NHỮNG BÁNH XE CÔNG NGHIỆP
Nền kinh tế hiện đại phát triển nhờ sự tin tưởng của chúng ta về tương lai và ý nguyện của các nhà tư bản sẵn sàng tái đầu tư lợi nhuận vào sản xuất. Nhưng điều đó chưa đủ. Tăng trưởng kinh tế cũng đòi hỏi năng lượng và nguyên vật liệu, mà chúng lại là hữu hạn. Nếu như nguồn năng lượng và nguyên liệu này cạn kiệt, toàn bộ hệ thống sẽ sụp đổ.
Nhưng bằng chứng từ quá khứ để chứng minh chúng là hữu hạn chỉ đúng về mặt lý thuyết. Một cách phản trực giác, trong quá trình con người sử dụng năng lượng và nguyên vật liệu tăng lên chóng mặt trong vài thế kỷ qua, sản lượng sẵn có để chúng ta có thể khai thác thực sự cũng tăng lên. Bất cứ khi nào có nguồn năng lượng hay nguyên liệu nào bị thiếu hụt, đe dọa làm chậm tăng trưởng kinh tế, thì các khoản đầu tư lại được đổ vào nghiên cứu khoa học và công nghệ. Hoạt động này không chỉ luôn đem lại các phương thức khai thác tài nguyên hiệu quả, mà còn tạo ra nguồn năng lượng và nguyên vật liệu hoàn toàn mới.
Hãy xem xét ngành công nghiệp xe hơi. Hơn 300 năm qua, nhân loại đã sản xuất hàng tỉ phương tiện giao thông, từ xe đẩy, xe cút kít, cho tới xe lửa, xe hơi, máy bay phản lực siêu âm và tàu con thoi. Người ta có thể nghĩ rằng nỗ lực phi thường như vậy sẽ làm cạn kiệt các nguồn năng lượng và nguyên vật liệu sẵn có để sản xuất, và hôm nay chúng ta sẽ phải sử dụng nốt phần cuối cùng. Tuy nhiên, thực tế ngược lại. Năm 1700, nếu như ngành công nghiệp xe hơi toàn cầu dựa quá nhiều vào gỗ và sắt, thì ngày nay nó đã sử dụng những loại vật liệu mới được phát triển như nhựa, cao su, nhôm và titan mà tổ tiên chúng ta chưa hề biết tới trước đây. Năm 1700, nếu như lực kéo được tạo ra chủ yếu bằng sức mạnh cơ bắp của động vật và con người, thì ngày nay máy móc của các hãng Toyota và Boeing được trang bị sức mạnh của động cơ đốt trong và năng lượng hạt nhân. Một cuộc cách mạng tương tự như vậy đã quét qua hầu như mọi lĩnh vực khác của nền công nghiệp. Chúng ta gọi đó là Cách mạng Công nghiệp.
Hàng ngàn năm trước Cách mạng Công nghiệp, con người đã biết cách sử dụng nhiều nguồn năng lượng đa dạng. Họ đốt gỗ để nấu chảy sắt, sưởi ấm ngôi nhà và nướng bánh. Tàu thuyền khai thác năng lượng gió để di chuyển, và cối xay thì sử dụng dòng chảy của sông để xay ngũ cốc. Tuy nhiên, tất cả những nguồn năng lượng đó đều có vấn đề và có giới hạn rõ ràng. Cây cối không sẵn có khắp mọi nơi, gió không phải lúc nào cũng thổi, và sức nước chỉ hữu ích nếu bạn sống gần một con sông.
Một vấn đề lớn hơn là mọi người không biết làm thế nào để chuyển đổi từ dạng năng lượng này thành dạng năng lượng khác. Họ có thể khai thác sự chuyển động của gió và nước để làm tàu thuyền di chuyển và quay cối xay, nhưng không thể đun nóng nước hoặc nấu chảy sắt. Ngược lại, họ không thể sử dụng nhiệt lượng được sản sinh bằng cách đốt gỗ để làm quay cối xay. Con người chỉ có một cỗ máy có khả năng chuyển đổi năng lượng, đó chính là cơ thể. Trong quá trình trao đổi chất tự nhiên, những cơ quan của con người và các loài động vật khác đốt nhiên liệu hữu cơ được gọi là thức ăn và biến năng lượng thành sự vận động của cơ bắp. Đàn ông, đàn bà, con vật có thể tiêu thụ ngũ cốc và thịt, đốt cháy lượng đường và chất béo trong cơ thể, sử dụng năng lượng đó để kéo xe hoặc kéo cày.
Vì cơ thể người và động vật là thiết bị chuyển đổi năng lượng duy nhất sẵn có, sức mạnh cơ bắp chính là chìa khoá cho gần như mọi hoạt động của con người. Cơ bắp của con người giúp sản xuất xe cộ và xây dựng nhà cửa, cơ bắp của bò dùng để kéo cày ngoài ruộng, và cơ bắp của ngựa để vận chuyển hàng hoá. Năng lượng để cung cấp cho cỗ máy cơ bắp hữu cơ cuối cùng đều đến từ một nguồn duy nhất – thực vật. Đến lượt mình, thực vật hấp thụ năng lượng từ mặt trời. Thông qua quá trình quang hợp, cây xanh nhận được năng lượng Mặt trời và tổng hợp nó thành các hợp chất hữu cơ. Hầu như mọi thứ con người đã làm trong suốt chiều dài lịch sử đều được thúc đẩy bởi nguồn năng lượng Mặt trời do thực vật thu được, và chuyển đổi thành năng lượng cơ bắp.
