Plato Và Con Thú Mỏ Vịt Bước Vào Quán Bar

Ngụy Biện Dựa Vào Tôn Trọng Thẩm Quyền

(ARGUMENTUM AD VERECUNDIAM)

Lập luận dựa vào tôn trọng thẩm quyền là một trong những kiểu lập luận ưa thích của những người có chức tước. Viện dẫn thẩm quyền để hỗ trợ lập luận tự thân không phải là một ngụy biện logic; ý kiến chuyên gia là luận cứ chính đáng, bên cạnh những luận cứ khác. Cái sai ở đây là ta dùng sự tôn trọng thẩm quyền như khẳng định duy nhất cho ý kiến của mình, bất chấp các luận cứ có tính thuyết phục khẳng định điều ngược lại.

Ted gặp bạn mình là Al, kêu lên, “Al! tớ nghe nói cậu đã chết!”

“Làm gì có chuyện đó,” Al bật cười đáp. “Cậu thấy đấy, tớ đang sống nhăn răng.”

“Không thể thế được!” Ted lẩm bẩm. “Người nói với tớ điều đó đáng tin hơn cậu nhiều.”

Lập luận dựa vào thẩm quyền luôn gắn với nhân vật được ai đó xem là có thẩm quyền chính đáng.

Một người bước vào tiệm bán vật nuôi hỏi xem vẹt. Chủ tiệm cho anh ta xem hai con vẹt đẹp nhất trong gian hàng. “Con này 5.000 đô la còn con kia 10.000 đô la,” ông ta nói.

“Chà!” người kia nói. “Con 5.000 đô la biết làm gì?”

“Con vẹt này có thể hát mọi khúc aria do Mozart sáng tác,” chủ tiệm nói.

“Còn con kia?”

“Nó hát được cả chùm Opera Ring của Wagner. Còn con nữa ở trong kia giá 30.000 đô la.”

“Ôi trời! Nó làm được gì?”

“Tôi chưa nghe nó hát cái gì bao giờ, nhưng hai con kia gọi nó là ‘Đại sư.’ ”

Theo các ý kiến có thẩm quyền của chúng tôi, có một số bậc thẩm quyền có uy tín hơn những bậc thẩm quyền khác; nhưng rắc rối nảy ra khi người đối thoại với bạn không chấp nhận những uy tín ấy. Ta hãy xem câu chuyện từ kinh Talmud của người Babylon hồi thế kỷ 1 dưới đây.

Bốn vị giáo sĩ thường xuyên tranh cãi về thần học, nhưng có ba vị luôn hùa nhau chống lại một vị. Một hôm, ông giáo sĩ lẻ loi, sau khi lại một lần nữa thua do ba chọi một, quyết định cầu đến một bậc thẩm quyền cao hơn.

“Lạy Chúa!” ông kêu lên. “Trong thâm tâm con biết rằng con đúng và họ sai! Xin Chúa cho con một dấu hiệu để chứng minh điều đó với họ!”

Hôm đó là một ngày nắng đẹp. Giáo sĩ vừa cầu nguyện xong, lập tức có ngay một đám mây dông lướt qua bầu trời trên đầu bốn người. Một tiếng sấm nổ rền, và đám mây tan biến. “Một dấu hiệu từ Chúa! Thấy chưa, tôi đúng, tôi biết mà!” Nhưng ba người kia không đổng ý, họ lý sự rằng mây dông vẫn thường hình thành vào những ngày nóng nực.

Vì vậy, giáo sĩ kia lại cầu nguyện lần nữa. “Lạy Chúa, con cần một dấu hiệu lớn hơn để chứng tỏ rằng con đúng và họ sai. Vậy con cầu xin Chúa cho con một dấu hiệu lớn hơn!”

Lần này, bốn đám mây dông xuất hiện, lao thẳng vào nhau để hình thành một đám mây lớn, rồi một tia sét giáng xuống cái cây trên ngọn đồi gần đó.

“Tôi đã bảo các ông là tôi đúng mà!” ông giáo sĩ kêu lên, nhưng các bạn ông khăng khăng nói rằng mọi hiện tượng xảy ra không thể giải thích được bằng nguyên nhân tự nhiên.

Vị giáo sĩ kia đang chuẩn bị cầu xin một dấu hiệu rất, rất lớn, nhưng mới vừa thốt lên “Lạy Chúa...” thì bầu trời bỗng đen kịt, mặt đất rung chuyển, rồi một giọng nói vang dội phán xuống, “ÔÔÔÔÔÔÔÔNG ẤY ĐÚÚÚÚNG!”

Vị giáo sĩ chống tay ngang hông, quay lại ba người kia và nói, “Được chưa?”

“Thế thì,” một trong ba giáo sĩ còn lại nhún vai, “bây giờ là ba chọi hai.”