Tại Sao Sự Hấp Dẫn (Cool) Lại Được Đánh Giá Cao Tới Vậy
Một người đàn ông rụt rè, nhút nhát chắc chắn sẽ rất ghét sự chú ý từ người lạ, nhưng khó có thể nói là anh ta sợ họ. Anh ta có thể rất dũng cảm như một người hùng trên chiến trường, ấy vậy nhưng vẫn chẳng hề có một chút tự tin nào khi phải nói về những điều nhỏ nhặt trước mặt người lạ.
—CHARLES DARWIN
Buổi sáng Chủ Nhật ngày lễ Phục Sinh, 1939, tại Đài Tưởng Niệm Lincoln, Mỹ. Marian Anderson, một trong những ca sĩ tài năng nhất của thế hệ bà, tiếp quản sân khấu, các bức tượng của mười sáu đời tổng thống Mỹ đứng phía sau lưng bà. Một người phụ nữ với phong thái uy quyền đế vương, với nước da màu nâu bánh mật, chăm chú nhìn 75.000 khán giả của mình: những người đàn ông trong những chiếc mũ rộng vành, những người phụ nữ trong bộ váy Ngày Chủ Nhật đẹp nhất của họ, một biển người rộng lớn của những khuôn mặt cả trắng và đen. “My country ’tis of thee”, bà bắt đầu cất tiếng hát, chất giọng vút cao, mỗi ca từ đều trong vắt và rõ ràng. “Sweet land of liberty”. Đám đông bị cuốn hút, và nước mắt họ rơi. Họ chưa bao giờ dám nghĩ ngày hôm nay có thể tới.
Và nó đã có thể sẽ không bao giờ tới, nếu không có Eleanor Roosevelt 28. Trước đó, Anderson đã có ý định muốn được hát tại Constitution Hall tại Washington D.C., nhưng tổ chức Daughters of the American Revolution, những người sở hữu tòa nhà, đã từ chối bà vì lý do phân biệt chủng tộc. Eleanor Roosevelt, người sinh ra từ một gia đình đã từng chiến đấu trong cuộc Cách Mạng, đã quyết tâm từ chức khỏi tổ chức Daughters of the American Revolution, rồi giúp sắp xếp để Anderson được hát tại Đài Tưởng Niệm Lincoln—và châm ngòi cho một làn sóng chỉ trích phẫn nộ từ khắp nơi trên toàn quốc. Roosevelt không phải là người duy nhất chống lại, nhưng bà đã mang cả ảnh hưởng chính trị của mình vào sự kiện này, cùng lúc đó liều lĩnh đánh cược cả danh tiếng của chính mình.
28 Anna Eleanor Roosevelt (11 tháng 10 năm 1884 – 7 tháng 11 năm 1962) là chính khách Mỹ, Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ, vợ của Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt Bà là nhà tiên phong trong phong trào ủng hộ nữ quyền, là người kiến tạo một hình mẫu mới cho vai trò Đệ nhất Phu nhân. Roosevelt hoạt động tích cực trong nỗ lực hình thành nhiều định chế, đáng kể nhất là Liên Hiệp Quốc, Hiệp hội Liên Hiệp Quốc và Nhà Tự do. Bà chủ toạ uỷ ban soạn thảo và chuẩn thuận Tuyên ngôn Quốc tế về Quyền Con Người. Tổng thống Harry S. Truman gọi bà là Đệ nhất Phu nhân của Thế giới, nhằm tôn vinh người phụ nữ đặc biệt này vì những chuyến du hành đưa bà đến nhiều nơi trên thế giới để vận động cho quyền con người. (Nguồn: Wikipedia)
Với Roosevelt, người dường như hiển nhiên luôn không thể ngoảnh mặt làm ngơ khi người khác đang gặp khó khăn, những hành động đầy lương tâm như vậy chẳng có gì kỳ lạ cả. Nhưng những người khác thì biết được rằng chúng phi thường đến thế nào. “Có một thứ gì đó rất đặc biệt”, nhà lãnh đạo phong trào bình quyền cho người Mỹ gốc Phi James Farmer nhớ lại về sự đứng lên dũng cảm của Roosevelt. “Franklin thì là một nhà chính trị. Ông cân nhắc hậu quả chính trị cho từng hành động của mình. Và ông cũng là một nhà chính trị rất tốt nữa. Nhưng Eleanor nói ra từ lương tâm, và hành động như một người rất tận tâm. Đó là thứ khác biệt”.
Đó cũng chính là vai trò mà bà đã đảm nhận trong suốt cả cuộc đời mình: làm người cố vấn cho Franklin, làm lương tâm cho Franklin. Cũng có thể ông đã chọn bà làm người bạn suốt đời cho mình chính vì lý do này; ở tất cả những mặt khác, họ đều chẳng giống nhau một chút nào.
Họ gặp nhau khi ông mới hai mươi tuổi. Franklin là anh em họ xa của Eleanor, một sinh viên năm cuối của Harvard được bao bọc cẩn thận trong một gia đình đại-thượng-lưu. Eleanor khi đó mới chỉ mười chín tuổi, cũng đến từ một gia đình giàu có, nhưng cô đã chọn sống cùng với những nỗi khổ của những người nghèo, bất chấp sự phản đối của gia đình mình. Là một tình nguyện viên tại một nhà tế bần trong khu vực Hạ Bờ Đông nghèo khó của quận Manhattan; cô đã gặp những em bé bị bắt ép phải khâu hoa giả tới mức kiệt sức trong những căn nhà xưởng không có lấy một ô cửa sổ. Một hôm cô đưa cả Franklin tới đó cùng cô. Anh không thể tin được rằng những con người này lại phải sống trong điều kiện khắc nghiệt tới vậy—hay việc rằng một cô gái trẻ cùng tầng lớp với anh lại là người đã giúp mở mắt anh tới mặt này của nước Mỹ. Anh đã nhanh chóng phải lòng cô gái ấy.
Nhưng Eleanor không phải là dạng vui vẻ, dí dỏm mà anh đã kỳ vọng là mình sẽ cưới. Chính xác là điều ngược lại mới đúng: cô rất chậm cười, rất nhanh chán bởi chuyện phiếm, đầu óc luôn nghiêm túc, và nhút nhát, rụt rè. Mẹ của cô, một nữ quý tộc thanh mảnh, xinh đẹp và hoạt bát, đã đặt cho cô biệt danh “Bà Ngoại” bởi lối cư xử của cô. Cha cô, người em trai quyến rũ và nổi tiếng của Theodore Roosevelt, thì luôn hết mực khen ngợi và yêu chiều cô mỗi lúc ông nhìn thấy con gái, nhưng ông mắc chứng say rượu gần như triền miên, và đã mất khi Eleanor mới lên chín tuổi. Cho đến lúc Eleanor gặp Franklin, cô đã không dám tin được được rằng một người như anh lại có hứng thú với cô. Franklin là tất cả những gì cô không phải là: bạo dạn và sôi nổi, vui vẻ, luôn nở một nụ cười thật lớn đầy hào hứng; dễ dàng giao tiếp với mọi người nhiều ngang mức cô cẩn trọng trong giao tiếp với mọi người. “Anh ấy rất trẻ, đầy tự tin và hết sức điển trai”, Eleanor nhớ lại, “còn tôi thì nhút nhát, rụt rè, vụng về lúng túng, và luôn run lên vì phấn khích mỗi khi được anh ấy mời khiêu vũ”.
Cũng cùng lúc đó, nhiều người bảo Eleanor rằng Franklin không đủ tốt để xứng với cô. Một số người nhìn ông như một kẻ tầm thường, một học giả không có gì nổi trội, một kẻ chỉ thích theo đuổi những thứ lông bông phù phiếm. Và bất chấp việc Eleanor tự đánh giá bản thân của mình thấp đến đâu, cô cũng không hề thiếu những người ngưỡng mộ luôn trân trọng sự nghiêm túc của cô. Một vài trong số những người theo đuổi cô đã viết những lá thư chúc mừng “hằn học” tới Franklin khi anh cuối cùng cũng giành được trái tim cô. “Tôi dành nhiều kính trọng và ngưỡng mộ cho Eleanor hơn với bất cứ người con gái nào tôi từng gặp”, một người viết thư viết. “Ông thật vô cùng may mắn. Người vợ tương lai của ông là một thứ vinh hạnh cao quý ít người đàn ông nào được có”, một lá thư khác viết.
Nhưng những ý kiến của xã hội chẳng có ý nghĩa gì với Franklin và Eleanor. Mỗi người đều có những sức mạnh mà người kia hằng mong muốn—sự cảm thông của cô, sự dũng cảm của anh. “E là một Thiên thần”, Franklin đã viết như vậy trong cuốn nhật ký của ông. Khi cô chấp nhận lời cầu hôn của ông vào năm 1903, ông đã công khai tuyên bố rằng ông là người đàn ông hạnh phúc nhất trên đời. Họ cưới nhau vào năm 1905 và có tới sáu người con.
Bất chấp sự hoan hỉ về hôn ước của họ, sự khác biệt giữa hai người đã gây ra rắc rối ngay từ những ngày đầu tiên. Eleanor luôn khát khao những cuộc nói chuyện thân tình và sâu sắc; ông thì thích những buổi tiệc, hẹn hò, tán tỉnh và buôn chuyện. Người đàn ông đã từng tuyên bố rằng ông không có gì để sợ cả ngoại trừ chính nỗi sợ, đã không thể nào hiểu nổi nỗi khổ sở của vợ ông với chứng rụt rè. Khi Franklin được bổ nhiệm chức phó tổng thư ký (assistant secretary) của Hải quân Mỹ vào năm 1913, nhịp độ trong đời sống giao tiếp xã hội của ông còn nhanh đến chóng mặt hơn nữa, và những địa điểm thì giàu sang hơn nữa—những câu lạc bộ tư dành riêng cho giới quý tộc, những tòa biệt thự lộng lẫy của những người bạn Harvard của ông. Ông chè chén tiệc tùng muộn hơn và muộn hơn nữa hàng tối. Eleanor thì trở về nhà càng lúc càng sớm hơn.
Trong lúc đó, Eleanor cũng có một lịch làm việc bận rộn đầy kín những hoạt động xã hội. Bà được mong chờ phải tới thăm các phu nhân của những người có tên tuổi lớn tại Washington khác, trao lại danh thiếp tại cửa nhà họ, và tổ chức những buổi tiếp đón lại họ tại chính nhà mình. Bà không hề ưa thích gì vai trò này, bởi vậy bà thuê một viên thư ký xã hội tên Lucy Mercer để giúp bà. Một ý tưởng có vẻ rất tốt—cho đến mùa hè năm 1917, khi Eleanor đưa bọn trẻ tới Maine để nghỉ hè, để Franklin lại Washington một mình với Mercer. Hai người họ bắt đầu một cuộc ngoại tình kéo dài suốt nhiều năm. Lucy chính xác là dạng người đẹp đầy tự tin mà Franklin đã kỳ vọng sẽ cưới ngay từ đầu.
Eleanor chỉ phát hiện ra sự phản bội của Franklin khi bà bất ngờ tìm thấy một gói thư tình trong valy của ông. Bà đã cực kỳ sốc và suy sụp, nhưng vẫn giữ nguyên cuộc hôn nhân với Franklin. Và mặc dù họ không bao giờ nhóm lại được ngọn lửa tình yêu trong mối quan hệ của mình nữa, bà và Franklin đã thay thế nó với một thứ rất đáng gờm: một liên minh giữa sự tự tin của ông và lương tâm của bà.
