Phật Pháp Cho Mọi Người (2)

Phần II - 6

Docsach24.com
hristopher K. Germer là một nhà tâm lý học trị liệu, chuyên môn về phương pháp trị liệu hôn nhân gia đình và chữa trị lo lắng bằng Chánh niệm. Ông là đồng biên tập viên của tạp chí Mindfulness and Psychotherapy (Chánh niệm và Tâm Lý Trị Liệu)

***

Có thời gian tôi đã đi đến kết luận rằng: Con người cơ bản không thể hòa hợp với nhau. Hãy thử nghĩ xem. Chúng ta sống trong những cơ thể riêng biệt, chúng ta trải qua thời thơ ấu khác nhau, và bất cứ lúc nào, sự suy nghĩ, tình cảm của mỗi người cũng khác, ngay chính với những người thân nhất, gần gủi nhất với chúng ta. Nếu kể đến những khác biệt trong sự hình thành con người, điều kiện, và hoàn cảnh sống, thì việc chúng ta có thể hòa hợp được với nhau là một phép lạ.

Dầu vậy, chúng ta vẫn ao ước được liên kết với tha nhân. Sự muốn chia sẻ, kết nối là bản chất tự nhiên của con người. Ở mức độ sâu thẩm nhất, chúng ta liên hệ với nhau một cách chặt chẻ, vậy mà những trải nghiệm hằng ngày của chúng ta dường như chứng minh ngược lại. Chúng ta chịu đựng những sự bầm vập, tổn thương trong các mối liên hệ. Điều này đưa đến một vấn đề nan giải của con người: “Làm sao tôi có thể có được tiếng nói trung thực mà vẫn cảm thấy gần gủi với bạn bè, với người thân yêu? Làm sao tôi có thể thỏa mãn các nhu cầu cá nhân trong giới hạn của gia đình, của xã hội?”

Với kinh nghiệm của người tư vấn về hôn nhân, tôi nhận thấy rằng những đổ vỡ trong các mối liên hệ là do không kết nối với nhau. Sự thiếu kết nối đưa đến đổ vỡ trong tình cảm chúng ta dành cho nhau; mà nhà tâm lý học, Janet Surrey đã mô tả như sau, “chúng ta” trở thành “tôi” và “anh/em”. Một số đổ vỡ rất rõ ràng, hiển nhiên, như cảm giác bị phản bội trong ta khi khám phá ra sự không chung thủy của người phối ngẫu. Số khác có thể khó khám phá hơn. Thí dụ, một sự đổ vỡ, thất vọng vi tế hơn có thể xãy ra, khi một cuộc đối thoại bị gián đoạn liên tục bởi người nghe lo trả lời điện thoại di động, hoặc một kiểu tóc mới không được để ý đến, hay trên giường ngủ, người vợ hay chồng đi vào giấc ngủ trước, để người kia nằm bơ vơ trong bóng tối. Và gần như là chắc chắn rằng đã có sự đổ vỡ, mất liên kết khi hai người thấy mình không ngừng nói về “mối liên hệ” của họ và nó đã tiến triển ra sao.

Đức Phật đã nói đến sự buông xả như một cách để giải quyết khổ đau. Trong các mối liên hệ, điều này có nghĩa là chấp nhận sự không thể tránh né của những đổ vỡ đau lòng, và dùng chúng để vượt lên sự khủng hoảng tình cảm. Chúng ta tránh né khổ đau một cách bản năng, nhưng thường không ý thức được điều đó. Khi đối mặt với những tính cách không được tốt đẹp của mình –sợ hãi, sân hận, ghen tuông, hối hận, nhàm chán- chúng ta có khuynh hướng co cụm về mặt tình cảm, và hướng sự chú tâm của mình vào việc khác. Nhưng không dám đối mặt với tình cảm của mình, chối bỏ chúng ta đã cảm giác thế nào, hay chuyển sự sợ hãi, lỗi lầm vào người khác, chỉ làm chúng ta xa cách hơn với người mà ta muốn gần gủi.

Thực hành chánh niệm -một phương cách sâu sắc để có mặt trong những lúc khổ đau trong cuộc đời- là một công cụ hữu hiệu để tháo gở các chướng ngại và để tìm lại hạnh phúc trong các mối quan hệ. Chánh niệm đòi hỏi sự ý thức và chấp nhận về kinh nghiệm trước mắt, ngay hiện tại. Một số nhà tâm lý học, trong đó có Tara Bach và Marsha Linehan, đã nói về sự chấp nhận cơ bản (radical acceptance) –radical có nghĩa là ‘gốc”- để nhấn mạnh đến khả năng nội tại, sâu thẳm để đón nhận những tình cảm tích cực và tiêu cực của chúng ta. Sự chấp nhận ở đây không có nghĩa là chịu đựng hay bỏ qua các hành vi lạm dụng. Đúng hơn, sự chấp nhận thường có nghĩa là ý thức trọn vẹn việc chúng ta đang đau đớn đến thế nào ở một thời điểm nào đó, là điều chắc chắn sẽ đưa đến sự tự tin hơn và những chuyển đổi sáng tạo.

Một trong những thử thách cam go nhất đối với nhà tâm lý học và nhà trị liệu sử dụng phương pháp thực hành chánh niệm, là nhắc nhở người tham vấn về nhu cầu quán sát sự bất an tình cảm của mình và giải quyết nó trực diện thay vì tìm cách tránh né nó. Nếu chúng ta tiếp cận nỗi đau một cách chánh niệm và đầy bi mẫn, nỗi đau sẽ tự nhiên chuyển biến. Hãy quán xét xem điều gì đã xảy ra cho một đôi vợ chồng mà tôi tư vấn trong chương trình trị liệu hôn nhân gia đình.