Do đó, lịch sử nhân loại bị chi phối bởi hai chu kỳ chính: những chu kỳ sinh trưởng của thực vật và những chu kỳ thay đổi của năng lượng Mặt trời (ngày và đêm, mùa hè và mùa đông). Khi ánh sáng Mặt trời khan hiếm và khi đồng lúa còn xanh, con người có rất ít năng lượng. Các vựa thóc trống rỗng, người thu thuế nhàn rỗi, quân lính thấy khó khăn khi di chuyển và chiến đấu, còn nhà vua có xu hướng duy trì hòa bình. Khi Mặt trời chiếu sáng rực rỡ và lúa mì chín, nông dân thu hoạch cây trồng và đổ đầy kho thóc. Người thu thuế vội vã đến lấy phần của mình. Binh sĩ gồng cơ bắp và mài sắc thanh kiếm. Nhà vua thì triệu tập hội đồng và lên kế hoạch cho các chiến dịch tiếp theo của mình. Mọi người đều được thúc đẩy bởi năng lượng Mặt trời – thứ được tiếp nhận và cất trữ trong lúa mì, gạo và khoai tây.
Bí mật trong nhà bếp
Trong suốt những thiên niên kỷ dài, ngày này qua ngày khác, con người giáp mặt với phát minh quan trọng nhất trong lịch sử sản xuất năng lượng mà không để ý đến nó. Nó đập vào mắt họ mỗi khi có một bà nội trợ hay người hầu lấy ấm đun nước pha trà, hoặc đặt một nồi đầy khoai tây trên bếp. Khi nước sôi, nắp ấm nước hoặc nồi nảy lên. Nhiệt năng đã được biến đổi thành động năng. Nhưng việc nắp nồi nảy lên lại gây ra chút phiền toái, đặc biệt là nếu bạn để quên nồi trên bếp và để nước sôi quá lâu. Không ai nhìn thấy tiềm năng thực sự của nó.
Một bước đột phá không hoàn chỉnh trong việc chuyển nhiệt năng thành động năng là việc phát minh ra thuốc súng ở Trung Hoa vào thế kỷ 9. Lúc đầu, ý tưởng sử dụng thuốc súng để đẩy đạn đi nghe kỳ cục đến mức trong nhiều thế kỷ, thuốc súng được sử dụng chủ yếu để sản xuất bom lửa. Nhưng cuối cùng – có lẽ sau khi một chuyên gia về bom đặt thuốc súng vào trong cối giã rồi thế nào lại khiến cho cái chày bắn ra với một lực mạnh – thì những khẩu súng đã xuất đầu lộ diện. Đã gần 600 năm trôi qua kể từ khi thuốc súng được phát minh cho đến lúc đại bác được đưa vào sử dụng.
Thậm chí sau đó, ý tưởng biến nhiệt năng thành động năng nghe vẫn còn điên rồ, nên phải mất đến ba thế kỷ cho tới khi có người phát minh ra cỗ máy tiếp theo nhằm sử dụng nhiệt năng tạo ra chuyển động. Công nghệ mới đã được sinh ra trong hầm mỏ nước Anh. Khi dân số Anh tăng lên, rừng bị chặt phá để cung cấp nhiên liệu cho nền kinh tế đang phát triển, lấy chỗ cho nhà ở và ruộng đồng. Anh ngày càng thiếu hụt củi đốt. Họ bắt đầu đốt than để thay thế. Nhiều vỉa than nằm ở các khu vực ngập nước, và lũ lụt ngăn thợ mỏ tiếp cận các địa tầng ngầm của hầm mỏ. Đó là vấn đề đang cần giải pháp. Khoảng năm 1700, một tiếng động lạ bắt đầu vang vọng khắp các hầm mỏ ở Anh. Đó là tiếng động – dấu hiệu của Cách mạng Công nghiệp – ban đầu thì nhẹ nhàng không dễ nhận thấy, nhưng đã phát triển ngày càng to hơn qua từng thập niên, cho đến khi bao trùm toàn bộ thế giới trong một giai điệu chói tai. Giai điệu đó phát ra từ động cơ hơi nước.
Có rất nhiều loại động cơ hơi nước, nhưng tất cả đều chung một nguyên tắc. Bạn đốt một loại nhiên liệu nào đó như than, và sử dụng nhiệt năng sản sinh để đun sôi nước, tạo ra hơi nước. Khi lượng hơi nước tăng lên, nó đẩy piston. Khi piston di chuyển, bất cứ thứ gì nối với piston sẽ chuyển động theo. Bạn đã biến nhiệt năng thành động năng! Trong các mỏ than Anh thế kỷ 18, các piston được kết nối với một cái bơm để rút nước từ đáy hầm mỏ. Những động cơ đầu tiên làm việc kém hiệu quả vô cùng. Bạn phải đốt cháy một lượng lớn than chỉ để bơm ra một lượng nhỏ nước. Nhưng trong mỏ luôn có sẵn than nên chẳng ai thèm bận tâm.
Trong những thập kỷ sau đó, các doanh nhân Anh đã cải thiện hiệu suất làm việc của động cơ hơi nước, mang chúng ra khỏi hầm mỏ, kết nối chúng với khung dệt và máy tỉa hạt bông. Điều này đã cách mạng hoá ngành dệt may, khiến họ có thể sản xuất ra ngày càng nhiều vải vóc với giá rẻ. Trong chớp mắt, Anh đã trở thành công xưởng của thế giới. Nhưng quan trọng hơn, việc đưa động cơ hơi nước ra khỏi hầm mỏ đã phá vỡ một rào cản tâm lý quan trọng. Nếu bạn có thể đốt cháy than đá để di chuyển khung dệt, tại sao không sử dụng phương thức này để di chuyển những thứ khác, chẳng hạn như xe cộ?
