Không tin nổi vào mắt mình, tôi cứ đọc đi đọc lại mãi lá thư mà phòng giám thị vừa gửi đến. Những câu chữ trong đó cứ như đang bắn thẳng vào tôi, “Rất tiếc phải thông báo cho cô biết... hao hụt ngân sách... cắt giảm nhân sự... thuyên chuyển qua trường mới... trường tiểu học Hemlock.”
Suốt mấy tuần đầu tiên của mùa hè năm ấy, tôi đã phải cố hết sức gạt lá thư đó ra khỏi tâm trí mình. Nhưng khi tháng Chín ngày một tới gần thì mối lo lắng về cái cảnh phải làm lại từ đầu ở một ngôi trường mới cứ ồ ạt vây lấy tôi. Tôi cố bình tâm tĩnh trí. Rốt cuộc trường học vẫn là trường học, và trẻ em ở đâu chẳng là trẻ em. Trường tiểu học Hemlock thì có gì khác chứ? Với cả, tôi cũng có hai năm kinh nghiệm giảng dạy rồi còn gì.
Vào ngày họp đầu năm, tôi mới biết mình không phải là giáo viên duy nhất trong quận bị chuyển tới trường Hemlock. Thầy hiệu phó họp riêng với tất cả những người mới đến, thông báo vắn tắt về những chính sách và tình hình kỷ luật ở trường này. Thầy đặc biệt nhấn mạnh “những học sinh hư” và cách “trị” chúng. Cuối buổi họp, thầy thông báo mỗi giáo viên mới sẽ được một giáo viên đàn anh đàn chị làm cố vấn - người này sẽ hướng dẫn chúng tôi những cách thức “đúng đắn” để “dần thích nghi” với trường Hemlock. Tôi rất mừng vì sẽ có nguyên ngày hôm sau để chuẩn bị làm quen với trường lớp mới. Nhưng tôi chẳng thể lắng nghe thêm một lời giảng giải nào nữa về những ưu điểm của các hình thức kỷ luật học sinh như cấm túc hay đình chỉ học tập.
Sáng hôm sau, tôi tới trường thật sớm, hăm hở bắt đầu mọi việc. Trên bàn giáo viên là bản danh sách lớp gồm hai mươi tám học sinh. Tôi nghiên cứu bản danh sách và nhận thấy lớp mình dạy có mười tám em nam và mười em nữ.
Một phụ nữ tóc hoa râm bước vào lớp, tự giới thiệu là bà Detner, giáo viên cố vấn của tôi. Rà bàn tay khắp bản danh sách lớp, bà bảo, “Tôi đã dạy ở trường Hemlock này hai mươi bảy năm rồi, và tôi có thể cho cô biết rành rẽ về đám học sinh này. Tôi không những biết chúng, mà còn biết cả anh chị em của chúng... có đứa tôi còn dạy cả cha mẹ chúng nữa đấy.”
“Trường này học sinh nam nhiều hơn nữ phải không ạ?” tôi hỏi và lễ phép trao danh sách cho bà Detner.
Bà mỉm cười lơ đễnh, “Không hẳn. Cô là giáo viên mới thì phải cố mà kiếm cho được ‘học sinh ngoan’ - nói vậy cũng không ngoa đâu.”
Tôi bảo với bà, tôi đi dạy năm nay là năm thứ ba rồi, nhưng bà cắt xoẹt lời tôi, “Ôi, khổ thân cô rồi, tôi thấy lớp cô có Mary Ann Ryan đây này. Con bé này là đứa cực đãng trí, hay quên kinh khủng - đừng có trông mong gì ở nó, nó chả có khả năng lắng nghe bất kể cái gì đâu.” Lắc đầu đầy ái ngại, bà tặc lưỡi nói tiếp, “Lại còn có cả Angie Milano nữa chứ! Nó là một đứa lươn lẹo, chả đáng tin lấy một phút, chỉ toàn nói dối với kêu oan thôi... Ối, đừng nói là họ xếp Joey Simon vào lớp cô đấy! Nó là chúa chậm hiểu, phải mất ba năm mới bắt nó chú ý nghe giảng được. Nó chả biết gì ngoài chuyện làm trò hề đâu.”
Tôi lắng nghe, sợ chết điếng đi được, trong khi bà Detner vẫn tiếp tục đào xới tờ danh sách. “Trời ạ, lại còn cả Henry Butt nữa chứ? Nó là đứa cực kỳ nhút nhát, cái gì cũng sợ, không bao giờ dám mở miệng ra nói, nhưng nó không gây phiền toái cho cô đâu... Cả Jimmy Potts cũng không hề gì, trừ những lúc nó lười biếng, lề mề... Ố, nhưng mà có cả Roy Schultz đây này! Nó sinh ra để bù cho hai đứa kia. Roy tuy sáng dạ nhưng học kém... một đứa chuyên bắt nạt bạn bè. Nó rất dễ bị kích động, khó kiểm soát. Cứ chờ tới khi nghe nó thuận miệng chửi bậy thì biết. Tôi không thể tin là họ lại xếp nó vào lớp của một người trông hiền lành như cô. Nhưng không sao, còn cả tương lai phía trước nữa mà. Với một lớp như thế này, người ta chỉ còn cách hy vọng thôi.”
Bà Detner đi ra đến cửa còn ngoái cổ lại nói, “Có hàng núi là hàng núi việc phải làm đấy. Nếu tôi xong sớm, chúng ta sẽ nói chuyện tiếp. Còn nếu không có gì khác, để dịp nào đó trong năm nay, chúng ta sẽ ăn trưa với nhau.”
Tôi gật đầu nhã nhặn, nhưng ngay khi bà vừa ra khỏi cửa, đầu tôi bắt đầu bưng bưng. Tôi sẽ có một năm học kiểu gì đây hả Trời? Bà ấy có nói đúng về bọn trẻ không? Bà ấy nói cứ như thể tính cách và cá tính của chúng là bất di bất dịch, không thể sửa đổi, như tạc vào đá rồi ấy. Không thể tin nổi. Chẳng lẽ bà Detner chưa từng đọc một bài nghiên cứu nào chứng minh rằng có mối liên quan mật thiết giữa niềm mong mỏi của giáo viên và hành vi của học sinh sao? Lẽ nào bà không biết trẻ em có khả năng thay đổi, và giáo viên có thể là một tác nhân mạnh mẽ làm thay đổi chúng sao?
Một làn sóng nghi ngờ ập vào tôi. Hay là tôi ngây thơ quá? Lý tưởng mù quáng chăng? Bất giác, tôi nhớ lại bộ phim mình đã xem nhiều năm trước, hồi còn học ở trường sư phạm. Trong phim, một giáo viên tiểu học nghiêm nghị bảo với cả lớp rằng nghiên cứu mới đây đã chứng minh: trẻ mắt nâu thông minh và giỏi hơn trẻ mắt xanh da trời. Và thế là suốt cả ngày hôm đó, bọn trẻ cứ bị ám ảnh mãi về cái mẩu kết luận mà cô giáo đã nêu ra. Những đứa mắt nâu khoái chí với tin mới, tiếp thu bài nhanh hơn ngày thường. Còn lũ trẻ mắt xanh da trời - dù là đứa thông minh nhất - bỗng nhiên cũng run rẩy và hậm hực đến nỗi không làm bài được. Ngày hôm sau, giáo viên, cũng vẫn vẻ mặt nghiêm trang ấy, bảo rằng hôm qua mình nói nhầm. Trong thực tế, trẻ mắt xanh da trời giỏi hơn, trẻ mắt nâu dở hơn và có kết quả học tập kém hơn. Một lần nữa, niềm mong đợi của giáo viên lại quyết định hành vi của bọn trẻ. Giờ đến lượt bọn trẻ mắt xanh da trời đắc thắng và nổi trội hơn, trong khi bọn trẻ mắt nâu bỗng thụ động do xấu hổ và nghi ngờ bản thân.
