Quẳng Gánh Lo Đi Và Vui Sống

Chương 18: Các thoát khỏi phiền muộn trong 14 ngày

Khi bắt đầu viết quyển sách này, tôi đã tuyên bố sẽ trao một giải thưởng trị giá 200 đô-la cho câu chuyện cảm động nhất và đem lại bài học quý báu nhất về chủ đề “Cách chế ngự nỗi lo lắng”.

Ba vị giám khảo cho cuộc thi này là: Eddie Rickenbacker, chủ tịch Hãng Hàng không Eartern; Tiến sĩ Stewart W. McClelland, Hiệu trưởng Đại học Lincoln; H. V. Kaltenborn, bình luận viên thời sự của đài phát thanh. Tuy nhiên, kết thúc quá trình chọn lựa, có hai bài viết xuất sắc đến nỗi chúng tôi cảm thấy không thể phân cao thấp nên quyết định chia đôi giải thưởng. Sau đây là một trong hai câu chuyện đã đoạt giải nhất ấy – câu chuyện của C. R. Burton, nhân viên hãng Whizzer Motor Sales của Springfield, Missouri.

“Tôi không còn mẹ từ lúc 9 tuổi và mất cha khi 12 tuổi. Mẹ tôi bỏ nhà đi cách đây 19 năm và tôi chưa bao giờ được gặp lại mẹ cùng hai đứa em gái nhỏ mà bà đã mang theo. Ba năm sau khi mẹ bỏ đi, cha tôi cũng qua đời vì tai nạn. Ông cùng một cộng sự hùn vốn kinh doanh tiệm cà phê trong một thị trấn nhỏ của Missouri. Lợi dụng một lần cha tôi đi công tác, người cộng sự ấy đã bán tiệm cà phê rồi trốn đi cùng với số tiền. Có người bạn biết được đã giục ông trở về ngay; và trong lúc vội vã, cha tôi đã gặp tai nạn xe hơi ở Salinas, Kansas. Hai người cô của tôi, già cả, ốm yếu và rất nghèo khổ, đành đưa ba trong số năm anh chị em tôi về nuôi. Còn tôi và một đứa em trai khác thì không ai muốn nhận. Hai anh em chúng tôi rất sợ hãi trước viễn cảnh sẽ phải sống vất vưởng như những đứa trẻ mồ côi. Chẳng bao lâu, nỗi lo ấy đã trở thành sự thật. Có một thời gian ngắn, tôi ở cùng một gia đình nghèo trong thị trấn. Nhưng thời cuộc ngày càng khó khăn, người trụ cột trong gia đình ấy bị mất việc và không thể nuôi tôi được nữa. Sau đó ông bà Loftin đem tôi về sống trong trang trại của ông bà, cách thị trấn khoảng 18 cây số. Ông Loftin đã 70 tuổi, mắc bệnh đau lưng và phải nằm trên giường cả ngày. Ông bảo tôi có thể ở lại, “miễn là không nói dối, không trộm cắp và biết nghe lời”. Tôi nghiêm chỉnh tuân theo ba yêu cầu ấy, xem đó như Kinh thánh của mình. Rồi tôi bắt đầu đi học, nhưng ngay sau tuần đầu tiên, tôi đã quay trở về nhà trong nước mắt. Những đứa bạn học đã lấy tôi làm trò cười; chúng chế nhạo cái mũi to của tôi, rồi bảo tôi là đứa tối dạ và còn gọi tôi là “thằng mồ côi láo xược”. Tôi cảm thấy bị xúc phạm ghê gớm đến mức muốn cho chúng một trận; nhưng ông Loftin đã bảo tôi: “Cháu hãy nhớ, một người đàn ông sẽ trở nên vĩ đại nếu biết bước qua sự tranh cãi hơn là ở lại và đánh nhau”. Tôi nghe lời ông và đã không trả đũa bất kỳ ai cho tới hôm bị một đứa nhặt phân gà từ vườn trường ném vào mặt. Tôi cho nó một trận nhừ tử; và nhờ đó mà quen được với hai người bạn nữa. Chúng nói thằng bé xấc xược ấy đáng bị như thế.

Tôi rất hãnh diện về cái mũ mới được ông Loftin mua cho. Nhưng một hôm, một đứa con gái to xác đã giật nó khỏi đầu tôi rồi đổ đầy nước vào trong và làm hỏng nó. Con bé bảo rằng phải đổ nước vào “để thấm ướt cái hộp sọ dày cộp của tôi và ngăn bộ óc chứa đầy bỏng ngô của tôi khỏi nổ lốp bốp”.