Tua nhanh đến thời điểm hiện tại, nơi chúng ta sẽ gặp một người phụ nữ khác với tính cách tương tự, hành động theo cảm giác lương tâm của riêng mình. Tiến sĩ Elaine Aron là một nhà nghiên cứu tâm lý học mà, kể từ công trình khoa học đầu tiên của bà được xuất bản năm 1997, đã một mình định hình lại thứ Jerome Kagan và những người khác gọi là “mức độ phản ứng cao” (và đôi lúc là “mức độ tiêu cực” hay “mức độ lo sợ”). Bà gọi nó là “mức độ nhạy cảm” (“sensitivity”), và cùng với cái tên mới bà đặt cho tính cách này, bà còn giúp cải biến và làm sâu sắc hơn những hiểu biết của chúng ta về nó nữa.
Khi tôi nghe được tin rằng Aron sẽ là diễn giả chính trong một buổi gặp-mặt-cuối-tuần hàng năm của “những người đặc biệt nhạy cảm” tại điền trang Walker Creek Ranch, hạt Marin, California; tôi nhanh chóng đặt vé máy bay. Jacquelyn Strickland, một nhà trị liệu tâm lý, chủ nhà và cũng là người sáng lập sự kiện này, giải thích rằng bà tạo ra những buổi cuối tuần này để những người nhạy cảm có thể thu được lợi ích từ việc ở bên những người giống mình. Bà gửi tôi một lịch trình làm việc, giải thích rằng chúng tôi sẽ ngủ trong những căn phòng được thiết kế “để ngủ, để viết nhật ký, để thủng thẳng từ tốn, để thiền, để sắp xếp tổ chức, để viết lách, và để suy ngẫm”.
“Xin hãy giao tiếp thật tĩnh lặng trong phòng của bạn (với sự đồng ý từ bạn cùng phòng của bạn), hoặc được khuyến khích hơn là trong những khu vực nhóm vào lúc đi dạo, hoặc vào những bữa ăn”, tờ lịch trình làm việc viết. Buổi hội thảo được nhắm vào những người thích các cuộc thảo luận có ý nghĩa và đôi lúc “đưa một cuộc trò chuyện tới một mức sâu sắc hơn, chỉ để tìm ra được rằng chúng ta là những kẻ duy nhất ở đó”. Sẽ có vô khối thời gian cho những cuộc nói chuyện nghiêm túc vào cuối tuần này, chúng tôi được đảm bảo vậy. Nhưng chúng tôi cũng đồng thời được tự do đến và đi khi nào tùy thích.
Strickland biết rằng phần lớn chúng tôi đều đã phải trải qua cả một đời toàn những hoạt động nhóm bắt buộc, và bà muốn giới thiệu cho chúng tôi một hình thức khác, cho dù chỉ là trong một vài ngày.
Điền trang Walker Creek Ranch trải dài trên gần 7 km2 vùng đất hoang vắng tại Bắc California. Nơi đây mời chào bạn với những con đường đi bộ, với môi trường hoang dã và bầu trời rộng lớn trong vắt, nhưng ở trung tâm của nó là trung tâm hội thảo ấm cúng, như một trang trại, nơi khoảng ba mươi người chúng tôi tụ tập vào một buổi chiều thứ Năm giữa tháng Sáu. The Buckeye Lodge, tên trung tâm hội thảo này, được phủ kín với thảm công nghiệp màu xám, những chiếc bảng trắng lớn, và những khung cửa sổ mở rộng nhìn ra những khu rừng gỗ đỏ ngập nắng. Bên cạnh những chồng đơn xin gia nhập cùng những bảng tên quen thuộc, còn có một bảng giấy lật flipchart lớn, nơi chúng tôi được yêu cầu ghi lên đó tên mình cùng loại tính cách của mình dựa theo bài trắc nghiệm Myers-Briggs. Tôi quét mắt nhanh một lượt qua cả danh sách. Tất cả mọi người đều là người hướng nội, ngoại trừ Strickland, người có một tính cách rất ấm áp, thân thiện, và diễn cảm. (Dựa trên nghiên cứu của của Aron, đại đa số, tuy không phải tất cả, người nhạy cảm đều là người hướng nội).
Tất cả bàn và ghế ở trong phòng đều được quây thành những khối vuông lớn để tất cả chúng tôi đều có thể ngồi mặt đối mặt với nhau. Strickland mời chúng tôi—tham gia hay không đều không bắt buộc— chia sẻ về việc điều gì đã khiến chúng tôi tới đây. Một kỹ sư phần mềm tên Tom bắt đầu trước, kể lại với sự say mê mãnh liệt về cảm giác nhẹ nhõm của anh khi nhận ra rằng có một “nền tảng sinh lý học cho nét tính cách nhạy cảm này. Đây là các nghiên cứu đây! Đây là tôi đây! Tôi không cần phải cố gắng đáp ứng kỳ vọng của bất cứ ai nữa. Tôi không cần phải cảm thấy tội lỗi hay gì nữa rồi”. Với khuôn mặt dài, hẹp của mình, mái tóc nâu và bộ râu cùng màu, Tom gợi tôi nhớ đến Abraham Lincoln. Anh giới thiệu với chúng tôi người vợ mình, người nói về việc cô và Tom hợp nhau đến đâu, và việc làm thể nào cùng nhau, hai người họ đã tình cờ biết về công trình nghiên cứu của tiến sĩ Aron.
Khi đến lượt tôi, tôi nói về việc tôi chưa bao giờ được ở trong một môi trường nhóm mà ở đó tôi không cảm thấy bắt buộc phải thể hiện một phiên bản bạo-dạn-hùng-hổ không tự nhiên của chính mình. Tôi nói rằng tôi rất hứng thú với mối quan hệ giữa tính hướng nội và sự nhạy cảm. Rất nhiều người gật đầu.
Đến sáng Thứ Bảy, Tiến sĩ Aron xuất hiện tại trung tâm Buckeye Lodge. Bà đợi một cách thoải mái phía sau một giá vẽ đỡ một bảng giấy lật flipchart trong khi Strickland giới thiệu bà với các khán giả. Rồi bà xuất hiện với nụ cười rạng rỡ—ta-da!—từ phía sau chiếc giá vẽ, ăn bận trang nhã với áo khoác gió, áo chui đầu, và áo nhung kẻ. Bà có mái tóc màu nâu ngắn, nhẹ và mềm; cùng đôi mắt xanh trông như thể chúng không bỏ sót dù chỉ một chi tiết nào. Bạn có thể thấy ngay lập tức người học giả được nể trọng Aron của ngày hôm nay; cũng như cả cô bé học sinh lúng túng, ngượng nghịu mà bà hẳn đã từng một thời là. Bạn cũng có thể thấy cả lòng tôn trọng bà dành cho các khán giả nữa.
Đi ngay vào công việc, bà thông báo với chúng tôi rằng bà có năm chủ đề nhỏ khác nhau bà muốn thảo luận, và yêu cầu chúng tôi giơ tay để bầu chọn cho chủ đề chúng tôi muốn thảo luận nhất, muốn thảo luận nhiều thứ hai, và nhiều thứ ba. Sau đó bà thể hiện, nhanh như chớp, một thao tác tính toán phức tạp để quyết định xem đâu là ba chủ đề nhỏ chúng tôi đã cùng chọn nhiều nhất. Đám đông nhất trí rất hòa nhã. Thực sự không quan trọng chủ đề nào đã được chọn, chúng tôi biết rằng Aron ở đây để nói về sự nhạy cảm, và rằng bà đang cân nhắc đến cả ý kiến của người nghe như chúng tôi nữa.
Một số nhà tâm lý học tạo tên tuổi của mình bằng cách tiến hành những nghiên cứu kỳ lạ. Cống hiến của Aron là ở việc đã nghĩ khác, khác một cách cực kỳ mới lạ, về những nghiên cứu mà những người khác đã làm. Khi còn là một cô bé, Aron thường được bảo là bà “quá nhạy cảm để sống tốt được”. Bà có hai người anh chị rất mạnh mẽ, và là đứa trẻ duy nhất trong nhà thích mơ mộng, thích chơi trong nhà, và dễ bị tổn thương cảm xúc. Khi bà lớn lên dần và bắt đầu bước xa dần khỏi quỹ đạo của gia đình, bà tiếp tục phát hiện ra có nhiều thứ ở bản thân bà khác biệt với tiêu chuẩn chung. Bà có thể lái xe một mình hàng giờ đồng hồ mà không bao giờ cần bật radio lên. Bà có những giấc mơ rất mạnh, đôi lúc ám ảnh, mỗi tối. Bà “dễ có xúc cảm mạnh mẽ đến kỳ lạ”, và thường xuyên bị ảnh hưởng bởi những cảm xúc mạnh, cả tích cực lẫn tiêu cực. Bà gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thứ thực sự quan trọng với mình trong cuộc sống hàng ngày; nó có vẻ chỉ ở đó khi bà rút lui khỏi thế giới ngoài kia.
Aron lớn lên, trở thành một nhà tâm lý học, và cưới một người đàn ông mạnh mẽ rất yêu ở bà những đức tính đó. Với chồng bà, Art, Aron là con người sáng tạo, có trực giác mạnh, và là một người biết tư duy sâu sắc. Bà cũng rất trân trọng những điều này ở chính mình nữa, nhưng nhìn chúng như “một vẻ bên ngoài chấp nhận được cho một khuyết điểm vô cùng kinh khủng ẩn sâu bên dưới mà tôi đã nhận ra trong suốt cả đời mình”. Bà nghĩ rằng quả thực là một phép màu kỳ diệu khi Art vẫn yêu bà bất chấp khuyết điểm này.
Nhưng khi một nhà tâm lý học đồng nghiệp, một cách rất tự nhiên, đã miêu tả Aron là “đặc biệt nhạy cảm”, một tia sáng lóe lên trong đầu bà. Cứ như thể hai từ này đã diễn tả sai lầm khuyết điểm bí ẩn của bà vậy, chỉ trừ có việc là nhà tâm lý học kia không hề ám chỉ đến một khuyết điểm nào hết. Đó chỉ là một lời miêu tả rất trung tính mà thôi.
Aron nghiền ngẫm về khám phá mới này, và rồi bỏ công nghiên cứu về một nét tính cách vẫn được gọi là “sự nhạy cảm” (sensitivity). Không tìm được gì mấy, do vậy bà đọc lại những nghiên cứu về tính hướng nội, thứ có vẻ đặc biệt liên quan đến chủ đề của bà: các công trình của Kagan về những đứa trẻ có-mức-độ-phản-ứng-cao, và hàng loạt cách thí nghiệm về việc người hướng nội có xu hướng nhạy cảm hơn với các kích thích từ giao tiếp xã hội cũng như từ các giác quan. Những nghiên cứu này cho bà thấy dấu hiệu của thứ bà đang tìm kiếm, nhưng Aron nghĩ rằng hẳn phải có một miếng ghép chưa tìm thấy trong bức chân dung đang hiện dần lên về người hướng nội.
“Vấn đề của các nhà khoa học, đấy là chúng tôi luôn cố quan sát các hành vi, và đây lại là những thứ anh không thể quan sát được”, bà giải thích. Các nhà khoa học có thể dễ dàng báo cáo lại về hành vi của những người hướng ngoại, những người thường có thể được tìm thấy đang cười lớn, nói to và khoa tay múa chân thoải mái trong những bữa tiệc. Nhưng “nếu một người đang đứng một mình trong một góc của căn phòng, bạn thường có thể chỉ ra đến mười lăm lý do khác nhau cho hành động của người đó. Nhưng bạn không thực sự biết được điều gì đang diễn ra bên trong họ”.
