Quốc Gia Khởi Nghiệp

Chương 8: Cộng Đồng Do Thái Hải Ngoại

Đánh cắp máy bay

Như những người Hy Lạp giương buồm cùng Jason để đi tìm Bộ lông cừu vàng; những Argonaut Mới, sinh ra ở nước ngoài, là những doanh nhân thông thạo công nghệ, thường đi đi về về giữa Thung lũng Sillicon và quê nhà.

- ANNALEE SAXENIAN -

 


“Hôm nay” - John Chamber vừa nói vừa sải bước qua sân khấu lớn nhằm minh họa cho luận điểm của mình, - “chúng ta đang thực hiện cú nhảy lớn nhất trong lĩnh vực sáng tạo kể từ khi bộ định tuyến đầu tiên ra mắt 25 năm trước”. Ông nói vào chiếc micro không dây tại hội nghị của Cisco năm 2004[106]. Dù đang mặc bộ vest doanh nhân, vị CEO 54 tuổi của hãng Cisco - công ty được định giá thị trường lớn hơn cả General Electric trong thời kỳ bùng nổ công nghệ - trông như thể sắp thực hiện một loạt động tác nhảy múa. tạo không khí kịch tính, Chambers tiến đến một vật được che chắn giống tủ quần áo lớn, rồi mở cửa để làm lộ ba chiếc thùng có vẻ phức tạp, mỗi chiếc có kích cỡ và hình dáng giống một chiếc tủ lạnh. Đó chính là CRS-1.

 


Hầu hết mọi người đều không biết một bộ định tuyến (rounter) là gì, nên có thể gặp khó khăn để hiểu cơn hào hứng của Chambers. Bộ định tuyến tương tự những modem cũ chúng ta dùng để kết nối máy tính với Internet. Nếu Internet giống một dòng sông cuồn cuộn thông tin mà máy tính chúng ta kết nối đến, thì bộ định tuyến chính là nơi giao nhau của những nhánh sông, và cũng là điểm nghẽn cổ chai chủ yếu vốn quyết định năng lực tổng thể của Internet.


Không nhiều công ty có thể chế tạo những bộ định tuyến cao cấp nhất, và Cisco - tương tự như Microsoft đối với hệ điều hành, Intel với bộ vi xử lý, và Google với công cụ tìm kiếm Internet - là kẻ thống trị thị trường này. Trước khi ra mắt, CRS-1 - một thiết bị tốn bốn năm cùng 500 triệu USD để phát triển - đã được sách kỷ lục thế giới Guinness công nhận là bộ định tuyến nhanh nhất thế giới. “Tôi thích hạng mục kỷ lục này vì các con số đều khổng lồ”. Tôi vừa lắp đặt một mạng không dây tại nhà và từng rất hài lòng với tốc độ 54 megabit mỗi giây, song 92 terabit thì quá kinh ngạc”, David Hawksett, biên tập mảng khoa học và công nghệ tại Guinness cho biết[107].


Chữ tera trong terabit nghĩa là “nghìn tỉ”, nên một terabit bằng một triệu megabit. Theo Cisco, CRS-1 có khả năng tải xuống bản in của toàn bộ sách trong Thư viện Quốc hội Mỹ trong 4,6 giây. Nếu dùng một modem dial-up thì việc này phải mất 82 năm.


Khởi xướng viên chính của CRS-1 là một người Israel tên Michael Laor. Sau khi lấy bằng kỹ sư tại Đại học Ben-Gurion ở Beersheba, Israel; Laor làm cho Cisco ở California (Mỹ) trong 11 năm, nơi ông trở thành Giám đốc kiến trúc phần cứng và kỹ thuật. Năm 1997, ông quyết định trở về Israel, còn Cisco thay vì để mất một trong những kỹ sư hàng đầu của mình, đã đồng ý để Laor mở một trung tâm R&D của Cisco tại Israel, cũng là trung tâm đầu tiên ngoài nước Mỹ.