Tôi không bao giờ khóc ngay ở trường, nhưng khi về đến nhà thì lại nức nở. Thế rồi vào một ngày, bà Loftin đã cho tôi một lời khuyên giúp xua tan mọi rắc rối, lo âu và giúp biến những kẻ thù của tôi thành bạn bè. Bà bảo: “Ralph này, các bạn sẽ không trêu chọc và gọi cháu là “thằng mồ côi láo xược” nữa nếu cháu quan tâm và nghĩ cách giúp đỡ các bạn”. Tôi đã làm theo lời khuyên của bà. Tôi học hành chăm chỉ, chẳng bao lâu đã đứng đầu lớp và cũng tránh được sự ganh ghét bởi luôn sẵn lòng giúp đỡ các bạn.

Tôi thường giúp mấy cậu bạn cùng lớp viết bài luận, có lần còn làm hộ mấy cậu khác cả một bài thuyết trình hoàn chỉnh. Có cậu rất sợ mọi người biết việc đang phải nhờ tôi giảng bài nên lần nào đến nhà ông Loftin cũng nói dối mẹ là đi săn chuột đồng và vờ dắt chó theo. Tôi còn giúp một cậu nữa viết bài bình luận sách và bỏ ra các buổi tối kèm toán cho một bạn gái.

Rồi hai ông hàng xóm của tôi qua đời vì tuổi tác, một phụ nữ nhà bên cạnh cũng bị chồng bỏ rơi. Tôi trở thành người đàn ông duy nhất của cả bốn gia đình. Suốt hai năm, tôi làm đỡ việc cho những quả phụ này. Trên đường đến trường hoặc về nhà, tôi thường ghé qua trang trại của họ, giúp họ chặt củi, vắt sữa bò, cho gia súc ăn và tắm cho chúng. Từ kẻ bị nguyền rủa, ghẻ lạnh, tôi trở thành chàng trai được chúc phúc. Mọi người coi tôi như một người bạn và đã bộc lộ tình cảm rất chân thành ngày tôi từ lực lượng Hải quân trở về. Hơn 200 nông dân đến thăm trong ngày đầu tiên tôi về nhà. Có những người đã vượt cả quãng đường dài 130 cây số, tất cả đều xuất phát từ sự quan tâm ấm áp. Vì bận rộn và vui vẻ giúp đỡ người khác nên tôi chẳng mấy khi có thời gian lo buồn; và đến giờ, đã 13 năm trôi qua, chẳng còn ai gọi tôi là thằng mồ côi láo xược nữa.”

Hoan hô ông C. R. Burton! Ông đã biết cách thu phục nhân tâm và chế ngự nỗi lo lắng để tận hưởng cuộc sống.

Tiến sĩ Frank Loope sống ở Seattle, Washington, cũng là một người như vậy. Ông phải nằm liệt giường suốt 23 năm do hậu quả của bệnh viêm khớp. Tuy nhiên, khi nhắc đến ông, phóng viên Stuart Whithouse của tờ Ngôi sao Seattle  đã thốt lên: “Tôi từng nhiều lần phỏng vấn Tiến sĩ Loope; và chưa bao giờ thấy một người vị tha và biết sống hết mình đến thế!”.

Con người tàn tật này đã sống hết mình với quan niệm cống hiến và vì mọi người. Ông thu thập tên và địa chỉ của những người tàn tật khác rồi giúp họ và bản thân mình phấn chấn lên bằng cách viết những lá thư động viên. Ông tổ chức một câu lạc bộ viết thư dành cho người tàn tật, trong đó người này viết cho người kia. Cuối cùng ông lập ra một tổ chức quy mô toàn quốc với tên gọi Cộng đồng Người tàn tật.

Tuy phải nằm một chỗ, nhưng trung bình mỗi năm ông viết tới 1.400 lá thư và mang niềm vui đến cho hàng nghìn người tàn tật bằng cách quyên góp radio và sách báo tặng cho họ.

Đâu là sự khác biệt cơ bản giữa Tiến sĩ Loope và nhiều người tàn tật mãi sống trong sự than thân trách phận? Tiễn sĩ Loope có được nhiệt huyết của một người sống có mục đích, có trách nhiệm. Ông nhận được niềm vui lớn từ việc ý thức rằng ông đang thực hiện một lý tưởng còn cao quý và có ý nghĩa hơn chính bản thân mình, thay vì trở thành – nói như Shaw – “một kẻ vị kỷ, nhỏ mọn, luôn đau yếu và buồn phiền, chỉ biết phàn nàn rằng thế giới đã không thèm đoái hoài giúp mình được hạnh phúc”.

