"Phía trường học chỉ cung cấp cho tôi một số thông tin cơ bản, cậu là sinh viên năm 4? Thực tập ở bệnh viện nào?" Chuyên gia trị liệu tâm thần trẻ nhất Nam Kinh đầy triển vọng Du Thư Lượng không hề mở hồ sơ bệnh án của Quan Kiện ra, bởi vì bên trong hầu như chẳng có gì. Quan Kiện là một sinh viên khoẻ mạnh, không hề có bất cứ bệnh sử thần kinh nào hoặc vấn đề gì về tâm lý.
"Bệnh viện trực thuộc số 1". Cảm giác căng thẳng ban đầu của Quan Kiện đã bị nụ cười vẫn còn giữ nét sinh viên và vẻ hoà nhã của Du Thư Lượng làm cho tan biến. "Học kỳ trước học môn Thần kinh học, hai bệnh tâm thần phân liệt và stress là do thầy dạy mà."
"Vậy xem ra tôi cũng không cần tự giới thiệu nữa. Chúng ta vẫn là bạn đồng môn." Du Thư Lượng liếc nhìn viền mắt thâm quầng của Quan Kiện. "Hình như cậu cũng giống y như tôi hồi còn đi học, cũng thuộc loại "cú đêm"?"
Quan Kiện gật đầu.
"Cậu nhất định là rất siêng năng, chẳng bù với tôi hồi đó, thức khuya toàn là chui vào phòng tối rửa ảnh. Thời gian qua nhanh quá, vừa chớp mắt, mọi người đều đã dùng máy ảnh kỹ thuật số cả rồi."
Quan Kiện lịch sự cười: "Tôi cũng thuộc loại siêng năng. Nhưng khoảng thời gian gần đây, ông nhất định cũng nghe cảnh sát Trần nói, trong cuộc sống của tôi có rất nhiều xáo trộn. Nói thật, có nhiều lúc, tôi thậm chí không biết có nên tin mình hay không nữa." Quan Kiện miêu tả với Du Thư Lượng khả năng thiên phú của mình, có thể nhìn thấy "bọn họ", những thí nghiệm mà anh đã trải qua, cùng với cái chết thê thảm của Thi Thi và người bạn thân Chử Văn Quang.
Du Thư Lượng cũng đã nghe phong phanh về vụ án của Hoàng Thi Di và Chử Văn Quang, "Cho tôi biết, cảm nhận gần đây của cậu, cậu nghĩ những gì, nói những gì?"
"Gần đây, đặc biệt là sau khi bạn gái tôi bị sát hại, tôi phát hiện, thì ra trời thực sự có thể sụp xuống..."
Du Thư Lượng chăm chú lắng nghe Quan Kiện tường thuật lại, trước mắt ông là một chàng trai cùng lúc phải chịu đựng thử thách to lớn về cả sinh lý và tâm lý, ít nhất cũng nói lên rằng, câu chuyện của Quan Kiện rất thành công. "Bọn họ" mà Quan Kiện thấy, sự đau đớn cùng cực kỳ quặc mà anh phải chịu đựng, đây là hai tầng ảo giác từ ý đồ cho đến cảm nhận, hầu như làm cho người ta lập tức nghĩ ngay đến những chẩn đoán có liên quan đến bệnh tâm thần phân liệt – điều này chỉ có thể giải thích bằng ảo giác, ảo giác giống y như thật.
Ảo giác, thật đến một mức độ nhất định nào đó, có còn gọi là ảo giác không?
Trong triệu chứng của bệnh tâm thần đồng thời xuất hiện cơn đau thể xác không rõ tên, hoàn toàn không hiếm gặp, nhưng điều làm cho người ta khó mà tưởng tượng được là, sự xuất hiện của cơn đau và vụ án mưu sát lại diễn ra đồng thời, dường như người bị giải phẫu chính là Quan Kiện vậy.
Các dấu vết chứng tỏ, Quan Kiện dường như đang sống trong một thế giới khác. Lúc nhìn thấy "bọn họ", lúc chịu đựng cơn đau dày vò, Quan Kiện bước vào một thế giới khác, nói là vô thức cũng được, nói là tâm thần phân liệt cũng được, Quan Kiện không còn là chính mình, hoạt động hô hấp cũng không còn chịu sự điều khiển của bản thân nữa.
Nhưng khi Quan Kiện tỉnh dậy, ý thức được sự "xuất hồn" này hết lần này đến lần khác mang lại cho mình tổn thương và dày vò, những người vô tội lần lượt chết đi, áp lực mà anh phải chịu đựng không cần suy nghĩ cũng biết.
