Rèn Nghị Lực Để Lập Thân

Phần II - Chương 3: Quyết định

Cái gì có thể làm bất kỳ lúc nào, thì không bao giờ được làm hết.

TỤC NGỮ ANH

Chăm chú rình cơ hội, khôn khéo và mạnh bạo nắm lấy nó, hăng hái và kiên nhẫn dùng nó, đó là những đức để thành công.

AUGUSTIN PHELPS

 

1. Người kém nghị lực không biết quyết định mau

Người ta thường cho những người do dự không biết quyết định là kém nghị lực. Sự nhận xét đó rất đúng.

Trừ một số ít người không biết tự suy nghĩ lấy và luôn luôn để người khác dắt dẫn, còn phần đông đều muốn tự lựa đường đi, có sáng kiến, muốn làm việc này việc khác song đến khi quyết định thì mười người có đến bảy tám quyết định vụng về hoặc chậm chạp, để lỡ mất cơ hội.

Vậy muốn rèn nghị lực để thành công thì sau khi vạch mục đích như chương trên tôi đã chỉ, phải xét hết những phương tiện có thể dùng được rồi lựa một phương tiện tốt nhất để thực hiện. Phải suy nghĩ kỹ rồi ghi rõ từng giai đoạn, cách thức trong chương trình thực hành để sau khỏi thay đổi ý kiến mà quyết định đi, quyết định lại ba bốn lần, như anh bạn xây cất kho hàng tôi đã kể ở trên.

2. Trong những việc nhỏ ta thường do dự nhất

Nguyệt san Selection Reader’s Digest tháng 5 năm 1955 đăng một bài tuỳ bút lý thú của H. Ellis. Chắc bạn đã biết, bên Âu, nhà nào cũng có lò sưởi thường đốt bằng củi và mỗi năm một hai lần phải gọi thợ tới cạo muội khói đóng trong ống khói. Một buổi tối nọ, một ông chủ nhà thấy khói và tàn lửa bốc ở miệng ống khói lên nhiều khác thường biết rằng trong ống khói có một cục khói lớn đương cháy. Chỉ cần đổ một thùng nước vào miệng ống khói là êm, nhưng không có cách nào leo lên đó được. Ông ta suy nghĩ, do dự không biết nên gọi sở chữa lửa hay không. Tiếng nổ lốp bốp tăng trong ống khói, bà vợ hoảng, ông ta phải kêu điện thoại; còn đương do dự chưa biết nên nói sao, vì chưa phải là đám cháy, thì nhân viên sở Chữa lửa hỏi địa chỉ ông ta rồi cắt liền. Một phút sau lửa đã tắt, khói gần hết tuôn thì một đội lính rầm rộ với xe hơi, với vòi rồng ào tới. Ông ta mắc cỡ quá, chỉ còn cách là cười xoà và khui rượu đãi đội lính.

Truyện không có chi nhưng viết bằng một giọng hài hước đặc biệt của dân tộc Anh và chứa một tâm lý rất đúng: trong những việc quan trọng, bất kỳ người nào cũng quyết định mau được vì không có cách gì lựa chọn, còn trong những việc lằng nhằng, chỉ những người sáng suốt, có tư cách mới tránh được tật do dự. Nếu căn nhà đó phát hoả thì ông chủ ấy đã kêu sở Chữa lửa liền; nó chưa cháy, chỉ mới có thể cháy được thôi, nên ông ta mới khó nghĩ. Trong đời, những bài toán nhỏ lại thường khi khó giải quyết hơn những bài toán lớn.

Sáng chủ nhật, ngủ dậy, chưa biết làm gì cho hết ngày, bạn ngồi lơ mơ suy nghĩ, nửa muốn nằm nhà đọc nốt cuốn tiểu thuyết, nửa muốn đi Thủ Đức lội. Ăn sáng xong, bạn vẫn còn lưỡng lự, sau tự nhủ: “Thôi, đi Thủ Đức”. Bạn bận quần áo, nhưng vẫn không hăng hái đi, lại nghĩ đến một bộ phim ở rạp Casino, rồi bạn đi ra đi vào, năm lần bảy lượt, mà vẫn chưa quyết định được là đi đâu. Kế đó một người bà con tới thăm, bạn tiếp chuyện, khi người đó ra về, ngó đồng hồ thì quá giờ coi hát bóng và đi Thủ Đức, bạn bèn thay quần áo, nằm trên ghế đu, mở tiểu thuyết ra đọc.

Ai đã chẳng có nhiều lần do dự trong hàng giờ trong những việc lặt vặt như vậy? Thói đó có hại cho nghị lực, ta phải diệt nó.

