôn, gái nhẩy, tài tử, những nhà thể thao, nghĩa là những người hoặc có quyền lợi hoặc có phận sự phải góp sức vào cuộc đón tiếp vậy.
Sau khi phán mấy món để nhắm rượu, đã toan đem chuyện bà Phó Ðoan, tương lai, vợ con, công danh, để họi ông thầy số mà nó đã tin là Quỷ Cốc phục sinh và Gia Cát tân thời, thì chợt Xuân Tóc Ðỏ nghe thấy sau lưng mình cách một lần vách gỗ, có người nói đến tên. Tức khắc nó bèn nháy ông thầy số để cùng lắng tai nghe.
Ở quầy bên cạnh, có tiếng hai người xì xào bàn tán:
- Bác bảo tên nó là Xuân Tóc Ðỏ? Thế mặt mũi nó thế nào?
- Ðể chiều mai tôi dẫn bác đến chỗ sân quần, rồi tôi cho bác nhận mặt để rồi đúng hôm Vua ra thì hành động...
Ðến đấy thấy im một lúc, Xuân cau mặt nhìn ông thầy, vì ông này đã ngửa cổ toan uống cốc rượu, tuy những món ăn nhắm thì hầu sáng chưa đem lên. Bên kia thấy có tiếng nói tiếp:
- Tôi tưởng cứ diệt cho nó một trận ngay nay mai!...
- Không1 Tôi muốn nó vào tù cơ! Nó làm cho tôi khổ suốt đời, tôi lại là người có học thức, thì tôi phải cho nó ít ra là 5 năm tù, 10 năm biệt xứ! Tôi đã có cách, bác cứ hứa là giúp tôi đi.
- Tôi xin hứa, nhưng bác phải định hành sự như thế nào? Phải nói chắc chắn mới được.
- Chắc chắn lắm! Không những kẻ tình địch của tôi sẽ vào tù, mà cả dự cuộc thi quần vợt ắt nó cũng không dự được nốt1 Ðã làm thì ra làm, bằng không thì thà thôi. Tôi sẽ in thạch một ít giấy có khẩu hiệu, nghĩa là một ít truyền đơn hô đả đảo vua Xiêm! Ðợi lúc đón tiếp nhà vua, tôi sẽ đứng sau lưng nó, cón bác thì bác đứng bên cạnh nó!
- Tôi sẽ phải làm gì?
- Bác sẽ cầm một ít truyền đơn in thạch, kiếm cách nhét vào túi quần hay túi áo nó!
- Thế còn bác?
- Tôi? Tôi sẽ hành động khác, anh hùng hơn bác nữa. Tôi sẽ nhét lên thế này: Chính phủ bình dân vạn tuế! Nước Pháp dân chủ vạn tuế! Như vậy sen đầm, cảnh binh, mật thám sẽ áp lại bắt cả bọn chúng ta...
- Ấy chết!
- Nhưng mà thằngnào có truyền đơn trong túi thì lòi ngay ra, hai chúng ta sẽ làm chúung là chính nó kêu, nghĩa là chỉ có một nó sẽ bị bắt.
- Ðược lắm! Nhưngtôi chưa hiểu tại sao bác chỉ nói: “Chính phủ vạn tuế! Nước Pháp dân chủ vạn tuế” mà cảnh binh, mật thám, sen đầm lại ập đến được?
- Thế mà rất dễ hiểu đấy! Nước Pháp cai trị chúng ta tuy là dân chủ, nhưng mà vua nước ta thì là... quân chủ. Vua Xiêm cũng là quân chủ! Ðón tiếp vua mà hô khẩu hiệu ủng hộ dân chủ tức là có ngụ ý khuynh đảo nhà Vua! Chính phủ Bảo hộ ở đây là công minh và sắc mắc lắm. Tôi dám chắc nếu hô: Nước Pháp dân chủ vạn tuế” thì thế nào cái bọn người đứng ở chỗ chúng ta cũng đều sẽ được bị bắt!