Trong khoảng thời gian này, Laor bắt đầu lý luận về việc cần có một bộ định tuyến khổng lồ như CRS-1. Lúc đó Internet còn rất mới mẻ, nên ý tưởng về thị trường dành cho bộ định tuyến lớn như thế tỏ ra lạc lõng. “Người ta nghĩ chúng tôi bị hâm khi phát triển sản phẩm này bốn năm về trước”, Tony Bates của Cisco phát biểu. “Họ nói chúng tôi no miệng, đói con mắt và hỏi ai mà cần đến công suất lớn đến vậy?”[108]


Laor lập luận chỉ khi Cisco chế tạo được thiết bị này thì thời của Internet mới đến. Vào thời điểm đó, rất khó để hình dung Internet - vốn chỉ mới chập chững với thư điện tử và vài trang Web sơ khai - sẽ bùng nổ theo cấp số nhân cùng với nhu cầu thỏa mãn trong việc truyền tải luồng dữ liệu khổng lồ tạo ra bởi hình ảnh, video và trò chơi điện tử.


Mặc dù CRS-1 là thiết bị lớn nhất từng có của Cisco và là dự án lớn tầm tập đoàn, nhưng nhóm của Laor ở Israel mới đóng vai trò then chốt trong việc thiết kế cả các con chip lẫn kiến trúc phần cứng cần thiết để mang công nghệ này lên tầm cao mới. Rốt cuộc, khi Chambers hé lộ CRS-1 tại hội nghị năm 2004, ông đã đúng với nhiệt huyết của mình. Với cấu hình hoàn chỉnh, mỗi bộ router được bán với giá 2 triệu USD, thế mà đến cuối năm 2004 đã bán được sáu chiếc. Rồi đến tháng 4 năm 2008, Cisco thông báo doanh số CRS-1 đã tăng gấp đôi trong chưa đầy chín tháng[109].


Năm 2008, trung tâm do Laor mở tại Israel một thập kỷ trước đã có 700 nhân viên. Quy mô của nó đã mở rộng nhanh chóng cùng với việc Cisco thâu tóm chín doanh nghiệp khởi nghiệp của Israel, nhiều hơn số công ty mà Cisco mua về ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Ngoài ra, Cisco còn chi 150 triệu USD đầu tư trực tiếp vào các doanh nghiệp khởi nghiệp khác của Israel, cũng như góp 45 triệu USD vào quỹ đầu tư mạo hiểm nhắm vào Israel. Tổng cộng, Cisco đã chi khoảng 1,2 tỉ USD để mua và đầu tư vào các công ty Israel[110].


Yoav Samet, tốt nghiệp từ đơn vị tình báo 8200 tinh nhuệ của quân đội Israel giờ đang phụ trách bộ phận thâu tóm doanh nghiệp của Cisco tại Israel, các nước thuộc khối Liên Xô cũ và Trung Âu cho biết Cisco Israel thuộc những trung tâm nước ngoài lớn nhất của công ty này, cùng với trung tâm Cisco ở Ấn Độ và Trung Quốc. “Nhưng”, ông nhấn mạnh, “ở Trung Quốc và Ấn Độ công việc được hoàn thành thuần túy trên phương diện kỹ thuật, nhưng khi cần đến sự sáng tạo thuần túy và hoạt động thâu tóm doanh nghiệp, Israel vẫn ở vị trí dẫn đầu”[111].


Ít ai ngờ Cisco lại đầu tư sâu rộng như vậy cho Israel, và nếu Michael Laor không quyết địnhã đến lúc trở về quê hương, hẳn đội ngũ nhân viên Cisco ở Israel đã không trở thành trung tâm trong hoạt động của tập đoàn. Cũng như Dov Frohman của Intel và nhiều người khác, Laor quyết định thu nhận kiến thức và kinh nghiệm tại Mỹ hay bất kỳ nơi nào khác để cuối cùng sẽ quay về phục vụ cho lợi ích của tập đoàn đa quốc gia nơi mình làm việc và cho nền kinh tế Israel.


Trong lúc nhiều nước - trong đó có cả Israel - liên tục than vãn về việc bị nước ngoài thu hút các tinh hoa doanh nhân và học giả, thì những người như Michael Laor cho thấy “chảy máu chất xám” không hẳn là đường một chiều. Đúng hơn, giới nghiên cứu môn di cư quốc tế ngày càng nhận ra một hiện tượng họ gọi là “lưu chuyển chất xám”, theo đó người tài sẽ ra đi và định cư ở nước ngoài rồi lại quay về cố hương, chứ không hoàn toàn “bỏ rơi” một trong hai nơi này.


