- Câm mồm lại - Mẹ tôi mắng khi tôi kêu khóc ầm ĩ, lôi tay bà về hướng cửa hàng bán xí muội. Về nhà, bà bảo tôi: - Người khôn ngoan không đi ngược gió. Người Hoa chúng ta nói ngọn gió mạnh nhất không thể thấy được.
Tuần kế tiếp tôi đành ngậm mồm lại khi cùng mẹ bước vào cửa hàng có bán bánh kẹo, mẹ đã cấm không cho mua. Khi mẹ tôi mua sắm xong mọi thứ, bà lẳng lặng nhấc một gói xí muội từ trên kệ và đặt lên quầy tính tiền cùng với các món hàng khác.
Mẹ tôi hay truyền những kinh nghiệm sống hàng ngày của bà để giúp anh em tôi vượt qua những hoàn cảnh khó khăn của mình. Chúng tôi sống ở khu phố người Hoa ở San Francisco. Như hầu hết các đứa trẻ người Hoa khác cùng chơi ở ngỏ hẻm, phía sau các nhà hàng và cửa hàng bán đồ cổ, tôi không nghĩ rằng gia đình tôi nghèo. Bát cơm tôi luôn được đơm đầy, mỗi ngày ba bữa đủ năm món, bắt đầu bằng một món xúp đầy những nguyên liệu kỳ lạ tôi không muốn biết đến tên.
Chúng tôi sống tại khu Vỹ Lý, trong một căn hộ có hai phòng ngủ ấm áp, sạch sẽ, ở bên trên một tiệm bánh Trung Hoa nhỏ chuyên làm bánh hấp.
Từ sáng sớm, khi dãy hành lang hãy còn vắng vẻ yên tĩnh. tôi ngửi được mùi đậu đỏ thơm lừng khi người ta làm nhân bánh. Hừng đông, cả gian nhà của tôi ngập tràn mùi bánh mè chiên từng quả tròn và bánh mì cà ri gà.
Từ bên giường tôi nghe tiếng cha tôi sửa soạn đi làm và tiếng lách cách khóa cửa sau lưng ông.
Ở cuối hẻm có một sân chơi nhỏ với đu và cầu tuột bóng loáng vì đã dùng lâu. Quanh sân chơi là các băng ghế, nơi các người già, ngồi nhe răng bọc vàng cắn hạt dưa và rắc nhân cho lũ bồ câu háu đói. Sân chơi thích thú nhất của chúng tôi lại chính là khu hành lang tối, đầy những điều ký bí mỗi ngày. Anh em chúng tôi nhìn trộm vào trong một tiệm thuốc bắc xem ông già Lý cân lường bỏ vào tờ giấy trắng một lượng vỏ côn trùng, hạt có màu vàng nghệ và lá thuốc cho các bệnh nhân của ông. Người ta bảo rằng có lần ông đã chữa được một bà sắp chết vì một căn bệnh di truyền mà các bác sĩ Mỹ đã bó tay không trị được. Cạnh tiệm thuốc là một nhà in, chuyên in thiệp cưới dát nhũ vàng, và làm giải băng đỏ cho các dịp lễ lạc.
Xa, cuối đường là hiệu cá Bình Nguyên, phía trước cửa hàng trưng bày một bể đầy những cá và rùa tranh nhau bám chân vào thành lát gạch men xanh, trơn nhẫy. Một tấm bảng viết tay báo cùng khách du lịch rằng “Trong cửa hàng này chúng tôi chỉ bán cá để ăn, không bán cá làm cảnh”. Bên trong, các nhân viên bán hàng mặc áo khoác trắng dính đầy máu, khéo léo làm cá trong khi khách hàng ơi ới gọi mua và lớn tiếng “Cho tôi con tươi nhất ấy!” - Còn người bán hàng thì luôn miệng - “Con nào cũng tươi cả” - Vào những ngày cửa hàng thưa khách, chúng tôi đến quan sát các sọt ếch và cua, mà người ta cảnh cáo không cho chúng tôi mò vào, các thùng khô mực và hàng dây tôm, mực, cá trơn nhẫy ướp đá. Những con cá lưỡi trâu luôn luôn làm tôi run sợ mỗi khi nhìn đôi mắt chúng nằm trên tấm thân dẹp lép, nhắc tôi nhớ đến câu chuyện mẹ tôi kể về một cô gái bất cẩn chạy vào một con đường đông đúc và bị xe cán chết - Bẹp nát ra - Mẹ tôi thuật lại như thể.
