Sau một ngày làm việc mệt nhọc ở cửa hàng, Rosa Parks bước chân lên chiếc xe buýt dừng đón khách tại đại lộ Cleveland để về nhà. Bà trả tiền vé và tìm một chỗ ngồi thuộc hàng ghế đầu tiên dành cho người da đen. Trước mắt bà là bảy hàng ghế dành cho người da trắng.
Tất cả các ghế dành cho người da trắng đều đã có người ngồi và chiếc xe bắt đầu chạy theo lộ trình quen thuộc. Thế nhưng đến trạm dừng thứ ba lại có thêm vài người da trắng nữa bước lên xe và tay lái xe tên là Blake liền chuyển cái biển quy định chỗ ngồi cho người da đen xuống phía sau Rose Parks đồng thời bắt bốn người da đen ngồi đằng trước tấm biển phải đứng dậy lấy chỗ cho người da trắng mới lên xe. Ba người khác lặng lẽ đứng dậy chỉ duy nhất Rosa Parks là không. Tay lái xe gắt: "Tại sao bà không đứng dậy?" Rosa Parks đáp bằng giọng kiên quyết: "Tôi không nghĩ là tôi phải đứng dậy". Tay lái xe gọi cảnh sát đến bắt bà.
Luật áp dụng ở Montgomery, bang Alabama, cho phép sự phân biệt chủng tộc xảy ra gay gắt trên xe buýt. Theo luật, mỗi xe buýt đều có một tấm biển quy định chỗ ngồi cho người da đen, một tấm biển có thể được di chuyển (thường chỉ được di chuyển về phía sau) để đảm bảo rằng tất cả những người da trắng đều được ngồi ở những chỗ tốt nhất. Người da đen không được phép ngồi ở những hàng ghế đầu mà thường phải ngồi ở những hàng ghế sau có khi từ hàng ghế thứ mười trở đi. Người da đen không được phép ngồi ngang hàng với người da trắng. Nếu trong xe đã có người da trắng ngồi sẵn rồi thì người da đen có thể bước lên cửa trước để mua vé nhưng sau đó phải xuống xe rồi lên xe theo lối cửa sau chứ không được đi qua người da trắng. Và nhiều khi những tên lái xe buýt cứ thản nhiên cho xe chuyển bánh bỏ lại những hành khách người da đen đã trả tiền vé mà chưa kịp tìm đến cửa sau của xe.
Rosa Parks bị buộc tội vi phạm mục 11 thuộc Chương 6 của Luật phân biệt chủng tộc. Nhờ sự bảo lãnh của hai luật sư E.D. Nixon và Clifford Durr bà được tại ngoại. Luật sư Nixon khuyên bà theo đuổi vụ án để thay đổi tình trạng phân biệt chủng tộc trên xe buýt ở Montgomery. Vào ngày 5 tháng Mười hai năm 1955, tức là bốn ngày sau khi Rosa Parks làm các việc chưa một người da đen nào từng làm trên xe buýt ở Montgomery, phiên toà được mở và sau ba mươi phút xử án, thẩm phán tuyên bố Rosa Parks phải nộp mười đô la tiền phạt và bốn đô la án phí. Rosa Parks kể lại: "Tôi không muốn bị ngược đãi, tôi không muốn người ta cướp mất chỗ ngồi mà tôi đã trả tiền. Đã đến lúc... và có cơ hội để tôi thể hiện cảm giác bị ngược đãi. Tôi không cố tình để bị bắt. Tôi còn nhiều việc phải làm hơn là ngồi trong tù. Nhưng khi đứng trước quyết định đó, tôi không ngần ngại bởi người da đen chúng tôi đã chịu đựng quá nhiều rồi. Chúng tôi càng nhượng bộ thì chúng tôi càng phải tuân theo cách đối xử đó và càng phải chịu ức hiếp".
Hành động kháng lại sự phân biệt chủng tộc trên xe buýt và phiên toà xét xử bà đã làm dấy lên một chiến dịch tẩy chay xe buýt trong cộng đồng người da đen ở Montgomery. Tổ chức "Cải thiện Montgomery" do Martin Luther King lãnh đạo đã vạch ra đường hướng và cách thức tiến hành cuộc đấu tranh này. Một ngày sau khi Rosa Parks bị bắt, hơn 35 nghìn tờ thông báo về chiến dịch tẩy chay đã được phát đi. Kế hoạch của chiến dịch nhanh chóng được phổ biến ở các nhà thờ dành cho người da đen. Trong ngày diễn ra phiên toà xử Rosa Parks đã có tới 35 nghìn tờ truyền đơn được rải khắp thành phố. Bất cứ người nào đi trên đường phố Montgomery hôm ấy cũng có thể nhặt được một tờ truyền đơn với những dòng chữ: "Chúng tôi kêu gọi tất cả người da đen ãy tẩy chay những chuyến xe buýt thứ Hai để phản đối việc bắt giữ và xét xử Rosa Parks... Trẻ em, người lớn, xin các bạn đừng đi xe buýt ngày thứ Hai". Hưởng ứng lời kêu gọi đó, hầu hết bốn mươi nghìn người da đen trong ngày thứ Hai đã đi bộ đến chỗ làm việc, mặc dù có người phải đi bộ tới ba mươi cây số. Những người không thể đi bộ tới trường học hay nhà máy đều tìm phương tiện khác chứ nhất định không chịu lên xe buýt. Chiến dịch tẩy chay kéo dài 382 ngày.
Vì người da đen chiếm 75% tổng số khách đi xe buýt thường xuyên nên sự tẩy chay của họ đối với phương tiện giao thông này khiến nhiều chiếc xe buýt không có khách để chạy, dẫn tới thiệt hại không nhỏ về tài chính cho các công ty vận tải công cộng. Cùng với sự đóng góp tích cực của các luật sư tâm huyết trong các vụ kiện đòi quyền công bằng cho người da đen, chiến dịch tẩy chay xe buýt cuối cùng đã đạt được kết quả mong muốn. Ngày 13 tháng Mười năm 1956 Toà án tối cao của Mĩ tuyên bố dỡ bỏ qui định phân biệt chủng tộc trên xe buýt. Kể từ đó những hành động phân biệt chủng tộc trên xe buýt được coi là hành động trái pháp luật.
Rosa Parks đã trở thành một biểu tượng của phong trào đấu tranh vì quyền lợi của công dân. Sau vụ việc đó bà bị mất việc và bà đã cùng chồng chuyển đến Hampston rồi đến Detroit. Năm 1965 đại diện người Mĩ gốc Phi John Conyers tuyển bà làm thư ký văn phòng của ông ở Detroit. Bà làm việc ở đó cho tới khi về hưu.
Ngày 24 tháng Mười năm 2005 Rosa Parks từ trần ở tuổi chín hai. Thi hài của bà được chuyển bằng máy bay về Montgomery và được đưa bằng xe ngựa tới nhà thờ thánh Paul. Vào ngày nhân dân Montgomery cử hành lễ tang Rose Parks các hàng ghế trước của mọi xe buýt chạy trong thành phố đều có thắt những dải băng tang để tưởng nhớ người phụ nữ đã góp phần xoá bỏ một điều luật bất công, góp phần xoá bỏ nạn phân biệt chủng tộc không chỉ trên xe buýt mà ở khắp mọi nơi, để mọi con người đều được đối xử công bằng cho dù họ mang màu da nào.