Như Richard Devane viết trong một nghiên cứu được Ngân hàng Thế giới công bố, “Trung Quốc, Ấn Độ và Israel được hưởng nguồn đầu tư hoặc bùng nổ công nghệ trong hơn một thập kỷ qua, và những đợt bùng nổ này được liên kết với nhau bởi sự lãnh đạo từ cộng đồng những người làm việc ở hải ngoại của cả ba nước này”[112].


AnnaLee Saxenian là nhà địa lý kinh tế của Trường U.C Berkeley và là tác giả cuốn The New Argonauts (tạm dịch: Những người anh hùng Argonaut của thời đại mới) viết: “Như những người Hy Lạp giương buồm cùng Jason trong chuyến đi tìm kiếm bộ lông cừu vàng, những người Argonaut mới, sinh ra ở nước ngoài, là những doanh nhân nhuần nhuyễn công nghệ, thường đi đi về về giữa Thung lũng Sillicon và quê nhà”, bà viết.


Bà chỉ ra rằng các khu vực công nghệ đang tăng trưởng của Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan và Israel - đặc biệt là hai nước sau - đã vươn lên thành “những trung tâm toàn cầu quan trọng của sáng tạo”, thành quả của họ “qua mặt những nước giàu có và rộng lớn hơn như Đức và Pháp”. Bà quả quyết giới tiên phong cho những biến chuyển sâu sắc này là những người “đã đắm chìm trong nền văn hóa của Thung lũng Sillicon để học hỏi. Điều này bắt đầu vào cuối những năm 1980 với người Israel và Đài Loan, và phải đến cuối những năm 1990 hay thậm chí đầu những năm 2000 mới đến lượt người Ấn Độ và Trung Quốc”[113].


Michael Laor tại Cisco và Dov Forhman tại Intel là những Argonaut kinh điển. Ngay cả khi đang thu nhận kiến thức và địa vị trong các tập đoàn đa quốc gia lớn, họ vẫn nuôi dự quay về Israel. Khi quay về, họ không những trở thành chất xúc tác cho sự phát triển công nghệ của Israel, mà còn xây dựng những hoạt động dùng người Israel, vốn tạo ra các bước đột phá quan trọng cho tập đoàn nơi họ làm việc.


Lớp người Argonaut mới, hay sự “lưu chuyển chất xám” - hình mẫu người Israel đi ra nước ngoài rồi quay về nước là một phần quan trọng của hệ sinh thái sáng tạo kết nối Israel với cộng đồng Do Thái hải ngoại (Diaspora). Ngoài ra còn tồn tại một mạng lưới Diaspora khác của những người Do Thái không thuộc quốc tịch Israel.


Phần lớn thành công của Israel có được là nhờ vào mạng lưới Kiều bào hải ngoại (Diaspora) sâu rộng mà các nước khác, từ Ailen, Ấn Độ đến Trung Quốc, cũng đã xây dựng được. Tuy nhiên mối quan hệ chặt chẽ với Diaspora của những người không mang quốc tịch Israel lại không tự dưng mà có, cũng không đóng vai trò chất xúc tác cho sự phát triển của ngành công nghệ Israel. Trên thực tế, cộng đồng người Hoa lưu vong là nguồn đầu tư đóng góp 70% FDI vào Trung Quốc; còn cộng đồng lưu vong của Ấn Độ đã làm được nhiều để giúp xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ cao ở quê hương ngay từ lúc hệ thống pháp lý và kinh tế Ấn Độ vẫn còn chưa phát triển.


Israel có kinh nghiệm khác. Trong quá khứ, đa số các nhà đầu tư Mỹ gốc Do Thái thường không quan tâm đến nền kinh tế Israel. Phải rất lâu sau, khi Israel đã thành công hơn, thì nhiều người Do Thái hải ngoại mới bắt đầu nhìn Israel như một điểm đến để kinh doanh, thay vì một nơi chỉ để làm từ thiện hay biểu lộ lòng từ tâm.


Vậy nên Israel cần phải sáng tạo trong việc sử dụng cộng đồng Do Thái hải ngoại để thúc đẩy kinh tế. Truyền thống của Israel trong việc nhờ cậy cộng đồng Do Thái hải ngoại - vốn nhỏ nhưng tâm huyết - để xây dựng đất nước bắt nguồn từ chính những định chế của nó, chẳng hạn như không quân Israel.


