Giáo dục gia đình có vai trò cực kì quan trọng đối với sự trưởng thành của một đứa trẻ. Trẻ em ngày nay rất thông minh, nhanh nhẹn, cởi mở, hiếu thắng, tự tin và dễ tiếp nhận những sự vật mới mẻ. Nhưng khi đối mặt với khó khăn, trắc trở, trẻ thường tỏ ra bất lực, không chịu nghe khuyến cáo của người lớn. Hiện nay, đa phần trẻ con đều được cha mẹ nuông chiều. Khi tình yêu cha mẹ dành cho con cái trở thành sự nuông chiều, điều này hoàn toàn không có lợi cho sự phát triển của trẻ. Là cha mẹ, ngoài việc bồi dưỡng giáo dục cho con, còn phải nỗ lực học tập, nâng cao tố chất tư duy của bản thân để nêu gương cho con cái.
Đổi cách nói 49 Có một số vấn đề cha cần học tập con!
Cha mẹ thường nói: Đừng có đắc chí nữa, ngoài việc này ra cái gì con cũng dở ẹc!
Mỗi người đều có sở trường và sở đoản, đều có những giá trị độc đáo đáng để người khác học hỏi. Đương nhiên, trẻ con cũng không phải là ngoại lệ. Nhưng nếu bảo các bậc cha mẹ bỏ qua sĩ diện của mình để học tập con cái, có lẽ rất nhiều người sẽ khó chấp nhận được điều này. Họ sẽ hỏi: trẻ con thì biết cái gì mà bảo chúng ta học hỏi chúng? Đây chính là vấn đề về quan niệm. Trên thực tế, nhiều lúc cách làm và suy nghĩ của trẻ lại khiến người lớn phải bất ngờ, ví dụ: trên xe buýt, trẻ con chủ động nhường ghế cho người lớn tuổi, trong khi cha mẹ ngồi bên cạnh lại mắng con là đồ ngốc. Trẻ có đồ ăn ngon, đồ chơi đẹp, chúng thường chia sẻ với ông bà, còn bản thân mình là cha mẹ chưa chắc đã là được điều đó. Chẳng lẽ người lớn không nên học hỏi trẻ những vấn đề này hay sao?
Ví dụ thực tế
Một hôm, cả nhà Lâm lên Yên Tử chơi. Trước khi đi cha đã nhiều lần nhắc nhở con trai: “Con phải cùng leo núi với cha mẹ, đừng chờ đợi người khác cõng con đấy!”.
Bởi xuất phát hơi muộn, nên lúc đến nơi, đã có rất đông người leo núi. Lúc đầu Lâm hào hứng leo lên trước, nhưng chẳng bao lâu cậu mệt phờ. Lúc này, có một người qua đường liền khen: “Ồ, bé thế này đã biết leo núi rồi đấy!”. Nghe thấy lời khen, Lâm càng thêm hào hứng, cậu leo đến chỗ cha mẹ rồi vượt lên trước. Thế là người đi đường khen ngợi Lâm càng lúc càng nhiều. Cha mẹ theo sát cậu bé, cuối cùng, lúc sắp lên đến đỉnh núi, trước mặt Lâm là một cụ già tóc trắng khoảng ngoài sáu mươi tuổi đang ngồi bên đường thở dốc, hỏi cậu bé: “Có mệt không anh hùng nhí?”. Lâm nghe thấy ông cụ gọi mình là “anh hùng nhí” lại càng hăng máu. Cậu bé nghỉ một lát rồi kéo ông lão cùng leo núi. Thế là Lâm dặn cha: “Con dìu ông leo núi, cha mẹ cầm đồ cho con nhé!”. Cha vỗ vai con trai vẻ tự hào: “Con ngoan lắm, cha mẹ nên học tập con!”. Lâm nghe cha nói thế lại càng thêm phấn khởi. Suốt chặng đường,
Lâm và ông cụ vừa leo núi vừa nói chuyện.
LỜI KHUYÊN CỦA CHUYÊN GIA
Trong cuộc sống hàng ngày, nhiều người lớn vì một số lí do nào đó mà mất đi những thứ vốn thuộc về mình, xét trên một khía cạnh nào đó thì còn không bằng trẻ con. Cho nên các bậc cha mẹ phải ngồi lại học hỏi con cái phát hiện những phẩm chất hoặc suy nghĩ đáng được coi trọng của trẻ, đồng thời sửa chữa những thói xấu của mình. Thế giới trong con mắt của trẻ đơn thuần hơn người lớn rất nhiều, vì vậy chúng có thể nhận ra những thứ bản chất nhất, có thể đối xử tốt nhất với con người hay sự vật. Người lớn cần học hỏi trẻ chính là ở sự đơn thuần như vậy, những thứ mà chúng ta ngỡ như vô cùng ấu trĩ và nực cười.
