Câu hỏi suy ngẫm: Tha thứ là điều thích thì làm, cần phải làm hay là mệnh lệnh? Tại sao chúng ta phải tha thứ? Làm thế nào có thể tha thứ?
Thứ ba, tha thứ nhau. Một trong những yếu tố quan trọng để giải hòa là lòng tha thứ. Sứ đồ Phao-lô kêu gọi con dân Chúa phải có lòng nhân từ, thương cảm nhau, và tha thứ nhau theo gương của Đức Chúa Trời đã đối xử với con người tội lỗi (Ê-phê-sô 4:32 BDM).
Lý do Phao-lô để sự "tha thứ" ở sau sự "nhân từ" và "thương cảm lẫn nhau," vì ông tin chúng ta chỉ có thể thật sự tha thứ cho người khác khi chúng ta bắt đầu xử sự tử tế với người khác, thương xót và cảm thông những gì đã xảy ra trong đời sống của người khác. Khi chúng ta thực hành bài học sống nhân từ và thương xót người khác thì sự tha thứ sẽ đến.
Là con dân Chúa chúng ta phải học gương giải hòa của Đức Chúa Trời. Khi chúng ta còn ở trong tình trạng thù nghịch với Ngài, bởi lòng nhân từ, thương xót Ngài đã sai Con Ngài đến thế gian, chết thay cho chúng ta để chuộc tội chúng ta. Chúng ta phải tha thứ nhau vì những lầm lỗi gây ra sự bất hòa giữa chúng ta là nhỏ mọn so với sự tha thứ lớn lao của Đức Chúa Trời đối với những tội lỗi chúng ta đã phạm đối với Ngài.
Chúa Giê-xu đã kể câu chuyện ghi trong Ma-thi-ơ 18:23-35 về một người mắc nợ vua một món nợ rất lớn không có cách gì trả nổi và theo luật định cả gia đình người mắc nợ này sẽ bị bán làm nô lệ để trừ nợ. Nhưng khi người này van nài xin vua gia hạn thì vua lại tha hết số nợ rất lớn cho ông. Chính Đức Chúa Trời đã đối xử với chúng ta như vậy. Bởi lòng nhân từ và ân sủng của Ngài, Ngài đã làm vượt hơn vô cùng sự cầu xin của chúng ta, Ngài xóa hết nợ của chúng ta. Ngài tha thứ tội của cả cuộc đời chúng ta.
Điều tương phản trong câu chuyện Chúa kể là người được vua tha món nợ không trả nổi, hớn hở ra về, trên đường anh gặp một người thiếu anh một món nợ nhỏ. Anh túm cổ người này và nói, "Nè, anh có chịu trả ngay món nợ thiếu tôi không?" Chúng ta thường xử sự như vậy đối với người có lỗi với mình mà quên sự kiện Đức Chúa Trời đã tha mọi tội lỗi trong đời sống mình. Chúng ta dễ ghi khắc trong lòng một câu nói xúc phạm, một việc nhỏ làm tổn thương mình và giữ sự hiềm khích lâu dài với ai đó, mà quên: " Chúa không bắt tội luôn luôn, Cũng chẳng giữ lòng giận đến đời đời" (Thi-thiên 103:9) đối với chúng ta.
Tha thứ là một mệnh lệnh của Chúa, là việc con dân Chúa phải làm. Có ba lợi ích thực tế về sự tha thứ. Thứ nhất, tha thứ cắt đứt cái vòng đổ lỗi và đau khổ, bứt đứt sự trói buộc của sự tức giận, hận thù. Thứ hai, tha thứ làm vơi đi mặc cảm tội lỗi trong người có lỗi, cho họ cơ hội để thay đổi, dù họ phải bị trừng phạt. Thứ ba, tha thứ gắn liền người tha thứ và người được tha thứ. Chúng ta thảy đều giống nhau trước mặt Đức Chúa Trời. Người tha thứ và người được tha thứ đều cần cầu nguyện "xin Cha tha tội lỗi chúng con" (Ma-thi-ơ 6:12). Khi không tha thứ, chúng ta đốt cây cầu chúng ta cần đi qua.
Tha thứ cho người không thương mình dễ hay khó? Làm sao để bạn tha thứ?
Xin Chúa giúp con học theo gương Chúa không hay bắt lỗi người khác và không giận lâu.