Giấc mơ về một ngành sản xuất máy bay Israel xuất hiện trên một chuyến bay rung lắc qua Bắc Cực vào năm 1951, trong chiếc phi cơ về sau trở thành chiếc máy bay đầu tiên của Hãng hàng không Quốc gia Israel. Cuộc hội thoại giữa hai người có tính cách hoàn toàn khác biệt: Shimon Peres, vị Tổng thống thông thái tương lai của Israel, người vào năm 1951 đã phụ trách việc mua vũ khí cho nhà nước Do Thái mới thành lập; và Al Schwimmer, một kỹ sư hàng không nóng nảy đến từ Los Angeles, là bạn của Howard Hughes và Kirk Kerkorian. Tên của Schwimmer là Adolph, nhưng do bối cảnh Thế chiến II, anh đổi thành Al[114].


Peres và Schwimmer đang ở một trong nhiều chuyến bay đến vùng Bắc cực bằng những chiếc phi cơ cũ được mua cho lực lượng không quân non trẻ của Israel. Bay qua Bắc cực là điều nguy hiểm, nhưng họ đành mạo hiểm vì như thế, chặng bay sẽ ngắn hơn - người ta không cân nhắc nhiều khi phải điều khiển những chiếc máy bay đã cũ rời ra.


Al Schwimmer từng làm nghề kể chuyện trước khi bị hấp dẫn bởi ngành công nghiệp hàng không vào những ngày đầu tiên, khi máy bay còn rất mới lạ. Ông đang làm việc cho TWA thì Mỹ tham gia Thế chiến II, và toàn bộ ngành hàng không chuyển sang phục vụ chiến tranh. Tuy không chính thức gia nhập Không lực Hoa kỳ, Schwimmer cùng các đồng nghiệp phi công được cấp quân hàm, đồng phục không quân để làm công việc vận chuyển lính, trang thiết bị và có lúc là các ngôi sao điện ảnh đi khắp thế giới.


Trong suốt cuộc chiến, nhân thân Do Thái của Schwimmer không có nhiều ý nghĩa và gần như không gây ảnh hưởng lên nhân sinh quan của ông. Nhưng việc chứng kiến một trại tập trung được giải phóng, xem các phim tư liệu quay hàng đống xác người và trò chuyện cùng những người Do Thái châu Âu tìm cách tị nạn đến Palestine đã làm ông thay đổi. Gần như sau một đêm, Schwimmer đã trở thành người theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái tận tụy.


Khi nghe tin người Anh ở Palestine trả về các con tàu chở đầy người tị nạn Do Thái châu Âu, Schwimmer nảy ra ý tưởng ông tin là tốt hơn: Bay qua đầu các tàu tuần tiễu của hải quân Anh và chở lậu người Do Thái hạ cánh xuống các địa điểm bí mật. Ông đã lần ra điệp viên mật của Ben-Gurion ở New York và thuyết phục anh ta thực hiện ý tưởng này. Trong nhiều tháng liền, đại diện của Haganah, quân đội Do Thái ngầm ở Palestine vẫn tỏ ra chần chừ. Nhưng khi biết rõ quân Anh sẽ rút khỏi Palestine và một cuộc chiến tổng lực giữa thế giới Ả-rập và Israel sẽ xảy ra, Haganah đã liên lạc với Schwimmer.


Lúc này, họ còn có vấn đề cấp bách hơn cả việc chở lậu người tị nạn: Xây dựng lực lượng không quân. Haganah không có lấy một máy bay và sẽ hoàn toàn thất bại trước không quân Ai Cập. Liệu Schwimmer có thể mua, sửa chữa máy bay chiến đấu và chuyển lậu đến Israel?


Schwimmer cho đặc vụ của Ben-Gurion biết ông sẽ bắt đầu ngay lập tức, dù biết như thế sẽ vi phạm Điều luật Trung lập 1935, vốn cấm công dân Mỹ xuất khẩu vũ khí mà không được phép của chính quyền. Đây không còn là chutzpah mà là tội hình sự.


