Thế nhưng dù có thành kến với bà Mỹ Hương và nghĩ về Mỹ Chi như thế, nhưng ấn tượng đầu tiên khi nhìn thấy Mỹ Chi, Tịnh Phương cũng không khó khăn đến nỗi ngắm nhìn cô ta bằng đôi mắt ghét bỏ của mình. Và chỉ qua vài ba ngày sống chung, Tịnh Phương đã phải thành thật mà nhận rằng, Mỹ Chi không có cái thói điệu dạng, kiểu cách như bà Mỹ Hương.
Gặp Tịnh Phương, Mỹ Chi tỏ ra rất vui. Vì lớn hơn Tịnh Phương tới bốn tuổi nên cô coi Tịnh Phương như cô em gái nhỏ cuả mình, và đáp lại, Tịnh Phương cũng thân thiết với Mỹ Chi một cách nhanh chóng. Mỹ Chi đã cùng Tịnh Phương nhỏ to tâm sự, và biết bao nhiêu điều đã được hai cô gái nói với nhau.
Nhìn sự thân thiết của con gái và Mỹ Chi, ông Tịnh thấy vui mừng. Ông đã lo sợ sự bất hòa sảy ra giữa hai cô gái theo cách nghĩ thường tình. Thế mà điều đó không những không sảy ra mà thực tế lại còn ngược lại theo chiều hướng tốt đẹp làm ông thấy thực sự hạnh phúc. Từ giờ chở đi, con gái ông sẽ không còn cô độc, sẽ không còn lủi thủi vào ra một mình nữa.
Thế nhưng trong nhà có một người lại thật sự không vui khi nhìn thấy hai cô gái hòa thuận với nhau như thế. Người đó chính là bà Mỹ Hương. Tuy ngoài mặt bà vẫn tỏ ra vui vẻ và hài lòng khi thấy con gái mình thân thiết với Tịnh Phương, nhưng trong lòng bà thì không muốn hai cô gái thân thiết với nhau một tý nào.
Bởi vì bà Mỹ Hương chẳng hề lạ gì bản chất của cô con gái mình. Và như thế thì cứ mãi ở gần bên Tịnh Phương, chẳng mấy chốc Mỹ Chi sẽ để lộ sự thua kém của mình ra mà thôi, nhất là ở một nơi quê mùa như ở nơi này.
Tuy thế, bà Mỹ Hương không biết làm cách gì khác hơn là âm thầm để tìm cách tách lìa hai cô gái để có thể tạo cho Mỹ Chi có một giá trị nào đó, như thế mới mong tìm được cho cô một tấm chồng. Mà nơi đó thì bà Mỹ Hương đã chọn sẵn rồi.
Sáng nay, Tịnh Phương rủ Mỹ Chi đi chợ. Cô nói với người chị bất ngờ mà có của mình:
- Chị Chi, đi chợ chơi không?
Mỹ Chi ngần ngại:
- Chợ ở đây thì có gì mà đi?
Tịnh Phương khuyến khích:
- Thiếu gì cái cho mình coi, chợ nhà quê vậy chứ cũng có nhiều hàng hóa lắm đó. Cố điều hàng hóa ở đây chỉ có sản phẩm của nhà nông là chính mà thôi.
Mỹ Chi lắc đầu:
- Chị cũng không cần phải mua gì, có cần phải ra chợ không?
Tịnh Phương nắm tay Mỹ Chi kéo đi:
- Cứ đi đi mà, coi cho biết chợ nhà quê với người ta chứ kẻo mai mốt về thành phố lỡ có ai hỏi lại không biết cái chợ nhà quê như thế nào.
Mỹ Chi miễn cưỡng đứng lên:
- Thì đi một lần cho biết cũng được.
Tịnh Phương dẫn Mỹ Chi đi, dọc đường, cô chỉ tay vào mọi thứ trông thấy để giải thích cho Mỹ Chi biết và vùng đất đơn sơ này. Thoạt đầu, Mỹ Chi chỉ nghe một cách hờ hững, lãnh đạm vì tất cả mọi thứ đều mang một dáng vẻ tầm thường, ảm đạm trong mắt cô.
Nhưng rồi thái độ của Mỹ Chi thay đổi khi được Tịnh Phương chỉ cho cô trông thấy trang trại của gia đình mình. Cô ngạc nhiên hết sức trước một cơ ngơi to lớn như vậy. Một khu vực rộng lớn được rào chắn cẩn thận. Mỹ Chi trầm trồ:
- Không ngờ đất đai của dượng lại rộng đến như vậy. Có phải là đất hương hỏa không hở Phương?
Tịnh Phương lắc đầu
- Không phải đâu, ông bà nội em ở Saigon chứ đâu có ở đây mà hương hỏa cái gì. Đất này là do ba mẹ em mua từ khi về đây lập nghiệp đó chứ
Mỹ Chi ngạc nhiên:
- Chị tưởng đây là quê nội của em nên dượng mới về làm ăn, không ngờ lại là như vậy. Nhưng mà sao kỳ vậy Phương, dượng là bác sĩ giỏi như thế sao không ở Saigon làm việc cho dễ thăng tiến lại về đây ở như vậy? Chẳng lẽ dượng bất mãn điều gì hay sao?
