Mẹ cũng xem cùng một cuốn phim ấy, vào lúc con không chịu đến ăn tối. Một chàng lính Mĩ hứa trở về và cưới cô gái. Cô khóc nức nở bằng tình cảm chân thật của mình, còn anh nói - Hứa đi! Hứa đi! Người yêu của anh! Một khi đã hứa lời hứa của anh quí như vàng - Rồi anh đẩy nàng xuống giường. Nhưng anh ta đã không trở lại. Vàng của anh ta cũng giống như của con, chỉ có mười bốn ca-ra!
Đối với người Hoa, vàng mười bốn ca-ra không phải là vàng thật. Con xem chiếc vòng tay của mẹ đây. Phải là hai mươi bốn ca-ra, bên trong lẫn bên ngoài đều là vàng ròng.
Bây giờ quá muộn để mẹ thay đổi được tính tình con, nhưng mẹ kể cho con nghe câu chuyện này vì mẹ lo lắng cho con của con. Mẹ lo có ngày nó sẽ nói - Cám ơn bà ngoại đã cho cháu chiếc vòng. Cháu sẽ không bao giờ quên bà - Nhưng sau đó, nó sẽ quên đi lời hứa. Nó sẽ quên nó đã có một bà ngoại.
Cũng trong cuốn phim chiến tranh ấy, anh lính Mĩ đã trở về nhà, quì gối xuống để cầu hôn với một cô gái khác. Đôi mắt cô gái nhìn quanh, thẹn thùng, dường như cô chưa nghĩ đến điều này trước kia. Đột nhiên cô nhìn thẳng xuống và nhận thấy giờ đây cô quả là có yêu anh ta, yêu rất nhiều đến nỗi cô muốn bật khóc - Vâng - Cô đáp, và họ thành hôn với nhau.
—★—
Trường hợp của tôi không phải vậy. Thay vào đó, bà mai trong làng đã đến gia đình của tôi lúc tôi chỉ mới lên hai tuổi. Không, không có ai để kể lại cho tôi nghe cả, tôi còn nhớ hết. Đó là một ngày hè, bên ngoài trời nóng bức và bụi bặm, tiếng ve kêu ran trong sân. Mọi người đang ngồi dưới bóng cây trong vườn. Các gia nhân và anh của tôi đang hái lê trên cành cao. Còn tôi đang ngồi trong vòng tay nóng bức nhơm nhớp của mẹ tôi, vẫy tay qua lại, vì trước mặt tôi là một con chim nhỏ có mồng và cánh bằng giấy mỏng đủ màu sắc đang tung tăng chao lượn. Rồi con chim vụt bay đi, và trước mặt tôi giờ đây là hai người đàn bà. Tôi nhớ họ, vì có một bà nói chuyện với giọng sũng nước, có những âm shr … shr… Khi lớn lên tôi mới biết đó là giọng Bắc Kinh, nghe rất nặng đối với người Thái Nguyên.
Hai bà nhìn vào mặt tôi và không nói gì cả. Bà có giọng ướt sũng có một gương mặt đang bị chảy bong ra. Bà kia có nét mặt khô khan của một thân cây già cỗi. Bà nhìn tôi trước, rồi nhìn sang bà tô phấn.
Đương nhiên bây giờ thì tôi đã biết bà thân cây là bà mai già trong làng, và bà kia là bà Hoàng, mẹ cậu con trai tôi bị buộc phải lấy. Một số người Hoa bảo rằng các bé gái vô giá trị là không đúng.
Còn tùy vào đứa bé thuộc loại nào. Trong trường hợp của tôi, người ta có thể thấy được giá trị của tôi. Tôi trông thơm phức như một chiếc bánh sữa với màu da sạch sẽ ngọt ngào.
Bà mối khoe khoang về tôi: - Một con ngựa nòi xứng đáng cho một con cừu nòi. Đây là một cuộc kết hợp hôn nhân tốt đẹp nhất - Bà vỗ lên cánh tay tôi, nhưng tôi hất tay bà ra. Bà Hoàng lẩm bẩm bằng giọng nói như shr…shr… của bà rằng có lẽ tính tình tôi nóng nảy khó chịu lắm. Nhưng bà mai bật cười và nói: - Không, không phải thế đâu. Nó là một con ngựa mạnh mẽ. Nó lớn lên sẽ là một người chăm làm và sẽ hầu hạ bà chu đáo lúc tuổi già.
Lúc này bà Hoàng cúi xuống nhìn tôi với một gương mặt u ám chừng như bà có thể xuyên thấu các ý nghĩ của tôi và đọc được những dự định tương lai của tôi. Tôi không bao giờ quên được cái nhìn ấy. Đôi mắt bà mở to, tia nhìn của bà lục soát kĩ trên gương mặt của tôi, rồi bà mỉm cười. Tôi có thể thấy một chiếc răng vàng to kềnh lóe sáng trước mặt tôi như ánh mặt trời và cả hàm răng bà mở to như thể bà muốn nuốt chửng lấy tôi.
Tôi đã được đính ước với con trai của bà Hoàng như thế đấy, mà sau này tôi mới khám phá ra rằng đó chỉ là một thằng bé, nhỏ hơn tôi một tuổi. Tên hắn là Thiên Di. “Thiên” nghĩa là “Trời”, vì hắn rất quan trọng, và “Di” nghĩa là “để lại” vì khi hắn chào đời, cha hắn bị bệnh nặng và gia đình nghĩ rằng ông ta có thể chết. Thiên Di là phần lưu lại của người cha.
Nhưng người cha vẫn còn sống, và bà của hắn rất sợ ma quỉ sẽ chú ý đến đứa bé và bắt nó đi thay vì bắt người cha. Vậy là họ đã canh giữ đứa bé cẩn thận, định đoạt mọi việc cho nó, và đứa bé trở nên rất hư.
