Sapiens: Lược Sử Loài Người

MÙI TIỀN

MÙI TIỀN

Năm 1519, Hernán Cortés và các tướng lĩnh của ông đã xâm lược Mexico, nơi mà đến lúc đó vẫn còn là một thế giới loài người cô lập. Người Aztec – cái tên mà những người sống ở đó tự đặt cho mình – nhanh chóng nhận ra rằng những tộc người xa lạ kia có sự quan tâm khác thường đối với một thứ kim loại màu vàng. Trên thực tế, họ dường như không bao giờ ngừng nói về chúng. Người bản xứ không xa lạ gì với vàng – trông khá đẹp lại rất dễ chế tác, vì vậy họ dùng vàng để làm đồ trang sức, đúc tượng, và đối khi sử dụng bụi vàng làm phương tiện để trao đổi. Nhưng khi một người Aztec muốn mua thứ gì đó, anh ta thường sẽ trả bằng những hạt ca cao hoặc những súc vải. Vì thế, nỗi ám ảnh của người Tây Ban Nha đối với vàng là điều gì đó có vẻ rất khó cắt nghĩa đối với họ. Có gì quan trọng đến thế ở một thứ kim loại không thể ăn được, không thể uống được hoặc không dùng để dệt được, và lại cũng quá mềm để dùng làm dụng cụ lao động hay vũ khí? Khi một người bản xứ hỏi Cortés tại sao người Tây Ban Nha lại dam mê vàng đến vậy, vị tướng trả lời, “Vì tôi và những người đồng hành của mình đang bị giày vò bởi một căn bệnh ở tim, mà chỉ vàng mới chữa được”.

Trong thế giới Á-Phi, nguồn cội của những người Tây Ban Nha, nỗi ám ảnh với vàng lan truyền như bệnh dịch. Thậm chí những kẻ thù truyền kiếp nhất cũng thèm khát thứ kim loại màu vàng vô dụng kia. Ba thế kỷ trước khi xâm lược Mexico, tổ tiên của Cortés và quân đội của ông đã tiến hành một cuộc chiến tranh tôn giáo đẫm máu chống lại các vương quốc Hồi giáo ở Iberia và Bắc Phi. Những tín đồ tàn sát lẫn nhau, con số giết chóc lên đến vài ngàn, ruộng đồng và vườn cây ăn quả bị tàn phá, các thành phố thịnh vượng bị biến thành những đống tàn tro tàn âm ỉ cháy – tất cả chỉ vì phe này vinh hiển Đấng tối cao của mình hơn phe kia và ngược lại.

Khi những người theo đạo dần dần nắm thế thượng phong, họ đánh dấu chiến thắng của mình không chỉ bằng việc phá hủy các nhà thờ này và xây dựng các nhà thờ kia, mà còn phát hành những đồng tiền bằng bạc và vàng mới có khắc dấu thánh giá và tạ ơn Thiên Chúa vì đã giúp đỡ họ trong cuộc chiến chống những kẻ ngoại đạo. Tuy thế, bên cạnh sự lưu hành đồng tiền mới, phe chiến thắng cũng đúc một dạng tiền kim loại khác, được gọi là millare, mang theo một thông điệp khác. Những đồng xu hình vuông này được làm ra bởi những kẻ chinh phạt và được trang trí nổi dòng chữ Ả-rập bay bướm: “Không có Đấng tối cao nào ngoài Allah, và Muhammad là sứ giả của Người”. Thậm chí những giám mục Công giáo ở thành Melgueil và Adge cũng cho lưu hành những bản sao rập khuôn những đồng xu Hồi giáo phổ biến, và những tín đồ Ki-tô sợ hãi Thiên Chúa thì vui vẻ sử dụng chúng.

Động thái khoan dung này cũng thịnh hành ở phe đối lập. Những nhà buôn Hồi giáo cũng giao thương bằng việc sử dụng những đồng tiền kim loại của Ki-tô giáo như đồng Aorin của Florence, đồng ducat của Venice và đồng gigliato của Naples. Ngay cả những thủ lĩnh Hồi giáo, vốn kêu gọi các cuộc thánh chiến để chống lại những kẻ ngoại đạo Ki-tô, cũng rất vui mừng nhận những đồng tiền thuế bằng những đồng tiền kim loại hiện thân cho Chúa Jesus và Đức Mẹ Đồng trinh của ngài.

Nó trị giá bao nhiêu?

Bầy người săn bắt hái lượm không có tiền. Mỗi đoàn tự săn bắt, hái lượm và chế tác mọi thứ cần thiết, từ thịt thà cho tới thuốc thang, từ giày dép cho đến phép ma thuật. Thành viên những bầy đàn khác nhau có thể chuyên trách những nhiệm vụ khác nhau, nhưng đều chia sẻ hàng hoá và dịch vụ của mình thông qua một hệ thống kinh tế dựa trên sự chịu ơn và trả ơn. Một miếng thịt được tặng miễn phí có thể hàm chứa giả định về sự có đi có lại sau này – giúp lại về mặt y tế chẳng hạn. Bầy người này độc lập hoàn toàn về mặt kinh tế; chỉ có một số của hiếm không thể tìm thấy ở bản địa – vỏ sò, chất nhuộm màu, đá vỏ chai và những thứ tương tự – mới phải lấy từ những người xa lạ. Việc này thường được thực hiện bằng cách trao đổi hàng hoá đơn giản: “Chúng tôi sẽ đưa anh những chiếc vỏ sò xinh đẹp này, đổi lại anh sẽ đưa cho chúng tôi loại đá lửa chất lượng cao kia”.