Tôi thấy phương pháp dạy học của cô giáo nọ cực kỳ phản sư phạm, thế nhưng, kết quả từ phương pháp đó là không thể nào chối cãi. Đó là chứng cứ rành rành cho thấy quyền lực của giáo viên có ảnh hưởng đến việc bọn trẻ sẽ nhận thức bản thân chúng như thế nào - tốt hơn hoặc xấu đi. Câu chuyện ấy đã in sâu vào tâm trí tôi. Tôi sẽ không rơi vào cái bẫy chấp nhận “sự am hiểu về bọn trẻ” của bà giáo Detner. Tất cả học sinh lớp tôi, chắc chắn, đều có “màu mắt thích hợp”.
Nhưng tôi sẽ phải làm gì để hoàn thành nhiệm vụ sắp tới? Chiều hôm đó trong lúc dẫn chó đi dạo, tôi cứ nghĩ mãi về Nicole, một học sinh thông minh, đầy nghị lực mà tôi đã dạy hồi năm ngoái. Trước đấy, tôi đã tận mắt chứng kiến những giáo viên khác, dù không hề có ác ý nhưng đã dần dần, từng chút một, quàng vào con bé một vai trò thế nào.
Tôi đã nghe giáo viên tiếng Pháp quát, “Nicole, em làm ơn nói nhỏ thôi. Tôi biết em có câu trả lời, nhưng phải để cho các bạn khác có cơ hội nói chứ.”
Tôi đã nghe giáo viên dạy nhạc mắng, “Nicole, cái gì em cũng phải bình luận mới được hả? Tôi không quan tâm em nghĩ chúng ta nên hát bài nào. Em cứ việc giữ ý kiến đòi thay đổi cho riêng em đi.”
Rồi tôi đã nghe mình la, “Nicole, em cứ nói chuyện, làm phiền đến mọi người hoài. Em không thấy các bạn vẫn đang làm bài kiểm tra hay sao?” Nicole đỏ mặt, ngượng nghịu và ngậm miệng lại, nhưng vài phút sau, tôi lại thấy con bé cựa quậy quay khỏi chỗ ngồi và bắt đầu tía lia với một bạn nữ ở bàn sau. Tôi nổi giận, bước tới, nắm vai Nicole, quay mặt nó lại, và ra lệnh, “Nicole. Thôi ngay đi! Lúc nào em cũng như cái máy nói chuyện không biết mệt thế hả?”
Bằng cách nhắc đi nhắc lại những lỗi sai của con bé, tất cả chúng tôi cứ chắc mẩm là Nicole sẽ lắng nghe và sửa đổi. Có thể Nicole đã lắng nghe, nhưng sửa đổi thì không. Mà có vẻ như càng ngày nó càng ít tự chủ hơn. Cứ như thể nó muốn gửi đến tất cả chúng tôi thông điệp, “Nếu đó là cách cô thầy nhìn nhận em, thì em sẽ như thế đấy.” Có lẽ chúng tôi, những giáo viên của Nicole, chính là những người phải chịu trách nhiệm về việc gia cố vững chắc cho vai trò “kẻ nói chuyện không ngơi” của con bé.
Nhưng khi trở về nhà, tôi lại ngẫm nghĩ về phản ứng của Nicole trước những lời nhận xét của các giáo viên từ một quan điểm khác - ít thông cảm hơn. Tại sao lại đặt toàn bộ gánh nặng phải thay đổi hành vi của Nicole lên vai các giáo viên? Trách nhiệm của Nicole nằm ở đâu trong tất cả chuyện này? Tại sao nó không thể tiếp thu sự bất bình của chúng tôi và cố gắng cải thiện mình chút xíu?
Bỗng nhiên chuông điện thoại reng. Đó chính là giọng nói ấm áp, vỗ về của Jane. “Bọn chị ở đây nhớ em lắm. Mọi việc ở đó thế nào rồi?”
Không chần chờ, tôi liền kể cho chị nghe thật nhanh về bà giáo Detner, những nhận xét của bà về bọn trẻ, ký ức của tôi về Nicole, và những ý nghĩ phẫn nộ mới nảy sinh về sự ương bướng của cô bé.
“Ấy đừng!” Jane thốt lên. “Chị bảo đảm là Nicole không coi thường em đâu. Có lẽ tại nó cảm thấy bất lực trong việc khắc họa lại bức chân dung về chính nó mà tất cả các giáo viên đã trưng ra cho nó thấy. Em nghĩ đúng không? Khi còn nhỏ, cứ hễ nghe mọi người nói cùng một điều về mình, lặp đi lặp lại, thì ta bắt đầu tin điều đó là sự thật đúng không em?.”
“Tại sao chị lại chắc chắn như vậy?” tôi hỏi. Một khoảng dừng khá lâu. “Jane,” tôi hối thúc, “Nói cho em biết đi.”
“À... chị đang nghĩ lại hồi mình mười hai tuổi, hay dao động, và sự việc đã xảy ra với chị trong năm đầu tiên xa nhà đi trại hè.”
“Chị đã gặp rắc rối à?”
“Không, thật ra mùa hè đầu tiên của chị tuyệt vời lắm. Bạn ngủ chung giường tầng rất thích chị, giáo viên phụ trách thích chị, thậm chí cả bọn con trai cũng thích chị. Chị đã học bơi, học chèo xuồng, và đoạt phần thưởng thi sức bền. Chị trở về nhà với niềm tự tin chưa bao giờ cảm thấy trước đó. Một mùa hè tuyệt vời nhất trong đời chị.”
“Vậy là, tất cả những dấu hiệu phản hồi tích cực mà chị nhận được đã vun đắp cho chị một nhận thức hoàn toàn mới về bản thân mình?”
“Đúng thế. Giờ để chị nói cho em nghe những dấu hiệu phản hồi tiêu cực có thể gây ra hậu quả gì nhé,” Jane tiếp. “Mùa hè năm sau chị trở lại đúng cái trại hè đó, nhưng mọi thứ đã thay đổi. Người phụ trách mới, bạn ngủ chung giường tầng cũng mới - một lũ nhóc điên khùng, quần áo quái dị, cứ một mực bảo chị là ‘kẻ khờ khạo’, một ‘con hay quấy rầy’. Chị cố kết bạn với chúng, nhưng bọn con gái thì quây thành vòng tròn thật khít và đẩy chị ra ngoài. Bọn con trai thì chỉ để ý đến lũ kia thôi. Ngay cả người phụ trách nhóm cũng không thích chị ngay từ lần đầu tiên cô ta thấy chị phát quả bóng lên, thậm chí còn gọi chị là ‘đồ dở hơi’. Lúc trại hè kết thúc cũng là lúc chị buông xuôi tất cả. Trong trận chung kết bóng chày, các đội trưởng chọn người cho đội mình, và chị chẳng được bên nào chọn cả. Chị ngồi xuống băng ghế xem một lúc, sau đó trở về phòng ngủ với những cái giường tầng trống trơn. Chả có gì để làm, chị quyết định đi giặt vớ. Chị vẫn nhớ hoài cái lúc chị nhìn dòng nước xà phòng bẩn đục xoáy xuống cống, cảm thấy như mình cũng đang trôi xuống cái cống đó. Chẳng ai muốn chơi với chị. Chẳng ai quan tâm xem chị sống hay chết. Và chị chẳng làm được gì để thay đổi tình trạng đó.”
