Ráng Chiều Tà – Tôi Là Bà Nội Khang Hy

Chương 23: Chả biết vứt mặt đi đâu

Thái độ của Huyền Diệp tạo áp lực cho tôi, về hiện đại tôi lại thở dài than ngắn. Đáng chết là, có một lần tôi nói mơ khiến Sở Y Phàm đánh hơi được điều gì đó.

Anh ấy lay tôi dậy tra hỏi, đương nhiên tôi nghiến chặt răng không hé môi. Dễ gì mà tìm được manh mối ở thời hiện đại chứ, rốt cuộc mọi chuyện cũng phải bỏ ngõ. Nhưng mầm mống nghi ngờ này khiến anh kiểm soát tôi chặt hơn, cuối cùng đi đến kết luận: Tôi có vẻ bất thường.

Trong một lần âu yếm, kẻ đê tiện này chỉ làm một nửa, chờ tôi mơ màng hụt hẫng mới bắt đầu hỏi tội. Tôi đắm chìm nam sắc, sớm đã say sưa thì còn biết cái quái gì gọi là cảnh giác nữa. Cuối cùng đành khai chân tướng. Không bàn đến thái độ kỳ lạ của Huyền Diệp, quan trọng là chính tôi cũng đã ngộ ra được vài điều.

Đến cả chồng cũng rất lo lắng, tôi cứ vừa ngủ là anh ấy lại hôn tôi tỉnh lại. Sau một thời gian, tới khi cả hai sắp tiến hóa thành gấu trúc, tôi sụp đổ. Tôi đe dọa Sở Y Phàm, nếu anh còn không để yên, tôi sẽ ở lại cổ đại luôn, không về nữa.

Vừa đúng lúc đó, việc nhờ người dò la đã có kết quả. Chúng tôi tìm được một vị đại sư pháp lực cao cường. Có lẽ nào đấy lại là chuyển thế của ông hòa thượng kia không? Lão ta rất khách sáo với Sở Y Phàm nhưng xa cách với tôi, tôi mà lôi thôi hỏi han thêm hai ba câu là lại trưng bản mặt hầm hầm ra, cuối cùng, lão mặc định tôi là không khí luôn.

Hối hận rồi, lúc trước quyền thế trong tay, sao tôi không dạy dỗ lão già này một trận nhỉ? Giờ lão niết bàn rồi, được hỏa táng rồi, bằng không lúc xuyên đi thì tôi mới có cái để đốt chứ.

Vị đại sư này ba hoa chích chòe rằng mình thấu tỏ tiền căn kiếp trước, nhìn rõ hậu quả đời sau, hỏi Sở Y Phàm: “Đây là số kiếp đã định trước của cô ta, nếu cản trở một cách cưỡng ép thì đoạn duyên kia sẽ tiếp tục đến đời này. Vậy, anh có còn muốn cản chăng?”

Sở Y Phàm quả quyết gật đầu: “Vẫn đỡ hơn là ngoài tầm tay với.”

Tôi ngồi bên cạnh, phấn khởi xen mồm vào: “Thế có phải là một ngày nào đó, ông trời sẽ giáng tiền bạc xuống đầu tôi không?”

Đại sư khinh thường liếc tôi một cái rồi để mặc đấy, sau đó nhìn Sở Y Phàm bằng ánh mắt vô cùng thông cảm. Sở Y Phàm kịp thời kéo tôi vào ngực mình, sợ tôi gây sự mích lòng người ta, tự chặt đứt đường lùi.

Đại sư tặng tôi một chuỗi ngọc khóa hồn, sau đó, tôi ngừng xuyên không. Cuối cùng đã có thể ngủ ngon rồi.



Thỉnh thoảng nhớ về những ngày khi còn ở cổ đại, tôi không nén nổi đôi chút buồn bã, nhưng tình cảm mập mờ của Huyền Diệp lại khiến tôi hoảng hốt. Thế nên, tuy rằng cứ không từ mà biệt thì hơi vô tình, nhưng sự cũng đã rồi. Chỉ mong họ sống hạnh phúc cả.