S. và M. sống trong “địa ngục lạnh.” Các cặp vợ chồng ở địa ngục lạnh là những đôi có lòng trách oán nhau thâm sâu, hay nghi ngờ lẫn nhau, và trao đổi với nhau bằng những giọng lạnh lùng, kiệm chữ. Nhiều cặp đã sống với nhau như thế trong bao năm, lạnh nhạt với nhau đến độ có nguy cơ ly dị.

Mỗi hai tuần họ đến tư vấn với tôi, nhưng sau năm tháng trị liệu thất bại, S. quyết định đã đến lúc phải nộp đơn ly dị. Cô thấy rõ ràng là M. sẽ không bao giờ thay đổi –anh ta sẽ không làm ít hơn sáu mươi lăm tiếng mỗi tuần hay biết tự chăm sóc bản thân (anh ta dư cân đến hơn 20 ký lô, còn thêm tật hút thuốc). S. còn cảm thấy chán nản hơn khi M. không hề cố gắng để làm cho cuộc hôn nhân của họ được thành công; họ ít khi đi ra ngoài với nhau, và hai năm rưỡi nay chưa hề đi nghỉ phép ở đâu. S. cảm thấy cô đơn như bị ruồng bỏ. Còn M. thì cảm thấy vợ không biết ơn mình đã làm việc thật cực nhọc để lo cho gia đình.

Quyết định ly hôn của S. là một bước ngoặt –nó tạo cho họ ‘món quà của sự tuyệt vọng”. Lần đầu tiên, M. dường như muốn quán xét xem cuộc đời anh đã trở nên đau khổ đến mức nào. Trong một buổi tư vấn, khi hai vợ chồng nói về một cơn bão tuyết lớn ở vùng Denver, M. nhắc đến việc người cha 64 tuổi của anh phải lần đầu tiên nghỉ việc ở nhà trong suốt hai mươi năm qua. Tôi hỏi điều đó có ý nghĩa gì đối với M. Với đôi mắt đẫm lệ. M. nói rằng giá mà cha anh biết an hưởng cuộc sống hơn. Tôi hỏi lớn, vậy anh có bao giờ muốn điều đó xảy ra cho bản thân không. “Tôi rất sợ”, anh trả lời. “Tôi luôn sợ không biết điều gì sẽ xảy ra nếu tôi nghỉ làm. Tôi còn sợ nếu mình không lo lắng về công việc –sợ rằng tôi có thể sơ sót điều quan trọng gì đó khiến toàn bộ công trình kinh doanh sụp đổ trước mắt tôi”.

Nghe vậy, S. như sáng ra. “Vì vậy mà anh đã không quan tâm đến vợ con và cả sức khỏe của mình sao?”, cô hỏi chồng. M. chỉ gật đầu, trong khi nước mắt anh tuôn trào. “Trời ơi”, S. kêu lên, “vậy mà tôi nghĩ là tại tôi –rằng tôi không tốt, tôi gây phiền muộn cho anh. Thì ra cả hai chúng ta đều lo lắng –nhưng mỗi người một cách. Anh thì lo lắng về công việc của mình, còn tôi thì lo lắng cho cuộc hôn nhân của chúng ta”. Cảm giác khổ đau vì sự thiếu kết nối đã chia cách họ bao nhiêu năm giờ bắt đầu rã tan….

Với việc cố gắng chấp nhận bản thân và bi mẫn đối với bản thân đã giúp cả hai, S. và M., chuyển hóa được những tình cảm tiêu cực của họ. Trong các mối liên hệ, đằng sau những tình cảm mãnh liệt như là sự xấu hổ, sân hận thì thường có thông điệp lớn rằng “Tôi cần anh/em!” Thật là điều trái tự nhiên và đau khổ khi không chia sẻ sự có mặt của mình với những người thân yêu.

Tất cả chúng ta đều có những điểm nhạy cảm riêng –những nút nóng- có thể bùng nổ trong những mối liên hệ thân thiết. Sự thực hành chánh niệm giúp chúng ta nhận diện chúng và tháo gở những phản ứng theo thói quen, để chúng ta có thể kết nối lại với người thân yêu. Chúng ta có thể giải quyết một cách chánh niệm những vấn đề thường xảy ra với phương pháp bốn-bước đơn giản:

  1. Cảm nhận cảm giác đau đớn của sự không kết nối.

  2. Chấp nhận rằng nỗi đau đó là tự nhiên và là một dấu hiệu lành mạnh của sự không kết nối, và nhu cầu chuyển hóa.

  3. Phân tích những vấn đề hay quan điểm cá nhân phát khởi trong ta với lòng bi mẫn.

  4. Hãy tin tưởng là một giải pháp hoàn hảo sẽ đến đúng lúc.

Chánh niệm có thể chuyển hóa tất cả những mối liên hệ cá nhân –với điều kiện chúng ta phải chấp nhận nỗi đau không thể tránh khỏi trong các mối liên hệ. Khi chúng ta quay lưng lại với nỗi đau của mình, thì ta khó tránh việc phải bỏ rơi người thân yêu cũng như chính bản thân. Nhưng khi chúng ta hướng đến bất cứ điều gì phát khởi trong ta với chánh niệm và bi mẫn, chúng ta có thể thực sự có mặt, và quan tâm đến bản thân cũng như người thân yêu.

Diệu Liên Lý Thu Linh

(Lược dịch theo Getting Along, Tricycle Teachings: 12 Months of Dharma)