Tịnh Phương lắc đầu, cô cười nhẹ:
- Nhiều người cũng thắc mắc như chị vậy đó, nhưng mà không phải vậy đâu. Em nghe ba kể là hồi đó, mẹ em bệnh nặng nên ba em mới đưa mẹ em về đây. Không khí ở nơi này trong lành nên mẹ em mới khỏe lại được đó chứ. Sau này khi mẹ em mất rồi, ba em thấy quyến luyến nơi này nên ở lại đây luôn. Không ngờ ba em may mắn được gặp cơ hội nên mới tạo được cơ ngơi như vậy đó chứ.
- Vậy là tài sản của dượng là cái trang trại rộng lớn này à?
Tịnh Phương thành thật:
- Không phải chỉ có bấy nhiêu thôi đâu, ba em còn mua đất nữa. Nhưng em không biết là bao nhiêu, với lại gần đây, giá đất cũng cao lên ba em bán đi một số rồi đó.
Mỹ Chi lặng im, cô không hỏi gì nữa nhưng trong lòng cô thầm phục mẹ mình. Té ra bà không ngờ nghệch để về làm vợ một ông nông dân nhà quê như cô vẫn nghĩ, mà bà đã khôn ngoan chọn được một cái vỏ vàng. Hơn nữa, trông thấy ông Tịnh, cô cũng đã bỏ đi cái ý nghĩ thiển cận của mình rồi. Vì tuy sống ở vùng đất quê mùa này nhưng ông Tịnh vẫn có một phong thái của người trí thức.
Nhớ lại thời gian vừa qua, Mỹ Chi càng thấy mẹ mình khôn ngoan. Bà đã chọn một con đường hết sức đứng đắn. Và nhất định tương lai của cô cũng sẽ được bảo đảm chứ không bi đát như cô đã từng nghĩ đâu. Và việc cô về đây một cách miễn cưỡng thì bây giờ lại hóa ra một việc làm hết sức hợp thời.
- Chị Chi, vào đây chơi một lát đã nha!
Câu nói của Tịnh Phương vang lên bên tai cùng với cái kéo tay khá mạnh của cô làm Mỹ Chi sực tỉnh. Cô rời bỏ những ý nghĩ lan man của mình để quay về với thế giới thực tại:
- Vào đây chơi thì có làm phiền ai không?
Tịnh Phương hỏi lại Mỹ Chi:
- Sao lại làm phiền? Mà làm phiền ai?
Mỹ Chi vụng về nhìn quanh:
- Thì những người đang làm việc ở đây đó, người ta không thích mình quấy rầy người ta thì sao?
Tịnh Phương bật cười:
- Làm gì có chuyện đó, em là cô chủ nhỏ ở đây mà. Em vào nhà mình thì làm phiền đến ai đâu.
- Nhưng mà chị khác với em...
- Khác gì đâu nào! Chị cũng là người một nhà với em mà. Sẽ không làm phiền ai hết đó. Vào đây em chỉ cho chị coi con bà con mới sanh hôm tuần trước, trông nó dễ thương lắm.
Mỹ Chi lặng lẽ đi theo sau lưng Tịnh Phương, cô mang một cảm giác nặng nề khi nghĩ mình chỉ là một kẻ theo đuôi Tịnh Phương mà thôi. Tất cả những thứ này rồi sẽ là của cô ta. Mình có gì trong tay đâu!
Cả hai chưa đi vào đến cửa của căn phòng đầu tiên thì gặp một thanh niên đang vội vã từ trong đó bước ra. Trông thấy anh thanh niên này, Tịnh Phương vui mừng reo lên:
- Anh Thoại, anh đến đây gặp ba em hở?
Thoại cũng tỏ ra vui mừng:
- Không anh có chút việc ở đây chứ không tìm chú Tịnh
Tịnh Phương thắc mắc:
- Vậy thì anh làm gì ở đây? Chẳng phải là anh đã nói với em tối qua là anh sẽ đi Saigon sáng nay rồi hay sao?
Thoại gật đầu:
- Đúng rồi nhưng hồi tối hôm qua dì Năm bị sốt quá cao nên anh phải qua chăm sóc cho dì ấy.
Tịnh Phương vội vã hỏi:
- Dì Năm bị sao vậy anh Thoại? Có nặng lắm không?
Thoại lắc đầu:
- Dì Năm không sao em yên tâm. Dì ấy chỉ là bị cảm cúm do thời tiết mà thôi. Nhưng vì dì ấy coi thường bệnh hoạn của mình mà cứ làm việc mãi nên mới bị sốt như thế mà thôi.
- Vậy bây giờ dì ấy sao rồi?
- Dì Năm ổn rồi, em không phải lo đâu. Anh đã bắt dì ấy phải nằm yên trên giường ít nhất là hai ngày.