Nhưng mặc dù biết tôi sẽ có một người chồng tệ như thế, tôi không còn cách lựa chọn nào khác, lúc ấy và cả về sau nữa. Những gia đình miền quê đã lạc hậu đến mức ấy. Dân ở đây luôn luôn là những người cuối cùng từ bỏ những thói tục cổ lỗ. Ở những thành phố khác, một người đàn ông có thể tự chọn vợ cho mình, dĩ nhiên là với sự cho phép của cha mẹ anh ta. Nhưng dân ở vùng miền chúng tôi không bao giờ được biết đến những tư tưởng mới, không bao giờ được nghe thấy những điều hay ở các thành phố khác, họa may có những điều dở thì họ còn nghe được. Chúng tôi nghe nói có những người con trai chịu ảnh hưởng quá mức của mấy bà vợ tệ bạc của họ, nên đuổi cha mẹ ra đường ngồi kêu khóc. Vì thế các bà mẹ ở Thái Nguyên tiếp tục tự chọn con dâu, tìm người thích hợp để nuôi dưỡng con trai của họ, săn sóc người già, và trung thành quét dọn khu nghĩa trang của dòng họ dài lâu, sau khi các bà dâu già vừa nằm xuống.
Vì tôi đã được hứa hôn với con trai nhà họ Hoàng, gia đình tôi bắt đầu đối xử với tôi như thể tôi thuộc về một người nào khác. Mẹ tôi sẽ nói với tôi khi tôi đưa tô cháo lên mặt quá nhiều lần - Xem con gái bà Hoàng ăn nhiều chưa kìa!
Khi ấy tôi quả thực là một đứa trẻ rất mực ngoan ngoãn, nhưng đôi khi tôi cũng có những ánh mắt khó chịu trên gương mặt, chỉ vì quá nóng nực, mệt mỏi hoặc đau đớn. Thế là mẹ tôi nói: “Thật là một bộ mặt xấu xí, gia đình họ Hoàng sẽ không muốn cưới con nữa và cả nhà ta sẽ bị nhục nhã” - Thế là tôi bật khóc to để làm cho gương mặt càng xấu xí thêm lên.
- Không ích gì đâu - Mẹ tôi nói - Cả hai gia đình đã giao ước với nhau rồi, không thể nào hủy bỏ được đâu - Tôi càng khóc rống lên.
Mãi đến khi lên tám hoặc chín tuổi, tôi mới được biết mặt chồng tương lai của tôi. Thế giới mà tôi biết đến chỉ là khuôn viên ngôi nhà của tôi trong ngôi làng ở vùng ven Thái Nguyên. Gia đình tôi sống trong một ngôi nhà khiêm nhường có hai tầng với một gian nhà nhỏ có hai phòng sát nhau dành cho đầu bếp, gia nhân và gia đình của họ. Nhà của chúng tôi nằm trên một ngọn đồi nhỏ. Chúng tôi gọi tên ngọn đồi này là Ba - bước - đến - Thiên - Đường, nhưng thật ra đây chỉ là một vùng đất do sông Phần bồi dần qua hàng bao thế kỉ. Ở tường phía đông của khu nhà chúng tôi là con sông, cha tôi bảo nó thích nuốt trẻ con. Ông còn bảo có lần nó đã nuốt gọn một thành phố Thái Nguyên. Vào đầu hè nước sông nâu đục. Mùa đông sông xanh biếc gợn nước lăn tăn. Ở những khúc sông rộng, nước đông lại trắng xóa.
Ồ, tôi còn nhớ lúc gia đình tôi đi trên sông và câu cá vào dịp năm mới - những con cá to, bóng nhẩy bị giật lên khi đang say ngủ trong khoảng sông bị đóng băng - tươi rói đến nỗi sau khi bị moi ruột làm sạch, chúng còn giật đuôi nhảy múa khi bị ném vào chảo nóng.
Đó cũng là năm mà tôi được gặp chồng tôi lần đầu tiên, khi ấy hãy còn là một cậu bé. Khi thấy pháo nổ, cậu la to: - Oa! Oa! - Miệng mở to, làm như mình không còn là trẻ nít nữa.
Về sau tôi còn được gặp cậu ta vào những dịp lễ Trứng Đỏ, ngày lễ đặt tên cho các đứa trẻ đầy tháng. Cậu ta ngồi trên gối của bà, dồn hết sức nặng xuống đôi chân già yếu như muốn gãy sụn.
Cậu từ chối không ăn mọi thứ người ta mời cậu, luôn luôn quay mũi đi làm như người ta mời cậu một miếng dưa ngâm hôi thối chứ không phải cái bánh ngọt ngào.
Thế đấy, tình yêu đã không nảy sinh ngay lập tức giữa tôi và chồng tôi theo kiểu ngày nay người ta xem thấy trên truyền hình. Tôi nghĩ về cậu bé này như một người em bà con hay quấy rối thì đúng hơn. Tôi phải học cách lễ độ với gia đình họ Hoàng. Mẹ tôi đẩy tôi đến bên bà Hoàng và nói: - Con nói gì với mẹ con đi chứ? - Tôi cảm thấy lúng túng không biết ý bà muốn nói người mẹ nào. Thế là tôi quay sang mẹ ruột của tôi và nói: - Xin lỗi mẹ, - và tôi quay sang bà Hoàng và dâng cho bà một món ăn, tôi nói: - Con kính mời mẹ! Tôi nhớ đó chỉ là một cái bánh tiểu báo, thứ bánh bao nhỏ mà tôi rất thích ăn. Mẹ tôi bảo bà Hoàng rằng tôi đã làm thứ bánh đặc biệt này dành cho bà, mặc dù tôi chỉ chọc ngón tay vào lớp vỏ bốc khói của nó khi người đầu bếp bỏ nó ra đĩa.
Cuộc đời tôi hoàn toàn thay đổi khi tôi lên mười hai tuổi, vào mùa hè, khi trời mưa tầm tã. Sông Phần dâng nước lên ngập ruộng đồng, phá hủy toàn bộ lúa mì của gia đình tôi gieo năm đó và làm hỏng đất không dùng được cho những năm tới. Ngay cả nhà của chúng tôi ở trên đỉnh ngọn đồi nhỏ cũng không thể ở được. Từ tầng hai bước xuống, chúng tôi thấy nền nhà và đồ đạc phủ đầy bùn nhớp nhúa. Sân nhà đầy những thân cây bị bật rễ, những mảng tường bị bóc ra và xác gà vịt chết. Chúng tôi nghèo đi giữa đám rác rưởi này.
Người ta không thể đi đến công ty bảo hiểm và nói - Một người nào đó đã tàn phá, hủy hoại, hãy bồi thường cho tôi một triệu đô la. Vào thời đó, thật không may nếu người ta đã tận dụng hết những khả năng của mình. Cha tôi bảo không còn cách lựa chọn nào khác, cả nhà phải dọn đến Vô Tích, ở miền Nam, gần Thượng Hải, nơi đó cậu của tôi có một nhà máy xay bột nhỏ. Cha tôi giải thích rằng cả gia đình phải đi ngay, trừ tôi. Tôi đã mười hai tuổi, đủ lớn để tách khỏi gia đình sang ở bên gia đình họ Hoàng.
