CÂY TRI THỨC
Trong chương trước, chúng ta đã thấy rằng mặc dù Sapiens đã định cư tại Đông Phi khoảng 150.000 năm trước, họ tiếp tục xâm chiếm phần còn lại của Trái đất và đẩy những loài người khác đến tuyệt chủng chỉ cách đây khoảng 70.000 năm. Trong hàng ngàn năm đó, mặc dù Sapiens cổ đại trông giống chúng ta với bộ não có kích thước như loài người hiện nay, nhưng họ đã không sở hữu bất kỳ lợi thế đáng kể nào so với các loài người khác, không tạo ra các công cụ đặc biệt phức tạp, và cũng không ghi dấu bất kỳ chiến công đáng kể nào.
Trên thực tế, trong cuộc đụng độ đầu tiên được ghi nhận giữa Sapiens và Neanderthal, Neanderthal đã thắng. Khoảng 100.000 năm trước đây, một số nhóm Sapiens di cư về phía bắc tới Levant, lãnh thổ của Neanderthal, nhưng đã thất bại trong việc giành quyền đứng chân vững chắc. Có thể là do môi trường bản địa khó chịu, khí hậu khắc nghiệt, hoặc những loài ký sinh trùng địa phương xa lạ. Dù gì đi nữa, Sapiens cuối cùng rút lui, để lại Neanderthal thống trị Trung Đông.
Thành tích kém cỏi này đã dẫn đến việc các học giả suy đoán rằng cấu trúc bên trong bộ não của những Sapiens này có lẽ khác với của chúng ta. Họ trông giống chúng ta, nhưng các khả năng nhận thức - học tập, ghi nhớ, giao tiếp - vô cùng hạn chế. Dạy một người Sapiens cổ đại nói tiếng Anh, thuyết phục anh ta về các tín điều tôn giáo, hoặc giảng cho anh ta hiểu được lý thuyết tiến hoá có lẽ là vô vọng. Ngược lại, chúng ta cũng sẽ phải rất mất thời gian mới hiểu được thứ ngôn ngữ và cách tư duy của anh ta.
Nhưng sau đó, bắt đầu từ khoảng 70.000 năm trước, Homo sapiens bắt đầu làm những điều rất đặc biệt. Khoảng thời gian đó, một toán Sapiens rời châu Phi lần thứ hai. Lần này, họ đẩy Neanderthal và tất cả các loài người khác không chỉ khỏi Trung Đông mà còn khỏi mọi nơi trên Trái đất. Trong một thời gian khá ngắn, Sapiens đã đặt chân tới châu Âu và Đông Nam Á. Khoảng 43.000 năm trước, bằng cách nào đó họ đã vượt biển và đặt chân lên châu Úc – một lục địa cho đến lúc đó vẫn chưa hề có con người. Khoảng thời gian cách đây từ 70.000 năm tới 30.000 năm đã chứng kiến việc phát minh ra thuyền, đèn dầu, cung tên và kim khâu (cần thiết cho việc may quần áo ấm). Những sản phẩm đầu tiên có thể tự tin gọi là nghệ thuật và đồ trang sức đã xuất hiện từ thời đại này, là những bằng chứng đầu tiên không thể chối cãi về sự hình thành tôn giáo, thương mại và phân tầng xã hội.
Hầu hết các nhà nghiên cứu tin rằng những thành tích chưa từng có này là sản phẩm của một cuộc cách mạng trong khả năng nhận thức của Sapiens. Họ khẳng định rằng người đã đẩy Neanderthal tới tuyệt chủng, định cư ở châu Úc, và điêu khắc tượng nhân sư Stadel chính là những người thông minh, sáng tạo và nhạy cảm như chúng ta ngày nay. Nếu chúng ta có dịp nhìn ngắm các tác phẩm nghệ thuật trong hang động Stadel, chúng ta có thể học ngôn ngữ của họ và ngược lại. Chúng ta có thể giải thích cho họ tất cả mọi thứ mình biết, từ những cuộc phiêu lưu của Alice ở xứ sở thần tiên đến những nghịch lý của vật lý lượng tử, còn họ có thể dạy chúng ta về thế giới quan của mình.
Những cách suy nghĩ và giao tiếp mới xuất hiện trong thời kỳ cách đây 70.000 đến 30.000 năm trước đã tạo nên Cách mạng Nhận thức. Điều gì tạo ra nó? Chúng ta không chắc. Các lý thuyết phổ biến nhất tin rằng những đột biến di truyền ngẫu nhiên thay đổi hệ thống thần kinh não bộ của Sapiens, cho phép họ suy nghĩ đột phá và giao tiếp bằng một loại ngôn ngữ hoàn toàn mới. Chúng ta có thể gọi đó là đột biến của Cây Tri thức. Tại sao nó lại xảy ra ở ADN của Sapiens chứ không phải ở Neanderthal? Theo những gì chúng ta biết đến nay, tất cả chỉ là tình cờ. Nhưng hiểu được các hệ quả của đột biến Cây Tri thức quan trọng hơn nhiều so với việc tìm hiểu nguyên nhân của nó. Có gì thật đặc biệt ở ngôn ngữ mới của Sapiens đã cho phép loài người chinh phục thế giới?
Đây không phải là ngôn ngữ đầu tiên. Mỗi loài động vật có một số loại ngôn ngữ riêng. Ngay cả côn trùng, chẳng hạn như ong và kiến, cũng biết làm thế nào để giao tiếp theo những cách tinh vi, thông báo cho nhau về chỗ có đồ ăn. Đây cũng không phải là thứ ngôn ngữ đầu tiên có thanh âm. Nhiều loài động vật, bao gồm tất cả loài vượn và khỉ, cũng có ngôn ngữ thanh âm. Ví dụ, khỉ Chlorocebus sử dụng các tiếng kêu khác nhau để giao tiếp. Các nhà động vật học đã xác định được một tiếng kêu đó có nghĩa là: “Cẩn thận! Đại bàng!” Một tiếng kêu hơi khác thì cảnh báo: “Cẩn thận! Sư tử!” Khi các nhà nghiên cứu bật bản ghi âm tiếng kêu đầu tiên với một bầy khỉ, chúng dừng việc đang làm và nhìn lên trời đầy sợ hãi. Khi bầy khỉ đó được nghe một bản ghi âm tiếng kêu thứ hai, cảnh báo sư tử, chúng nhanh chóng leo lên một cái cây. Sapiens có thể tạo ra nhiều âm thanh đặc trưng hơn so với khỉ Chlorocebus, nhưng cá voi và voi cũng có khả năng ấn tượng không kém. Một con vẹt có thể nhại lại bất cứ điều gì mà Albert Einstein có thể nói, cũng như bắt chước tiếng chuông điện thoại, tiếng cánh cửa đóng sầm và tiếng còi báo động hú. Dù lợi thế của Einstein so với một con vẹt là gì đi nữa, thì đó cũng không phải là thanh âm. Vậy thì ngôn ngữ của chúng ta thực sự đặc biệt ở điểm nào?*
Hình 4. Bức tượng “nhân sư” (nam hoặc nữ) bằng ngà voi được tìm thấy tại hang Stadel ở Đức (32.000 năm trước). Mình người, nhưng đầu sư tử. Đây là một trong những ví dụ đầu tiên không thể chối cãi của nghệ thuật, và có lẽ của cả tôn giáo, cùng khả năng trí tuệ của con người tưởng tượng điều không có thật.