Phải học hỏi trẻ không phải là câu khẩu hiệu sáo rỗng mà cần có nội dung cụ thể. Cha mẹ nên học hỏi ở trẻ điều gì? Nếu không trả lời được thì cha mẹ càn xem lại mình, trẻ sẽ nghĩ cha mẹ chỉ nói miệng thế thôi. Chỉ khi nói cụ thể ra trẻ mới biết được hành vi nào là tốt, hành vi nào là không nên…
Trong quá trình trẻ học hỏi, chúng ta thường gặp hai tình huống:
Tình huống thứ nhất là phương thức giáo dục của chúng ta không được trẻ tiếp nhận. Chẳng hạn như, khi cha mẹ muốn biết suy nghĩ và tình hình học tập của con, nếu dùng giọng điệu chất vấn để tra hỏi trẻ thì chúng thường không muốn nói. Lúc này, cha mẹ nên dùng vài câu hỏi gợi ý để dẫn dắt trẻ. Chẳng hạn, có thể hỏi con là: “Bố đang gặp phải một câu hỏi khá khó, con có thể giúp bố một chút được không?”, “Con đồng nghiệp của mẹ cũng trạc tuổi con, bây giờ nó đang gặp một vấn đề, con có thể gợi ý giúp bạn ấy được không?”… Khi đó, trẻ cảm thấy mình được cha mẹ đánh giá cao, tin tưởng và tôn trọng, chúng sẽ hào hứng tham gia giúp đỡ. Thông qua việc giao lưu với con, cha mẹ cũng có thể hiểu được tư tưởng, tình cảm của chúng, từ đó có được những mục tiêu giáo dục và hướng dẫn đúng đắn cho con.
Tình huống thứ hai là trẻ thực sự giỏi hơn cha mẹ ở một lĩnh vực nào đấy. Lúc này, cha mẹ có thể khiêm tốn học hỏi con, như thế sẽ càng nhanh tiếp nhận được những quan niệm mới và sự vật mới. Bằng cách này, các bậc cha mẹ không chỉ có thể cập nhật được kiến thức để theo kịp với thời đại, mà còn thông qua việc học hỏi con cái cho chúng cảm giác gặt được thành công, tạo điều kiện giao lưu và hiểu biết về con của mình hơn.
Cha mẹ tán thưởng sự hiểu biết của con cái, tôn trọng sở trường của con, chủ động học hỏi con… không chỉ tăng cường được tình cảm gia đình mà còn tạo ra không khí học tập ấm áp cho cả nhà.
Khi trẻ biểu hiện ưu điểm rõ rệt của mình đối với việc gì đó, cha mẹ cần chủ động học tập con cái. Bạn có thể nói: “Con à, cái này mẹ chưa hiểu lắm, con dạy mẹ được không?”.
Khi trẻ từ chối giao lưu, cha mẹ có thể thông qua hình thức “thỉnh giáo” này để lấy được sự tin cậy của trẻ. Bạn có thể nói: “Mẹ có chuyện này không hiểu lắm, con có thể dạy mẹ được không?”.
Đổi cách nói 50 Bạn ấy không tìm thấy đồ chơi chắc là lo lắng lắm đấy!
Cha mẹ thường nói: Con dám lấy đồ của bạn, cái tốt không học, chỉ toàn học cái xấu!
Để tránh hình thành thói quen ăn cắp đồ người khác của trẻ, cha mẹ cần kể cho trẻ nghe một số câu chuyện “làm người cần thành thật”, ngoài ra, còn cần tạo ra một không khí gia đình hiền hòa, cởi mở, vui vẻ và dân chủ. Chỉ khi các thành viên trong gia đình có thái độ thành thật, chân thành mới khiến trẻ cảm nhận được tình yêu và sự quan tâm của cha mẹ, có như thế trẻ mới tin tưởng cha mẹ, có lỗi lầm gì mới dám thừa nhận. Đương nhiên, cha mẹ đừng quên thỏa mãn những yêu cầu và nguyện vọng hợp lí của trẻ, ví dụ thỉnh thoảng mua thêm đồ chơi, truyện tranh cho trẻ, để chúng ý thức được bản thân mình cần những thứ gì. Chỉ cần là hợp lí, mà điều kiện gia đình có thể đáp ứng được, thì cha mẹ có thể thỏa mãn yêu cầu của trẻ. Làm như vậy có thể tránh được tình huống trẻ vì bất mãn mà lấy trộm đồ của người khác.
Ví dụ thực tế
Buổi chiều, Hồng đến nhà Hoa chơi. Sau khi về nhà, mẹ bảo Hồng cùng dọn dẹp nhà với mẹ. Lúc Hồng lên dọn phòng thì đột nhiên mẹ thấy trong cặp sách của Hồng có một con búp bê rơi ra.
Mẹ Hồng nhớ rõ, lúc Hoa đến nhà mình chơi có cầm một con búp bê như thế. Cuối tuần trước, đột nhiên Hồng đòi mẹ phải mua cho mình một con búp bê nhưng mẹ không đồng ý. Trong lúc mẹ đang mải nghĩ chuyện này thì Hồng nhanh tay cất con búp bê vào trong ngăn kéo. Mẹ nhìn thấy Hồng đỏ bừng mặt liền nói: “Con búp bê đẹp quá, cho mẹ xem cái nào!”, Hồng đành phải lấy con búp bê trong ngăn kéo ra đưa cho mẹ.
“Con búp bê này ở đâu ra thế?”, mẹ hỏi. Hồng ấp úng nói: “Đây là phần thưởng cô giáo tặng vì con đứng thứ nhất ạ!”.
“Nhưng chẳng phải con đã nói cô giáo tặng con một hộp bút chì màu sao?”, mẹ kiên nhẫn hỏi. Hồng cáu kỉnh đáp: “Nhưng cô đổi ý rồi ạ!”.
“Ừ, con phải nhớ kĩ, đồ của người khác cho dù có tốt đến mấy cũng không được lấy. Nếu như muốn chơi nhất định phải được sự đồng ý của người ta mới được. Con nghĩ mà xem, bạn ấy không tìm thấy đồ chơi sẽ lo lắng biết nhường nào!”.