Dưới đây là phát biểu gây sửng sốt nhất của Alfred Adler, một nhà tâm thần học vĩ đại. Ông thường nói với những bệnh nhân mắc chứng trầm cảm của mình rằng: “Anh có thể khỏi bệnh trong 14 ngày nếu tuân theo đơn thuốc này: Mỗi ngày hãy cố nghĩ cách làm vui lòng một ai đó”.

Đơn thuốc của bác sĩ Adler khuyên chúng ta phải làm một việc tốt mỗi ngày. Vậy thế nào là một việc tốt? Nói như nhà tiên tri Mohammed: “Một việc tốt là việc mang lại nụ cười vui sướng trên gương mặt của người khác”.

Tại sao mỗi ngày làm một việc tốt lại có thể đem lại hiệu quả tốt lành đến thế cho người thực hiện? Bởi vì khi cố gắng làm người khác vui lòng, chúng ta sẽ thôi không nghĩ về bản thân, cũng có nghĩa là thôi không nghĩ đến chính thứ đã tạo ra nỗi lo lắng, sợ hãi và u sầu của chúng ta.

Nhờ mải mê nghĩ cho người khác, bà William T. Moon, người điểu hành Trường Moon Secretarial ở New York đã không cần tới hai tuần để xó đi căn bệnh trầm cảm của mình. Bà còn làm tốt hơn cả mong đợi của bác sĩ Alfred – chính xác là tốt hơn tới 13 lần. Bà đã loại bỏ nỗi phiền muộn của mình không phải trong 14 ngày, mà chỉ một ngày, bằng việc đem niềm vui đến cho những trẻ mồ côi. Bà kể:

“Cách đây 5 năm, tôi là kẻ lúc nào cũng đắm chìm trong nỗi buồn phiền và xót xa. Sau ít năm sống hạnh phúc bên chồng, tôi đột ngột trở thành một góa phụ. Giáng sinh càng tới gần, nỗi buồn trong tôi càng nhói buốt. Tôi chưa bao giờ phải đón Giáng sinh một mình và rất sợ khi nghĩ đến giờ phút ấy. Tôi được bạn bè mời tham dự Giáng sinh cùng gia đình họ nhưng không thấy có chút hứng thú nào. Tôi biết dù ở bất cứ đâu thì mình cũng có thể mang tới một bộ mặt ủ rũ, làm hỏng không khí vui vẻ của người khác nên đã từ chối những đề nghị tốt bụng ấy.

Mỗi ngày qua, tôi càng thấy tủi thân hơn. Ba giờ chiều hôm trước lễ Giáng sinh, tôi rời văn phòng, bước đi vô định trên Đại lộ số 5, hy vọng sẽ dịu bớt phần nào nỗi phiền muộn. Nhìn dòng người đi lại nhộn nhịp trên đường phố với vẻ vui sướng, hân hoan, tôi lại nhớ về những tháng ngày hạnh phúc đã qua và cảm thấy không thể chịu nổi việc quay trở về căn phòng trống trải, cô đơn của mình. Tôi hoàn toàn bối rối. Tôi không biết phải làm gì và không sao ngăn nỗi những giọt nước mắt lăn dài trên má. Tôi cứ đi lang thang như thế khoảng một giờ rồi bỗng thấy mình đang đứng trước một trạm xe buýt. Ngày trước, hai vợ chồng tôi cũng thường bước lên những tuyến xe buýt lạ lẫm để thử xem mình sẽ được đưa tới đâu. Vậy là tôi bước lên chiếc xe buýt đỗ lại đầu tiên.

Sau khi đi qua sông Hudson một đoạn, bác tài xế thông báo là đã đến trạm cuối. Tôi xuống xe mà thậm chí còn không biết tên của thị trấn nơi tôi đang đứng. Nhưng đó là một nơi yên lặng và thanh bình. Trong lúc đợi chuyến kế tiếp để về nhà, tôi đi vào một khu dân cư. Ngang qua nhà thờ, tai tôi nghe vang lên một giai điệu quen thuộc của bài Silent night. Tôi bước vào. Nhà thờ vắng lặng, chỉ có một nhạc công đang ngồi chơi đàn organ. Tôi ngồi xuống môt chiếc ghế khuất để tránh bị chú ý. Từ cây thông Noel được trang trí rực rỡ phát ra ánh sáng lấp lánh tựa như muôn vàn vì sao đang nhảy múa dưới ánh trăng. Gia điệu ngân dài của bài hát cộng với cảm giác uể oải vì cả ngày chưa ăn gì khiến tôi cảm thấy mí mắt mình ríu lại. Lòng nặng trĩu và mệt nhọc, tôi thiếp đi lúc nào không hay.