Những con đường ngập đầy bùn và đầy dẫy các ổ gà to tướng đến nỗi không chiếc xe tải nào muốn chạy đến gần nhà. Tất cả các đồ đạc nặng và giường tủ phải bỏ lại, và những thứ đó được hứa với gia đình họ Hoàng là của hồi môn cho tôi. Làm như vậy, gia đình tôi rất đỗi thực tế. Của hồi môn thế là đủ, quá đủ là đằng khác, cha tôi bảo vậy. Nhưng ông cũng không ngăn được mẹ tôi cho thêm tôi một chiếc kiềng làm bằng đá đỏ. Bà đeo nó vào cổ tôi rất trang nghiêm, tôi biết bà rất buồn - Vâng lời gia đình chồng của con nhé, đừng làm xấu hổ gia đình ta - Bà nói - Khi con sang đó, hãy vui vẻ làm việc. Mà thực vậy, con may mắn lắm đấy!
—★—
Nhà của gia đình họ Hoàng cũng ở bên sông. Khi căn nhà của chúng tôi bị ngập lụt, nhà của họ vẫn không bị gì, vì xây trên cao. Đây là lần đầu tiên tôi nhận biết được rằng nhà họ Hoàng có địa vị cao hơn gia đình tôi. Họ khinh rẻ gia đình chúng tôi, bây giờ tôi hiểu tại sao hai mẹ con bà Hoàng và Thiên Di có những chiếc mũi dài như thế.
Khi đi qua chiếc cổng bằng gỗ và gạch đá của nhà họ Hoàng, tôi thấy một chiếc sân rộng với ba bốn dãy nhà nhỏ, thấp. Một vài nhà được dùng như kho chứa, những nhà khác là nhà ở của gia nhân và gia đình họ. Phía sau những mái nhà khiêm nhường này là ngôi nhà chính.
Tôi đi đến gần hơn và nhìn sững ngôi nhà sẽ là mái ấm của tôi trong suốt phần còn lại của cuộc đời. Đã bao nhiêu thế hệ từng ở trong ngôi nhà này. Trông nó không thực sự cũ kỹ hoặc có gì đáng chú ý, nhưng tôi có thể biết ngôi nhà đã lớn lên theo dòng họ. Có tất cả bốn tầng lầu, mỗi tầng dành cho một thế hệ: Ông bà cố, ông bà, cha mẹ và con cái. Căn nhà trông có vẻ hỗn tạp, đã được xây dựng gấp rút nên các tầng, các phòng, chái nhà và cách bài trí được bồi thêm bằng đủ mọi kiểu phản ánh quá nhiều ý kiến của mọi người. Tầng trệt được xây bằng đá ở sông lẫn với bùn, quện với rơm. Tầng thứ hai và thứ ba làm bằng gạch nhẵn thín và lối đi đặt bên ngoài, trông như tháp lâu đài. Tầng cuối cùng có tường xây bằng đá phiến màu xám và một mái nhà đỏ che ở trên. Ðể tăng thêm phần long trọng cho ngôi nhà, người ta xây hai chiếc cột tròn to chống đỡ một mái hiên nơi lối vào cửa trước. Những chiếc cột này được sơn đỏ, cùng màu với thanh gỗ viên cửa sổ. Một người nào đó, có thể là bà Hoàng, lại còn gắn thêm những đầu rồng uy nghi vào các góc mái nhà.
Bên trong căn nhà có một vẻ giả tạo khác lạ. Căn phòng đẹp duy nhất là phòng khách ở tầng trệt, chỗ bà Hoàng tiếp khách, gồm có bàn ghế bằng sơn mài màu đỏ, các chiếc gối thêu chữ Hoàng theo lối cổ, và nhiều đồ đạc quí giá, tạo nên vẻ giàu có và danh giá. Những phòng khác trong nhà đều đơn sơ, luộm thuộm và ồn ào tiếng than phiền của hai mươi người thân trong gia đình. Tôi cho rằng căn nhà đã nhỏ dần theo từng thế hệ, chật chội hơn. Mỗi phòng đều bị ngăn ra để làm thành hai phòng.
Không có tiệc tùng gì lớn mừng ngày tôi đến. Bà Hoàng không treo những giải băng đỏ trong gian phòng rực rỡ ở tầng trệt. Thiên Di cũng không có ở đó để đón tôi. Thay vì vậy, bà Hoàng lại giục tôi đi nhanh lên tầng thứ hai và vào nhà bếp, nơi đây các đứa trẻ trong gia đình thường ít lui tới. Đây là chỗ dành cho đầu bếp và gia nhân. Thế là tôi đã biết chỗ đứng của tôi.
Ngày đầu tiên nơi đó, tôi đã mặc chiếc áo tốt nhất, đứng tại chiếc bàn gỗ thấp để băm rau cải. Tôi không thể nào giữ đều tay. Tôi nhớ nhà đau xót trong lòng, biết rằng cuối cùng tôi đã đến nơi mà cuộc đời tôi bảo tôi thuộc về nơi ấy. Dù sao tôi cũng quyết định phải tôn trọng lời nói của cha mẹ tôi, để bà Hoàng không thể bắt lỗi mẹ tôi.
Khi tôi đang nghĩ ngợi như vậy, tôi thấy một gia nhân già đang còng lưng làm cá cùng bàn liếc nhìn tôi. Tôi sợ bà ta sẽ mách với bà Hoàng thấy tôi đang khóc, vì thế tôi toét miệng cười và hét lên: - Tôi thật là một cô gái may mắn. Tôi sẽ có một cuộc sống tốt đẹp nhất. - Và trong lúc vụt nghĩ như thế, tôi đã vung tay dao sát bên mặt bà nên bà kêu lên giận dữ - “Cô điên rồi sao?”