Ấy vậy nhưng các hành vi bên trong thì vẫn là các hành vi, Aron nghĩ, kể cả khi chúng rất khó để xác định. Vậy đâu là hành vi bên trong của những người mà đặc điểm bên ngoài thấy rõ nhất của họ chỉ là khi bạn đưa họ tới một bữa tiệc, họ tỏ ra không hứng thú gì với nó cho lắm? Bà quyết định phải tìm hiểu cho ra.
Trước tiên Aron phỏng vấn ba mươi chín người tự miêu tả mình là hoặc người hướng nội, hoặc rất dễ bị quá tải bởi các kích thích từ bên ngoài. Bà hỏi họ về những bộ phim mà họ yêu thích, những ký ức đầu tiên của họ, mối quan hệ của họ với cha mẹ, tình bạn, cuộc sống yêu đương, các hoạt động sáng tạo, quan điểm triết học và tôn giáo của họ. Dựa trên các cuộc phỏng vấn này, bà tạo ra một bảng câu hỏi điều tra rất nhiều và chi tiết để sau đó bà phát cho nhiều nhóm lớn hơn. Sau đó bà tóm gọn các câu trả lời khác nhau của họ xuống thành một tập hợp hai mươi bảy thuộc tính cơ bản. Bà gọi tên những người có những nét thuộc tính này là “đặc biệt nhạy cảm” (“highly sensitive”).
Một số trong hai mươi bảy thuộc tính này đã rất quen thuộc từ công trình của Kagan và những người khác. Ví dụ, những người đặc biệt nhạy cảm thường là những kẻ quan sát rất chăm chú, luôn “nhìn trước khi họ nhảy”. Họ sắp xếp cuộc sống của mình theo cách giới hạn ít nhất những sự bất ngờ. Họ thường nhạy cảm với các hình ảnh, âm thanh, mùi hương, cảm giác đau đớn, và cả cà phê. Họ gặp khó khăn với việc bị theo dõi (ví dụ, ở chỗ làm chẳng hạn, hay khi biểu diễn ở một buổi biếu diễn âm nhạc), hoặc với việc bị đánh giá mức độ xứng đáng (ví dụ hẹn hò, phỏng vấn xin việc, vv...)
Nhưng đồng thời cũng có những phát hiện mới. Người đặc biệt nhạy cảm thường có định hướng triết học hoặc tâm linh, hơn là định hướng vật chất hay chủ nghĩa khoái lạc. Họ ghét nói chuyện phiếm. Họ thường tự miêu tả bản thân là sáng tạo hoặc có trực giác tốt (hệt như những gì chồng của Aron đã miêu tả về bà). Họ mơ những giấc mơ rất rõ ràng, và thường có thể nhớ lại những giấc mơ của họ vào sáng hôm sau. Họ thích âm nhạc, thiên nhiên, nghệ thuật, và vẻ đẹp thể xác. Họ cảm giác những xúc cảm cực kỳ mạnh—đôi lúc những khoảnh khắc ngập tràn niềm vui, nhưng cũng có cả nỗi buồn, sầu thảm, và cả sự sợ hãi nữa.
Những người đặc biệt nhạy cảm cũng đồng thời xử lý thông tin về môi trường xung quanh họ—cả về vật chất và tình cảm—một cách sâu sắc đến khác thường. Họ thường có xu hướng để ý thấy những chi tiết rất nhỏ mà người khác thường bỏ qua—một sự thay đổi nhỏ trong tâm trạng của một người chẳng hạn, hay một bóng đèn điện hơi một chút quá sáng.
Gần đây, một nhóm các nhà khoa học tại Đại học Stony Brook đã thử nghiệm khám phá này bằng cách đưa hai cặp bức ảnh (về một cái hàng rào hay một vài búi rơm) cho mười tám người khi họ đang nằm trong máy fMRI. Ở một cặp ảnh, các bức ảnh khác nhau thấy rõ, và ở một cặp khác sự khác nhau chỉ là rất nhỏ. Với mỗi cặp, các nhà khoa học đều hỏi các tình nguyện viên liệu tấm ảnh thứ hai có giống tấm ảnh thứ nhất không. Họ phát hiện ra rằng những người nhạy cảm dành nhiều thời gian hơn những người khác khi nhìn các bức ảnh với sự khác biệt nhỏ. Não của họ cũng đồng thời thể hiện nhiều hoạt động hơn tại những vùng giúp liên kết các hình ảnh này với các thông tin được lưu trữ khác. Nói một cách khác, những người nhạy cảm xử lý những bức ảnh này ở một mức độ phức tạp cao hơn nhiều so với các đồng bạn của họ, suy ngẫm nhiều hơn về những cột hàng rào hay những đống rơm này.
Nghiên cứu này còn rất mới, và những kết luận của nó còn cần được lặp lại và khám phá thêm trong nhiều bối cảnh khác. Nhưng nó cũng vọng lại những khám phá của Kagan về các học sinh lớp Một dành nhiều thời gian hơn những người bạn của chúng để so sánh giữa các lựa chọn khi chúng chơi trò ghép hình hoặc đọc những từ ngữ lạ. Và nó gợi ý, theo lời của Jadzia Jagiellowicz, nhà khoa học hàng đầu ở Stony Brook, rằng loại người nhạy cảm nghĩ theo một phong cách phức tạp đến khác thường. “Nếu bạn nghĩ theo những cách phức tạp hơn”, bà bảo với tôi, “vậy thì nói chuyện về thời tiết hay bạn vừa đi đâu vào kỳ nghỉ vừa rồi rõ ràng không hấp dẫn bằng nói về giá trị của đạo đức”.
Một điều khác nữa Aron đã tìm thấy, đấy là những người nhạy cảm đôi lúc đặc biệt cảm thông. Như thể họ có rào cản mỏng hơn nhiều ngăn cách giữa họ với cảm xúc của những người khác và với những bi kịch và sự tàn nhẫn của thế giới này. Họ thường có một lương tâm mạnh mẽ khác thường. Họ tránh những bộ phim và chương trình tivi nhiều bạo lực; họ có nhận thức rất mạnh về hậu quả của mỗi lỗi lầm nhỏ trong hành động của họ. Trong những bối cảnh giao tiếp, họ thường chú trọng mạnh vào những chủ đề như các rắc rối cá nhân, những thứ mà những người khác sẽ thường coi là “quá nặng nề”.
Aron nhận ra rằng bà đang tiến đến một thứ rất lớn. Rất nhiều trong số các đặc tính của người nhạy cảm mà bà đã nhận diện được—như tính cảm thông và sự phản ứng nhiệt tình với cái đẹp—được các nhà tâm lý học tin rằng là các đặc tính của những loại tính cách khác như “mức độ dễ chịu” (agreeableness) hay “cởi mở với các trải nghiệm” (openness to experience). Nhưng Aron đã thấy rằng chúng đồng thời cũng là một thành phần cơ bản của sự nhạy cảm. Những khám phá của bà đã ngầm thách thức những chủ nghĩa đã được chấp nhận từ trước trong tâm lý học tính cách.
Bà bắt đầu xuất bản các kết quả thu được trong báo cáo khoa học và các cuốn sách của mình, cũng như diễn thuyết về các công trình của mình. Lúc đầu điều này rất khó khăn. Các khán giả nói với bà rằng ý tưởng của bà rất cuốn hút, nhưng cách diễn thuyết thiếu tự tin của bà làm họ khó tập trung. Nhưng Aron có một ham muốn rất lớn được đưa thông điệp của mình tới với mọi người. Bà vẫn tiếp tục cố gắng, và học cách để nói với uy quyền như bà có. Đến thời điểm tôi được gặp bà tại Walker Creek Ranch, bà đã hoàn toàn thành thục, tự tin, và hoàn toàn chắc chắn. Sự khác biệt duy nhất giữa bà và người diễn giả quen thuộc của bạn, đấy là ở việc bà tận tâm đến đâu trong việc trả lời từng câu hỏi của khán giả. Bà nấn ná ở lại lâu hơn với nhóm, mặc dù với việc là một người hết sức hướng nội, hẳn bà đã phải cực kỳ muốn được về nhà ngay lập tức.
Lời miêu tả của Aron về những người đặc biệt nhạy cảm nghe có vẻ như đang nói về chính Eleanor Roosevelt. Thực vậy, trong những năm tháng khi Aron lần đầu tiên xuất bản những công trình của mình, các nhà khoa học đã tìm ra được rằng khi bạn cho những người có những gen di truyền thường được gắn với tính nhạy cảm và tính hướng nội (những người với các biến thể gen 5-HTTLPR như đã nhắc đến ở loài khỉ rhesus ở chương 3) vào trong máy fMRI, và cho họ xem những bức ảnh về các khuôn mặt sứt sẹo, những nạn nhân các vụ tai nạn, những thân thể bị xé xác, hay những cảnh tượng thiên nhiên bị ô nhiễm, thùy hạnh nhân—phần não đóng một vai trò quan trọng trong việc xử lý cảm xúc—lập tức được kích hoạt cực kỳ mạnh mẽ. Aron và một nhóm các nhà khoa học cũng đồng thời tìm thấy được rằng khi những người nhạy cảm nhìn thấy những khuôn mặt người đang thể hiện những trạng thái cảm xúc mạnh mẽ, họ bị kích hoạt mạnh mẽ hơn so với những người khác trong những khu vực não liên kết với sự cảm thông và khả năng điều khiển những cảm xúc.
Như thể là, cũng như Eleanor Roosevelt, họ không thể không cảm thấy những gì mà người khác đang phải cảm thấy.
Vào năm 1921, FDR mắc phải căn bệnh bại liệt. Đó là một cú giáng khủng khiếp, và ông đã cân nhắc đến việc sẽ về nghỉ hưu tại vùng nông thôn như một người tàn phế. Nhưng Eleanor đã giúp giữ các mối liên lạc của ông với Đảng Dân Chủ trong khi ông bình phục, bà thậm chí còn đồng ý phát biểu tại một buổi tiệc gây quỹ. Eleanor rất sợ phải nói trước đám đông, và cũng không hề giỏi việc đấy một chút nào—bà có giọng nói rất cao, lại hay cười lớn kiểu rất căng thẳng vào toàn những lúc không thích hợp. Nhưng bà đã bỏ công sức tập luyện để cho sự kiện này, và đã xoay sở thành công với bài diễn thuyết.
Sau lần đó, Eleanor vẫn không cảm thấy chắc chắn gì hơn vào bản thân mình, nhưng bà bắt đầu hoạt động để thay đổi những thực trạng xã hội mà bà thấy xung quanh mình. Bà trở thành tiếng nói tranh đấu cho các vấn đề về quyền phụ nữ, và bắt tay liên minh với những người có đầu-óc-nghiêm-túc khác. Đến năm 1928, khi FDR được bầu làm Thống đốc Tiểu bang New York, bà đã là giám đốc Văn phòng về Hoạt động của Phụ nữ cho Đảng Dân Chủ, và là một trong số những phụ nữ quyền lực nhất trên chính trường Mỹ lúc bấy giờ. Bà và Franklin giờ đã là một mối liên kết hợp tác chặt chẽ và vô cùng hiệu quả giữa khả năng ứng xử khôn khéo của ông và lương tâm xã hội của bà. “Tôi biết về tình trạng xã hội, có lẽ còn biết rõ hơn cả ông ấy nữa”, Eleanor kể lại với sự khiêm tốn quen thuộc của mình. “Nhưng ông ấy thì lại hiểu rõ về chính phủ, và cách làm thế nào bạn có thể dùng chính phủ để cải thiện mọi thứ. Và tôi nghĩ chúng tôi đã bắt đầu hiểu dần cách làm việc đồng đội”.
