Quẳng Gánh Lo Đi Và Vui Sống

Chương 27: Cách tránh lo lắng vì mất ngủ

Nếu bị mất ngủ, bạn có lo lắng không? Vậy, có thể bạn sẽ quan tâm đến câu chuyện của Samuel Untermyer – một luật sư nổi tiếng thế giới – người chưa bao giờ có được một giấc ngủ trọn vẹn trong đời.

Hồi học đại học, Sam Untermyer cũng ngày đêm lo lắng về hai chứng bệnh không cách nào chữa trị được – bệnh hen suyễn và chứng mất ngủ. Vì thế, ông đã quyết định làm điều tốt nhất trong hoàn cảnh của mình – tận dụng hết thời gian bị mất ngủ. Thay vì nằm trằn trọc và lo lắng đến suy sụp, Untermyer ngồi dậy học bài. Kết quả ra sao? Ông dần dần khiến tất cả bạn bè trong lớp nể phục và trở thành một trong những sinh viên xuất sắc nhất Đại học New York.

Sau khi đã trở thành luật sư, chứng mất ngủ của ông vẫn không hề thuyên giảm. Nhưng điều đó không làm Untermyer mảy may lo lắng. Ông nói: “Tự nhiên sẽ lo cho tôi”. Và đúng như thế thật. Mặc dù thời gian ngủ rất ít ỏi, nhưng ông vẫn giữ được sức khỏe tốt và khả năng làm việc của ông cũng chẳng thua kém bất cứ một luật sư trẻ nào trong Hội Luật sư New York. Thậm chí Untermyer còn chăm chỉ hơn vì ông vẫn làm việc trong khi họ ngủ!

Ở tuổi 21, Sam Untermyer đã kiếm được 75.000 đôla một năm; và những luật sư trẻ khác đều đổ xô đến các phiên tòa có ông tranh tụng để học hỏi trong một vụ xử, ông nhận được số tiền thù lao kỷ lục, có lẽ là mức cao nhất dành cho một luật sư thời bấy giờ: một triệu đôla trả bằng tiền mặt.

Ông vẫn bị mất ngủ - ngày nào cũng đọc sách tới nửa đêm để rồi sau đó dậy vào lúc 5 giờ và bắt đầu trả lời thư. Lúc mọi người bắt đầu làm việc, ông đã hoàn thành được một nửa công việc trong ngày của mình. Và người đàn ông chẳng mấy khi có được một giấc ngủ trọn vẹn này đã sống thọ tới 81 tuổi. Nhưng nếu lúc nào cũng cáu bẳn và lo lắng vì mất ngủ, hẳn ông đã tự hủy hoại sức khỏe của mình từ lâu rồi.

Chúng ta dành 1/3 cuộc đời để ngủ, nhưng mấy ai thực sự hiểu bản chất của giấc ngủ là gì. Chúng ta chỉ biết đó là một thói quen – và trong trạng thái nghỉ ngơi này sẽ diễn ra quá trình tự phục hồi cơ thể - chứ không biết rằng mỗi người cần ngủ bao nhiêu thời gian là hợp lý. Thậm chí chúng ta còn không biết mình có cần phải ngủ hay không.

Nghe có vẻ kỳ quặc? Thì đây, trong Thế chiến thứ nhất có một người lính Hungari tên Paul Kern từng bị thương ở thùy não trước. Sau khi bình phục, điều kỳ lạ là Paul Kern đã mất khả năng ngủ. Các bác sĩ dùng mọi biện pháp – kể cả thuốc giảm đau, thuốc ngủ, thậm chí cả thuật thôi miên – nhưng cũng chẳng khiến ông ngủ được, dầu chỉ trong vài phút.