Ở một góc con hẻm là cửa hàng cà phê Hồng Sinh, một quán cà phê có bốn bàn với một hốc cầu thang trước quán, dẫn đến cánh cửa có ghi chữ “Lái buôn”. Anh em chúng tôi cho rằng ban đêm toàn những người xấu hiện ra nơi cánh cửa này. Khách du lịch không bao giờ đến quán Hồng Sinh, vì thực đơn chỉ in bằng chữ Hoa mà thôi. Một du khách người Âu đã có lần chụp tôi và các bạn của tôi ngay trước quán bằng một chiếc máy ảnh to tướng. Ông ta bảo chúng tôi đứng sang một bên để máy ảnh thu được hình con vịt quay cổ bị cột dây treo tòn teng. Sau khi ông ta chụp ảnh xong, tôi bảo ông nên vào trong quán để ăn tối. Khi ông cười hỏi tôi họ bán món gì trong đó, tôi hét lên: “- Ruột, phèo và chân vịt, mề bạch tuộc!” - Rồi tôi bỏ chạy đi với các bạn tôi, cười rú lên nhốn nháo ùa qua con hẻm và nấp vào hốc lối vào của cửa hàng công ty đá quí, tim đập mạnh, sợ ông ta đuổi theo chúng tôi.
Mẹ tôi đặt tên tôi theo tên con đường mà chúng tôi ở: Vỹ Lý - tên chính thức để dùng trong giấy tờ ở Mỹ. Nhưng gia đình tôi gọi tôi là “Muội Muội”, em gái nhỏ. Tôi là con út trong gia đình, lại là đứa con gái duy nhất. Mỗi buổi sáng, trước khi đến trường, mẹ tôi tết mớ tóc đen dày của tôi thành hai chiếc bím rồi cuộn chặt lại. Một ngày kia, khi bà đang vất vả để luồn chiếc lược răng cứng qua mái tóc bướng bỉnh của tôi, tôi chợt này ra một ý nghĩ tinh quái, tôi hỏi bà:
- Mẹ ơi! Hành xác theo kiểu người Hoa là sao? Mẹ tôi lắc đầu, một chiếc kẹp nhỏ ngậm giữa đôi môi.
Bà thấm ướt lòng bàn tay để vuốt thẳng đám tóc trên vành tai tôi, và đặt chiếc kẹp vào để giữ đám tóc căng sát da đầu.
- Ai nói chữ đó vậy? - Bà hỏi theo kiểu không để ý đến sự tinh quái của tôi. Tôi nhún vai trả lời “- Có mấy thằng con trai trong lớp con nói người Hoa hành xác theo kiểu người Hoa”.
- Người Hoa làm đủ mọi thứ - Bà đáp gọn - Người Hoa buôn bán, làm thuốc, vẽ tranh. Không lười biếng như người Mỹ. Người Hoa cũng hành xác nữa. Giỏi nhất đấy.
—★—
Anh Vinh Sơn của tôi mới chính là người đã nhận được bộ bàn cờ. Chúng tôi đi dự tiệc Giáng Sinh hằng năm tổ chức tại Nhà thờ Nhất Rửa Tội cho người Hoa ở cuối hẻm. Các bà truyền giáo cùng nhau đặt xuống một bao đựng quà của ông già Nô-en được quyên góp tại một nhà thờ khác. Không món quà nào được ghi tên trên đó. Có từng gói riêng cho con trai và con gái ở các độ tuổi khác nhau. Một ông trong số giáo dân mặc quần áo ông già Nô-en với một bộ râu bằng bìa cứng ngắc có gắn bông gòn lên. Tôi nghĩ những đứa trẻ tưởng là Ông già Nô-en thật hãy còn quá nhỏ nên không biết được rằng ông già Nô-en thì làm sao là người Hoa được. Đến lượt tôi nhận quà, ông già Nô-en hỏi tôi bao nhiều tuổi. Thật là một câu hỏi gút mắc, hiện tôi đang lên bảy nếu tính theo tuổi Mỹ, nhưng tính âm lịch thì phải là tám tuổi. Tôi bèn đáp: Tôi sinh l7 tháng Ba năm 1951. Câu trả lời này dường như làm ông hài lòng, và ông nghiêm trang hỏi tôi trong năm nay có thật ngoan ngoãn không và tôi có tin Chúa Giê-Su, cùng vâng lời cha mẹ không? Tôi biết câu trả lời duy nhất cho câu hỏi đó, nên gật đầu với vẻ nghiêm trang không kém.