Câu trả lời phổ biến nhất, là ngôn ngữ của chúng ta linh hoạt một cách kinh ngạc. Chúng ta có thể kết nối một số nhất định các âm thanh và dấu hiệu để tạo nên vô số câu, mỗi câu lại có ý nghĩa riêng biệt. Chúng ta do đó có thể hấp thu, lưu trữ và truyền đạt một lượng thông tin khổng lồ về thế giới xung quanh. Một con khỉ Chlorocebus có thể cảnh báo cho đàn của nó: “Cẩn thận! Sư tử!” Nhưng một con người hiện đại có thể nói với bạn bè của mình rằng sáng nay, ở gần nhánh sông, cô ấy nhìn thấy một con sư tử bám đuổi một đàn bò rừng. Rồi cô ấy có thể mô tả chính xác vị trí, kể cả các con đường khác nhau dẫn đến nơi đó. Với thông tin này, các thành viên trong nhóm của cô ấy có thể chụm đầu với nhau và thảo luận liệu họ có nên tiếp cận nhánh sông để xua đuổi sư tử và săn bò rừng hay không.
Lý thuyết thứ hai đồng ý rằng ngôn ngữ độc đáo của chúng ta tiến hoá như là một phương tiện để chia sẻ thông tin về thế giới. Nhưng thông tin quan trọng nhất cần được chuyển tải, không phải về sư tử và bò rừng, mà là về con người. Ngôn ngữ của chúng ta phát triển như là một cách để tán gẫu. Theo lý thuyết này, Homo sapiens về bản chất là một động vật xã hội. Sự cộng tác xã hội là chìa khoá cho sự tồn tại và sinh sản. Những người nam và nữ không chỉ cần biết về sư tử hay bò rừng. Điều quan trọng hơn nhiều đối với họ là biết trong nhóm của mình ai ghét ai, ai đang ngủ với ai, ai trung thực, và ai lừa dối.
Lượng thông tin mà một người có được và lưu giữ để theo dõi các mối quan hệ luôn thay đổi của vài chục cá nhân là đáng kinh ngạc. (Trong một bầy gồm 50 thành viên, có 1.225 mối quan hệ một-một, và vô số các kết hợp xã hội phức tạp hơn). Tất cả vượn đều cho thấy một mối quan tâm về thông tin xã hội như vậy, nhưng chúng rất khó tán gẫu hiệu quả. Neanderthal và Homo sapiens cổ xưa có lẽ cũng đã có một thời gian khó khăn với việc nói sau lưng, một năng lực khá thâm hiểm nhưng trong thực tế lại cần thiết cho sự hợp tác với số lượng lớn. Các kĩ năng ngôn ngữ mới mà Sapiens hiện đại tiếp nhận được khoảng 70.000 năm trước đây cho phép họ tán gẫu nhiều giờ liền. Nhờ có được thông tin xác thực về thành viên đáng tin cậy mà những bầy nhỏ có thể mở rộng thành những bầy lớn hơn, và Sapiens có thể phát triển sự hợp tác chặt chẽ và tinh vi hơn.
Lý thuyết tán gẫu nghe như một trò đùa, nhưng nhiều nghiên cứu đã ủng hộ nó. Thậm chí ngày nay phần lớn các thông tin liên lạc của con người – dù ở hình thức email, gọi điện thoại hoặc bình luận báo chí – đều là tán gẫu. Nó diễn ra tự nhiên đến nỗi như thể ngôn ngữ của chúng ta phát triển cho mục đích này. Bạn có nghĩ rằng các giáo sư lịch sử tán gẫu về nguyên nhân của Thế chiến I khi họ gặp nhau ăn trưa, hoặc các nhà vật lý hạt nhân dành giờ nghỉ giải lao của họ tại các hội nghị khoa học để nói về hạt quark? Thi thoảng. Nhưng thường là họ sẽ bàn tán về việc một giáo sư bắt quả tang chồng mình ngoại tình, hoặc cuộc tranh cãi giữa trưởng khoa và hiệu trưởng, hoặc những tin đồn về một đồng nghiệp sử dụng quỹ nghiên cứu của mình để mua một chiếc Lexus. Tán gẫu thường tập trung vào những việc làm sai trái. Kẻ buôn chuyện ban đầu là giới báo chí, các phóng viên thông báo cho xã hội về việc này việc nọ, và do đó bảo vệ xã hội khỏi những kẻ gian dối và ăn bám.
Nhiều khả năng, cả lý thuyết về tán gẫu lẫn lý thuyết có-một-con-sư-tử-gần-bờ-sông đều có căn cứ. Song, đặc điểm độc đáo nhất trong ngôn ngữ của chúng ta không phải là khả năng truyền tải thông tin về những người đàn ông và sư tử. Mà đúng hơn, đó là khả năng truyền tải thông tin về những thứ không tồn tại. Theo như chúng ta biết, chỉ Sapiens mới có thể nói về mọi thứ mà họ chưa bao giờ thấy, chạm vào hoặc ngửi mùi.
Huyền thoại, thần thoại, các vị thần và tôn giáo xuất hiện lần đầu tiên cùng với Cách mạng Nhận thức. Nhiều loài động vật và loài người trước đây có thể nói: “Cẩn thận! Sư tử!” Nhờ Cách mạng Nhận thức, Homo sapiens có được khả năng nói, “Sư tử là thần linh giám hộ bộ lạc chúng ta”. Khả năng nói chuyện hư cấu này là điểm độc đáo nhất trong ngôn ngữ của Sapiens.
Thật dễ thấy rằng chỉ Homo sapiens mới có thể nói về những điều không thực sự tồn tại, và tin rằng có sáu điều bất khả trước bữa sáng. Bạn không bao giờ có thể thuyết phục một con khỉ cho bạn một quả chuối bằng cách hứa hẹn một nguồn chuối vô hạn sau khi chết ở thiên đường khỉ. Nhưng tại sao điều này quan trọng? Sau tất cả, hư cấu có thể rất nguy hiểm khi gây hiểu lầm hoặc mất tập trung. Những người đi vào rừng tìm các nàng tiên và kỳ lân dường như có ít cơ hội sống sót hơn những người đi tìm nấm và nai. Và nếu bạn dành nhiều giờ cầu nguyện cho những linh hồn giám hộ không tồn tại, chẳng phải là bạn đang lãng phí thời gian quý báu, trong khi lẽ ra nên đi tìm đồ ăn, đánh nhau hoặc làm tình?