Hồng cúi gằm mặt không nói gì. “Con vừa mới học được câu chuyện về sự thành thật. Con à, thành thật là phẩm chất tốt của con người. Những đứa trẻ không thành thật thường không có bạn bè, không được cha mẹ yêu quý. Như vậy sẽ rất cô độc, cuộc sống sẽ không vui vẻ!”, mẹ nói vô cùng nghiêm khắc. Nói xong, mẹ Hồng đi ra khỏi phòng như không có chuyện gì xảy ra. Một lúc sau, Hồng đi ra, nói: “Mẹ ơi, con búp bê này con lấy của bạn Hoa, bạn ấy không biết đâu, giờ con sẽ đi trả lại bạn ấy ạ!”.
LỜI KHUYÊN CỦA CHUYÊN GIA
Trẻ con thường có hứng thú với những thứ mới mẻ hoặc chưa nhìn thấy bao giờ, đồng thời cũng rất muốn có nó. Điều này là hoàn toàn bình thường. Cách làm của mẹ Hồng vừa có thể bảo vệ lòng tự tôn của con gái, lại vừa có thể dạy dỗ con gái đạo lí làm người.
Bởi vì trẻ còn ít tuổi, cha mẹ buộc phải nói rõ đạo lí, đem những phẩm chất tốt lồng ghép vào các câu chuyện để những đạo lí khô cứng trở nên thú vị hơn, như vậy trẻ mới dễ tiếp nhận. Do đó, cha mẹ có thể tận dụng các câu chuyện, đề cao phẩm chất thành thật của con người, khiến trẻ hiểu rõ thế nào là thành thật, thế nào là dối trá và lừa gạt, nên làm như thế nào, không nên làm như thế nào. Đề ra một số quy định và nghiêm chỉnh chấp hành. Ví dụ: không phải đồ của mình thì không được mang về nhà; đã sai phải dũng cảm nhận lỗi; hứa với người khác nhất định phải làm…
Chẳng có cha mẹ nào muốn con mình có thói quen lấy trộm đồ của người khác, vì vậy, cha mẹ buộc phải dạy dỗ trẻ từ nhỏ và cần chú ý vài điểm sau:
Thứ nhất: Cha mẹ nên để trẻ có nhận thức đúng đắn về hành vi lấy đồ của người khác
Không nên coi nhẹ vấn đề này, nghĩ rằng trẻ sẽ tự nhận thức được mà không cần cha mẹ phải dạy bảo, nhưng cũng không được làm ầm ĩ chuyện này lên, nói trẻ là kẻ cắp, kẻ trộm… Cha mẹ nên nói với trẻ: “Trên thế giới này có rất nhiều cái hay, cái đẹp, chẳng ai trên đời có hết những thứ ấy cả. Người khác có đồ tốt đến mấy thì những thứ ấy cũng không phải là của mình. Nếu như con muốn, cứ nói với cha mẹ, nếu thực sự cần thiết cha mẹ có thể mua cho con! Nếu con mượn người khác để xem thử thì nhất định phải được sự đồng ý của người ta, như thế mới là một đứa trẻ ngoan!”.
Thứ hai: Khi dạy trẻ cần cụ thể hóa vấn đề
Ví dụ, để trẻ tưởng tượng món đồ yêu quý của mình bị người khác lấy mất, bản thân mình sẽ có suy nghĩ và tâm trạng thế nào. Thông qua việc đặt địa vị của mình vào địa vị người bị mất đồ, để trẻ hiểu nỗi buồn và phiền phức khi người khác lấy đồ của mình gây ra. Sau khi trẻ nhận thức được sai lầm của mình, cha mẹ tuyệt đối không được vì sợ con mất mặt với bạn bè mà nói qua loa vài câu cho xong, nhất định phải yêu cầu trẻ trả đồ lại cho bạn, đồng thời bảo trẻ phải xin lỗi bạn. Cha mẹ có thể kể cho trẻ nghe một vài câu chuyện nhỏ, giúp trẻ nhận thức được tính nghiêm trọng của vấn đề, nảy sinh tâm lí sợ hãi với hành động ăn cắp này, đồng thời hạ quyết tâm sửa đổi.
Đổi cách nói 51 Mẹ thích những đứa trẻ không tiêu tiền bừa bãi
Cha mẹ thường nói: Trẻ con thích mua đồ ăn, đồ chơi, lớn thêm tí nữa sẽ biết nghĩ hơn…
Tiết kiệm là biểu hiện của việc trân trọng, giữ gìn vật chất và thành quả lao động. Dumas nói rằng: “Tiết kiệm là của cải của người nghèo, là trí tuệ của người giàu”. Còn có một câu rất hay là: “Bản thân tiết kiệm chính là một nguồn tài nguyên lớn”. Nhưng đại đa số trẻ vẫn chưa hiểu được điều này. Cha mẹ không nên bỏ qua vấn đề trên, nên bồi dưỡng thói quen tiết kiệm cho trẻ ngay từ khi còn bé.
Ví dụ thực tế
Tùng được coi là “ông tướng” trong nhà, mặc dù mới ít tuổi nhưng mọi chuyện mua đồ, mua quần áo, mua giày... tất cả đều phải theo ý cậu. Đi siêu thị thì khỏi phải nói, đòi hết cái nọ đến cái kia, mẹ khuyên cũng chẳng được. Điều này khiến mẹ Tùng vô cùng buồn phiền.