Khi thức giấc, tôi không thể nhớ ra mình đang ở đâu nên thực sự hoảng sợ. Trước mặt tôi là hai đứa trẻ, hình như chúng định đến ngắm cây thông. Một cô bé đang chỉ vào tôi và hỏi bạn: “Có phải ông già Noel mang cô ấy đến không?”.Thấy tôi tỉnh dậy, cả hai cũng có vẻ rất sợ hãi. Tôi vội bảo rằng tôi sẽ không làm hại chúng. Hai đứa trẻ ăn mặc thật nghèo khổ. Tôi hỏi cha mẹ chúng đâu và cả hai đều đáp: “Chúng cháu không có cha mẹ”.

Đứng trước hai đứa trẻ mồ côi còn tội nghiệp hơn mình rất nhiều, tôi bỗng cảm thấy hổ thẹn về nỗi buồn phiền và sầu khổ của bản thân. Tôi chỉ cho các em xem cây thông rồi dẫn chúng đi đến một cửa hàng, mua đồ ăn, quà Giáng sinh và bánh kẹo. Nỗi cô đơn trong tôi vụt tan đi như một phép màu. Hai đứa trẻ đã mang lại cho tôi niềm hạnh phúc tưởng đã chìm sâu từ nhiều tháng trước. Khi nói chuyện với các em, tôi mới nhận ra mình đã may mắn biết chừng nào. Tôi đã thật hạnh phúc vì mỗi Giáng sinh trong tuổi ấu thơ tôi đều tràn ngập tình yêu thương và trìu mến của cha mẹ. Điều mà hai em bé ấy đã làm cho tôi còn lớn hơn gấp nhiều lần những gì tôi đã làm cho các em. Kỷ niệm ấy khiến tôi hiểu sâu sắc hơn rằng muốn có được niềm vui cho bản thân thì trước tiên mình cần phải mang hạnh phúc đến cho người khác. Tôi nhận ra hạnh phúc là sự lan truyền. Chúng ta nhận lại bằng cách cho đi, bằng cách yêu thương và giúp đỡ một ai đó. Vậy là từ ngày hôm đó, tôi đã chế ngự được nỗi lo lắng, buồn khổ và tủi thân để trở thành một con người mới, cho đến tận bây giờ.”

Có rất nhiều người đã nhờ biết quên đi những điều cần phải quên mà có thể sống hạnh phúc và khỏe mạnh. Chẳng hạn trường hợp của Margaret Tayler Yates, một trong những phụ nữ nổi tiếng nhất Hải quân Hoa Kỳ.

Bà Yates là một nhà văn, nhưng có lẽ không cuốn tiểu thuyết nào của bà có sức lôi cuốn bằng câu chuyện thực sự đã xảy ra với bà vào buổi sáng định mệnh mà người Nhật tấn công Trân Châu Cảng. Tính đến thời điểm đó, và đã sống như một người tàn tật hơn một năm trời vì bệnh tim, phải nằm trên giường suốt 22 giờ mỗi ngày. Hành trình dài nhất bà từng thực hiện chỉ là những chuyến đi dạo ra vườn để tắm nắng. Thậm chí, để làm được thế, bà còn phải vịn vào tay cô hầu gái mỗi khi nhấc bước. Chính bà nói với tôi rằng ngày ấy, bà đã nghĩ mình sẽ phải chịu cảnh tàn tật suốt đời. Bà bảo: “Có lẽ sẽ không bao giờ được sống lại lần nữa nếu người Nhật không đánh Trân Châu Cảng và buộc tôi phải thay đổi thái độ cam chịu của mình”.