Các bác sĩ nói Kern sẽ không sống được lâu, nhưng ông đã chứng minh rằng đó chỉ là lời sự đoán tầm phào. Ông vẫn làm việc như thường và sống khỏe mạnh suốt nhiều năm sau đó. Khi mọi người đều ngủ, ông chỉ nằm xuống, nhắm mắt và nghỉ ngơi chứ không hề ngủ. Trường hợp của ông được xem là một hiện tượng kỳ lạ trong y học, một hiện tượng đã làm đảo lộn rất nhiều quan niệm của chúng ta về giấc ngủ.

Tùy cơ thể, có người cần thời gian ngủ nhiều hơn những người khác. Toscanini chỉ cần ngủ 5 tiếng mỗi đêm, nhưng Calvin Coolidge phải ngủ gấp đôi thời gian đó, 11 tiếng mỗi ngày. Nói cách khác, Toscanini chỉ dành 1/5 cuộc đời để ngủ trong khi Coolidge dành tới gần nửa cuộc đời cho việc ngủ.

Những lo lắng về chứng mất ngủ còn khiến bạn bị tổn thương hơn cả những gì mà căn bệnh này thực sự đem lại. Chẳng hạn như trường hợp của một sinh viên của tôi – Ira Sandner, người vùng Ridgefield Pard, thành phố New Jersey – đã suýt tự tử vì mắc chứng mất ngủ kinh niên. Ira Sandner kể lại:

“Tôi thực sự nghĩ rằng mình sắp phát điên. Vấn đề ở chỗ ban đầu tôi thường ngủ quá say đến nỗi đồng hồ báo thức reo mà tôi vẫn không dậy được. Hậu quả là sáng nào tôi cũng đi làm muộn. Tôi rất lo lắng về điều đó, và thực tế thì sếp tôi đã gay gắt yêu cầu tôi phải đên đúng giờ. Tôi hiểu rằng nếu tiếp tục ngủ quá giờ thì tôi sẽ mất việc.

Tôi đem chuyện này kể với các bạn mình, và một người đã khuyên tôi trước khi ngủ hãy tập trung cao độ vào cái đồng hồ báo thức. Chứng mất ngủ bắt đầu từ đó! Tiếng tích – tích – tích của cái đồng hồ báo thức đáng nguyền rủa bỗng trở thành nỗi ám ảnh của tôi. Nó khiến tôi không sao ngủ được, cứ nằm trằn trọc suốt đêm! Sáng ra, tôi gần như phát bệnh vì mệt mỏi và lo lắng. Việc này tiếp diễn suốt 8 tuần sau đó. Không từ nào diễn tả hết nỗi khổ sở mà tôi phải chịu đựng. Tôi tin chắc mình sẽ phát điên. Đôi khi tôi đi tới đi lui trong phòng hàng giờ liền, và có lúc, thực sự tôi đã nghĩ đến chuyện nhảy qua cửa sổ để kết thúc mọi chuyện!

Cuối cùng tôi đến gặp một bác sĩ quen biết. Ông nói: “Ira này, bác không thể giúp cháu được. Không ai có thể giúp cháu, bởi chính cháu là người tự tạo ra việc này. Đến đêm, hãy lên giường và nếu không ngủ được cũng đừng lo lắng làm gì. Chỉ cần tự nhủ rằng: “Nếu không ngủ được thì thôi, mình cũng chẳng cần. Mình vẫn ổn cho dù có nằm thức đến sáng”. Cứ nhắm mắt vào và nói: “Chỉ cần nằm yên và không nghĩ gì đến chuyện mất ngủ, mình sẽ được nghỉ ngơi”.

Tôi làm theo lời ông và sau hai tuần, tôi bắt đầu ngủ được! Chưa đầy một tháng sau, tôi đã ngủ được 8 tiếng, và các dây thần kinh của tôi đã trở lại trạng thái bình thường”.

Không phải chứng mất ngủ mà chính là sự lo lắng về nó đã suýt giết chết Ira Sandner.