FDR được bầu làm tổng thống vào năm 1933. Đó là thời kỳ đỉnh cao của cuộc Khủng hoảng, và Eleanor đã đi khắp đất nước—trong vòng chỉ một chuyến đi kéo dài ba tháng, bà đã hành trình đến hơn 40.000 dặm—để nghe những người dân thường kể lại những câu chuyện gian khó của họ. Mọi người cởi mở với bà theo những cách mà họ chưa bao giờ làm với một nhân vật có uy quyền nào trước đây. Bà đã trở thành tiếng nói từ những người bị tước đoạt tài sản tới Franklin. Khi bà trở về từ những chuyến đi của mình, bà thường kể lại với ông những gì mình đã nhìn thấy, và ép ông phải hành động. Bà đã giúp điều phối các chương trình chính phủ cho những công nhân đào mỏ khốn khổ đã gần-như-chết-đói tại Appalachia. Bà thúc giục FDR phải đưa cả phụ nữ và cư dân Mỹ gốc Phi vào những chương trình thúc đẩy lao động của ông. Và bà đã giúp sắp xếp để Marian Anderson được hát tại Đài tưởng niệm Lincoln. “Bà ấy luôn giữ cho ông ấy ở một mức tiêu chuẩn rất cao. Tất cả những ai đã từng nhìn thấy bà nhìn thẳng vào mắt ông và nói ‘Nào, Franklin, anh nên….’ đều sẽ không bao giờ có thể quên được điều đó”.
Người phụ nữ trẻ rụt rè, nhút nhát từng rất sợ nói trước đám đông ngày nào đã dần biết cách yêu cuộc sống xã hội. Eleanor Roosevelt trở thành vị Đệ Nhất Phu Nhân đầu tiên tổ chức một buổi họp báo, phát biểu tại một hội nghị chính trị cấp quốc gia, viết cho một chuyên mục báo, và xuất hiện trên hàng loạt các chương trình phát thanh. Về sau này trong sự nghiệp của mình, bà đã đảm nhiệm cả chức vụ người đại diện cho nước Mỹ tại Liên Hợp Quốc, nơi bà dùng thương hiệu kỳ lạ của cả những kỹ năng chính trị lẫn sự kiên trì đến cùng của mình để giúp thông qua Tuyên ngôn Quốc tế về Quyền Con Người.
Bà chưa bao giờ có thể vượt qua hoàn toàn sự nhút nhát, dễ tổn thương của mình; cả cuộc đời bà đã phải chịu đựng thứ “tâm trạng Griselda” đen tối, như bà tự gọi nó như vậy (lấy theo tên một công chúa thời trung cổ, người đã lẩn sâu vào trong nơi yên lặng), và chật vật để “phát triển một vẻ bề ngoài cứng rắn như da tê giác”. “Tôi nghĩ những người rụt rè nhút nhát sẽ vẫn luôn rụt rè nhút nhát, nhưng họ có thể học cách để vượt qua chúng”, bà nói. Nhưng có lẽ chính sự nhạy cảm này đã giúp bà có thể dễ dàng liên hệ bản thân với những người bị tước đoạt nhân quyền, và cho bà lương tâm đủ mạnh để đứng lên đấu tranh đại diện cho họ. FDR, người được bầu cử vào thời điểm đầu của cuộc Khủng hoảng, được nhớ đến bởi lòng trắc ẩn của mình. Nhưng chính Eleanor là người đã đảm bảo rằng ông biết được người dân Mỹ đang phải chịu đựng khổ sở ra sao.
Mối liên hệ giữa tính nhạy cảm và lương tâm đã được phát hiện và quan sát từ khá lâu. Hãy xem xét thí nghiệm sau đây, tiến hành bởi nhà tâm lý học phát triển (developmental psychologist) Grazyna Kochanska. Một người phụ nữ tốt bụng đưa một món đồ chơi cho một đứa bé, giải thích với nó rằng đứa trẻ cần phải rất cẩn thận với món đồ chơi bởi đây là một thứ mà người phụ nữ rất yêu thích. Đứa trẻ gật đầu nghiêm túc đồng ý, và bắt đầu chơi với món đồ. Không lâu sau đó, theo điều khiển bí mật của những người làm thí nghiệm, món đồ chơi sẽ tự động gãy tan thành hai mảnh.
Người phụ nữ tỏ vẻ rất buồn bã và kêu lên: “Ôi không!”. Sau đó cô ấy sẽ đợi xem đứa trẻ sẽ phản ứng như thế nào.
Một số đứa trẻ, hóa ra, lại cảm thấy tội lỗi hơn nhiều so với những đứa trẻ khác về “tội lỗi” của chúng. Chúng quay mặt đi, tự ôm lấy mình, lắp bắp thú tội, giấu mặt đi. Và chính những đứa trẻ chúng ta coi là nhạy cảm nhất, có-mức-độ-phản-ứng cao nhất, những đứa có khả năng cao là người hướng nội, là những người cảm thấy tội lỗi nhất. Vì nhạy cảm đến khác thường với mọi loại trải nghiệm, cả tích cực lẫn tiêu cực, chúng có vẻ cảm thấy cả nỗi buồn của người phụ nữ khi món đồ chơi bị phá hỏng, lẫn cả nỗi lo lắng của chính mình khi đã làm một điều xấu. (Trong trường hợp bạn đang thắc mắc, người phụ nữ trong thí nghiệm đã nhanh chóng quay lại căn phòng với món đồ chơi “đã được sửa” và trấn an đứa trẻ rằng nó không có làm gì sai hết).
Trong nền văn hóa của chúng ta, “cảm giác tội lỗi” là một từ có nghĩa xấu, nhưng nó có lẽ lại là một trong những nền tảng căn bản cho việc xây dựng lương tâm. Nỗi lo lắng mà những em bé rất nhạy cảm này đã cảm thấy khi chúng (có vẻ) đã phá hỏng món đồ chơi cho chúng một động lực mạnh mẽ để không làm hỏng món đồ chơi của bất cứ người nào khác trong tương lai nữa. Khi lên bốn tuổi, theo Kochanska, chính những đứa trẻ này sẽ ít có xu hướng gian lận hay vi phạm luật lệ hơn các đồng bạn khác, kể cả khi chúng nghĩ chúng không thể bị bắt. Khi lên đến khoảng sáu hay bảy tuổi, chúng thường sẽ được cha mẹ mình miêu tả là có những dấu hiệu thể hiện mức độ đạo đức cao, chẳng hạn như lòng trắc ẩn. Chúng đồng thời cũng có ít những rắc rối về hành vi khác nói chung.
“Những cảm giác tội lỗi vừa đủ, thực tế”, Kochanska viết, “có thể giúp thúc đẩy trong tương lai lòng vị tha, tinh thần trách nhiệm cá nhân, cách ứng xử linh hoạt nơi trường học, và sự hòa thuận, khả năng cao, có mối quan hệ tốt với cha mẹ, thầy cô và bạn bè”. Đây là một bộ những đặc điểm tính cách cực kỳ quan trọng, nhất là ở vào thời điểm mà, như một nghiên cứu mà Đại học Michigan tiến hành năm 2010 đã chỉ ra: sinh viên đại học ngày nay ít cảm thông hơn tới 40% so với thế hệ của 30 năm trước, với những sự sụt giảm lớn nhất xảy ra từ sau năm 2000. (Các tác giả của nghiên cứu này đã suy đoán rằng sự suy giảm trong lòng cảm thông có liên hệ với sự thịnh hành của các phương tiện truyền thông xã hội, truyền hình thực tế, và một “tinh thần cạnh tranh siêu mạnh”).
Tất nhiên, có những đặc điểm này không có nghĩa là những đứa trẻ nhạy cảm là những thiên thần. Chúng cũng có những nét ích kỷ như mọi người khác vậy. Đôi lúc chúng hành động xa lánh hay thiếu thân thiện. Và khi chúng bị quá tải bởi những cảm xúc tiêu cực như sự hổ thẹn hay cảm giác lo sợ, Aron nói, chúng có thể hờ hững đến đáng ngạc nhiên với nhu cầu của những người khác.
Nhưng cũng chính khả năng dễ tiếp nhận trải nghiệm đó, thứ có thể khiến cuộc sống của những người nhạy cảm cao khó khăn đến thế nào, cũng đồng thời giúp xây dựng lương tâm cho họ. Aron kể câu chuyện về một thiếu niên nhạy cảm đã thuyết phục mẹ mình giúp đỡ một người vô gia cư mà cậu bé đã gặp trong công viên, và về một cô bé tám tuổi khác đã khóc không chỉ khi chính mình cảm thấy xấu hổ, mà còn cả khi các bạn của cô bị trêu chọc nữa.
Chúng ta đều biết rất rõ về kiểu người này qua các tác phẩm văn học, có lẽ là bởi rất nhiều các nhà văn bản thân họ cũng là những người hướng nội và nhạy cảm. Anh ấy “đã trải qua cuộc sống với ít hơn một lớp da so với phần lớn mọi người đàn ông khác”, tiểu thuyết gia Eric Malpass đã viết như vậy về nhân vật chính trầm lặng và thích suy nghĩ của ông, người đồng thời cũng là một nhà văn, trong cuốn tiểu thuyết “The Long Long Dances”. “Những rắc rối của những người khác tác động tới anh nhiều hơn, và cả vẻ đẹp náo nhiệt của cuộc sống nữa: tác động tới anh, thúc đẩy anh phải cầm lấy một cây bút và viết về chúng. [Anh bị tác động mãnh liệt khi] rảo bước trên những ngọn đồi, khi nghe một khúc nhạc của Schubert, và khi phải chứng kiến hàng đêm từ chiếc ghế bành của mình những cảnh đầu rơi máu chảy vẫn đầy rẫy trên những bản tin tivi lúc chín giờ”.
Lời miêu tả về những đặc điểm như da-mỏng-hơn-một-lớp (thin-skinned) này tất nhiên có nhiều ý nghĩa ẩn dụ, nhưng nó hóa ra còn khá là thực tế nữa. Một trong số những thí nghiệm các nhà nghiên cứu đã dùng để đo đạc các nét tính cách là thí nghiệm về mức độ dẫn truyền của da, trong đó họ ghi lại việc con người ra mồ hôi nhiều đến đâu khi phải tiếp xúc với tiếng ồn, những cảm xúc mạnh mẽ, cũng như những tác nhân kích thích khác. Những người hướng nội có-mức-độ-phản-ứng-cao ra mồ hôi nhiều hơn, những người hướng ngoại có-mức-độ-phản-ứng-thấp ra mồ hôi ít hơn. Da của họ đúng thực tế là “dày hơn” thật, có thể miễn nhiễm cao hơn với các tác nhân kích thích, chạm vào cũng mát hơn (cool) nữa. Trên thực tế, ý tưởng về sự “cool” của chúng ta chính là đến từ chỗ này: bạn càng có-mức- độ-phản-ứng-thấp, bạn sẽ càng có nhiệt độ thấp (cool). (Tình cờ, những kẻ điên rồ/sociopaths nằm ở điểm cực xa nhất trên thang đo mức độ mát/cool này, với mức độ bị kích thích, độ dẫn truyền của da, và mức độ lo lắng cực kỳ thấp. Đây là một vài bằng chứng cho thấy những kẻ điên rồ/sociopaths là những kẻ có thùy hạnh nhân bị tổn thương).