Năm 1825, một kĩ sư người Anh đã kết nối động cơ hơi nước với một dãy toa xe chở đầy than từ hầm mỏ. Động cơ này đã kéo các toa xe dọc theo một đường ray sắt dài khoảng 20 km từ mỏ than đến bến cảng gần nhất. Đây là đầu máy xe lửa chạy bằng hơi nước đầu tiên trong lịch sử. Rõ ràng, nếu hơi nước có thể được sử dụng để vận chuyển than, thì tại sao lại không phải là những hàng hoá khác? Và tại sao không vận chuyển cả con người? Ngày 15 tháng Chín năm 1830, tuyến đường sắt thương mại đầu tiên được mở, kết nối Liverpool với Manchester. Các đoàn tàu di chuyên bằng sức mạnh của hơi nước mà trước đó đã được dùng để bơm nước và làm chuyển động những khung dệt. Và chỉ 20 năm sau đó, Anh đã có hàng chục ngàn cây số đường sắt.
Từ đó về sau, mọi người trở nên ám ảnh với ý tưởng rằng máy móc và động cơ có thể được sử dụng để chuyển đổi dạng năng lượng này thành dạng năng lượng khác. Bất kỳ loại năng lượng nào ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, đều có thể được khai thác cho mọi nhu cầu của con người, nếu chúng ta có thể phát minh ra cỗ máy phù hợp. Ví dụ, khi các nhà vật lý nhận ra một nguồn năng lượng lớn được lưu trữ trong nguyên tử, họ ngay lập tức bắt đầu suy nghĩ để tìm cách giải phóng nguồn năng lượng này và sử dụng nó để tạo ra điện, cho chạy tàu ngầm và tiêu diệt các thành phố. Phải mất 600 năm kể từ khi các nhà giả kim Trung Hoa phát minh ra thuốc súng, cho đến khi đại bác Thổ Nhĩ Kỳ bắn nát các bức tường của thành phố Constantinople. Nhưng chỉ mất 40 năm kể từ khi Einstein xác định rằng bất kỳ loại vật chất nào cũng có thể chuyển đổi thành năng lượng – đó là ý nghĩa của công thức E = mc² – cho đến lúc hai quả bom nguyên tử rơi xuống Hiroshima và Nagasaki, cũng như các nhà máy điện hạt nhân mọc lên như nấm khắp toàn cầu.
Một phát minh quan trọng nữa là động cơ đốt trong, thứ chỉ cần ít hơn một thế hệ để có thể cách mạng hoá việc chuyên chở của con người và biến dầu mỏ thành một dạng quyền lực chính trị mềm. Dầu mỏ đã được biết đến từ hàng ngàn năm qua, được sử dụng để chống thấm mái nhà và bôi trơn trục xe. Tuy nhiên, hơn một thế kỷ trước, không ai nghĩ nó lại hữu ích nhiều hơn thế. Ý tưởng phải đổ máu vì những lợi ích từ dầu mỏ nghe có vẻ lố bịch. Bạn có thể phát động một cuộc chiến để tranh giành đất đai, vàng, hạt tiêu hay nô lệ, nhưng không phải là dầu mỏ.
Và tiến trình phát triển của điện còn đáng kinh ngạc hơn. Hai thế kỷ trước đây, điện không có vai trò nào trong nền kinh tế, nó được sử dụng nhiều nhất cho các thí nghiệm khoa học phức tạp và ảo thuật rẻ tiền. Một loạt phát minh đã biến điện thành vị thần đèn toàn năng. Chúng ta chỉ cần chạm ngón tay, nó sẽ giúp in sách và khâu vá quần áo, giữ cho rau quả tươi ngon và kem của chúng ta đông lạnh, nấu bữa tối cho chúng ta và trừng trị những kẻ phạm tội, ghi lại các ý tưởng của con người và chớp lấy những nụ cười, thắp sáng màn đêm và mua vui cho con người với vô số các chương trình truyền hình. Rất ít người trong chúng ta hiểu điện đã thực hiện tất cả những điều này thế nào, nhưng thậm chí còn ít người hơn thế có thể mường tượng ra một cuộc sống không có điện.
Đại dương năng lượng
Về bản chất, Cách mạng Công nghiệp là một cuộc cách mạng trong việc chuyển đổi năng lượng. Nó đã minh chứng hết lần này đến lần khác rằng tổng số năng lượng mà chúng ta có thể sử dụng là vô biên. Hay chính xác hơn, chỉ có một giới hạn là trí tuệ con người. Cứ vài thập kỷ chúng ta lại khám phá ra một nguồn năng lượng mới, do đó tổng số năng lượng mà chúng ta có thể sử dụng lại không ngừng tăng lên.
Tại sao rất nhiều người sợ rằng chúng ta đang dần mất đi năng lượng? Tại sao họ cảnh báo về thảm họa nếu chúng ta cạn kiệt mọi loại nhiên liệu hoá thạch có sẵn? Rõ ràng thế giới không thiếu năng lượng. Chúng ta chỉ thiếu kiến thức cần thiết để khai thác và biến đổi chúng phục vụ nhu cầu của chúng ta. Số năng lượng được lưu trữ trong tất cả các nhiên liệu hoá thạch trên Trái đất không đáng kể so với số năng lượng mà Mặt trời phân phát miễn phí mỗi ngày. Chỉ có một tỉ lệ nhỏ năng lượng Mặt trời đến với chúng ta, nhưng nó chiếm tới 3.766.800 exajun năng lượng mỗi năm (1 jun là một đơn vị năng lượng trong hệ mét, bằng số năng lượng mà bạn bỏ ra để nâng một quả táo nhỏ lên cao một mét; 1 exajun là một tỉ tỉ jun – tức là rất nhiều táo). Thông qua quá trình quang hợp, toàn bộ các loài thực vật trên thế giới chỉ giữ lại được khoảng 3.000 trong số những exajun năng lượng Mặt trời đó. Tất cả các hoạt động và ngành công nghiệp của con người cùng nhau tiêu thụ khoảng 300 exajun hằng năm, chỉ tương đương với số năng lượng mà Trái đất tiếp nhận từ Mặt trời trong 90 phút. Và đó mới chỉ là năng lượng Mặt trời. Ngoài ra, bao quanh chúng ta là các nguồn năng lượng khổng lồ khác như năng lượng hạt nhân và lực hấp dẫn, năng lượng này biểu hiện rõ nhất trong sức mạnh của những đợt thủy triều trên biển gây ra bởi lực hút của Mặt trăng đối với Trái đất.
