Phong Vũ Thanh Triều [Quyển 1]

Chương 27: Hoàng Hà đại nạn

Lan Châu, Cam Túc. Bình minh.

Hôm trước, Hoàng Hà ngập lụt làm vỡ đê. Nhà cửa đường sá chìm trong biển
nước. Xác người đống đầy. Đồng lúa ruộng nương đại nạn. Lũ lên nhanh,
nhiều vụ sạt lở xảy ra ở tỉnh Cam Túc. Cửu Dương nhận được tin. Chàng
lập tức lên đường tiếp ứng tình hình.

Khi cơn bão mới vừa bắt đầu, quan tri huyện địa phương đã nhanh chân mang
cả gia đình lìa khỏi. Một số quân đội Bát Kỳ Mãn Châu đang đóng ở Cam
Túc cũng dời gót đến Tân Cương, chờ cho trận phong ba trôi qua mới cùng
trở lại.

Đến phút cuối, chỉ có dân chúng chịu thiệt thòi. Nhiều người chết đuối. Kẻ
còn sống sót thì hai bữa không no. Có khoảng vài ngàn thành viên bang
phái Đại Minh Triều cư ngụ ở Cam Túc. Họ vui mừng hội ngộ thất đương
gia. Sự hiện diện của Gia Cát tái lai như một sức lực vô hình khiến nỗi
bất an trong lòng mọi người dịu lại. Họ tin tưởng Cửu Dương nhất định có cách làm giảm bớt những thiệt hại của trận cuồng phong trong tương lai
gần đây.

Cửu Dương cùng Tiểu Tường dạo một vòng chung quanh tỉnh lỵ quan sát tình
trạng dân cư. Còn Lộ Phi Yến và Lộ Phi Nhi thì theo một số huynh đệ đi
xem xét mức độ cao của nước.

Sông Hoàng Hà là con sông dài thứ hai của Trung Hoa sau sông Dương Tử. Chữ
“hà” có nghĩa là sông, và chữ “hoàng” dùng để ám chỉ màu vàng phù sa hòa trong nước. Sông Hoàng Hà còn có tên dân gian là sông “trọc lưu nước
đục.” Cho nên mỗi khi nói bóng gió những điều không bao giờ xảy ra,
người ta thường hay ví von “lên trời đã khó, làm cho nước sông Hoàng Hà
trong trẻo còn khó hơn.”

Sông Hoàng Hà khơi nguồn từ phía tây bắc tỉnh Thanh Hải, vốn là nơi ngự trị
của dãy núi hùng vĩ Côn Lôn. Dòng nước bắt nguồn chảy hướng nam, uốn
cong về phía đông nam, và xuôi theo hướng nam một lần nữa trước khi giáp ranh tỉnh lỵ Lan Châu thuộc địa hình Cam Túc. Sau đó, con sông uốn
lượng về phía bắc qua khu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ, chảy tới khu tự
trị Hà Sáo Nội Mông. Ở tại vùng Nội Mông, dòng nước màu vàng thình lình
đổi hướng trực tiến về nam tạo ra ranh giới của hai tỉnh Thiểm Tây và
Sơn Tây. Khi trôi về phía đông bắc của thành phố Tây An, thủ phủ tỉnh
Thiểm Tây thì Hoàng Hà lại một lần nữa ngược hướng chảy về đông, xuyên
thành phố Khai Phong, qua đến Tế Nam thủ phủ Sơn Đông rồi cuối cùng đổ
ra biển Bột Hải.

Trong lịch sử hàng ngàn năm khai quốc, Hoàng Hà được xem là niềm vui và nỗi
buồn của vạn dân. Từ năm 602 cho đến hiện nay, dòng nước màu vàng này đã ít nhất năm lần đổi dòng, làm vỡ các con đê bao bọc trên hết không dưới một ngàn năm trăm lần.

Tiểu Tường rảo bước song song bên cạnh Cửu Dương. Cả hai vừa đi vừa thở dài. Họ đưa mắt nhìn khắp nơi. Đâu đâu cũng là nhà cửa xơ xác. Lũ dâng cao.
Đường sá ngập ngụa trong nước gây trở ngại di chuyển. Trường học buộc
phải đóng cửa. Dân chúng lâm cảnh màn trời chiếu đất, cuộc sống ngặt
nghèo. Một số người bỏ xứ ra đi, nhưng cũng không ít người quyết tâm tồn tại trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn.