Tôi gặp Thiên Di vào buổi cơm tối. Lúc ấy, tôi đã cao hơn hắn ta cả tấc, nhưng hắn ta tỏ điệu bộ như một lãnh chúa. Tôi biết hắn thuộc loại chồng nào, vì hắn luôn cố gắng làm cho tôi phải khóc lên được. Hắn phàn nàn món canh chưa đủ nóng và hất đổ cả bát như thể một tai nạn gì lớn lắm vậy. Hắn chờ đến lúc tôi ngồi xuống sắp sửa ăn là gọi tôi làm cho hắn một bát canh khác. Hắn hỏi tại sao tôi mang bộ mặt không vui khi nhìn hắn.
Qua những năm kế tiếp, bà Hoàng ra lệnh cho đám gia nhân dạy tôi may các góc nhọn trên áo gối và thêu tên họ tương lai của tôi. - Làm thế nào một người vợ có thể trông nom mọi việc trong nhà chồng cô ta, nếu cô ta chưa hề biết lấm tay lấm chân vào các công việc ấy, bà Hoàng thường dẫn lời như vậy khi bà sắp bày cho tôi một công việc mới. Tôi nghĩ bà Hoàng chẳng có khi nào lấm tay vào công việc, nhưng bà ta ra lệnh và phê bình rất giỏi. Bà nói với người bếp - Phải dạy cô ấy vo gạo cho trắng, nước phải trong. Chồng cô ấy không thể ăn gạo đục ngầu được.
Một lần khác, bà bảo một gia nhân dạy tôi đánh bô nước tiểu cho sạch - Bảo cô ấy phải ghé sát mũi vào ngửi để bảo đảm rằng bô đã sạch - Tôi đã học cách làm một người vợ hiền như thế đấy. Tôi phải học nấu ăn thật giỏi đến nước có thể chỉ ngửi mùi là biết được thịt mặn. Tôi có thể dùng những mũi kim rất nhỏ để thêu như vẽ. Ngay cả bà Hoàng cũng giả vờ phàn nàn bà ít khi được quăng áo dơ ra cho tôi giặt, vì thế bà cứ phải mặc bộ quần áo ấy qua nhiều ngày.
Sau một thời gian, tôi không còn cho rằng đây là một cuộc sống kinh khủng nữa, thực sự không phải thế. Còn gì sung sướng hơn được thấy mọi người ngấu nghiến món nấm và măng óng mượt mà tôi đã góp tay nấu lên? Còn gì mãn nguyện hơn được bà Hoàng gật gù vỗ đầu tôi khi tôi đã chải xong một trăm nhát lược trên tóc bà? Còn gì hạnh phúc hơn được thấy Thiên Di ăn hết một tô mì đầy mà không phàn nàn về mùi vị lẫn nét mặt của tôi khi dọn lên? Cũng giống những người phụ nữ mà người ta thấy trên truyền hình Mỹ ngày nay, những người trông rất sung sướng khi tẩy được vết dơ trên quần áo để biến chúng trông tốt như mới.
Ai có thấy được bà Hoàng gần như dội cả nếp nghĩ thấm vào da của tôi không? Tôi bỗng xem Thiên Di như một vị thần, một người có ý kiến quí giá hơn gấp nhiều lần cuộc đời của riêng tôi. Tôi bỗng xem bà Hoàng như mẹ ruột của tôi, người tôi muốn làm vừa lòng, người tôi phải noi gương và nhất mực vâng lời.
Khi tôi lên mười sáu vào đầu năm mới, bà Hoàng bảo tôi, bà sẵn sàng chào đón đứa cháu nội vào mùa xuân tới. Ngay cả nếu tôi không muốn kết hôn, tôi biết đi đâu khác để sống? Dù tôi có khỏe như ngựa, làm thế nào tôi trốn đi được? Quân Nhật đã hiện diện trên khắp nẻo đường Trung Quốc.
—★—
- Quân Nhật xuất hiện như những vị khách không mời mà đến. Bà của Thiên Di nói - Thế nên những người khác sợ không dám đến. Bà Hoàng hoạch định kế hoạch chu đáo dẫu sao, đám cưới của chúng tôi cũng rất nhỏ.
Bà mời hết thân bằng quyến thuộc trong làng và cả những thành phố khác đến dự. Vào thời đó, người ta chưa dùng hình thức RSVP[1]. Nếu không đến được cũng không có gì là bất lịch sự. Còn bà Hoàng lại không cho rằng chiến tranh làm thay đổi thiện ý của mọi người, thế nên bà bảo gia nhân chuẩn bị hàng trăm món ăn. Các bàn ghế cũ của gia đình tôi được đánh bóng ngời và mang bày ở phòng khách. Bà Hoàng để ý truyền cho người nhà cọ rửa sạch bùn đất bám trên đó. Bà còn sai người viết những lời chúc tụng trên băng đỏ, làm như cha mẹ tôi đã trang trí những thứ này để mừng tôi hạnh phúc. Bà còn thu xếp để thuê cả một chiếc kiệu đỏ để khiêng tôi từ nhà của một người láng giềng đến lễ cưới.
Có nhiều việc không may đã xảy ra vào ngày cưới của tôi, mặc dù bà mai đã chọn kỹ ngày tốt, ngày rằm tháng Tám, vào dịp trăng tròn nhất trong năm. Nhưng một tuần trước ngày trăng tròn, bọn Nhật đã đến. Chúng xâm lăng tỉnh Tràng Thi, cả những tỉnh ven vùng chúng tôi ở, dân chúng rất hoang mang. Buổi sáng ngày rằm, ngày cưới của tôi, trời lại mưa, một dấu hiệu xấu. Khi trời bắt đầu sấm chớp vang lên, người ta không biết có phải tiếng bom của Nhật hay tiếng sấm, và sợ không dám ra khỏi nhà.
Tôi nghe nói bà Hoàng đã chờ đợi hàng nhiều giờ để có thêm người đến dự, và cuối cùng, khi bà biết không thể chờ thêm được nữa, bà cho cử hành hôn lễ.
Lúc ấy, tôi đang ở tại nhà người láng giềng. Khi người ta gọi tôi xuống để mời vào kiệu, tôi đang ngồi trên chiếc bàn trang điểm nhỏ kê bên cửa sổ. Tôi bật khóc và cay đắng nghĩ đến lời hứa của cha mẹ. Tôi tự hỏi tại sao định mệnh của tôi phải được người khác quyết định, tại sao tôi phải có một cuộc sống bất hạnh để mang hạnh phúc đến cho một người khác.
