Ráng Chiều Tà – Tôi Là Bà Nội Khang Hy

Chương 6: Cuộc sống hai mặt

Những ngày ẩn cư nhàn hạ thư thái, vì tâm trạng vui vẻ nên tiến độ học ngôn ngữ của tôi rất nhanh, đọc viết bình thường không vấn đề gì. Tôi ra lệnh Tô Mạt Nhi tìm kinh Phật trước kia Hiếu Trang đã chép, chiếu theo bút pháp ấy luyện chữ, kết quả là chữ Vô Trần viết còn giống bà ta hơn tôi.

Lúc rỗi rãi, tôi đến quấy rối lão hòa thượng kia, dần dần, tạo hình ‘núi bất động’ của lão có nguy cơ ‘sạt lở’.

Ngày nọ, bố Vô Trần đến thăm – lần đầu tiên trong nửa năm, khi tôi tới thì ông ấy đã rời khỏi, Vô Trần hơi bùi ngùi. Ra là mẹ kế anh ta rất điêu ngoa, mụ không thích chồng mình đến thăm con riêng, mỗi lần ông ta đến đều phải giấu giếm, lại phải vội vã trở về. Hư Vân đại sư đứng cạnh lắc đầu than người đời nông cạn ngông cuồng, tôi khích lão: “Bố anh ta là Văn Thù Bồ tát, cũng là đệ tử Phật môn như ông thôi.”

Hòa thượng già không kìm nổi, vặn lại tôi: “Đại bất kính! Đến kinh Phật hắn còn không thuộc, sao có thể là Bồ tát?”

Tôi thủng thỉnh giải thích: “Người đời tôn vợ dữ là sư tử Hà Đông, mà vật cưỡi của Văn Thù Bồ tát là con gì? Sư tử. Nên… vậy đấy!”

Lão vô cùng hối hận vì đã tiếp lời tôi, tôi thì vẫn chưa định tha cho lão: “Thực ra đệ tử Phật môn mới thực sự là những kẻ sợ vợ nhất.”


Vô Trần nghe không lọt tai nữa bèn lên tiếng bênh vực lẽ phải: “Đệ tử Phật môn vốn chẳng có vợ!”

Tôi gật gù: “Đúng rồi, đều sợ tới mức không dám cưới còn gì.” Hòa thượng già đã nói chẳng nên lời.

Tôi vỗ về lão: “Đại sư à, có phải sau khi gặp tôi, cảnh giới của ngài đã cao hơn rất nhiều không?”

Mày trắng lão dựng thẳng lên, Vô Trần cố gắng thoát khỏi tình trạng vi phụ cảm hoài* (vì bố thương cảm) do sợ sư phụ sẽ khai sát giới, vội vàng mời tôi đến hoa viên thưởng mai, tránh xảy ra một trận huyết án.

Cách búi tóc của phụ nữ nhà Thanh rất phiền phức, ở thời hiện đại tôi chưa bao giờ búi tóc cả, sau khi đến đây, dù có cung nữ giúp tôi làm tóc nhưng khoảng thời gian đông cứng trên ghế chán lắm, cài một đống thứ lên đầu cổ quá mệt mỏi, vì thế tôi vô cùng hâm mộ cái đầu bóng loáng của lão già kia. Một hôm không nhịn được, tôi phàn nàn: “Ai quy định vậy nhở? Ai quy định hòa thượng phải cạo trọc, người thường thì để tóc? Phải đảo lại mới đúng, các người là hòa thượng chả làm gì chỉ tụng kinh cả ngày, có cả đống thời gian để chăm sóc tóc, trái lại người trần mắt thịt bọn tôi bận tối tăm mặt mũi, cạo đầu thì tiện làm việc hơn ấy chứ!” Bấy giờ hòa thượng già đã chẳng bất cẩn trả lời tôi, chỉ nhắm mắt niệm Phật. Hừ, dám phớt lờ tôi ư! Phật tổ à, lão ấy muốn tụng phiền chết ngài đấy, ngài nhớ phải “xử” lão nhé, A Di Đà Phật!

