Simone de Beauvoir là người con của thành phố Paris. Bắt đầu tập viết văn từ khi tám tuổi nhưng lại theo học ngành triết học tại đại học Sorbonne, Beauvior đã hoàn tất sự nghiệp của mình với gần hai mươi tác phẩm gồm tiểu thuyết và lý luận được bạn đọc trên khắp thế giới tìm đọc. Các tác phẩm tiêu biểu của bà phải kể đến cuốn Nàng đến để ở lại, Cái chết dễ dàng, Tất cả đã được nói và làm, Luân lý khó phân định v.v…
Điểm lại sự nghiệp của Beauvoir ai cũng đồng tình rằng chính cuốn Giới thứ hai (The second sex) đã đánh dấu ảnh hưởng rộng rãi của bà đối với thế giới. Cuốn sách là một công trình lý luận triết học về phụ nữ, xuất phát từ quan điểm nam nữ bình quyền. Cuốn sách xoay quanh vấn đề: Phụ nữ bị kẹt trong tình trạng bị áp bức lâu dài qua sự loại bỏ mình nên trở thành giới ít quan trọng hơn (giới thứ hai) trong mối quan hệ với nam giới.
Sử dụng kiến thức của nhiều lĩnh vực khác nhau, Beauvoir khẳng định rằng khoa học sinh học, thần thoại học, nhân loại học không ngành nào đủ khả năng để giải thích định nghĩa phụ nữ là giới thứ hai đối với nam giới cũng như vị thế áp bức của họ, nhưng mỗi ngành này đều góp phần tạo nên vị thế đó của phụ nữ. Đáng chú ý là những diễn giải về thần thoại của bà đối với vai trò này. Bà chỉ ra rằng những thần thoại về người mẹ, về tổ quốc, thiên nhiên v.v… trói buộc phụ nữ vào cách hình mẫu lý tưởng bất khả thi bằng cách chối bỏ cá nhân và vị thế của mọi loại phụ nữ. Hình mẫu lý tưởng này tạo ra sự kì vọng không tưởng bởi nhiều biểu hiện của thần thoại về phụ nữ cho thấy sự mâu thuẫn. Chẳng hạn lịch sự cho thấy có bao nhiêu đại diện cho hình ảnh người mẹ là thần hộ mệnh được kính trọng thì cũng có bấy nhiêu hình ảnh người mẹ được miêu tả như những kẻ báo hiệu cái chết. Vì thế những người mẹ vừa được yêu lại vừa bị ghét. Có thể thấy sự mâu thuẫn này ở tất cả các thần thoại về phụ nữ và như vậy khiến cho phụ nữ mang gánh nặng và trách nhiệm về sự tồn tại. Xét đến vấn đề sinh học và lịch sử, Beauvoir lưu ý rằng phụ nữ có những thiên chức mà nam giới không hề có như mang thai, nuôi con, có kinh nguyệt, góp phần tạo cho vị thế của người phụ nữ có sự khác biệt rõ rệt. Tuy nhiên những biểu hiện sinh lý này không trực tiếp làm cho phụ nữ có vị thế thấp kém hơn bởi yếu tố sinh học và lịch sử không đơn thuần là những sự thật thu được từ sự quan sát không thành kiến mà luôn được cấu thành và giải thích từ một hoàn cảnh. Kết thúc chương I bà viết: “Chúng ta phải xét các lập luận sinh học trong ánh sáng của một bối cảnh liên quan đến tâm lý học, xã hội học, bản thể học, kinh tế học. Sự nô dịch phụ nữ và sự giới hạn sức mạnh đa dạng của họ là cực kỳ quan trọng; cơ thể của phụ nữ là một trong những yếu tố tạo nên vị thế của phụ nữ trong thế giới này. Nhưng yếu tố đó không đủ để định nghĩa phụ nữ là phụ nữ (giới thứ hai). Sinh học không đủ khả năng trả lời chúng ta câu hỏi đang đặt ra: Tại sao phụ nữ lại là giới thứ hai; nhiệm vụ của chúng ta là khám phá bản chất của phụ nữ bị ảnh hưởng như thế nào trong quá trình lịch sử; chúng ta phải tìm ra bằng gì loài người đã tạo ra phụ nữ”.
Từ những luận giải trên, Beauvoir chủ ý phá bỏ luận bản chất cho rằng đàn bà sinh ra đã là “đàn bà” (là phái yếu) chứ không phải trở thành như vậy qua quá trình vận động của xã hội. Bà dẫn ra quá trình giáo dục mà người phụ nữ nhận được từ khi còn bé cho tới khi bắt đầu trải nghiệm đời sống tình dục và ở mỗi giai đoạn bà đều chứng minh được rằng, phụ nữ bằng sự chấp nhận vai trò bị động trước những nhu cầu chủ động và chủ quan của đàn ông đã buộc phải từ bỏ đòi hỏi đối với tính siêu nghiệm (sự vượt trội) và tính chủ quan đích thực như thế nào.
Qua lý luận của mình, Beauvoir muốn quả quyết rằng: Phụ nữ có khả năng lựa chọn như nam giới và vì thế có thể lựa chọn nâng cao vị thế của mình lên. Bà chỉ ra rằng phụ nữ cần phải giải phóng mình và phục hồi cái tôi của mình, trước hết bằng cách cho phép mình vượt lên bằng những hướng đi tự do, tự hào về bản thân mình trong suy nghĩ, trong sáng tạo, trong hành động giống như nam giới. Bà cũng đặt ra những đòi hỏi đối với xã hội trong mục tiêu hướng tới bình đẳng nam nữ. Theo bà muốn đạt được mục tiêu đó thì các cấu trúc xã hội như luật pháp, giáo dục, phong tục v.v… cần phải được điều chỉnh.
Chứa đựng tư tưởng triết học mới mẻ và táo bạo như vậy nên không có gì khó hiểu khi vào thời điểm cuốn Giới thứ hai được xuất bản lần đầu vào năm 1947 nó lại vị Vatican liệt vào danh sách những cuốn sách bị cấm. Rõ ràng những gì Beauvoir luận giải thách thức không ít những quan điểm về phụ nữ đã tồn tại từ lâu và không thể phủ nhận rằng những tư tưởng của Beauvoir có đủ sức mạnh khuấy động ý thức vươn lên của người phụ nữ và làm cho những người đàn ông có tư tưởng trọng nam khinh nữ không hài lòng. Giới thứ hai có ảnh hưởng lớn đến nỗi người ta cho rằng Beauvoir là mẹ đẻ của phong trào đòi nam nữ bình quyền hậu 1968. Trải qua hơn gần một thế kỷ, cuốn sách vẫn được coi là một tài liệu cơ bản phục vụ nghiên cứu về triết học, và về phụ nữ. Bước sang thế kỷ XXI, nó có thêm rất nhiều độc giả là những người phụ nữ đã có vị thế ngang bằng với đàn ông cả ở trong gia đình và ngoài xã hội.