Từ chỗ ngồi bên cửa sổ, tôi thấy được sông Phần với những làn nước đục bùn nâu. Tôi nghĩ đến việc trầm mình xuống sông để hủy đi niềm sung sướng của gia đình tôi. Người ta thường hay có những ý tường lạ lùng khi người ta thấy cuộc đời mình dường như sắp sửa kết liễu.
Trời lại mưa, giờ thì chỉ còn lất phất. Dưới nhà, người ta lại gọi tôi mau xuống để đi. Các tư tưởng càng thôi thúc trong đầu tôi hơn.
Tôi tự hỏi, điều gì đúng về một con người? Tôi có thay đổi được như sông đổi mầu nước, nhưng vẫn là tôi không? Rồi tôi thấy gió thổi tốc bức màn, bên ngoài mưa rơi nặng hạt thêm làm mọi người giận dữ hét to lên gọi tôi. Tôi mỉm cười, lần đầu tiên tôi thấy được sức mạnh của gió. Tôi không thể thấy được gió, nhưng tôi thấy gió đã mang nước đổ đầy sông và tạo dáng cho miền quê. Gió làm mọi người hét lên vui mừng và nhảy múa.
Tôi lau mắt nhìn vào gương. Tôi ngạc nhiên thấy mình mặc áo màu đỏ đẹp đẽ, nhưng tôi đã thấy một điều khác cũng còn quí giá hơn nhiều. Tôi mạnh mẽ. Tôi trong sạch. Tôi có những tư tưởng chân thật ẩn giấu bên trong không ai thấy được và không ai lấy đi được. Tôi như cơn gió.
Tôi ngẩng đầu lên và tự hào cười với chính mình. Rồi tôi quàng chiếc khăn thêu màu đỏ trên đầu như để giấu đi những tư tưởng của mình. Nhưng bên dưới chiếc khăn, tôi vẫn biết tôi là ai. Tôi đã tự hứa với mình: Tôi sẽ luôn luôn nhớ đến những mong muốn của cha mẹ tôi, nhưng tôi không bao giờ quên đi chính bản thân mình.
Khi tôi đến nơi cử hành lễ cưới, tôi vẫn còn che mặt bằng tấm khăn đỏ nên không thể thấy gì trước mặt cả. Nhưng khi cúi đầu tới trước, tôi thấy được qua khe vải, rất ít người đến. Tôi thấy gia đình họ Hoàng cùng những người thân trong nhà hay càu nhàu, than phiền, giờ đây đang đứng lúng túng vì số người tham dự quá ít ỏi, tôi thấy ban nhạc chơi vĩ cầm và thổi sáo. Thêm một vài người trong làng đủ can đảm đi ra ngoài để đến dự một bữa ăn miễn phí. Tôi còn thấy gia nhân và con cái họ, những người phải được góp thêm vào cho buổi lễ được đông hơn.
Ai đó đã nắm tay và dìu tôi xuống một lối đi. Tôi như người mù đang lần bước đến định mệnh của mình. Nhưng tôi không còn khiếp sợ nữa. Tôi đã có thể thấy được những gì bên trong con người tôi.
Một người có chức phẩm cao điều khiển cuộc lễ, và ông ta nói quá nhiều về các nhà hiền triết và những bậc phẩm hạnh. Rồi đến bà mai lại nói về ngày sinh tháng đẻ của chúng tôi, về sự xứng hợp và khả năng phát triển giống nòi. Tôi cố hé tấm khăn che đầu thấy bà đang mở một tấm khăn lụa đỏ trình cho mọi người xem.
Cây nến có hai đầu để thắp. Một đầu chạm chữ vàng tên của Thiên Di, và đầu kia là tên của tôi. Bà mai đốt hai đầu nến và tuyên bố “Cuộc hôn nhân bắt đầu”. Thiên Di giật chiếc khăn ra khỏi mặt tôi và mỉm cười với thân nhân và bè bạn, nhưng không màng nhìn đến tôi. Hắn làm tôi nhớ đến một con công hồi trẻ tôi đã nhìn thấy, làm như hắn vừa mới chinh phục cả khoảng sân bằng cách phe phẩy chiếc đuôi hãy còn ngắn ngủn của mình.
Tôi thấy bà mai đặt ngọn nến đỏ vừa thắp vào một giá đèn mạ vàng và trao nó cho một gia nhân của bà đang đứng nhìn với vẻ sốt ruột. Người này phải theo giữ ngọn nến suốt buổi tiệc và cả đêm, không cho đầu nào được tắt. Buổi sáng, bà mai hẳn sẽ đến xem kết quả, còn lại một chút tro đen, và bà sẽ tuyên bố - Ngọn nến đã được cháy liên tục ở cả hai đầu không hề tắt, đây là một cuộc hôn nhân không thể cắt chia.
Tôi vẫn còn nhớ như thế. Ngọn nến ấy là một sợi dây hôn nhân ràng buộc còn mạnh mẽ hơn lời thề ước không từ bỏ nhau của đạo Thiên chúa. Có nghĩa là tôi không thể ly dị và tôi không thể tái giá, ngay cả nếu Thiên Di có chết đi. Ngọn nến đó xem như đã niêm kín tôi đời đời với chồng tôi và gia đình chồng, không được viện cớ gì để mai sau thoát ra được.
Chắc chắn rằng bà mai sẽ lên tiếng tuyên bố vào sáng hôm sau để mọi người thấy bà đã hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng tôi biết việc gì thực sự sẽ xảy ra, bởi vì tôi đã thức cả đêm khóc cho cuộc hôn nhân của mình.
—★—
Sau bữa tiệc, đám người ít ỏi tham dự xô đẩy và gần như khiêng chúng tôi lên tầng lầu thứ ba, đến phòng ngủ nhỏ xíu. Người ta cười đùa vang vang và lôi những đứa bé nấp dưới giường ra. Bà mai giúp lũ trẻ lấy những quả trứng đỏ người ta dấu dưới chăn của chúng tôi. Những cậu trai trạc bằng tuổi Thiên Di bắt chúng tôi ngồi cạnh nhau trên giường và mọi người bắt chúng tôi hôn nhau đến đỏ bừng cả mặt. Pháo nổ vang trên lối đi bên ngoài cửa sổ và có ai đó đã bảo rằng đây là một dịp tốt để tôi lấy cớ hoảng sợ nhảy vào vòng tay của chồng.