Nhưng hư cấu không chỉ giúp chúng ta tưởng tượng, mà còn tưởng tượng cùng nhau. Chúng ta có thể thêu dệt những huyền thoại phổ biến như câu chuyện sáng thế, những huyền thoại thời Mơ mộng của thổ dân châu Úc, và những huyền thoại dân tộc của các quốc gia hiện đại. Những huyền thoại như vậy mang lại cho Sapiens khả năng chưa từng có để hợp tác linh hoạt với số lượng lớn. Kiến và ong cũng có thể làm việc trong một tập thể lớn, nhưng chúng làm theo một cách rất cứng nhắc và chỉ với họ hàng thân thuộc. Sói và tinh tinh hợp tác linh hoạt hơn nhiều so với kiến, nhưng chỉ với số ít con trong bầy mà chúng biết rõ. Sapiens có thể hợp tác cực kỳ linh hoạt với vô số người xa lạ. Đó là lý do Sapiens thống trị thế giới, trong khi kiến chỉ biết ăn đổ thừa của chúng ta và tinh tinh thì bị nhốt trong vườn thú hay các phòng thí nghiệm.
Huyền thoại Peugeot
Các anh em họ tinh tinh của chúng ta thường sống theo từng nhóm nhỏ với khoảng vài chục con. Chúng kết bạn thân thiết, đi săn với nhau và chiến đấu chống lại các con khỉ đầu chó, báo và những con tinh tinh thù địch. Cấu trúc xã hội của chúng có xu hướng phân tầng. Con đầu đàn thường là một con đực, được gọi là “con đực alpha”. Các con đực và con cái khác thể hiện sự phục tùng của chúng với con đực alpha bằng cách cúi chào trước nó với âm thanh gầm gừ nhỏ, chẳng khác gì thần dân bái lạy trước vua. Con đực alpha nỗ lực duy trì sự hài hòa xã hội trong bầy của nó. Khi hai cá thể đánh nhau, nó sẽ can thiệp và chấm dứt bạo lực. Không cần nhân từ, nó có thể độc quyền phân chia thức ăn ngon và ngăn những con đực cấp thấp hơn ghép đôi với những con cái.
Khi hai con đực tranh giành vị trí alpha, chúng thường thực hiện bằng cách hình thành các liên minh giữa những con ủng hộ, bao gồm cả con đực và con cái trong bầy. Quan hệ giữa các thành viên liên minh dựa trên tiếp xúc thân mật hằng ngày như ôm, sờ, hôn, chải lông và giúp đỡ lẫn nhau. Cũng như các chính trị gia đi xung quanh bắt tay và hôn mấy em bé trong các chiến dịch bầu cử, những kẻ muốn theo đuổi vị trí đứng đầu trong một nhóm tinh tinh dành nhiều thời gian để ôm, vỗ lưng và hôn mấy con tinh tinh con. Con đực alpha thường giành được vị trí của mình không phải vì có thể chất mạnh mẽ hơn, mà vì nó dẫn đầu một liên minh lớn và bền vững. Các liên minh đóng một vai trò trung tâm không chỉ trong cuộc đấu tranh công khai giành vị trí alpha, mà còn trong hầu hết các hoạt động hằng ngày. Các thành viên của một liên minh dành nhiều thời gian cho nhau, chia sẻ đồ ăn và giúp nhau lúc khó khăn.
Có những giới hạn rõ ràng về quy mô của các nhóm khi hình thành và duy trì theo cách như vậy. Để hoạt động được, mọi thành viên của một nhóm phải biết nhau mật thiết. Hai con tinh tinh chưa từng gặp nhau, chưa từng đánh nhau, chưa từng chải lông cho nhau sẽ không biết liệu chúng có thể tin tưởng lẫn nhau, liệu chúng có nên giúp đỡ lẫn nhau, và ai trong chúng có thứ hạng cao hơn. Trong điều kiện tự nhiên, một bầy tinh tinh điển hình bao gồm 20 tới 50 cá thể. Khi số lượng tinh tinh trong bầy tăng, trật tự xã hội mất ổn định, cuối cùng dẫn đến sự tan vỡ và hình thành một bầy mới từ một số con tách ra. Chỉ trong một vài trường hợp, các nhà động vật học quan sát được các bầy lớn hơn 100. Các bầy riêng biệt hiếm khi hợp tác, có xu hướng cạnh tranh lãnh thổ và thức ăn. Các nhà nghiên cứu đã ghi nhận chiến tranh kéo dài giữa các bầy, và thậm chí có một trường hợp “diệt chủng”, trong đó một bầy tàn sát một cách có hệ thống hầu hết các thành viên của một bầy lân cận.
Mô hình tương tự có thể thống trị trong đời sống xã hội của người tiền sử, bao gồm cả Homo sapiens cổ xưa. Con người, cũng giống như tinh tinh, có những bản năng xã hội cho phép tổ tiên của chúng ta kết bạn, tạo nên thứ bậc, và săn bắt hoặc chiến đấu cùng nhau. Tuy nhiên, giống như tinh tinh, bản năng xã hội của con người thích nghi với các nhóm nhỏ thân mật. Khi nhóm phát triển quá lớn, trật tự xã hội của nó sẽ bất ổn và nhóm chia tách. Kể cả nếu có một thung lũng đặc biệt màu mỡ có thể nuôi được 500 Sapiens cổ xưa, cũng không thể khiến nhiều người xa lạ có thể sống bên nhau. Làm sao để họ có thể đồng ý ai sẽ lãnh đạo, ai nên săn ở đâu, hoặc ai nên ghép đôi với ai?
Cùng với sự xuất hiện của Cách mạng Nhận thức, tán gẫu đã giúp Homo sapiens hình thành những bầy lớn hơn và ổn định hơn. Nhưng ngay cả tán gẫu cũng có giới hạn của nó. Nghiên cứu xã hội học đã chỉ ra rằng quy mô “tự nhiên” tối đa của một nhóm được gắn kết bởi tán gẫu là khoảng 150 cá thể. Với các nhóm hơn 150 người, hầu hết mọi người không thể biết rõ về nhau cũng như tán gẫu không còn hiệu quả.
Kể cả ngày nay, cái ngưỡng quan trọng trong các tổ chức của con người cũng nằm ở đâu đó xung quanh con số ma thuật này. Dưới ngưỡng này, các cộng đồng, các doanh nghiệp, các mạng lưới xã hội và các đơn vị quân đội có thể duy trì chủ yếu dựa vào người quen và sự trao đổi các tin đồn. Không cần phải có cấp bậc chính thức, danh vị và sách vở pháp luật để giữ gìn trật tự. Một trung đội 30 binh sĩ hay thậm chí một đại đội 100 người có thể hoạt động tốt dựa trên nền tảng của mối quan hệ thân mật, với mức độ kỷ luật ở hình thức tối thiểu. Một trung sĩ có uy tín có thể trở thành “ông vua đại đội” và có uy lực điều hành vượt cả những sĩ quan được ủy nhiệm. Một doanh nghiệp gia đình nhỏ có thể tồn tại và phát triển mà không cần hội đồng quản trị, giám đốc điều hành hoặc bộ phận kế toán.
Nhưng một khi ngưỡng 150 cá nhân bị vượt qua, mọi thứ không còn có thể hoạt động theo cách đó. Bạn không thể điều hành một sư đoàn hàng ngàn binh sĩ giống như cách bạn quản lý một trung đội. Các doanh nghiệp gia đình thành công thường phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng khi họ phát triển lớn hơn và thuê thêm nhân sự. Nếu họ không thể tự làm mới mình, họ sẽ phá sản.