Quan sát những đứa trẻ khác mở quà, tôi thấy những gói quà to chưa hẳn là thứ hay nhất. Một con bé trạc tuổi tôi chọn được một quyển sách màu về nhân vật trong Kinh thánh, trong khi một con bé ít tham lam hơn chọn một chiếc hộp nhỏ đựng một lọ nước hoa mùi oải hương. Tiếng kêu của chiếc hộp cũng quan trọng không kém. Một cậu bé mười tuổi chọn một chiếc hộp lắc kêu leng keng. Ðó là một quả cầu bằng thiếc có khe để bỏ tiền vào. Hẳn cậu ta đã nghĩ rằng quả cầu chắc là đầy đồng mười xu, đồng năm xu, nên khi khám phá ra chỉ có mười đồng một xu trong đó, mặt cậu biểu lộ đầy vẻ khinh chê thất vọng, đến nỗi bà mẹ phải đánh lên đầu và dắt cậu ra khỏi phòng, xin lỗi mọi người vì con của bà đã xử sự tệ bạc, không biết trân trọng món quà đẹp đẽ.
Khi tôi nhìn vào bao quà, tôi nhanh chóng sờ những món quà còn lại, ướm thử sức nặng, tưởng tượng bên trong chứa thứ gì. Tôi chọn một gói nặng và chắc nịch, được gói trong giấy bạc sáng loáng và thắt dây nơ đỏ. Ðó là một cái hộp đựng mười hai thanh kẹo hiệu Life Savers và suốt thời gian còn lại của bữa tiệc, tôi ngồi xếp đi xếp lại các thanh kẹo theo thứ tự tôi thích. Anh tôi cũng khôn ngoan chọn được một chiếc hộp gồm những mảnh nhựa để xếp hình, bàn hướng dẫn trong hộp bảo rằng nếu xếp đúng tất cả các mảnh anh ta sẽ có mô hình thu nhỏ của một chiếc tàu ngầm thời thế chiến thứ hai.
Anh Vinh Sơn chọn được bộ bàn cờ, hiển nhiên bàn cờ ấy đã được dùng rồi, và sau này chúng tôi còn khám phá ra nó bị mất một con tốt đen và một con mã trắng. Mẹ tôi chân thành biết ơn nhà hảo tâm vô danh, bà luôn miệng nói: “- Ðẹp quá! Ðắt tiền quá!” - Và một bà già tóc quăn bạc phơ gật đầu về phía gia đình tôi, khẽ nói: “- Chúc mừng, chúc mừng Giáng Sinh!”.
Khi chúng tôi về đến nhà, mẹ tôi lại bảo anh Vinh Sơn đem dẹp bàn cờ đi - Bà ta không cần nó. Chúng ta cũng không cần nó - Bà nói và hất mặt lên với một nụ cười kiêu hãnh. Các anh tôi giả điếc. Họ đã xếp xong các con cờ thành từng hàng và đọc quyển hướng dẫn bị quăn góc, chỉ cách chơi cờ.
Tôi xem anh Vinh Sơn và anh Vinh Tân chơi suốt tuần lễ Giáng Sinh. Bàn cờ dường như chứa đựng những điều bí ẩn tinh vi chờ đợi gỡ rối. Những con cờ có sức mạnh còn hơn mớ lá thuốc trị được bệnh di truyền của ông già Lý. Và các anh tôi đều mang bộ mặt quá nghiêm trọng đến nỗi tôi chắc rằng một điều gì đó đang lâm nguy còn quan trọng hơn chiếc cửa của lái buôn ở tiệm Hồng Sinh.
- Cho em chơi với! Cho em chơi với! - Tôi nài nỉ giữa cuộc chơi khi một anh của tôi ngồi bệt ra thở dài nhẹ nhõm vì chiến thắng, còn người kia bực mình, không thể bằng lòng kết quả như vậy được. Ðầu tiên, anh Vinh Sơn từ chối không cho tôi chơi, nhưng khi tôi đề nghị mang mấy thanh kẹo của tôi ra thay vào hai chiếc nút áo thế chỗ cho hai quân cờ bị mất, anh lại thấy động lòng. Anh chọn thanh kẹo mùi anh đào để làm con tốt và thanh kẹo mùi bạc hà làm con mã trắng. Người nào thắng thì được ăn cả hai.