Trước Cách mạng Công nghiệp, thị trường năng lượng của con người gần như hoàn toàn phụ thuộc vào các loài thực vật. Con người sống bên cạnh một bồn năng lượng xanh chứa 3.000 exajun mỗi năm, và đã cố gắng để khai thác hết mức nguồn năng lượng đó. Tuy nhiên, có một giới hạn rõ ràng về số năng lượng mà họ có thể khai thác. Trong Cách mạng Công nghiệp, con người nhận ra họ đang thực sự sống cùng với một đại dương năng lượng khổng lồ, một đại dương chứa hàng tỉ tỉ exajun thế năng. Tất cả những gì chúng ta cần làm là phát minh ra những cái máy bơm tốt hơn.
Học cách để khai thác và chuyển đổi năng lượng một cách hiệu quả sẽ giải quyết vấn đề vốn đang làm chậm quá trình tăng trưởng kinh tế – sự khan hiếm của nguyên vật liệu. Khi con người tìm ra cách để khai thác một nguồn năng lượng lớn giá rẻ, họ có thể bắt đầu khai thác những kho dự trữ nguyên liệu thô mà trước đây không thể tiếp cận được (ví dụ, khai thác mỏ sắt ở vùng đất hoang Siberia), hoặc vận chuyển nguyên vật liệu đến các địa điểm xa xôi hơn (ví dụ, cung cấp len của Úc cho một nhà máy dệt ở Anh). Đồng thời, những đột phá khoa học cho phép loài người phát minh ra những nguyên vật liệu hoàn toàn mới, chẳng hạn như nhựa, và khám phá ra các vật liệu tự nhiên chưa từng biết tới trước đây, chẳng hạn như Silicon, bán dẫn, nhôm.
Chỉ đến năm 1820, các nhà hoá học mới tìm ra nhôm, nhưng việc phân tách kim loại này từ quặng thô là cực kỳ khó khăn và tốn kém. Trong nhiều thập kỷ, nhôm giá trị hơn nhiều so với vàng. Những năm 1860, Hoàng đế Napoleon III của Pháp cho đặt làm những bộ dao dĩa bằng nhôm cho các vị khách quý nhất của ông. Khách ít quan trọng phải dùng dao dĩa bằng vàng. Nhưng đến cuối thế kỷ 19, các nhà hoá học đã phát hiện ra cách trích xuất một lượng lớn nhôm giá rẻ, sản lượng nhôm toàn cầu hiện nay giữ ở mức 30 triệu tấn mỗi năm. Napoleon III sẽ ngạc nhiên khi biết rằng con cháu mình sử dụng giấy nhôm dùng một lần giá rẻ để bọc bánh mì và đựng thức ăn thừa.
2.000 năm trước đây, khi bị khô da, người dân ở lưu vực Địa Trung Hải đã bôi dầu ô-liu lên tay. Ngày nay, họ đã có kem dưỡng da tay. Dưới đây là danh sách thành phần của một loại kem dưỡng da tay hiện đại đơn giản mà tôi đã mua tại một cửa hàng địa phương:
Nước khử ion, acid stearic, glycerin, caprylic/caprictiglyceride, propylene glycol, myristate isopropyl, chiết xuất từ rễ sâm, nước hoa, cetyl alcohol, triethanolamine, dimeticone, arctostaphylos tách chiết từ lá uva-ursi, magnesium ascorbyl phosphate, imidazolidinyl urê, methylparaben, camphor, propyl paraben, hydroxyisohexyl 3-cyclohexen carboxaldehyde, hydroxycitronellal, linalool, butylphenyl methylproplonal, citronnellol, limonene, geraniol.
Hầu như tất cả các thành phần này đã được phát minh, khám phá chỉ trong hai thế kỷ qua.
Trong Thế chiến I, Đức bị phong tỏa và phải chịu đựng tình trạng thiếu trầm trọng nguyên vật liệu, đặc biệt là diêm tiêu (muối kali nitrat KNO3), một thành phần thiết yếu trong thuốc súng và các loại chất nổ khác. Những mỏ dự trữ quan trọng nhất của chất này nằm ở Chile và Ấn Độ, còn Đức không có mỏ kali nitrat nào. Đúng là kali nitrat có thể được thay thế bằng ammonia, nhưng chi phí sản xuất cũng rất cao. May mắn cho người Đức, một trong những đồng bào của họ, nhà hoá học gốc Do Thái tên là Fritz Haber, vào năm 1908 đã phát minh ra quy trình sản xuất ammonia sử dụng không khí. Khi chiến tranh nổ ra, người Đức đã sử dụng phát minh của Haber để bắt đầu sản xuất thuốc nổ ở quy mô công nghiệp, sử dụng không khí như một nguyên liệu thô. Một số học giả tin rằng nếu không có phát minh của Haber, chắc chắn Đức đã buộc phải đầu hàng từ trước tháng Mười một năm 1918 khá lâu. Phát minh của Haber (người trong chiến tranh cũng đi tiên phong trong việc sử dụng các khí độc trên chiến trường) đã được trao giải Nobel năm 1918, về lĩnh vực hoá học chứ không phải về hòa bình.
