Câu hỏi suy ngẫm: "Chúa là nơi ở của chúng ta" có ý nghĩa gì đối với tác giả? Có ý nghĩa gì đối với bạn? Đâu là nơi nương náu của tác giả? Ông suy nghĩ như thế nào về cuộc đời của con người? Vì sao ông cầu xin Đức Chúa Trời dạy ông "biết đếm các ngày của ông? "Đếm các ngày" có nghĩa gì đối với bạn? Bạn có đang phí uổng các ngày mà Đức Chúa Trời ban cho bạn trên đất không? Nếu có, giờ đây bạn cần phải làm gì?
Đây có thể là Thi-thiên cổ xưa nhất do Môi-se cảm tác để nói lên phản ứng cá nhân của ông khi đối diện với sự khủng hoảng (Dân Số Ký 13, 14). Lúc dân tộc ông không còn tin cậy Đức Chúa Trời và thẳng thừng chống lại sự lãnh đạo của ông, thì Môi-se bày tỏ lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời. Chính niềm tin này đã gìn giữ ông không nản lòng, thất vọng và vấp ngã khi phải trải qua nhiều năm dài trong hoang mạc khắc nghiệt. Chính niềm tin này đã khiến cho nhân vật có một không hai trong thời Cựu Ước có được mối quan hệ khắng khít và độc đáo với Đức Chúa Trời.
Môi-se bày tỏ rằng Đức Chúa Trời hằng sống là nơi nương náu của ông và những người thuộc về Ngài. Hết thế hệ này đến thế hệ kia qua đi nhưng Đức Chúa Trời hằng còn và không bao giờ thay đổi. "Vì Ta là Đức Giê-hô-va, Ta không hề thay đổi" (Ma-la-chi 3:6), những cụm từ ông sử dụng như "trở vào bụi tro," "như một canh của đêm," "như nước chảy cuồn cuộn," "khác nào một giấc ngủ," và "tựa như cây cỏ xanh tươi" cho thấy sự mong manh và ngắn ngủi của đời người. Đây là lý do mà loài người cần nương nhờ nơi Đức Chúa Trời. Là những tạo vật được làm ra từ bụi đất, có đời sống giới hạn, cuộc đời ngắn ngủi của chúng ta sẽ chẳng có ý nghĩa gì trong vũ trụ nếu chúng ta không có mối quan hệ với Đức Chúa Trời hằng hữu. Cách để xác lập mối quan hệ này là đặt niềm tin nơi Chúa Giê-xu là Đấng "hôm qua, ngày nay, và cho đến đời đời không hề thay đổi" (Hê-bơ-rơ 13:8).
Khi nhìn thấy những người trên hai mươi tuổi lần lượt ngã chết một cách uổng phí trong hoang mạc vì đã chống nghịch lại Đức Chúa Trời (Dân Số Ký 14:26-35). Môi-se nhắc bản thân ông cũng như chúng ta hãy cẩn thận sử dụng khoảng thời gian ngắn ngủi có thể tính được từng ngày, thậm chí là từng giây phút mà chúng ta có khi tại thế để đầu tư một cách khôn ngoan vào cõi đời đời. Dù đời chúng ta dài hay ngắn, dù ở độ tuổi nào, thanh niên, trung niên hoặc lão niên, chúng ta phải quan tâm đến "việc đếm các ngày" của chúng ta ở trên đất.
Tại sao "đếm các ngày" thì "được khôn ngoan"? Bạn "đếm ngày" cuœa mình thế nào, cách nào?
Cảm tạ Chúa dù là bụi đất nhưng con được dựng nên theo hình ảnh của Ngài. Xin giúp con không bao giờ phí uổng một ngày nào trong đời con, nhưng hết lòng đầu tư vào cõi đời đời.