Tịnh Phương bật cười:
- Anh liệu có bắt được dì Năm hay không? Hay là chỉ cần anh vừa bước chân ra khỏi đây thì dì ấy đã lại nhào ngay xuống nhà bếp?
Thoại cũng bật cười, anh giơ tay lên đầu như tỏ thái độ đầu hàng:
- Chừng đó thì anh cũng đành phải chịu thua mà thôi. Ở đây ai mà không biết tính cứng đầu hạng nhất của dì Năm.
Tịnh Phương trấn an Thoại:
- Lần này thì anh đừng lo, em sẽ vào bắt dì Năm về nhà nghỉ ngơi chứ không để dì ở lại đây đâu.
Thoại gật đầu:
- Ở, có như vậy thì may ra dì ấy mới chịu nghỉ ngơi. Mà sáng nay em tới đây làm việc hay sao?
Tịnh Phương hồn nhiên cười:
- Không em đâu có siêng năng đến như thế đâu. Chỉ là do em muốn đưa chị Mỹ Chi đi dạo quanh đay một vòng, sắn tiện đưa chị ấy vào chơi một chút thôi mà.
Mãi tới lúc này Thoại mới đưa mắt nhìn sang Mỹ Chi. Anh tò mò:
- Thế cô Mỹ Chi là...
Thoại buông lửng câu hỏi của mình, nhưng Tịnh Phương đã hiểu ngay thắc mắc của anh. Cô nhanh nhẩu trả lời ngay ;
- À chị Chi là con của dì Hương.Từ bây giờ chị ấy sẽ ở nhà em và là láng giềng của anh Thoại rồi đấy. Anh mau chào hỏi để làm quen đi!
Câu nói của Tịnh Phương làm Thoại hơi ngượng, nhất là khi đôi mắt Mỹ Chi cứ chằm chằm nhìn thẳng vào anh. Và Mỹ Chi đã chủ động lên tiếng trước:
- Chào anh, rất hân hạnh được làm quen với anh.
Thoại hơi bất ngờ trước câu chào hỏi khách sáo của Mỹ Chi. Tuy học ở thành phố đã lâu, nhưng anh vẫn chưa quen với kiểu cách như thế. Vì thế, anh lung túng ra mặt và ngập ngừng chào lại:
- À...! Chào cô...
Tịnh Phương tinh ý thấy ngay được sự lúng túng của Thoại, cô “ cứu nguy “ cho anh:
- Anh nói là phải đi Saigon hở? Vậy có cần phải đi gấp không?
Thoại hiểu ngay được ý tứ trong câu nói của Tịnh Phương, anh gật đầu ngay lập tức:
- Cần chứ, chiều nay anh phải đi thực tập mà. Anh phải đi ngay bây giờ đây.
Tịnh Phương gật đầu:
- Vậy thì anh đi ngay đi kẻo trễ, cũng đã gần tám giờ rồi đó.
Thoại xốc chiếc túi trên vai lại cho ngay ngắn, anh nói với Tịnh Phương và Mỹ Chi ;
- Vậy thì chào hai cô anh đi đây.
Thoại vội vã bước đi thật nhanh, không đợi hai cô gái đáp trả lời chào của mình.
Nhìn theo Thoại một thoáng, rồi Mỹ Chi hỏi Tịnh Phương:
- Anh đó là ai vây?
Không một chút ngần ngại Tịnh Phương trả lời ngay:
- Anh Thoại là con của bác Mẫn ở sát bên nhà mình đó – Rồi Tịnh Phương khoe ngay – Chị biết không, anh Thoại giỏi lắm đó. Anh ấy sắp là bác sĩ rồi đó, mà lại là bác sĩ giỏi nữa đấy nhé.
Mỹ Chi bật cười:
- Anh ấy mới chỉ “ chuẩn bị “ làm bác sĩ chứ đã là bác sĩ đâu mà em đã khen anh ấy giỏi?
Tịnh Phương cao hứng cãi ngay:
- Thế thì chị không biết rồi, anh ấy luôn luôn là sinh viên xuất sắc nhất lớp đấy. Năm nào anh ấy cũng đứng đầu lớp, rất được các giáo sư coi trọng đấy nhé. Ngay cả ba em cũng khen là anh ấy có bàn tay vàng đấy.
Mỹ Chi ngạc nhiên:
- Sao lại “ bàn tay vàng “? Chẳng nhẽ dượng ví anh ấy như một người thợ hay sao?
Tịnh Phương cười to:
- Đúng là chị không biết gì cả, anh ấy là bác sĩ giải phẫu giỏi thì bàn tay của anh ấy là bàn tay vàng chứ sao. Nghe đâu anh ấy sắp được đi tu nghiệp ở Pháp rồi đó
Mỹ Chi không hỏi gì thêm nữa, nhưng trong lòng cô đã có một chủ đích. Một ý nghĩ táo bạo đã thành hình trong đầu cô, nhưng tất cả mới chỉ là trong ý nghĩ của Mỹ Chi mà thôi. Cô còn phải hỏi lại mẹ mình cho chắc chắn đã.