Máy phát hiện nói dối (hay polygraph) có một phần là thí nghiệm mức độ dẫn truyền của da (skin conductance tests). Chúng hoạt động trên nguyên lý rằng nói dối tạo nên căng thẳng, làm kích hoạt làn da tiết mồ hôi ở những mức độ rất nhỏ. Khi tôi còn ở đại học, tôi đã xin một công việc làm thêm trong hè là làm thư ký cho một hãng trang sức lớn. Tôi phải tham gia một bài kiểm tra với máy phát hiện nói dối như một phần của quá trình xin việc. Bài kiểm tra được tổ chức trong một căn phòng nhỏ, thiếu ánh sáng, với sàn gỗ, và bởi một người đàn ông cao gầy, rít thuốc lá phì phèo với nước da vàng vàng. Người đàn ông hỏi tôi một chuỗi những câu hỏi để khởi động: tên tôi, địa chỉ của tôi, và cứ thế, để xác định mức độ dẫn truyền của làn da tôi trong điều kiện bình thường. Sau đó các câu hỏi bắt đầu đi sâu dần và thái độ của người điều hành kiểm tra bắt đầu gay gắt hơn. Tôi đã từng bị bắt bao giờ chưa? Tôi đã lấy cắp đồ trong siêu thị bao giờ chưa? Tôi có dùng cô-ca-in bao giờ chưa? Với câu hỏi cuối cùng này, người thẩm vấn nhìn xoáy vào mắt tôi rất chăm chú. Khi làm thí nghiệm này, tôi chưa bao giờ dùng cô-ca-in cả, nhưng ông ta có vẻ nghĩ là tôi đã từng. Ánh nhìn buộc tội trên khuôn mặt ông ta là một mẹo kinh điển của các nhân viên cảnh sát khi họ nói với đối tượng nghi vấn là họ đã có bằng chứng rõ rành rành rồi, và chẳng có ích lợi gì trong việc cố chối tội cả.
Tôi biết là người đàn ông này đã lầm, nhưng tôi vẫn đỏ mặt. Và hẳn nhiên, kết quả máy trả về cho thấy tôi đã nói dối ở câu hỏi về cô-ca-in. Làn da của tôi có vẻ mỏng đến nỗi nó tiết ra mồ hôi để phản ứng với cả những tội ác trong tưởng tượng!
Chúng ta thường vẫn nghĩ về sự cool với hình ảnh một người với đôi kính râm, một thái độ bất cần, và một ly rượu trên tay. Nhưng có lẽ chúng ta đã không chọn những đặc điểm này một cách ngẫu nhiên. Có lẽ chúng ta đã thâu nhận kính đen, thái độ thoải mái tự tin, và cả rượu như những tín hiệu thông báo chính xác là vì chúng giúp che giấu đi những dấu hiệu của một hệ thần kinh đang bị quá tải. Kính đen ngăn cản những khác nhìn thấy đôi mắt đang mở lớn vì bất ngờ và sợ hãi của chúng ta; chúng ta cũng đã biết từ các công trình của Kagan rằng một phần thân trên thoải mái là một dấu hiệu điển hình của một mức độ phản ứng thấp; và rượu giúp gỡ bỏ sự ngại ngần và làm giảm bớt mức độ bị kích thích của chúng ta. Khi bạn đi xem một trận đấu bóng và ai đó mời bạn một ly bia, nhà tâm lý học tính cách Brian Little nói, “tức là họ đang nói chào, dùng một ly ‘hướng ngoại’ đi này”.
Các thiếu niên tuổi teen hiểu rõ một cách bản năng về bản chất sinh học của “cool”. Trong cuốn tiểu thuyết “Prep” của Curtis Sittenfeld, một cuốn sách khám phá những nghi thức xã hội của tuổi vị thành niên trong môi trường trường học nội trú với sự chính xác đến đáng kinh ngạc, nhân vật chính, Lee, đã bất ngờ được mời đến phòng ký túc của Aspeth, cô gái cool nhất trường. Điều đầu tiên cô để ý thấy là thế giới của Aspeth nhiều kích thích đến như thế nào. “Ngay từ ngoài cửa, tôi đã có thể nghe thấy tiếng nhạc xập xình ồn ã”, cô quan sát. “Những dây đèn Giáng Sinh trắng, ngay lúc này đều đang được bật toàn bộ, dán cao dọc khắp những bức tường, và trên bức tường phía bắc họ treo một bức tranh khổng lồ màu cam và xanh lá cây... Tôi thấy như mình bị quá tải và hơi có chút khó chịu nữa. Căn phòng mà tôi ở cùng [bạn cùng phòng của tôi] có vẻ quá yên lặng và đơn giản, cuộc sống của chúng tôi có vẻ quá yên lặng và đơn giản. Có phải Aspeth sinh ra đã cool rồi hay không, tôi tự hỏi, hay có ai đó đã dạy cô ấy tất cả những điều này, như một người chị gái hay một người anh chị em họ nào đó chẳng hạn?”.
Nền văn hóa thể thao (jock cultures) cũng cảm nhận được bản chất sinh học về mức-độ-phản-ứng-thấp của sự “cool” nữa. Với các nhà du hành vũ trụ thời kỳ đầu, có một mức nhịp tim thấp, thứ được liên kết với mức độ phản ứng thấp, là một biểu tượng của địa vị. Trung úy (lieutenant) John Glenn, người Mỹ đầu tiên đã đi hết quỹ đạo vòng quanh Trái Đất và sau này còn tranh cử Tổng Thống, đã rất được các đồng đội của ông ngưỡng mộ bởi mức nhịp tim “siêu cool” của ông trong khi cất cánh (chỉ có 110 nhịp một phút).
Nhưng sự thiếu “cool” có thể có giá trị về mặt xã hội nhiều hơn là ta nghĩ. Cái đỏ mặt khi một nhà thẩm vấn dí mặt vào sát mặt bạn và hỏi liệu bạn đã dùng cô-ca-in bao giờ chưa đó, hóa ra lại là một dạng “chất kết dính xã hội” (social glue). Trong một thí nghiệm mới đây, một nhóm các nhà tâm lý học, dẫn đầu bởi Corine Dijk, đã yêu cầu khoảng sáu mươi người tham gia đọc hồ sơ ghi chép về những người đã làm một hành động sai trái về mặt đạo đức nào đó, như lái xe bỏ đi khỏi một vụ tai nạn, hay một việc gì đó đáng xấu hổ, như làm đổ cà phê lên quần áo ai đó. Những người tham gia được cho xem ảnh của những “thủ phạm”, những người trong các bức ảnh này sẽ có một trong bốn biểu hiện khác nhau sau: hổ thẹn hoặc xấu hổ (đầu và mắt hướng xuống); xấu hổ/hổ thẹn kèm đỏ mặt; bình thản; bình thản kèm đỏ mặt. Sau đó họ được yêu cầu đánh giá mức độ cảm thông và mức độ đáng tin tưởng của những người “thủ phạm” này.
Hóa ra những người thủ phạm mà đỏ mặt đều nhận được đánh giá tích cực hơn là những người không đỏ mặt. Đó là bởi vì sự đỏ mặt là dấu hiệu của sự lo lắng dành cho người khác. Như Dacher Keltner, một nhà tâm lý học tại Đại học California, Berkeley, người chuyên tập trung nghiên cứu các cảm xúc tích cực, đã nói trên tạp chí New York Times: “Một cái đỏ mặt xuất hiện ngay trong hai hoặc ba giây, và nói “Tôi có quan tâm; tôi biết mình vừa vi phạm một thỏa thuận giao tiếp”.
Trên thực tế, chính thứ mà mọi người có mức-độ-phản-ứng-cao ghét nhất về việc đỏ mặt—sự không thể điều khiển được của nó—lại chính là thứ khiến nó hữu dụng trong giao tiếp tới vậy. “Bởi vì không thể nào điều khiển việc đỏ mặt theo ý muốn được”, Dijk suy đoán, đỏ mặt chính là một dấu hiệu đảm bảo của cảm giác xấu hổ. Và cảm giác xấu hổ, theo Keltner, là một cảm xúc mang tính đạo đức. Nó cho thấy sự khiêm tốn, nhún nhường, và một mong muốn hòa bình, tránh mọi xung đột. Nó sinh ra không phải là để cách ly những người cảm thấy hổ thẹn (như những người dễ đỏ mặt hay cảm thấy), mà là để đưa mọi người lại gần nhau hơn.
Keltner đã tìm kiếm nguồn gốc của cảm giác xấu hổ ở con người, và đã tìm ra rằng sau khi rất nhiều động vật linh trưởng đánh nhau, chúng luôn cố làm hòa. Chúng làm điều này một phần bằng cách thể hiện những cử chỉ xấu hổ giống với thứ chúng ta vẫn thường thấy ở con người—nhìn đi chỗ khác, tức công nhận việc làm sai và khẳng định ý muốn sẽ dừng lại; cúi thấp đầu, thứ giúp làm thu nhỏ kích thước cơ thể; và cắn chặt môi, một dấu hiệu của sự ngại ngùng. Những cử chỉ này ở người đã được gọi là “hành động của sự cống hiến” (“acts of devotion”), Keltner viết. Quả thực vậy, Keltner, người đã được dạy để đọc nét biểu cảm trên khuôn mặt người khác, đã nghiên cứu các bức ảnh của những người hùng được tôn vinh về mặt đạo đức như Gandhi hay Đại Lai Lạt Ma; và tìm thấy rằng họ cũng có những nét đặc điểm như nụ cười tập luyện và ánh mắt lảng tránh đó”.
Trong cuốn sách của mình, “Born to Be Good”, Keltner thậm chí còn nói rằng nếu anh phải chọn bạn đời sau này cho mình với chỉ một câu hỏi trong một cuộc hẹn-hò-siêu-tốc, câu hỏi mà ông chọn sẽ là “Đâu là trải nghiệm đáng xấu hổ gần đây nhất của cô?”. Sau đó ông sẽ quan sát rất kỹ càng những dấu hiệu như cắn môi, đỏ mặt, và ánh nhìn lảng tránh. “Những yếu tố của nỗi xấu hổ là những dấu hiệu chớp nhoáng cho thấy mức độ tôn trọng của cá nhân đó trước những phán xét từ người khác”, ông viết. “Cảm giác xấu hổ tiết lộ cho chúng ta thấy người đó quan tâm đến những luật lệ giúp ràng buộc chúng ta lại với nhau”.
Nói một cách khác, bạn muốn đảm bảo rằng người bạn đời tương lai của mình có để tâm đến những điều người khác nghĩ. Để tâm quá nhiều cũng vẫn còn tốt hơn là để tâm quá ít.
Bất kể việc đỏ mặt có nhiều lợi ích đến đâu, cái hiện tượng về mức độ nhạy cảm cao này vẫn đưa ra một câu hỏi hiển nhiên: Làm thế nào những người cực kỳ nhạy cảm vẫn có thể sống sót qua quy trình sàng lọc khắc nghiệt của tiến hóa? Nếu những người bạo dạn và hùng hổ thường thắng thế (như suy nghĩ thông thường), tại sao những người nhạy cảm không bị loại bỏ ra khỏi dân số nhân loại từ hàng ngàn năm trước, như loài nhái cây da cam (tree frogs colored orange)? Bởi vì bạn có thể, nói như nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết The Long Long Dances, bị rung động sâu sắc hơn nhiều người ngồi bên cạnh bạn bởi đoạn mở đầu trong một bản nhạc của Schubert, và bạn có thể sẽ co rúm người nhiều hơn những người khác trước những cảnh chặt xương cắt thịt, và bạn có thể từng là dạng trẻ em đã vặn vẹo rất khổ sở khi bạn tưởng mình đã làm hỏng món đồ chơi yêu thích của một ai đó; nhưng sự tiến hóa không tưởng thưởng cho những điều đó.
Hay là nó có nhỉ?