Lúc mẹ tôi rắc bột và cán những tấm áo bột nhỏ để hấp bánh bao cho cả nhà ăn tối, anh Vinh Sơn giải thích cho tôi luật chơi, anh chỉ vào từng quân cờ: “- Em có mười sáu quân cờ nhé, và anh cũng vậy. Một con vua và một con hậu, hai con tượng, hai con mã, hai con xe và tám con tốt.
Con tốt chỉ có thể đi tới trước một bước ngoại trừ nước cờ đầu tiên, lúc đó nó có thể đi hai bước, nhưng nó có thể ăn cờ bằng cách đi chéo như thế này, ngoại trừ lúc bắt đầu, khi ấy em có thể đi tới và ăn con tốt khác.
- Tại sao? - Tôi di chuyển con tốt của tôi và hỏi: - Tại sao nó không đi được nhiều bước hơn?
- Vì nó là con tốt - Anh đáp.
- Nhưng tại sao nó lại đi ngang để ăn những ông khác? Tại sao không có cờ đàn bà và trẻ con?
- Tại sao trời lại xanh? Tại sao em phải luôn luôn hỏi những câu ngu ngốc thế? - Anh Vinh Sơn nói - Ðây là trò chơi. Ðó là luật. Anh nào đặt ra đâu. Xem đây. Trong sách này, Anh lật một trang ra - Tốt này. T- ố - t. Em tự đọc đi mà biết.
Mẹ tôi phủi bột trên tay - Đưa mẹ xem quyển sách nào - Bà nhẹ nói. Bà lướt nhanh qua các trang sách, làm như không phải đọc các chữ tiếng Anh mà cũng chẳng tìm kiếm điều gì đặc biệt ở đó.
Cuối cùng bà kết luận - Luật lệ của người Mỹ mà, mỗi khi ta đến từ nước khác, ta phải biết luật. Con không biết à, quan tòa nói, tệ quá, quay lại đi. Họ không bảo cho con biết tại sao, nên con theo lối họ tiến lên. Họ nói, con không biết à, con tự tìm lấy vậy. - Bà hất đầu với một nụ cười hài lòng.
Tôi đã tìm ra được tất cả những điều thắc mắc sau đó. Tôi đọc luật chơi và tra tất cả các chữ khó trong từ điển. Sách tôi mượn ở phố người Hoa. Tôi nghiên cứu từng quân cờ, cố gắng hấp thu sức mạnh chứa đựng ở mỗi quân cờ.
Tôi học cách mở đường tấn công và biết được tại sao rất quan trọng phải kiểm soát vùng trung tâm sớm. Tôi biết được tại sao chiến thuật giữa hai đối thủ giống như các ý tưởng xung đột nhau. Ai chơi giỏi hơn sẽ có kế hoạch rõ ràng để vừa tấn công vừa thoát khỏi những cơn vây hãm. Tôi biết được tại sao rất quan trọng phải biết nhìn thấy trước, tính toán tất cả các nước đi có thể xảy ra, phải kiên nhẫn, tất cả yếu điểm và lợi điểm đều hiển nhiên đối với một địch thủ mạnh, và làm mờ mắt một địch thủ mệt mỏi. Tôi khám phá ra rằng trò chơi nào, người chơi nào cũng phải có được sức mạnh vô hình. Và phải thấy được kết thúc ngay cả trước khi trò chơi bắt đầu.
Tôi cũng tìm ra được tại sao không bao giờ nên tiết lộ “tại sao” cho người khác biết. Giấu lại một ít, xem vậy lại rất có lợi để dùng sau này. Ðó là sức mạnh của môn chơi cờ. Ðó là một trò chơi của những bí quyết mà người ta phải trình bày ra, chứ không được nói ra.
Tôi yêu những bí mật tìm thấy trong vòng 64 ô vuông đen trắng. Tôi cẩn thận vẽ bàn cờ làm bằng tay và ghim nó lên tường cạnh giường ngủ của tôi, nơi đó, bằng đêm tôi có thể nhìn sững lên hằng giờ để tưởng tượng các nước cờ. Chẳng bao lâu, tôi không còn thua bất kỳ ván cờ nào và cũng không còn bị thua mất kẹo Life Savers, nhưng tôi lại mất các đối thủ của tôi. Anh Vinh Tân và Vinh Sơn thích đội nón cao bồi rong chơi ngoài đường sau giờ học hơn.