Tôi nín lặng, tuy cảm thông với chị nhưng chẳng biết phải nói sao. Cuối cùng tôi hỏi, “Jane à, chị có phải đang cố chứng minh cho em thấy: hầu như ta không thể vượt qua được chuyện xem người khác nhìn nhận mình thế nào, đúng không?”
“Có lẽ cũng có vài đứa trẻ đủ mạnh mẽ để tin vào ưu điểm của mình, và tiếp tục tin vào bản thân. Nhưng chị thì không.”
Rồi Jane đổi đề tài, nhưng khi cuộc trò chuyện qua điện thoại kết thúc, tôi vẫn không thôi nghĩ về kỳ nghỉ hè đã qua của chị. Thật khó mà tin rằng, Jane - một người mạnh mẽ và tự tin đến thế - lại từng là một đứa trẻ dễ dao động, dễ bị tổn thương vì cách người khác nhìn nhận về mình. Rồi tôi chợt nghĩ tới mấy đứa học trò trong bản danh sách lớp mà bà Detner đã xếp ngay ngắn vào hộc tủ, và tự nhủ chúng cũng dễ tổn thương biết nhường nào.
Thế rồi đến ngày thứ Hai, khi gặp các em học sinh lớp Năm của mình, tôi thở phào nhẹ nhõm và ngạc nhiên vô cùng. Không đứa nào tỏ ra quá tệ. Về cơ bản, các em giống như bất kỳ đứa trẻ con bình thường nào khác. Nhưng càng về cuối tuần, đã hơn một lần tôi nhận ra rằng có chút sự thật trong lời mô tả tính cách bọn trẻ của bà Detner. Tôi cố đẩy những ý nghĩ xấu qua một bên, và cương quyết không ngừng tìm kiếm những điểm tốt nhất ở học sinh của mình.
Đến cuối tuần thứ hai, tôi nhận ra rằng, nếu mình chỉ có ý định tốt thôi thì vẫn chưa đủ. Ví dụ, khi Mary Ann Ryan lại quên mang thước kẻ, tôi biết đã quá đủ để gọi nó là đứa “đãng trí”, nhưng dù tôi có kiềm giữ được cái lưỡi thì vẫn không thể khống chế nỗi suy nghĩ của mình. Không lúc nào tôi thôi nghĩ rằng Mary Ann là đứa “đãng trí” và nghe mình cằn nhằn, “Mary Ann, em có nhớ mang tiền ăn trưa hôm nay không?... Chiều nay nhớ đừng để quên áo lạnh nữa đấy... Và nhớ cất vở bài tập của em vào cặp ngay để không đánh mất lần nữa.”
Thực tế, tôi không bao giờ la rầy Mary Ann là “đãng trí”, mà tôi chỉ định hình về nó trong mắt mình. Với những đứa khác, tôi cũng làm tương tự như thế. Tôi không bao giờ gọi Joey Simon là “đồ điếc”, nhưng tôi bảo nó với cái giọng rít, qua hàm răng nghiến chặt, “Joey, cố chú ý lần này đi, được không?” Tôi không bao giờ gọi Jimmy Potts là “kẻ lề mề”, mà thúc giục nó, “Jimmy, nhớ lần này đừng là người cuối cùng ra khỏi phòng nhé.” Tôi không bao giờ bảo Roy Schultz là đứa ăn nói thô tục, nhưng ánh mắt tôi phóng vào nó đã thể hiện thông điệp ấy rất rõ ràng.
Tôi nhận thấy mình cần có một kế hoạch hẳn hoi. Cuối tuần đó, tôi ngồi vào bàn và liệt kê tất cả đặc điểm tính cách của những học sinh khiến tôi mất ăn mất ngủ nhất. Rồi tôi tham khảo quyển How To Talk So Kids Will Listen... - ở chương làm cách nào để giải phóng trẻ khỏi vai trò mà nó đang đóng - sau đó tôi viết một bản tóm tắt, thay thế từ con cái bằng từ học sinh.
Giải phóng học sinh khỏi vai trò mà chúng
đang đóng
• Tìm cơ hội chỉ cho học sinh thấy một bức tranh mới về bản thân chúng.
• Đặt học sinh vào những tình huống mà chúng có thể nhìn thấy mình khác đi.
• Cố ý cho học sinh nghe thấy bạn đang nói gì đó tích cực về chúng.
• Lập những khuôn mẫu hành vi mà bạn muốn thấy ở chúng.
• Nhắc cho học sinh nhớ về những thành tích chúng từng đạt được.
• Bày tỏ những cảm xúc, hoặc niềm mong mỏi của bạn.
Sau đây, bằng hình minh họa, là một vài ví dụ tôi đã nghĩ ra trong khi tưởng tượng mình sẽ áp dụng tất cả những bước thực hiện trên với các em học sinh lớp mình:
Tôi thật sự vui mừng khi mình đã nghĩ được những lời nói xóa bỏ thành kiến đối với các em học sinh, bởi vì khi làm như vậy là tôi bắt đầu nghĩ khác về chúng. Và dần dần, khi chỉ cho các em thấy bức tranh tích cực hơn về bản thân chúng, tôi cũng được chứng kiến sự thay đổi diễn ra ngay trước mắt mình:
Mary Ann Ryan đã nhớ mang theo giấy xin phép đi dã ngoại chữ ký của phụ huynh.
Angie Milano thú nhận đã “mượn” thước kẻ của Mary Ann Ryan.
Henry Burt giơ tay xung phong trả lời!
Joey Simon nghiêm túc đóng góp ý kiến trong giờ thảo luận của lớp.
Còn Jimmy Potts đi học đúng giờ ba ngày liền.
Roy Schultz cả tuần lễ không gây chuyện đánh nhau. Và tất cả mọi người đều rất ngạc nhiên, vì trong cơn tức giận, nó đã nện nắm đấm xuống bàn và hét “Khỉ thật!”
Tôi rất vui mừng trước những thay đổi ấy, và tôi phải chia sẻ với ai đó mới được. Tôi gọi cho Jane, hồ hởi báo cho chị hay, “Mỗi ngày em mỗi thấy bọn trẻ dần xóa bỏ được những hình ảnh không tốt của chúng và thăm dò khám phá những ngóc ngách mới mẻ về chính mình.”
Jane mừng rỡ, “Chúc mừng em nhé. Còn em, em cũng chúc mừng chị đi.”
“Về chuyện gì hả chị?”
“Sau cuộc nói chuyện với em lần trước, chị nhận thức được rằng mình đã áp đặt những vai trò vào các con thế nào.”
Tôi ngơ ngác, “Chị nói gì thế? Vai trò nào? Con ai?”
“Con chị - Diane và Emily. Hai đứa suýt soát tuổi nhau, và hay ganh đua đến nỗi chị muốn từng đứa phải cảm thấy mình đặc biệt ra sao. Vì vậy, chị bảo Diane là họa sĩ của gia đình, còn Emily là văn sĩ của nhà mình. Với thằng út Jason, chị gọi bừa nó là nhạc sĩ của cả nhà.”