Một hôm, bà ngoại đến chơi nhà, buổi trưa rất nóng nực, bà cho Tùng tiền đi mua kem. Tùng vui vẻ ra khỏi nhà. Tùng nghĩ: mẹ không có ở nhà, như thế mình càng mua được nhiều đồ ăn vặt hơn. Tùng xuống siêu thị, nhìn ngược nhìn xuôi, ôm một bọc tướng. Đột nhiên ngẩng đầu lên, Tùng thấy mẹ đứng nghiêm nghị trước mặt. Tùng vội bỏ những thứ trong tay xuống, rụt rè nói: “Là bà bảo con mua mà!”, mẹ không nói gì mà kéo Tùng ra khỏi siêu thị. Tùng sợ mẹ quá, nước mắt rơi lã chã. Mẹ nói: “Tùng, mẹ không thích những đứa trẻ tùy tiện tiêu tiền, con muốn mẹ yêu con, con biết nên làm thế nào không?”. Tùng nghe mẹ nói vậy liền bảo: “Mẹ ơi con hiểu rồi, sau này con sẽ không tiêu tiền bừa bãi nữa ạ!”. Mẹ Tùng gật đầu: “Con đúng là một đứa trẻ ngoan. Giờ thì bà bảo con mua cái gì, con đi mua đi, bà đang đợi con đấy!”. Tùng lại vào siêu thị, mua cho bà và mình mỗi người một cây kem.
LỜI KHUYÊN CỦA CHUYÊN GIA
Mọi phẩm chất hình thành ở trẻ đều có liên quan đến cha mẹ. Hiện nay, rất nhiều trẻ hay nhõng nhẽo, vòi vĩnh, cha mẹ lại thường đáp ứng nhu cầu về vật chất của chúng, thậm chí mặc dù không có điều kiện nhưng vẫn cố tìm mọi cách thỏa mãn yêu cầu của con. Những đứa trẻ như vậy thường không biết thế nào là tiết kiệm, dễ hình thành nên thói quen khoe khoang thái quá.
Cho trẻ tiền tiêu vặt là điều đương nhiên quan trọng là cho như thế nào. Khi cho trẻ tiền, cha mẹ đừng quên để trẻ phải phấn đấu đạt được, để chúng biết trân trọng thành quả, biết cảm ơn trước những công lao của cha mẹ… Dưới đây là một vài ý kiến để các bậc phụ huynh tham khảo:
Thứ nhất: Cho tiền hợp lí và đúng lúc
Nếu trẻ đang học tiểu học, cha mẹ có thể dự tính khoản chi tiêu của trẻ hàng tuần để đưa cho trẻ một số tiền nhất định. Ví dụ, mỗi ngày mười nghìn ăn sáng và đồ uống. Mỗi tuần sẽ mất năm mươi nghìn (trừ thứ bảy và chủ nhật được nghỉ). Tốt nhất nên nói thẳng trước mặt trẻ tại sao lại có ngần ấy tiền…
Thứ hai: ngăn cấm sự lãng phí
Vì khả năng tự kiềm chế của trẻ còn hạn chế, tính tò mò cao, trẻ sẽ mua rất nhiều đồ hoặc tiêu tiền vào chơi điện tử, lên mạng… khi phát hiện, cha mẹ nên kịp thời ngăn chặn và nói lí do để trẻ hiểu. Nhưng không nên vì trẻ tiêu tiền không đúng cách mà cắt giảm tiền tiêu vặt của trẻ, như thế sẽ khiến trẻ có thói quen nói dối, che giấu hành vi xấu của mình.
Ngoài ra, khi cha mẹ cho trẻ tiền tiêu vặt nên chú ý: tiền tiêu vặt nên cho định kì, đúng lúc, giống như việc người lớn đi làm được phát lương hàng tháng, để trẻ hình thành suy nghĩ có tiền không dễ.
Thứ ba: Phải để trẻ hiểu tiết kiệm là một đức tính tốt
Tiết kiệm là hành vi đáng được khen ngợi. Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam là một tấm gương mẫu mực trong thực hành tiết kiệm. Ngày nay, nhân dân ta vẫn luôn phấn đấu học tập và làm việc theo gương Bác Hồ vĩ đại.
Thứ tư: Cha mẹ nên chỉ cho trẻ biết tiêu tiền như thế nào
Cha mẹ nên có kế hoạch khi cho trẻ tiền, phải hạn chế số lượng, chứ không phải là trẻ đòi bao nhiêu thì cho bấy nhiêu. Có một số phụ huynh muốn con phải ghi chép các khoản chi tiêu vào sổ, vài ngày lại kiểm tra một lần. Đây cũng là một phương pháp hay. Ngoài ra, cha mẹ nên cổ vũ trẻ tiêu tiền vào những việc xứng đáng. Nói chung nên dạy trẻ không được tiêu tiền bừa bãi nhưng cũng không nên để trẻ có tính ki bo.
Thứ năm: nên hình thành thói quen tiết kiệm cho trẻ từ nhỏ
Cha mẹ nên dạy trẻ biết cách tiết kiệm đồ dùng, ví dụ: trong một trang giấy, chữ viết sai có thể gạch đi, tiếp tục sử dụng. Trong cuộc sống cũng nên tiết kiệm, quần áo hơi bị rách có thể may lại để tiếp tục mặc, giấy viết không hết có thể sử dụng làm nháp… Dần dần, trẻ sẽ hình thành thói quen tiết kiệm.
Đổi cách nói 52 Con làm như vậy khiến cha mẹ cảm thấy thất vọng!