Sau khi mọi người đã rời khỏi phòng, chúng tôi vẫn ngồi bên nhau lặng yên, lắng nghe những tiếng cười nói xôn xao bên ngoài. Khi tất cả đã lặng im, Thiên Di nói: “Đây là giường của tôi. Cô ngủ trên ghế dài kia!”. - Hắn ném cho tôi một chiếc gối và một chiếc chăn mỏng. Tôi vô cùng mừng rỡ. Tôi chờ đến khi hắn ngủ thiếp đi mới nhẹ nhàng đứng lên và đi xuống cầu thang, bước ra khoảng sân nhà mờ tối.
Trời bên ngoài có vẻ như lại sắp sửa mưa. Tôi bật khóc, bước đi bằng đôi chân trần và cảm thấy hơi nóng ẩm vẫn còn âm ỉ bên trong những viên gạch. Tôi đi qua sân và thấy gia nhân của bà mai nơi một cửa sổ thắp đèn vàng. Cô ta đang ngồi ở bàn, trông có vẻ rất buồn ngủ trong khi ngọn nến đặt trên chiếc giá đặc biệt bằng vàng vẫn đang cháy. Tôi ngồi xuống một gốc cây để dõi trông định mệnh quyết định đời tôi.
Chắc tôi đã thiếp ngủ đi, vì tôi nhớ đã giật mình sực tỉnh vì tiếng sấm vang rền. Đó là lúc tôi trông thấy ả gia nhân của bà mai từ trong phòng chạy ra, hoảng sợ như một con gà sắp mất đầu. Ồ, thì ra ả cũng đang ngủ gà ngủ gật, và bây giờ cho rằng quân Nhật sắp đến. Tôi bật cười. Cả bầu trời lóe lên sáng rực và sấm chớp càng rền vang. Ả chạy nhanh khỏi sân, ra tới đường và tôi nghe tiếng đá sỏi lào xào dưới chân ả. Ả định chạy đi đâu cho khỏi, tôi tự hỏi và vẫn còn buồn cười. Rồi tôi trông thấy cây nến đỏ với ngọn lửa đang lung linh trong gió.
Tôi không nghĩ ngợi gì cả khi chân chạy qua sân, đến bên căn phòng thắp đèn vàng. Tôi đang hy vọng - Tôi cầu nguyện Phật Bà, và cả vầng trăng tròn - cho ngọn nến tắt đi. Tia lửa chao đảo một chút và hơi yếu đi, nhưng cả hai đầu nến vẫn không tắt. Tôi ngập tràn hy vọng ngọn lửa đầu nến bên chồng tôi sẽ tắt đi.
Đột nhiên tôi rùng mình sợ hãi. Tôi tưởng như một lưỡi đao sẽ hiện ra để chém tôi ngã xuống chết. Hay trời sẽ mở ra và thổi tôi bay đi. Nhưng không có việc gì xảy ra, và khi hoàn hồn, tôi vội vàng trở về phòng bằng những bước chân tội lỗi.
Buổi sáng hôm sau bà mai hãnh diện tuyên bố trước mặt Thiên Di, cha mẹ hắn và chính tôi: “Công việc của tôi đã hoàn tất” - Bà đổ phần tro đen còn sót lại lên trên mảnh vải đỏ. Tôi trông thấy cái nhìn buồn rầu ảm đạm trên gương mặt thoáng vẻ xấu hổ của ả gia nhân.
—★—
Tôi cố yêu Thiên Di, nhưng không phải kiểu người ta bây giờ nghĩ đâu. Ngay từ đầu tôi luôn luôn cảm thấy ghê tởm khi nghĩ đến một ngày nào hắn sẽ leo lên người tôi để làm việc ấy. Mỗi khi bước vào phòng ngủ, tôi đều cảm thấy dựng tóc gáy. Nhưng suốt mấy tháng liền hắn không hề chạm đến tôi. Hắn ngủ trên giường hắn, tôi ngủ ở dưới chiếc ghế dài của tôi.
Trước mặt cha mẹ chồng, tôi luôn luôn là một người vợ phục tùng, đúng như họ dạy tôi. Tôi sai bà bếp mỗi sáng giết thịt một con gà tơ và hấp cho đến khi nước ngọt trong mình gà chảy ra. Tôi gạn nước này vào trong một cái bát, không bao giờ pha thêm nước lã, rồi bê vào cho chồng dùng điểm tâm, và thầm thì những lời chúc sức khỏe hắn. Mỗi đêm, tôi hầm món súp đặc biệt không những rất ngon mà còn có tám vị thuốc bắc để tăng cường tuổi thọ cho mẹ chồng tôi. Điều này đã làm đẹp lòng bà rất nhiều.
Nhưng như thế vẫn chưa đủ làm nhà sung sướng.
Một buổi sáng nọ, bà Hoàng và tôi đang cùng ngồi thêu trong phòng, tôi đang mơ về thời niên thiếu của mình, về một con ếch tôi nuôi và đặt tên là Ðại Phong. Bà Hoàng có vẻ bồn chồn không yên, dường như bà bị nhọt ngứa ngáy dưới gót chân. Tôi nghe bà kêu lên gắt gỏng rồi bất thình lình đứng bật dậy, bước đến bên tôi và tát vào mặt tôi: “Đồ vợ hư! Nếu mày không chịu ngủ với con ta, ta sẽ không lo cho mày ăn mặc nữa! - Thế là tôi biết chồng tôi đã nói gì để tránh cơn giận của mẹ. Tôi cũng giận sôi lên, nhưng tôi không nói gì hết, vì nhớ lại lời hứa với cha mẹ phải là một người vợ biết phục tùng.
Ðêm đó, tôi ngồi trên giường của Thiên Di và chờ hắn chạm vào người tôi. Nhưng hắn không làm gì cả. Tôi cảm thấy nhẹ bớt âu lo. Đêm kế tiếp, tôi nằm hẳn lên giường, sát bên hắn. Hắn vẫn không chạm đến tôi. Đêm tiếp theo nữa, tôi cởi áo ra.
Đó là lúc tôi thấy được nội tâm của Thiên Di. Hắn hoảng sợ và quay mặt đi. Hắn không cảm thấy thèm muốn tôi, nhưng chính sự sợ hãi của hắn cho tôi biết hắn không hề biết thèm muốn bất cứ người đàn bà nào khác. Hắn như một cậu bé không bao giờ biết trưởng thành. Sau một lúc, tôi không còn cảm thấy sợ nữa. Tôi bắt đầu nghĩ khác hơn về Thiên Di. Đó không phải là kiểu vợ yêu chồng nữa mà là một người chị che chở cho đứa em. Tôi mặc áo vào nằm xuống bên cạnh, xoa lưng cho hắn. Tôi không còn phải sợ hãi nữa cả. Tôi ngủ chung với Thiên Di. Hắn sẽ không bao giờ chạm đến người tôi và tôi có được một chiếc giường thoải mái để ngả lưng.