Khi lựa một cuốn sách, một thứ vải may áo, ta tự cho ta vài phút để suy nghĩ thôi rồi quyết định ngay.

Nếu có ai hỏi ta:

- Hai thứ này, ông thích thứ nào?

thì ta không được trả lời:

- Thứ nào cũng được.

hoặc:

- Tuỳ ý ông.

Có lẽ sự lựa chọn đó không quan trọng gì thật và lấy thứ này hay thứ kia thì cũng vậy, nhưng thái độ không biết quyết định đó nhất định phải bỏ.

Một cách công hiệu nữa để tập quyết định là mỗi tối, trước khi đi ngủ, lập chương trình rõ ràng cho công việc hôm sau rồi thực hành cho được chương trình ấy.

3. Bên tình bên hiếu

Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp quan trọng làm ta trù trừ rất lâu. Những lúc ấy, trong thâm tâm ta có sự chiến đấu giữa hai ba tình cảm, thị dục, và ta đau khổ lắm. Sự chiến đấu đó thường được dùng làm đề tài cho nhiều tiểu thuyết, kịch, tuồng bất hủ đông và tây. Bi kịch Le Cid của Corneille dựng trên sự xung đột giữa hiếu và tình, và Nguyễn Du cũng đã tả nỗi đoạn trường của Thuý Kiều khi bán mình chuộc cha.

Tuỳ tính tình mọi người, tuỳ sự giáo dục trong gia đình và tuỳ hoàn cảnh xã hội mà hiếu thắng hoặc tình thắng, danh dự đoàn thể thắng hay hạnh phúc cá nhân thắng, mà sự xung đột - tức sự do dự - kéo dài hàng tuần, hàng tháng hay chỉ trong một đêm, một buổi. Càng kéo dài thì chữ hiếu hoặc danh dự đoàn thể càng khó thắng. Ở đây, lý trí giữ một địa vị rất nhỏ; thắng hay bại phần nhiều do tình cảm, phong tục, cho nên tập cho trẻ theo con đường chính từ hồi nhỏ, cho tâm hồn chúng thấm nhuần những tình cảm cao đẹp cũng là một cách rèn nghị lực cho chúng để sau này chúng dễ quyết định trong những sự xung đột ấy.

4. Đừng sợ sống

Muốn quyết định mau và đúng, nhiều khi ta phải biết đừng sợ sống.

Một trong những việc quan trọng nhất trong đời là lựa người bạn trăm năm. Đời ta sướng hay khổ, thành công hay thất bại một phần lớn do sự quyết định ấy mà trường học chẳng hướng dẫn được chút gì trong việc lựa chọn ấy cả. Chương trình ban trung học có dành một hai giờ luân lý để giảng về hôn nhân, chỉ tính cách thiêng liêng của nó và nhắc học sinh nên nghĩ đến đức hạnh, học thức, sức khoẻ của người mình muốn chọn, chứ đừng nghĩ đến sắc đẹp, tiền của… toàn là những điều vô bổ vì học sinh nào mà không biết lẽ đó?

Điều quan trọng nhất là khi lập gia đình ta không nên sợ sống mà nên sẵn sàng chịu trách nhiệm về cuộc sống chung của đôi bên và nhận sự may rủi trong đời, thì không sách nào không chương trình nào dạy cả, thành thử một số đông thanh niên - phần nhiều là những người có tâm hồn – e ngại, do dự khi quyết định về hôn nhân để đến nỗi bỏ lỡ những cơ hội mà sau này phải ân hận.

Nhiều học sinh cũ, thân tín của tôi tỏ ra tâm trạng đó và viết những bức thư thành thực, cảm động phô bày nỗi lo sợ rụt rè của mình và nhờ tôi chỉ bảo nên giải quyết ra sao. Đọc những bức thư ấy, tôi thấy các bạn trẻ đó đều mắc tật sợ sống. Họ sợ vì những nguyên nhân không đáng gì cả, sợ vì “bên người ta” nghèo, vì gia đình người ta đông con, còn cha mẹ, ông bà, vì mình còn mẹ già, ra ở riêng thì ai nuôi mẹ, vì “người ta” tuy ngay thẳng, tốt bụng, có chí nhưng tính tình có lúc không được ôn hoà mấy vì cưới rồi sẽ phải theo chồng đi xa, vì sức yếu, sợ sau này săn sóc con cái không được, vì “người ta” là người Trung, người Bắc hoặc Nam (Trời với đất! tưởng đâu như một người trên thuỷ tinh với một người trên hoả tinh chứ!)… thật là đủ những nguyên nhân mà tôi không sao tưởng tượng nổi!.