Cha mẹ thường nói: Con khiến cha mẹ mất mặt quá, lần sau còn như thế nữa thì đừng có về nhà!
Khi trẻ phạm sai lầm, phê bình là chuyện đương nhiên, nhưng khi phê bình, cha mẹ cần tôn trọng nhân cách của trẻ. Cha mẹ nên hạn chế phương pháp giáo dục bằng “roi vọt”, hãy nhớ, đánh mắng có thể làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ, không thể đạt được mục đích giáo dục tốt nhất. Ngoài ra, có nhiều phụ huynh thường có thái độ mỉa mai, đả kích con cái sau khi chúng phạm phải sai lầm gì đó: “Đúng là đồ vô dụng!”, “Đúng là mặt dày!”… Không biết những người cha, người mẹ như vậy định hướng con mình đi theo con đường chân chính hay xấu xa nữa?
Ví dụ thực tế
Lên lớp bốn, Nam bị đám thanh niên xấu ngoài xã hội dụ dỗ, đợt nghỉ hè từng đi ăn trộm đồ ở cửa hàng. Mẹ Nam sau khi biết chuyện vô cùng tức giận, nhưng mẹ không hề tức tối đánh mắng Nam, mẹ nghĩ ra một cách có thể loại bỏ thói xấu của con trai một cách triệt để.
Một buổi trưa, mẹ về sớm, Nam cũng tan học về nhà. Mẹ liền đưa cho Nam đọc tờ báo "pháp luật" mẹ mới mua , trong đó có một bài viết về hiện tượng “thiếu niên phạm tội”. Đợi Nam đọc xong, mẹ liền nhân cơ hội nói: “Con xem đứa bé ấy đáng thương không, mới tí tuổi đầu đã trở thành thiếu niên phạm tội rồi. Cho dù sau này thằng bé ấy có thay đổi đi chăng nữa, cả đời nó sẽ vẫn không rửa sạch được vết nhơ đó. Đó là một điều đau khổ nhất trên đời! Mẹ nghĩ nếu con cũng có hành vi ấy chắc cha mẹ sẽ thất vọng lắm đấy!”. Tiếp đó, mẹ Nam liền chuyển sang nói đến tâm lí của những kẻ trộm cắp, hôm nay ăn trộm một ít, ngày mai sẽ muốn ăn trộm gấp mười lần, càng về sau sai lầm càng lớn hơn.
Những điều đó khiến Nam nhanh chóng nhận ra dụng ý của mẹ. Dưới sự giúp đỡ của cha mẹ, cậu bé đã đoạn tuyệt quan hệ với đám thiếu niên xấu, bỏ được thói quen ăn cắp.
LỜI KHUYÊN CỦA CHUYÊN GIA
Khi trẻ phạm sai lầm, cách làm đúng đắn của cha mẹ là: nhất định phải phân tích nguyên nhân, sau đó tiến hành thuyết phục để trẻ hiểu ra vấn đề. Làm như vậy, vừa bảo vệ được sự tự tôn của trẻ, lại vừa khiến trẻ bỏ được thói quen xấu. Đối với những đứa trẻ làm việc xấu do bị ảnh hưởng của bạn bè, thì cha mẹ cần giúp trẻ nâng cao nhận thức, phân tích rõ đâu là giới hạn của tình bạn và nghĩa khí, nêu rõ tiêu chuẩn của xấu và tốt, kịp thời gánh vác sai lầm của mình, xin lỗi người bị hại, bồi thường tổn thất và sửa chữa lỗi lầm.
Mắng mỏ chỉ có thể làm trẻ bị tổn thương. Cha mẹ cần nhớ, trẻ cũng có tình cảm và nhân cách. Phê bình không phải là trợn mắt mắng mỏ, quát tháo ầm ĩ, cần dùng lí lẽ để thuyết phục chứ
không phải là đe dọa, ép buộc. Chuyện trẻ mắc phải sai lầm là điều khó tránh khỏi trong quá trình trưởng thành, vậy cha mẹ, bạn nên giáo dục con cái như thế nào? Dưới đây là một vài ý kiến tham khảo:
Thứ nhất: Phải hiểu con người không phải là thánh hiền, không thể tránh khỏi những sai lầm
Người trưởng thành cũng có lúc phạm phải sai lầm huống hồ là trẻ con. Bởi vậy cha mẹ khó có thể yêu cầu trẻ không được phép phạm sai lầm. Do vậy, khi trẻ phạm sai lầm, cha mẹ cần thấu hiểu, kiên nhẫn dẫn dắt, khoan dung với trẻ chứ không phải chỉ biết mắng mỏ, quát tháo, làm ầm ĩ lên: sao con lại thế này, sao con lại thế kia, cứ như thể trẻ phạm phải sai lầm là chuyện gì to tát lắm. Cha mẹ càng không nên tức giận mà đánh đập con cái, hi vọng trẻ có được một bài học nhớ đời. Nếu như vậy, sau này làm gì trẻ cũng sẽ rụt rè, lúc nào cũng có tâm lí sợ sai lầm.
Thứ hai: Phải trở thành bạn của con, nên thường xuyên giao lưu với những trẻ có hành vi xấu, giao lưu với chúng bằng tư cách là một người bạn
Tìm hiểu nguyên nhân và hậu quả của sai lầm, đồng thời phân tích cho trẻ hiểu, từ đó đưa ra bài học và sự chỉ bảo cho trẻ, giúp chúng sửa chữa sai lầm. Cha mẹ không nên cứ thấy con mình làm sai chuyện gì chưa cần biết rõ nguồn cơn đã mắng mỏ, như vậy khiến trẻ khó mà chấp nhận, có tâm lí chống đối. Lấy vai trò là một người bạn để giao lưu với trẻ, phân tích rõ nguyên nhân trẻ phạm sai lầm, từ đó tìm cách thuyết phục giúp trẻ chủ động sửa chữa.