Trên đường trở về khu căn cứ bí mật của bang hội, Tiểu Tường liếc sang Cửu
Dương, phát giác cặp chân mày cau lại, chắc đầu óc của chàng đang hoạt
động không ngừng.

- Huynh nghĩ ngợi gì mà trờ người thế? – Tiểu Tường khẽ hỏi.

Cửu Dương làm thinh. Hình như chàng không nghe câu nàng vừa nói. Đến chỗ
quẹo để vào khu căn cứ mà thấy Cửu Dương vẫn còn hồn lìa khỏi xác, nghĩ
ngợi mông lung nên Tiểu Tường nắm lấy bàn tay chàng lay mạnh:

- Cua đi huynh!

Đôi vai của Cửu Dương giật nẩy, đầu cổ dáo dác tứ phía:

- Đâu, đâu? Ở đâu?


Hỏi xong, chàng giương mắt ếch ngó Tiểu Tường:

- Có ai đâu mà cua?

- Huynh ơi là huynh! - Tiểu Tường nguýt một cái dài hai trăm cây số rưỡi - Muội nói là cua qua đường đi!

Trong khi Cửu Dương cười cười quê độ thì Tiểu Tường lắc đầu bái phục cái nết
“ba mươi lăm” của chàng. Đúng là… hồng nào hồng chẳng có gai, trai nào
trai chẳng yêu hai ba nàng. Thời cuộc rùm beng, sông tràn nước lũ mà vẫn chứng nào tật nấy. Thật chán cho cái kiếp đào hoa. Và Tiểu Tường ước ao bản thân có tài tiên tri số mệnh để xem thử ở nơi tương lai, cô nương
nào sẽ nâng khăn móc túi, đầu ấp tay gối trọn đời với Cửu Dương đa tình
kia. (Mà đa tình như Cửu Dương thì chắc là phải chịu kiếp nằm ngoài hè
chứ hổng có chỗ trong ga-ra mà nằm.)

Tiểu Tường định lên tiếng trêu chọc thì song Lộ Phi nương từ đằng xa chạy
lại. Lộ Phi Yến mặt mày nhệch nhạt, tóc tai ướt đẫm, rong rêu phủ đầy.
Trên người nàng khoác cái áo choàng màu xanh đồ sộ.

- Ủa, muội làm sao thế? – Cửu Dương há hốc miệng.

- Lúc nãy muội bị …

- Quáng gà nên té xuống sông – Lộ Phi Nhi cắt lời.

Lộ Phi Yến giãy nảy:

- Muội ướt như chuột, tỷ còn không thương dùm cho, cứ lo châm chọc.

- Thôi, thôi! – Cửu Dương lật đật khuyên can – Có gì thì ngồi xuống uống trà thương lượng.

Và chàng giơ tay gỡ từng cọng rong bám trên mái tóc đen tuyền óng ả. Cảnh
này tình tứ hết xẩy mà Lộ Phi Nhi lại trề môi. Còn Lộ Phi Yến thì được
dịp nhõng nhẽo, miệng mếu thút thít.

- Muội đừng khóc - Cửu Dương lay hoay dỗ dành – Nước mắt tùm lum là hết đẹp đó nha.

Nghe người thương nói vậy, Lộ Phi Yến còn ngoác miệng to hơn, giọng híc híc chuyển sang tồ tồ:

- Bộ bây giờ muội xấu lắm sao?

Sợ chuyện nhỏ hóa to, Cửu Dương nháy Tiểu Tường và Lộ Phi Nhi, nhờ họ ra
tay khuyên nhủ. Ai dè đâu Lộ Phi Nhi phớt lờ, lòng quá hiểu cái tánh mít ướt nhẹp của sư muội mình. Tiểu Tường cũng ngứa con mắt nhưng bởi vì
đấng trượng phu nhờ vả nên đành phải bất đắc dĩ. Tiểu Tường cố suy nghĩ
câu an ủi hay ho, mãi mà tìm không ra. Chợt, ánh mắt nàng bật sáng như
đèn pha Khổng Minh. Tiểu Tường nhớ tới cái áo choàng màu xanh, hình như
Lộ Phi Yến mượn của người ta mặc vào sau khi sa chân xuống nước. Tiểu
Tường lập tức xuýt xoa:

- Cô bận cái áo này nhìn “bụi” quá hén.