Thực trạng này thay đổi rất ít vào thời điểm nổ ra Cách mạng Nông nghiệp. Hầu hết con người vẫn tiếp tục sống trong những cộng đồng nhỏ bé thân mật. Rất giống với bầy người săn bắt hái lượm, mỗi ngôi làng là một đơn vị kinh tế tự cung tự cấp, được duy trì bởi việc chịu ơn và trả ơn lẫn nhau, cộng với sự trao đổi hàng hoá ít ỏi với bên ngoài. Một người làng làm giày rất thành thục, người khác thì giỏi săn sóc sức khỏe, vì vậy dân làng biết được sẽ phải tìm đến đâu khi thiếu giày dép hay khi bị ốm đau. Nhưng quy mô xóm làng nhỏ bé, cộng thêm hệ thống kinh tế bị bó hẹp, vì vậy, không có bác sĩ hay thợ giày làm việc toàn thời gian.

Sự ra đời của các thành phố và vương quốc, cũng như việc cơ sở hạ tầng giao thông yếu kém được cải thiện, đã mang đến những vận hội mới cho công cuộc chuyên môn hoá. Những thành phố mật độ dân cư dày đặc đã cung cấp việc làm toàn thời gian cho không chỉ những thợ đóng giày chuyên nghiệp và các thầy thuốc, mà cả thợ mộc, linh mục, binh lính và luật sư. Những làng nghề nổi danh về rượu, dầu ô-liu và đồ gốm hảo hạng, nhận ra rằng sẽ có lợi nếu tập trung toàn lực vào một sản phẩm và trao đổi nó với các cư dân khác để đổi lấy những thứ hàng hoá mình cần. Điều này rất hợp lý. Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau, vậy cớ sao phải uống thứ rượu vang xoàng xĩnh mình nấu tại nhà, trong khi bạn hoàn toàn có thể uống được rất nhiều loại rượu ngọt ngào hơn từ những nơi mà khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp hơn nhiều với cây nho dùng để sản xuất rượu vang? Nếu như đất sét ở khu vực bạn ở có thể làm ra được các loại nồi niêu ấm chảo cứng cáp, xinh xắn hơn, thì cớ gì bạn lại không trao đổi hàng hoá? Hơn nữa, khi làm việc toàn thời gian, những người chuyên trách làm rượu vang và đồ gốm, chưa kể đến các bác sĩ và luật sư, có thể mài giũa tay nghề để phục vụ cho tất cả mọi người. Nhưng sự chuyên môn hoá cũng làm nảy sinh một vấn để – bạn sẽ quản lý sự trao đổi hàng hoá như thế nào giữa những chuyên gia này?

Một hệ thống kinh tế dựa trên sự chịu ơn và trả ơn sẽ không thể hoạt động khi một lượng lớn những người xa lạ tham gia cùng. Giúp đỡ không công cho người chị gái hay người hàng xóm là một chuyện, còn chăm sóc cho những người lạ, những người có thể không bao giờ đền đáp lại thiện ý đó, lại là một chuyện hoàn khác. Người ta có thể quay lại về với hệ thống trao đổi hàng-đổi-hàng. Nhưng hệ thống này chỉ có hiệu quả khi trao đổi một số giới hạn các sản phẩm. Nó không thể làm thành nền tảng cho một nền kinh tế phức tạp.

Để hình dung được những giới hạn của việc trao đổi hàng hoá, hãy tưởng tượng bạn đang sở hữu một vườn táo trên núi, với những trái táo ngọt ngào và tươi ngon nhất vùng. Bạn làm việc quần quật trong vườn táo của mình đến nỗi mòn cả giày. Bạn bèn tròng dây cho chiếc xe lừa kéo và tiến đến khu chợ của thị trấn ở hạ nguồn sống. Nghe hàng xóm bảo có một người thợ đóng giày ở tận cuối phía nam của khu chợ đã làm cho anh ta một đôi ủng vô cùng chắc chắn, anh ta đã đi được năm mùa mà chưa hỏng. Bạn tìm thấy cửa hàng đóng giày này và đề nghị đổi những quả táo lấy đôi giày mà bạn cần.

Người thợ giày lưỡng lự. Anh ta sẽ lấy bao nhiêu quả táo đây? Mỗi ngày, anh ta gặp gỡ với hàng tá khách hàng, một số vác đến những bao tải táo, số khác mang theo lúa mì, dê hoặc vải vóc – chất lượng rất khác nhau. Thậm chí có người chào hàng tài nghệ của họ trong việc thỉnh cầu lên đức vua hoặc chữa khỏi chứng đau lưng. Lần cuối cùng khi người thợ giày đổi giày lấy táo đã cách đây ba tháng, và khi đó có phải anh ta đã đổi ba bao táo? Hay là bốn nhỉ? Nhưng nhớ lại thì lúc đó giống táo đó là táo chua trồng ở dưới thung lũng, còn lần này là những quả táo trồng trên đồi có chất lượng thượng hạng. Vả lại, lần trước, những quả táo được dùng để đổi lấy một đôi giày nữ nhỏ nhắn, trong khi bạn lại đang muốn một đôi ủng nam. Ngoài ra, mấy tuần gần đây, bệnh dịch đã tàn sát nhiều bầy gia súc quanh thị trấn, và da trở nên khan hiếm. Thợ thuộc da đang đòi gấp đôi số đôi giày đóng hoàn chỉnh để đổi lấy cùng một lượng da thuộc. Có nên tính đến những yếu tố này không?

Trong nền kinh tế hàng-đổi-hàng, mỗi ngày thợ đóng giày và người trồng táo sẽ phải cập nhật giá cả tương đối của hàng tá mặt hàng. Nếu 100 mặt hàng khác nhau được trao đổi trên thị trường, thì người mua và người bán sẽ phải biết 4.950 tỉ giá trao đổi khác nhau. Và nếu 1.000 mặt hàng khác nhau được giao dịch, người mua và người bán phải vật lộn với 499.500 tỉ giá trao đổi khác nhau! Làm thế nào bạn tính được?