Cuộc sống trên dây chuyền sản xuất
Cách mạng Công nghiệp đã đem lại một sự kết hợp chưa từng có giữa nguồn năng lượng và nguyên vật liệu, hai thứ đều dồi dào và rẻ mạt. Kết quả là một sự bùng nổ trong hoạt động sản xuất của con người. Sự bùng nổ đầu tiên và quan trọng nhất là trong nông nghiệp. Thông thường, khi nghĩ về Cách mạng Công nghiệp, chúng ta nói đến một cảnh quan đô thị với những ống khói nhà máy, hoặc hoàn cảnh khốn khổ của người thợ mỏ than đổ mồ hôi trong lòng đất. Tuy nhiên, trên tất cả, Cách mạng Công nghiệp chính là Cách mạng Nông nghiệp lần thứ hai.
Trong suốt 200 năm qua, phương thức sản xuất công nghiệp đã trở thành trụ cột của ngành nông nghiệp. Những cỗ máy như máy kéo bắt đầu thực hiện nhiệm vụ mà trước đây được tiến hành bằng sức mạnh cơ bắp, hoặc không thể thực hiện được. Số lượng các cánh đồng và đàn gia súc tăng nhanh nhờ năng suất cao hơn vì có phân bón nhân tạo, thuốc trừ sâu công nghiệp, cả một kho kích thích tố và thuốc chữa bệnh. Tủ lạnh, tàu thuyền, máy bay giúp con người có thể lưu trữ sản phẩm trong nhiều tháng, vận chuyển chúng một cách nhanh và rẻ sang tận đầu kia thế giới. Châu Âu bắt đầu ăn thịt bò Argentina tươi và sushi Nhật Bản.
Ngay cả thực vật và động vật cũng được cơ giới hoá. Vào khoảng thời gian mà Homo sapiens được các tôn giáo nhân văn nâng lên ngang tầm với thần thánh, vật nuôi không được xem là những sinh vật có thể cảm thấy đau đớn và buồn khổ, thay vào đó chúng được xem như những cỗ máy. Ngày nay, những loài động vật thường được sản xuất hàng loạt tại các cơ sở chăn nuôi giống như nhà máy, cơ thể của chúng bị biến đổi để có hình dạng phù hợp với nhu cầu công nghiệp. Chúng trải qua toàn bộ chu trình sống như những bánh xe có răng cưa trong một dây chuyển sản xuất khổng lồ, độ dài và chất lượng tồn tại của chúng được xác định bởi lợi nhuận và sự thua lỗ của các tập đoàn kinh doanh. Ngay cả khi ngành công nghiệp quan tâm đến việc nuôi sống chúng, cho chúng sống lành mạnh và ăn đầy đủ, cũng không hề thực sự quan tâm đến tính chất xã hội và tâm lý của con vật (trừ phi nó có ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất).
Ví dụ, gà mái đẻ trứng có cả một thế giới phức tạp các nhu cầu và động lực hành vi. Chúng cảm thấy sự thôi thúc mạnh mẽ để tìm hiểu môi trường của mình, tìm kiếm thức ăn xung quanh, xác định hệ thống thứ bậc xã hội, tự làm tổ và tự chải chuốt cho mình. Nhưng ngành công nghiệp sản xuất trứng thường nhốt lũ gà mái trong chuồng nhỏ, và thường là họ nhốt chung bốn con gà mái trong một cái lồng, mỗi lồng có diện tích mặt sàn với hai chiều ngang dọc khoảng 22-25 cm. Gà mái nhận đủ lương thực, nhưng chúng không có chủ quyền lãnh thổ, xây tổ hoặc tham gia vào các hoạt động tự nhiên khác. Thật vậy, chiếc lồng quá nhỏ tới mức thậm chí con gà thường không thể vỗ cánh hay hoàn toàn đứng thẳng được.
Lợn là một trong những loài động vật có vú thông minh và ham học hỏi, có lẽ chỉ xếp sau các loài vượn cỡ lớn. Tuy nhiên, các trang trại chăn nuôi lợn công nghiệp thường xuyên nhốt lợn nái bên trong chuồng nhỏ, khiến chúng không thể quay đầu (chưa nói đến việc đi bộ hoặc tìm kiếm thức ăn). Lợn nái được giữ trong những chiếc chuồng như thế suốt ngày đêm trong vòng bốn tuần sau sinh. Con của chúng sau đó được đưa đi vỗ béo, và lợn nái được tiếp tục cho giao phối để đón chào các lứa lợn con tiếp theo.
Nhiều con bò sữa sống gần như cả đời bên trong một chuồng nuôi nhốt nhỏ hẹp; đứng, ngồi, ngủ trong nước tiểu và phân của mình. Chúng nhận được khẩu phần của mình: thực phẩm, kích thích tố và thuốc từ các loại máy móc, cứ vài giờ bị vắt sữa một lần bởi một tập hợp máy móc khác. Vị thế của con bò không gì hơn ngoài một cái miệng ăn nhận nguyên vật liệu và bầu vú là nơi sản xuất ra hàng hoá. Việc đối xử với các sinh vật sở hữu thế giới tình cảm phức tạp như thể chúng là những cỗ máy có thể khiến cho chúng không chỉ khó chịu về thể chất, mà còn gánh nhiều căng thẳng xã hội và tâm lý khó chịu.
Hình 40. Những con gà con trên dây chuyền trong một trại ấp thương mại. Gà trống và gà mái con không hoàn hảo đều bị tách ra khỏi dây chuyền và sau đó bị chết ngạt trong phòng hơi ngạt, bỏ vào máy cắt vụn tự động, hoặc chỉ đơn giản là ném vào thùng rác, nơi chúng bị nghiền nát đến chết. Hàng trăm triệu con gà chết mỗi năm trong các trại ấp như vậy.