Tiểu Tường có ý muốn khen để làm dịu lòng nàng mít ướt nhưng nàng mít ướt quá xá thật thà.

- Bụi đâu mà bụi – Lộ Phi Yến lúng túng - Tôi mới đập dzô góc dừa rồi mà.

Nghe câu trả lời chân thật, Lộ Phi Nhi và Tiểu Tường ôm bụng cười lăn bò
càng. Lát sau, Tiểu Tường đưa tay lau chùi nước mắt. Lộ Phi Nhi thì vẫn
còn môi hở răng hô.

- Thôi, cười nhiêu đó đủ rồi - Tiểu Tường đạp lên chân Lộ Phi Nhi.

Cửu Dương cũng tằng hắng hai ba cái để ra hiệu cho mọi người đừng trêu chọc cô nàng khờ khạo nữa. Lộ Phi Nhi lập tức bịt mồm lại, giọng nói rít qua kẽ tay:

- Được, muội nghe theo huynh, không cười nữa.

Thấy nàng ngoan ngoãn, Cửu Dương gật đầu cảm khái. Nhưng Lộ Phi Nhi không để chàng mừng quá hai giây, nàng cong môi lí lắc:

- Cười người chớ dại cười lâu, cười hết hôm trước hôm sau lấy gì cười, đúng không huynh?



Cam Túc. Hôm sau. Hoàng hôn.

Trời nhá nhem tối. Tại khu căn cứ bí mật thuộc tỉnh Cam Túc, đại đa số các
vị chỉ huy bang hội có mặt đông đủ. Họ tụ tập để cùng tham khảo quy
trình phòng chống bão lũ do Cửu Dương thiết lập.

- Tham kiến thất đương gia!

Cửu Dương vừa đặt chân vào đại sãnh là tất cả các thành viên bang hội đồng
loạt đứng lên tham kiến. Chàng gật đầu chào họ, rồi đưa xấp giấy tờ cho
Vệ Xuân Đường.

- Mời thất đương gia an tọa – Vệ Xuân Đường chỉ chiếc ghế, giọng nói hòa nhã.

Vệ Xuân Đường là vị thủ lĩnh của nhóm huynh đệ ở Cam Túc, thấy Cửu Dương
xuất hiện liền đứng dậy nhường vị trí cao cả của mình lại cho thất đương gia. Nhưng Cửu Dương xua tay, chàng đã quen ngồi đâu cũng được, hễ có
ghế là đỡ mỏi cẳng rồi. Vả lại, chàng không thích làm ra vẻ ta đây là
người quan trọng, cứ hễ nhân vật đầu não là phải ngồi chiếu trên, màu mè hoa hòe hoa sói nên chàng chọn chiếc ghế… kế tiểu sư muội tướng tá đẫy
đà như là mười tám. Chứ thật ra nàng còn bé lắm ai ơi, khoảng chừng mười bốn thôi, tóc rẽ ngôi giữa, bím tết hai bên. Cửu Dương không biết nàng
là vị thành niên. Cũng xin nói thêm là Lộ Phi Yến và Lộ Phi Nhi năm nay
mười bảy độ xuân xanh cộng mười một tháng lẻ tẻ thành ra châm chế được.
Lúc trước Hiểu Lạc đoán hai nàng mười sáu tuổi, nó trật lất rồi.

Mấy tờ giấy Vệ Xuân Đường đang cầm là bài án quá trình phòng chống bão lũ mà Cửu Dương đã viết.

Vệ Xuân Đường cùng các bằng hữu say sưa nghiên cứu. Đều trước tiên mà bài
viết đề cập đến là mùa màng giông tố bởi vì bão lũ thường có xu hướng
xuất hiện theo mùa. Cửu Dương khuyên dân chúng hãy nên tham khảo những
chi tiết phòng bị để hạn chế thiên tai ở mức độ thấp nhất.