Trong vài ngày, Schwimmer tìm được một số phi công và thợ máy Do Thái tay nghề cao từ Mỹ và Anh để chế tạo thứ mà ông nói với họ là chiếc máy bay dân dụng Do Thái đầu tiên. Ông bị ám ảnh phải giữ bí mật đến nỗi không tiết lộ cho họ biết về ý tưởng chế tạo chiến đơ. Khi có người ngoài hỏi, ông nói dối rằng đang chế tạo một máy bay cho hãng hàng không Panama để chở gia súc đến châu Âu.


Tuy bị FBI tịch thu ba chiếc máy bay lớn nhất mà Schwimmer mua được - ba chiếc Constellations - ông và cộng sự vẫn chuyển lậu thành công ra khỏi nước Mỹ những chiếc khác, một số bay ngang qua đầu các đặc vụ FBI đang ra lệnh cho các máy bay không được phép cất cánh. Vào phút chót, Haganah giành được một thỏa thuận độc lập mua phi cơ Messerschmitts (Đức) từ Tiệp Khắc, vốn cũng được Schwimmer chuyển đến Israel.


Khi Cuộc chiến Độc lập 1948 xảy ra, các máy bay của Schwimmer đã đánh bại các máy bay Ai Cập đang dội bom xuống Tel Aviv. Trong nhiều trận chiến, những phi công hầu như chưa được đào tạo của Israel đóng vai trò chủ đạo trong việc đảm bảo chủ quyền quốc gia đối với sa mạc Negev - một vùng đất rộng lớn hình tam giác trải dài vài dặm từ phía Nam Jerusalem và Tel Aviv, giữa bán đảo Sinai (Ai Cập) và Jordan.


Sau khi Israel chiến thắng trong Cuộc chiến Độc lập, Schwimmer quay về Mỹ bất chấp đang bị truy nã. FBI đã biết về âm mưu buôn lậu của Schwimmer, còn Bộ Tư pháp Mỹ đã lập cáo trạng hình sự chống lại ông. Phiên tòa xử Schwimmer cùng các phi công tham gia do ông tuyển mộ vào phi vụ này đã gây tranh cãi trong công luận. Các bị cáo không nhận tội, vì cho rằng bản thân bộ luật đã không công bằng. Cuối cùng, Schwimmer chỉ phải nộp tiền phạt, điều được nhiều người xem là đồng nghĩa với việc được miễn tội.


Sau khi trắng án, Schwimmer không mất nhiều thời gian để quay lại cuộc chơi buôn lậu. Đến năm 1950, Schwimmer đã sát cánh cùng Shimon Peres, khi đó là một học trò trẻ tuổi của Ben-Gurion, vốn đang phục vụ cho Bộ Quốc phòng Israel vừa mới thành lập. Peres tìm cách mua 30 máy bay Mustang thừa cho không quân Israel, song thay vì thế Mỹ lại quyết định phá hủy chúng.


Thế là nhóm Schwimmer mua lại những máy bay bị cắt đôi từ chủ một bãi phế thải ở Texas rồi dựng lại, bổ sung linh kiện và sửa chữa để chúng hoạt động được. Sau đó cả nhóm lại “tháo” chúng thành từng mảnh, xếp vào các thùng được đánh dấu “Dụng cụ tưới tiêu” và gửi về Israel.


Nhưng do cần chuyển gấp những máy bay này về Israel, một vài chiếc vẫn được giữ nguyên trạng; Schwimmer và Peres đã bay cùng chúng đến Tel Aviv. Trên chuyến bay này, họ đã cùng bàn thảo về tương lai của ngành hàng không Israel vào năm 1951.


Peres liền bị thu hút bởi ý tưởng của Schwimmer về việc tạo dựng một ngành công nghiệp máy bay của Israel, sẽ phục vụ một mục đích xa hơn cả chiến lược quân sự ngắn hạn. Đây là một phần của th tạo dựng các ngành công nghiệp Israel của Peres.


Schwimmer khẳng định trong một thế giới đang dư thừa máy bay từ Thế chiến II, thì chẳng có lý do gì để Israel không mua máy bay với giá rẻ, rồi sửa chữa, nâng cấp và bán lại cho quân đội và hãng hàng không của các nước khác, trong khi vẫn xây dựng ngành sản xuất máy bay thương mại của riêng Israel. Không lâu sau khi quay về Mỹ, Peres dẫn Schwimmer đến gặp Ben-Gurion, người đang có chuyến công du đầu tiên đến Mỹ trên cương vị Thủ tướng Israel.