Sau một thời gian theo dõi và khẳng định được năng lực của chuỗi ngọc khóa hồn kia, cuối cùng Sở Y Phàm cũng đã yên tâm. Nhưng chẳng bao lâu sau, anh lại bắt đầu căng thẳng, e sợ món nợ kiếp trước sẽ tìm đến tận cửa nhà. Ngày nào cũng thì thầm thỏ thẻ bên tai tôi, dặn tôi không được tiếp chuyện người lạ.

Tôi phản đối: “Em bị nợ ‘vinh hoa phú quý’ mà, phải để nó tìm tới mới tốt, chỉ có thế thì chúng ta mới có thể giàu lên chứ.”

Sở Y Phàm lại rất lo lắng: “Tiền đến một mình thì tốt thật đấy, sợ là sợ ‘được’ tặng kèm thứ khác. Chẳng phải chúng ta cũng vì nợ nhau nửa mạng mới dây dưa mãi hay sao?” Tôi nhớ đến Huyền Diệp, không khỏi lặng người đi.

Sau này chồng lại mắc phải bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế(1), luôn giám sát tôi ngay khi có thể, chỉ thiếu nước buộc tôi lên thắt lưng thôi. Tôi cũng từng chống đối, cho rằng cứ thế cũng chẳng có tác dụng gì, sẽ có lúc anh đề phòng mấy cũng chẳng xong, anh lại bảo tránh được chút nào hay chút ấy, phải giảm mức rủi ro xuống thấp nhất. Chẳng còn cách nào khác, tôi trở thành phụ kiện của anh(2).

(1): một rối loạn tâm lý có tính chất mãn tính, dấu hiệu phổ biến của bệnh là ý nghĩ ám ảnh, lo lắng không có lý do chính đáng và phải thực hiện các hành vi có tính chất ép buộc để giảm bớt căng thẳng.

(2): ý là đồ trang trí đính lên thắt lưng ấy.

Mỗi ngày, anh đón tôi đi làm rồi về nhà, khi phải tăng ca thì sẽ gọi điện liên tục, cho đến khi tôi đến tìm anh.

Không lâu sau, tất cả mọi người thuộc phòng làm việc của tôi đã quen với Sở Y Phàm, đặt biệt danh cho anh là ‘chồng ngoan’. Tổ của anh cũng quen mặt tôi, sau lưng đều gọi tôi là ‘vợ hiền’ (tôi lại bắt đầu thực hiện kế hoạch thục nữ). Hai người bọn tôi là ‘kẹo đường’, nghĩa là dính nhau như đường ấy.

Tên chồng này rất được ưu ái trong công ty, cái mác ‘đã có vợ’ cũng chả ảnh hưởng gì tới vị thế ‘bạch mã hoàng tử’ của anh. Lần đầu tiên đến công ty bọn họ, cả lũ con gái bất kể già trẻ đều quăng cho tôi ánh mắt sắc như dao. Rõ ràng là có kẻ vẫn chưa chịu thôi, muốn đá tôi xuống ngựa, như hổ rình mồi. Vì thế mà không ít lần tôi nhằn nhì Sở Y Phàm, khiến anh nóng nảy, suýt chút đã đến bệnh viện giải phẫu cho xấu đi.

Cho nên, vì để giám sát tình địch mà tôi tình nguyện làm phụ kiện của anh ấy.

Có điều, đàn ông trong công ty anh đều rất thân thiện với tôi, vì tôi đã gạt đi tảng đá chắn đường hái hoa hộ bọn họ.



Nhưng, đừng quên trước đây tôi đã từng nói, lời tiên tri là một cái bẫy. Sự thật này đã ứng nghiệm vào trường hợp của tôi, trong hoàn cảnh trên, tôi đã gặp cậu ta. Chỉ là, lúc ấy chúng tôi đều không nhận ra nhau.



