Sinh ra ở Iran, học ngành văn học và điện ảnh ở đại học Paris, định cư ở Canada, Kazemi đã đi đến những nơi nóng bỏng nhất trên thế giới. Bà đã đến châu Phi, các nước Mĩ La tinh và Caribe, các nước thuộc Trung Đông. Bà là một trong những nữ phóng viên nhiếp ảnh không ngại nguy hiểm đã có mặt ở Afganistan và Iraq khi quân đội Mĩ được triển khai ở hai nước này.
Iran, quê hương của Kazemi là một đất nước bất ổn. Con số thống kê không chính thức cho tấy trong hai thập kỉ gần đây, các nhà tù ở Iran đã giam giữ 120 nghìn tù chính trị và những người đấu tranh vì nhân quyền. Đặc biệt từ năm 2000 nước này trở thành mối quan tâm của thế giới bởi một loạt vụ bắt giữ nhà báo và đóng cửa các cơ quan báo chí. Dư luận cho rằng vào tháng Bảy năm 2003, ở thủ đô Teheran có khả năng sẽ xảy ra những cuộc biểu tình lớn. Bởi vậy đầu năm 2003 Kazemi quyết định trở về Iran. Trong email gửi cho con trai mình, Kazemi đã miêu tả tình hình phức tạp ở Iran. Bà viết: “Đất nước đang trải qua những bước ngoặt lí tưởng cho các nhà nhiếp ảnh tác nghiệp”.
Ngày 23 tháng Sáu là một ngày không yên tĩnh ở thủ đô Teheran. Có một cuộc biểu tình của sinh viên đòi thả tự do cho các tù nhân ở bên ngoài nhà tù Evin. Kazemi và ống kính máy ảnh của bà chớp cơ hội ghi lại cảnh biểu tình. Bà đang thực hiện công việc thì bị cảnh sát Iran bắt bởi họ cho rằng Kazemi đã chụp ảnh nhà tù Evin, một điểm cấm chụp ảnh. Mặc dù Kazemi đã khẳng định rằng bà chỉ chụp cảnh biểu tình trên đường phố và không hề chụp ảnh nhà tù Evin, bà vẫn bị giam giữ.
Kazemi bị cảnh sát và sĩ quan tình báo hỏi cung trong 77 giờ. Ngày 27 tháng Sáu bà được đưa vào bệnh viện Baghiyyatollah al- Azam ở Teheran. Một tuần sau gia đình Kazemi nhận được thông báo từ nhà chức trách rằng Kazemi đang ở trong bệnh viện. Ngày 11 tháng Bảy Kazemi qua đời tại bệnh viện. Hai ngày sau, hãng thông tấn báo chí của Iran đưa tin Kazemi “bị đột quỵ trong một cuộc hỏi cung và chết tại bệnh viện”, nhưng cùng ngày dưới sức ép của chính phủ Canada, Tổng thống Iran buộc phải chỉ thị cho một ê kíp gồm năm nhân vật cao cấp của Iran tiến hàng điều tra về cái chết của nữ phóng viên nhiếp ảnh Kazemi. Ngày 24 tháng Bảy Thông tấn xã của Iran đưa tin Kazemi chết do chấn thương sọ não, hậu quả của một vụ đánh đập.
Ngày 21 tháng Bảy, chính phủ Iran chỉ định uỷ viên công tố Saeed Mortaza phụ trách một cuộc điều tra độc lập về cái chết của Kazemi. Ngay khi tin này được thông báo, những chính khách thuộc phe ủng hộ cải cách lên tiếng tố cáo rằng Saeed Mortaza đã không can thiệp để ngăn chặn cái chết của Kazemi, và rằng chính ông ta là người đứng đằng sau một loạt các vụ bắt bớ nhà báo xảy ra ở Iran trong thời gian gần đây.
Con trai của Kazemi và chính quyền Canada muốn thi hài của Kazemi được đưa về Canada, nhưng vào ngày 23 tháng Bảy người ta đã tiến hàng mai táng bà ở Shiraz quê hương của bà theo nguyện vọng của mẹ bà và họ hàng bà ở Iran. Mẹ của bà thừa nhận trong việc này bà phải chịu nhiều sức ép. Bất bình trước diễn biến của sự việc, chính phủ Canada bắt đầu xem xét khả năng áp đặt cấm vận đối với Iran. Chính phủ Iran buộc phải tiếp tục cuộc điều tra.