“Vậy có gì sai đâu?” tôi ngạc nhiên. “Đó đều là những vai trò tích cực mà.”
“Đấy chỉ là một mặt thôi,” Jane nói. “Dù là tích cực hay tiêu cực thì cũng vẫn là vai trò. Bọn trẻ bị kẹt cứng trong những vai trò đó và bỗng trở nên sợ thử những vai trò khác. Tại sao không thử làm giống như chị hay anh em của mình chứ?”
“Hay thử liều làm tốt hơn, để khiến anh chị em ghét mình vì điều đó,” tôi nói.
“Chính xác. Chị muốn em biết rằng, Liz à, chính quyết định tống khứ những vai trò ra khỏi lớp của em đã gợi cho chị ý nghĩ thử làm giống như vậy ở nhà mình.”
Trong hai trang tiếp theo đây bạn sẽ thấy, qua hình minh họa, Jane đã ghi lại cuộc chuyện trò với Diane, cùng những cố gắng của chị nhằm giải phóng cô con gái khỏi vai trò mà chính chị đã gán cho nó.
Sau khi gác máy, tôi cứ suy nghĩ mãi về hai tình huống mà Jane vừa kể. Tôi phải thừa nhận rằng, giả sử nếu đang lo lắng vì chưa biết phải viết một bài luận thế nào, lại còn bị ám ảnh chị mình mới “là nhà văn của gia đình”, tôi sẽ chẳng thấy được an ủi tẹo nào một khi mẹ cứ khăng khăng bảo tôi là một họa sĩ đại tài. Không những nản chí đến nỗi chẳng viết được gì, mà tôi còn nghĩ, “Nếu ‘tài vẽ’ làm nên giá trị của mình trong gia đình, vậy điều gì sẽ xảy ra nếu mình không vẽ giỏi nữa? Hoặc nếu ngày nào đó, chị mình đem về nhà một bức tranh tuyệt đẹp thì sao?”
Nhưng giả sử tôi đặt mình vào tình huống thứ hai - mẹ chỉ tập trung vào tôi và chỉ ra năng lực độc đáo của riêng tôi - ắt hẳn tôi sẽ cảm thấy rất khác. Tôi sẽ nghĩ, “Biết đâu mình cũng có khả năng viết bài văn này. Để mình thử nghĩ vài ý về sự công bằng xem sao.” Cho dù chị tôi là nhà văn giỏi hay nhà văn dở thì điều đó cũng chẳng ảnh hưởng gì đến tôi. Chị ấy muốn trở thành kiểu nhà văn nào là tùy chị ấy. Còn tôi cứ mặc sức được là chính mình.
Cũng còn rất nhiều điều cần phải suy nghĩ, nhưng tôi cảm thấy mọi thứ sáng tỏ hơn bao giờ hết. Rằng vai trò giáo viên của tôi và vai trò người mẹ của Jane không cho phép chúng tôi được thừa nhận bất cứ một vai trò nào hết. Sẽ không còn kiểu đánh giá tính cách học sinh một cách áp đặt nữa. Mỗi đứa trẻ cần được nhìn nhận là một cá thể đa tính cách - có lúc nhút nhát và hướng nội, có lúc ồn ào và hướng ngoại; khi lại chậm chạp lờ đờ, khi lại xông xáo quyết tâm; cũng có khi ương ngạnh và bất hợp tác, nhưng có lúc lại ngoan ngoãn, dễ bảo. Tuy nhiên, bọn trẻ không bao giờ như thế mãi, vì chúng luôn phát triển, luôn có khả năng thay đổi và lớn lên.
Hãy thôi áp đặt những khả năng trừu tượng cho học sinh - đừng ấn định chúng phải là những đứa trẻ “xuất sắc”, “trên trung bình”, “dưới trung bình”, “tầm thường”, hay “chậm hiểu”. Mỗi đứa trẻ cần được nhìn nhận là “người học”; chúng cần được cổ vũ để tận hưởng niềm vui khám phá kiến thức, và cần được hài lòng về sự tiến bộ của mình - dù là chậm hay nhanh.
Hãy thôi ngay việc phân biệt những đứa trẻ có tài năng nghệ thuật hay toán học hiếm hoi, và đừng lúc nào cũng đổ lên đầu chúng hàng tá sự quan tâm chú ý, nhất là khi điều đó lại bị đem ra so sánh với anh chị em, hoặc bạn cùng lớp kém tài hơn chúng. Đồng ý rằng những đứa trẻ có năng khiếu cần được phát hiện và bồi dưỡng, nhưng tất cả trẻ em đều cần được như vậy. Đứa trẻ nào cũng muốn được khích lệ hưởng thú vui thể thao, hát hò, nhảy múa, diễn kịch, vẽ vời mà không cần lo lắng mình phải là ngôi sao điền kinh, thần đồng âm nhạc, nghệ sĩ của lớp, hay họa sĩ của gia đình.
Hãy thôi cầm tù những niềm hy vọng, ước mơ, hay khả năng của trẻ bằng cách khóa chặt chúng vào những nhãn mác danh hiệu này nọ. Trong số người lớn chúng ta, ai mà biết được mình có thể đã trở thành người nào đó khác với mình bây giờ, nếu trước kia từng có một người tin ta - một niềm tin đủ để giúp ta khám phá những phần chưa được khai phá trong bản thân mình.
GHI NHỚ
GIẢI PHÓNG TRẺ KHỎI MỘT VAI TRÒ BỊ ÁP ĐẶT
ở nhà và ở trường
Người lớn: Nicole, miệng em là cái máy nói hay sao thế? Em giành hết phần của các bạn rồi, chẳng cho ai nói chen vào được một câu.
Thay vì dán cho trẻ một cái mác, bạn có thể:
1. Tìm cơ hội chỉ cho trẻ thấy một bức tranh mới về bản thân chúng.
“Như thế mới ngoan chứ! Tuy còn nhiều điều muốn nói thêm, nhưng em đã nhận ra rằng các bạn khác cũng cần bày tỏ ý kiến của mình.”
2. Đặt trẻ vào những tình huống mà chúng có thể nhìn thấy mình khác đi.
“Nicole, cô muốn em chủ trì cuộc họp lớp (hoặc gia đình) và bảo đảm mọi người đều được phát biểu ý kiến.”
3. Cố ý cho trẻ nghe thấy bạn nói gì đó tích cực về chúng.
“Nicole có nhiều ý kiến hay đến nỗi chỉ muốn nói ra ngay lập tức, thế mà tôi đã thấy em ấy kiềm chế được đấy.”
4. Lập ra kiểu mẫu hành vi mà bạn muốn thấy ở chúng.
“Ối, xin lỗi. Cô không có ý ngắt lời em. Em cứ nói cho xong đi. Cô sẽ chờ.”
5. Nhắc cho trẻ nhớ những thành tích chúng từng đạt được.
“Cô nhớ hôm lớp chúng ta thảo luận về chuyện ai bị phạt sẽ phải nộp tiền vào quỹ lớp, em đã im lặng lắng nghe. Và đến khi em có ý kiến thì nhiều bạn khác liền ngồi ngay ngắn lại để nghe em nói.”
6. Bày tỏ những cảm xúc hoặc niềm mong mỏi của bạn.
“Nicole, khi những bạn khác đang chờ tới lượt mình, cô muốn em nói những nhận xét của mình ngắn gọn thôi.”