“Lúc đó, mọi thứ hỗn loạn và rối tung lên. Một quả bom phát nổ gần nhà tôi, cơn chấn động hất văng ra khỏi giường. Xe tải quân đội dồn dập kéo đến Cánh đồng Hickham, Doanh trại Barracks và Sân bay Vịnh Kaneohe để đón vợ con những người lính Hải quân và Lục quân đến các trường học công cộng được sử dụng làm nơi ẩn nấp. Tại đó, Hội Chữ Thập Đỏ đang gọi điện đến từng nhà dân xem có ai còn thừa phòng để đưa số người cần di tản này vào ở tạm. Các nhân viên của Hội biết tôi có một chiếc điện thoại đặt cạnh giường nên đã yêu cầu tôi cho họ dùng ngôi nhà làm trạm trung chuyển thông tin. Nhờ vậy mà tôi biết được nơi ẩn náu của vợ con các binh lính, và những quân nhân thuộc Hải quân và Lục quân cũng gọi điện đến cho tôi theo hướng dẫn của Hội Chữ Thập Đỏ để được biết tin tức về nơi trú ẩn của gia đình mình.

Không lâu sau, tôi được tin chồng mình là Trung tá Robert Raleigh Yates vẫn an toàn. Tôi cố gắng động viên những người phụ nữ đang lo lắng về số phận của chồng mình, và an ủi những quả phụ có chồng hy sinh trong trận chiến. Có rất nhiều người như thế: 2.170 sĩ quan và quân nhân của Hải quân và Lục quân đã thiệt mạng, 960 người mất tích.

Ban đầu, tôi nằm trên giường khi trả lời các cuộc gọi. Về sau, tôi ngồi hẳn dậy. Cuối cùng, do quá bận rộn và hối hả với công việc nên tôi quên cả đau ốm, bước hẳn ra khỏi giường để đến ngồi bên một chiếc bàn. Bằng cách giúp đỡ những người có hoàn cảnh đáng thương hơn mình, tôi đã quên đi bản thân và không bao giờ quay trở lại giường nữa, trừ 8 tiếng đi ngủ vào mỗi tối.

Giờ đây, tôi nhận ra rằng nếu quân Nhật không tấn công Trân Châu Cảng, có lẽ tôi sẽ mãi là người nửa tàn phế cho đến hết đời. Tôi từng bằng lòng nằm trên giường và đợi người đến phục vụ; và như thế, một cách vô thức, tôi đã đánh mất ý chí rèn luyện để tự phục hồi.

Cuộc tấn công ở Trân Châu Cảng là một trong những thảm kịch lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, nhưng về phần tôi, đó là bước ngoặt tuyệt diệu nhất từng xảy đến. Cơn chấn động kinh hoàng đó đã cho tôi một sức mạnh mà tôi chưa bao giờ dám mơ tới. Nó khiến tôi biết quan tâm đến người khác thay vì lúc nào cũng chỉ nghĩ về bản thân. Tôi đã sống, đã làm việc vì một điều lớn lao hơn và quan trọng hơn. Tôi không còn thời gian để nghĩ vẩn vơ hay chú ý tới bản thân nữa”.

Một phần ba số người mắc bệnh về thần kinh có thể tự chữa khỏi cho mình nếu họ biết làm như Margaret Yates: quan tâm giúp đỡ những người khác. Đó không phải là ý kiến của cá nhân tôi. Carl Jung(53) đã nói: “Khoảng 1/3 bệnh nhân của tôi phát bệnh chỉ vì cảm giác trống rỗng và vô nghĩa trong cuộc sống của họ”. Nói cách khác, đó là những người cố gắng bắt nhịp với cuộc sống mà họ mong muốn nhưng đã bị rớt lại phía sau. Vậy là họ vội cho rằng cuộc đời mình thật nhỏ hẹp, vô ích và không nghĩa lý rồi chạy đến bác sĩ tâm thần để được chữa trị. Bị lỡ tàu, họ đứng mãi trên cầu cảng, đổ tội cho bất cứ ai ngoại trừ bản thân và đòi hỏi cả thế giới phải làm theo ý mình.

Lúc này, có thể bạn đang tự nhủ: “Ồ, không biết những câu chuyện này sẽ giúp  mình được gì đây? Nếu gặp những em bé mồ côi khốn khổ trong đêm Giáng sinh, mình cũng sẽ lo cho chúng như vậy; và nếu ở Trân Châu Cảng lúc đó thì mình cũng sẵn lòng làm những việc mà Margaret Yates đã làm. Nhưng hoàn cảnh của mình lại khác: chỉ là một cuộc sống buồn tẻ và hết sức bình thường với công việc nhàm chán 8 tiếng mỗi ngày. Chẳng có gì kịch tính xảy ra cả. Chẳng có tình huống nào để mình phải quan tâm đến những người khác. Mà tại sao phải làm thế? Có lợi ích gì đâu?”.