Elaine Aron có một vài ý tưởng về điều này. Bà tin rằng những sự nhạy cảm bản thân nó không phải là thứ được tiến hóa lựa chọn, mà đúng hơn là những sự cẩn thận, ưa suy nghĩ thường đi cùng với nó mới là thứ được lựa chọn kìa. “Loại người ‘nhạy cảm’ hoặc ‘phản ứng’ thường sẽ suy ngẫm về chiến lược, hay quan sát kỹ trước khi hành động”, bà viết, “và do đó tránh được những nguy hiểm, thất bại, những sự hao tổn năng lượng một cách không cần thiết; những điều mà để làm được cần phải có một hệ thần kinh được thiết kế đặc biệt để quan sát và phát hiện từng sự khác biệt nhỏ nhất. Đó chính là chiến lược ‘đặt cược vào kèo chắc ăn nhất’, hay ‘nhìn kỹ trước khi nhảy’. Ngược lại, chiến lược chủ động của [nhóm còn lại] là làm người đầu tiên, mà không hề có đầy đủ thông tin và phải đối mặt với nhiều điều mạo hiểm—chiến lược kiểu “làm một cú thật xa”, bởi vì “trâu chậm uống nước đục” và “cơ hội chỉ đến gõ cửa một lần thôi”.
Quả thực, rất nhiều người mà Aron coi là người nhạy cảm đều có một vài trong số hai mươi bảy đặc điểm được coi là gắn liền với nét tính cách này, nhưng không phải tất cả trong số chúng. Có thể họ rất nhạy cảm với ánh sáng hoặc tiếng ồn, nhưng lại không hề gì với cà phê hay sự đau đớn; họ có thể không hề nhạy cảm với bất cứ thứ gì liên quan đến giác quan thụ thể, nhưng lại là những người suy nghĩ rất sâu sắc và có một cuộc sống nội tâm rất phong phú. Họ thậm chí có thể không phải là người hướng nội—chỉ khoảng 70 phần trăm người nhạy cảm là người hướng nội, theo lời của Aron, trong khi 30 phần trăm còn lại là những người hướng ngoại (mặc dù nhóm này thường báo cáo lại là họ vẫn cần nhiều thời gian yên tĩnh và một mình hơn so với những người hướng ngoại điển hình khác). Điều này, theo Aron suy đoán, là bởi vì sự nhạy cảm nổi lên như một sản-phẩm-phụ trong chiến lược sinh tồn, và bạn chỉ cần một vài, chứ không phải tất cả, các đặc điểm tính cách để có thể thực hiện chiến lược sinh tồn này một cách hiệu quả.
Đây là một lượng bằng chứng cực kỳ lớn cho quan điểm của Aron. Các nhà sinh vật học tiến hóa đã từng một thời tin rằng mọi loài động vật đều tiến hóa để khớp vào một vai trò nhất định trong hệ sinh thái, và rằng có một hệ các hành vi lý tưởng cho từng vai trò đó, và rằng các thành viên trong mỗi giống loài mà có hành vi chệch ra khỏi “hệ lý tưởng” này sẽ đều dần dần biến mất. Nhưng hóa ra không chỉ có con người là phân ra thành hai nhóm “quan sát chờ đợi” và nhóm “cứ xông tới làm đi”. Hơn một trăm giống loài khác trong vương quốc động vật cũng đa phần được tổ chức giống vậy.
Từ ruồi giấm cho đến mèo nhà, cho đến linh dương, từ cá mặt trăng cho đến vượn cáo mắt to cho đến chim sẻ bạc má, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng xấp xỉ 20% trong số thành viên của các loài động vật này là dạng “chậm khởi động”, trong khi 80% còn lại là loại “nhanh” sẽ dũng cảm lao tới mà không để tâm nhiều lắm đến những gì đang xảy ra xung quanh mình. (Có điều đáng ngạc nhiên lại, tỷ lệ phần trăm các em bé sơ sinh trong phòng thí nghiệm của Kagan mà sinh ra đã là người có-mức-độ- phản-ứng-cao là, như bạn có thể nhớ, hai mươi phần trăm).
Nếu những động vật “nhanh” hoặc “chậm” đều có nhóm của riêng chúng, nhà sinh vật học tiến hóa David Sloan Wilson viết, “một vài trong số đám ‘nhanh’ sẽ làm tất cả mọi người khác phát chán vì cuộc nói chuyện quá to của mình, trong khi những người khác sẽ lẩm bẩm với ly bia của mình rằng họ chẳng được ai tôn trọng cả. Những sinh vật ‘chậm’ được miêu tả là những kẻ nhút nhát, rụt rè và nhạy cảm. Họ không tự tin hùng hổ, nhưng họ rất giỏi quan sát và phát hiện những thứ mà loại hùng hổ bắt nạt sẽ không bao giờ thấy. Họ là những nhà văn và nghệ sĩ tại buổi tiệc, có những cuộc chuyện trò thú vị mà kẻ hùng hổ không thể nghe thấy. Họ là những nhà phát minh luôn tìm ra những cách mới để hành xử, trong khi những kẻ hùng hổ ăn cắp bằng sáng chế của họ bằng cách sao chép hành vi của họ”.
Thỉnh thoảng, một tờ báo hay một chương trình tivi sẽ phát một câu chuyện về tâm lý động vật, thể hiện rằng các hành vi nhút nhát, rụt rè là không phù hợp, và những hành vi bạo dạn là thu hút và đáng kính trọng. (Đó chính là loại ruồi giấm của chúng ta!). Nhưng Wilson, cũng giống như Aron, tin rằng cả hai loại động vật này cùng tồn tại bởi chúng có những chiến lược sinh tồn khác nhau, mỗi loại lại có lợi thế theo những cách riêng và vào những thời điểm khác nhau. Đây là thứ vẫn được biết đến là “quy luật bù-trừ” (trade-off theory) trong tiến hóa, khi một đặc điểm cụ thể thì không tốt cũng chẳng xấu, mà chỉ là một tập hợp cả ưu điểm lẫn nhược điểm mà trong từng hoàn cảnh sẽ giúp sinh tồn tốt hoặc không.
Những động vật “rụt rè nhút nhát” đi kiếm thức ăn kém thường xuyên hơn, và ít đi xa hơn, tiết kiệm năng lượng, quan sát nhiều, và thường sống sót khi thú ăn thịt xuất hiện. Những động vật bạo dạn thường xông xáo xa hơn, dễ bị xơi tái bởi những loài động vật ở cấp độ cao hơn trong chuỗi thức ăn, nhưng lại sinh tồn tốt hơn khi nguồn thức ăn trở nên khan hiếm và chúng cần phải chấp nhận nhiều mạo hiểm hơn. Khi Wilson thả những chiếc bẫy bằng kim loại xuống một hồ đầy cá Pumpkinseed, một sự kiện mà như ông nói phải gây rối loạn với lũ cá nhiều như thể có một chiếc đĩa bay vừa đáp xuống Trái Đất vậy; những con cá bạo dạn không thể không điều tra—và lao thẳng vào những chiếc bẫy của Wilson. Những con cá rụt rè, nhút nhát lại lượn lờ rất thận trọng tại tận rìa của hồ nước, khiến Wilson không thể nào bắt được chúng.
Mặt khác, sau khi Wilson đã bắt được thành công cả hai loại cá với một hệ thống lưới phức tạp, và mang hết tất cả chúng về phòng thí nghiệm của mình, những con cá bạo dạn nhanh chóng thích nghi ngay được với môi trường sống mới của mình, và bắt đầu ăn trở lại sớm hơn đúng 2 ngày so với những người anh em rụt rè nhút nhát của chúng. “Không có một loại tính cách [động vật] tốt nhất nào cả”, Wilson viết, “mà chỉ có một tập hợp đa dạng cách loại tính cách khác nhau, được duy trì bởi chọn lọc tự nhiên”.
Một ví dụ khác về giả thiết quy luật bù-trừ trong tiến hóa là một loài động vật có tên Trinidadian guppy (một loại cá nhỏ). Những con cá này phát triển tính cách của mình—với một tốc độ đáng kinh ngạc, trên quan điểm tiến hóa—để thích hợp với những điều kiện môi trường nhỏ nơi chúng sống. Kẻ thù tự nhiên của chúng là cá pike. Nhưng ở trong một số cộng đồng cá Trinidadian guppy, như ở thượng nguồn những thác nước chẳng hạn, không hề có cá pike. Nếu bạn là một chú cá Trinidadian guppy được lớn lên trong một môi trường tuyệt diệu như vậy, vậy thì khả năng cao là bạn sẽ có một tính cách dũng cảm và bất cần rất phù hợp với cuộc sống “la dolce vita” (cuộc sống ngọt ngào) này của mình. Ngược lại, nếu gia đình cá guppy của bạn lại đến từ một “khu dân cư tệ hại” phía cuối nguồn, nơi bè lũ cá pike luôn lượn lờ đầy đe dọa dọc những con nước, vậy thì bạn có lẽ sẽ có một phong cách cẩn trọng hơn rất nhiều, để có thể tránh được bọn xấu.
Điều thú vị là ở chỗ những khác biệt này có tính di truyền, chứ không phải là do học được, nên các con con của những chú guppy bạo dạn khi phải chuyển vào sống trong những “khu dân cư tệ hại” vẫn kế thừa y nguyên sự dũng cảm của cha mẹ chúng—kể cả khi điều này đặt chúng vào một thế bất lợi cực kỳ lớn khi so với những người bạn cảnh giác của mình. Nhưng cũng không mất quá lâu để các gen của chúng có thể đột biến, và các hậu duệ có thể xoay sở để tiếp tục sinh tồn của chúng thường sẽ là trở thành dạng thận trọng. Điều tương tự cũng xảy ra với những con cá guppy cẩn trọng khi loài cá pike kẻ thù đột nhiên biến mất; chỉ mất khoảng hai mươi năm để các hậu duệ của chúng tiến hóa trở thành những con cá luôn cư xử như thể chúng chẳng thèm quan tâm đến bất cứ điều gì trên thế giới.
“Quy luật bù trừ” này có vẽ cũng áp dụng tương tự với con người. Các nhà khoa học đã khám phá ra trong những cộng đồng du canh du cư, những người được thừa hưởng gen có liên quan tới tính hướng ngoại (mà cụ thể hơn là tới việc tìm kiếm những thứ mới lạ) thường phát triển tốt hơn so với những người không có dạng gen này. Nhưng trong những cộng đồng dân cư ổn định, chính những người có kiểu gen hướng ngoại này lại là những người khó phát triển hơn. Chính những đặc điểm có thể giúp cho một người du cư đủ dũng cảm để săn bắn và bảo vệ gia súc của cải khỏi giặc cướp, lại cũng là thứ có thể cản trở họ làm tốt trong những công việc thứ cấp hơn như trồng trọt, buôn bán chợ búa, hay tập trung vào chuyện học tập.
Hoặc hãy xem xét sự bù-trừ này: những con người hướng ngoại có nhiều bạn tình hơn so với những người hướng nội—một lợi thế tuyệt vời cho bất cứ giống loài nào muốn gia tăng tỷ lệ sinh sản—nhưng họ đồng thời lại cũng ngoại tình và li dị nhiều hơn, thường xuyên hơn, một điều không hề tốt chút nào cho con cái của những cặp đôi này. Người hướng ngoại tập thể dục thể thao nhiều hơn, nhưng người hướng nội lại ít gặp tai nạn hoặc những chấn thương nghiêm trọng hơn. Người hướng ngoại có những mạng lưới quan hệ rất rộng và thường tận hưởng rất nhiều sự trợ giúp đắc lực từ các mối quan hệ này, nhưng họ lại cũng có xu hướng phạm tội nhiều hơn. Như Jung đã suy đoán từ gần một thế kỷ trước đây về hai dạng tính cách: “một bên [hướng ngoại] thì có tỷ lệ sinh sản cao, nhưng khả năng tự đề kháng thì thấp và tuổi thọ mỗi cá nhân lại thường ngắn; trong khi một bên [hướng nội] thì trang bị cho mỗi cá nhân vô vàn phương pháp tự-bảo-vệ, nhưng lại đi cùng với một tỷ lệ sinh sản thấp hơn nhiều”.