NHỮNG THẮC MẮC, CHUYỆN KỂ CỦA PHỤ HUYNH VÀ GIÁO VIÊN
? Những thắc mắc của phụ huynh
1. Khi chúng tôi khuyến khích bọn trẻ không nên đóng khuôn trong một vai trò nào đó - kiểu như “ông chủ lớn”, “nhà phê bình”, “Quý ông Quyết đoán” hay “Quý cô Nhạy cảm” - thì có khi nào những mặt tốt của vai trò ấy sẽ mất đi cùng với những mặt xấu không?
Bất cứ khi nào chúng ta muốn giúp trẻ thử một cách hành xử khác, chúng ta đều cần phải đảm bảo rằng mình sẽ ủng hộ bất kỳ một điểm tích cực nào của vai trò mà nó đang đóng. Với vai trò “Ông chủ lớn”, trẻ cần được nhìn nhận đúng mực những phẩm chất lãnh đạo. “Nhà phê bình” cần được tán dương ở khả năng quan sát. “Quý ông Quyết đoán” cần được tôn trọng ở tính quyết đoán và kiên định. “Quý cô Nhạy cảm” cần được đề cao với trái tim biết quan tâm người khác.
2. Tôi đang cố giúp con trai thay đổi vai trò của nó để trở thành một đứa trẻ đáng tin cậy hơn. Tôi tự hỏi, làm như vậy có phải tôi đang bắt nó phải thoát ra khỏi vai trò này rồi lại đặt nó vào một vai trò khác không? Tiến sĩ nghĩ sao?
Điều quan trọng là ta không nên quàng vào trẻ bất kỳ vai trò nào. Trẻ thường có cảm giác bị đe dọa khi chúng nghe người lớn bảo, “Con luôn đáng tin,” nghe chẳng khác nào, “Mẹ chẳng bao giờ tin được con.” Thay vào đó, hãy chỉ cho con trai bạn thấy thời điểm mà nó đã cư xử một cách đáng tin, “Mẹ nhớ có lần con đã nói con sẽ tìm xem quyển sách mà con đánh mất có giá bao nhiêu, và con đã làm như thế.” Điều đó cho trẻ biết rằng, khi nó chọn cách trở thành người đáng tin cậy thì nó có thể trở thành một người đáng tin cậy.
3. Tôi vẫn thấy chẳng hại gì khi nói với lũ trẻ rằng, “Con luôn đáng tin.” Điều đó chẳng phải sẽ tạo cho trẻ một dấu mốc tốt đẹp để chúng noi theo sao?
Bằng cách nói với đứa trẻ rằng nó luôn luôn gì gì đó, là bạn đã dồn nó vào góc kẹt. Hoặc nó sẽ cư xử ngược lại để chứng minh bạn sai, hoặc sẽ cố bám lấy vai trò mới mà bạn vừa buộc chặt vào nó - cho dù ở hoàn cảnh nào, hoặc bản thân ở trong tình trạng thế nào (Ví dụ, “Mắt cá chân mình vẫn chưa khỏi, nhưng mình không thể để cả đội vì mình mà thua được.”) Chúng ta muốn con cái được tự do, không bị cản trở - có khả năng đánh giá tình huống nảy sinh, và tự ra quyết định dựa vào sự phán đoán tốt nhất của chính chúng - chứ không phải buộc chúng phải chạy theo quan điểm của ai đó về việc chúng nên luôn luôn cư xử như thế nào.
4. Tiến sĩ sẽ làm gì khi thấy bọn trẻ nói xấu nhau? Tôi đang nghĩ đến việc con bé Wendy của tôi thường gọi bạn Susan của nó là “đồ keo kiệt và ích kỷ” bất cứ khi nào hai đứa chơi với nhau mà Susan không đưa cho Wendy món đồ nó muốn.
Đừng bao giờ đánh giá thấp khả năng của bạn, trên cương vị là cha mẹ, trong việc tác động, gây ảnh hưởng lên đứa trẻ mà bạn đang chăm sóc. Khi đứa trẻ này “dán nhãn xấu” lên một đứa trẻ khác, bạn có thể can thiệp để giúp cả hai thấy được điểm tốt nhất ở nhau. Chẳng hạn bạn có thể nói, “Wendy, sao con không tỏ ra dễ thương hơn khi con muốn hỏi mượn đồ của Susan? Mẹ dám cá là bạn ấy sẽ đồng ý ngay nếu con hỏi mượn một cách nhẹ nhàng.”
• Chuyện kể của phụ huynh
Đây là câu chuyện của một bà mẹ có đứa con “đãng trí”.
Con bé Polly nhà tôi, là một đứa đãng trí thuộc vào loại bậc thầy. Cứ hễ đến giờ làm bài tập về nhà là tôi lại thấy nó nếu không quên mang sách về thì cũng làm rơi đâu mất tờ giấy chép đề bài, hoặc nếu có nhớ mang sách về thì lại chẳng nhớ phải làm những bài nào. Thậm chí, bà nội, vốn rất cưng chiều cháu gái, còn phải nói Polly là nếu cái đầu không nằm trên cổ thì chắc nó cũng sẽ để quên ở đâu đó mất thôi.
Tôi đã cố dùng đủ mọi cách - kiên nhẫn, la hét, diễn thuyết dài dòng cho con hiểu về tinh thần trách nhiệm, nhưng chẳng ăn thua. Chồng tôi thì cứ bảo tôi chỉ làm cho mọi việc tồi tệ hơn và khiến Polly nghĩ không tốt về bản thân nó. Tuần trước, tôi nổi cáu với chồng và bảo, “Được, thế thì anh đi mà lo.” Và anh ấy nhận lời ngay.
Thế rồi khi Polly hỏi xin 3 đô-la để đi dã ngoại, tôi chả thèm đả động đến chuyện lần trước nó đã làm mất tiền thế nào, mà chỉ bảo, “Con đi mà hỏi ba.” Chồng tôi không có tiền lẻ nên cho con luôn tờ 5 đô-la và bảo, “Ba mong con sẽ mang 2 đô-la tiền thừa về nhà. Chỉ cần con tìm ra chỗ an toàn để giữ tiền cho tới khi đưa lại ba là được.” Và Polly đã làm theo! Nó cất tiền thừa vào giày để tối về trả lại cho ba.
Một tiếng sau, Polly phát hoảng vì không tìm thấy quyển tập ghi bài về nhà. Chồng tôi bảo, “Polly, nghe này, ba muốn hỏi con một câu.” Nó liền đáp, “Ba hỏi gì ạ?”
Chồng tôi nói, “Con biết bạn nào trong lớp cũng có tập ghi bài về nhà không?”
Nó đáp, “Cindy!” rồi lao thẳng vào nhà bếp để gọi điện thoại. Rồi đến khi vào phòng Polly để chúc con ngủ ngon, chồng tôi đã đưa lại cho con 2 đô la và bảo nó tự mua lấy một quyển tập to nhất mà nó có thể mua được với số tiền này, và hãy ghi gì đó lên bìa để nhắc mình phải luôn mang tập về nhà.
Polly hỏi, “Con nên viết gì hở ba?”
Chồng tôi bảo, “Bất kỳ cô bé xinh xắn nào đã nghĩ ra cách cất tiền vào giày đều biết sẽ phải viết cái gì.”
Con bé reo lên, “A, con biết rồi! Con sẽ viết: Đừng quên tớ, Bé Xinh, ” rồi cười khúc khích.