Tình hình thậm chí còn tệ hơn. Cho dù bạn xoay xở và tính ra bao nhiêu quả táo tương đương với một đôi giày, thì giao dịch đổi chác này không phải lúc nào cũng khả thi. Vì xét cho cùng, một cuộc giao thương đòi hỏi rằng mỗi bên đều muốn những gì mà bên kia đưa ra để trao đổi. Điều gì sẽ xảy ra nếu người thợ giày không thích táo, và nếu ở thời điểm đó, điều anh ta thực sự muốn là một vụ ly hôn? Đúng là người nông dân có thể kiếm được một luật sư thích táo và đưa ra một thỏa thuận ba bên. Nhưng nếu luật sư có quá nhiều táo rồi và cần cắt tóc thì sao?

Một số xã hội đã tìm cách giải quyết vấn để này bằng cách thiết lập một hệ thống trao đổi hàng hoá trung tâm – hệ thống này thu gom tất cả các sản phẩm của những chuyên gia trồng trọt và sản xuất rồi phân phối hàng hoá đến người có nhu cầu. Cuộc thử nghiệm nổi tiếng nhất và có quy mô lớn nhất được thực hiện tại Liên xô, và nó đã thất bại thảm hại. “Làm theo nâng lực, hưởng theo nhu cầu” trên thực tế đã biến thành “né việc nhiều nhất có thể và hưởng bao nhiêu tùy khả nâng vơ vét”. Những cuộc thử nghiệm quy mô vừa phải và thành công hơn đã được xúc tiến ở nhiều giai đoạn khác, ví dụ ở Đế chế Inca. Tuy nhiên, hầu hết các xã hội đã tìm ra một cách dễ dàng hơn để kết nối nhiều ngành nghề khác nhau – họ phát triển tiền tệ.

Vỏ sò và thuốc lá

Tiền đã được tạo ra nhiều lần ở nhiều nơi. Sự phát triển của nó không đòi hỏi những bước đột phá về công nghệ – mà hoàn toàn chỉ là cuộc cách mạng tinh thần. Nó liên quan đến việc tạo ra một thực tại liên-chủ quan chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng được chia sẻ của con người.

Tiền không chỉ là những đồng kim loại hay những tờ giấy bạc. Tiền là bất cứ thứ gì mà con người sẵn sàng sử dụng để đại diện một cách có hệ thống cho giá trị của những thứ khác nữa, phục vụ cho mục đích trao đổi hàng hoá và dịch vụ. Tiền giúp con người so sánh một cách nhanh nhất và dễ dàng nhất giá trị của những hàng hoá khác nhau (ví dụ như những trái táo, đôi giày và vụ ly hôn), trao đổi một cách dễ dàng thứ này với thứ khác, và tích lũy của cải một cách thuận tiện nhất. Có rất nhiều dạng tiền khác nhau. Dạng quen thuộc nhất là tiền xu, là miếng kim loại đã được định chuẩn và được khắc trên đó. Tuy nhiên, tiền đã tồn tại từ rất lâu trước khi người ta phát minh ra đồng tiền đúc, và các nền văn hoá đã phát triển phồn thịnh bằng việc sử dụng những đơn vị tiền khác, như vỏ sò, gia súc, da động vật, muối, ngũ cốc, các loại hạt cườm, vải vóc và giấy ghi nợ. Vỏ sò đã được sử dụng làm tiền trong khoảng 4.000 năm trên khắp châu Phi, Nam Á, Đông Á và châu Đại Dương. Đến đầu thế kỷ 20, ở Uganda thuộc Anh, thuế vẫn được nộp dưới dạng tiền vỏ ốc.

 

Hình 25. Trong chữ viết cổ đại của người Trung Quốc, dấu hiệu vỏ sò chỉ tiền, trong những từ như “bán” hoặc “thưởng”.

Trong những nhà tù hiện đại và các trại tù binh chiến tranh, thuốc lá thường được sử dụng thay cho tiền. Thậm chí những tù nhân không hút thuốc cũng sẵn sàng nhận thuốc lá thay cho tiền và lấy thuốc lá làm căn cứ để tính toán tất cả các loại hàng hoá và dịch vụ khác. Một người sống sót trong trại tập trung Auschwitz đã mô tả hệ thống tiền tệ bằng thuốc lá như sau: “Chúng tôi có tiền riêng của mình: đó là thuốc lá, và giá trị của nó là điều không ai phải thắc mắc. Giá trị của tất cả mọi thứ đều được quy đổi ra thuốc lá… Vào những thời điểm ‘bình thường’, nghĩa là khi các nạn nhân ‘ứng viên’ của các phòng hơi ngạt được chuyển đến với một nhịp độ đều đặn, một ổ bánh mì trị giá 12 điếu; một gói bơ thực vật 300 gram trị giá 30 điếu, một cái đồng hồ từ 80 đến 200 điếu; và một lít rượu giá 400 điếu!”

Thực tế là, ngay cả những đồng tiền kim loại và giấy bạc ngày nay cũng là một dạng hiếm của tiền. Năm 2006, tổng lượng tiền trên thế giới ước khoảng 473 nghìn tỉ đô-la, nhưng tổng lượng tiền kim loại và giấy bạc chỉ chưa đến 47 nghìn tỉ đô-la. Hơn 90% lượng tiền – hơn 400 nghìn tỉ đô-la trong các tài khoản của chúng ta – chỉ tồn tại trên các máy chủ máy vi tính. Theo đó, hầu hết những giao dịch kinh doanh đều được tiến hành bằng việc chuyển dữ liệu điện tử từ một file máy tính này sang một file máy tính khác, mà không cần bất kỷ sự trao đổi tiền mặt vật lý nào. Ví dụ, chỉ một tên tội phạm mới mua nhà bằng việc trao tay một vali đầy tiền giấy. Chừng nào mà con người sẵn lòng trao đổi giao dịch hàng hoá và dịch vụ bằng dữ liệu điện tử, chừng đó hình thức này sẽ tốt hơn rất nhiều so với những đồng tiền kim loại bóng loáng và những tờ giấy bạc mới cứng – nhẹ hơn, bớt cồng kềnh hơn và dễ theo dõi hơn.