Nhưng bạn hãy nghĩ mà xem, dù bạn có một cuộc sống nhàm chán đến đâu thì chắc chắn mỗi ngày bạn đều gặp một vài người. Bạn cư xử như thế nào với họ? Bạn hờ hững liếc qua hay chú ý tìm hiểu xem có điều gì đang khiến họ khó chịu? Chẳng hạn như người đưa thư – người đã vất vả phơi người suốt ngày ngoài đường để làm việc chuyển thư cho bạn, nhưng có bao giờ bạn quan tâm xem anh ấy sống ở đâu hay hỏi han gì về vợ con anh ấy? Liệu bạn có từng hỏi thăm xem anh có cảm thấy mệt mỏi hay buồn chán không?

Còn người bán tạp hóa, câu bé bán báo dạo, hay đứa trẻ đang ngồi trong góc đường đánh giày cho bạn? Họ đều là những con người – có những rắc rối, ước mơ và khát vọng của riêng mình. Họ cũng khao khát được chia sẻ với ai đó. Nhưng bạn có cho họ cơ hội không? Đã bao giờ bạn thể hiện thái độ quan tâm chân thành đến cuộc đời của họ?

Đó chính là điều tôi muốn nói. Bạn không cần phải trở thành một nhà cải cách xã hội để cải thiện thế giới – bạn có thế giới riêng của mình; bạn có thể bắt đầu ngay từ sáng mai với những người bạn gặp!

Điều đó sẽ mang lại lợi ích gì cho bạn? Bạn sẽ có cảm giác hạnh phúc hơn, hài lòng và tự hào hơn về bản thân! Aristotle gọi thái độ này là “thói ích kỷ được giải thoát”.  Zoroaster(54) thì nói: “Làm việc tốt cho người khác không phải là một nghĩa vụ mà là niềm vui bởi nó khiến cho ta thêm khỏe mạnh và hạnh phúc”. Còn Benjamin Franklin đúc kết lại trong một câu nói đơn giản – “Khi  bạn tốt với người khác, nghĩa là bạn đang tốt với chính mình”.

Henry C. Link, giám đốc Trung tâm Điều trị Tâm lý ở New York cũng viết: “Theo tôi, phát hiện quan trọng nhất của Tâm lý học hiện đại chính là việc nó đã chứng minh được rằng lòng vị tha chính là một nguyên lý cơ bản đem lại năng lực tự nhận thức và hạnh phúc cho chúng ta”.

Suy nghĩ cho người khác không chỉ giúp ta thoát khỏi các lo lắng của bản thân mà còn mang đến nhiều bạn vè và niềm vui. Bằng cách nào? Tôi có lần hỏi như vậy và Giáo sư William Lyon Phelps của Đại học Yale đã nói:

“Tôi không bao giờ bước vào một khách sạn, một hiệu cắt tóc hay một cửa hàng mà không nói điều gì đó làm hài lòng những người mình gặp. Tôi đối xử với từng người như một cá nhân riêng biệt và không bao giờ có thái độ coi họ chỉ là những nhân viên đơn thuần. Đôi lúc tôi khen đôi mắt hay mái tóc của cô gái phục vụ trong cửa hàng. Tôi hỏi người thợ cắt tóc liệu anh có thấy mệt khi phải đứng cả ngày không, hay vì sao anh lại chọn nghề cắt tóc – anh đã làm nghề này bao lâu rồi và anh đã cắt cho bao nhiêu người – rồi giúp anh tính ra. Tôi thấy mọi người rất thích thú khi nhận được sự quan tâm. Tôi thường bắt tay những người phục vụ đã giúp tôi khuân đồ. Điều đó khiến họ phấn chấn lên rất nhiều và làm việc hăng say hơn trong cả ngày hôm ấy. Vào một ngày hè nóng nực, tôi đến toa phục vụ đồ ăn của chuyến tàu hỏa New Heaven để dùng bữa trưa. Ở đó đông đúc ngột ngạc như một cái lò và tốc độ phục vụ hết sức chậm chạp. Cuối cùng, tôi nói: “Nóng nực thế này thì những người nấu ăn trong bếp chắc phải vất vả lắm nhỉ”. Người phục vụ kêu lên: “Trời đất ơi, ai đến đây cũng chỉ phàn nàn về thức ăn, kêu ca vì phục vụ chậm chạp, nhăn mặt vì nhiệt độ và giá tiền. Tôi đã nghe họ than phiền suốt 19 năm nay và Ngài là người đầu tiên, cũng là người duy nhất tỏ thái độ cảm thông với những đầu bếp đang nấu ăn trong căn bếp nóng nực đằng kia. Tôi ước gì thêm nhiều hành khách như ngài cho chúng tôi đỡ khổ”.