—★—
Vào một buổi chiều mùa xuân se lạnh, trong khi đi bộ từ trường về nhà, tôi đảo một vòng quanh sân chơi ở cuối con hẻm phố tôi. Tôi thấy một nhóm các cụ già, người hút thuốc, người nhai đậu phộng, đứng xem hai ông đang ngồi chơi cờ. Tôi chạy về nhà vớ lấy bàn cờ của anh Vinh Sơn, gói trong một hộp bìa cứng và cột dây thun bên ngoài. Tôi lại cẩn thận chọn lấy hai thanh kẹo Life Savers và chạy trở lại công viên. Tôi đến gần một ông đang đứng quan sát ván cờ. Tôi hỏi:
- Ông muốn chơi không?
Mặt ông già giãn ra vì ngạc nhiên và ông nhìn chiếc hộp cắp dưới tay tôi cười độ lượng, nói:
- Em nhỏ ơi, từ lâu rồi ông không có chơi búp bê. Tôi đặt nhanh chiếc hộp xuống cạnh ông trên bằng ghế và bày các con cờ ra để trả lời ông.
Lão Bố, ông cho phép tôi gọi ông như thế, hóa ra chơi giỏi hơn các anh của tôi nhiều. Tôi thua mất nhiều ván và mất đi nhiều thanh kẹo Life Savers. Nhưng qua nhiều tuần, với hàng loạt kẹo mất đi tôi tích lũy được nhiều bí quyết mới. Lão Bố cho tôi biết tên của chúng. Nào là trận tấn công song đôi từ mạn phía tây và phía đông. Trận ném đá vào kẻ chết đuối. Cuộc chạm trán bất ngờ của người cùng phe. Đòn ngạc nhiên cho người canh gác ngủ quên. Nào là kẻ hầu hèn mọn giết chết được ông vua. Hạt cát trong mắt của đạo quân tiên phong. Một cuộc thảm sát hai kẻ một lúc không đổ máu.
Cũng có nhiều điểm hay về phép lịch sự trong môn chơi cờ. Ta phải xếp những con cờ thắng thành hàng từ tế, như tù nhân được chăm nom cẩn thận vậy. Không bao giờ được ném các con cờ hỗn độn vào trong hộp sau khi ta bị thua trận, vì sau đó ta phải tìm lại chúng, sau khi xin lỗi hết mọi người chung quanh. Đến cuối mùa hè, Lão Bố đã truyền thụ lại cho tôi tất cả những gì ông biết, và tôi chơi cờ khá hơn.
Một nhóm người Hoa và du khách đi chơi ngày cuối tuần đã tụ tập lại xem tôi chơi cờ và lần lượt hạ từng đối thủ một. Mẹ tôi cũng tham gia vào đám đông trong suốt những ván cờ biểu diễn ngoài trời này. Bà hãnh diện ngồi trên băng ghế, nói với những người hâm mộ bằng vẻ khiêm tốn đúng mực Trung Hoa: - May mắn thôi đó mà! Một ông ngồi xem tôi chơi cờ ở công viên đã đề nghị mẹ tôi cho phép tôi thi đấu cờ tại địa phương, mẹ tôi mỉm cười lịch sự, một câu trả lời không hiểu nghĩa làm sao. Tôi hết sức muốn đi, nhưng tôi phải ngậm miệng lại. Tôi biết bà sẽ không cho phép tôi chơi giữa đám người lạ. Vì thế trên đường về nhà, tôi nhẹ giọng nói với bà rằng tôi không muốn thi đấu cờ tại địa phương. Họ sẽ áp dụng luật chơi kiểu Mỹ. Nếu tôi thua, tôi sẽ làm cho gia đình xấu hổ.
- Chỉ xấu hổ nếu con ngã xuống mà không thúc đẩy con - Mẹ tôi nói.
Lần thi đấu đầu tiên của tôi, mẹ tôi ngồi với tôi ở dãy ghế đầu, cùng chờ đến lượt tôi thi. Tôi cứ phải luôn nhún chân lên xuống như để khỏi dính vào thanh kim loại lạnh ngắt của chiếc ghế xếp. Khi người ta gọi đến tên tôi, tôi đứng bật dậy. Mẹ tôi mở một vật gì đặt trên lòng ra. Ðó là một viên hồng ngọc nhỏ xíu! - Ðể may mắn! - Bà nói khẽ và nhét nó vào túi áo đầm của tôi. Đối thủ của tôi là một anh chàng mười lăm tuổi, từ Oakland đến. Hắn ta nhìn tôi, nheo mũi. Khi tôi bắt đầu vào trận, cậu trai trước mặt vụt biến mất, các màu sắc trong phòng cũng tan biến, tôi chỉ còn thấy màu trắng của những quân cờ của tôi và màu đen của những quân cờ bên phía đối diện. Một ngọn gió nhẹ bắt đầu thổi ngang tai tôi, thì thầm những bí quyết chỉ mình tôi nghe được.