Để cho những hệ thống thương mại phức tạp hoạt động được thì không thể thiếu một số loại tiền nào đó. Trong nền kinh tế tiền tệ, một người thợ đóng giày chỉ cần nhớ giá của những loại giày khác nhau, chứ không cần nhớ tỉ giá trao đổi giữa giày và táo hay giữa giày và dê. Tiền cũng giải thoát cho những người trồng táo khỏi phải lo tìm những thợ giày thích ăn táo, bởi vì tiền là thứ mà ai ai cũng muốn. Đây có thể là giá trị cơ bản nhất của tiền. Ai cũng thích tiền vì những người khác cũng đều thích tiền, điều đó có nghĩa là bạn có thể trao đổi tiền để lấy bất cứ thứ gì bạn cần hoặc muốn. Người thợ giày sẽ luôn sung sướng khi nhận tiền của bạn, bởi vì cho dù anh ta thực sự cần cái gì – quả táo, con dê hay cuộc ly hôn – anh ta đều có thể dùng tiền để mua được chúng.

Vì vậy, tiền là một phương tiện trao đổi phổ quát, giúp con người có thể quy đổi hầu như mọi thứ này sang mọi thứ khác. Những bắp thịt được chuyển thành trí tuệ, khi người lính giải ngũ lấy trợ cấp quân đội của mình đầu tư cho việc học đại học. Đất đai cũng sẽ biến thành lòng trung thành, khi một nam tước bán tài sản của mình để giúp đỡ những lão bộc của mình. Sức khỏe cũng sẽ biến thành công lý, khi một bác sĩ điều trị sử dụng tiền thù lao của mình để thuê một luật sư – hoặc mua chuộc một thẩm phán. Và thậm chí nó còn có thể biến tình dục thành sự cứu rỗi linh hồn, như những cô gái điếm ở thế kỷ 15 đã làm khi ngủ với đàn ông để lấy tiền rồi sau đó dùng tiền đó để mua lấy sự xá tội.

Các loại tiền lý tưởng không chỉ giúp con người trao đổi giữa các hiện vật, mà còn có thể để dành dụm như của cải nữa. Rất nhiều thứ quý báu không thể dự trữ được, chẳng hạn như thời gian và nhan sắc. Một số thứ thì có thể dự trữ trong một thời gian ngắn, như dâu tây chẳng hạn. Những thứ khác có thể dự trữ dài hơn, nhưng tốn nhiều không gian và đòi hỏi cơ sở vật chất và sự chăm sóc rất tốn kém. Ví dụ, ngũ cốc có thể dự trữ trong nhiều năm, nhưng để làm được điều đó, bạn cần phải xây những kho chứa khổng lồ và canh phòng chuột bọ, nấm mốc, nước, hỏa hoạn và cả trộm cắp nữa. Tiền, bất kể là dưới dạng giấy hay bit máy tính hay vỏ ốc, giải quyết được những vấn đề này. Tiền vỏ ốc không bị mục nát, cũng không ngon lành gì đối với loài chuột, lại có thể chống được lửa và đủ nhỏ gọn để khoá kín trong một tủ đựng an toàn.

Để sử dụng được tài sản của mình thì dự trữ nó là chưa đủ. Người ta thường cần vận chuyển nó từ nơi này sang nơi khác. Một số dạng của cải, chẳng hạn như bất động sản, không thể vận chuyển được. Những mặt hàng khác như lúa mì và gạo có thể vận chuyển được nhưng rất khó khăn. Hãy tưởng tượng một nông dân giàu có sống ở vùng đất không dùng tiền, muốn di cư đến một tỉnh xa xôi khác. Tài sản của ông ta chủ yếu là ngôi nhà và cánh đồng lúa. Người nông dân không thể mang ngôi nhà và cánh đồng lúa đi theo được. Ông ta có thể đổi chúng lấy hàng tấn lúa, nhưng sẽ rất phiền toái và đắt đỏ khi vận chuyển số lúa đó theo. Tiền sẽ giải quyết tất tật những vấn đề này. Người nông dân có thể bán tài sản của mình để đổi lấy một bao tải tiền vỏ ốc và dễ dàng mang nó theo đến bất kỳ nơi nào ông ta muốn.

Vì tiền có thể chuyển đổi, tích trữ và vận chuyển tài sản một cách dễ dàng với chi phí thấp, nó đã góp một phần quan trọng cho sự xuất hiện của những mạng lưới thương mại phức tạp và những thị trường năng động. Nếu như không có tiền, các mạng lưới thương mại và các thị trường hẳn sẽ chịu số phận bị bó hẹp về quy mô, sự phức tạp và tính năng động của chúng.

Tiền đã hoạt động như thế nào?

Giá trị của tiền vỏ ốc và đồng đô-la chỉ nằm trong trí tưởng tượng thông thường của chúng ta. Giá trị của chúng không nằm trong cấu trúc hoá học của những cái vỏ ốc và tờ giấy, hay màu sắc và hình dáng của chúng. Hay nói cách khác, tiền không phải là một thực tại vật chất – nó là một khái niệm tâm lý. Nó hoạt động bằng cách biến đổi từ vật chất thành tinh thần. Nhưng tại sao nó lại thành công? Tại sao bất kỳ ai cũng sẵn sàng đổi những cánh đồng lúa màu mỡ để lấy một nhúm tiền vỏ ốc vô dụng? Tại sao bạn sẵn lòng lật bánh hamburger, bán bảo hiểm sức khỏe hay trông coi ba đứa trẻ ngỗ ngược đáng ghét, khi mà tất cả sự cố gắng của bạn chỉ đổi lại được một vài tờ giấy màu sắc sặc sỡ?

