BÍ QUYẾT THÀNH CÔNG
Thương mại, các đế quốc và các tôn giáo phổ quát cuối cùng đã đưa gần như tất cả Sapiens trên mọi lục địa đến với thế giới toàn cầu mà chúng ta đang sống ngày nay. Quá trình mở rộng và hợp nhất này không đi theo một con đường tuyến tính và cũng không phải không có những lúc gián đoạn. Tuy nhiên, nhìn vào bức tranh toàn cảnh, ta sẽ thấy quá trình chuyển đổi từ nhiều nền văn hoá nhỏ thành một vài nền văn hoá lớn, và cuối cùng thành một xã hội toàn cầu duy nhất có lẽ là một kết quả tất yếu của những động lực lịch sử loài người.
Nhưng nếu nói một xã hội toàn cầu là tất yếu, thì không đồng nghĩa với việc cho rằng kết quả cuối cùng phải là một hình thái xã hội toàn cầu cụ thể như chúng ta hiện có. Chúng ta hẳn có thể tưởng tượng đến những kết quả khác. Tại sao tiếng Anh hiện nay lại quá phổ biến mà không phải là tiếng Đan Mạch? Tại sao lại có khoảng 2 tỉ tín đồ Ki-tô và 1,25 tỉ tín đồ Hồi giáo, nhưng chỉ có 150.000 tín đồ Bái hỏa giáo, và không còn tín đồ Mani giáo nào? Nếu chúng ta có thể lội ngược lại thời gian về 10.000 năm trước và thiết lập lại quá trình, thì qua thời gian, có phải chúng ta luôn thấy sự nổi lên của độc thần giáo và sự suy tàn của tín ngưỡng nhị nguyên?
Chúng ta không thể làm một thí nghiệm như thế, cho nên chúng ta không thực sự biết chắc. Nhưng một khảo sát về hai đặc điểm quan trọng của lịch sử có thể cung cấp cho chúng ta một số manh mối.
1. Sai lầm của nhận thức muộn màng
Mỗi giai đoạn trong lịch sử đều là một giao lộ. Từ quá khứ đến hiện tại chỉ có một con đường duy nhất, nhưng đến tương lai thì có vô số những ngả rẽ. Một số con đường to hơn, bằng phẳng hơn, được chỉ dẫn tốt hơn, và như thế có lẽ sẽ được nhiều người chọn hơn, nhưng đôi khi lịch sử – hoặc những người làm nên lịch sử – lại đi theo những ngả rẽ bất ngờ.
Vào đầu thế kỷ 4, Đế chế La Mã đối mặt với nhiều lựa chọn tôn giáo. Nó có thể vẫn trung thành với thuyết đa thần truyền thống và đa sắc màu của mình. Nhưng hoàng đế của nó, Constantine, khi nhìn lại một thế kỷ nội chiến tương tàn, dường như đã cho rằng một tôn giáo duy nhất với một lý thuyết rõ ràng có thể giúp thống nhất vương quốc đa sắc tộc của mình. Ông có thể chọn bất kỳ giáo phái đương thời nào làm tín ngưỡng quốc gia: Mani giáo, Mithras giáo, những giáo phái thờ thần Isis hay Cybele, Bái hỏa giáo, Do Thái giáo và kể cả Phật giáo, tất cả đều là những lựa chọn sẵn sàng. Nhưng tại sao ông lại chọn Chúa Jesus? Phải chăng thần học Ki-tô có cái gì đó thu hút con người ông, hay phải chăng một khía cạnh nào đó của nó khiến ông đồ rằng dễ dùng nó làm phương tiện cho những mục đích của mình? Có phải ông đã có một trải nghiệm tôn giáo, hay phải chăng đã có một vài vị cố vấn cho ông gợi ý rằng tín đồ Ki-tô rất nhanh kết nạp tín đồ, và tốt nhất nên vào cùng hội đó? Các sử gia có thể suy đoán, nhưng không thể đưa ra bất kỳ câu trả lời dứt khoát nào. Họ có thể mô tả làm thể nào Ki-tô giáo lại thống trị Đế chế La Mã, nhưng họ không thể giải thích được tại sao chính khả năng cụ thể ấy lại trở thành hiện thực.