- Thổi từ phía Nam tới - Ngọn gió thì thào - Gió không để lại dấu vết gì - Tôi thấy con đường rõ ràng để đi, thấy bẫy rập cần phải tránh. Khán giá xì xào khắp mọi phía trong phòng. Ngọn gió thổi mạnh hơn - Ném cát từ phía Ðông tới để che mắt hắn đi! - Con mã tiến tới trước, sẵn sàng để hy sinh. Ngọn gió lại rít lên càng lúc càng to - Ðánh đi, đánh, đánh! Hắn không thấy đâu. Bây giờ hắn mù rồi. Làm cho hắn né khỏi ngọn gió, như vậy hắn để dàng bị hạ hơn.
- Chiếu! - Tôi nói, và ngọn gió gầm lên cười. Ngọn gió lịm xuống thành tiếng thở phào, tiếng thở của chính tôi
—★—
Mẹ tôi đặt chiến tích đầu tiên của tôi cạnh bộ bàn cờ bằng nhựa mới mà Hội cờ địa phương đã tặng tôi. Khi dùng vải mềm lau từng quân cờ, bà nói: - Lần sau thắng nhiều hơn và thua ít hơn nhé!
- Mẹ ơi, vấn đề không phải ở chỗ mất đi bao nhiều con cờ - tôi nói - Ðôi khi người ta phải mất đi nhiều quân mới tiến lên được.
- Mất đi ít thì tốt hơn, nếu con thực sự thấy cần thiết phải mất.
Trận đấu kế tiếp, tôi lại thắng nữa và lần này chính mẹ tôi mới là người mang nụ cười chiến thắng.
- Trận này con mất đi năm quân cờ. Còn lần trước là mười một quân. Mà mẹ đã bảo con thế nào? Mất ít quân nữa thì tốt hơn - Tôi cảm thấy bực mình, nhưng không thể nói gì được.
Tôi tham dự thêm nhiều trận đấu nữa, càng ngày càng đấu xa nhà hơn. Tôi thắng tất cả các trận, ở khắp mọi nơi. Tiệm bánh Trung Hoa ở tầng dưới cán hộ của tôi trưng bày bộ sưu tập ngày càng nhiều các chiến tích của tôi giữa đám bánh trái đầy bụi không bao giờ được lấy ra. Ngày tôi thắng được một giải quan trọng trong khu vực, tủ trưng bày bánh lại có thêm một chiếc bánh mới tinh có nặn bông kem và dòng chữ đỏ. “Chúc mừng Chung Vỹ Lý, vô định cờ khu phố Trung Hoa”. Chẳng bao lâu sau, cửa hàng hoa, cửa hàng chạm khắc đá mài, và cửa hàng phục vụ mai táng đề nghị đỡ đầu tôi đi tranh giải quốc gia. Đã đến lúc mẹ tôi quyết định tôi không còn phải rửa bát đĩa nữa. Anh Vinh Tân và Vinh Sơn phải làm thay cho tôi.
- Tại sao nó được chơi mà chúng con phải làm việc? - Anh Vinh Sơn phàn nàn.
- Luật mới của Mỹ là vậy - Mẹ tôi nói - Em nó chơi, nặn óc ra để thắng cờ. Còn con chơi ấy à, chỉ đáng nặn vắt khăn lông thôi!.
Vào lần sinh nhật thứ chín, tôi trở nên vô địch cờ quốc gia. Tôi vẫn còn thua vị trí kiện tướng 429 điểm, nhưng tôi được tán tụng như niềm hy vọng của nước Mỹ, một thiên tài.