Tiến sĩ Nathaniel Kleitman, giáo sư của Đại học Chicago – một chuyên gia có nhiều công trình nghiên cứu về giấc ngủ nhất trên thế giới – đã khẳng định ông chưa từng thấy người nào bị chết vì chứng mất ngủ. Nhưng có một điều chắc chắn rằng khi quá lo lắng về chứng mất ngủ của mình, người ta sẽ bị kiệt quệ sức lực và đổ bệnh. Chính việc lo lắng về chứng mất ngủ là thủ phạm hủy hoại sức khỏe chứ không phải bản thân chứng mất ngủ.

Tiến sĩ Kleitman còn nói rằng thực sự những người hay lo lắng vì bị mất ngủ còn ngủ nhiều hơn họ tưởng. Có người đã thề rằng: “Đêm qua, tôi không hề chợp mắt”. Nhưng thực ra, có lẽ đêm qua anh ta đã ngủ hàng tiếng đồng hồ mà không hề hay biết.  Điển hình là trường hợp của Hernert Spencer, một trong những nhà suy tưởng hàng đầu thế kỷ 19 đồng thời cũng là một học giả danh tiếng. Ông sống trong một khu nhà tập thể và thường làm mọi người ngán ngẩm vì những lời phàn nàn về chứng mất ngủ của mình. Đôi lúc, ông đã dùng cả thuốc phiện để có thể ngủ được. Một đêm, ông cùng Giáo sư Sayce của Đại học Oxford ngủ chung phòng trong một khác sạn. Sáng hôm sau, Spencer kêu ca rằng suốt đêm ông không hề chợp mắt trong khi thực tế, chính Giáo sư Sayce mới là người không ngủ được. Suốt đêm, ông không chợp mắt được vì tiếng ngáy của Spencer!

Để có một đêm ngon giấc thì yêu cầu đầu tiên là chúng ta phải có được cảm giác an toàn. Hãy tin rằng có một quyền lực nào đó sẽ che chở ta cho đến tận sáng ngày mai. Tiến sĩ Thomas Hyslop thuộc viện cứu tế Creat West Riding đã nhấn mạnh điều đó trong một bài phát biểu trước Hiệp hội Y Khoa Anh. Ông nói: “Sau nhiều năm nghiên cứu, tôi đã phát hiện ra một trong những tác nhân có thể khiến bạn dễ ngủ nhất – đó là cầu nguyện. Tôi nói điều này hoàn toàn trên cương vị của một người nghiên cứu y học”.

Jeanette MacDonald đã kể cho tôi nghe rằng khi chán nãn, lo lắng hay khó ngủ, bà luôn tìm cách lấy lại cảm giác yên tâm bằng việc đọc lại Chương XXIII của Kinh Thánh: “Chúa Trời là đấng chăn dắt của con; con sẽ không đòi hỏi. Người đưa con nằm xuống một thảm cỏ xanh mướt; Người dẫn con đến bên dòng nước mát lành…”.

Nếu bạn không có một tín đồ và phải làm việc vất vả, hãy học cách thư giãn bằng biện pháp thể chất. Tiến sĩ David Harold Fink, tác giả cuốn Release from Nervous Tension (Thoát khỏi căng thẳng thần kinh) đã chỉ rằng cách tốt nhất để thư giãn là nói chuyện với cơ thể của mình. Theo ông, ngôn ngữ là chìa khóa đến với giấc ngủ; và nếu bạn bị mất ngủ thì nguyên nhân là do chính bạn đã tự ám ảnh rằng mình sẽ không ngủ được. Giải pháp trong trường hợp này là bạn hãy tự thôi miên chính mình, hãy thuyết phục cơ thể: “Nào, hãy thả lỏng và thư giãn…”. Chúng ta đều biết rằng tinh thần và các dây thần kinh không thể thư giãn nổi nếu các cơ bắp vẫn đang căng lên – vậy nếu muốn ngủ được, chúng ta phải bắt đầu bằng việc thư giãn cơ bắp. Tiến sĩ Fink khuyên rằng nên đặt một chiếc đệm dưới gối để giảm độ căng thẳng của cơ chân, và kê tay lên một cái gối nhỏ cùng mới mục đích tương tự. Hiệu quả của việc này đã được kiểm nghiệm trong thực tế. Sau đó, bằng việc ngầm truyền lệnh thư giãn đến quai hàm, mắt, chân và tay, cuối cùng chúng ta sẽ đi vào giấc ngủ trước khi kịp nhận thức được quá trình ấy. Tôi đã thử rồi, và tôi thấy đúng như thế.