Thứ ba: Phải thường xuyên liên lạc với thầy cô, nhà trường
Khi trẻ phạm sai lầm, thầy cô là người biết rõ nhất, ví dụ như: đi học không làm bài tập, lên lớp đánh nhau với bạn, trốn học… Thầy cô là người biết rõ nhất tình hình của con bạn ở trường, hơn nữa thầy cô lại là người làm giáo dục, có nghiên cứu kĩ càng về tâm lí và phương pháp giáo dục trẻ. Vì vậy, thường xuyên liên lạc với thầy cô vừa là để tìm hiểu tình hình của con cái, lại vừa học hỏi được những phương pháp giáo dục trẻ tốt nhất.
Thứ tư: Khi trẻ phạm sai lầm, cha mẹ không được bao che
Trẻ phạm sai lầm là chuyện rất bình thường, dù là lỗi lầm gì cũng có thể thấu hiểu và lượng thứ. Nhưng trước mặt trẻ, cha mẹ tuyệt đối không nên bao che cho con, nên chỉ ra rằng, khi phạm phải sai lầm, cho dù là lớn hay nhỏ đều phải gánh chịu hậu quả và buộc phải sửa đổi. Bao che là dung túng, là làm hại trẻ.
Thứ năm: Đừng vội vàng thuyết giáo mỗi khi trẻ phạm sai lầm
Có những đứa trẻ khi mới phạm sai lầm chưa ý thức được ngay hành động của mình. Có thể cho trẻ một khoảng thời gian, để chúng tự kiểm điểm lại bản thân, ngẫm nghĩ xem mình sai ở đâu. Sau đó cha mẹ có thể dạy bảo cho trẻ hiểu, như vậy trẻ mới tâm phục khẩu phục.
Đổi cách nói 53 Mẹ thích những đứa trẻ biết lễ phép!
Cha mẹ thường nói: con mà không lễ PhéP là sau này mẹ không dẫn con đi đâu hết, mẹ xấu hổ lắm!
Một nhà thơ người Đức đã từng nói: “Sự lễ phép của một người chính là tấm gương phản chiếu chân dung của người ấy”. Thực ra, lễ phép phản ánh sự tu dưỡng về tâm tính của con người, thể hiện ý thức tự tôn và tôn trọng người khác của một người, mà thói quen văn minh, lễ phép cần được rèn luyện từ nhỏ. Cha mẹ cần dạy trẻ khi giao tiếp với người khác phải học cách dùng từ ngữ lễ phép, văn minh. Chẳng hạn như: "Chào ông (cô, bác, anh.....)", "Tạm biệt", "Cảm ơn", "Xin mời"...
-Đồng thời, phải chú ý bồi dưỡng cho trẻ những cử chỉ lễ phép, gặp người khác phải chủ động chào hỏi, hiểu và biết dùng những từ ngữ lễ phép thông dụng. Cha mẹ phải dạy trẻ rằng, dù ở nhà hay đi ra ngoài, đến làm khách ở nhà người khác đều phải học cách “kính già yêu trẻ”….
Ví dụ thực tế:
Thu là một cô bé rất đáng yêu và hoạt bát, nhưng điều khiến mẹ cô bé phải đau đầu là cô bé chẳng lễ phép chút nào. Có lần Thu đói quá liền nói với mẹ: “Con muốn ăn bánh mì!”, mẹ nghe
thấy nhưng vì muốn dạy con gái phải biết lễ phép nên cố ý không đoái hoài đến yêu cầu của con gái. Thu nói to mấy lần nhưng vẫn thấy mẹ không để ý, liền chạy đến bảo: “Mẹ ơi, mẹ không nghe thấy con nói là con muốn ăn bánh mì à?”.
Mẹ nói: “Mẹ nghe thấy rồi, nhưng mẹ không biết con đang gọi ai, con đâu có gọi mẹ ơi!”.
Thu cười nói: “Mẹ ơi, con muốn ăn bánh mì!”. “Con nói vẫn chưa đúng!”, mẹ Thu nói.
“Sao lại không đúng?”, Thu ngơ ngác hỏi.
Mẹ Thu nói: “Con nên nói là: Mẹ ơi, con muốn ăn bánh mì, mẹ lấy giúp con có được không ạ?”.
Con gái liền lặp lại câu nói của mẹ, lúc này mẹ mới lấy bánh mì cho Thu. Đợi con gái ăn xong quay sang chơi đùa, mẹ Thu liền kéo con lại: “Còn chưa xong mà!”.
Con gái tròn mắt nhìn mẹ: “Xong rồi, con ăn xong rồi!”. “Con còn chưa nói cám ơn mà!”.
“Lại còn phải nói cám ơn nữa ạ?”.
“Đương nhiên rồi, người khác giúp con làm một việc gì đó, con nhất định phải nói cám ơn với người ta!”.
Sau đó, Thu cúi gập người nói: “Mẹ thân yêu của con, con ăn xong rồi ạ, con cám ơn mẹ!”.
Mẹ cười: “Đúng rồi, con làm tốt lắm, mẹ thích nhất là những đứa trẻ lễ phép!”.