Giữa mô tả “làm thế nào’’ và giải thích “tại sao” có sự khác biệt như thế nào? Mô tả “làm thế nào” có nghĩa là dựng lại hàng loạt những sự kiện cụ thể dẫn dắt từ điểm này đến điểm khác; giải thích “tại sao” có nghĩa là tìm những mối liên hệ nhân quả lý giải cho sự xuất hiện của các chuỗi sự kiện cụ thể này và việc loại trừ tất cả những chuỗi sự kiện khác.
Một số học giả trên thực tế đã đưa ra những giải thích tất định về các sự kiện, chẳng hạn sự nổi lên của Ki-tô giáo. Họ cố gắng quy giản lịch sử loài người về hoạt động của các lực sinh học, sinh thái, hay kinh tế. Họ lập luận rằng có một vài khía cạnh nào đó về địa lý, di truyền học, hay kinh tế của Địa Trung Hải thuộc Đế chế La Mã là nguyên nhân tất yếu dẫn đến sự nổi lên của một tôn giáo độc thần. Thế nhưng, hầu hết các sử gia đều có xu hướng hoài nghi những thuyết tất định như vậy. Đây là một trong những biểu hiện nổi bật của lịch sử với tư cách là một ngành học thuật – bạn càng hiểu nhiều về một giai đoạn lịch sử cụ thể nào đó, càng khó giải thích tại sao những điều ấy lại xảy ra theo hướng này mà không phải là hướng kia. Những người chỉ biết nói khơi khơi về một giai đoạn lịch sử nhất định nào đó thì thường có xu hướng chỉ chú tâm vào những khả năng mà rốt cuộc sẽ trở thành hiện thực. Họ đưa ra một câu chuyện trơn tru để lý giải hậu kỳ về việc tại sao kết quả đó là không tránh khỏi. Những ai nắm sâu hơn về giai đoạn lịch sử này sẽ biết rõ hơn về những con đường mà lịch sử đã không đặt bước lên.
Thực tế, những ai am tường về một giai đoạn lịch sử – chứng nhân đã sống ở thời điểm đó – lại chính là những người mơ hồ nhất. Đối với người La Mã bình dân trong thời đại Constantine, tương lai là một màn sương mù. Đã thành quy luật sắt trong lịch sử, những gì mà trong nhận thức muộn màng người ta cho là không thể tránh khỏi, thì vào thời điểm đó không hiển nhiên như vậy. Ngày nay cũng vậy. Có phải chúng ta đã thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, hay là điều tồi tệ nhất vẫn còn chưa tới? Có phải Trung Hoa sẽ tiếp tục phát triển cho đến khi trở thành một siêu cường hàng đầu? Có phải Mỹ sẽ đánh mất quyền bá chủ của mình? Có phải sự bùng lên đột ngột của trào lưu độc thần giáo chính thống là một làn sóng của tương lai, hay chỉ là một xoáy nước ngắn ngủi cục bộ địa phương? Chúng ta đang tiến đến thảm họa sinh thái hay thiên đường về khoa học kĩ thuật? Người ta đưa ra nhiêu lập luận sắc bén để biện minh cho tất cả những kết quả này, nhưng không có cách nào để biết chắc chắn. Trong mấy thập kỷ tới, người ta sẽ nhìn lại và nghĩ lại về câu trả lời cho tất cả các câu hỏi trên thật rõ ràng.
