Câu hỏi suy ngẫm: Phải làm gì khi có sự bất hòa với người khác? Tại sao tha thứ người khác là việc quan trọng phải làm? Bạn nhận được sự tha thứ của Chúa thế nào? Bạn có tha thứ cho người khác như Chúa tha thứ cho bạn không?
Kinh Thánh dạy khi có sự bất hòa với anh chị em trong đức tin, chúng ta phải nhường nhịn và nếu bị xúc phạm chúng ta phải tha thứ. Phải luôn nhớ chúng ta đã làm tổn thương Chúa, đã gây biết bao lầm lỗi trong cuộc đời, nhưng Chúa đã tha thứ chúng ta vô điều kiện, vì vậy chúng ta cần phải học gương tha thứ của Chúa mà tha thứ cho người khác.
Tha thứ cho người khác là một mệnh lệnh Kinh Thánh dạy chúng ta phải làm. Phải tha thứ cho người phạm lỗi để Đức Chúa Trời tha thứ tội lỗi chúng ta. Nếu không tha thứ cho người làm buồn lòng chúng ta thì Đức Chúa Trời sẽ không tha thứ chúng ta. Đây là một lời dạy nghiêm chỉnh được lập đi lập lại trong Tân Ước. Ma-thi-ơ 18:35 "Nếu mỗi người trong các ngươi không hết lòng tha lỗi cho anh chị em mình, thì Cha Ta ở trên trời cũng sẽ xử với các ngươi như vậy." Mác 11:25 "Khi các ngươi đứng cầu nguyện, nếu có sự gì bất bình cùng ai, thì hãy tha thứ, để Cha các ngươi ở trên trời cũng tha lỗi cho các ngươi." Cô-lô-se 3:13 "Nếu một người trong anh chị em có sự gì phàn nàn với người khác, thì hãy nhường nhịn nhau và tha thứ nhau: như Chúa đã tha thứ anh chị em thể nào, thì anh chị em cũng phải tha thứ thể ấy." Gia-cơ 2:13 "Ai hành động thiếu thương xót sẽ bị xử đoán không chút thương xót; nhưng lòng thương xót thắng hơn sự xử đoán" (BDM).
Nhiều người thấy khó tha thứ và nghĩ rằng tha thứ là dung dưỡng tội lỗi, không có lợi ích. Thật ra tha thứ không phaœi nói điều sai là đúng. Tha thứ không có nghĩa dung dưỡng tội lỗi. Tha thứ là, "Anh chị làm tổn thương tôi, anh chị làm sai, nhưng tôi bỏ qua, tôi sẽ không ghét anh chị, tôi sẽ không trả thù." Tha thứ khởi đầu tiến trình hòa giải. Chúng ta thường nói với mình hay nghe người khác nói "Tôi sẽ tha thứ khi anh ta đến xin lỗi." Đây không phải đường lối của Chúa. Thú tội, xin lỗi không phải là điều kiện tiên quyết của sự tha thứ nhau.
Trong bữa ăn người chồng chê món ăn vợ anh nấu. Họ bắt đầu cãi nhau, họ giận nhau. Không ai chịu đến xin lỗi hay bày tỏ sự tha thứ. Mỗi tối họ đi ngủ, ai cũng hy vọng người kia sẽ đến xin lỗi hay ngỏ lời tha thứ, nhưng không ai chịu đến với nhau. Chúng ta cần tha thứ những lời nói, việc làm, lầm lỗi vô tình hay cố ý của người khác. Có người để sự tổn thương trong lòng 10, 20 năm và không chịu làm gì để hàn gắn mối liên hệ của họ. Đây là lý do một số người thấy khó tha thứ người khác. Họ không thích đối diện với người có lỗi với họ, họ không muốn đối diện người họ đã xúc phạm, từ từ tinh thần không tha thứ và ghét bỏ lớn lên trong họ khiến sự tha thứ thêm khó khăn.
Đức Chúa Trời không chờ chúng ta ăn năn để tha thứ. Kinh Thánh nói "trong khi chúng ta còn là người có tội (chưa ăn năn) thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết." Đức Chúa Trời là Đấng khởi động sự hòa giải. Ngài tha thứ chúng ta để chúng ta có thể đến với Ngài. Khi ân sủng của Đức Chúa Trời đến trên đời sống, chúng ta sẽ tha thứ. Một trong những sự thay đổi đầu tiên là chúng ta có sức mạnh để tha thứ. Tha thứ cho người khác chứng tỏ chúng ta đã nhận sự tha thứ của Đức Chúa Trời, và đang sống đời sống mới. Nếu không tha thứ người làm tổn thương mình, chứng tỏ chúng ta không thật sự tiếp nhận ân sủng của Chúa.
Chúng ta có thể tha thứ trong ánh sáng tha thứ của Đức Chúa Trời. Chúa Giê-xu đã nói cho chúng ta biết nếu không tha thứ, thì chúng ta chưa nhận biết nhu cầu lớn lao của chúng ta cần được Đức Chúa Trời tha thứ; chúng ta không biết Đức Chúa Trời đã tha thứ chúng ta như thế nào, và như vậy, trong sự kiêu ngạo của mình, chúng ta chưa thật sự ăn năn, và Đức Chúa Trời sẽ không tha thứ chúng ta.
Khi nhìn xem thập tự giá, và sự đau đớn mà Chúa đã gánh chịu để tha thứ và thanh tẩy chúng ta khỏi tội lỗi; thì việc tha thứ cho người làm thương tổn bạn có còn là việc khó làm không?
Xin Chúa giúp con luôn nhớ ơn tha thứ lớn lao của Ngài và nhờ ơn Ngài thực hành mệnh lệnh tha thứ người khác như Ngài đã phán dạy.