—★—
Người ta đăng hình tôi lên báo Life cạnh câu nói của Bobby Fischer: “Sẽ không bao giờ có một bực thầy vĩ đại là phụ nữ”. Hàng tít lớn viết: “- Lời bạn bị lung lay rồi, Bobby!” Ngày chụp hình đăng báo, tôi bím tóc gọn ghẽ và kẹp lại bằng những chiếc kẹp nhựa có gắn hạt kim cương giả. Lúc đó tôi đang thi đấu ở hội trường của một trường trung học lớn, thỉnh thoảng vọng lên những tiếng ho húng hắng và tiếng những núm cao su ở chân ghế kéo đi ken két trên sàn gỗ đánh sáp mới tinh. Ngồi đối diện với tôi là một ông người Mỹ, khoảng trạc tuổi Lão Bố, có lẽ khoảng năm mươi. Tôi còn nhớ chiếc trán mướt mồ hôi của ông dường như muốn chảy giọt ở mỗi nước cờ của tôi. Ông mặc một bộ quần áo màu sẫm nặng mùi. Ông nhét một chiếc khăn tay trắng vào túi để lau tay trước khi vuốt lên con cờ đã chọn một cách điệu nghệ. Trong chiếc áo đầm màu trắng và hồng có đăng ten ở cổ, một trong hai chiếc áo mà mẹ tôi may cho tôi dành để mặc trong những dịp đặc biệt như thế này, tôi xếp đôi tay dưới cằm, tì cánh chỏ lên bàn trong một tư thế mẹ tôi đã bày cho tôi để chụp hình đăng báo. Tôi lắc lư đôi giày da xinh xắn tới lui như một đứa bồn chồn đang ngồi trên xe buýt nhà trường. Tôi sẽ khựng lại, chúm môi, xoay xoay các con cờ giữa khoảng không như còn đang lưỡng lự và rồi dứt khoát đặt xuống ở một vị trí đe dọa mới, và ném một nụ cười chiến thắng trả miếng cho địch thủ.
Tôi không còn được chơi ở con hẻm phố Vỹ Lý. Tôi không bao giờ còn được viếng sân chơi nơi đám bồ câu và những người già tụ tập. Tôi đi đến trường học, rồi đi thẳng về nhà để học thêm những bí quyết cờ mới, các lợi điểm được che đến một cách khôn ngoan, nhiều con đường thoát thân hơn nữa.
Nhưng tôi lại thấy tập luyện ở nhà khó lòng tập trung được. Mẹ tôi có thói quen cứ đứng ngay trước mặt tôi trong khi tôi dàn thế trận. Tôi cho rằng bà tự nghĩ là người đồng minh bảo vệ cho tôi. Bà mím môi chặt, và cứ sau mỗi bước cờ tôi đi, bà lại “Hừm” qua mũi. Một hôm tôi đành phải nói:
- Mẹ ơi! Con không luyện tập được nếu mẹ cứ đứng xem như thế! - Bà quay trở ra nhà bếp và khua vang nồi niêu ầm ỹ. Khi những tiếng va chạm chan chát chấm dứt, tôi liếc nhìn thấy bà đứng ngay tại cửa ra vào - Hừm - Lần này tiếng kêu thoát ra từ cổ họng nghiến chặt của bà.
Cha mẹ tôi đã nhượng bộ nhiều lần để tôi được tập luyện cờ. Có lần tôi phàn nàn căn phòng ngủ của tôi ở chung với các anh quá ồn ào tôi không tập trung suy nghĩ được. Thế là sau đó, các anh tôi ra ngủ trên chiếc giường ở phòng khách nhìn ra đường. Tôi bảo tôi không ăn hết cơm nổi, đầu tôi không làm việc nổi nếu bụng quá đầy. Tôi rời bàn ăn với chén cơm ăn đã nửa chừng mà không bị ai la mắng. Nhưng có một nhiệm vụ tôi không thể tránh khỏi. Tôi phải tháp tùng mẹ tôi đi chợ vào những ngày thứ bảy nếu không phải ngày tôi thi đấu. Mẹ tôi hãnh diện bước đi bên tôi, viếng rất nhiều cửa hàng, nhưng mua rất ít - Ðây là Chung Vỹ Lý, con gái của tôi - bà giới thiệu tôi với bất cứ ai nhìn theo bà.
Một ngày kia, khi chúng tôi rời khỏi cửa hàng, tôi nén thở nói với bà: - Con mong mẹ đừng làm thế nữa, đừng nói với hết thảy mọi người con là con của mẹ - Mẹ tôi dừng chân lại ngay. Dòng người tay xách nách mang đi ngược chúng tôi trên vỉa hè đâm vào một bên vai, rồi đến vai bên kia.
- Ai chà! Ði cùng với mẹ xẩu hổ quá hả? - Bà xiết mạnh tay tôi và trừng mắt nhìn.
Tôi ngó xuống! - Không phải vậy, nhưng hiển nhiên là con rất bối rối!
- Bối rối vì là con gái của ta hả? - Giọng bà vỡ ra vì tức giận.
- Con không có ý nói vậy. Con đâu đã nói thế.
- Chứ con nói sao?