Một trong những cách tốt nhất giúp chữa trị chứng mất ngủ là khiến cơ thể bạn mệt lử bằng những hoạt động thể chất như làm vườn, bơi lội, chơi tennis, chơi golf, trượt tuyết hay đơn giản là những việc khiến bạn phải hao tốn sức lực. Đó chính là những gì Theodore Dreiser đã làm. Khi còn là một nhà văn trẻ sống chật vật, ông thường hay lo lắng về chứng mất ngủ của mình nên đã nhận một công việc chân tay tại Trung tâm đường sắt New York; và sau một ngày vặn những con ốc trên đường ray và xúc sỏi bằng xẻng, ông đã quá mệt đến nỗi không thức nổi để chờ bữa tối.

Nếu chúng ta đang mệt, cơ thể sẽ tự bắt ta phải ngủ, ngay cả khi ta đang bước đi. Đó chính là trường hợp của tôi. Hồi tôi 13 tuổi, cha tôi có lần cho tôi cùng theo ông đưa lợn đã vỗ béo đến bán ở Saint Joe, Missouri. Ngày đó, tôi chưa từng đến một thị trấn nào có hơn 4.000 người, nên khi đặt chân đến Saint Joe – một thành phố với 60.000 dân – tôi đã rất háo hức. Lần đầu tiên tôi thấy những tòa nhà 6 tầng cao chọc trời – và điều kỳ diệu nhất trong số những điều lạ lẫm ở thành phố là chiếc xe điện. Bây giờ nhắm mắt lại, tôi vẫn có thể hình dung được chiếc xe ấy với những âm thanh leng keng của nó. Sau một ngày sôi động và kỳ thú nhất đời mình ở thành phố, tôi theo cha bắt tàu ngay về Avenwood, Missouri. Đến ga đã là 3 giờ sáng, chúng tôi phải cuốc bộ thêm gần 7 cây số mới về được trang trại. Và đây là điều đáng nói: Tôi quá mệt đến nỗi vừa bước đi vừa ngủ, mà lại còn có thể mơ được giấc ngủ đó.

Khi hoàn toàn kiệt sức, con người vẫn có thể ngủ được ngay giữa trời sấm sét đùng đùng hay giữa bom đạn hiểm nguy của chiến tranh. Tiến sĩ Foster Kennedy, nhà thần kinh học nổi tiếng, kể với tôi rằng suốt thời gian quân đội Anh rút quân vào năm 1918, ông đã chứng kiến rất nhiều người lính kiệt sức đến nỗi nằm ngay trên đất và ngủ say như chết. Thậm chí ngay cả khi bị ông dùng tay nâng mí mắt lên, họ vẫn ngủ như thường. Ông nói mình còn để ý thấy rằng con người của những người này luôn hướng lên trên và không hề động đậy. Ông nói: “Từ từ, cứ mỗi lần khó ngủ, tôi lại ngước con người lên, và tôi đã nhận ra rằng sau vài giây, tôi bắt đầu ngáp và buồn ngủ. Đó là một phản ứng tự nhiên mà tôi không thể điều khiển được”.

Chưa và cũng chẳng có ai tự tử bằng cách nhịn ngủ cả. Khi buồn ngủ là tự nhiên phải ngủ, dù ý chí của chúng ta có mạnh đến đâu. Chúng ta có thể nhịn ăn, nhịn uống lâu hơn là nhịn ngủ.