Việc nhấn mạnh rằng những khả năng mà người đương đại dường như rất khó nhận ra lại thường trở thành hiện thực, là điều có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Khi Constantine lên ngồi nám 306, Ki-tô giáo chỉ nhỉnh hơn một giáo phái bí truyền phương Đông một chút. Nếu bạn cho rằng khi đó nó sắp trở thành quốc giáo của La Mã, bạn sẽ bị cười thối mũi, cũng giống như ngày hôm nay, nếu bạn cho rằng đến năm 2030, Hare Krishna sẽ là quốc giáo của Mỹ. Tháng Mười năm 1913, Bolshevik là một phần tử cực đoan nhỏ tại Nga. Không một người biết phải trái nào lại dự đoán rằng chỉ trong vòng bốn năm họ sẽ nắm quyền kiểm soát đất nước. Vào năm 600, nếu nhận định rằng một toán người Ả-rập ngụ cư ở sa mạc sẽ sớm chinh phục dải đất rộng trải dài từ Đại Tây Dương sang Ấn Độ, thì đó sẽ là nhận định thậm chí còn ngớ ngẩn hơn. Thật vậy, nếu quân đội Byzantine có thể đẩy lùi sự tấn công dữ dội ban đầu, Hồi giáo có lẽ sẽ vẫn là một giáo phái bí hiểm mà chỉ có một số ít chuyên gia mới biết đến nó. Những học giả khi ấy có thể dễ dàng lý giải tại sao một tín ngưỡng dựa trên sự mặc khải cho một thương gia Mecca trung niên lại không bao giờ trở nên phổ biến.
Không phải mọi thứ đều có thể. Các lực địa lý, sinh học và kinh tế tạo ra những ràng buộc. Tuy nhiên, những ràng buộc này vẫn để lại nhiều chỗ trống cho những phát triển bất ngờ, những điều dường như không bị ràng buộc bởi bất kỳ định luật tất định nào.
Kết luận này làm thất vọng nhiều người vốn thích lịch sử là tất định. Thuyết tất định có tính hấp dẫn, bởi nó hàm ý rằng thế giới và những niềm tin của chúng ta là sản phẩm tự nhiên và là tất yếu lịch sử. Việc chúng ta sống trong những quốc gia dân tộc, tổ chức nền kinh tế của chúng ta theo những nguyên tắc tư bản, và tin tưởng nhiệt thành vào nhân quyền là điều tự nhiên và tất yếu. Thừa nhận rằng lịch sử không có tính tất định, chính là thừa nhận rằng việc hầu hết mọi người ngày nay tin tưởng vào chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa tư bản và nhân quyền chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Lịch sử không thể được lý giải một cách tất định cũng như không thể dự đoán trước được, vì nó có tính hỗn độn. Rất nhiều lực đang cùng tác động và những tương tác của chúng phức tạp đến nỗi chỉ cần những thay đổi cực kỳ nhỏ trong cường độ của những lực này và cách chúng tương tác với nhau, cũng tạo ra những kết quả khác biệt vô cùng. Không chỉ vậy, lịch sử còn được gọi là một hệ thống hỗn độn “cấp hai”. Các hệ thống hỗn độn có hai cấp độ. Hỗn độn cấp một là hỗn độn không phản ứng với những dự đoán về nó. Ví dụ, thời tiết là một hệ thống hỗn độn cấp một. Tuy nó bị chi phối bởi vố số yếu tố, song chúng ta có thể xây dựng những mô hình máy tính xử lý nhiều biến hơn và đưa ra những dự báo thời tiết ngày càng chính xác hơn.
Hỗn độn cấp hai là hỗn độn có phản ứng với những dự đoán về nó, và do đó không bao giờ có thể tiên đoán được chính xác. Ví dụ, thị trường là một hệ thống hỗn độn cấp hai. Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta xây dựng một chương trình máy tính dự đoán giá dầu ngày mai với độ chính xác 100%? Giá dầu sẽ lập tức phản ứng với tiên đoán này, và dự báo không thể trở thành hiện thực. Nếu giá dầu hiện thời là 90 đô-la một thùng, và một chương trình máy tính chính xác tuyệt đối dự đoán rằng ngày mai nó sẽ lên 100 đô-la, các nhà đầu tư sẽ đổ xô đi mua dầu để trục lợi từ giá được dự báo tăng. Kết quả là giá sẽ tăng vọt lên 100 đô-la một thùng ngay hôm nay chứ không phải ngày mai. Vậy, những gì sẽ xảy ra vào ngày mai? Không ai biết.
Cũng như vậy, chính trị là một hệ thống hỗn độn cấp hai. Nhiều người chỉ trích các nhà Xô-viết học đã không tiên đoán được cuộc cách mạng năm 1989, và khiển trách nặng nề những nhà nghiên cứu Trung Đông vì đã không lường trước được những cuộc cách mạng Mùa xuân Ả-rập năm 2011. Điều này thật không công bằng. Các cuộc cách mạng, theo định nghĩa, là điều không thể đoán trước được. Một cuộc cách mạng đoán trước được thì sẽ khống bao giờ nổ ra.