Tôi phải thừa nhận là chồng tôi đã đi đúng hướng.
✳ ✳ ✳
CÒN ĐÂY LÀ CÂU CHUYỆN của một bà mẹ kế đã giúp con chồng gỡ bỏ những cái “nhãn” không tốt do một người họ hàng vô tâm gán cho chúng.
Mới đây, tôi kết hôn với một người đàn ông đã có hai cô con gái sinh đôi không giống nhau lắm. Tại bữa ăn tối Lễ Tạ Ơn, tôi nghe chú của hai đứa bông đùa gọi chúng là “người đẹp” và “bộ óc”. Cho dù sự thật đúng là một đứa xinh đẹp lạ thường còn một đứa là học sinh danh dự của trường, nhưng tôi vẫn vô cùng hoảng hốt.
Tôi quay qua nhìn hai đứa và lập tức cảm thấy bất ngờ trước phản ứng của chúng. Không đứa nào tỏ vẻ ngạc nhiên hết. Rõ ràng trước đây, chúng đã nghe người chú ấy nói như thế nhiều lần rồi. Một bà dì cố gắng thay đổi đề tài nói chuyện, nhưng tôi vẫn thấy rất bức xúc không thể cho qua được. Tôi nói thật to, “Tôi biết Joy và Ellen gần một năm nay rồi, với tư cách là người sống chung nhà với các cháu, tôi có thể nói với mọi người rằng, cả hai đều được trời phú cho sự thông minh tuyệt vời. Và với tôi, cả hai đều xinh đẹp.”
Có thể tôi không được ông chú nọ ưa, nhưng tôi có thể thấy qua vẻ mặt của các bé gái, rằng chúng rất vui vì tôi đã lên tiếng.
✳ ✳ ✳
Dưới đây là câu chuyện của một phụ huynh tình nguyện.
Tôi được phân công phụ giảng cho một lớp Ba, một lớp học đa chủng tộc và toàn trẻ em nghèo. Cha mẹ chúng phần lớn là những người lao động nhập cư. Vào ngày đầu tiên, giáo viên chính khều tôi qua một bên, bảo tôi nên để mắt đến Billy và Jonathan, đều chín tuổi. Cô tóm tắt cho tôi biết lý lịch của chúng như thế này: Billy sống trong một gia đình nghiện ma túy và thường xuyên bị ngược đãi. Còn Jonathan phải ở với bà, vì bố nó đi tù. Cô ấy cảnh báo tôi không nên hi vọng quá nhiều vào chúng, “Cả hai đứa đều ngổ ngáo mà lại chẳng sáng dạ chút nào. Thật ra, ở trong trường này,” cô ngừng lời và hạ thấp giọng, “người ta gọi đám trẻ ấy là đồ vứt đi.”
Tôi không thể bỏ qua những lời cô giáo vừa nói. Đồ vứt đi? Chả lẽ lũ trẻ này chỉ dùng một lần rồi bỏ đi sao? Chúng là rác của nhân loại à? Đối với tôi, đó chẳng khác nào những “lời khiêu chiến”! Thế là tôi bắt tay vào giúp hai cậu bé “lừng danh”, chuyên môn làm theo ý mình, học bài tập đọc đầu tiên.
Còn hai đứa thì ngáp thẳng vào mặt tôi. Billy bảo đêm qua nó xem phim tới tận hai giờ sáng mới xong. Thằng Jonathan thì kêu đói bụng. Sau đó, tôi phát hiện ra Jonathan không được ăn sáng.
Ngày hôm sau, tôi mang bánh ngọt vào trường cho cả hai đứa. Chúng ăn trong khi tôi đọc truyện cho chúng nghe. Rồi tôi đưa cho mỗi đứa một quyển câu đố và truyện cười, yêu cầu chúng chọn một truyện nào đó để đọc to lên. Jonathan chọn một truyện tiếu lâm về anh nông dân và con lợn. Khi nó đọc đến điểm cao trào, tôi cười ngặt nghẽo. Billy cũng đòi tôi cho nó đọc. Nó đọc không trôi chảy lắm, nhưng hình như cũng hiểu nội dung câu chuyện.
Ngày hôm đó đã phá vỡ tảng băng lạnh giá ngăn cách giữa cô trò tôi. Tôi tiếp tục mang đồ ăn nhẹ tới và dạy chúng tập đọc, làm toán. Dần dần, tôi nhận ra cô giáo đã nói sai. Cả hai đứa đều rất thông minh. Jonathan đọc hiểu rất tốt, còn Billy giỏi tính những con số. Tôi không bao giờ bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào để cho hai đứa biết rằng tôi thực sự ấn tượng trước sự tiến bộ nhanh chóng của chúng như thế nào và vui mừng được giúp chúng ra sao. Thật lòng mà nói, tôi rất mến hai đứa trẻ này.
Sau vài tháng, chúng đã đọc và làm toán theo kịp với nhịp độ của lớp, và cũng trở nên hòa đồng hơn. Tôi đã chứng minh được là mình đúng. Đó là vì tôi đã đối xử một cách trân trọng với những đứa trẻ bị gọi là “đồ vứt đi” , xem chúng cũng quan trọng như mọi đứa trẻ khác.
Một vài tuần trước khi học kỳ kết thúc, gia đình Billy bị đuổi đi, và thằng bé buộc phải nghỉ học. Ngày cuối cùng, trông nó buồn thiu ủ rũ. Tôi nói sẽ tìm hỏi địa chỉ trường mới của nó, rồi Jonathan với tôi sẽ viết thư cho nó. Rồi tôi ôm Billy tạm biệt và bảo sẽ không bao giờ quên nó.
Những ngày sau đó tôi thấy nhớ Billy kinh khủng, ước gì mình có thêm thời gian để dạy nó. Tôi cũng bồn chồn lo lắng, không biết những cảm xúc tốt đẹp của Billy sẽ kéo dài được bao lâu trong thế giới mới của nó, một thế giới lạnh lùng và đầy những thái độ hắt hủi.
? Những băn khoăn của giáo viên
1. Tôi được phổ biến là ngay ngày đầu tiên vào lớp phải thông báo cho học sinh biết những nội quy kỷ luật, phải báo trước những hậu quả nếu các em không chấp hành nội quy đó - bị ghi tên lên bảng, không được ra chơi, gọi điện thoại báo cho cha mẹ, ở lại trường sau giờ học, ... và biện pháp cuối cùng là đuổi học. Tôi tự hỏi liệu cách làm này có ấn bọn trẻ vào vai trò “kẻ gây rối”, và chuyển đến chúng lời nhắn nhe rằng tôi mong chờ chúng cư xử sai trái hay không? Tiến sĩ nghĩ sao?
Học sinh có khuynh hướng hành động nương theo niềm mong mỏi của giáo viên. Nếu bạn coi chúng là những đứa hư hỏng, cần phải cải tạo và uốn nắn, thì chúng sẽ sinh ra cho bạn vô số việc phải làm. Nếu bạn chọn cách lùng kiếm điểm tích cực của chúng và từ đó vun đắp lên, chúng sẽ chăm chỉ, siêng năng giống như vậy, để đáp lại niềm tin của bạn.