"Tôi cứ luôn nghĩ, tại sao lại là tôi? Tại sao lại là tôi nhìn thấy "bọn họ", nhìn thấy cái chết? Tại sao nạn nhân lại là những người sống bên cạnh tôi? Tại sao người gánh chịu đau khổ lại là tôi? Sao tôi lại xui xẻo như vậy chứ? Tôi mới hai mươi mấy tuổi mà đã xui như vậy rồi, sau này thì sao? Nếu như tôi cũng giống như những người bình thường, sống tới bảy tám chục tuổi, thì sẽ còn gặp bao nhiêu chuyện thê thảm nữa đây? Chừng nào mới hết đây? Nói thật..." Quan Kiện nghẹn lời.
"Nói đi, không sao đâu."
Quan Kiện cúi đầu, trầm ngâm một hồi.
Du Thư Lượng nói: "Chẳng lẽ ý cậu là... cậu từng nghĩ đến chuyện tự sát?"
"Khi tâm trạng chán nản, cảm thấy cuộc sống chẳng có gì vui thú, cũng không biết đây có được coi là động cơ tự sát không nữa."
Du Thư Lượng trầm ngâm.
Nếu 1 người "dự báo" được cái chết, tiếp theo là "tận mắt nhìn thấy" cái chết, hết lần này tới lần khác "dự báo" chính xác, hết lần này đến lần khác "chứng kiến", đặc biệt là khi người con gái mà anh ta yêu thương nhất, người bạn thân thiết nhất bị thảm sát, sự đả kích này, có bao nhiêu người đã nếm trải?
Du Thư Lượng hớp một ngụm trà xanh, chậm rãi nói: "Có từng nghe qua tên của Viktor Emil Frankl chưa?"
Quan Kiện sững người: "Hình như thầy đã từng giảng trên lớp, một bác sĩ phân tích thần kinh thì phải, cùng với Floyd là 2 người đã sáng lập ra trường phái phân tích thần kinh gì đó."
Du Thư Lượng nói: "Trí nhớ của cậu cũng không tệ. Frankl là một nhà tâm lý học người Do Thái, đã từng chờ chết trong trại tập trung của Đức Quốc xã, tận mắt chứng kiến nhiều cái chết và sự đấu tranh sinh tồn. Trong trại tập trung, một số người rất có sức chịu đựng, cũng có một số người cả tinh thần và sức lực đều kiệt quệ, không thể sống sót để nhìn thấy được giải phóng. Ông vì ôm hy vọng được đoàn tụ với gia đình và người vợ mới cưới, cùng với tâm nguyện hoàn thành quyển sách nghiên cứu tâm lý của mình, nên mới có thể kiên cường vượt qua được cuộc sống khổ cực trong trại tập trung, nhưng cuối cùng mới biết, vợ ông và cha mẹ, anh em, đều bị thảm sát trong một trại tập trung khác. Nhưng cũng vì vậy mà ông sáng tạo ra Liệu pháp chủ nghĩa tồn tại và Liệu pháp ý nghĩa, ông cho rằng con người dù có gian khổ như thế nào, dù sống trong xiềng xích đi nữa, ít nhất cũng giữ được quyền tự do lựa chọn, lựa chọn ý nghĩa sinh tồn cho riêng mình.Cũng giống như ông ta khi còn ở trong trại tập trung, tuy là bị tước đoạt tự do, nhưng tinh thần vẫn còn tự do, vẫn có thể lựa chọn sự tồn tại của bản thân và ý nghĩa của sự lạc quan. Nếu như tinh thần của một người không thể có được sự tự do, chính là biểu hiện của vấn đề tâm lý và vấn đề tinh thần. Mà nếu như một người tin vào thuyết vận mệnh quyết định, cũng tức là, tinh thần của anh ta sẽ chịu sự trói buộc, không thể tự do lựa chọn ý nghĩa sinh tồn". Du Thư Lượng chăm chú quan sát đôi mắt của Quan Kiện, tin rằng phán đoán của mình nhất định không sai, đây là một chàng trai có ngộ tính (hiểu biết).
Quan Kiện im lặng lắng nghe, anh nghĩ: "Ý của Du Thư Lượng là, "bọn họ" chẳng khác nào làm cho mình tin là số phận đã an bài, không có cách nào thoát ra khỏi số phận, trói buộc sự tự do tinh thần của mình."
Du Thư Lượng nói: "Cũng gần như vậy. Cậu cứ nghĩ đi, tại sao chỉ riêng mình cậu có thể nhìn thấy được tình cảnh giết người trong ảo giác, có thể tự mình cảm nhận được bi kịch bị sát hại. Theo nền tảng chủ nghĩa tồn tại và liệu pháp ý nghĩa của Frankl, một người, khi đã là một "thiên tài", sự tồn tại của anh ta nhất định phải có ý nghĩa, có lẽ, chờ khi mọi việc lộ rõ chân tướng, ý nghĩa của các "khả năng đặc biệt" này, ý nghĩa thật sự của sự tồn tại của cậu, cũng sẽ rõ ràng."