Tôi đã khuyên những bạn trẻ đó đọc lại chương “Một định lệ diệt được nhiều nỗi lo lắng” trong cuốn Quẳng gánh lo đi và vui sống của Dale Carnegie. Trong chương đó, tác giả thú rằng ông cũng đã có lúc sợ những cái rất vô lý: ông viết:

“Hồi nhỏ, tôi sống ở một trại ruộng tại Missouri và một hôm, trong lúc giúp má tôi lấy hột anh đào, tự dưng tôi oà lên khóc. Má tôi hỏi: “Cái gì mà khóc vậy”. Tôi sụt sùi đáp: “Con sợ sắp bị chôn sống”.

Thời ấy óc tôi đầy những lo lắng. Trời sấm sét, tôi lo sẽ bị sét đánh. Trời làm mất mùa, tôi lo đói. Tôi lo sợ sẽ phải xuống địa ngục. Tôi hoảng lên khi nghe một đứa bạn lớn doạ sẽ cắt mất tai. Tôi lo sợ các cô gái cười tôi khi tôi giở nón chào các cô. Tôi lo sợ sau này không có cô nào ưng tôi. Tôi lo lắng không biết mới nghinh hôn xong, sẽ nói với vợ tôi câu gì. Tôi tưởng tượng sẽ làm lễ cưới tại một nhà thờ thôn quê rồi ngồi chiếc xe song mã có diềm rủ mà trở về trại. Nói chuyện gì với vợ tôi suốt quãng đường về trại đó? Làm sao được? Tôi suy nghĩ hằng giờ tới những vấn đề động trời đó trong khi cày ruộng.

Và ngày tháng qua, tôi thấy rằng chín mươi chín phần trăm những nỗi lo lắng ấy không bao giờ xảy tới”

Phải có từng trải mới thấy lời đó là đúng và hầu hết những nỗi lo lắng của ta đều do tưởng tượng mà ra cả.

Các bạn trẻ trên kia cũng tưởng tượng những nỗi khó khăn rồi nghĩ rằng mẹ chồng còn thì cảnh làm dâu sẽ cực khổ, hoặc hễ có chồng thì nhất định phải lỗi đạo với mẹ, hoặc Bắc, Trung, Nam không sao hiểu nhau được… mà sự thực thì trong số trăm bà mẹ chồng thời nay có tới chín chục bà chiều con dâu hơn con gái, nhiều chàng rể săn sóc mẹ vợ như mẹ mình và Bắc, Trung, Nam chỉ là những tên trên bản đồ do sở Địa lý ở Đà Lạt vẽ từ hồi Pháp thuộc.

Các thanh niên ấy lại có tật này là ước mong những người bạn trăm năm hoàn toàn về mọi phương diện, mà không tự xét chính mình có hoàn toàn hay không. Ở đời, không có gì hoàn toàn cả, chẳng nói chi trong việc hôn nhân, đến mọi việc làm ăn cũng vậy, đợi cho dò đủ trăm phần tốt thì suốt đời chẳng làm được việc gì hết.

Tại sao lại tham lam vậy? Tôi chỉ cần mỗi việc được 60 phần tốt, còn 40 phần xấu cũng đủ cho tôi quyết định rồi vì trong 40 phần trăm xấu, tôi còn mong hoàn cảnh sẽ giúp tôi và chính tôi sẽ gắng sức để đổi nó thành tốt được ít nhiều.

Tôi xin trở lại thí dụ về hôn nhân. Nếu bạn gái nào được một thanh niên có học, đứng đắn, có nghề nhưng nghèo, hay đau vặt, thì tôi cho là 60 phần trăm tốt rồi đấy. Người đó hay đau vặt nhưng nếu đời sống gia đình được vui vẻ, vợ biết săn sóc và gặp được thuốc hay thì người đó sẽ mạnh, phần xấu sẽ thành tốt, và như vậy phần tốt sẽ tăng lên được chẳng hạn 10% nữa là 70%. Nghèo là một điều bất lợi, nhưng chính những người nghèo thường có chí và chỉ những người nghèo mới có chí lớn, nếu khéo khuyến khích chồng, cùng nhau ra sức làm ăn thì phần tốt lại tăng thêm được nữa.