Con người sẵn sàng làm những việc như vậy khi họ tin tưởng vào những điều tưởng tượng của trí tưởng tượng tập thể của họ. Lòng tin là một dạng vật chất thô, mà từ đó tất cả các loại tiền được đúc ra. Khi một nông dân giàu có bán tài sản của mình để đổi lấy một bao tải tiền vỏ ốc và mang chúng theo đến vùng đất khác, ông ta tin tưởng rằng, khi tới đích của mình, những người khác sẽ sẵn sàng bán cho ông ta thóc gạo, nhà cửa và những cánh đồng để đổi lấy những đồng tiền vỏ ốc. Như vậy, tiền là một hệ thống của sự tin cậy lẫn nhau, và không chỉ có vậy: tiền là một hệ thống phổ quát nhất và hiệu quả nhất của sự tin cậy lẫn nhau từng được phát minh ra.

Sự tin tưởng này đã được sinh ra bởi một mạng lưới vô cùng phức tạp và dài hạn của các mối quan hệ chính trị, xã hội và kinh tế. Tại sao tôi lại tin vào tiền vỏ ốc hoặc đồng tiền vàng hoặc đồng đô-la? Bởi vì những người hàng xóm của tôi cũng tin vào chúng. Những người hàng xóm của tôi tin vào chúng là do tôi cũng tin vào chúng. Chúng ta tin vào chúng bởi vì đức vua của chúng ta tin vào chúng và đòi thu chúng dưới dạng thuế, và bởi vì vị linh mục của chúng ta tin vào chúng và đòi thu chúng dưới dạng thuế thập phân.* Hãy cầm tờ đô-la lên và xem xét thật kĩ. Bạn sẽ thấy nó chỉ là mẩu giấy đầy màu sắc với chữ ký của Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ ở một mặt và khẩu hiệu “Chúng ta tin vào Chúa” ở mặt còn lại. Chúng ta chấp nhận việc dùng đô-la làm thanh toán, vì chúng ta tin vào Chúa và vào Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ. Vai trò chủ yếu của sự tin tưởng lý giải tại sao những hệ thống tài chính của chúng ta lại ràng buộc chặt chẽ đến vậy với các hệ thống chính trị, xã hội và ý thức hệ, tại sao những cuộc khủng hoảng tài chính lại thường bị châm ngòi bởi những diễn biến chính trị, và tại sao thị trường chứng khoán có thể lên hoặc xuống phụ thuộc vào việc những người giao dịch chứng khoán cảm thấy ra sao vào một buổi sớm mai nào đó.

Ban đầu, khi phiên bản đầu tiên của tiền được tạo ra, con người không có được loại niềm tin này, vì vậy cần phải xác định tất cả những thứ có giá trị thực chất bên trong là “tiền”. Một ví dụ rất hay là loại tiền đầu tiên trong lịch sử, tiền lúa mạch của người Sumer. Nó ra đời ở Sumer khoảng năm 3000 TCN, cùng thời gian, địa điểm và trong cùng một hoàn cảnh với sự xuất hiện của chữ viết. Giống như chữ viết phát triển để đáp ứng những nhu cầu tăng cường các hoạt động hành chính, tiền lúa mạch phát triển để đáp ứng những nhu cầu tăng cường các hoạt động kinh tế.

Tiền lúa mạch đơn giản chỉ là lúa mạch – lượng lúa mạch cố định được dùng làm thước đo phổ quát cho việc đánh giá và trao đổi tất cả các loại hàng hoá và dịch vụ. Đơn vị đo lường phổ biến nhất là sila, tương đương với xấp xỉ 1 lít. Những cái bát định chuẩn, thể tích 1 sila, được sản xuất đại trà để bất cứ khi nào con người cần mua hoặc bán thứ gì đó, họ sẽ dễ dàng đong ra lượng lúa mạch cần thiết. Tiền lương cũng vậy, được ấn định và trả bằng những sila lúa mạch. Một lao động nam có thể kiếm được 60 sila mỗi tháng, một lao động nữ có thể kiếm được 30 sila. Một đốc công có thể kiếm được từ 1.200 đến 5.000 sila. Một đốc công ăn nhiều nhất cũng không thể tiêu thụ được hết 5.000 lít lúa mạch một tháng, nhưng ông ta có thể dùng những sila không ăn hết để mua tất cả các loại hàng hoá khác – dầu, dê, nô lệ và lương thực nào đó ngoài lúa mạch.

Cho dù lúa mạch có giá trị nội tại, song cũng không dễ thuyết phục mọi người dùng nó như tiên chứ không phải chỉ là một loại hàng hoá khác. Để có thể hiểu được tại sao, hãy nghĩ đến những gì sẽ xảy ra nếu bạn mang một bao tải đầy lúa mạch đến trung tâm mua sắm khu vực mình, và tìm cách mua một cái áo sơ mi hoặc một chiếc pizza. Những người bán hàng có thể sẽ gọi bảo vệ. Nhưng làm cho người ta tin vào lúa mạch như là một dạng tiền đầu tiên vẫn còn có phần dễ hơn, bởi vì lúa mạch có một giá trị sinh học cố hữu. Con người có thể ăn nó. Nhưng mặt khác, rất khó tích trữ và vận chuyển tiền lúa mạch. Bước đột phá thực sự trong lịch sử tiền tệ xuất hiện khi con người đặt niềm tin vào loại tiền không có giá trị cố hữu, nhưng dễ tích trữ và vận chuyển hơn. Loại tiền như vậy xuất hiện ở vùng Lưỡng Hà cổ đại vào giữa thiên niên kỷ 3 TCN. Nó là đồng shekel bạc.

Một shekel bạc không giống như đồng tiền kim loại, mà đúng hơn là 8,33 gram bạc. Khi Bộ luật Hammurabi tuyên cáo một người ưu tú nếu giết một nữ nô thì phải trả cho người chủ của cô ta 20 shekel bạc, có nghĩa là ông ta phải trả 166 gram bạc, chứ không phải là 20 đồng tiền kim loại. Hầu hết các thuật ngữ tiền tệ trong Cựu Ước là nói về bạc chứ không phải nói về đồng tiền kim loại. Những người anh em của Joseph bán đứng ông cho những người Ishmael với giá 20 shekel bạc, hay 166 gram bạc (bằng giá của một nữ nô, vì ông cũng chỉ là một thanh niên mà thôi).