Làm thế nào mà Homo sapiens xoay xở vượt qua ngưỡng quan trọng này, để cuối cùng lập nên các thành phố bao gồm hàng chục ngàn cư dân, và những đế chế cai trị hàng trăm triệu người? Bí mật có lẽ nằm ở sự xuất hiện của những chuyện hư cấu. Số đông người lạ có thể hợp tác thành công bởi cùng tin vào những huyền thoại chung.
Bất kỳ sự hợp tác nào của con người ở quy mô lớn – dù là một quốc gia hiện đại, một nhà thờ trung cổ, một thành phố cổ đại hay một bộ lạc cổ xưa – đều bắt nguồn từ những huyền thoại phổ biến vốn chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng tập thể của nhân dân. Giáo hội bắt nguồn từ những huyền thoại tôn giáo chung. Tuy hai người Công giáo chưa từng gặp nhau, nhưng họ vẫn có thể cùng tham gia thập tự chinh hoặc gây quỹ để xây dựng một bệnh viện, bởi vì họ đều tin rằng Thiên Chúa đã nhập thế dưới hình hài con người và chịu đóng đinh để chuộc tội cho chúng ta. Các quốc gia bắt nguồn từ những huyền thoại chung về dân tộc. Hai người Serbia chưa từng gặp nhau có thể liều mạng để cứu nhau vì cùng tin vào sự tồn tại của dân tộc Serbia, quê hương Serbia và lá cờ Serbia. Hệ thống tư pháp bắt nguồn từ những huyền thoại chung về luật pháp. Hai luật sư chưa từng gặp nhau vẫn có thể cùng chung nỗ lực để bảo vệ một người hoàn toàn xa lạ, vì tất cả họ đều tin vào sự tồn tại của luật pháp, công lý, nhân quyền – và cả số tiền lệ phí được trả.
Song, tất cả những điều này chỉ tồn tại trong những câu chuyện được con người sáng tạo và truyền khẩu. Không có thần linh trong vũ trụ, không có dân tộc, không có tiền, không có nhân quyền, không có luật pháp, và không có công lý ngoài trí tưởng tượng thông thường của con người.
Mọi người đều hiểu rằng “người nguyên thủy” gia cố trật tự xã hội của họ bằng niềm tin vào ma quỷ và linh hồn, họ tập hợp vào mỗi dịp trăng tròn để nhảy cùng nhau xung quanh đống lửa. Điều chúng ta quên mất là các tổ chức hiện đại hoạt động chính xác trên cùng cơ sở đó. Lấy ví dụ về thế giới của các tập đoàn kinh tế. Doanh nhân hiện đại và giới luật sư trên thực tế là các phù thủy quyền lực. Sự khác biệt cơ bản giữa họ với các thầy phù thủy (shaman) của bộ lạc ở chỗ, luật sư thời hiện đại kể những câu chuyện thần thoại lạ lùng hơn nhiều. Huyền thoại dưới đây về Peugeot cung cấp một ví dụ tốt cho chúng ta.
Một biểu tượng có phần giống với nhân sư ở Stadel xuất hiện ngày nay trên xe hơi, xe tải và xe máy từ Paris đến Sydney. Đó là các vật trang trí mui xe do Peugeot, một trong những hãng xe châu Âu lâu đời nhất và lớn nhất, chế tạo. Peugeot khởi sự như một doanh nghiệp gia đình nhỏ ở làng Valentigney, chỉ cách hang Stadel 300 km. Ngày nay công ty sử dụng khoảng 200.000 người trên toàn thế giới, hầu hết họ hoàn toàn xa lạ với nhau. Những người này hợp tác rất hiệu quả trong năm 2008, giúp Peugeot sản xuất hơn 1,3 triệu xe hơi, lợi nhuận thu được vào khoảng 33 tỉ euro.
Hình 5. Sư tử Peugeot
Theo nghĩa nào chúng ta có thể nói rằng Peugeot SA (tên chính thức của công ty) tồn tại? Có rất nhiều xe Peugeot, nhưng rõ ràng đó không phải là công ty. Thậm chí nếu mọi chiếc Peugeot trên thế giới đồng thời bị loại bỏ và bán phế liệu, thì Peugeot SA vẫn không biến mất. Nó sẽ tiếp tục sản xuất xe hơi mới và phát hành báo cáo thường niên. Công ty sở hữu các nhà máy, máy móc, phòng trưng bày, và sử dụng nhiều thợ cơ khí, nhân viên kế toán, thư ký, nhưng tất cả tập hợp lại với nhau không tạo nên Peugeot. Một thảm họa có thể hủy diệt toàn bộ nhân viên của Peugeot, và dẫn tới việc tiêu tùng mọi hệ thống lắp ráp dây chuyền và văn phòng điều hành. Dẫu vậy đi nữa, công ty vẫn có thể vay tiền, thuê nhân viên mới, xây dựng các nhà máy mới và mua máy móc thiết bị mới. Peugeot có các nhà quản lý và các cổ đông, nhưng không phải họ tạo nên công ty. Tất cả các nhà quản lý có thể bị miễn nhiệm và toàn bộ cổ phiếu được bán ra, nhưng bản thân công ty sẽ vẫn còn nguyên vẹn.
Nói vậy không có nghĩa là Peugeot SA là bất khả xâm phạm hoặc bất tử. Nếu một thẩm phán được ủy thác việc giải thể công ty, nhà máy vẫn sẽ tồn tại và công nhân, kế toán, quản lý, cổ đông sẽ tiếp tục sống – nhưng Peugeot SA sẽ lập tức biến mất. Tóm lại, Peugeot SA dường như không có kết nối cần thiết với thế giới vật chất. Liệu nó có thực sự tồn tại?
Peugeot nằm trong ý tưởng tập thể của chúng ta. Các luật sư gọi đây là một “hư cấu pháp lý”. Không thể chỉ tay vào nó; nó không phải là một đối tượng vật lý. Nhưng nó hiện hữu như một thực thể pháp lý. Cũng giống như bạn hay tôi, nó bị ràng buộc bởi pháp luật của đất nước mà nó hoạt động. Nó có thể mở một tài khoản ngân hàng và sở hữu tài sản riêng. Nó đóng thuế, nó có thể bị kiện và thậm chí truy tố riêng biệt với bất kỳ người nào sở hữu hoặc làm việc cho nó.