Thu cũng cười, cô bé lè lưỡi trêu mẹ rồi chạy ù ra ngoài sân chơi.
LỜI KHUYÊN CỦA CHUYÊN GIA
Cha mẹ nên học cách yêu nhưng không cưng chiều con cái. Khi trẻ có những hành vi không lễ phép, cha mẹ nên chú ý hơn, sử dụng các phương pháp để khiến trẻ thể hiện sự lễ phép của mình chứ không được nghĩ rằng trẻ còn nhỏ, còn chưa hiểu chuyện nên có thể nhân nhượng. Thái độ nhân nhượng này có thể làm mờ ý thức lễ phép của trẻ với mọi người, từ đó khiến trẻ ngày càng không lễ phép.
Cha mẹ cần bồi dưỡng thói quen lễ phép cho trẻ như thế nào?
Thứ nhất: Lựa chọn phương pháp giáo dục đúng đắn
Trong cuộc sống, chúng ta không ít lần bắt gặp cảnh tượng: trên bàn là một giỏ táo, cha mẹ dạy trẻ lễ phép bằng cách bảo trẻ chọn quả to nhất, đỏ nhất biếu ông bà, mà thông thường ông bà nhường cho lại trẻ, lúc này cha mẹ có thể dạy trẻ nói “cám ơn”. Lâu dần trẻ sẽ cảm thấy, nhường thì nhường, cũng có sao đâu, đằng nào quả táo vừa to vừa đỏ ấy vẫn sẽ thuộc về mình. Rồi bỗng nhiên đến một lúc nào đó trẻ không nhận được quả táo vừa to vừa đỏ nhất đó, trẻ sẽ khóc lóc ăn vạ, bởi vì trẻ cảm thấy bị người lớn lừa gạt. Những tình huống này không phải là ít, sẽ khiến cho trẻ mất đi sự tin tưởng với người lớn. Vì vậy, cha mẹ cần nhớ, khi dạy trẻ những thứ có liên quan đến vấn đề đạo đức, cha mẹ không nên nói một đằng làm một nẻo, không thống nhất trước sau.
Thứ hai: Đưa ra vài quy định, tăng cường rèn luyện
Cha mẹ có thể quy định, trẻ đi mẫu giáo về, vào đến nhà là phải chào cha mẹ; khi cha mẹ giúp trẻ làm việc gì, trẻ phải biết nói “cám ơn”; khi ăn phải đợi cả nhà cùng ăn….
Thứ ba: Làm gương cho trẻ
Người ta thường nói "Cha mẹ là người thầy đầu tiên” của trẻ, là tấm gương cho trẻ noi theo, vì vậy muốn con cái biết lễ phép, cha mẹ cần phải đối xử lễ phép với người khác. Trong một vài kĩ năng cụ thể, như thế nào là hợp lý và lễ phép, cha mẹ cần làm mẫu cho trẻ xem. Chẳng hạn, khi ở trong thang máy, trẻ không thích chào người khác, mẹ có thể nhanh nhẹn nói “Xin chào….”; nếu trẻ không thích nói: “xin mời”, “cảm ơn”, “làm ơn”…. thì khi được trẻ giúp làm việc gì đó, mẹ hãy chủ động nói những câu như: “Cảm ơn con đã giúp mẹ!”, “Mẹ lại làm phiền con rồi”, “Cảm ơn con đã xách đồ giúp mẹ”…. cứ như vậy, dưới sự dẫn dắt của cha mẹ, trẻ sẽ hình thành được thói quen biết lễ phép.
Đổi cách nói 54 Cha mẹ phải làm xong việc mới dẫn con ra ngoài chơi được!
Cha mẹ thường nói: Thôi được rồi, mẹ dẫn con đi chơi ngay đây, đừng khóc nữa mà…
Trẻ con tính tình thường bướng bỉnh, cha mẹ tuyệt đối không được dung túng, nếu không sau này sẽ khiến trẻ có tính cố chấp, ngang ngược. Tính cách không phải là bản năng, tính cách tùy tiện của trẻ chủ yếu là do sự giáo dục không đến nơi đến chốn của gia đình. Cha mẹ chính là người đã tạo ra tính cách bướng bỉnh, cũng là người gánh chịu hậu quả tính cách tùy tiện ở trẻ.
Ví dụ thực tế:
Năm nay, Hoa 5 tuổi, cha mẹ cô bé làm việc ở xa, phần lớn thời gian cô bé phải ở với ông bà nội. Lúc Hoa ngoan ngoãn thì thật đáng yêu, vừa biết hát lại biết múa, khả năng biểu đạt cũng tốt nên rất được ông bà chiều chuộng. Hoa cũng rất thông minh, việc gì chỉ cần cô giáo và cha mẹ dạy qua một lần là cô bé nhớ ngay, hơn nữa còn làm rất tốt.
Nhưng Hoa có một vấn đề, đó là tính tình quá bướng bỉnh, chuyện gì cũng phải nghe theo con bé, nếu không vừa ý nó là liền nổi cáu. Cả nhà ai cũng phải nhường nhịn Hoa, đúng thì buộc phải khen, mà sai thì chẳng ai dám mắng mỏ, nếu không, con bé cáu lên thì phiền phức lắm.