Người phục vụ đó ngạc nhiên vì tôi đã nghĩ đến những người đầu bếp như những con người có cảm xúc vui buồn, chứ không phải là những bộ phận nhỏ bé tầm thường trong cả một cỗ máy lớn như một đoàn tàu …

Một lần đến Anh, tôi gặp một người chăn cừu và thể hiện sự ngưỡng mộ chân thành của mình đối với con chó to lớn và thông minh của anh. Tôi hỏi thăm làm cách nào anh huấn luyện được nó. Khi đi qua và quay nhìn lại phía sau, tôi thấy con chó đang đặt chân lên vai người chăn cừu và anh ta đang cưng nựng nó. Bằng cách dành một chút quan tâm đối với người chăn cừu và con chó của anh, tôi đã khiến người chăn cừu hạnh phúc. Tôi chắc rằng con chó ấy cũng cảm thấy hạnh phúc, và bản thân tôi cũng hạnh phúc”.

Theo bạn, có bao giờ một người mà đến đâu cũng bắt tay với những người khuân vác và tỏ lòng cảm thông với các đầu bếp trong căn bếp nóng nực – cũng như nói với người khác rằng ông rất thích con chó của họ - lại cảm thấy chua cay, lo lắng và cần đến sự giúp đỡ của bác sĩ tâm thần không? Không thể có chuyện đó, đúng không? Tất nhiên ròi. Ngạn ngữ Trung Hoa có câu: “Bàn tay trao tặng hoa hồng luôn lưu lại hương thơm”.

Nếu bạn là nam giới, hãy bỏ qua đoạn này bởi nó sẽ không thu hút bạn đâu. Đó là chuyện làm thế nào mà một cô gái nghèo khó và hay lo nghĩ lại được nhiều người đàn ông đến cầu hôn. Giờ đây cô gái ấy đã lên chức bà. Vài năm trước, tôi đến thuyết giảng trong thị trấn nơi bà sinh sống và nghỉ qua đêm tại nhà bà. Sáng hôm sau bà lái xe đưa tôi đi 80 cây số để bắt chuyến tàu chính đến Trung tâm New York. Khi chúng tôi nói chuyện về việc kết bạn, bà bảo: “Ngài Carnegie này, tôi sẽ kể cho ngài nghe câu chuyện mà trước đây tôi chưa từng thổ lộ với ai – ngay cả với chồng mình”.

“Tôi lớn lên trong một gia đình bình dân ở Philadelphia. Bi kịch thời thơ ấu và thời thiếu nữ của tôi chính là cảnh nghèo khó. Chúng tôi không có điều kiện vui chơi theo cách những cô gái khác vẫn làm. Quần áo của tôi không bao giờ có thể gọi là đẹp, luôn quá chật và còn bị lỗi mốt nữa. Tôi thường cảm thấy xấu hổ và bẽ bang đến nỗi đêm nào cũng âm thầm khóc cho tới khi ngủ thiếp đi. Cuối cùng, trong nỗi tuyệt vọng, tôi nảy ra ý nghĩ là sẽ luôn hỏi han bạn nhảy trong các bữa tiệc về kinh nghiệm, quan điểm và dự định cho tương lai của người ấy. Tôi hỏi không phải vì quan tâm đặc biệt đến câu trả lời mà chỉ nhằm mục đích để họ không chú ý đến phục trang nghèo nàn của mình. Nhưng một điều kỳ lạ đã xảy ra: Khi lắng nghe những chàng trai trẻ nói chuyện và hiểu hơn về họ, tôi thực sự cảm thấy bị cuốn hút. Tôi thích thú đến nỗi đôi khi cũng quên bẵng đi bộ váy xấu xí của mình. Và chuyện đáng ngạc nhiên nhất là: do luôn biết lắng nghe và khuyến khích các chàng trai nói chuyện về bản thân, tôi đã khiến họ cảm thấy rất hạnh phúc và dần trở thành cô gái được nhiều người yêu mến nhất, rồi ba trong số những chàng trai đó đã cầu hôn tôi”.