Nhiều tháng trôi qua, cả bụng lẫn ngực tôi đều nhỏ và phẳng lì, bà Hoàng lại nổi giận nữa - Con ta bảo hắn đã gieo đủ hạt giống cho hàng ngàn đứa cháu nội. Thế mà chúng đâu rồi! - Sau đó bà giam tôi trong giường để những hạt giống của cháu bà không bị vương vãi ra ngoài dễ dàng.
Ôi, ai cho rằng được nằm suốt ngày là sướng lắm ư? Nhưng tôi nói cho biết nó còn khổ hơn ở tù nữa. Tôi nghĩ bà Hoàng chắc cũng có hơi điên.
Bà bảo gia nhân cất hết những vặt sắc bén ra khỏi phòng, bà cho rằng dao và kéo sẽ cắt đứt thế hệ kế tiếp của bà. Bà cấm tôi không được thêu may. Bà bảo tôi phải tập trung tư tưởng và không nghĩ ngợi chuyện gì khác ngoài chuyện có con. Một ngày bốn lần, một cô tớ gái rất dễ thương được sai đến phòng tôi, luôn miệng xin lỗi phải bắt tôi uống một thứ thuốc có mùi vị kinh khủng.
Tôi ganh tỵ với cô gái này, vì cô được thong dong ra khỏi phòng. Đôi khi tôi nhìn cô qua cửa sổ, hình dung cô đang đứng ngoài sân, mặc cả với ông sửa giầy dép dạo, tán gẫu với các cô hầu khác, lên giọng quở trách anh đưa thư bằng vẻ châm chọc.
Một ngày kia, sau hai tháng trôi qua và không mang lại kết quả gì, bà Hoàng gọi bà mai già đến nhà. Bà mai xem xét tôi kỹ, tra lại ngày giờ sinh của tôi và hỏi bà Hoàng về tình tình của tôi. Cuối cùng bà đưa ra kết luận:
- Giờ thì mọi việc rõ ràng rồi. Một người đàn bà có thể sinh đẻ được nếu thiếu một trong ngũ hành. Con dâu của bà sinh ra đầy đủ mộc, thủy, và thổ, và cô ta còn thiếu kim, đó là dấu hiệu tốt. Nhưng khi cô ta lấy chồng, bà đã chất dìm cô ta xuống bằng những vòng vàng trang sức, nên bây giờ cô ta có đầy đủ ngũ hành rồi, kể cả kim. Cô ta bây giờ thăng bằng quá mức nên không có con được.
Ðiều này đối với bà Hoàng là một tin vui, vì bà thích lấy lại vòng vàng nữ trang hơn bất cứ việc gì khác, để giúp tôi có thể sinh sản được. Về phần tôi cũng là tin vui, vì sau khi vàng vòng được lấy ra khỏi người tôi, tôi nhẹ nhàng hơn, tự do hơn. Người ta bảo thế đối với người thiếu chất kim. Người ấy bắt đầu suy nghĩ như một người độc lập.
Ngày hôm đó tôi bắt đầu suy nghĩ cách để thoát khỏi cuộc hôn nhân này mà không mất lời hứa với gia đình tôi.
Thật đơn giản thôi. Tôi phải làm cho gia đình họ Hoàng nghĩ rằng chính họ đã từ bỏ tôi, rằng họ sẽ là người tuyên bố giao kèo hôn nhân giữa chúng tôi không còn hiệu lực nữa.
Tôi suy nghĩ về kế hoạch của mình mất nhiều ngày. Tôi quan sát những người chung quanh tôi, những ý nghĩ hiện lên trên gương mặt họ, thế là tôi đã sẵn sàng. Tôi chọn một ngày tốt lành, ngày mồng ba tháng ba. Đó là ngày lễ Thanh minh. Vào ngày này, người ta giữ tư tưởng trong sáng để nghĩ về các đấng tổ tiên. Đó là ngày mọi người đi thăm mồ mả ông bà, thân nhân. Họ mang cuốc xẻng để phát quang cỏ, mang chổi để quét dọn và mang bánh bao và cam để cúng dâng. Ồ, đó không phải là một ngày u sầu, ngày đó giống như một buổi cắm trại ngoài trời, nhưng đối với một người mong có cháu, ngày ấy lại có một ý nghĩa đặc biệt.
Buổi sáng hôm ấy, tôi kêu la rên rỉ đánh thức Thiên Di và cả nhà dậy. Phải mất một lúc lâu sau bà Hoàng mới vào phòng tôi. “- Cô ta làm sao thế”. Bà từ trong phòng kêu lên - “Đi bảo cô ta yên nào” - Mãi sau tôi vẫn không ngừng rên rỉ, nên bà chạy vào và cao giọng mắng tôi.
Tôi đưa một tay lên giữ chặt lấy miệng, còn tay kia che ngang mắt. Người tôi oằn oại như đang chịu đựng một cơn đau khủng khiếp. Tôi đã làm cho bà tin, nên bà giật lùi, thu người lại như một con thú đang sợ hãi.
- Con có sao không, con gái nhỏ? Nói cho mẹ biết nhanh đi - Bà kêu lên.
- Ôi, quá khủng khiếp, con không dám nghĩ đến, không dám nói ra - Tôi nói giữa cơn thở dốc và rên la nhiều hơn.
Sau khi kêu gào đã đủ, tôi nói “Con vừa nằm mơ” - Tôi thuật lại - “Tổ tiên của con hiện ra và nói rằng họ muốn trông thấy lễ cưới của con và Thiên Di. Thế là con và Thiên Di cử hành hôn lễ giống như hôm nọ. Con thấy bà mai thắp nến và trao nó cho cô hầu để canh chừng ngọn lửa. Tổ tiên rất đỗi vừa lòng.”