Mùa lũ thường hay xảy ra từ tháng sáu cho đến tháng mười ở các vùng Bắc Bộ, từ tháng bảy đến tháng mười một ở Bắc Trung Bộ, từ tháng chín đến tháng mười hai tại Trung Bộ và Nam Trung Bộ, từ tháng sáu đến tháng mười một
tại Nam Bộ và Tây Nguyên. Còn các trận lũ tiểu mãn thường hay xảy ra vào cuối tháng năm. Lũ tiểu mãn là loại lũ do mưa rào gây nên, không gây
tổn hại như những trận cuồng phong khác.

Có rất nhiều nguyên nhân gây sạt lở. Nguyên nhân thứ nhất là do các hoạt
động xây dựng nhà cửa, kho lương thực, và đình miếu… Những hoạt động này đã làm gia tăng tải trọng trên nền đất yếu. Nguy cơ sạt lở thứ hai là
do sự tổn thất của cây cối mọc dọc bờ sông và mép sông. Các loại cây cối này vốn có tác dụng trong vấn đề ngăn chắn sóng và ổn định bờ.

Để hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất, dân chúng phải phối hợp đồng bộ
các cấp chính quyền huyện và thị trấn với các sở ban ngành ở kinh thành. Đối với cấp chính quyền huyện thì nên phối hợp với khu quản lý giao
thông, những người phụ trách địa bàn cùng nhau kiểm tra các khu vực sạt
lở để phòng ngừa, ứng phó và xử lý một cách triệt để.

Tri huyện địa phương nên theo dõi các chủ đầu tư và chủ dự án xây dựng công trình nhằm bảo vệ bờ sông, rồi khuyên họ nên thực hiện đúng cách. Dân
chúng cũng phải đồng tâm cùng nhau bảo vệ bờ đê hiện có, nên trồng các
loại cây thích hợp dọc bờ sông, bờ bao phía sông, và rạch để bảo vệ mái
sông, mái bờ bao. Nhất là các vị trí dễ xảy ra sạt lở.

Đô đốc địa phương cần thường xuyên tra xét và xử lý các trường hợp khai
thác cát hay là neo đậu tàu bè trái phép…Trước khi lũ xảy ra thường có
nhiều dấu hiệu chẳng hạn như mưa to liên tục trong nhiều giờ hoặc trong
nhiều ngày, ảnh hưởng của bão hoặc áp thấp nhiệt đới, đặc biệt là dân
chúng nên đo mực nước sông mỗi ngày vài lần để có thể phát hiện tốc độ
và diễn biến của mực nước...

Cửu Dương còn viết rất nhiều. Ngoài những điều đã kể trên là việc chàng kêu gọi dân chúng xây dựng “đê khoanh vùng.” Những tác dụng của đê khoanh
vùng là để vây quanh một vùng, giữ không cho nước tràn vào gây thiệt hại hoặc là ngăn vây nước, chỉ để nó gây thiệt hại ở một vùng nhất định,
không cho lan tràn sang những vùng khác.

Có vài nguyên tắc để chọn tuyến đê khoanh vùng. Cách đầu tiên, đê khoanh
vùng thường có tuyến ngắn và khép kín nhưng lại có thể hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất. Cách thứ hai, dân chúng nên tận dụng những bờ đê cũ,
các con kênh nổi, đồi núi, và mô đất cao, tránh những công trình kiên
cố, kênh rạch, đầm ao sâu hoặc những nơi có địa chất xấu.

Về chiều cao thì đê khoanh vùng có diện tích chứa nước lớn phải có chiều
cao thấp hơn đê khoanh vùng có diện tích chứa nước nhỏ. Về bề mặt thì đê khoanh vùng thường có mặt cắt khoảng chừng chín thước, mái thượng và hạ lưu bằng nhau, khoảng chừng năm thước. Trước khi đắp đê phải xử lý
nền... Khi đắp đất thì phải là đất thịt, không nên đắp đất cát, bùn hoặc đất lẫn nhiều cỏ cây, rơm rạ, và sỏi đá. Đến lúc có đê rồi thì phải
thay phiên nhau quản lý và tu bổ thường xuyên...

Cửu Dương bưng tách trà lên miệng trong khi các thành viên bang hội chuyền
tay nhau bài án quá trình phòng chống bão lũ mà suốt đêm qua chàng vắt
ráo óc mới nghĩ ra. Nhân lúc mọi người bận rộn xem tờ giấy, còn bản thân thì rảnh rang nên chàng quay sang nàng bên cạnh. Nàng hỉ mũi chưa sạch
mà anh chàng đào hoa cũng không tha. Chắc tại vì cam sành lột vỏ còn
chua, thấy nàng còn nhỏ nên chàng cua để dành. À quên, cho biện hộ dùm
Cửu Dương là tại vì chàng không biết nàng tuổi bao nhiêu.