Cũng như việc buôn bán nô lệ qua Đại Tây Dương không bắt nguồn từ thù hận đối với người châu Phi, ngành chăn nuôi hiện đại không hề được thúc đẩy bởi tình trạng thù hằn. Một lần nữa, nó được thúc đẩy bởi sự thờ ơ. Hầu hết những người chăn nuôi và tiêu thụ trứng, sữa, thịt hiếm khi dừng lại để suy nghĩ về số phận của những con gà, bò hay lợn được nuôi để cung cấp thịt và các sản phẩm khác họ đang ăn. Một số người nếu có suy nghĩ, thường lập luận rằng những loài động vật như vậy chỉ có đôi chút khác biệt với các loại máy móc, không có cảm giác và cảm xúc, không cảm nhận được đau khổ. Trớ trêu thay, chính các ngành khoa học vốn đã tạo hình cho những cái máy làm sữa và máy đẻ trứng của chúng ta, gần đây đã chứng minh đầy thuyết phục rằng động vật có vú và loài chim vốn có cảm giác và cảm xúc phức tạp. Chúng không chỉ cảm thấy đau đớn thể xác, mà còn có thể bị đau khổ về cảm xúc.
Tâm lý học tiến hoá cho rằng nhu cầu cảm xúc và xã hội của động vật trang trại tiến hoá trong điều kiện tự nhiên, nơi chúng cần thiết cho sự tồn tại và sinh sản. Ví dụ, một con bò hoang dã phải biết cách tạo mối quan hệ gần gũi với bò cái và bò đực khác, nếu không nó không thể sống sót và sinh sản. Để có thể học được những kĩ năng cần thiết, sự tiến hoá cấy vào các con bê – như trong các con con của tất cả động vật xã hội có vú khác – một thôi thúc vui chơi mạnh mẽ (chơi là cách động vật có vú học các hành vi xã hội). Và chúng còn được cấy một thôi thúc mạnh mẽ hơn là gắn bó với mẹ của chúng, nơi mà sữa và sự chăm sóc rất cần thiết để tồn tại.
Điều gì xảy ra nếu nông dân bây giờ có một con bê nhỏ, tách nó ra khỏi bò mẹ rồi đặt vào trong một cái lồng kín, cung cấp thức ăn, nước uống và thuốc tiêm chủng để chống lại bệnh tật, rồi sau đó, khi nó đủ tuổi, cho nó thụ tinh với tinh trùng của bò đực? Từ góc độ khách quan, con bê này không cần gắn bó với mẹ hoặc chơi đùa để tồn tại và sinh sản. Nhưng từ góc độ chủ quan, con bê vẫn cảm thấy một sự thôi thúc mạnh mẽ để gắn kết với mẹ nó và chơi với các con bê khác. Nếu những thôi thúc này không được đáp ứng, con bê sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Đây là bài học cơ bản của tâm lý học tiến hoá: một nhu cầu hình thành trong tự nhiên tiếp tục được cảm nhận chủ quan ngay cả khi nó không còn thực sự cần thiết cho sự tồn tại và sinh sản. Thảm kịch của ngành nông nghiệp là chúng ta rất cẩn thận với nhu cầu khách quan của động vật, trong khi bỏ qua nhu cầu chủ quan của chúng.
Hình 41. Một trong những con khỉ mồ côi của Harlow vẫn bám vào người mẹ vải trong khi đang bú sữa từ người mẹ kim loại.
Tính đúng đắn của lý thuyết này được biết đến ít ra là từ năm 1950, khi nhà tâm lý học người Mỹ Harry Harlow nghiên cứu sự sinh trưởng của những con khỉ. Harlow đã tách khỉ sơ sinh khỏi mẹ chỉ vài giờ sau khi chào đời. Những con khỉ đã bị cô lập trong lồng, và sau đó được nuôi dưỡng bởi các bà mẹ giả. Trong mỗi lồng, Harlow đặt hai hình nộm giả. Một được làm bằng dây kim loại, và được nối với một chai sữa mà từ đó con khỉ con có thể mút. Hình nộm khác được làm bằng gỗ bọc vải, khiến nó trông giống như một người mẹ khỉ thật, nhưng không cung cấp cho đám khỉ sơ sinh bất cứ nguồn nuôi dưỡng nào. Người ta giả định rằng đám khỉ con sẽ bám vào bà mẹ kim loại bổ dưỡng hơn là một miếng vải thô ráp.
Trước sự ngạc nhiên của Harlow, đám khỉ sơ sinh thể hiện một sở thích đáng kể dành cho con khỉ mẹ bằng vải, dành phần lớn thời gian của chúng với nó. Khi hai hình nộm được đặt gần nhau, đám khỉ sơ sinh vẫn ôm ấp bà mẹ vải ngay cả khi chúng đang leo lên để hút sữa từ bà mẹ bằng kim loại. Harlow nghi ngờ rằng có lẽ lũ khỉ làm thế vì chúng bị lạnh. Vì vậy, ông trang bị một bóng đèn điện bên trong người mẹ dây kim loại, mà bây giờ tỏa ra nhiệt. Hầu hết lũ khỉ, ngoại trừ những con còn rất nhỏ, vẫn tiếp tục thích bà mẹ vải.
Nghiên cứu tiếp theo cho thấy lũ khỉ mồ côi của Harlow đã lớn lên với sự rối loạn tình cảm mặc dù chúng đã nhận được mọi chất dinh dưỡng cần thiết. Chúng không bao giờ thích ứng với xã hội loài khỉ, gặp khó khăn khi giao tiếp với những con khỉ khác, và bị ảnh hưởng bởi sự lo lắng và tính gây hấn cao độ. Kết luận không thể tránh được là: khỉ có nhu cầu tâm lý và mong muốn, vượt lên nhu cầu vật chất của chúng, và nếu điều đó không được đáp ứng, chúng sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Trong những thập kỷ sau, nhiều nghiên cứu đã cho thấy kết luận này không chỉ áp dụng với khỉ mà còn đối với những loài động vật có vú khác, cũng như các loài chim. Hiện nay, hàng triệu gia súc đang phải chịu đựng điều kiện sống tương tự như những con khỉ của Harlow, khi nông dân thường xuyên tách rời lũ bê, cừu và dê con ra khỏi mẹ chúng, và buộc chúng lớn lên trong sự cô lập.