Không giống như sila lúa mạch, shekel bạc không có giá trị cố hữu. Bạn không thể ăn bạc, uống bạc hay mặc bạc lên người, vả lại nó cũng quá mềm nên không làm ra được những dụng cụ hữu ích – những lưỡi cày hay những thanh gươm bằng bạc sẽ nhăn nhúm giống như làm từ những lá nhôm vậy. Nếu được chế tác thành cái gì đó, thì vàng và bạc thường được dùng để tạo tác thành đồ trang sức, vương miện và các biểu tượng về địa vị xã hội khác – những mặt hàng xa xỉ mà các thành viên của một nền văn hoá nhất định đánh đồng với địa vị xã hội cao. Giá trị của nó thuần túy mang tính văn hoá.

Kim loại quý với một trọng lượng được ấn định cuối cùng cũng dẫn tới sự ra đời của tiền kim loại. Tiền kim loại đầu tiên trong lịch sử được Vua Alyattes của Lydia, phía tây xứ Anatolia, đúc năm 640 TCN. Những đồng kim loại này chứa hàm lượng vàng, bạc được ấn định, và được khắc nhận dạng. Dấu khắc này biểu thị hai điều. Thứ nhất, nó cho biết hàm lượng kim loại quý chứa trong đồng tiền. Thứ hai, nó xác định cơ quan chức trách nào phát hành ra đồng tiền cũng như đảm bảo giá trị của chúng. Hầu hết tất cả các đồng tiền kim loại được sử dụng ngày nay đều là hậu duệ của những đồng kim loại tại Lydia.

Đồng tiền kim loại có hai lợi ích quan trọng so với những thỏi kim loại không khắc. Thứ nhất, khi tiến hành giao dịch, người ta phải cân lên những thỏi kim loại này. Thứ hai, chỉ cân thôi cũng chưa đủ. Làm thế nào để người thợ giày biết được thỏi bạc tôi trả công cho ông ta để lấy đôi giày của mình đúng là được làm bằng bạc nguyên chất chứ không phải làm bằng chì mạ một lớp bạc mỏng bên ngoài? Tiền kim loại sẽ giải quyết những vấn đề này. Dấu khắc trên chúng sẽ chứng minh được giá trị chính xác của chúng, vì vậy người thợ giày không phải đặt cái cân lên quầy tính tiền của mình. Quan trọng hơn, dấu khắc trên đồng xu là dấu hiệu của một số quyền lực chính trị đảm bảo cho giá trị của nó.

 

Hình 26. Một trong nhưng đồng tiền kim loại cổ nhất trong lịch sử là của Lydia vào thế kỷ 7 TCN.

Xuyên suốt lịch sử, hình dạng và kích thước của những dấu khắc có sự khác biệt rất lớn, nhưng thông điệp thì vẫn luôn như vậy: “Ta, Đức Vua vĩ đại như thế… như thế… lấy danh nghĩa cam kết rằng đồng kim loại này chứa chính xác 5 gram vàng. Nếu ai đó dám làm giả đồng kim loại này, có nghĩa là kẻ đó đang mạo danh ta, đây là một sự sỉ nhục cho danh tiếng của ta. Ta sẽ trừng phạt tội đó bằng hình phạt khắc nghiệt nhất”. Đó là nguyên nhân tại sao việc làm giả tiền luôn được xem như một tội trạng nghiêm trọng hơn so với các hành động lường gạt khác. Làm tiền giả không chỉ là lừa dối, nó là sự xâm phạm quyền lực tối cao, một hành động lật đổ quyền lực, đặc quyền và danh dự của nhà vua. Luật gọi đó là tội phạm thượng (khi quân), và thường sẽ bị trừng phạt bằng tra tấn và tử hình. Chừng nào dân chúng còn tin vào quyền lực và sự chính trực của nhà vua, là họ còn tin vào đồng tiền kim loại của ngài. Những người hoàn toàn xa lạ có thể dễ dàng tin vào giá trị của một đồng denarius La Mã, bởi vì họ tin vào quyền lực và sự chính trực của Hoàng đế La Mã, người mà danh tính và chân dung được điêu khắc trên đó.

Ngược lại, uy quyền của Hoàng đế dựa trên những đồng denarius. Thử nghĩ xem sẽ khó khăn dường nào khi phải duy trì Đế chế La Mã nếu không có tiền kim loại – nếu Hoàng đế phải thu thuế và trả lương bằng lúa mì và lúa mạch. Ông ta sẽ không thể tiến hành thu thuế lúa mạch ở Syria, vận chuyển chỗ đó về ngân khố trung tâm tại Rome, rồi lại vận chuyển chúng đến Anh để trả lương cho những quân đoàn La Mã ở đó. Cũng sẽ rất khó duy trì Đế chế La Mã nếu cư dân Rome tin tưởng vào đồng tiền vàng, nhưng cư dân Gaul, Hy Lạp, Ai Cập và Syria lại bác bỏ niềm tin ấy, thay vào đó, họ tin tưởng vào những đồng tiền vỏ ốc, những chuỗi hạt ngà voi hay những súc vải.

Phúc âm của vàng

Uy tín của đồng tiền kim loại ở Rome mạnh mẽ đến mức thậm chí ở bên ngoài biên giới của Đế chế, người dân cũng rất vui khi được trả bằng những đồng denarius. Vào thế kỷ 1, những đồng tiền La Mã được chấp nhận làm phương tiện trao đổi tại các khu chợ ở Ấn Độ, mặc dù quân đoàn La Mã gần nhất cũng cách đó hàng ngàn cây số. Người Ấn Độ có sự tin tưởng mạnh mẽ vào đồng denarius và hình tượng của Hoàng đế La Mã tới mức khi giới cai trị ở bản địa cho đúc những đồng tiền kim loại riêng, họ bắt chước y hệt đồng denarius, thậm chí cả chân dung của Hoàng đế La Mã! “Denarius” trở thành danh từ chung để chỉ tiền kim loại. Những khalip Hồi giáo đã Ả-rập hoá cái tên này và phát hành đồng “dinar”. Cho đến nay, dinar vẫn là tiền tệ chính thức tại Jordan, Serbia, Macedonia, Tunisia và một vài quốc gia khác.