Tôi thường nghe lão già cùng Vô Trần luận đàm kinh Phật, dần dần được khai sáng, có thể hiểu một vài từ Kê ngữ* (lời hát trong kinh Phật). Thường ngày luôn bị truy vấn về tương lai vài câu, có lúc hòa thượng bị tôi kích động quá mức, nhất thời không vặn hỏi cũng sẽ lộ ra một ít thông tin. Qua thời gian tổng hợp phân tích, về cơ bản tôi có thể khẳng định Vô Trần là con nợ của tôi, hình như theo lão thì một khi nợ được trả hết, tôi sẽ có hy vọng trở về. Tôi như tuyệt xứ phùng sinh* (từ trong chỗ chết tìm được đường sống), nắm chặt cọng rơm cứu mạng không buông, càng chăm chỉ ép hỏi lão ấy. Ai ngờ sau khi trải qua vài lần bị tôi hành hạ, hòa thượng già liền nâng cao cảnh giác, tôi có làm gì cũng chẳng hỏi được cách thực hiện quyền chủ nợ.


Đáng giận hơn nữa, lão già bắt đầu khuyến khích Vô Trần quy y cửa Phật, nói cái gì mà ‘Vạn duyên phóng hạ, nhất niệm bất sinh* (buông bỏ tất cả, không phiền não nữa)’ thì có thể tránh được một kiếp nạn. Tôi sao có thể để Vô Trần thoát chứ? Anh ta chạy rồi thì ai tới kết sổ với tôi đây? Anh ta không trả nợ thì sao tôi về được? Vì thế, tôi càng điên cuồng dội nước lã, bôi nhọ tăng Phật. Đồng thời vơ vét các chuyện ngôn tình trong trí nhớ, mở mang kiến thức tình cảm cho Vô Trần. Tôi kể chuyện Quỳnh Dao, Tịch Quyên, Cổ Linh,… mô tả tất tần tật các loại phụ nữ cho anh ta nghe, nhất định phải kéo anh ta sa chân xuống hồng trần. Vô Trần đáng thương cứ như một sợi thừng, tôi với lão hòa thượng là hai kẻ chơi kéo co, khiến anh ta lâm vào thế khó xử.

Hôm nay lão già lại đến khuyên nhủ, tôi bên cạnh hừ lạnh: “Chẳng phải ông nói ‘Giả sử bách thiên kiếp, sở tác nghiệp bất vong. Nhân duyên hội ngộ thời, quả báo hoàn tự thụ.’ sao? Anh ta thoát kiếp này cũng chẳng tránh được kiếp sau, thế sao không trả sớm cho rồi.” Này thì tụng kinh, tôi cho ông tự bê đá đập chân mình này.

Vô Trần gật gù bảo phải, lão già thở dài: “Chỉ sợ tiền căn chưa dứt, nghiệt mới lại thành.”

Tôi khinh thường: “Xuất gia có thể giải nghiệt à? Như Lai chẳng qua chỉ là một người bùn, Quan Âm lại là tên điếc, bọn họ tự bảo vệ mình còn không xong, sao cứu giúp được người khác?”

Lão hòa thượng hơi mất hứng, Vô Trần cũng nói: “Không được khinh nhờn thần linh!”

Tôi hỏi: “Như Lai tên gì?” “Thích Ca Mâu Ni.”

“Bởi vậy, Ni thêm bộ Thủy thành chữ Nê* (bùn), chả là người bùn à? Chẳng phải có câu, ‘Bồ Tát qua sông, tự thân khó giữ’ sao, đấy chính là nói ông ta* (một kiểu chơi chữ của tác giả: 尼 [Ni] thêm 水 [bộ Thủy] thành 泥 [Nê], Ni qua sông [nước – bộ Thủy] sẽ thành Nê [bùn]). Còn Quan Âm, âm thanh phải dùng tai đề nghe, ông ta lại dùng mắt để nhìn, đủ thấy ông ta là tên điếc* (lại thêm một kiểu chơi chữ của tác giả: 观音 [Quan Âm] được ghép từ chữ 观 [Quan – xem, nhìn] và 音 [Âm – âm thanh], Quan Âm nếu dịch nghĩa thô thì là ‘nhìn âm thanh’), mỗi lần anh niệm ‘Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát, ông ta có từng đáp lại chưa?”