Tại sao không? Hãy tưởng tượng đó là năm 2010, và một số nhà khoa học chính trị thiên tài móc ngoặc với một tay phù thủy máy tính để phát triển một thuật toán chính xác tuyệt đối, mà khi kết hợp với một giao diện hấp dẫn có thể bán ra thị trường như một phần mềm dự đoán cách mạng. Họ bán dịch vụ của mình cho Tổng thống Hosni Mubarak của Ai Cập để đổi lấy một khoản tiền hậu hĩnh, ngầm báo cho Mubarak biết rằng theo dự đoán của họ, một cuộc cách mạng chắc chắn sẽ bùng nổ ở Ai Cập vào năm tiếp theo. Mubarak sẽ phản ứng thế nào? Khả năng cao là ông sẽ ngay lập tức giảm thuế, đem hàng tỉ đô-la phát không cho các công dân của mình – và cũng cho tăng cường lực lượng cảnh sát chìm để phòng xa. Những biện pháp đón đầu này đã thành công. Mỗi năm đến rồi đi, và thật bất ngờ, không có cuộc cách mạng nào. Mubarak đòi lại tiền. “Thuật toán của các ông thật vô giá trị!” Ông hét lên với những nhà khoa học. “Lẽ ra tôi đã có thể xây một cung điện khác, thay vì đem tiêu tất cả số tiền đó!” “Nhưng cách mạng đã không xảy ra là vì chúng tôi đã dự đoán nó”, các nhà khoa học bào chữa. “Nhà tiên tri là người dự đoán những điều không xảy ra ư?” Mubarak vừa nói vừa ra hiệu cho cận vệ bắt giữ họ. “Tôi có thể kiếm được hàng tá những kẻ như thế với giá gần như cho không ngoài chợ Cairo”.
Vậy tại sao lại nghiên cứu về lịch sử? Không giống như vật lý hay kinh tế, lịch sử không phải là phương tiện để đưa ra những dự đoán chính xác. Chúng ta nghiên cứu lịch sử không phải để biết tương lai, mà để mở rộng chân trời hiểu biết của mình, để hiểu rằng tình trạng hiện nay của chúng ta không phải do tự nhiên, cũng không phải do tất yếu, và kết quả là chúng ta có nhiều lựa chọn hơn mình tưởng. Ví dụ, nghiên cứu việc người châu Âu đã thống trị người châu Phi như thế nào giúp chúng ta nhận ra, rằng không có gì là tự nhiên hay tất yếu về sự phân biệt chủng tộc, và rằng thế giới lẽ ra cũng có thể được sắp xếp theo một cách khác.
2. Nữ thần sử họcmù lòa
Chúng ta không thể giải thích những lựa chọn của lịch sử, nhưng chúng ta có thể nói điều gì đó rất quan trọng về chúng: những lựa chọn của lịch sử đã không được quyết định vì lợi ích của con người. Hoàn toàn chưa có bằng chứng cho thấy hạnh phúc của con người nhất định được cải thiện theo dòng lịch sử đang cuồn cuộn chảy. Không có bằng chứng cho thấy các nền văn hoá có ích cho con người nhất định phải thành công và lan rộng, còn những nền văn hoá ít có lợi hơn thì biến mất. Không có bằng chứng cho thấy Ki-tô giáo là một lựa chọn tốt đẹp hơn so với Mani giáo, hay Đế chế Ả-rập thì tốt hơn so với Đế chế Sasanid của người Ba Tư.