Một giáo viên kể rằng, vào ngày bắt đầu học kỳ mới, cô triển khai vài chương trình sôi động đã dự kiến từ trước (chẳng hạn như lập ra ban phát thanh của lớp). Cô thông báo rõ rằng cô cần thông tin cũng như sự cộng tác của mọi người, rồi chỉ một bản liệt kê trên bảng và nói, “Bây giờ, chúng ta hãy thông qua vài nội quy sẽ giúp chúng ta đạt tới mục tiêu của mình nhé. Các em chắc là đã biết gần hết rồi.”
Cô nói, “Điều đó giúp các em học sinh biết, ngay từ đầu, về cơ bản tôi coi chúng là những người có trách nhiệm, hợp tác, sáng tạo, có uy tín để đóng góp cho lớp.”
2. Tiến sĩ có thể làm gì nếu, bất chấp những nỗ lực của tiến sĩ, học sinh vẫn cương quyết cư xử theo những điều mà người ta đã áp đặt cho chúng?
Hãy kiên trì. Đừng quá coi trọng sự chống đối của em học sinh đó. Bọn trẻ cứ khăng khăng hành xử theo một vai trò tiêu cực không hẳn là chúng muốn “lấn áp bạn”. Rất nhiều khả năng vì chúng muốn bám lấy cái mà chúng nghĩ là an toàn và quen thuộc. Có thể, em ấy cần bạn lặp đi lặp lại những câu nói mới và thái độ mới của bạn, rồi nó sẽ bắt đầu tin tưởng bạn, hoặc bắt đầu tin vào chính mình, để thử nghiệm những hành vi mới.
3. Ở khu vực tôi dạy học, môi trường xung quanh đầy rẫy bạo lực, vài giáo viên chấp nhận thực tế rằng học sinh của mình là những “đứa trẻ phạm pháp”, chúng cư xử với nhau thô bạo và ác độc, thậm chí cả trong sân chơi, và chẳng ai có thể làm gì để thay đổi tình trạng đó. Tiến sĩ có đồng ý với cách làm của những giáo viên đó không?
Hoàn cảnh mà bạn mô tả thật sự nguy hiểm cho việc giáo dục trẻ em. Khi người lớn chúng ta đứng im và cho phép bọn trẻ đánh nhau, dù chỉ là đùa giỡn, thì cũng có nghĩa là ta đang dung dưỡng một hình thức bạo lực có thể nó sẽ lan ra và thấm vào tất cả các mối quan hệ của chúng. Cần đối xử với trẻ không phải như con người chúng hiện thời, mà như con người chúng ta hy vọng chúng sẽ trở thành. Một giáo viên bàng hoàng trước việc học sinh thản nhiên làm tổn thương nhau, cả thể xác lẫn lời nói, đã kể lại rằng cô quyết định giúp chúng tự nhìn ra mình là con người biết quan tâm đến cảm xúc của người khác. Khi những trò đùa giỡn của chúng trở nên quá thô bạo, cô liền can thiệp, “Ối, các em làm bạn bị thương mất thôi! Để biết mình có làm đau bạn không, các em hãy nhìn vào mặt bạn đi. Coi bạn có tức giận không? Có khóc không? Điều đó sẽ cho các em biết là mình đã giỡn quá tay rồi đấy.”
Một lần khác, trong giờ ra chơi, cô giáo ấy phát hiện hai học sinh ôm ghì nhau trong tư thế đấu vật đang bị một đám con trai khác đè chồng lên. Thằng bé bị ghìm dưới cùng kêu la thảm thiết, nhưng bọn kia vẫn cười ha hả và cứ chất đống lên nó. Khi cô chạy đến cố gỡ chúng ra, chúng cứ khăng khăng bảo là đâu có đánh nhau mà chỉ “vật nhau chơi thôi”.
Cô giáo ấy liền bảo, “Vật nhau cho vui tức là tất cả mọi người đều phải vui vẻ. Các em hỏi bạn ở dưới cùng xem bạn ấy có vui không. Nếu không thì phải ngưng ngay.” Để tóm lại, cô nói, “Tôi muốn học sinh biết rằng tôi không cho phép chúng hành xử hung bạo dù tôi có mặt ở đó hay không”.
4. Mỗi đứa trẻ sinh ra đều đã có một tính cách riêng rồi, có đúng không? Tôi nhận thấy trong số học sinh của tôi có nhiều em hấp tấp, một số lại nhút nhát, hoặc hung hăng hơn những em khác mà có phải vì chúng bị ai đó gán cho vai trò gì đâu chứ.
Điều đó cũng giống như đứa trẻ sinh ra với những gen di truyền nhất định thì không có nghĩa là nó buộc phải bị kẹt cứng với cái gen di truyền ấy. Trẻ hấp tấp cần được giúp đỡ luyện tập tính cân nhắc và suy xét kỹ hậu quả hành động của nó; trẻ nhút nhát cần phải biết nó sẽ vui thế nào khi được tiếp xúc với những đứa trẻ khác; trẻ hung hăng cần học cách giao tiếp ôn hòa nhã nhặn. Chúng ta cần giúp tất cả bọn trẻ trở thành những người mà chúng có khả năng trở thành.
• Chuyện kể của giáo viên
Đây là kinh nghiệm của một giáo viên đã quyết định sẽ nhìn học sinh ở một góc độ mới.
Darryl Jackson là cậu bé mười tuổi, khó ưa, và to xác gấp đôi những đứa khác trong lớp tôi. Nhìn dáng dấp của Darryl, người ta cứ tưởng nó phải chững chạc hơn so với các bạn cùng lớp, thế nhưng nó lại cư xử chẳng khác nào một thằng ngốc lớn xác, to mồm. Nó cốc đầu đứa này, xô đẩy đứa kia, chỗ nào cũng sục sạo, chạy huỳnh huỵch trong hành lang và hú lên “Ááááaaa!” khi nghe thấy có tiếng ai đó đang đi tới. Darryl không từ bất kỳ một hành động nào để gây sự chú ý. Nhưng đến khi chả ai thèm đếm xỉa tới nó nữa thì nó bắt đầu oang oang về “ngực” với “mông”.
Bọn trẻ chả ưa gì Darryl. Nó luôn bới móc, chọc quê bạn bè, “Có vậy mà cũng không biết! Đồ ngu!” Trên xe buýt nhà trường đi dã ngoại, lúc nào nó cũng chiếm riêng hai cái ghế. Trong nhà ăn trưa, nó tọng đầy bánh sandwich vào miệng và thè lưỡi ra với mớ đồ ăn nhai dở mà cười ha hả.
Cứ mỗi lần nhắc đến tên nó là một lần tôi phải cáu tiết, “Darryl, thôi ngay!... Darryl, im đi!” Có khi tôi còn tóm lấy nó, đẩy nó trở lại chỗ ngồi, “Darryl, NGỒI XUỐNG!!” Sự cứng rắn trong lời nói của tôi ngầm chứa thông điệp, “Tôi không thích em... Sự có mặt của em khiến tôi khó chịu... Em là cái gai trong mắt tôi.”
Một lần, tôi nổi giận với nó đến nỗi chỉ muốn giật tung tóc tai mình lên. Mắt Darryl liền tóe lên sự vui sướng. Nó cười toe toét và nói, “Em đang làm cho cô phát điên lên, phải không cô Bergen?” Vậy là Darryl đã đạt được mục tiêu của nó. Nhưng không chỉ với tôi. Bên bàn ăn, các giáo viên khác cũng truyền miệng cho nhau nghe những “giai thoại” về Darryl. Nó đã thành công trong việc biến mình thành kẻ khét tiếng khắp trường. Kể ra, cố làm mình nổi danh theo cái cách kinh khủng như thế cũng hài hước thật.