Cửu Dương khều bàn tay của người đẹp bé bỏng. Lẽ đương nhiên! Ngồi gần con
gái không sờ là ngu, thà chàng cắt tóc đi tu, ngồi gần con gái ngu sao
không sờ.

Thình lình bị rờ rẫm, nàng chớp chớp đôi mắt một mí nhìn vị cứu tinh đến từ Giang Nam.

- Muội có bao giờ hôn người lạ không? – Cửu Dương thì thầm.

Đúng là… con người càng lúc càng đông, Từ Hải thì ít mà Sở Khanh thì nhiều.
Bởi vậy cho nên vừa mới nghe câu sàm sỡ của Tây Môn Khánh, mỹ nhân đỏ
mặt:

- Không!

- Không à? - Cửu Dương nheo mắt hỏi lại.

Cô bé không biết mình đang sập bẫy nên lắc đầu lia lịa. Thừa thắng xông lên, Cửu Dương nhích lại gần:

- Vậy thì để huynh tự giới thiệu nhé.

Nhưng Gia Cát tái lai chưa kịp quảng cáo chàng là … dzê cụ thì Vệ Xuân Đường
cùng đám người ùa lại. Họ vỗ vai chàng, hồ hởi ra mặt. Nói giỡn thôi chứ nếu đám người kia không có ở đây, Cửu Dương huynh ấy cũng không bao giờ làm trò bậy bạ đâu nhé. Người ta đàng hoàng lắm à!

Trở lại câu chuyện. Các thành viên bang hội vô cùng hồ hởi sau khi đọc xong bài quá trình phòng chống lũ. Vệ Xuân Đường tức tốc đi huy động dân
chúng để cùng nhau đắp đê khoanh vùng.

Tin tốt theo nhau tiếp tục kéo đến. Vài hôm sau, huynh đệ ở Cam Túc sẽ nhận được một số ngân lượng gởi đến từ Giang Nam. Số vàng nén này có thể
dùng để mua vật liệu tu sửa nhà cửa cho dân làng, đó vốn là tiền bạc của triều đình mà bang hội Đại Minh Triều đã ra tay chiếm cứ ở Thủy Hoàng.
Nhưng đều quan trọng nhất vẫn là lương thực. Có vàng trong tay mà rỗng
miệng cũng như không.

Hiện tại ở Lan Châu có rất nhiều người đói khát, đồng áng hư hao, nương rẫy
chìm trong bể nước. Triều đình không xuất kho phát gạo. Cửu Dương đành
viết thư về Giang Nam yêu cầu Tần Thiên Nhân mau chóng tìm cách tiếp ứng lương khô.

Trong những ngày chờ đợi lương thực, Cửu Dương lại phải trở thành langg y bất đắc dĩ. Có rất nhiều kẻ ngã bệnh do tình trạng ô nhiễm trong nước. Nữ
Thần Y không có ở đây nên chàng lâm cảnh “thuốc chưa có trong tay, thầy
chưa có tại chỗ.” Cũng may là Gia Cát tái lai có nhét bộ kiến thứ đồ sộ
vô đầu nên cũng còn trở tay kịp thời. Những căng bệnh hiểm nghèo thì
chàng thua chứ một vài bài thuốc nam đơn giản để chữa bệnh thường thường như đau mắt, viêm da lở loét, hoặc đường ruột thì không mấy khó.

Cửu Dương kê toa thuốc xong, đám tam cô nương lập tức thực hành. Để chữa
chứng viêm da lở loét, Tiểu Tường đi tìm kim ngân hoa, lá cối xay, cỏ
chỉ thiên, sài đất và dây thồm lồm sắc thành một nồi.

Để rửa sạch các vết lở, Lộ Phi Nhi ngâm một thao lá trầu không, lá bồ
giác, lá ba chạc, lá mần tưới, lá sòi, lá mỏ quạ và lá diếp cá hoà với
phèn chua.