Một hôm, Hoa nằng nặc đòi mẹ cho đi chơi công viên nước. Mẹ nói với Hoa: “Hoa à, hôm nay mẹ có việc, để hôm khác mẹ dẫn con đi nhé!”. Nhưng vừa đi chơi được vài phút, Hoa lại về kèo nhèo đòi mẹ dẫn đi: “Mẹ ơi, hôm nay con muốn đi công viên nước cơ!”. Mẹ nhíu mày, nhìn là biết con bé sẽ đòi đi cho bằng được, những chuyện như thế này đã từng xảy ra trước đây rồi. Nhưng trước đây mẹ có nói gì Hoa cũng không chịu nghe. Thế là lần này mẹ Hoa không đoái hoài đến con bé, mà lấy đồ của mình, đi vào phòng ngủ và đóng cửa lại. Mặc cho Hoa ở ngoài khóc lóc ầm ĩ, mẹ cũng không ra. Một lát sau, mẹ không thấy bên ngoài có động tĩnh gì liền mở cửa ra ngoài, nhìn thấy Hoa đang ngồi tập vẽ ở trong phòng. Hoa ngẩng đầu lên nhìn mẹ, mẹ liền cười với con gái rồi tiếp tục đi làm việc của mình.
LỜI KHUYÊN CỦA CHUYÊN GIA
Cách làm của mẹ Hoa chính là cách “ám thị” về hành vi. Khi cha mẹ ý thức được con mình đang cố ý ăn vạ, đôi khi cách tốt nhất là cha mẹ nên tránh chúng ra. Xét về bề ngoài, hành vi này có vẻ vô trách nhiệm, mặc kệ trẻ muốn làm gì thì làm, không uốn nắn hành vi sai trái của trẻ, người ngoài có thể sẽ hiểu lầm. Nhưng nếu phân tích kĩ lưỡng một chút, không khó để hiểu ra vấn đề. Nguyên nhân gây ra tính cách bướng bỉnh của trẻ không quá phức tạp, đa phần là do cha mẹ quá nuông chiều và thỏa hiệp với con cái. Khi trẻ ăn vạ, cha mẹ thường đứng trước hai sự lựa chọn khó: đồng ý yêu cầu của trẻ, yêu cầu của trẻ rõ ràng là không hợp lí; nhưng nếu không đồng ý, trẻ cứ ăn vạ thế này thì biết làm thế nào? Những phụ huynh dễ mềm lòng thường nhanh chóng thất bại trước chiến lược ăn vạ của trẻ, không thể không từ bỏ nguyên tắc giáo dục của mình, lại lần nữa chiều theo ý của trẻ. Nhưng làm như vậy chỉ khiến ngày càng ngang bướng, khó dạy mà thôi.
Cha mẹ cần làm gì để thay đổi tính xấu này của con cái?
Thứ nhất: Dám “thi gan” với trò ăn vạ của trẻ
Khi trẻ ăn vạ, cha mẹ càng nhường nhịn, trẻ càng lấn tới. Xuất phát từ điểm này, cha mẹ tuyệt đối không nên mềm lòng. Ví dụ: cha mẹ dẫn trẻ ra ngoài chơi, trẻ đòi cha mẹ phải cõng, không cõng là khóc ăn vạ. Lúc này thái độ của cha mẹ nên thống nhất, nói rõ với trẻ cha mẹ sẽ không cõng rồi tiếp tục đi thẳng, sau đó dừng lại đợi trẻ, cho đến khi trẻ tự đi mới thôi. Nhiều lần như vậy trẻ sẽ dần hiểu ra rằng: Bướng bỉnh chẳng có lợi gì cả, từ đó trẻ phải thay đổi thói quen của mình.
Thứ hai: Phải tìm hiểu rõ nguyên nhân
Có nhiều trẻ không cố tình chống đối lại cha mẹ, chẳng qua là vì một nguyên nhân nào đó. Lúc này, cha mẹ cần tìm hiểu rõ nguyên nhân rồi nhẹ nhàng giảng giải đạo lí cho trẻ hiểu.
Thứ ba: Phải ngăn chặn tính cách bướng bỉnh của trẻ
Trẻ ăn vạ cũng có quy luật nhất định, chúng thường ăn vạ trong những tình huống cố định nào đó, điều này cha mẹ cần nắm rõ. Ví dụ, có trẻ cứ chờ đến khi có khách đến chơi nhà là “giở trò”, bám riết lấy khách ăn vạ. Cha mẹ có thể nói rõ với trẻ cần phải lễ phép khi có khách đến nhà, đừng ngại nói chuyện này để khách hiểu và thông cảm. Khi khách đến chơi nhà, nên căn cứ vào biểu hiện của trẻ để khen ngợi đúng lúc hoặc ra hiệu để trẻ ra ngoài...
Thứ tư: Cần vận dụng chính xác “uy quyền” của cha mẹ
Nhiều báo cáo cho thấy, trẻ con bướng bỉnh là do cha mẹ không biết sử dụng đúng đắn “uy quyền” của mình. Thường ngày, nếu cha mẹ quan tâm chân thành, nói chuyện nhẹ nhàng, nghiêm khắc phê bình sai lầm của con cái… sẽ có thể xây dựng được “uy quyền” của mình đối với con cái, có được sự kính nể và tôn trọng của trẻ. Nếu cha mẹ cho rằng bản thân mình là bề trên, mình là người có công sinh ra và nuôi dưỡng trẻ, vì vậy trẻ phải phục tùng mình vô điều kiện, không hề cân nhắc đến yêu cầu và nguyện vọng của trẻ; điều này sẽ khiến chúng nảy sinh tâm lí chống đối. Do vậy, cha mẹ nhất định cần phải vận dụng một cách đúng đắn “uy quyền” của bản thân.