Darryl bất trị đến nỗi tôi đã nghĩ đến chuyện phải gặp cố vấn giáo dục, hoặc chuyên gia tâm lý học đường nào đó để xin tư vấn về nó. Nhưng cái tính bướng bỉnh trong tôi đã quyết định, “Tự mình sẽ cải tạo nó”. Tôi biết, nếu có chút xíu khả năng nào có thể làm Darryl thay đổi thì đó chính là tôi phải thay đổi chiến thuật của mình. Nhưng tôi cũng nhận ra mình không thể làm điều đó một cách máy móc. Tôi phải tìm ra, ít nhất, một phẩm chất ở Darryl mà tôi cảm thấy thích hoặc ngưỡng mộ thật sự. Vì không có chút xíu cảm tình nào đối với thằng nhóc, cho nên toàn bộ quy trình này sẽ là một cuộc thử nghiệm có dùng... mánh khóe. Chẳng thà như vậy còn hơn là chẳng làm gì hết, nhưng tôi cũng đặt rất nhiều hy vọng vào đó.
Ngày hôm sau, tôi quan sát Darryl, cứ chăm chăm hệt như diều hâu rình mồi. Có một điểm bù đắp cho mọi khiếm khuyết của Darryl là nó vẽ rất giỏi. Nhìn bất kỳ đồ vật nào, nó cũng có thể vẽ lại giống y như đúc. Một lần tôi thấy Felix gọi Darryl đến xem bức tranh mình đang vẽ. Phải thừa nhận Felix phối cảnh rất tệ, và hầu như chẳng thể biết được bức tranh ấy vẽ thứ gì. Ấy thế mà Felix chỉ những vệt màu nguệch ngoạc và bảo Darryl, “Coi này, đây là một người sắp sửa bắn con khủng long đấy.”
Tôi chắc mẩm thể nào Darryl cũng có một màn chê bai Felix ra trò, nhưng không, Darryl lại mỉm cười hiền lành, chỉ những đường ngoằn ngoèo đó mà bảo với thằng bạn bằng cái vẻ đầy khích lệ, “Ờ, còn đây là người ngoài hành tinh bước ra khỏi con tàu vũ trụ.” Điều đó đã lay động tôi. Thì ra Darryl cũng là một đứa hiền lành. Thậm chí còn rộng lượng nữa là khác! Có lẽ vì thằng nhóc cảm thấy an toàn trong lĩnh vực hội họa.
Từ khoảnh khắc đó, tôi tự phát động cho mình một “chiến dịch khả thi”. Để bắt đầu, tôi giao cho Darryl làm những việc lặt vặt như lau bảng, sắp xếp tủ sách theo mẫu tự bảng chữ cái, hoặc cho rùa ăn, và rồi cảm ơn vì nó đã giúp tôi. Hóa ra Darryl rất yêu loài vật. Tôi giao cho nó chăm sóc con chuột đồng suốt một tuần liền. Tôi bảo với Darryl rằng hình như lũ chuột rất thích được nó cầm lên, bởi vì nó đã rất nhẹ nhàng khi làm việc ấy. Darryl cười rạng rỡ.
Sau đó, tôi giúp những em khác trong lớp nhìn Darryl theo một cách khác đi. Hễ ai cần giúp đỡ, tôi lại nói, “Ồ, em bảo Darryl chỉ cho. Bạn ấy giỏi toán mà,” hoặc “Darryl, em rất rành về loài vật. Thế giống chó nào giữ nhà tốt hả em?” Tôi hy vọng những em khác sẽ nghĩ như thế này, chắc tại cô giáo không xem Darryl là thằng quậy nữa nên nó cũng hết quậy luôn.
Mỗi khi có lý do chính đáng phải la rầy Darryl, tôi cố gắng bắt đầu bằng những lời tích cực, “Darryl, cô biết chờ đợi khó chịu lắm, nhưng em phải để cho Felix nói xong đã chứ,” hoặc “Darryl, cô biết chẳng dễ gì ngồi yên một chỗ được, nhưng ngay bây giờ cô cần tất cả mọi người im lặng và chú ý nghe cô giảng đây.” Thế là ngay lập tức, Darryl sẽ đáp, “Thưa cô Bergen, em đang cố ngồi im đây ạ!” hay “Cô thấy không, em đã đợi đến lượt mình rồi đấy nhé,” hoặc, “Em chỉ muốn nhảy tưng lên, nhưng em không nhảy đâu.” Còn tôi luôn đáp lại kịp thời và nồng hậu, “Cô thấy rồi,” hoặc “Đúng rồi, chẳng dễ đâu.”
Sau đó, tôi viết một lá thư ngắn cho mẹ Darryl:
Kính gửi bà Jackson,
Em Darryl đã chăm sóc thú cưng của lớp suốt tháng này. Tất cả các con thú đều sạch sẽ, được cho ăn đầy đủ và vui vẻ.
Kính thư,
Cô Bergen
Darryl vô cùng sung sướng về việc tôi đã viết lá thư đó cho mẹ nó. Nó còn đòi tôi kể những tiến bộ của nó cho các giáo viên khác biết luôn. Tôi rất vui lòng chiều theo ý nó, “Cô Kramer biết không, Darryl vẽ bản đồ nước Mỹ và điền được hết tên của các tiểu bang và thủ phủ đấy.”
Những thay đổi nhỏ trong cách xử sự của tôi đã dẫn đến những thay đổi lớn trong hành vi của Darryl. Dần dà nó có cảm tình với tôi. Nó thôi không làm trò quấy rối, xô đẩy, chọc ghẹo những bạn khác nữa. Nó luôn xung phong giúp đỡ các bạn cùng lớp vẽ, đọc bài, hay mang vác đồ đạc. Khi bạn mới thân của nó, Felix, không có tiền đóng để dự buổi ngoại khóa ngoài trời, Darryl rất buồn, rồi sau đấy nó cho bạn mượn tiền. Nó đã trở thành một phần của tập thể. Một kẻ khó ưa giờ đã trở thành bạn của mọi người. Nó thường chia sẻ bánh mì, kẹo hay bất cứ thứ gì nó có. Giờ đây Darryl đã có biệt hiệu là Anh Chàng Hòa Đồng. Tuy nó vẫn to mồm và thô vụng, nhưng bây giờ những tật đó đã được dung hòa và làm dịu đi bởi những nét dễ gần của nó.
Các giáo viên dần dần nhận ra rằng Darryl rất quý tôi, và thế là họ lấy ngay điều đó để “bắt chẹt” nó. Họ răn đe thằng bé, “Em mà không ngừng lại, tôi sẽ mách cô Bergen cho xem,” thế là nó thôi ngay. Nó không muốn bất kỳ điều xấu gì ở nó bay tới tai tôi.
Nhưng rốt cuộc, hành vi mới của Darryl vẫn không tác động tới những giáo viên khác được. Họ vẫn không thích nó, và nó vẫn không chịu thoát ra khỏi mớ tính cách xưa cũ của mình để hợp tác, hoặc làm hài lòng những người đối xử với nó như đối xử với một nỗi khó chịu nặng nề. Ta không thể gò ép Darryl có những hành vi tốt, nếu thằng bé cảm thấy ta không quan tâm đến nó. Chúng ta cần phải thừa nhận nó thì mới mong có được sự hợp tác từ phía nó.