Sắc mặt hòa thượng già rất khó coi, tôi vỗ vỗ cái đầu trọc của lão, thâm ý sâu xa mà nói: “Đại sư à, giới sân* (giữ bình tĩnh, không được nổi đóa), phải nhớ giới sân nhé!”

Vô Trần nói với lão: “Sư phụ, nếu là kiếp nạn của con thì luôn sẽ có một ngày phải trả nợ, cứ để con trả sớm đi, cũng để Thanh Thanh sớm ngày buông bỏ.” Hòa thượng lại muốn khuyên, tôi giành mở miệng: “Phật không ép người cố nhập niết bàn. Kẻ giác ngộ sẽ không miễn cưỡng kiểm soát ý nguyện của người khác.” Lão già thấy chúng tôi rất kiên quyết liền lắc đầu thở dài, sau này không khuyên Vô Trần xuất gia nữa.

Tôi gấp rút truy vấn nên làm gì để hóa giải nợ nần, lão chỉ nói: “Chẳng phải không trả mà là chưa đến lúc.” Thật muốn đạp ông ta hai cái.

Để đề phòng ông già này giở trò quấy phá sau lưng, tôi lợi dụng chức quyền điều một đội binh mã đến, âm thầm giám sát cả sơn trang, cho lão hòa thượng ông khỏi chạy người, chả chạy được cả miếu. Bấy giờ chìa khóa để về nhà tôi đã nắm chắc trong tay rồi, chỉ đợi tìm ra cửa thôi, tôi yên tâm hơn, tràn ngập hi vọng với tương lai.

Qua mấy tháng, tôi cách quãng về cung vài lần, thay qua đổi lại giữa nhân vật Hiếu Trang và Lâm Tử Thanh nên đã có thể hoán đổi thuần thục hai nhân cách, tôi thế mà cảm thấy thú vị, khi kiểm điểm lại bản thân, tôi ngờ ngợ trong người mình có lẽ có gen biến thái.

Đến đầu tháng bảy, Đổng Ngạc phi sắp chết, tôi biết ngày lành của mình gần đến rồi. Lão hòa thượng chả biết thế nào là làm sư ngày nào gõ mõ ngày ấy, tôi không muốn bắt chước lão, tôi là người có trách nhiệm nên, một ngày làm Thái hậu là một ngày tôi can dự vào chính trị, việc này còn vui hơn cả trò chơi hư cấu trên mạng.

Bức tranh lụa lịch sử sắp bày ra trước mắt chỉ chờ tôi vẩy mực, nhưng thêm màu sáng hay tràn vết nhơ thì có trời mới biết.


Tôi từ biệt bọn Vô Trần, Vô Trần rất lưu luyến, quả là một “cậu bé” dễ thương; Hư Vân đại sư như trút được gánh nặng, nếu được tụng kinh, phỏng chừng lão sẽ niệm “Tống ôn thần”, đáng tiếc thật, trước khi chia tay, tôi đã nói ‘Sau này gặp lại’, hòa thượng à, e rằng lão không đạt được tâm nguyện rồi.

Tôi về Tử Cấm thành chưa bao lâu thì Đổng Ngạc phi qua đời, Phúc Lâm chết đi sống lại, qua vài ngày mới khôi phục được bình tĩnh, sau lại truy phong Đổng Ngạc phi làm Hoàng hậu, cử hành lễ tang cực kỳ long trọng, tôi không can thiệp. Tôi rất cảm động bởi sự si tình của Phúc Lâm và thông cảm cho nỗi bi thương của anh ta, cũng chủ yếu là do tiền anh ta phung phí không phải của tôi. Vì thế, khi Phế hậu bấy giờ đến mách lẻo với tôi rằng lễ tang vượt quá lễ chế, tôi đã nhả một câu: “Hay ngươi muốn đổi với nó?” khiến cô ta nghẹn lời.