Chi nhánh chỗ bọn họ ký được hợp đồng lớn với một công ty Tây Tạng, tổ chức tiệc chúc mừng. Sở Y Phàm là công thần đi đầu, tất nhiên phải có mặt, thế là tôi cũng phải vắt vẻo theo anh cùng đến tham dự.

Cả nhóm người quây quanh anh vỗ vai bắt tay. Tôi đứng bên cạnh lòng đầy đắc chí, người đàn ông lóa mắt này là của tôi!

Đến khi họ tản ra, Sở Y Phàm ôm tôi, tôi tiểu nhân đắc chí hỏi anh: “Chồng à, chúng ta có được xem là đôi vợ chồng thành đạt – hạnh phúc, khiến người người ghen tỵ không?”


Sở Y Phàm yêu chiều nhéo mũi tôi, cười đáp: “Ừ đúng đó, cục cưng của anh!”

Tôi hếch cằm lên đầy kiêu ngạo, tay cầm ly xâm-panh, cạn ly rồi nốc một ngụm lớn. Đang nuốt vào, bỗng nghe thấy có tiếng người cười khẽ, vẻ mặt Sở Y Phàm nghiêm túc hẳn lên: “Chào Kim tổng!”

Sau đó có một bàn tay chìa đến trước mặt tôi, “Xin chào, tôi là Kim Diệp…”

“Phụt!” Ngụm rượu xâm-panh chưa kịp vào bụng tôi đã tưới thẳng lên bộ âu phục của anh ta, vẻ tươi cười cứng ngắc trên gương mặt ấy.

Tôi vừa liên tục xin lỗi, vừa luống cuống tay chân cầm khăn giấy lau cho anh ta, Sở Y Phàm hơi lúng túng. Người nọ cũng là dạng có phong độ, sắc mặt khôi phục ngay lập tức, nói: “Không sao, tôi vào nhà vệ sinh xử lý một chút.”

Đợi người nọ rời đi rồi, Sở Y Phàm trách tôi: “Sao em lại thế chứ?”

Tôi áy náy đáp: “Xin lỗi, tên của anh ta buồn cười quá mà.”

Sở Y Phàm giận dỗi nhéo lỗ tai tôi: “Chẳng phải hoa mỹ lắm ư? Người ta là Kim của ‘kim sắc’, Diệp nhật hoa(3), em nghĩ đi đâu vậy?”

(3): Kim là màu vàng, Diệp được ghép lại từ nhật (日) và hoa (华).

Tôi xoa lỗ tai, thầm nói trong lòng, ai bảo anh lúc nào cũng gọi Kim tổng dài Kim tổng ngắn mà chả bao giờ gọi thẳng tên ra, làm em không có thời gian thích ứng. Nhưng cái tên này đúng là khiến người ta dễ hiểu lầm mà(4).

(4): đầu óc kém, mình không hiểu ý của tác giả cho lắm.

Đấy là lần gặp đầu tiên đầy khó xử của chúng tôi.



Một ngày nọ, tôi và đồng nghiệp xin nghỉ đi dạo phố, tôi vừa ý một bộ váy áo trông rất đặc biệt. Bộ váy cứ như được may theo đúng vóc dáng của tôi, quả là khiến người phụ nữ ngoan hiền tôi đây toát lên vẻ quyến rũ tột cùng. Tôi kích động mua ngay, sau khi mặc vào còn phối với tất da đen và một đôi cao gót. Lại đến thẩm mĩ viện làm tóc, trang điểm. Một cô gái xinh đẹp quyến rũ vừa mới ra lò.

Tôi cực kỳ phấn khích lái xe đến công ty Sở Y Phàm, chuẩn bị gây bất ngờ cho anh. Chẳng ngờ anh lại ra ngoài làm việc, nửa tiếng sau mới về. Tôi chỉ đành chờ ở văn phòng.

Tôi ngồi vào ghế anh ấy, chán đến xoay trái lắc phải. Chân bất cẩn va vào góc ngăn kéo bàn, tất xước một đường thật mảnh, rất bắt mắt. Tôi thầm rủa xui xẻo, chỉ số quyến rũ đã giảm ít nhất năm phần.