Peugeot là một dạng cụ thể của hư cấu pháp lý được gọi là “công ty trách nhiệm hữu hạn”. Ý tưởng đằng sau các công ty này là một trong những phát minh tài tình nhất của nhân loại. Homo sapiens đã sống hàng ngàn năm mà không có chúng. Trong phần lớn lịch sử thành văn, tài sản chỉ có thể được sở hữu bởi con người bằng xương bằng thịt, loài đứng trên hai chân và có bộ não lớn. Nếu trong thế kỷ 13, France Jean tổ chức một hội thảo về sản xuất xe chở hàng, thì chính ông là công việc. Nếu một chiếc xe mà ông chế tạo bị hỏng sau khi mua được một tuần, người mua bực tức sẽ khởi kiện cá nhân Jean. Nếu Jean đã vay 1.000 đồng vàng để lập xưởng riêng và việc kinh doanh thất bại, ông sẽ phải trả nợ bằng cách bán tài sản riêng của mình – nhà, bò, đất đai của ông. Ông thậm chí sẽ phải bán con mình làm nô lệ. Nếu không thể trang trải các khoản nợ, ông có thể bị nhà nước tống vào tù hoặc làm nô lệ cho các chủ nợ của mình. Ông hoàn toàn chịu trách nhiệm, không có giới hạn, cho mọi nghĩa vụ phát sinh bởi xưởng của mình.
Nếu được phép quay ngược thời gian, bạn có thể sẽ phải suy nghĩ rất kĩ trước khi mở một doanh nghiệp riêng. Và quả thực tình trạng pháp lý này không khuyến khích tinh thần kinh doanh. Mọi người sợ khởi nghiệp và nhận về rủi ro kinh tế. Dường như không đáng để liều khi mà cả gia đình có thể đi tới cái kết túng quẫn.
Đây là lý do khiến người ta bắt đầu cùng hình dung về sự tồn tại của công ty trách nhiệm hữu hạn. Những công ty này hầu như hoạt động độc lập một cách hợp pháp với những người lập ra chúng, hoặc đầu tư tiền vào đó, hoặc quản lý chúng. Trong vài thế kỷ qua, những công ty như vậy đã trở thành những tay chơi chính trên vũ đài kinh tế, và trở nên quen thuộc đến mức chúng ta quên rằng chúng chỉ hiện hữu trong trí tưởng tượng của mình. Tại Mỹ, thuật ngữ chỉ công ty trách nhiệm hữu hạn là “Corporation”, khá mỉa mai, vì thuật ngữ này bắt nguồn từ “corpus” (tiếng Latin nghĩa là cơ thể), là thứ mà các công ty này thiếu. Dù chúng không hề có một cơ thể thực sự, nhưng hệ thống pháp luật Mỹ vẫn đối xử với các công ty này như những pháp nhân, như thể chúng là những con người bằng xương bằng thịt.
Và đó cũng là điều mà hệ thống pháp luật Pháp đã thực thi vào năm 1896, khi Armand Peugeot, người đã thừa hưởng từ cha mẹ một cửa hàng kim loại chuyên sản xuất lò xo, cưa và xe đạp, quyết định kinh doanh xe hơi. Nên ông đã thành lập một công ty trách nhiệm hữu hạn. Ông đặt tên cho công ty theo tên mình, nhưng nó độc lập với ông. Nếu một trong những chiếc xe hơi bị hỏng hóc, người mua có thể kiện Peugeot, chứ không phải Armand Peugeot. Nếu công ty đã vay hàng triệu franc và sau đó bị sụp đổ, Armand Peugeot không mắc nợ dù chỉ 1 franc. Sau tất cả, khoản vay đã được trao cho Peugeot, chứ không phải Armand Peugeot, một Homo sapiens. Armand Peugeot đã chết năm 1915, còn công ty Peugeot hiện vẫn còn sống và khỏe mạnh.
Chính xác bằng cách nào mà Armand Peugeot, một con người, đã tạo nên Peugeot, một công ty? Rất giống với cách mà giới giáo phẩm và phù thủy đã sáng tạo ra những vị thần và quỷ dữ trong suốt lịch sử, và giống với cách mà hàng ngàn linh mục Pháp vẫn tạo ra cơ thể của Chúa Jesus mỗi Chủ nhật tại nhà thờ giáo xứ. Tất cả đều xoay quanh những câu chuyện kể, và thuyết phục mọi người tin vào chúng. Trong trường hợp của các linh mục Pháp, câu chuyện quan trọng về sự sống và cái chết của Chúa Jesus giống như lời kể của Giáo hội Công giáo. Theo câu chuyện này, nếu một linh mục Công giáo mặc áo lễ trịnh trọng nói những lời chính xác vào đúng thời điểm, thì bánh mì và rượu vang thế tục sẽ biến thành thịt và máu của Chúa. Các linh mục kêu lên “Hoc est Corpus meum!” (Tiếng Latin nghĩa là “Đây là cơ thể của tôi”). Khi thấy các linh mục đã thực hành chuẩn mực và cần mẫn mọi lễ nghi, hàng triệu người Pháp Công giáo mộ đạo liền cư xử như thể Thiên Chúa thực sự tồn tại trong bánh mì và rượu vang.
Trong trường hợp của Peugeot SA, điều quyết định chính là các bộ luật của Pháp được Nghị viện Pháp thảo ra. Theo các nhà lập pháp nước này, nếu một luật sư có chứng nhận hành nghề, tuân theo mọi tập tục và nghi lễ cúng bái, đã viết tất cả bùa chú và lời thề nguyền cần thiết trên một mảnh giấy trang trí đẹp, ký tên đóng dấu vào cuối tài liệu, rồi hô biến – một công ty mới sẽ ra đời. Năm 1896, khi Armand Peugeot muốn lập ra công ty của mình, ông đã trả tiền cho một luật sư lo liệu mọi thủ tục thiêng liêng đó. Sau khi vị luật sư đã thực hiện đúng mọi nghi lễ và công bố tất cả bùa chú và tuyên thệ cần thiết, hàng triệu công dân Pháp biết đứng thẳng đã cư xử như thể công ty Peugeot thực sự tồn tại.
Kể chuyện hiệu quả là không dễ. Khó khăn không chỉ ở việc kể chuyện, mà còn ở việc thuyết phục người khác tin vào nó. Phần lớn lịch sử xoay quanh câu hỏi này: làm thế nào để thuyết phục hàng triệu người tin vào những câu chuyện nào đó về các vị thần, hoặc các dân tộc, hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn? Song khi thành công, nó mang lại cho Sapiens sức mạnh to lớn, vì nó cho phép hàng triệu người lạ hợp tác và làm việc hướng tới các mục tiêu chung. Hãy thử tưởng tượng, sẽ vất vả đến thế nào để lập ra các quốc gia, các nhà thờ, các hệ thống pháp lý nếu chúng ta chỉ có thể nói về những điều thực sự tồn tại, như sông, cây xanh và sư tử.
Theo năm tháng, con người đã thêu dệt nên một mạng lưới những câu chuyện phức tạp khó tin. Trong mạng lưới này, hư cấu kiểu như Peugeot không chỉ tồn tại mà còn tích lũy sức mạnh to lớn. Những kiểu loại mà con người tạo ra thông qua mạng lưới các câu chuyện này được biết đến trong giới học thuật là “hư cấu”, “cấu trúc xã hội”, hoặc “thực tế tưởng tượng”. Một thực tế tưởng tượng không phải là một lời nói dối. Tôi dối trá khi nói rằng có một con sư tử ở gần sông dù tôi biết rất rõ rằng không có sư tử ở đó. Không có gì đặc biệt về những lời nói dối. Những con khỉ Chlorocebus và tinh tinh có thể nói dối. Ví dụ, một con khỉ Chlorocebus, sau khi quan sát đã kêu “Cẩn thận! Sư tử!” khi không có con sư tử nào xung quanh. Báo động này hoàn toàn có thể làm khiếp sợ con khỉ đồng bọn vừa tìm thấy một quả chuối và khiến nó bỏ đi, để lại kẻ nói dối một mình thó lấy phần thưởng cho bản thân.