Ngày 30 tháng Bảy năm 2003, phó tổng thống Iran Mohammad Ali Abtahi nói rằng có khả năng Kazemi đã bị cơ quan tình báo của chính phủ giết hại. Tiếp theo tuyên bố này, tháng Mười năm 2003, nhân viên tình báo 42 tuổi Mohammed Reza Aghdam Ahmadi, người trực tiếp tham gia lấy cung Kazemi đã bị đưa ra xét xử với tội danh giết người phần nào có chủ ý.
Bất bình trước phán quyết của toà án Iran, gia đình của Kazemi đã mời luật sư Shirin Ebadi, nữ luật sư được trao giải Nobel hoà bình vì những nỗ lực bảo vệ nhân quyền ở Iran, giúp họ theo đuổi vụ kiện. Họ tin rằng Kazemi không chết chỉ vì bị nhân viên tình báo hỏi cung mà vì bị đánh đập dã man. Họ muốn kẻ giết người thực sự phải bị xét xử.
Phiên thứ hai và thứ ba của vụ xét xử Mohammed Reza Aghdam Ahmadi được mở vào tháng Bảy năm 2004. Luật sư Shirin Ebadi và các đồng sự dẫn ra báo cáo chính thức về cái chết của Kazemi, báo cáo xác nhận trên thi thể Kazemi có những vết thương nghiêm trọng ở đầu, ở tay, ở bụng, những chỗ rách và dính máu trên quần áo chứng tỏ bà đã bị tra tấn. Các luật sư yêu cầu toà án cho mời các nhân chứng bao gồm năm thẩm phán có mặt trong các lần hỏi cung Kazemi, ông Saeed Mortazavi, uỷ viên công tố Teheran, bộ trưởng tình báo Iran ông Ali Younesi, phó tổng thổng phụ trách các vấn đề luật pháp ông Mohammed Ali Abtahi. Bà cũng yêu cầu sự có măặ của một số nhân sự của nhà tù Evin và bệnh viện Baghiyyatollah al-Azam. Toà án Iran đã bác bỏ tất cả những yêu cầu đó.
Không có đủ thời gian để đưa ra bằng chứng, nhân chứng cần có mặt lại không có mặt là những lí do khiến Shirin Ebadi và các luật sư của gia đình Kazemi buộc phải chấp nhận để các phiên xét xử khép lại. Tuy nhiên luật sư Shirin Ebadi và một số luật sư tâm huyết tuyên bố sẽ tiếp tục theo đuổi vụ kiện. Họ muốn toà án xét xử tội phạm của Iran xem xét lại toàn bộ vụ án và nếu gia đình của Kazemi đề nghị, họ sẽ đưa vụ việc ra các cơ quan quốc tế có thẩm quyền.
Trong khi những người yêu chuộng sự thật và tôn trọng công lí vẫn đang đi tìm công bằng cho Kazemi thì vào tháng Sáu năm 2005, một triển lãm trưng bày các bức ảnh do Kazemi chụp đã được khai trương tại thư viện thành phố Montréal, Canada. Lúc đầu những người tổ chức triển lãm đã có ý định loại các bức ảnh được coi là nhảy cảm ra khỏi danh sách những bức ảnh được trưng bày, song con trai của Kazemi đã không chấp nhận điều đó. Tất cả hoặc không có gì, anh tuyên bố. Cuối cùng tất cả các bức ảnh của Kazemi đều được giới thiệu tới công chúng. Nhưng đáng tiếc là triển lãm sau đó lại bị đóng cửa vì một luật sư cho rằng, trong triển lãm có những bức ảnh có thể gây bất đồng.
Quyền tự do báo chí được tôn trọng đến đâu? Chúng ta muốn thấy sự thật hoàn toàn hay sự thật nửa vời? Đó là những câu hỏi mà nữ phóng viên nhiếp ảnh Zahra Kazemi đã can đảm đặt ra cho thế giới.