- Hay! Hay! Diệu kế! Nhưng mà, ấy chết, bác phải khẽ cái mồm chứ mới được.
- Bác cũng phải reo to vừa vừa chứ mới được.
- Vâng! Tôi xin hết lòng! Bác gọi hộ một chai bố nữa lên đâý
Xuân Tóc Ðỏ bèn đứng lên, lom khom nhìn qua lỗ hở ơ trấn song... Nó thấy ở quầy bên kia rõ ràng có người chồng chưa cưới hụt của Tuyết đương chén tạc chén thù với một người khác, quần áo ngắn, có búi tóc và đội mũ cát két, chân đi giầy Tầu. Tuy người ấy trông cũng có vẻ du côn vào bực “anh chị” nhưng đó là một ông du côn đã bất hợp thời trang. Sau khi nhận mặt thật kỹ người ấy nó điềm nhiên quay về uống rượu với ông thầy số.
Hầu sáng lúc ấy đã lần lượt bưng vào những món cao lương mỹ vị. Vừa ăn uống nhồm nhoàm, ông thầy số vừa tán:
- Bẩm số tháng này tôi thấy cậu bị saoPhục Binh!
- Nghĩa là?
- Có người thù hằn cậu, đương muốn làm hại cậu, phải cẩn thận lắm đấy! Nhưng mà không hề gì, sẽ có phúc tinh phù trợ, vì tôi lại thấy cả cả vịThiên Phúc quý nhân!
Nói xong, ông thầy số gắp một miếng chem sẻ rán bỏ gọn lỏn vào mồm y như điểm cái dấu chấm cho câu nói một cách mỹ thuật vậy. Xuân Tóc Ðỏ chưa kịp hỏi ông Gia Cát tái thế ấy, thì trông ra ngoài, qua những lỗ hổng ở cửa quầy, nó chợt thấy hai người mà bề ngoài đủ tỏ là mật thám hẳn hoi. Bốn ống quần đều có cặp xe đạp, đủ tỏ rằng tuy là ăn mặc trá hình, hai người ấy cũng vẫn không quên phô với người đời một cách kín đáo rằng mình là mật thám. Hai ngài này tình cờ lại cùng ngồi ngay vào trong một quầy bên cạnh cái của Xuân.
Tức khắc Xuân Tóc Ðỏ cũng bỏ chỗ cũ quay sang ngồi ở ghế bên kia. Nó cố ý nghe ngóng... Vài phút sau, ngẫu nhiên nó dò la sở Liêm Phóng thật, vì nói thoảng nghe thấy hai người rì rầm với nhau bằng những mẩu chuyện sau đây:
- Thầy đội, hôm nay ông Cẩm đã có lệnh hẳn hoi rồi! Vận mệnh cái xã hội này là ở tay chúng ta. Ðiều này là một sự bí mật ghê gớm phải giữ kín!
- Thưa cụ quản, xin cụ cứ dạy bảo.
- Cái chính sách của Nhà nước bây giờ là không mập mờ gì nữa. Từ này đến hôm Vua ra, thầy phải tận tâm dò la và theo dõi những hạng nào vờ cổ động chính sách Pháp Việt đề huề, Pháp Nam thân thiện, trực trị, nghĩa là những kẻ ngồi đâu cũng kêu “Chính phủ Bình dân vạn tuế! Đã đảo phát xít!...” và những kẻ nào cũng bắt chước người Tây ở bên Tây, nghĩa là chào bằng cách giơ tay như muốn đấm!
- Bẩm... Bẩm Pháp Việt đề huề, Pháp Nam thân thiện, trực trị mà cũng... dò xét?
- Chính thế! Bọn ấy mới thực là nguy hiểm cho trị an! Lúc khác thì không sao, nhưng lúc đức Vua ra đây thì bọn trực trị là đáng đề phòng lắm, vì bọn họ muốn xen1 bớt quyền thế Thiên hành đạo của nhà Vua.
- Bẩm thế còn bọn cộng sản?