Không giống như nói dối, một thực tế tưởng tượng là điều mà mọi người đều tin vào, và chừng nào niềm tin cộng đồng này tồn tại, thì chừng đó thực tế tưởng tượng còn thể hiện sức mạnh lên thế giới. Người điêu khắc ở hang Stadel có thể chân thành tin vào sự tồn tại của nhân sư như một linh thần giám hộ. Một số phù thủy là lang băm, nhưng đa phần thành kính tin vào sự tồn tại của thần linh và ma quỷ. Hầu hết các triệu phú thật sự tin vào sự tồn tại của tiền và trách nhiệm hữu hạn của các công ty. Hầu hết các nhà hoạt động nhân quyền thành thật tin vào sự tồn tại của các quyền con người. Không ai nói dối khi vào năm 2011, Liên Hợp Quốc yêu cầu chính phủ Libya tôn trọng các quyền con người của công dân, mặc dù kể cả Liên Hợp Quốc, Libya và nhân quyền đều là những khái niệm bịa đặt bắt nguồn từ trí tưởng tượng phong phú của chúng ta.
Kể từ Cách mạng Nhận thức, Sapiens đã sống trong một thực tế kép. Một mặt là thực tế khách quan về các dòng sông, cây cối, sư tử, và mặt khác là thực tế tưởng tượng của các vị thần, quốc gia, công ty. Thời gian trôi qua, thực tế tưởng tượng này đã trở nên mạnh mẽ hơn, do đó mà ngày nay chính sự tồn tại của các dòng sông, cây cối và sư tử lại phụ thuộc vào sự chiếu cố của các thực thể tưởng tượng này.
Bỏ qua bộ gen
Khả năng tạo ra một thực tế tưởng tượng bằng từ ngữ cho phép vô số người lạ hợp tác hiệu quả. Nhưng nó còn làm được nhiều hơn thế. Bởi con người hợp tác được trên quy mô lớn là nhờ vào những huyền thoại, cách thức họ hợp tác có thể được thay đổi bằng cách thay đổi những huyền thoại, qua việc kể những câu chuyện khác đi. Trong những trường hợp thuận lợi, huyền thoại có thể thay đổi nhanh chóng. Năm 1789, gần như chỉ qua một đêm, người dân Pháp chuyển từ việc tin tưởng vào huyền thoại về quyền thiêng liêng của các vị vua sang tin vào huyền thoại về chủ quyền của nhân dân. Do đó, kể từ Cách mạng Nhận thức, Homo sapiens đã có thể điều chỉnh nhanh chóng hành vi của mình phù hợp với nhu cầu thay đổi. Điều này đã mở ra một làn cao tốc của tiến hoá văn hoá, vượt qua những tắc nghẽn trong tiến hoá gen. Tăng tốc trên làn này, Homo sapiens đã sớm vượt xa tất cả các loài người và động vật khác về khả năng hợp tác của mình.
Hành vi của những loài động vật xã hội khác được xác định phần lớn bởi các gen của chúng. ADN không phải là một nhà độc tài. Hành vi của động vật cũng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố môi trường và đặc điểm cá nhân. Tuy nhiên, trong một môi trường nhất định, động vật cùng loài sẽ có xu hướng cư xử giống nhau. Những thay đổi lớn trong hành vi xã hội không thể xảy ra một cách thông thường nếu không có đột biến gen. Ví dụ, tinh tinh thường có khuynh hướng di truyền để sống trong các nhóm phân tầng được điều hành bởi một con đực alpha. Một loài rất gần với tinh tinh là tinh tinh lùn thường sống trong các nhóm bình đẳng hơn bị chi phối bởi con cái. Những tinh tinh cái nhìn chung không thể học được các bài học từ họ hàng thân thiết là tinh tinh lùn để thiết lập một cuộc cách mạng nữ quyền. Tinh tinh đực không thể tụ tập trong một hội đồng lập hiến để bãi bỏ ngôi vị của con đực alpha, và tuyên bố rằng từ giờ trở đi tất cả tinh tinh phải được đối xử bình đẳng. Những thay đổi lớn như vậy trong hành vi sẽ chỉ xảy ra nếu có gì đó thay đổi trong ADN của tinh tinh.
Với các lý do tương tự, con người cổ xưa đã không tiến hành cuộc cách mạng nào. Theo những gì chúng ta biết, các thay đổi trong mô hình xã hội, sự phát minh ra công nghệ mới, sự định cư trong các môi trường sống xa lạ là kết quả của đột biến gen và áp lực môi trường nhiều hơn là từ các phát kiến văn hoá. Thế nên phải mất hàng trăm ngàn năm để con người thực hiện các bước trên. 2 triệu năm trước đây, các đột biến gen dẫn đến sự xuất hiện của một loài người mới gọi là Homo erectus. Sự xuất hiện ấy đi kèm với việc phát triển một công nghệ chế tác công cụ đá mới, giờ đây đã được công nhận là một đặc điểm xác định của loài này. Và khi Homo erectus không tiếp tục có những biến đổi gen, công cụ bằng đá của họ vẫn chẳng thay đổi trong gần 2 triệu năm!
Ngược lại, kể từ Cách mạng Nhận thức, Sapiens đã có thể thay đổi hành vi của họ một cách nhanh chóng, truyền lại hành vi mới cho các thế hệ tương lai mà không cần bất kỳ sự thay đổi di truyền hoặc môi trường nào. Ví dụ, hãy xem xét sự xuất hiện lặp đi lặp lại của giới tinh hoa không có con cái, chẳng hạn các tăng lữ ở một số tôn giáo và thái giám Trung Hoa. Sự tồn tại của giới tinh hoa này đi ngược lại với các nguyên tắc cơ bản nhất của chọn lọc tự nhiên, kể từ khi các thành viên chủ đạo của xã hội tự nguyện từ bỏ việc sinh con. Trong khi đó, các tinh tinh đực alpha sử dụng quyền lực của mình để quan hệ tình dục với càng nhiều con cái càng tốt – và do vậy con đực đầu đàn có thể truyền giống với một tỉ lệ lớn cho thế hệ sau của nó – còn các con đực alpha có tín ngưỡng thì nhịn hoàn toàn quan hệ tình dục và có con. Sự kiêng khem này không phát sinh từ điều kiện môi trường đặc biệt như sự khan hiếm thực phẩm hoặc mong muốn của bạn tình tiềm năng. Nó cũng không phải là kết quả của một số đột biến gen kỳ quặc.