Tổng kết lại, hiện nay hàng tỉ động vật nông trại sống như là một phần của một dây chuyền máy móc, và khoảng 50 tỉ trong số đó bị giết chết mỗi năm. Những phương pháp chăn nuôi công nghiệp đã dẫn đến một sự gia tăng mạnh về sản xuất nông nghiệp và dự trữ thức ăn cho người. Cùng với sự cơ giới hoá việc trồng cây, chăn nuôi công nghiệp là cơ sở cho toàn bộ trật tự kinh tế xã hội hiện đại. Trước khi có tiến trình công nghiệp hoá nông nghiệp, hầu hết thực phẩm sản xuất trên những cánh đồng và trong các trang trại bị “lãng phí” vào việc nuôi những người nông dân và động vật trong trại chăn nuôi. Chỉ có một tỉ lệ nhỏ là có sẵn để nuôi các nghệ nhân, giáo viên, các linh mục và quan chức. Do đó, trong hầu hết các xã hội, hơn 90% dân số là nông dân. Tiếp theo tiến trình công nghiệp hoá nông nghiệp, số lượng nông dân ngày càng thu hẹp nhưng vẫn đủ để nuôi các nhân viên văn phòng và thợ máy ngày một tăng. Ngày nay, tại Hoa Kỳ, chỉ có 2% dân số sống bằng nghề nông, nhưng 2% này sản xuất không chỉ đủ nuôi toàn bộ dân số Hoa Kỳ, mà còn đủ xuất khẩu phần thặng dư để cung cấp cho phần còn lại của thế giới. Nếu không có tiến trình công nghiệp hoá nông nghiệp thì Cách mạng Công nghiệp đô thị đã không thể diễn ra – và có lẽ sẽ không có đủ bàn tay khối óc để trở thành nhân viên nhà máy và văn phòng.
Khi những nhà máy và văn phòng này thu hút hàng tỉ bàn tay khối óc, nguồn lực được giải phóng từ các cánh đồng canh tác, họ đã bắt đầu sản xuất ra hàng loạt sản phẩm với sự đa dạng chưa từng có. Con người hiện nay sản xuất ra nhiều thép hơn, nhiều quần áo hơn, và xây dựng nhiều công trình kiến trúc hơn bao giờ hết. Ngoài ra, con người còn sản xuất một loạt các hàng hoá gây kinh ngạc, mà trước đây không thể tưởng tượng nổi, chẳng hạn như bóng đèn, điện thoại di động, máy ảnh và máy rửa bát. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, cung bắt đầu vượt quá cầu. Và một vấn đề hoàn toàn mới đã nảy sinh: ai sẽ là người mua tất cả những thứ này?
Thời đại mua sắm
Các nền kinh tế tư bản chủ nghĩa hiện đại phải liên tục gia tăng sản xuất nếu muốn tồn tại, giống như một con cá mập phải bơi hoặc sẽ chết ngộp. Tuy nhiên, chỉ sản xuất thôi chưa đủ. Phải có người mua các sản phẩm, nếu không các nhà công nghiệp và nhà đầu tư sẽ phá sản. Để ngăn chặn thảm họa này và để đảm bảo mọi người sẽ luôn mua bất cứ thứ gì ngành công nghiệp mới sản xuất ra, một hình thức mới của đạo đức xuất hiện: chủ nghĩa tiêu dùng.
Hầu hết mọi người trong suốt chiều dài lịch sử sống trong điều kiện thiếu thốn. Do đó thanh đạm là khẩu hiệu của họ. Đạo đức khắc khổ của những người Thanh giáo và sparta là hai ví dụ nổi tiếng. Một người tốt cần tránh sự xa xỉ, không bao giờ vứt đi thực phẩm chế biến, và vá lại chiếc quần rách thay vì mua một cái quần mới. Chỉ có vua và quý tộc mới tự cho phép mình công khai từ bỏ những giá trị như thế và thường phô trương sự giàu có của họ.
Chủ nghĩa tiêu dùng thấy việc tiêu thụ các sản phẩm và dịch vụ ngày càng nhiều chính là một điều tích cực. Nó khuyến khích mọi người chiều chuộng bản thân, làm hư bản thân, và thậm chí dần dần giết chính mình bởi sự tiêu dùng quá mức. Tính tiết kiệm là một bệnh dịch cần được chữa trị. Bạn không cần phải nhìn xa để thấy đạo đức tiêu dùng được áp dụng – chỉ cần đọc mặt sau một hộp ngũ cốc. Những dòng dưới đây lấy từ hộp ngũ cốc ăn sáng yêu thích của tôi, do công ty Telma của Israel sản xuất:
Đôi khi bạn cần một sự chăm sóc. Đôi khi bạn cần một chút năng lượng thêm. Có những lúc bạn cần theo dõi cân nặng của mình và có những lúc bạn cần phải ăn một thứ gì đó… Ngay bây giờ! Telma cung cấp các loại ngũ cốc ngon lành dành riêng cho bạn – ăn ngon mà không phải hối hận.
Đi kèm với sản phẩm trên là một quảng cáo cho một thương hiệu ngũ cốc khác tên là Health Treats:
Health Treats cung cấp nhiều loại ngũ cốc, trái cây và các loại hạt, mang lại một trải nghiệm kết hợp giữa hương vị, niềm vui và sức khỏe. Đáp ứng một bữa ăn khoái khẩu giữa ban ngày, thích hợp cho một lối sống lành mạnh.