Không có bằng chứng nào cho thấy lịch sử đang vận hành vì lợi ích của con người, vì chúng ta thiếu một cái cân khách quan để đo đếm những lợi ích như vậy. Các nền văn hoá khác nhau định nghĩa về chân thiện mĩ khác nhau, và chúng ta không có thước đo khách quan để xét đoán chúng. Dĩ nhiên, kẻ chiến thắng luôn tin rằng định nghĩa của họ là chính xác. Nhưng tại sao chúng ta phải tin theo kẻ chiến thắng? Tín đồ Ki-tô tin rằng chiến thắng của Ki-tô giáo trước Mani giáo là có lợi cho loài người, nhưng nếu chúng ta không chấp nhận thế giới quan của Ki-tô giáo thì chẳng có lý do gì để đồng ý với họ. Tín đồ Hồi giáo tin rằng sự sụp đổ của Đế chế Sassanid trước người Hồi giáo đã mang lại lợi ích cho loài người. Nhưng những lợi ích này chỉ hiển nhiên khi chúng ta chấp nhận thế giới quan Hồi giáo. Rất có thể nhân loại sẽ tốt đẹp hơn nếu cả Ki-tô giáo và Hồi giáo đều rơi vào lãng quên, hoặc bị đánh bại.
Ngày càng có nhiều học giả xem văn hoá như là một căn bệnh nhiễm trùng hay ký sinh trên não, còn con người là vật chủ vô thức của nó. Ký sinh trùng hữu cơ, như virus, sống trong cơ thể vật chủ của chúng. Chúng sinh sôi nảy nở và lan truyền từ vật chủ này sang vật chủ khác, lấy dinh dưỡng từ vật chủ, làm họ bị suy kiệt, và thậm chí giết chết họ. Miễn là vật chủ sống đủ lâu để lây truyền ký sinh trùng, còn ký sinh trùng thì chẳng quan tâm mấy đến tình trạng của vật chủ. Giống như cách này, tư tưởng văn hoá sống bên trong trí óc con người. Chúng sinh sôi nảy nở và lây truyền từ vật chủ này sang vật chủ khác, đôi khi làm suy kiệt vật chủ, và có lúc giết chết họ. Một tư tưởng văn hoá – chẳng hạn niềm tin vào thiên đường Ki-tô giáo trên những đám mây – có thể thôi thúc một người dành cả đời mình cho sứ mạng truyền bá tư tưởng đó, cho dù phải đánh đổi bằng mạng sống. Người thì chết, nhưng tư tưởng thì nhân rộng. Theo cách tiếp cận này, các nền văn hoá không phải là những âm mưu được một số người dựng lên để lợi dụng người khác. Đúng hơn, văn hoá là những ký sinh trùng trên não xuất hiện ngẫu nhiên và sau đó lợi dụng tất cả những người bị chúng lây nhiễm.
Cách tiếp cận này đôi khi được gọi là thuyết meme.* Nó giả định rằng, giống như việc quá trình tiến hoá hữu cơ dựa trên sự sao chép các đơn vị thông tin hữu cơ được gọi là “gene”, tiến hoá văn hoá dựa trên sự sao chép các đơn vị thông tin văn hoá thì được gọi là “meme”.Những văn hoá thành công là những văn hoá nổi trội trong việc tái sinh các meme của chúng, bất chấp những chi phí và lợi ích đối với các vật chủ là con người.
Hầu hết các học giả ngành nhân văn đều xem nhẹ thuyết meme, cho rằng nó chỉ là một nỗ lực nghiệp dư nhằm giải thích các quá trình văn hoá bằng những phép ngoại suy sinh học thô sơ. Nhưng nhiều người trong số đó lại bám lấy anh em sinh đôi của thuyết này – chủ nghĩa hậu hiện đại. Những nhà tư tưởng hậu hiện đại nói về các diễn ngôn không phải meme như những khối gạch xây nên văn hoá. Tuy nhiên, họ cũng thấy văn hoá tự truyền bá đi khắp nơi nhưng lại ít quan tâm đến lợi ích của loài người. Ví dụ, các nhà tư tưởng hậu hiện đại mồ tả về chủ nghĩa dân tộc như một bệnh dịch chết người lấy lan khắp thế giới trong thế kỷ 19 và 20, gây ra chiến tranh, áp bức, thù hận và diệt chủng. Thời khắc mà người dân của một quốc gia bị lây nhiễm virus đó, người dân ở những quốc gia láng giềng cũng có thể bị lây nhiễm theo. Virus chủ nghĩa dân tộc mặc nhận nó có lợi cho loài người, thế nhưng nó chỉ mang lại lợi ích chủ yếu cho chính nó.