Nói cách khác, trong khi các mô hình hành vi của con người cổ xưa vẫn cố định trong hàng chục ngàn năm, thì Sapiens đã có thể biến đổi cấu trúc xã hội của mình, bản chất của mối quan hệ giữa các cá nhân, hoạt động kinh tế và một loạt các hành vi khác chỉ trong vòng một hoặc hai thập kỷ. Hãy xem xét một cư dân Berlin, sinh năm 1900 và sống đến 100 tuổi. Bà đã trải qua thời thơ ấu trong Đế chế Hohenzollern của Wilhelm II; trưởng thành trong thời Cộng hòa Weimar, Đức quốc xã và Đông Đức cộng sản; và bà đã chết như một công dân của một nước Đức dân chủ và thống nhất. Bà đã xoay xở để trở thành một phần của năm hệ thống chính trị xã hội rất khác nhau, mặc dù ADN của bà không hề thay đổi.
Đây là chìa khoá để Sapiens thành công. Trong trận chiến một chọi một, một Neanderthal có lẽ sẽ đánh bại một Sapiens. Nhưng trong một xung đột hàng trăm người, các Neanderthal sẽ không có cơ hội. Neanderthal có thể chia sẻ thông tin về nơi ở của sư tử, nhưng có lẽ họ không thể nói và sửa lại những câu chuyện về các thần linh của bộ lạc. Nếu không có khả năng sáng tác truyện hư cấu, Neanderthal không thể hợp tác hiệu quả với số lượng lớn, cũng không thể biến đổi hành vi xã hội của mình trước những thách thức luôn thay đổi.
Dù chúng ta không thể đi sâu vào tâm trí của Neanderthal để hiểu họ nghĩ gì, nhưng chúng ta có bằng chứng gián tiếp về các giới hạn nhận thức của họ so với các đối thủ Sapiens. Các nhà khảo cổ học khi khai quật địa điểm Sapiens sinh sống có tuổi 30.000 năm ở trung tâm châu Âu, đôi khi thấy có vỏ sò đến từ các bờ biển Địa Trung Hải và Đại Tây Dương. Trong mọi trường hợp, những vỏ sò đó đã đi vào sâu trong lục địa thông qua thương mại đường dài giữa các nhóm Sapiens khác nhau. Trong khi tại các địa điểm Neanderthal sinh sống, không có bằng chứng nào về hoạt động thương mại như thế. Mỗi nhóm còn sản xuất các công cụ riêng của mình từ các nguyên liệu địa phương.
Một ví dụ khác đến từ Nam Thái Bình Dương. Các bầy Sapiens sống trên đảo New Ireland, phía bắc New Guinea, sử dụng một loại thủy tinh lấy từ núi lửa gọi là đá vỏ chai để chế tác các công cụ đặc biệt cứng và sắc. Tuy nhiên, New Ireland không có trầm tích tự nhiên của đá vỏ chai. Các xem xét trong phòng thí nghiệm cho thấy rằng người cổ đại đã sử dụng loại đá được lấy từ các mỏ đá ở New Britain, một hòn đảo cách đó 400 km. Một số cư dân của những hòn đảo này phải là người đi biển lành nghề, trao đổi hàng hoá từ đảo này sang đảo khác với khoảng cách khá xa.
Thương mại dường như là một hoạt động rất thực dụng, không cần tới nền tảng tưởng tượng. Song thực tế là không có động vật nào khác ngoài Sapiens tham gia vào thương mại, và mọi mạng lưới thương mại của Sapiens mà chúng ta có bằng chứng chi tiết đều dựa trên những hư cấu. Thương mại không thể tồn tại mà không có sự tin tưởng, và rất khó khăn để tin tưởng người lạ. Mạng lưới thương mại toàn cầu ngày nay được dựa trên sự tin tưởng của chúng ta vào các thực thể hư cấu như đô-la, Ngân hàng Dự trữ Liên bang, và các nhãn hiệu khởi thủy của các tập đoàn. Khi hai người xa lạ trong xã hội bộ lạc muốn trao đổi, họ thường sẽ thiết lập sự tin tưởng bằng cách kêu gọi một vị thần, tổ tiên thần thoại hay vật tổ chung.
Nếu Sapiens cổ đại tin vào những điều tưởng tượng này để trao đổi vỏ sò và đá vỏ chai, thì có lý do để cho rằng họ cũng có thể đã trao đổi thông tin, do đó tạo ra một mạng lưới kiến thức dày đặc và rộng hơn nhiều so với những gì mà Neanderthal và một số nhóm người cổ đại khác có được.
Kĩ thuật cung cấp một minh họa cho những khác biệt này. Neanderthal thường đi săn một mình hoặc thành các nhóm nhỏ. Trái lại, Sapiens lại phát triển các kĩ thuật dựa trên sự hợp tác giữa hàng chục cá nhân, và thậm chí có thể giữa các nhóm khác nhau. Một phương pháp đặc biệt hiệu quả là bao vây toàn bộ một bầy thú, chẳng hạn như ngựa hoang, rồi dồn chúng vào một hẻm núi hẹp, nơi có thể dễ dàng giết chúng hàng loạt. Nếu kế hoạch suôn sẻ, các nhóm có thể thu hoạch hàng tấn thịt, mỡ và da thú chỉ trong một buổi chiều với nỗ lực tập thể, và tiêu thụ đống thực phẩm này trực tiếp trong một cái lò lớn, hoặc phơi khô, xông khói, hoặc (ở vùng Bắc cực) ướp đông chúng để sử dụng về sau. Giới khảo cổ học đã phát hiện ra các địa điểm mà hằng năm toàn bộ đàn bò được xẻ thịt theo những cách như vậy. Thậm chí một số nơi còn dựng lên các hàng rào và chướng ngại vật, tạo ra những cái bẫy nhân tạo và bãi giết mổ.
Chúng ta có thể giả định rằng Neanderthal đã không hài lòng khi nhìn thấy các vùng đất săn bắt truyền thống của họ bị biến thành những lò mổ do Sapiens kiểm soát. Tuy nhiên, nếu bạo lực nổ ra giữa hai loài, thì số phận của Neanderthal không hơn những con ngựa hoang. 50 Neanderthal phối hợp trong các mô hình truyền thống và tĩnh tại không thể địch nổi 500 Sapiens linh hoạt và sáng tạo. Và thậm chí nếu Sapiens thua ở trận đầu tiên, họ có thể nhanh chóng tạo ra chiến thuật mới giúp mình giành chiến thắng trong lần tiếp theo.
Điều gì xảy ra trong Cách mạng Nhận thức?
Khả năng mới Hệ quả lâu dài
Khả năng truyền tải một lượng lớn thông tin về thế giới xung quanh của Homo sapiens. Lập kế hoạch và thực hiện các hành động phức tạp, chẳng hạn như tránh sư tử và săn bò rừng.
Khả năng truyền tải một lượng lớn thông tin về các mối quan hệ xã hội của Sapiens. Các nhóm ngày một lớn hơn và đoàn kết hơn, có thể lên tới 150 thành viên.
Khả năng truyền tải thông tin về những điều không thực sự tồn tại, chẳng hạn các thần linh bộ tộc, các dân tộc, các công ty trách nhiệm hữu hạn, và nhân quyền. a. Hợp tác giữa rất nhiều người xa lạ.
b. Đổi mới nhanh chóng hành vi xã hội.