- Cho ăn kẹo bọn ấy cũng không dám giở trò gì, vì xưa nay họ vẫn biết họ có tội. Nhưng bọn dân chủ thì lại khác, vì Chính phủ xưa nay vẫn ngơ đi cho họ, hay là đã có thì trót để cho họ tự do nữa, cho nên bây giờ chỉ lo họ thừa cơ... Dân chủ tức là xung đột với quân chủ. Nếu có kẻ hô hào “đả đảo phát xít” thì lại càng nguy hiểm lắm vì thế là bất kính với Vua Xiêm bên láng giềng.
- Thế còn bọn quốc gia?
- Không sợ lắm, vì quốc gia không xung đột với quân chủ.
- Như vậy thì ngoài bọn cộng sản và quốc gia thì thôi, còn cứ việc... bắt ráo cả!
- Bắt ráo! Cần nhất là phải bắt những kẻ kêu: “Nước Pháp dân chủ vạn tuế!” và “Chính phủ Bình dân vạn tuế!” Vì hai khẩu hiệu ấy xem chừng là xung đột với Vua Xiêm cả.
- Thế còn đối với những kẻ kêu “Quân chủ vạn tuế” hay là Nước Xiêm vạn tuế” thì có bắt hay không?
- Ấy thế mới chết đấy! Ðiều ấy tôi lại chưa hỏi kỹ ông Cẩm... À, nhưng mà cần gì phải hỏi quan trên? Mình cứ việc bắt chứ, vì quân chủ vạn tuế thì lại xung đột với nước Pháp dân chủ, nước Xiêm phát xít được vạn tuế thì lại cũng nguy hiểm cho nước Pháp có Chính phủ bình dân...
- Thư acủ quản, âu là ta làm thế này: Ðối với những kẻ nào đi đón hai nhà Vua mà đứng ngây mặt ra như tượng thì thôi, ta tha bắt cho, còn kẻ nào ra ý vui mừng mà hô khẩu hiệu, hoặc vạn tuế nước Pháp, hoặc vạn tuế nhà Vua, thì ta cứ việc bắt giam cả một lượt!
- Chẳng biết có nên thế không?
- Nghĩ cho cùng kỳ lý ra, đằng nào thì họ cũng đều có tội cơ mà?
- Thầy nói chí lý lắm. Ta sẽ cứ thế để trị an. Nhưng thôi, ta đừng nói nữa, hay là nói khẽ chứ, vì đó là những... điều bí mật của Chính phủ mà ta phải giữ cho thật kín.
Xuân Tóc Ðỏ chỉ nghe lỏm được có thế. Ở quầy bên cạnh, từ đấy trở đi chỉ còn thấy tiếng đũa bát lạch cạch, vì hai người thám tử đã nhất định giữ kín những bí mật đã hở. Tuy không biết thêm gì nữa, Xuân cũng cho là đủ rồi. Nó quay lại thì ra ông thầy số cứ cắm đầu ăn uống chứ không như nó, đã lắng tai nghe. Trông thấy không còn mấy thức ăn ở bàn, nó khoanh tay ngồi nhìn ông lão...
Khi ông này ăn hết nhẵn, nó mới đứng lên. Trong bụn nó lúc ấy cũng không có sự giận dỗi ông thầy bất nhã nữa, vì nó đã nghĩ được cách đối phó với sự âm mưu của kẻ tình địch. Như một kẻ thượng lưu biết khinh người, nó ra hiệu cho ông thầy đi theo...
Ra gần đến két, lúc nó sắp trả tiền, nó gặp ông đốc tờ Trực Ngôn cùng đi với hai thiếu niên. Âu phục bảnh choe lắm. Bác sĩ bắt tay nó rất vui vẻ rồi giới thiệu:
- Ðây, giáo sự Xuân, một nhà quần vợt. Ðây ông Hải, một tay quần vợt đại tài, quán quân Bắc Kỳ năm 1936, và đây, ông Thụ, quán quân quần vợt Trung Bắc lưỡng Kỳ năm 1935!
Xuân Tóc Ðỏ bắt tay một lượt xong, cúi đầu rất thấp:
- Chúng tôi rất được hân hạnh.
