Vậy làm sao ta biết rằng mình biết điều gì đó, nếu quả thực ta biết điều gì đó?
Suốt thời Trung cổ, câu hỏi này đã dẫn đến niềm tin coi thiên khải vượt trên lý tính, là nguồn gốc của tri thức con người, hoặc ngược lại.
Một người trượt chân rơi xuống giếng sâu, lao thẳng đến mấy chục mét mới dừng lại nhờ níu được vào một đoạn rễ cây nhỏ. Nhưng bàn tay nắm đoạn rễ cứ yếu dần, yếu dần, anh ta tuyệt vọng kêu lên, “Có ai ở trên đó không?”
Anh ta nhìn lên, chỉ thấy một mảnh trời tròn. Đột nhiên, những đám mây rẽ ra, rồi một tia sáng chói lòa chiếu thẳng xuống anh ta. Một giọng trầm sâu rền vang, “Ta, Đức Chúa Trời đây. Con hãy buông tay khỏi cái rễ cây, ta sẽ cứu.”
Anh chàng gặp nạn thoáng nghĩ trong tích tắc rồi gào lên, “Có ai khác ở trên đó không?”
Bị treo trên một cái rễ cây, người ta dễ có xu hướng nghiêng cán cân về phía lý tính.
Ở thế kỷ mười bảy, René Descartes đã chọn lý tính thay vì thần linh là nguồn gốc của tri thức. Điều này sẽ được nhận rõ khi đặt Descartes trước nguồn gốc ấy.
Có lẽ Descartes ước gì ông chưa từng nói “Cogito ergo sum” (Tôi tư duy vậy tôi tồn tại), bởi vì đó là tất cả những gì mà mọi người nhớ về ông - câu nói đó và chuyện ông đã thốt ra nó khi đang ngồi trong một lò bánh mì. Dường như thế còn chưa đủ tệ, mà “cogito” (tôi tư duy) của ông thường xuyên bị hiểu sai thành Descartes tin tư duy là đặc tính căn bản của con người. Phải, thực sự ông đã tin như thế, nhưng điều đó không liên quan đến cogito ergo sum. Descartes đi đến cái cogito thông qua một thử nghiệm hoài nghi triệt để nhằm phát hiện liệu có cái gì mà ông có thể tin chắc; tức là, một cái gì mà ông không thể nghi ngờ. Ông khởi đầu bằng cách nghi ngờ sự tồn tại của thế giới bên ngoài. Điều đó khá dễ dàng. Có lẽ ông đang mơ màng hay đang bị ảo giác. Rồi ông thử nghi ngờ sự tồn tại của chính ông. Nhưng khi ông hoài nghi, ông vấp phải thực tế rằng để hoài nghi cần có kẻ hoài nghi. Đó là chính ông! Ông không thể hoài nghi chính sự hoài nghi của mình. Lẽ ra ông đã có thể tránh được nhiều diễn giải sai lạc nếu chỉ nói, “Dubito ergo sum.” (Tôi hoài nghi vậy tôi tồn tại).
Các quan tòa ở tòa án hình sự Mỹ luôn yêu cầu bồi thẩm đoàn áp dụng phương pháp tìm kiếm độ xác tín của Descartes bằng cách xem xét bằng chứng kết tội bị cáo dựa trên tiêu chuẩn khắt khe gần như ngang với Descartes. Yêu cầu dành cho bồi thẩm đoàn không giống như dành cho Descartes; quan tòa không quan tâm liệu bồi thẩm đoàn có bất kỳ nghi ngờ nào về tội trạng của bị cáo, mà quan tâm đến những nghi ngờ xác đáng. Nhưng thậm chí tiêu chuẩn thấp hơn ấy cũng đòi hỏi bồi thẩm đoàn phải tiến hành những thử nghiệm trí não tương tự, và gần như triệt để không kém Descartes.
Một bị cáo hầu tòa vì tội giết người. Các chứng cứ buộc tội anh ta trong vụ án đã rất rõ ràng, nhưng không có xác chết. Kết thúc phần tranh biện của mình, vị luật sư bào chữa quyết định phải dùng mẹo. “Kính thưa quý bồi thẩm đoàn,” ông ta nói. “Tôi có một điều ngạc nhiên dành cho tất cả quý vị - trong vòng một phút nữa, người bị cho rằng đã chết sẽ bước vào phòng xử án này.”
Ông ta ngó ra cửa phòng xử án. Các vị hội thẩm sửng sổt, cũng hăm hở ngó ra. Một phút trôi qua. Không có gì xảy ra. Cuối cùng, luật sư nói, “Nói thật là tôi đã bịa ra chuyện người chết sẽ bước vào. Nhưng tất cả quý vị đều nhìn ra cửa chờ đợi. Vậy, tôi có thể nói với các vị rằng trong vụ này có một nghi ngờ hợp lý, rằng có phải có người đã bị giết hay không, do đó tôi phải yêu cầu các vị quay lại phán quyết ‘vô tội.’ ”
Bổi thẩm đoàn giải lao để cân nhắc. Vài phút sau, họ trở lại và ra phán quyết “có tội.”
“Nhưng sao các vị có thể làm thế?” viên luật sư gầm lên. “Chắc chắn các vị đã nghi ngờ. Tôi thấy tất cả các vị đều nhìn chằm chằm ra cửa.”
Chủ tịch bồi thẩm đoàn trả lời, “Ồ, chúng tôi đã nhìn, nhưng thân chủ của ông thì không.”