Ta phải can đảm chịu trách nhiệm về đời ta, thản nhiên nhận điều xấu rồi ráng cải thiện nó. Hạnh phúc không tự nhiên trên trời rớt xuống, chính ta phải tạo nó ra và chỉ khi nào ta tự tạo được hạnh phúc cho ta thì ta mới đáng hưởng nó, hưởng nó được lâu. Thứ hạnh phúc trời cho hoặc người khác đem lại không bền, không kích thích, không nâng cao tâm hồn con người.

Vậy khi còn do dự trước một việc quan trọng, bạn nên chia tờ giấy làm hai cột, trên một cột ghi những điều tốt, những cái lợi, trên một cột ghi những điều xấu, những cái hại, rồi so sánh nếu phần xấu hơn phần tốt thì quyết định ngay đi, đừng để phần xấu ám ảnh bạn nữa, mà cứ can đảm nhận nó để tìm cách thắng nó, đổi nó thành tốt, chuyển hoạ thành phúc.

Ta cho đời ta là một địa ngục thì nó là một địa ngục; cho nó là một trường đua trong đó người nào cũng nhắm mục đích HẠNH PHÚC, mà chạy tới, thì nó là một trường đua. Bạn nghĩ sao? Một trường đua thích hơn hay một địa ngục thích hơn?

5. Khi hỏi ý kiến người khác

Khi ta quá do dự, nhất là khi có sự xung đột giữa các thị dục của ta hoặc giữa lý trí và tình cảm, óc ta thường kém sáng suốt, ta nên hỏi ý kiến những người thân từng trải hơn ta.

Tuy nhiên, bạn nên nhớ hai điều dưới đây:

- Đừng hỏi ý kiến của nhiều người quá, những ý kiến đó có thể trái nhau và bạn sẽ thêm phân vân. Cổ nhân khuyên cất nhà thì đừng cất bên lề đường cái vì người nào đi ngang cũng đứng lại nhìn rồi kẻ chê chỗ này, người chê chỗ kia, người muốn sửa bức tường phía trước, người muốn phá mái hiên phía sau… riết rồi bạn sẽ nhức tai, hoang mang và rút cục ngôi nhà chẳng còn cái vẻ gì cả.

La Fontaine trong bài ngụ ngôn Hai cha con người xay bột và con lừa đã tả tâm trạng và hành động xuẩn ngốc của một ông già xay bột cùng khiêng lừa với con để đem tới chợ bán, như ta khiêng heo vậy. Một người trông thấy, phá lên cười. Ông già biết mình khờ, cởi trói cho lừa để lừa đi. Rồi ông cho con cưỡi lừa còn mình lọ mọ theo sau. Một người thứ hai chê ông, già mà làm mọi cho trẻ. Ông bèn leo lên lưng lừa, để con ông cuốc bộ. Một bọn con gái thấy vậy, trách ông không biết cưng con, bắt con lẽo đẽo theo sau. Ông cũng nghe, cho con cùng cưỡi lừa với ông. Đi được một quãng, một bọn người nữa bảo ông điên, bắt lừa chở tới hai người thì chưa tới chợ, lừa đã chết rồi, còn đâu mà bán. Cả hai cha con lại leo xuống, đi bộ. Một chàng nọ trông thấy, cười là có lừa mà không biết cưỡi, thật ngu như lừa! Ông già tức quá đáp: “Tôi ngu như lừa thật, tôi nhận vậy, tôi thú vậy, nhưng từ nay, dù ai chê, ai khen, ai nói gì thì nói hoặc chẳng nói gì cũng mặc, tôi cứ làm theo ý tôi thôi”.

Không nghe lời người khác, không phải là khôn. Ta vẫn nên hỏi ý kiến của những người mà ta tin là sáng suốt, nhưng ta đừng nên làm theo ý mọi người, mà phải suy nghĩ rồi quyết định lấy, không được để người khác quyết định thay mình, bất kỳ trong việc lớn, việc nhỏ; nếu không ta sẽ mất cá tính và nghị lực ta sẽ suy giảm.

Tôi quen một người đi mua cái nón, cái cà vạt cũng để vợ lựa cho, viết một bức thư thường thăm bạn cũng hỏi vợ “như vậy được không”, thậm chí đến làm cái đơn khiếu nại cũng cậy vợ làm “quân sư”, vắng vợ thì hỏi ý con, ý cháu, mà ông ta là một vị thẩm phán chứ, còn bà vợ không có bằng cấp tiểu học. Những người như vậy làm sao mà tự lập được.

6. Phải biết nắm lấy cơ hội

Quyết định mau và đúng rồi thì nắm lấy cơ hội là một điều kiện để thành công.