Còn về bệnh đau mắt đỏ thì Lộ Phi Yến có trách nhiệm giúp bệnh nhân rửa mắt bằng nước muối sinh lý. Sau đó thì rỏ mắt bằng dung dịch mỗi ngày năm
lần. Lộ Phi Yến lấy lá dâu cái, lá trầu không ba cái, vò nát hai thứ lá
này và cho vào chén, đổ nước sôi rồi đưa mắt bị đau sát miệng chén để

xông hơi nóng bốc lên. Xong thì dùng nước này rửa mắt. Và để chế tạo
dung dịch, Lộ Phi Yến dùng lá sống đời giã trong cối sứ rồi lọc lấy nước nguyên chất.

Buổi sáng, bốn người làm việc không ngừng tay. Đến chiều tối, cả ba nàng tựa vào nhau nằm thẳng cẳng ngủ vùi. Chỉ có chàng một mình lang thang tới
quán rượu. Trên đường đi thăm bạn nhậu, Cửu Dương lại chạnh lòng nghĩ
đến người xưa.

Hỏi em rằng em ở ngoài ấy ra sao?

Má xưa còn thắm hoa đào?

Mắt xưa còn xanh màu biếc?

Nụ cười có đẹp trăng sao?

Ở nơi này, bốn mùa nắng cháy em ơi

Gió lên ngập bốn phương trời

Lối xưa về xa hun hút

Mây chiều gọi nhớ chơi vơi…

Cuối cùng thì cánh cửa quán rượu cũng lộ diện. Tối nay khách vắng tanh như
chùa bà Đanh. Ngộ cái là ông chủ quán mặt mày hí hửng, bán ế ẩm lẽ ra
phải buồn mới đúng. Thấy chàng xuất hiện, ông cười toe toét:

- Tối nay tôi đóng cửa sớm.

- Sao thế? – Cửu Dương ngạc nhiên.

Ông chủ khoe răng, tít mắt trả lời:

- Ngày mai quan tri huyện địa phương cùng gia đình trở lại thị trấn này, cho
nên lúc nãy, tên quản gia mua hết tất cả rượu của tôi để dành làm tiệc
tùng...

Thấy khách quý quay mình rão bước, gương mặt buồn hiu hắt, ông vội nói thêm:

- Ở dưới chân đồi có một tửu lầu.

Cửu Dương lại phải đi đến tận chân đồi, xa ơi là xa, tìm cái tửu lầu chết
tiệc. Mới vừa bước tới quầy tính tiền, chưa kịp nói tiếng nào thì nàng
chủ quán liếc chàng một cái sắt bén. Và chẳng thèm đon đả chào hỏi, nàng nói:

- Ở đây không chơi… mua chịu, tiền trao thì cháo mới múc, không có tiền thì trút cháo dzô!

Cửu Dương gật đầu. Tiền chàng có cả đống, chỉ thiếu tình thôi. Bây giờ
“tình” của chàng không biết đang làm gì? Chàng đi rồi thì ai là người
đặt thơ ba xu nhảm nhí để chọc nàng nổi giận? Ai sẽ dỗ dành để ngắm nàng tươi cười? Vuốt mái tóc mây buông lơi tuyệt vời? Ai hứa yêu thương nàng đến trọn đời?

Cửu Dương đang mơ màng dĩ vãng, chợt nghe giọng chua như giấm vang lên:

- Đại gia muốn mấy bầu rượu?

Cửu Dương chưa trả lời thì chủ quán thấy bản mặt chàng là lạ. Nàng đoán
rằng khách từ tỉnh ngoài tới đây nên quyết định tăng giá gấp năm:

- Một bầu rượu là hai mươi quan tiền.

Cửu Dương giơ một ngón tay:

- Ta lấy một bầu.

Nàng chủ quán quay vô trong kệ, huơ tay lấy một bầu rượu rồi quay trở ra, định đưa cho chàng thì nghe chàng bảo:

- Nàng bán thêm cho ta con dao luôn.

- Dzô duyên! – Chủ quán lườm lườm Cửu Dương - Ở đây hông có bán dao!

- Hông có bán dao sao nàng cắt cổ ta đau dzậy?

Xỏ ngọt xong, đại gia đặt đống tiền lên bàn, cầm lấy bầu rượu và quay lưng bỏ đi.