Những lập luận tương tự cũng phổ biến trong các ngành khoa học xã hội, dưới sự bảo hộ của lý thuyết trò chơi. Lý thuyết trò chơi giải thích việc làm thế nào mà trong những hệ thống nhiều người chơi, các quan điểm và mô hình hành vi gây tổn hại cho tất cả người chơi lại vẫn xoay xở để bén rễ và lan rộng. Chạy đua vũ trang là một ví dụ mà ai cũng biết. Nhiều cuộc chạy đua vũ trang đã làm phá sản tất cả những người tham gia, mà không thực sự làm thay đổi được cán cân quyền lực quân sự. Khi Pakistan mua máy bay hiện đại, Ấn Độ cũng đáp lại. Khi Ấn Độ phát triển bom nguyên tử, Pakistan cũng theo gót. Khi Pakistan mở rộng lực lượng hải quân, Ấn Độ cũng phản pháo. Và kết thúc quá trình, cán cân quyền lực có thể vẫn như cũ, nhưng hàng tỉ đô-la thay vì được đầu tư vào giáo dục hay y tế, lại bị tiêu hao vào vũ khí. Tuy nhiên, động lực chạy đua vũ trang thật khó cưỡng lại. “Chạy đua vũ trang” là một mô hình hành vi có thể tự lan truyền như một loại virus, từ nước này sang nước khác, làm tổn hại đến tất cả mọi người, nhưng có lợi cho mình nó, theo những tiêu chuẩn tiến hoá của tồn tại và sinh sản. (Nhớ rằng một cuộc chạy đua vũ trang giống như một gen vô thức – nó không chủ đích tìm cách tồn tại và sinh sản. Sự nhân rộng của nó là kết quả không chủ đích của một động lực mạnh mẽ).
Bất kể bạn gọi nó là gì – lý thuyết về trò chơi, chủ nghĩa hậu hiện đại, hay thuyết meme – những động lực của lịch sử không hướng đến việc nâng cao đời sống con người. Không có cơ sở để nghĩ rằng những nền văn hoá thành công nhất trong lịch sử nhất thiết phải là những nền văn hoá tốt nhất cho Homo sapiens. Giống như sự tiến hoá, lịch sử xem nhẹ hạnh phúc của các sinh vật riêng lẻ. Và cá nhân con người, về phần mình, thường quá ngu muội và yếu đuối nên chẳng thể tác động đến tiến trình lịch sử theo hướng có lợi cho họ.
Lịch sử đi từ một giao lộ này đến một giao lộ kế tiếp, vì những lý do khó hiểu nào đó, lựa chọn đi theo hướng này trước tiên, rồi mới đến hướng khác. Khoảng năm 1300, lịch sử đã có sự lựa chọn quan trọng nhất, thay đổi không chỉ số phận của loài người, mà có thể là số phận của tất cả sự sống trên Trái đất. Chúng ta gọi đó là Cách mạng Khoa học. Nó bắt đầu ở Tây Âu, một bán đảo lớn ở phía cực tây của Á-Phi, mà cho đến lúc đó không có vai trò quan trọng đặc biệt nào trong lịch sử. Vì sao Cách mạng Khoa học bắt đầu ở đó chứ không phải những nơi khác, và tại sao không ở Trung Hoa hay Ấn Độ? Vì sao nó khởi thủy vào giữa thiên niên kỷ 2 chứ không phải là hai thế kỷ trước đó hay ba thế kỷ sau đó? Chúng ta không biết. Các học giả đã đưa ra hàng tá lý thuyết, nhưng không cái nào trong đó đặc biệt thuyết phục.
Lịch sử có một chân trời bao la những khả năng, và rất nhiều trong đó không bao giờ trở thành hiện thực. Ta có thể tưởng tượng lịch sử đi xuyên các thế hệ trong khi bỏ qua Cách mạng Khoa học, và cũng có thể tưởng tượng lịch sử mà không có Ki-tô giáo, không có Đế chế La Mã, và không có những đồng tiền vàng.