Lý thuyết bù-trừ thậm chí còn có thể đúng cho cả một giống loài. Giữa các nhà sinh vật học tiến hóa, những người thường ủng hộ quan điểm cho rằng mọi cá thể sinh vật đơn lẻ đều luôn nhất quyết bằng mọi cách có thể để di truyền lại ADN của riêng mình, cái ý tưởng cho rằng trong giống loài còn có cả những cá thể với những đặc điểm tính cách giúp nâng cao khả năng sinh tồn của cả tập thể là một chủ đề được tranh cãi rất kịch liệt, và chỉ không lâu trước đây thôi, có thể thực sự khiến bạn bị đá ra khỏi giới học thuật. Nhưng quan điểm này đang dần nhận được sự chấp nhận. Một số nhà khoa học thậm chí còn suy đoán rằng nền tảng tiến hóa cho những đặc điểm như tính nhạy cảm cao chính là một lòng cảm thông sâu sắc với nỗi bất hạnh của những thành viên khác trong cùng giống loài, đặc biệt là với các thành viên trong cùng gia đình.
Nhưng bạn không cần phải đi xa tới vậy. Như Aron đã giải thích, cũng hợp lý khi mà các giống loài bầy đàn phụ thuộc vào những thành viên nhạy cảm của chúng để sinh tồn. “Hãy giả sử trong một đàn linh dương… có một vài thành viên thường xuyên dừng việc gặm cỏ lại để dùng những giác quan nhạy cảm của chúng để canh chừng lũ thú ăn thịt”, bà viết. “Những bầy đàn có những cá thể nhạy cảm, cẩn trọng như vậy sẽ sinh tồn tốt hơn, và do vậy tiếp tục sinh sản, và nhờ thế những cá thể nhạy cảm mới lại tiếp tục được sinh ra trong đàn”.
Và tại sao ở con người lại có gì khác hơn cơ chứ? Chúng ta cần những Eleanor Roosevelt của chúng ta cũng như những đàn thú gặm cỏ cần những con linh dương nhạy cảm của chúng vậy.
Bên cạnh những động vật “nhút nhát” và “bạo dạn”, và bên cạnh những cá thể “nhanh” và “chậm”, các nhà sinh vật học đôi lúc còn nhắc đến những thành viên “diều hâu” và “bồ câu” của một giống loài nhất định nữa. Chim bạc má lớn (Great tit birds) chẳng hạn, một vài trong số chúng hung hăng hơn nhiều so với những con khác. Loài chim này ăn hạt cây sồi, và trong những thời điểm khi hạt cây khan hiếm, những con chim mái thuộc loại “diều hâu”, như bạn có thể dự đoán, làm tốt hơn nhiều, bởi chúng nhanh hơn trong việc thách thức các con chim cùng tranh ăn hạt với mình khác đấu tay đôi. Nhưng vào
những mùa mà hạt sồi nhiều vô kể, những con mái loại “bồ câu”—mà, tình cờ, cũng là những con mẹ tận tâm chăm sóc con cái hơn—lại làm tốt hơn so với những con thuộc loại “diều hâu”, bởi những cá thể “diều hâu” tốn nhiều thời gian và sức lực để lao vào những trận đấu vô nghĩa hơn.
Chim bạc má lớn trống, trong lúc đó, lại có một quy luật khác hẳn. Đó là vì vai trò chính của chúng trong cuộc sống không phải là tìm thức ăn, mà là bảo vệ lãnh thổ. Trong những năm tháng khi nguồn thức ăn khan hiếm, rất nhiều trong số những đồng bạn chim bạc má đực của chúng chết vì đói, do đó thừa đủ chỗ cho tất cả những con còn lại. Những con trống “diều hâu” sau đó liền rơi vào cùng nhóm với những người đồng chí chim mái của mình trong mùa nhiều hạt—chúng lao vào cắn giết, lãng phí những nguồn tài nguyên quý giá của mình vào mỗi trận chiến đẫm máu. Nhưng trong những năm tháng có đủ nguồn thức ăn, khi việc cạnh tranh lãnh thổ để làm tổ trở nên căng thẳng, thì sự hung hăng hiếu chiến lại trợ giúp vô cùng đắc lực cho những con chim bạc má lớn trống này.
Trong những thời điểm của chiến tranh hay sự sợ hãi—những thứ ở con người cũng tương đương với một mùa hạt tệ hại với loài chim bạc má vậy—có vẻ rằng thứ chúng ta cần đến nhất là dạng anh hùng hung hăng. Nhưng nếu toàn bộ dân số của chúng ta đều là những chiến binh, sẽ không có ai để chú ý thấy, chứ chưa nói đến chiến đấu với những mối hiểm họa tiềm tàng cũng nguy hiểm không kém, nhưng âm thầm hơn nhiều, như bệnh truyền nhiễm hay biến đổi khí hậu chẳng hạn.
Hãy cân nhắc tới chiến dịch vận động kéo dài hàng nhiều thập kỷ của phó tổng thống Mỹ Al Gore 29 để nâng cao nhận thức của thế giới về sự nóng lên toàn cầu. Gore là một người, theo rất nhiều nghĩa, hướng nội. “Nếu bạn gửi một người hướng nội tới một buổi lễ hay một sự kiện với hàng trăm người tới dự, anh ta sẽ xuất hiện với ít năng lượng hơn rất nhiều so với những gì anh ấy thực sự có”, trích lời một người phụ tá cũ của ông. “Gore cần một khoảng nghỉ sau mỗi một buổi sự kiện như vậy”. Gore cũng thừa nhận rằng các kỹ năng của ông không phù hợp với việc đi khắp nơi để diễn thuyết hay nói trước đám đông. “Hầu hết mọi người trong giới chính trị nạp lấy năng lượng cho mình bằng cách hào hứng nói lớn và bắt tay và các việc giống vậy”, ông nói. “Tôi thì lấy năng lượng từ việc bàn luận về những ý tưởng”.
29 Albert Arnold Gore, Jr. (tên thường được gọi Al Gore; sinh ngày 31 tháng 3 năm 1948) là Phó Tổng thống thứ 45 Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, ông giữ chức vụ này từ năm 1993 đến 2001 dưới thời Tổng thống Bill Clinton. Gore đã đi nhiều nơi để diễn thuyết về tình trạng nóng lên toàn cầu mà ông gọi là “cuộc khủng hoảng khí hậu”. Năm 2006, ông tham gia diễn xuất trong phim tài liệu An Inconvenient Truth (Sự thật mất lòng) tập trung vào chủ đề môi trường và tình trạng nóng lên toàn cầu. Phim này đoạt giải Oscar. (Nguồn: Wikipedia)
Nhưng kết hợp niềm đam mê suy nghĩ đó với sự chú tâm tới từng chi tiết nhỏ nhất—cả hai đều là những nét tính cách điển hình của người hướng nội—và bạn sẽ có một tập hợp vô cùng mạnh mẽ. Vào năm 1968, khi Gore còn là một sinh viên đại học Harvard, ông đã tham dự một lớp học của một nhà hải dương học nổi tiếng, người đã trình bày những bằng chứng đầu tiên cho thấy mối liên hệ giữa việc đốt nhiên liệu hóa thạch và hiệu ứng nhà kính. Gore lập tức trở nên rất hứng thú và chú tâm tới chủ đề này.
Ông cố gắng nói cho mọi người điều mình biết. Nhưng ông nhận ra rằng mọi người không hề lắng nghe. Cứ như thể họ không hề nghe thấy tiếng chuông báo động đang réo lên vô cùng lớn ngay bên tai ông vậy.
“Khi tham dự Quốc hội vào giữa thập kỷ 70, tôi đã giúp tổ chức những buổi nói chuyện đầu tiên về sự nóng lên toàn cầu”, ông nhớ lại trong bộ phim đã đoạt giải Oscar, “An Inconvenient Truth”—một bộ phim mà cảnh hành động kịch tính nhất là hình ảnh Gore một mình kéo chiếc va-ly của ông trên một sân bay giữa đêm. Gore tỏ ra hoàn toàn thực sự ngạc nhiên khi chẳng ai để tâm: “Tôi thực sự đã nghĩ và tin rằng câu chuyện sẽ đủ thuyết phục để tạo ra một sự khác biệt trong cách Quốc hội phản ứng về vấn đề này. Tôi đã nghĩ cả họ cũng sẽ phải thấy giật mình nữa. Và họ đã không hề”.
Nhưng nếu Gore khi đó biết điều mà chúng ta bây giờ đã biết về các nghiên cứu của Kagan, và của Aron nữa, ông có thể đã ít ngạc nhiên hơn về phản ứng của các đồng nghiệp mình. Ông thậm chí đã có thể dùng những hiểu biết của mình về tâm lý học tính cách để làm họ phải lắng nghe. Quốc hội, như lẽ ra ông đã có thể an tâm mà kết luận, được cấu tạo bởi một số những người ít nhạy cảm nhất trên cả nước—những người mà, nếu họ là những đứa trẻ trong thí nghiệm của Kagan, họ chắc chắn sẽ đầy tự tin tiến thẳng tới chỗ những anh hề mặc trang phục kỳ lạ và những người phụ nữ lớn tuổi lạ mặt đeo mặt nạ phòng độc và không cần đến thậm chí ngoái lại nhìn mẹ mình lấy một lần. Bạn có còn nhớ về hai nhân vật Tom hướng nội và Ralph hướng ngoại trong thí nghiệm của Kagan không? Ừm, Quốc hội đầy những Ralph—nó được thiết kế ra để dành cho những người như Ralph. Hầu hết các Tom trên thế giới này sẽ không muốn dành thời gian của họ lập kế hoạch cho những chiến dịch hay tán chuyện với những nhà vận động hành lang.
Những thành viên Quốc hội giống-Ralph này có thể là những con người tuyệt vời—đầy cởi mở, dũng cảm, giàu sức thuyết phục—nhưng họ sẽ không dễ trở nên cảnh giác chỉ bởi một vài tấm ảnh về một vết nứt nhỏ xíu ở một dòng sông băng xa xôi nào đó. Họ cần những yếu tố kích thích mạnh mẽ hơn nữa để khiến họ phải lắng nghe. Đó cũng là lý do tại sao Gore cuối cùng cũng đã truyền tải được thông điệp của mình đến họ, khi ông hợp tác với những phù thủy Hollywood tài năng, những người có thể đóng gói lời cảnh báo của ông vào một show diễn đầy-hiệu-ứng-đặc-biệt mà sau này đã trở thành bộ phim “An Inconvenient Truth”.
Gore đồng thời cũng khai thác thế mạnh của chính mình, sử dụng khả năng tập trung tự nhiên cùng sự chuyên cần, cẩn thận của mình để quảng bá cho bộ phim một cách không mệt mỏi. Ông ghé thăm hàng chục rạp chiếu phim trên khắp quốc gia để gặp gỡ người xem, và đồng ý tham gia vô số cuộc phỏng vấn trên tivi và radio. Về vấn đề ấm lên toàn cầu, Gore có một tiếng nói cực kỳ rõ ràng mà ông không có với tư cách một nhà chính trị. Việc tập trung vào một niềm đam mê duy nhất thay vì nhón gót nhảy từ chủ đề này qua chủ đề khác đến với ông thật dễ dàng. Ngay cả việc phải nói chuyện với đám đông cũng tới thật tự nhiên khi chủ đề là sự biến đổi khí hậu: Gore khi nói về nóng lên toàn cầu có một phong thái dễ gần và một mối liên kết với khán giả mà ông không hề có khi là một ứng cử viên chính trị. Đó là vì nhiệm vụ này, với ông, không phải là về chính trị hay tính cách. Nó là về tiếng gọi của lương tâm của ông. “Nó là về sự sống còn của cả hành tinh”, ông nói. “Sẽ không ai quan tâm đến chuyện người nào thắng hay thua một cuộc bầu cử khi mà Trái Đất này không thể cung cấp sự sống được nữa”.