Tôi biết nói thêm là có lỗi, nhưng tôi vẫn nghe tiếng tôi đáp: - Tại sao mẹ cứ dùng con để khoe khoang? Nếu mẹ muốn khoe sao mẹ không học chơi cờ đi? Mắt mẹ tôi chuyển thành hai khe đen sẫm dữ tợn, bà không thốt lên lời nào, chỉ yên lặng lạnh lùng. Tôi nghe gió thổi mạnh qua vành tai nóng bỏng. Tôi giật tay ra khỏi tay mẹ tôi và quay đi, đụng phải một bà già. Túi thực phẩm của bà đổ ra đầy xuống đất.
- Ai chà! Ðồ ngốc! - Mẹ tôi và bà già cũng kêu lên.
Cam quít và các lon đồ hộp tung tóe lăn trên vỉa hè. Khi mẹ tôi cúi xuống giúp bà già nhặt các thứ lên, tôi bỏ chạy. Tôi chạy ra đường, len lỏi giữa dòng người, không hề quay lại khi nghe tiếng mẹ tôi lanh lảnh kêu: - Muội muội! Muội muội! - Tôi băng vào một con hẻm, chạy ngang qua các cửa hàng treo màn tối và những nhà buôn đang lau bụi bặm bám trên các cửa sổ. Tôi chạy vọt đi dưới nắng, qua một con đường rộng đầy du khách đang ngắm nghía đồ trang sức và hàng kỷ niệm. Tôi lao vào một con hẻm tối khác, chạy xuống một con đường nữa, rồi lại chạy vào một con hẻm. Tôi chạy mãi cho đến khi đau nhức và nhận biết mình không còn chỗ nào để đi thêm, và không có gì để phải chạy trốn như vậy. Con hẻm không có lối ra. Tôi thở như một cái ống khói giận dữ. Trời lạnh căm. Tôi ngồi trên một chiếc xô nhựa úp ngược, cạnh một đống thùng rỗng. Tôi chống tay lên cằm suy nghĩ, tưởng tượng giờ này mẹ tôi, đầu tiên rảo bước qua hết con đường này đến con đường khác để tìm tôi, sau đó đành chịu thua, bỏ về nhà ngồi, đợi tôi về. Sau hai tiếng đồng hồ, tôi đứng dậy trên đôi chân lỏng lẻo và chậm rãi lê bước về nhà. Con hẻm vắng lặng. Tôi thấy ánh đèn vàng hắt ra từ căn hộ của chúng tôi như đôi mắt hổ trong đêm. Tôi leo mười sáu bậc thang lên tới cửa, bước thật nhẹ nhàng để không gây ra tiếng động. Tôi vặn tay nắm cửa, nhưng cánh cửa đã bị khóa. Tôi nghe tiếng ghế xê dịch, tiếng bước chân, và tiếng lách cách mở khoá cửa.
- Ðúng lúc em về nhà rồi đấy nhỉ? - Anh Vinh Sơn nói - Chà! Em gặp rắc rối rồi đấy!
Anh trở lại ngồi vào bàn ăn. Trên đĩa hãy còn phần còn lại của một con cá to. Tôi đứng chờ hình phạt và nghe mẹ tôi khô khan nói:
- Chúng ta không liên quan gì đến con bé này. Con bé này không hề quan tâm gì đến chúng ta.
Không ai nhìn tôi cả. Đũa va lách cách vào thành bát khi mọi người ngấu nghiến ăn. Tôi đi trở về phòng, đóng cửa và nằm lên giường. Căn phòng tối sẩm, chỉ có những bóng mờ trên trần do ánh đèn từ các hộ láng giềng hắt sang. Trong đầu, tôi thấy một bàn cờ 64 ô vuông đen trắng. Ðịch thủ ngồi đối diện tôi có hai khe mắt đen giận dữ, mang một nụ cười chiến thắng: - Ngọn gió mạnh nhất không thể thấy được! - Bà nói. Những quân cờ màu đen của bà băng băng tiến lên. Những quân cờ trắng của tôi thét lên khi bị đánh gục ngã từng con một. Khi quân của bà tiến đến gần lằn ranh của tôi, tôi cảm thấy mình nhẹ hẳn đi. Tôi bốc lên không và bay ra cửa sổ, càng lúc càng cao lên, vượt trên các mái nhà ngói, gió cuốn tôi bốc cao lên trên nền trời đêm cho đến khi mọi thứ bên dưới tôi biến mất, và tôi chỉ còn lại một mình. Tôi nhắm mắt lại nghĩ về nước cờ kế tiếp.