Khi kiểu tiền đúc mang phong cách Lydia đang lan từ Địa Trung Hải đến vùng biển Ấn Độ Dương, Trung Hoa cũng phát triển một hệ thống tiền tệ hơi khác một chút, dựa trên những đồng xu bằng đồng và những thỏi vàng, thỏi bạc không khắc. Tuy thế, hai hệ thống tiền tệ này cũng có nhiều điểm giống nhau (đặc biệt là sự phụ thuộc vào vàng và bạc) tới mức những quan hệ tiền tệ và thương mại đã được hình thành giữa khu vực Trung Hoa và khu vực Lydia. Nhà buôn và những kẻ chinh phạt người châu Âu và Hồi giáo dần truyền bá hệ thống Lydia và phúc âm của vàng đến những xó xỉnh xa xôi nhất trên Trái đất. Vào cuối kỷ nguyên hiện đại, toàn thế giới là một khu vực tiền tệ duy nhất, trước hết dựa vào vàng và bạc, sau đó dựa vào một vài tiền tệ được tin tưởng như đồng bảng Anh và đồng đô-la Mỹ.

Sự xuất hiện của một khu vực tiền tệ xuyên quốc gia và xuyên văn hoá duy nhất đã đặt nền móng cho sự thống nhất của lục địa Á-Phi, và cuối cùng là toàn cầu, thành một khối chính trị và kinh tế duy nhất. Con người vẫn nói những ngôn ngữ bất đồng với nhau, tuân theo những quy tắc khác nhau và thờ phụng những vị Chúa riêng của mình, nhưng tất cả đều tin tưởng vào vàng bạc và tiền bằng vàng và bạc. Nếu như không có niềm tin chung này, thì các mạng lưới giao thương toàn cầu sẽ gần như không thể hoạt động được. Vàng bạc mà những nhà chinh phục thế kỷ 16 tìm thấy ở châu Mỹ đã tạo điều kiện cho các nhà buôn châu Âu có thể mua lụa, đồ sành sứ và gia vị tại Đông Á, nhờ đó giúp chuyển động những bánh xe phát triển kinh tế tại cả châu Âu và Đông Á. Vàng bạc được khai thác ở Mexico và vùng Andes đã vuột khỏi tay của người châu Âu để tìm đến mái nhà chào đón nó, trong những chiếc ví của các nhà sản xuất tơ lụa và đồ sứ Trung Hoa. Điều gì sẽ xảy ra với nền kinh tế toàn cầu, nếu như người Trung Quốc không phải chịu “cản bệnh của trái tim” đã hành hạ Cortés và những người đồng hành của ông – và từ chối chấp nhận trả bằng vàng và bạc?

Và còn nữa, tại sao người Trung Hoa, Ấn Độ, Hồi giáo và Tây Ban Nha thuộc những nền văn hoá rất khác nhau, đã thất bại trong việc thỏa thuận về nhiều thứ – lại cùng chia sẻ niềm tin vào vàng? Tại sao không xảy ra chuyện người Tây Ban Nha tin vào vàng, trong khi người Hồi giáo tin vào lúa mạch, người Ấn Độ tin vào những đồng tiền vỏ ốc, và người Trung Hoa tin vào những súc lụa? Các nhà kinh tế học đã có sẵn câu trả lời. Một khi thương mại liên kết hai khu vực, những lực cung và cầu sẽ có xu hướng cân bằng giá cả của những loại hàng hoá có thể vận chuyển được. Để hiểu được tại sao, hãy xem xét một tình huống giả định. Giả sử rằng, khi giao thương thường xuyên được mở ra giữa Ấn Độ và Địa Trung Hải, người Ấn Độ không quan tâm đến vàng, và vì vậy vàng gần như không có giá trị. Nhưng ở Địa Trung Hải, vàng là một biểu tượng của địa vị xã hội cao được thèm muốn, vì vậy giá trị của nó rất lớn. Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Những nhà buôn qua lại giữa Ấn Độ và vùng Địa Trung Hải sẽ nhận ra sự chênh lệch trong giá trị của vàng ở hai nơi này. Để thu lợi, họ sẽ mua vàng với giá rẻ mạt ở Ấn Độ và bán nó với giá cắt cổ ở Địa Trung Hải. Kết quả là, nhu cầu về vàng ở Ấn Độ sẽ tâng vùn vụt, cũng như giá trị của nó. Cùng lúc đó, Địa Trung Hải trải qua cơn lốc vàng tràn vào xứ này, kết quả là giá vàng sẽ bị giảm xuống. Trong một thời gian ngắn, giá vàng ở Ấn Độ và Địa Trung Hải sẽ khá tương đương nhau. Chỉ cần người Địa Trung Hải tin vào vàng cũng đủ để người Ấn Độ bắt đầu tin vào nó. Thậm chí nếu người Ấn Độ vẫn không sử dụng vàng trong thực tế, thì việc người Địa Trung Hải muốn vàng cũng đủ để người Ấn Độ coi trọng nó.

Tương tự, nếu một người khác tin tưởng vào tiền vỏ ốc hay đồng đô-la hay dữ liệu điện tử, thì cũng đủ để củng cố niềm tin của chúng ta đối với chúng, kể cả người đó có bị chúng ta căm ghét, coi thường hay nhạo báng. Những người không thể đồng thuận về tín ngưỡng, vẫn có thể đồng thuận về tiền, bởi trong khi tôn giáo đòi hỏi chúng ta phải tin vào thứ gì đó, thì tiền lại đòi hỏi chúng ta phải tin rằng những người khác tin vào thứ gì đó.