Sau đó, Phúc Lâm bỗng hâm hấp, vời Bát Kỳ quân* (thuộc dân tộc Mãn) vinh hiển khiêng quan tài, lại ra chỉ dụ “Nghiêm trị những Nội mệnh phụ đại thần không khóc nức nở.” Nhất thời, quần chúng phẫn nộ, cung nghị náo nhiệt, khiến tôi chẳng thể không chường mặt ra can gián. Thật ra tôi vẫn rất hâm mộ Đổng Ngạc phi, nếu lúc chết có người đối tốt với mình như này, tôi sống bớt đi vài năm cũng chả sao. Nhưng đến lúc nghe đồn Phúc Lâm thế mà muốn ban chết cho ba mươi tên thái giám cùng cung nữ để chôn theo, tôi lại rùng mình ớn lạnh, thì ra xem mạng người như cỏ rác là vậy, đáng sợ quá! Anh ta quả thật điên mất rồi! May Đổng Ngạc phi cũng yêu anh ta, bằng không chẳng biết sẽ có kết quả như nào. Tôi hết ngưỡng mộ cô ta luôn, chả chừng lại tự rước tới một trận tạt axit sunfuric, tốt hơn hết là sống bình đạm. Ầy, lại nghĩ vớ vẩn gì rồi, giờ tôi đã là châu chấu cuối mùa thu, chả thể bay nhảy gì với tình yêu nữa, nghĩ đến những thứ phù du này, chỉ khiến mình thành người mù đốt đèn toi công* (dã tràng xe cát biển Đông) thôi.

Từ khi Đổng Ngạc phi chết, Phúc Lâm đòi đi tu, sau lại truyền thái giám Ngô Lương phụng chỉ thế thân xuất gia.

Tháng giêng năm Thuận Trị thứ mười tám, Phúc Lâm mắc bệnh đậu mùa, hạ “Tội kỷ chiếu* (chiếu tự trách tội mình của vua)” rồi băng hà. Tôi không quá buồn, chỉ hơi lấy làm tiếc cho anh ta phải chết vào độ tráng niên. Biết thời gian còn lại của anh ta chưa đến hai năm, thời gian sống chung thực sự tính ra cũng chả đến hai tuần, chính vì nắm chắc anh ta không lâu nữa sẽ chết nên tôi chả tốn sức đầu tư tình cảm, về cơ bản, hai chúng tôi chẳng khác nào hai kẻ xa lạ. Có lẽ anh ta còn chào đón kết cục này hơn bất cứ ai khác, chẳng còn quyền thế, không phải ốm đau, chết rồi lại trở về nằm cùng với Đổng Ngạc phi ấy. Mong họ trên trời thành chim liền cánh, dưới đất nên duyên vợ chồng.

Mùng chín tháng giêng, Huyền Diệp lên ngôi, tôi thăng lên thành Thái hoàng thái hậu, Tứ đại phụ chính đại thần là Sách Ni, Tô Khắc Tát Cáp, Át Tất Long, Ngao Bái.


Ngày ấy, lúc tôi cùng thương nghị với Phúc Lâm về Phụ chính đại thần, tôi từng muốn gạch tên Ngao Bái ra, đỡ gặp phiền phức về sau, sau lại nghĩ, chẳng qua gió mưa sao thấy được cầu vồng, không được Ngao Bái “rèn luyện”, có lẽ sẽ chả xuất hiện nỗi một vị Đế vương nổi danh thiên cổ, nói không chừng tình hình lại càng be bét hơn, dù gì thì tên nhóc thối tha ấy cũng thích lao tâm khổ trí, thế thôi cứ để nó nhọc lòng cho đã đi vậy.

Về mặt chính trị, tôi vẫn chả thể mọc thêm ra tế bào não hữu dụng, đành phải giao công việc lại cho cấp dưới làm, nói hoa mỹ là đã dùng người thì không nghi ngờ, nghi ngờ thì chẳng thà đừng dùng. Bởi thế mà một đám đại thần thịt nát xương tan, càng bán mạng phục vụ cho tôi. Đến những hội nghị quan trọng, tôi lại ‘Hửm’ lên ‘Hừm’ xuống như cũ, có lẽ vận may cứt chó của tôi vẫn còn, thế mà không lôi ra bất cứ rắc rối nào, những lời tán dương sự anh minh cứ bám đuôi tôi, chúng đại thần nghe thấy tiếng ‘Hửm’ của tôi vẫn sợ y trước. Tôi chỉ quan tâm đến việc diễn vai bù nhìn của mình, ông trời có trách nhiệm thì nên để tôi ‘Hừm’ đúng lúc, nếu tôi ‘Hừm’ sai âu cũng là số trời đã định, chả trách tôi được.