Tôi biết có người sẽ cho rằng kinh nghiệm này là chuyện vớ vẫn, là lý thuyết suông. Vâng, mỗi chúng ta có quyền giữ quan điểm riêng; nhưng nếu bạn đúng thì tất cả những triết gia và bậc thầy tư tưởng từ buổi đầu lịch sử nhân loại như Phật Thích Ca, Khổng Tử, Lpato, Aristotle, Socrates, Chúa Yesus hay Thánh Francis… đều sai lầm. Cũng có thể bạn không coi trọng lời răn dạy của các lãnh tụ tôn giáo, vậy chúng ta hãy tìm hiểu xem những người vô thần khuyên gì. Trước tiên, hãy lấy ví dụ về A. E. Housman, giáo sư Đại học Cambridge, một trong những học giả lỗi lạc nhất trong thời đại của mình. Năm 1936, ông có một bài giảng ở trường Cambridge, ông đã tuyên bố trong buổi học rằng: “Sự thật lớn nhất và khám phá đạo đức sâu sắc nhất mọi thời đại chính là những lời sau của Chúa Yesus: Kẻ kiếm tìm cuộc sống sẽ đánh mất nó; nhưng những người biết hy sinh cuộc sống của mình cho người khác sẽ tìm thấy nó”.

 Cả đời chúng ta đã nghe những nhà giảng đạo nói về điều này rồi. Nhưng Housman, một người theo chủ nghĩa vô thần, một người bi quan từng suýt tự tử; cũng cảm thấy rằng nếu chỉ biết suy nghĩ cho bản thân thì ta sẽ chẳng nhận được gì từ cuộc đời sẽ phải khổ sở. Còn nếu biết quên mình vì người khác thì niềm vui sống sẽ tự đến với ta.

Nếu bạn vẫn không mấy ấn tượng với những lời của A. E. Housman, chúng ta hãy đến với lời khuyên của nhà vô thần người Mỹ lỗi lạc nhất thế kỷ 20: nhà văn Theodore Dreiser. Ông chế nhạo tôn giáo là những câu chuyện thần tiên viễn vông và coi cuộc sống như “một mớ huyền hoặc, huyên thuyên và vô nghĩa được thêu dệt nên bởi một tên ngốc”. Nhưng Dreiser cũng đồng tình với một nguyên tắc lớn mà Chúa Jesus đã dạy: phục vụ người khác. Dreiser nói: “Nếu muốn vui sống, hãy suy nghĩ và lập kế hoạch để làm mọi thứ tốt đẹp hơn không chỉ cho bản thân mà còn cho những người khác, bởi niềm vui của mỗi người phụ thuộc vào niềm vui của người khác, và ngược lại”.

Nếu bạn định “làm những điều tốt đẹp hơn cho người khác” như Dreiser cổ vũ thì hãy bắt đầu ngay đi thôi. Thời gian không chờ đợi ai. “Tôi chỉ đi qua con đường này một lần mà thôi. Hãy để tôi bày tỏ lòng tốt và thực hiện những việc tốt đẹp tôi có thể làm ngay có lúc này. Đừng để tôi ngần ngại hay trì hoãn, vì tôi sẽ không đi qua con đường này lần nữa”.

Hãy xóa tan âu lo, gieo mầm hạnh phúc và thanh thản bằng Nguyên tắc 7:

HÃY QUÊN ĐI BẢN THÂN VÀ MANG NIỀM VUI, HẠNH PHÚC ĐẾN CHO NGƯỜI KHÁC.

---//---

TÓM TẮT PHẦN BỐN

7 CÁCH LUYỆN TINH THẦN ĐỂ SỐNG THANH THẢN VÀ HẠNH PHÚC

NGUYÊN TẮC 1: Suy nghĩ và hành động một cách vui tươi.

NGUYÊN TẮC 2: Đừng bao giờ cố trả đũa kẻ thù của mình.

NGUYÊN TẮC 3: Luôn chuẩn bị tình thần để đối diện với sự vô ơn.

NGUYÊN TẮC 4: Hãy nghĩ đến những điều may mắn mà mình có được – chứ không phải những rắc rối!

NGUYÊN TẮC 5: Đừng bắt chước người khác. Hãy khám phá bản thân và tự tin là chính mình.

NGUYÊN TẮC 6: Chấp nhận và biến khó khăn thành cơ hội

NGUYÊN TẮC 7: Hãy quên bản thân và mang niềm vui, hạnh phúc đến cho người khác.