Nếu bạn là dạng nhạy cảm, vậy thì bạn có thể đang có thói quen giả vờ mình là một chính trị gia nhiều hơn, và ít là dạng cẩn trọng hay chỉ tập trung vào một điều duy nhất hơn như bạn thực sự là. Nhưng ở chương này, tôi đang xin bạn hãy nghĩ lại về quan điểm này. Nếu không có những người như bạn, chúng ta, theo đúng nghĩa đen, sẽ chết đuối tất cả.
Quay trở lại Điền trang Walker Creek Ranch và buổi gặp mặt của những người thuộc dạng nhạy cảm; ở đây, Khuôn Mẫu Hướng Ngoại Lý Tưởng và nhưng nguyên tắc cao nhất của nó về sự “cool” đang bị đảo ngược lại hoàn toàn. Nếu cool là về việc có một mức độ phản ứng thấp, giúp dẫn một người đến sự bạo dạn và thờ ơ, vậy thì đám đông những người đã đến để gặp Elaine Aron này không hề cool một chút nào.
Không khí ở đây thật đáng ngạc nhiên, đơn giản chỉ vì nó quá khác lạ. Nó là thứ bạn có thể sẽ tìm thấy tại một lớp yoga hay một ngôi chùa đạo Phật, chỉ trừ việc ở đây không hề có một tôn giáo hay một quan điểm thống nhất nào, chỉ có một nét tính khí chung được chia sẻ bởi tất cả mọi người. Có thể dễ dàng thấy điều này khi Aron phát biểu bài nói của bà. Bà từ lâu đã quan sát thấy rằng khi bà nói chuyện với những nhóm người đặc biệt nhạy cảm, không khí trong căn phòng yên tĩnh và kính cẩn hơn nhiều so với những nơi tập hợp công cộng bình thường, và điều này đúng trong suốt cả bài diễn thuyết của bà. Nhưng nó còn tiếp tục đúng cho đến hết cả kỳ nghỉ cuối tuần đó nữa.
Tôi chưa bao giờ được nghe nhiều đến thế những câu “mời anh/chị đi trước” và “cám ơn anh/chị” như ở đây. Trong những bữa ăn, mà đều được bày trên những chiếc bàn ăn tập thể dài kiểu trại-nghỉ-hè, căng-tin-ngoài-trời, mọi người đều hào hứng hăng say nhảy vào tìm kiếm những cuộc nói chuyện. Có rất nhiều những cuộc thảo luận một-đối-một về những chủ đề rất thân mật như trải nghiệm thủa ấu thơ và cuộc sống tình yêu tuổi trưởng thành; về những vấn đề xã hội như dịch vụ chăm sóc sức khỏe hay sự biến đổi khí hậu; trong các cách kể chuyện không có mấy những chiêu trò với mục đích để mua vui người nghe. Mọi người cẩn thận lắng nghe người kia nói và trả lời lại một cách đầy chín chắn, thận trọng. Aron đã để ý thấy rằng những người nhạy cảm có xu hướng nói nhỏ nhẹ, bởi đó là cách họ ưa thích những người khác giao tiếp lại với họ.
“Với phần còn lại của thế giới”, Michelle, một nhà thiết kế trang web đang vừa nói vừa ngả người về phía trước như thể rạp mình trước một cơn gió vô hình, nhận xét: “bạn đưa ra một câu phát ngôn và mọi người có thể có hoặc có thể không bàn luận về nó. Ở đây, bạn đưa ra một câu phát ngôn và ai đó sẽ nói: “Điều đó có nghĩa là gì?”. Và nếu bạn cũng hỏi ai đó khác câu hỏi này, họ thực sự sẽ trả lời”.
Không phải rằng ở đây không có nói chuyện phiếm, Strickland, người điều hành chính của buổi gặp mặt, nhận xét. Nhưng chỉ là chuyện phiếm sẽ đến không phải vào lúc bắt đầu của các cuộc nói chuyện, mà là vào lúc kết thúc của chúng. Trong hầu hết mọi bối cảnh, mọi người đều dùng chuyện phiếm như một cách để thư giãn bản thân để bước vào một mối quan hệ mới, và chỉ khi họ thấy thoải mái họ mới kết nối chặt chẽ hơn. Những người nhạy cảm dường như làm ngược lại hoàn toàn. Họ “thích thú nói chuyện phiếm chỉ sau khi họ đã bàn luận rất sâu”, Strickland nói. “Khi những người nhạy cảm ở trong những môi trường giúp nuôi dưỡng bản chất thực sự của họ, họ cũng phá ra cười và tán gẫu với bạn bè nhiều như bất cứ ai vậy”.
Trong đêm đầu tiên chúng tôi đặt chân vào những phòng ngủ tập thể của mình, trong một tòa nhà kiểu ký túc xá học sinh, tôi đã sẵn sàng gồng mình để chuẩn bị chịu trận, theo một cách rất bản năng: đây sẽ là lúc tôi muốn được đọc sách hay đi ngủ, nhưng thay vào đó sẽ bị gọi vào chơi trò đánh gối (nếu là trại nghỉ hè) hoặc chơi một trò phạt rượu ồn ào và vô nghĩa nào đấy (nếu là ở đại học). Nhưng ở điền trang Walker Creek Ranch, người bạn cùng phòng của tôi, một nhân viên thư ký hai bảy tuổi với đôi mắt lớn như mắt bồ câu và tham vọng trở thành một tác giả sách, đã rất hạnh phúc dành cả buổi tối đó của mình viết nhật ký một cách vô cùng thanh thản. Tôi cũng làm điều tương tự.
Tất nhiên, kỳ nghỉ cuối tuần đó không phải hoàn toàn không có một chút căng thẳng nào. Một số người khép kín tới mức trông như đang giận dỗi về điều gì đấy. Đôi lúc chính sách cứ-làm-công-việc-riêng- của-bạn-đi đe dọa sẽ phát triển thành sự cô độc chung cho tất cả, khi mà tất cả mọi người đều chỉ tập trung vào công việc riêng của mình. Trên thực tế, có một sự thiếu thốn kinh khủng thứ hành vi xã hội mà chúng ta vẫn gọi là “cool” đến độ tôi đã bắt đầu nghĩ ai đó nên pha trò cười, làm nóng không khí lên, phân phát rượu rum hay Cola đi. Họ có nên làm thế không?
Sự thật là, cũng nhiều như việc tôi mong được ở trong bầu không khí của những người nhạy cảm, tôi cũng thích thú tận hưởng những xin-chào-khỏe-chứ của người quảng giao nữa. Tôi mừng là có những người cool trong số chúng ta, và tôi thấy nhớ họ trong kỳ nghỉ này. Tôi bắt đầu nói nhỏ nhẹ tới mức có cảm giác như tôi đang tự ru ngủ chính mình. Tôi thầm thắc mắc tự hỏi không biết tận sâu bên trong, những người khác có đang cùng cảm thấy như vậy hay không?
Tom, anh chàng kỹ sư phần mềm với vẻ ngoài giống Abraham Lincoln, kể với tôi về một cô bạn gái cũ của anh, người luôn mở rộng cửa nhà mình cho bạn bè và cả những người lạ. Cô là người ham thích phiêu lưu theo tất cả mọi nghĩa: cô ấy ưa thích những món ăn mới lạ, những trải nghiệm xã hội mới lạ, những người bạn mới gặp lần đầu. Mọi chuyện giữa họ không thành—Tom cuối cùng lại thèm muốn sự bầu bạn của một người bạn gái sẽ tập trung nhiều hơn vào mối quan hệ của họ và ít hơn vào thế giới ngoài kia, và giờ anh đang hạnh phúc trong hôn nhân với một người con gái như vậy—nhưng anh vẫn rất biết ơn vì khoảng thời gian với người bạn gái cũ kia của mình.
Khi Tom nói, tôi nghĩ về chuyện tôi nhớ chồng mình, Ken, đến đâu, người đang ở nhà tại tận New York, và cũng không phải thuộc dạng nhạy cảm chút nào, anh ấy còn xa mới là người nhạy cảm. Đôi lúc điều này làm tôi phát điên: nếu có thứ gì đó có thể khiến tôi cảm động đến rơi nước mắt vì cảm thông và lo lắng, anh ấy cũng sẽ cảm động, nhưng sẽ mất kiên nhẫn nếu tôi cứ ở trong trạng thái cảm động đó quá lâu. Nhưng tôi cũng đồng thời biết rằng tính cách cứng rắn hơn đó của anh ấy là tốt cho tôi, và tôi thấy có sự bầu bạn của anh là một niềm vui thích bất tận. Tôi yêu cái cách anh dành trọn cả trái tim và tâm huyết của mình cho bất cứ điều gì mà anh làm, và cho tất cả mọi người mà anh yêu quý, đặc biệt là với gia đình của anh.
Nhưng nhiều hơn tất cả, tôi yêu nhất ở cách anh bày tỏ lòng trắc ẩn của mình. Ken có thể là người hùng hổ bạo dạn, nhiều hùng hổ bạo dạn trong một tuần hơn mức tôi có thể hùng hổ bạo dạn trong suốt cả đời của mình, nhưng anh ấy dùng nó để đại diện cho những người khác. Trước khi chúng tôi gặp mặt, anh đã làm cho Liên Hợp Quốc tại những khu vực chiến tranh trên khắp cả thế giới, nơi, trong số nhiều thứ khác, anh tổ chức những buổi thương lượng để thả tù nhân chiến tranh và tù chính trị. Anh sẽ xông thẳng vào những khoang tù bẩn thỉu và đối mặt với những tên trại trưởng với súng máy treo trước ngực họ, cho đến khi họ chịu đồng ý trả tự do cho những cô gái trẻ đã không phạm phải một tội gì khác hơn là sinh ra làm phụ nữ và làm nạn nhân của những vụ hãm hiếp. Sau rất nhiều năm làm trong công việc này, anh trở về nhà và viết lại những gì anh đã chứng kiến, trong những cuốn sách và những bài báo sôi sục đầy những giận dữ. Anh ấy không hề viết theo phong cách của một người nhạy cảm, và anh ấy đã làm rất nhiều người nổi giận. Nhưng anh đã viết như một người thực sự quan tâm, quan tâm đến tuyệt vọng.
Tôi đã tưởng rằng cuộc gặp mặt ở Walker Creek Ranch sẽ khiến tôi khát khao được ở trong một thế giới của những người đặc biệt nhạy cảm, một thế giới mà ở đó mọi người đều nói nhỏ nhẹ và không ai mang một cây gậy thật to đi theo mình cả. Nhưng thay vào đó, nó lại củng cố thêm cho lòng mong mỏi sâu thẳm của tôi về một sự cân bằng. Sự cân bằng này, theo tôi, chính là thứ Elaine Aron sẽ nói là tình trạng tự nhiên của những cá nhân, ít nhất là trong những nền văn hóa Ấn-Âu như của chúng ta, nơi từ lâu bà đã nhận thấy là được chia ra thành nhóm “các vị vua chiến binh” và “những người quân sư giáo sĩ”, thành nhánh hành pháp và nhánh lập pháp, thành những Franklin D. Roosevelt bạo dạn, cởi mở và những Eleanor Roosevelt nhạy cảm, giàu lương tâm.