Một sự thưởng thức thực sự với những hương vị vô cùng tuyệt vời [nhấn mạnh trong nguyên bản].
Trong hầu hết lịch sử, mọi người có thể cảm thấy khó chịu hơn là bị thu hút bởi một dòng chữ như vậy. Họ có thể coi điều đó là ích kỷ, suy đồi, tha hoá về mặt đạo đức. Chủ nghĩa tiêu dùng đã làm việc rất chăm chỉ, với sự giúp sức của tâm lý học đại chúng (“Hãy cứ làm đi!”) nhằm thuyết phục mọi người rằng khoái lạc rất tốt cho bạn, trong khi tính tiết kiệm là tự áp bức.
Nó đã thành công. Tất cả chúng ta đều là những người biết cách tiêu dùng. Chúng ta mua rất nhiều sản phẩm không thực sự cần, mà cho đến ngày hôm qua chúng ta vẫn không biết là chúng có tồn tại. Các nhà sản xuất cố tình thiết kế mặt hàng có thời hạn sử dụng ngắn, cũng như phát minh ra các mẫu mã mới không cần thiết của các sản phẩm hoàn toàn vừa ý mà chúng ta phải mua cho “hợp thời”. Mua sắm đã trở thành một trò tiêu khiển yêu thích, và hàng tiêu dùng đã trở thành trung gian cần thiết trong mối quan hệ giữa các thành viên gia đình, vợ, chồng và bạn bè. Ngày lễ tôn giáo như Giáng sinh đã trở thành lễ hội mua sắm. Ở Mỹ, thậm chí Ngày tưởng niệm (Memorial Day) – ban đầu là một ngày trọng đại để ghi nhớ những người lính ngã xuống – bây giờ là dịp để giảm giá đặc biệt. Hầu hết mọi người đánh dấu ngày này bằng cách mua sắm, có lẽ để chứng tỏ rằng những người bảo vệ tự do đã không chết một cách vô ích.
Sự nở rộ của đạo đức tiêu dùng được thể hiện rõ nhất trên thị trường thực phẩm. Các xã hội nông nghiệp truyền thống sống trong cái bóng khủng khiếp của nạn đói. Trong thế giới giàu có ngày nay, một trong những vấn đề sức khỏe hàng đầu là bệnh béo phì, nó tác động đến người nghèo (những người toàn nhồi bánh hamburger và pizza) thậm chí còn nghiêm trọng hơn so với người giàu (những người ăn xà lách hữu cơ và sinh tố trái cây). Mỗi năm dân số Mỹ chi tiền vào chế độ ăn kiêng nhiều hơn số tiền cần thiết để nuôi sống tất cả những người đói khát ở phần còn lại của thế giới. Béo phì là một chiến thắng kép của chủ nghĩa tiêu thụ. Thay vì ăn ít, sẽ dẫn đến suy giảm kinh tế, người ta ăn quá nhiều và sau đó mua các sản phẩm ăn kiêng – đóng góp gấp đôi vào tăng trưởng kinh tế.
Làm thế nào chúng ta có thể dung hòa đạo đức tiêu dùng với đạo đức kinh doanh, theo đó lợi nhuận không nên lãng phí, và thay vào đó nên được tái đầu tư vào sản xuất? Rất đơn giản, giống như ở thời đại trước, ngày nay vẫn tồn tại một sự phân công lao động giữa giới thương lưu và người bình dân. Vào thời trung cổ ở châu Âu, giới quý tộc vung tiền một cách không cân nhắc vào những thứ xa xỉ quá mức, trong khi nông dân sống đạm bạc, để tâm đến từng xu. Giờ đây, hoàn cảnh đã đổi khác. Người giàu luôn chú trọng quản lý tài sản và các khoản đầu tư của họ, trong khi người nghèo thì đâm đầu vào nợ nần để mua xe hơi và tivi là những thứ họ không thực sự cần.
Đạo đức tư bản và chủ nghĩa tiêu dùng là hai mặt của cùng một đồng tiền, một sự hợp nhất của hai điều răn. Điều răn tối thượng của những người giàu có là “Đầu tư!” Điều răn tối thượng của phần còn lại là “Mua!”
Đạo đức tư bản-tiêu dùng có tính chất cách mạng theo một nghĩa khác. Hầu hết các hệ thống đạo đức trước đây đã đặt con người vào một bản thỏa thuận khó khăn. Họ đã được hứa hẹn về một thiên đường, nhưng chỉ khi họ vun trồng sự nhân ái và khoan dung, vượt qua sân si và thù hận, cũng như hạn chế sự ích kỷ của họ. Đây là điều quá khó khăn cho hầu hết mọi người. Lịch sử của đạo đức là một câu chuyện buồn của những lý tưởng tuyệt vời mà không ai có thể chạm đến. Hầu hết các tín đồ Ki-tô đã không bắt chước Chúa Jesus, hầu hết các Phật tử không thể sống như Phật, và hầu hết các nho sĩ đều khiến cho Khổng Tử phải nổi giận.
Ngược lại, hầu hết mọi người thời nay sống thành công dựa trên lý tưởng của chủ nghĩa tư bản tiêu dùng. Nền đạo đức mới hứa hẹn chốn thiên đường với điều kiện là người giàu vẫn tham lam và dành thời gian của họ làm ra nhiều tiền, và số đông quần chúng vẫn hoàn toàn tự do với những khát khao và đam mê của họ – mua nhiều và nhiều hơn nữa. Đây là tôn giáo đầu tiên trong lịch sử mà các tín đồ của nó thực sự làm được những gì họ được yêu cầu làm. Dẫu vậy, làm sao chúng ta biết được mình có thực sự được lên thiên đường hay không? Chúng ta chỉ trông thấy nó trên truyền hình.