Bà Hoàng có vẻ nóng ruột khi tôi bật khóc nức nở trở lại. “- Nhưng cô hầu đã bỏ phòng đi ra ngoài, nên một cơn gió mạnh đã lùa vào và làm tắt nến. Tổ tiên giận lắm. Họ quát lên rằng cuộc hôn nhân của chúng con phải chấm dứt! Họ nói rằng đầu nến bên Thiên Di đã bị thổi tắt, nên Thiên Di sẽ chết nếu anh ấy duy trì cuộc hôn nhân này”.
Mặt Thiên Di trắng bệch ra, còn bà Hoàng chỉ cau mày. “- Thật là một con bé ngu ngốc mới nằm mơ xấu như thế”. Rồi bà mắng mọi người đi trở về giường.
- Mẹ ơi! - Tôi gọi bà khàn tiếng - Mẹ đừng bỏ con lại, con sợ lắm! Tổ tiên bảo rằng nếu việc này không được giải quyết xong, họ sẽ bắt đầu chu trình tiêu diệt.
- Thật là nhảm nhí! - Bà Hoàng kêu lên, quay lưng về phía tôi. Thiên Di theo chân bà, cũng mang sắc mặt giống như mẹ. Tôi biết họ đã bị mắc bẫy rồi, hai chú vịt đang sa vào nồi.
- Họ biết mẹ sẽ không tin con - Tôi nói bằng giọng tiếc nuối - Bởi vì họ biết con không muốn rời xa những tiện nghi do cuộc hôn nhân này mang lại. Vì thế tổ tiên nói họ sẽ gieo các dấu hiệu, để cho thấy cuộc hôn nhân của chúng con đang mục nát.
- Thật là toàn chuyện nhảm nhí xuất phát từ đầu óc ngu si của mi. - Nhưng bà cũng không dằn được - Thế dấu hiệu chi?
- Trong giấc mơ, con thấy một ông râu dài và có nốt ruồi trên má.
- Ông nội của Thiên Di à? - Bà Hoàng hỏi. Tôi gật đầu, nhớ lại bức tranh vẽ tôi đã quan sát kỹ trên tường.
- Ổng bảo sẽ có ba dấu hiệu. Đầu tiên, ông vẽ một đốm đen trên lưng của anh Thiên Di, và đốm đen này sẽ lan rộng ra và ăn mòn dần thịt của anh.
Bà Hoàng quay ngay sang Thiên Di và kéo áo hắn lên - Ai da! - Bà kêu lên, bởi vì ở đó quả có một nốt ruồi đen, cỡ bằng đầu ngón tay, nốt ruồi tôi đã nhìn thấy năm tháng trước đây khi ngủ chung với hắn như chị em.
- Rồi tổ tiên còn tát vào miệng con - Tôi vỗ vào má như thể đã bị ai làm đau rồi - Ông nói răng của con sẽ lần lượt rụng hết, cho đến khi con không thể nào chống lại mà phải từ bỏ cuộc hôn nhân này.
Bà Hoàng nhìn vào miệng tôi và ngạc nhiên khi thấy một chỗ trống ở hàm trong, nơi mà cách đây bốn năm một chiếc răng sâu đã rụng đi.
- Cuối cùng con thấy ông gieo một hạt giống vào lòng của một cô tớ gái. Ông bảo cô này giả vờ xuất thân từ một gia đình bần hàn. Nhưng thực ra cô ta thuộc dòng máu vương giả và...
Tôi nằm gieo đầu xuống gối mệt mỏi không còn tiếp tục được nữa. Bà Hoàng lay vai tôi - Ông nói gì nữa?
- Ông nói rằng cô tớ gái kia mới chính là người vợ tinh thần đích thực của Thiên Di.
Giữa ngày hôm đỏ, họ kéo cô hầu của bà mai về nhà để lấy được lời thú tội khủng khiếp của cô ta.
Sau khi thăm dò kỹ, họ tìm ra được cô tớ gái mà tôi rất thích, cô tớ mà tôi đã nhìn thấy qua cửa sổ mỗi ngày. Trước đây, tôi đã thấy đôi mắt của cô càng mở to hơn và lời nói châm chọc của cô được hạ bớt mỗi khi anh chàng đưa thư đến. Sau đó, tôi lại nhìn kỹ thấy bụng cô ngày một tròn và gương mặt cô ngày một chảy dài ra vì lo lắng và sợ hãi.
Thế cho nên hãy tưởng tượng cô ta sung sướng đến chừng nào khi người ta bắt buộc cô phải nói lên sự thật về nguồn gốc vương giả của cô. Tôi nghe nói sau đó cô ta rất đỗi sững sờ vì điều huyền diệu cô được lấy Thiên Di, và cô đã trở nên một người chu đáo đến nỗi cô truyền cho người hầu quét dọn mồ mả ông bà không chỉ mỗi năm một lần, mà mỗi ngày đều phải quét.
Câu chuyện không còn gì thêm nữa. Họ không phiền trách gì tôi nhiều. Bà Hoàng có cháu nội. Tôi có quần áo, một chiếc vé tàu đi Bắc Kinh và đủ tiền để sang Mỹ. Gia đình họ Hoàng chỉ yêu cầu đừng bao giờ kể cho ai nghe những điều quan trong về cuộc hôn nhân đứt đoạn của tôi.
—★—
Đó là một câu chuyện có thật, về việc mẹ đã giữ lời hứa đến thế nào, đã hy sinh đời mẹ đến dường nào. Con nhìn vàng mẹ đang đeo đây. Mẹ sinh các anh con và cha tặng mẹ hai chiếc vòng vàng này đây. Rồi mẹ sinh ra con. Cứ cách một vài năm, khi mẹ có dư ít tiền mẹ lại mua vòng. Mẹ biết mẹ đáng giá thế nào. Tất cả đều là vàng hai mươi bốn ca-ra, đều là vàng nguyên.
Nhưng mẹ không bao giờ quên. Vào ngày lễ Thanh minh, mẹ cởi bỏ hết tất cả vàng vòng. Mẹ nhớ lại cái ngày mà cuối cùng mẹ nhìn ra được tư tưởng đích thực của mình và có thể theo được sự dẫn dắt của nó. Đó là ngày mẹ còn là một có thiếu nữ dấu khuôn mặt dưới tấm khăn cưới màu đỏ. Mẹ đã hứa không được quên đi chính mình.
Giá được trở lại làm cô thiếu nữ ấy thì hay biết bao, để được cởi bỏ khăn choàng, để thấy được điều bên dưới và cảm nhận ánh sáng tràn vào người!
[1] RSVP: Repondez s'il vous plait hồi đáp N.D