Tôi thay đôi tất cũ vào, may mà mình không vứt đi. Vừa xong một chiếc, đang định thay tiếp bên còn lại thì có người gõ cửa, tôi thuận miệng đáp một câu “Mời vào!” Người nọ đẩy cửa ra. Tôi cuống quít bỏ chân xuống, tươi cười đón khách.

Là anh ta, người có cái tên lạ lùng kia. Tôi vừa vội vã trưng ra nụ cười lấy lòng: “Chào Kim tổng ạ!” vừa lễ phép đứng dậy, bấy giờ mới phát hiện chả biết một chiếc guốc biến đâu mất rồi. Tôi đứng trên một chiếc guốc còn lại, cố gắng giữ thăng bằng.

Anh ta vừa trông thấy tôi thì sững người, sau khi nhận ra tôi mới ngỏ lời: “Chào cô, Sở Y Phàm không có ở đây sao?”

Tôi đáp: “À, vài phút nữa anh ấy về rồi.”

Anh ta lịch sự hỏi: “Tôi ở đây chờ anh ta được không?”

“Tất nhiên!” Tất nhiên là không, nhưng đây là công ty anh, tôi dám nói gì?

Tôi giữ nụ cười trên mặt: “Mời ngồi! Uống trà hay nước ạ?” Vừa dứt lời tôi đã hối hận, nếu rót nước thì tôi phải rời khỏi bàn, tôi nên mang giày hay đi chân không qua đây? Mà tôi còn mang đôi tất không cùng màu, một dài một ngắn nữa chứ.

Bấy giờ câu trả lời của anh ta rất hợp ý tôi, “Không cần đâu, cảm ơn nhé!”

Tôi nhanh chóng theo lời ngồi xuống, cử động mắt cá chân.

Anh ta lại hơi ngẩn ra, chắc là không ngờ tôi sẽ chả đem gì ra thật. Tôi cũng bó tay rồi, thất lễ còn hơn mất mặt.

Tình huống bây giờ rất kỳ cục, tôi là người ngoài lại đóng vai trò chủ nhân; anh ta là tổng giám đốc công ty lại đóng vai khách ngay tại địa bàn của mình.

Sau đó hai người lại bắt đầu tìm chuyện để nói, chủ yếu là anh ta hỏi tôi đáp, cũng chả có gì ngoài mấy câu như tôi đang làm việc ở đâu, hôm nay trời đẹp,… vô thưởng vô phạt.

Trong lúc trò chuyện, tôi thò chân vào gầm bàn mò chiếc guốc còn lại, cuối cùng tìm thấy nó sâu tít bên trong. Tôi với chân nhưng không tới, với thêm lần nữa, vẫn không tới. Quỷ thật, tự dưng khi không mua cái bàn sâu như thế làm gì?

Nhân lúc anh ta đang tỏ ra hứng thú với cách bài trí tường, tôi chống tay vào ghế, nhích mông lên, ưỡn người ra với, tới rồi. Đương lúc vui vẻ, người đang thưởng thức bức tường chợt ngoái đầu lại: “Tác phẩm điêu khắc này…” dọa tôi thót tim, tay hẫng một cái, nửa người còn đang ghé vào ghế trượt cả ra ngoài.

Tôi ngồi bịch một tiếng xuống đất, cảm giác đau đớn truyền đến từ xương cụt, không khỏi thở hắt ra. Vị Kim tổng nọ vội bước đến hỏi: “Sao rồi? Cần tôi giúp gì không?”

Tôi nghiến răng lắc đầu, “Không sao.” Tôi cố gắng đứng lên, nhưng không nổi.

Người nọ buông một câu “Thất lễ rồi.”, sau đó hai tay xốc nách, lôi tôi từ dưới bàn lên, đặt ngồi xuống ghế.


Vừa ngồi vào ghế, tôi lập tức nhảy vọt dậy, che mông tựa vào bàn. Má ơi! Đau quá đi!