Lịch sử và sinh học
Sự vô cùng đa dạng của những thực tế tưởng tượng mà Sapiens đã sáng tạo ra, và sự đa dạng kéo theo của các mô hình hành vi, là thành phần chính của những gì chúng ta gọi là “văn hoá”. Sau khi xuất hiện, các nền văn hoá không bao giờ ngừng thay đổi và phát triển, và chúng ta gọi những thay đổi không thể ngăn cản được là “lịch sử”.
Theo đó, Cách mạng Nhận thức là thời điểm mà lịch sử tuyên bố nó độc lập với sinh học. Cho đến khi xảy ra Cách mạng Nhận thức, hành động của loài người đều thuộc về lĩnh vực sinh học, hoặc nếu bạn thích hơn, thì đó là thời tiền sử (tôi có xu hướng tránh thuật ngữ “thời tiền sử”, vì nó mang ý nghĩa sai lầm rằng kể cả trước Cách mạng Nhận thức, con người đã có phạm trù của riêng mình). Từ Cách mạng Nhận thức trở đi, câu chuyện lịch sử thay thế cho lý thuyết sinh học là phương tiện chủ yếu của chúng ta trong việc giải thích sự phát triển của Homo sapiens. Để hiểu được sự nổi lên của Ki-tô giáo hay Cách mạng Pháp, chúng ta không thể chỉ tìm hiểu sự tương tác của các gen, hoóc-môn và sinh vật. Còn cần phải tập trung vào sự tương tác của các ý tưởng, hình ảnh và cả tưởng tượng nữa.
Điều này không có nghĩa là Homo sapiens và văn hoá của con người đã trở nên miễn nhiễm với các quy luật sinh học. Chúng ta vẫn là những con vật, và khả năng thể chất, tình cảm và nhận thức của chúng ta vẫn được định hình bởi ADN của chúng ta. Xã hội của chúng ta được xây dựng từ những nền móng giống như Neanderthal hoặc xã hội loài tinh tinh, và chúng ta càng đào sâu vào những nền móng đó – cảm giác, cảm xúc, quan hệ gia đình – chúng ta càng thấy ít sự khác biệt giữa mình và các loài vượn khác.
Tuy nhiên, sẽ sai lầm nếu chỉ tìm sự khác biệt ở cấp độ cá nhân hoặc gia đình. Nếu so một với một, thậm chí 10 với 10, chúng ta giống với tinh tinh đến mức bối rối. Sự khác biệt đáng kể bắt đầu xuất hiện chỉ khi chúng ta vượt qua ngưỡng 150 cá nhân, và khi chúng ta đạt 1.000-2.000 cá nhân, sự khác biệt là rất đáng kinh ngạc. Nếu bạn cố gắng xếp hàng ngàn tinh tinh vào quảng trường Thiên An Môn, phố Wall, Vatican hoặc trụ sở Liên Hợp Quốc, kết quả sẽ rất hỗn loạn. Ngược lại, Sapiens thường xuyên tụ tập lên đến hàng ngàn người ở những nơi như vậy. Cùng nhau, họ tạo ra các mô hình trật tự – chẳng hạn như các mạng lưới thương mại, lễ hội quần chúng và các thiết chế chính trị – những thứ mà họ không bao giờ có thể tạo ra trong cô lập, Sự khác biệt thật sự giữa chúng ta và tinh tinh là chất keo thần thoại dính kết các cá nhân, gia đình và nhóm với số lượng lớn. Chất keo này đã làm cho chúng ta trở thành chủ nhân của sự sáng tạo.
Tất nhiên, chúng ta cũng cần những kĩ năng khác, chẳng hạn như khả năng chế tác và sử dụng công cụ. Song, việc tạo ra công cụ chẳng có ý nghĩa nhiều, trừ khi nó được kết hợp với khả năng hợp tác. Làm thế nào mà bây giờ chúng ta có tên lửa liên lục địa với đầu đạn hạt nhân, trong khi 30.000 năm trước, chúng ta chỉ có gậy với mũi nhọn bằng đá lửa? Về mặt sinh lý học, không có sự cải thiện đáng kể nào trong khả năng tạo ra công cụ của chúng ta suốt 30.000 năm qua. Albert Einstein còn không khéo tay bằng một người hái lượm cổ đại. Tuy nhiên, năng lực hợp tác với nhiều người lạ của chúng ta đã được cải thiện đáng kể. Đá lửa mũi nhọn cổ đại được làm ra trong vài phút bởi một người duy nhất, dựa trên sự tư vấn và giúp đỡ của vài người bạn thân thiết. Việc sản xuất một đầu đạn hạt nhân hiện đại đòi hỏi sự hợp tác của hàng triệu người lạ trên khắp thế giới, từ những công nhân khai thác quặng uranium sâu dưới lòng đất đến các nhà vật lý lý thuyết, những người viết các công thức toán học dài ngoằng để mô tả sự tương tác của các hạt hạ nguyên tử.*
Sau đây là tóm tắt mối quan hệ giữa sinh học và lịch sử sau Cách mạng Nhận thức:
1. Sinh học thiết lập những thông số cơ bản cho hành vi và năng lực của Homo sapiens. Toàn bộ lịch sử diễn ra trong phạm vi của trường sinh học này.
2. Tuy nhiên, trường hoạt động lại vô cùng lớn, cho phép Sapiens chơi nhiều trò đáng kinh ngạc. Nhờ vào khả năng sáng tạo ra những điều hư cấu, Sapiens tạo nên ngày càng nhiều những trò chơi phức tạp, mỗi thế hệ lại càng phát triển và trau chuốt chúng hơn nữa.
3. Do đó, để hiểu cách thức Sapiens cư xử, chúng ta phải mô tả lịch sử phát triển của các hành động của họ. Nếu chỉ nói về những giới hạn sinh học của chúng ta, sẽ giống như một bình luận viên phát thanh thể thao theo dõi World Cup, cung cấp cho người nghe một mô tả chi tiết về sân chơi, chứ không phải một lời giải thích về những gì các cầu thủ đang làm.
Những trò nào mà tổ tiên Thời kỳ Đồ đá của chúng ta đã chơi trong đấu trường của lịch sử? Theo như chúng ta biết, những người điêu khắc nhân sư Stadel khoảng 30.000 năm trước đây đã có các khả năng về thể chất, tình cảm và trí tuệ như chúng ta. Họ đã làm gì khi thức dậy vào buổi sáng? Bữa sáng và bữa trưa của họ có gì? Xã hội của họ thế nào? Họ có mối quan hệ một vợ một chồng và gia đình hạt nhân không? Họ có các lễ hội, các nguyên tắc đạo đức, các cuộc thi đấu thể thao và các nghi thức tôn giáo không? Họ có các cuộc chiến tranh không? Các chương tiếp theo sẽ vén mở đằng sau bức màn của các thời đại, khám phá đời sống trong khoảng thời gian hàng ngàn năm từ Cách mạng Nhận thức đến Cách mạng Nông nghiệp.