Trong hàng ngàn năm, các triết gia, nhà tư tưởng và nhà tiên tri đã bôi nhọ đồng tiền và gọi nó là cội rễ của mọi điều xấu xa. Dù thế nào đi nữa, tiền vẫn là đỉnh cao của lòng khoan dung của loài người. Tiền có cái nhìn cởi mở hơn so với ngôn ngữ, luật pháp quốc gia, mật mã văn hoá, tín ngưỡng và các thói quen xã hội. Tiền là hệ thống niềm tin duy nhất được con người tạo ra, có thể là cầu nối cho hầu hết các khoảng cách về văn hoá, và nó không phân biệt đối xử dựa trên nền tảng tôn giáo, giới tính, chủng tộc, tuổi tác hay khuynh hướng tình dục. Nhờ có tiền, những người không biết nhau và không tin tưởng vào nhau vẫn có thể hợp tác hiệu quả.

Cái giá của tiền

Tiền được dựa trên hai nguyên tắc phổ biến sau:

a. Sự hoán đổi rộng rãi: với tiền trong vai trò một nhà giả kim, bạn có thể biến đất đai thành lòng trung thành, công lý thành sức khỏe, và bạo lực thành kiến thức.

b. Sự tin tưởng rộng rãi: với tiền trong vai trò một người trung gian, bất kỳ hai người nào cũng có thể hợp tác trong bất cứ dự án nào.

Những nguyên tắc này đã làm cho hàng triệu người xa lạ có thể hợp tác hiệu quả trong buôn bán và sản xuất công nghiệp. Nhưng những nguyên tắc có vẻ ôn hòa này cũng có những mặt khuất của chúng. Khi mọi thứ đều có thể hoán đổi được, và khi niềm tin dựa vào những đồng tiền kim loại và tiền vỏ ốc vô danh, nó sẽ bào mòn những truyền thống địa phương, những mối quan hệ thân tình và giá trị con người, thay vào đó là những định luật lạnh lùng của cung và cầu.

Các cộng đồng và gia tộc loài người đã luôn được dựa trên niềm tin vào những thứ “vô giá” như danh dự, lòng trung thành, đạo đức và tình yêu. Những thứ này nằm bên ngoài phạm vi của thị trường và chúng không nên bị mang ra mua bán lấy tiền. Ngay cả nếu thị trường có chào ta một mức giá tốt, thì có một số điều ta cũng không nên làm. Cha mẹ không được bán con cái làm nô lệ; một tín đồ mộ đạo không được mắc tội trọng; một hiệp sĩ trung thành không được phản bội lãnh chúa của mình; và đất đai do tổ tiên để lại không được bán cho người ngoài.

Tiền luôn cố gắng để vượt qua được những ranh giới này, giống như nước rỉ qua những vết nứt của một con đập ngăn nước. Cha mẹ buộc phải bán vài đứa con đi làm nô lệ để lấy tiền mua thức ăn cho những đứa con khác. Những tín đồ mộ đạo đã giết người, ăn cắp và gian dối – và sau đó dùng chiến lợi phẩm của mình để mua lấy sự tha thứ của nhà thờ. Những hiệp sĩ đầy tham vọng bán đấu giá lòng trung thành của họ cho ai trả giá cao nhất, và mua lòng trung thành của những người đi theo mình bằng tiền mặt. Những mảnh đất của tổ tiên để lại được bán cho những người xa lạ từ bên kia địa cầu để mua lấy một tấm vé hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu.

Tiền thậm chí còn có mặt khuất hơn nữa. Mặc dù tiền xây dựng nên sự tin tưởng chung giữa những người xa lạ, nhưng sự tin tưởng này không được đặt vào con người, cộng đồng hay những giá trị thiêng liêng, mà vào chính bản thân tiền và những hệ thống vô cảm đứng sau nó. Chúng ta không tin tưởng vào người lạ cũng như tay hàng xóm sát vách, mà tin vào những đồng tiền họ đang nắm giữ. Nếu họ hết tiền, chúng ta cũng hết tin ở họ. Khi tiền làm sụp đổ những con đê bảo vệ của cộng đồng, tôn giáo và quốc gia, thế giới có nguy cơ trở thành một thị trường khổng lồ và vô cảm.

Vì vậy, lịch sử kinh tế của loài người là một vũ điệu tinh tế. Con người dựa vào tiền bạc để thúc đẩy việc hợp tác với những người xa lạ, nhưng họ lại e sợ nó sẽ phá hủy các giá trị nhân văn và các mối quan hệ thân tình. Với một tay, con người sẵn lòng phá hủy những con đập bảo vệ chung của cộng đồng, vốn đã kiểm chế quá lâu dòng luân chuyển của đồng tiền và sự buôn bán thương mại. Nhưng với tay còn lại, con người lại xây nên những cái đập ngăn mới để bảo vệ xã hội, tôn giáo và môi trường khỏi sự nô dịch hoá của các lực thị trường.

Ngày nay, chúng ta thường tin rằng thị trường luôn thắng thế, và những con đập được các vị vua, linh mục và cộng đồng dựng nên cũng không thể kìm giữ được những cơn thủy triều của đồng tiền. Điều này thật thơ ngây. Những chiến binh tàn bạo, những kẻ cuồng tín tôn giáo, và những cư dân có trách nhiệm đã thử xoay xở nhiều lần nhằm đánh bại các nhà buôn đầy toan tính, và thậm chí toan tính nhào nặn lại nền kinh tế. Vì vậy, sẽ là bất khả thi nếu hiểu sự thống nhất của loài người như một quá trình kinh tế thuần túy. Để có thể hiểu được làm cách nào hàng ngàn nền văn hoá bị cô lập đã hợp nhất được theo thời gian, hình thành nên ngôi làng toàn cầu ngày nay, chúng ta phải xem xét vai trò của vàng và bạc, nhưng chúng ta không thể phớt lờ vai trò không kém phần quan trọng của sắt thép.