Giới thiệu xong, bác sĩ Trực Ngôn vui vẻ nói:
- Thật là kỳ phùng địch thủ, anh hùng tương ngộ, vì thế nào ba ngài nay mai cũng chạm trán nhau trên sân quần, vào dịp đón Vua.
Ðương lúc bất mãn vì chỉ được giới thiệu xoàn quá, may sao Xuân Tóc Ðỏ trông ngay thấy ông cảnh binhMin Ðơ vàMin Toa. Hai ông này hôm nay nghĩ việc vì bộ quần áo cảnh sát thấy thiếu cái thắt lưng da và cái roi trắng. Nó toan sửa soạn một cái chào long trọng thì hai thầy cảnh sát đều đã đứng dừng lại ở bực thang để tay lên chào nó theo kiểu nhà binh, và cùng nói:
-Bông dua me sừ Xuân, nhà quần vợt đại tài, cái hy vọng của Ðông Dương!
Xuâm mỉm cười bắt tay, lần lượt giới thiệu:
- thưa các ngài, đây, ôngMin Ðơ, lính cảnh sát hạng tư, chiến công bội tinh,cua rơ hạng nhất, nhất Hà Nội – Hà Ðông; nhì Hà Nội - Ðồ Sơn, cái tương lai của cảnh sát giới!... Còn đây ôngMin Toa, nhất vòng quanh Hà Nội, nhất Hà Nội – Nam Ðịnh, cúpBoy Landri, cúpMélia Jaune, một sự vẻ vang của sở Cẩm!
Ngần ấy người lại bắt tay nhau. Ðược giới thiêu xong hai thầy cảnh binh lại đứng“gác đa vu” mà chào Xuân rất trịnh trọng rồi mới đi vào chỗ bàn khách khứa.
Hai nhà quán quân quần vợt Bắc Kỳ 1935 và 1936, thấy Xuân nổi tiếng quá thể, cả đến cảnh sát giới cũng biết, thì lấy làm lo lắm. Cái khiếp đảm ấy lộ ra cả mặt.
Lúc ấy, Xuân đã hài lòng rồi. Nhân nghĩ đến một cái mưu mẹo riêng, nó bèn xin hẹn sẽ họp mặt với hai ngài để bàn một chuyện. Hai ông kia nhận lời ngày, cho thế làm hân hạnh lắm. sau cùng, Xuân Tóc Ðỏ bèn xin lỗi để mời bác sĩ Trực Ngôn theo nó đứng xa ra để nó được nói thầm. Nó bèn nhăn nhó nói:
- Thưa bác sĩ, ngài là một nhà học rộng, tài cao, xin ngài cứu chữa ngay cho một người đau đớn... có lẽ đến mất đức hạnh...
Bác sĩ Trực Ngôn nói ngay:
- Khoa học của tôi chỉ chữa được cái đau đớn thể chất thôi. Còn đau đớn tinh thần thì... chịu!
Xuân Tóc Ðỏ lại kè nhè:
- Xin ngài chữa cho cái trinh tiết của một người goá chồng! Nếu không... thiên hạ chê cười.
Thấy câu nói quái gở, ông đốc tờ bèn khẽ gạn kỹ lưỡng. Xuân Tóc Ðỏ chẳng ngần ngại kể lể cuộc tình duyên vụng trộm của nó với bà Phó Ðoan. Vì đã có dịp thấy Xuân rất tri kỷ với mình, bác sĩ Trực Ngôn, sau khi ngẫm nghĩ hồi lâu, bèn hứa một cách nhũn nhặn y như những nhà bác học kiêu ngạo một cách kín đáo:
- Thôi đuợc, bạn ạ. Ðể tôi dùng khoa học mà cố công cứu chữa cái đau vật chất ấy bằng thuốc tinh thần.
Sau khi từ giã ba người, Xuân Tóc Ðỏ vui vẻ trả tiền bữa tiệc ở két, và không thấy ông thầy số đâu nữa.