Nhân nói chuyện tự tử, tôi chợt nhớ tới một trường hợp mà bác sĩ Henry C.Link từng miêu tả trong cuốn sách có tên The Rediscovery of Man (Tái Khám phá Con người) của ông. Bác sĩ Link là phó chủ tịch Hiệp hội Tâm lý học, từng tiếp xúc với rất nhiều người đang trong tâm trạng lo lắng và chán nản. Trong chương “Vượt qua Nỗi sợ hãi và lo lắng”, ông kể về việc điều trị cho một bệnh nhân khăng khăng đòi tự tử. Nhận thấy việc tranh cãi chỉ làm vấn đề tệ hơn nên bác sĩ Link đã nói với người này: “Nếu anh cứ muốn tự tử, ít nhất hãy làm việc đó một cách anh hùng. Hãy chạy quanh khu nhà cho đến khi đứt hơi mà chết”.

Bệnh nhân này đã làm theo, không phải một mà nhiều lần, và lần nào cũng cảm thấy tinh thần khá hơn; nếu không thì cơ bắp cũng dễ chịu hơn. Đến đêm thứ ba, đúng như dự định ban đầu của bác sĩ Link – anh ta quá kiệt sức) và cơ thể cũng được thư giãn) đến nỗi lăn ra ngủ say như chết. Sau đó, anh ta tham  gia một câu lạc bộ thể hình và bắt đầu thi đấu thể thao. Chẳng bao lâu, anh ta đã cảm thấy rất thoải mái và cứ muốn sống mãi!

Vậy, để không còn phải lo lắng về chứng mất ngủ, bạn hãy làm theo 5 quy tắc sau:

1. Nếu không ngủ được, hãy học theo Samuel Untermyer: Ngồi dậy và làm việc hay đọc sách cho đến khi cảm thấy buồn ngủ.

2. Nhớ rằng chưa co ai chết vì thiếu ngủ. Lo lắng về chứng mất ngủ thường gây ra những hậu quả còn tệ hại hơn bản thân căn bệnh này.

3. Thử cầu nguyện – hay đọc chương XXIII của Kinh thánh, giống như Jeanette MacDonald đã làm.

4. Thả lỏng cơ thể.

5. Tập thể dục. Hãy làm cho cơ thể bạn mệt đến mức không thể thức được nữa.

Để không phải khổ sở vì căn bệnh mất ngủ, hãy nhớ Nguyên tắc 6:

KHÔNG NÊN LO LẮNG VỀ SỰ MẤT NGỦ. CHÍNH SỰ LO LẮNG VỀ CHỨNG MẤT NGỦ MỚI HỦY HOẠI SỨC KHỎE CỦA BẠN – CHỨ KHÔNG PHẢI CHỨNG MẤT NGỦ.

---//---

TÓM TẮT PHẦN SÁU

6 CÁCH TRÁNH MỆT MỎI VÀ LO LẮNG, ĐỒNG THỜI NÂNG CAO TINH THẦN VÀ SỨC LỰC.

NGUYÊN TẮC 1

Nghỉ ngơi trước khi bị mệt

NGUYÊN TẮC 2

Học cách thư giãn khi đang làm việc

NGUYÊN TẮC 3

Học cách thư giãn khi ở nhà.

NGUYÊN TẮC 4

Áp dụng bốn thói quen trong lúc làm việc

1. Dọn sạch tất cả giấy tờ trên bàn, trừ những thứ liên quan đến vấn đề đang giải quyết.

2. Xử lý mọi việc theo thứ tự quan trọng.

3. Khi gặp vấn đề nảy sinh, hãy giải quyết luôn nếu thấy có đầy đủ các yếu tố cần thiết để đưa ra quyết định.

4. Học cách tổ chức, ủy quyền và giám sát công việc

NGUYÊN TẮC 5

Nhiệt tình với công việc

NGUYÊN TẮC 6

Không nên lo lắng về sự mất ngủ. Chính sự lo lắng về chứng mất ngủ mới hủy hoại sức khỏe của bạn – chứ không phải chứng mất ngủ.

 

--== Hết ==--