“Anh đang học tiếng Hebrew à?” là câu hỏi đầu tiên của Ben-Gurion khi Schwimmer giơ tay chào ông; cả hai từng gặp nhau nhiều lần trong Cuộc chiến Độc lập. Schwimmer cười lớn và chuyển chủ đề: “Có nhiều cô gái đẹp ở California, ông có nghĩ vậy không ngài Thủ tướng?”


Ben-Gurion muốn biết Schwimmer đang lập kế hoạch gì. Schwimmer kể về công cuộc cải cách mà mình đang thực hiện.


“Cái gì? Với chỉ ngần này máy móc mà anh định cải tiến máy bay sao?” Ben-Gurion hỏi, Schwimmer gật đầu.


“Chúng ta cần những điều như thế này ở Israel. Và còn cần hơn thế. Chúng ta cần một ngành hàng không thực thụ. Chúng ta cần phải tự chủ”, Ben-Gurion nói. Đây chính xác là điều Schwimmer đã thảo luận cùng Peres khi bay qua vùng băng tuyết. “Vậy ông nghĩ sao?”


Điều Schwimmer không biết là trước đó Ben-Gurion đã gợi ý Technion xây dựng ban kỹ thuật hàng không. Khi giao nhiệm vụ, ông nói: “Một tiêu chuẩn sống cao cấp, một nền văn hóa phong phú; sự tự chủ về tinh thần, chính trị và kinh tế, v.v... sẽ không thể đạt được nếu thiếu ngành hàng không”.


“Chắc chắn rồi, tôi nghĩ ông nói đúng”, Schwimmer đáp lời, rơi ngay vào cái bẫy giăng sẵn của vị Thủ tướng.


“Tôi vui vì anh nói thế. Chúng tôi mong anh quay về Israel để xây dựng ngành hàng không cho chúng tôi”, Ben-Gurion nói. Schwimmer liền lặng người nhìn Peres.


“Cứ làm đi, Al”, Peres nói. Schwimmer phản đối. Ông lập tức nghĩ đến những bất đồng sẽ vấp phải với giới chỉ huy không quân Israel cùng những cơ sở quân sự nhỏ nhưng quyền lực của Israel; chưa kể ông còn không biết nói tiếng Hebrew. Schwimmer cũng không thuộc đảng phái nào, ông ghét chính trị và thói quan liêu. Sự kết hợp của Israel giữa chế độ kinh tế tập trung xã hội chủ nghĩa và nền chính trị chủ nghĩa thân hữu có thể làm bất kỳ ai nghẹt thở, huống hồ một người đang có hoài bão xây dựng một ngành


Ông nói với Ben-Gurion rằng ông chỉ bắt tay thực hiện với điều kiện công ty này không bị thói tiến cử “con ông cháu cha” làm hại, không được có chuyện dùng ảnh hưởng chính trị để có việc làm. “Đây sẽ là một công ty tư nhân, được tổ chức theo các nguyên tắc thương mại”, Schwimmer nói với Ben-Gurion.


“Anh là người thích hợp cho Israel. Hãy đến đây”, Ben-Gurion đáp lời.


Schwimmer đến Israel. Trong vòng năm năm, Bedek, công ty bảo dưỡng máy bay do ông cùng hai người Israel thành lập đã trở thành doanh nghiệp tư nhân tuyển dụng nhiều lao động nhất trong cả nước.


Đến năm 1960, Bedek sản xuất biến thể của mẫu chiến đấu cơ Fouga của Pháp. Tại buổi ra mắt và bay thử chính thức của chiếc máy bay được đặt tên Tzukit (nghĩa là “nuốt chửng” trong tiếng Hebrew), Ben-Gurion đã nói với Schwimmer: “Nơi này không còn là Bedek nữa. Anh đã đi xa hơn công việc sửa chữa thuần túy. Các anh đã chế tạo một chiếc phi cơ. Nên đổi tên công ty thành Israel Aircraft Industries (Công nghiệp Hàng không Israel)”.


Peres và Ben-Gurion đã chiêu mộ thành công một người Mỹ gốc Do Thái, giúp tạo ra một trong những cú hích dài hạn lớn nhất cho nền kinh tế Israel mà không cần kêu gọi vốn đầu tư, dù chỉ một đồng USD.