Đến khi cơn đau vơi đi, tôi chợt nhớ đến vấn đề thể diện, ngoái đầu mới thấy người nọ đang nhìn xuống dưới bằng ánh mắt kỳ lạ. Tôi nhìn theo anh ta, phát hiện ra anh ta đang nhìn chân mình. Á! Anh ta thấy đôi tất hai màu của tôi rồi, thôi chết đi cho xong!

Bấy giờ, Sở Y Phàm đã quay về, thấy cục diện lạ lùng này thì hỏi: “Chuyện gì thế?”

Sao giờ anh mới về chứ? Tôi tủi thân gọi “Chồng ơi!”, rốt cuộc cũng chảy nước mắt, chả biết là nước mắt xấu hổ hay đau đớn nữa.

Chồng muốn đưa tôi đến bệnh viện, tôi vừa tựa bàn khóc nức nở, vừa buông tay trái vẫn đang gồng chặt, “Hu hu… chồng ơi, anh thay tất dùm em trước đã. Huhu…”

Tôi được chồng bế ra ngoài với tư thế kỳ lạ, vì mông tôi đau chết đi được. Vị Kim tổng nọ xung phong lái xe đưa chúng tôi đến bệnh viện.

Tôi ngồi đằng sau tựa vào đùi chồng, giấu mặt vào ngực anh, không ngẩng đầu lên, nước mắt vẫn chảy miết.

Đến bệnh viện, sau một loạt kiểm tra xấu hổ, tôi được kết luận nứt xương cụt, là cái đoạn xương vẫn chưa tiêu biến hoàn toàn khi khỉ tiến hóa thành người đấy.

Trời ơi, ông ác quá đi! Tôi chỉ cười giễu cái tên của anh ta thôi mà, ông lại chặt đuôi tôi!

Trong khi bác sĩ đang kiểm tra, chồng hóa giải cái vẻ chìm trong nước mắt của tôi, chẳng trách lúc nãy ai cũng dòm tôi với ánh mắt khác thường. Lần này đúng là mất mặt đến tận đẩu tận đâu rồi! Tôi xui quá thể! Chưa “yêu” đã thành “quái”(4), thê thảm đi quá thôi! Huhu…

(4): ý là chưa kịp tỏ vẻ yêu kiều đã thành quái nhân.

Y tá bó thuốc cho tôi, bấy giờ mới bớt đau.

Sở Y Phàm nghe kỹ lời dặn của bác sĩ, lấy thuốc xong, bế tôi ra khỏi bệnh viện. Người kia vẫn còn ở đấy, đăng ký đóng phí cho tôi, sau cùng lại đưa chúng tôi về.

Tôi vẫn vùi mặt vào lòng chồng, không khóc nữa nhưng vẫn chẳng chịu ngẩng đầu lên.

Xe đến dưới nhà, Sở Y Phàm tỏ ý cảm ơn anh ta. Mặt tôi vùi mãi trên vai chồng, xấu hổ khó mà cầm được: “Xin anh quên mặt tôi đi.”

Đây là lần gặp lại còn ngượng ngùng hơn giữa chúng tôi.




Thế là vui mừng thành sợ hãi, sau khi diễn xong trò hề, tôi lại sống cuộc sống áo đến giơ tay, cơm tới há mồm. Nhưng lần trước ưỡn bụng ra, vênh váo nghênh ngang lòng vòng trong nhà; lần này lại gập lưng xuống, đỡ mông lết tới lết lui.

Ngày nào cũng chỉ có thể nằm ngủ sấp hoặc nghiêng, sáng thì tựa sô pha xem ti vi, đồi núi chẳng mấy lồi lõm của tôi có xu hướng đồng bằng hóa.

Sau đó, một ngày nọ, Sở Y Phàm đem một cái lốp xe về nhà, bảo là quà tạ lỗi của Kim tổng.

Lốp xe căng đầy, cuối cùng tôi đã có thể ngồi xuống. Với sự chân thành của anh ta, tôi cũng sắp tha thứ 10% cho cái tội hù dọa kia rồi.