Người La Mã hình dung cơ hội là một vị thần chỉ có tóc ở phần trán, còn phía sau đầu hói, nên muốn nắm cơ hội thì khi nó vừa tới, phải chụp lấy liền, kẻo nó chạy thoát mà không sao đuổi kịp.

Trong đời, biết bao tai nạn xảy ra chỉ vì người ta chần chừ, bỏ lỡ cơ hội. Một thuyền trưởng nọ kể chuyện có một lần giữa cơn dông to, gặp một tàu nhỏ lâm nguy. Ông bảo thuyền trưởng chiếc tàu nhỏ đó cho hành khách qua tàu ông. Người kia do dự, xin ông đợi tới sáng xem sao đã. Ông đợi, tới sáng thấy chiếc tàu nhỏ đã chìm lỉm từ hồi nào rồi.

Một chuyến xe lửa chết máy ở giữa đường. Người sếp xe biết sắp có một chuyến khác chạy tới, bảo người thợ máy đốt đèn đỏ ra hiệu cho chuyến ấy biết mà ngừng. Người thợ máy trùng trình, bận thêm chiếc áo lạnh, uống một ly rượu rồi mới thủng thẳng đốt đèn, xuống xe, đem đặt trên đường rầy cách đầu xe trăm thước, nhưng vừa mới bước được mươi bước thì chuyến xe sau đã ầm ầm tới và đâm vào chuyến trước. Hàng trăm hành khách chết và bị thương. Người thợ máy hoá điên, từ đó, suốt ngày đêm, cầm chiếc đèn đi lang thang phố phường, miệng luôn luôn lẩm bẩm: “Trời ơi! Nếu tôi biết vậy!”.

Nguyễn Huệ không biết nắm cơ hội quân Thanh đương say sưa ăn tết, chẳng đề phòng gì cả mà tấn công như vũ như bão ở trận Đống Đa thì ông có được dân tộc suy tôn là đệ nhất anh hùng không? Cả đời ông có công đó đáng ghi nhất và chỉ trong có mấy ngày, ông đã chiếm được lòng tôn sùng của hậu thế.

Nã Phá Luân cũng có chiến thuật như ông, coi những phút có lợi cho mình là những phút quan trọng nhất trong mỗi trận. Biết nắm lấy những phút đó thì thắng, bỏ qua thì bại. Ông bảo ông đã thắng được quân Áo vì quân Áo không biết giá trị của năm phút. Vậy mà có lần ông đã lầm lỡ. Sáng ngày cuối cùng của trận Waterloo, ông đã tấn công trễ mất một lúc, ông thua, phải bị đày qua đảo Sainte Helène, làm cho vận mạng nước Pháp thay đổi hẳn.

Thời gian trôi chảy đều đều, nhưng có những phút quan trọng hơn một năm, định đoạt được đời của một người, có khi của hàng chục, hàng trăm triệu người nữa.

TÓM TẮT

1. Muốn rèn nghị lực, phải tập quyết định mau và đúng. Trong những việc nhỏ hằng ngày ta thường hay do dự. Tật đó có hại cho nghị lực, nên trong những trường hợp ấy, ta phải tự đặt phép tắc này: chỉ được suy nghĩ trong vài phút thôi rồi quyết định ngay.

2. Trong những việc quan trọng, sự xung đột giữa các thị dục có thể làm cho ta lưỡng lự rất lâu. Những lúc đó, người nào đã quen theo con đường chính, biết hy sinh ít nhiều hạnh phúc cá nhân, thường dễ quyết định sáng suốt và lẹ làng hơn cả. Đó là công của giáo dục, của sự tu luyện trong lâu năm.

3. Ta đừng nên sợ sống, đừng đợi những cơ hội rất tốt rồi mới hoạt động. Những cơ hội đó rất hiếm, có khi đợi suốt đời không gặp. Vậy hễ gặp một cơ hội hơi tốt, ta cũng nên nắm ngay lấy nó, rồi cải thiện nó, tự tạo ra cơ hội tốt hơn, như thế thành công mới đáng quý.

4. Ta có thể hỏi ý kiến người khác trước khi quyết định, nhưng chỉ nên hỏi vài người thân từng trước hơn ta; đừng hỏi nhiều người quá, sợ ý kiến mỗi người một khác mà ta thêm hoang mang.

Hỏi ý kiến rồi chính ta quyết định lấy, nhứt định không được để người khác quyết định giùm mình.

5. Biết nắm lấy cơ hội là một điều kiện để thành công. Có những phút quan trọng hơn một năm, định đoạt được đời của một người, có khi của hàng chục, hàng trăm triệu người nữa.